(Mã số 18-006)
Một chiều ngày đông. Mưa. Gió. Rét. Lạnh căm. Tan ca, rời khỏi nhà xe chỉ kịp đeo chiếc headphone vào tai, Đức phóng thẳng về nhà.
“Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì, trên đường bà thấy những gì xin kể cho chúng tôi nghe, xin kể cho chúng tôi nghe”… Ôi, thật Mẹ Maria ơi, cái gì to thù lù thế kia…
Đức choáng váng trước vật thể lạ nằm chềnh ềnh ngay đầu đoạn rẽ vào đường về nhà mình. Dự cảm có chuyện chẳng lành, cậu rồ ga cho xe chạy nhanh về phía trước.
- Máu…máu… Ôi, Chúa ơi… có người…có người…
Sợ hãi, Đức lùi dần về phía sau. Mồ hôi trên trán cậu túa ra.
- Bình tĩnh…bình tĩnh lại… Làm gì…làm gì bây giờ?
Vừa sợ vừa lo nhưng cậu vẫn tỉnh táo nhận ra điều cấp bách lúc này là cứu người. Phải rồi, cứu người. Gấp gáp, Đức đứng dậy, vẫy tay ra hiệu với những người đi đường. Cậu kêu lớn:
- Ở đây có người bị tai nạn. Làm ơn giúp chúng tôi với! Xin giúp chúng tôi…
Nhưng… chẳng có ai thèm quan tâm đến lời khẩn cầu, đến cánh tay cậu đang giơ ra vô định dưới ánh đèn xe leo lét, mong mỏi một tấm lòng hảo tâm đỗ lại cứu người gặp nạn. Chợt, có một chiếc taxi tấp vô. Người tài xế ngồi trong xe ngoái cổ ra:
- Tai nạn hả, lên xe đi, đắt gấp đôi ngày thường thì đây chở không thì thôi…
Chẳng rõ ông tài đã nói gì, Đức vội vàng đỡ người bị nạn lên chiếc taxi còn mình thì phóng xe máy theo sau.
Giữ được bình tĩnh đến tận bây giờ có lẽ với cậu là cả một kì tích kể từ sau đêm định mệnh ấy- cái đêm mà cả gia đình, ba mẹ, chị hai cùng rời bỏ cậu đề về với Chúa. Họ đã mất trong một vụ tai nạn thảm khốc. Năm ấy cậu vừa tròn sáu tuồi. Sáu tuổi, cái tuổi quả nhỏ để chứng kiến sự ra đi của những người thân nhưng tận mắt cậu đã phải thấy sự bất động của ba mẹ, của chị gái giữa vũng máu đỏ loang lổ. Cũng chính cậu đã phải gào thét trong đau đớn, trong tuyệt vọng kêu xin sự thương xót của những người đi đường. Giả như lúc đó có ai chịu đứng lại giúp cậu thì có lẽ bây giờ ba mẹ, chị hai của cậu vẫn sống. Nhưng không, mọi người đểu bỏ mặc cậu. Chẳng ai chịu giúp cũng chẳng ai chịu quan tâm đến sự hiện diện của cậu trong đêm tối. Tất cả, tất cả lướt qua cách vội vàng, nhanh chóng như thể họ sẽ bỏ lỡ điều gì tuyệt vời lắm nếu nán lại vài giây với cậu. Đêm tai nạn kinh hoàng đó đã khiến một cậu nhóc sáu tuổi gần như rơi vào trầm cảm. Sự ám ảnh quá lớn khiến cậu bé lớn lên trong sự sợ hãi mỗi khi nhìn thấy máu hay thấy người bị thương. Nhưng lần này mọi chuyện đã khác. Con tim yêu thương mạnh mẽ lên tiếng không cho phép cậu làm ngơ trước sự sống mong manh của con người. Con tim ấy cũng khiến cậu có đủ sức mạnh để chiến thắng nỗi sợ của bản thân. Đã đến lúc cậu được sống là chính mình…
Tiếng còi cấp cứu kêu inh ỏi. Qua hàng nước mắt như bụi mờ làm nhòe ánh nhìn, Đức chỉ thấy mấy người mặc áo trắng muốt đang hối hả chạy theo chiếc xe chở người bị nạn. Cậu ngã khuỵu xuống sàn. Mặt thất thần. Ánh mắt lo âu. Miệng cậu lắp bắp điều gì đó đủ nhỏ để chẳng ai nghe rõ:
- Lạy… Chúa… con…xin…cứu…cứu…anh…anh ta…
Ngoài kia trởi vẫn đang mưa mà chẳng có dấu hiệu sẽ tạnh trong đêm. Đức ngồi bất động trên hàng ghế dài bệnh viện nghe tiếng mưa rả rich, rả rich qua từng kẽ lá. Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ đêm định mệnh ấy nhưng hình ảnh đau thương về tai nạn năm xưa vẫn còn đó. Có vẻ như theo thời gian câu chuyện về một gia đình xấu số đã lùi xa, quá khứ đã bị phủ một lớp bụi mờ, nhưng vết thương trong tim cậu con trai ở lại thì chưa khi nào được chữa lành. Có những lúc, hàng đêm Đức không dám ngủ bởi cậu sợ rằng nếu nhắm mắt lại thì hình ảnh ba mẹ, chị hai nằm bất tỉnh, bên cạnh chiếc xe đổ sõng soài trên đường phố giữa màn đêm đen đặc lại hiện về. Nỗi đau quá lớn với một cậu bé con vừa bước chân vào lớp một khiến ai đó kịp nhớ lại cũng cảm thấy quặn lòng, xót xa. Thương cho con trẻ chỉ sau một đêm mà mồ côi cả cha lẫn mẹ, Cha Mân đã đưa Đức về cưu mang, che chở, chăm sóc. Sự vị tha, lòng nhân hậu của Cha tựa như liều thuốc quý dần lấp đầy khoảng trống đau thương trong trái tim cậu nhóc bé con. Bởi vậy nên giờ đây nhìn người đàn ông xa lạ quằn quại đau đớn trên chiếc xe đẩy vào phòng cấp cứu, kí ức xưa tựa như đã ngủ quên một lần nữa lại hiện về. Thật, khi trái tim người trẻ đủ lớn để hiểu được tính mạng của con người quý giá đến như thế nào, Đức không muốn những gì xảy đến với ba mẹ cậu lặp lại với người đàn ông đáng thương kia. Lo lắng khiến cậu chỉ biết cầu xin Chúa thật nhiều, xin Chúa đừng để bàn tay tử thần chạm đến con người ấy, để sau cậu chẳng còn cô bé cậu bé nào phải chịu nỗi đau mất người thân thêm nữa.
Chợt, cánh cửa phòng cấp cứu mở ra. Cô y tá bước đến trước mặt Đức, hỏi:
- Cậu là người nhà bệnh nhân sao?
- Dạ, vâng…
- Tình huống rất nguy kịch, bệnh nhân đang mất rất nhiều máu, mà ngân hàng máu của bệnh viện không còn nhóm máu phù hợp, anh có muốn hiến máu cho bệnh nhân không?
- Dạ…dạ…cháu có, thưa bác sĩ.
- Vậy mời anh đi theo tôi để làm xét nghiệm và truyền máu cho bệnh nhân.
Đức bước nhanh theo sau cô y tá đến phòng xét nghiệm. Lúc này cậu chẳng nghĩ được điều gì khác ngoài bằng mọi giá phải cứu sống con người đó. Cậu thật khác người! Cậu cũng có thể chọn làm như bao ai kia, phóng xe ù trong đêm mưa về với gia đình, về với mâm cơm đầm ấm nghi ngút khói trong tiếng nói cười rôm rả của cha, của các anh. Cậu cũng có thể từ chối khi cô y tá hỏi ai là người nhà bệnh nhân và thậm chí cũng có thể nói không khi bệnh viện cần người hiến máu. Nhưng, cậu đã chọn cách đi ngược dòng dù cho con đường ngược dòng ấy không hề đơn giản, không hề dễ dàng. Cậu không sợ bởi đời cậu có Chúa, có Mẹ. Tình yêu Chúa dành cho cậu quá lớn khiến cậu không cho phép mình được sống ích kỉ với bất kì ai. Chính Chúa đã ưu ái cho cậu được sống trong vòng tay yêu thương của vị mục tử nhân lành, đã cho cậu có cơ hội lớn lên với một tâm hồn, một trái tim nguyên vẹn. Cũng chính Người đã dạy cậu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, thì giờ đây không có lí do gì khiến cậu phải chần chừ, suy tính trước việc cứu sống một mạng người ngay trên bờ vực của cái chết.
Mới đó cũng đã tờ mờ sáng. Suốt đêm Đức cũng chỉ liu riu chứ chắng dám chợp mắt. Cũng may đêm qua sau khi truyền máu xong cậu đã nhắn tin về để Cha khỏi lo lắng. Sáng nay, đợi người bệnh tỉnh lại cậu sẽ về nhà.
- Này chàng trai trẻ, cậu là người nhà bệnh nhân bị tai nạn đêm qua à? Cậu có thể vào thăm bệnh nhân rồi, nhớ là nói năng nhỏ nhẹ kẻo làm ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh nhé.
- Dạ, cháu cảm ơn bác sĩ nhiều.
Đức đẩy cánh cửa bước vào. Một giây…hai giây…ba giây… Cậu đứng chết trân một chỗ, lặng người trước khuôn mặt người đàn ông đang nằm trên giường bệnh. Cậu toan quay ra nhưng lí trí khiến cậu ở lại. Hít một hơi thật sâu, gương mặt lạnh tanh, Đức lên tiếng hỏi:
- Anh thấy trong người thế nào? Ổn cả chứ?... Nếu anh đã ổn tôi xin phép ra về…
- Khoan… khoan đã… cậu… cậu Đức... Tôi… cảm ơn…cảm ơn cậu nhiều… Tôi…tôi… xin lỗi…
- Hừm, tôi cứu anh đơn giản vì lúc đó tôi không nhận ra anh. Nhưng nếu nhận ra tôi vẫn sẽ cứu bởi đó là điều Chúa của tôi đã dạy tôi, và cũng là điều cha Mân luôn nhắc nhở tôi. Còn xin lỗi, tôi không phải là người anh cần xin lỗi, mà người đó phải là ai chắc anh đã biết. Chào anh, tôi về.
Nói rồi Đức quay lưng bước đi. Cậu muốn bước thật nhanh ra khỏi căn phòng ngột ngạt này. Cậu không thể ngờ rằng người đàn ông mình đã cứu trong đêm tối, người cậu đã lo lắng, thấp thỏm lại là con người ấy - Ba Lân, trưởng cục cảnh sát thành phố…
- Linh mục Mân, dạo này ông vẫn khỏe chứ? Lâu rồi chúng ta không có gặp nhau nhỉ?- Ba Lân giọng chế giễu.
- Thưa cảnh sát trưởng Ba Lân, tôi vẫn khỏe, cảm ơn… Còn việc gặp nhau à… Tôi có việc gì cẩn gặp anh nhỉ?
Cha Mân giương mắt nhìn thẳng vào viên cảnh sát trưởng hống hách khiến anh ta có phần né tránh. Giữ bình tĩnh, Ba Lân lên tiếng lấy lại uy thế:
- Được, được lắm mà... Tôi nghe nói độ này linh mục Mân hay nhắc đến chúng tôi khi giảng lễ nhỉ? Ông khen chúng tôi với bà con giáo dân à? Liệu tôi có phải đại diện anh em trong ngành cảm ơn lòng tốt của linh mục không nhỉ? Hay là tôi cho xe vào đón linh mục ra thành phố làm lễ tuyên dương nhé?
Chợt, Ba Lân đứng dậy bước vòng ra sau ghế chỗ Cha Mân đang ngồi, ghé sát tai Cha, bằng giọng đe nẹt, ông ta nói:
- Lần cuối cho ông nhé! Nếu ông vẫn còn tiếp tục tôi không để yên cho ông muốn làm gì thì làm đâu.
Nói rồi Ba Lân cùng tay sai kéo nhau ra về, cũng nhanh chóng, lanh lẹ như cái cách họ xuất hiện. Nhưng thật chẳng bao giờ họ chịu để yên cho Cha Mân. Ban ngày họ thuê người rải truyền đơn gieo rắc thông tin sai lệch, bôi nhọ thanh danh của Cha. Ban đêm họ lại ngụy trang thành những tên côn đồ xông vào quấy nhiễu, nhũng loạn nơi Cha ở. Có những đêm xuất hiện hàng mấy chục tên tay lăm lăm dao, gậy, ống típ nhảy vào phá cửa, đập vỡ đồ đạc trong phòng khách. Chúng còn ra tay đánh Cha Mân và các cậu ứng sinh sống cùng Cha nữa. Sau lần ấy, Cha Mân yếu đi nhiều vì phải nhập viện để nối lại xương sống. Mọi chuyện xảy đến với Cha, Đức chứng kiến tất cả. Cậu nhớ rất rõ khuôn mặt kẻ đã đe dọa, khích bác Cha bằng sự chế giễu hả hê đến lạnh xương sống. Cậu cũng nhớ rõ nét mặt đau đớn của Cha hứng trọn cả cây gậy vào lưng lúc đỡ đòn cho cậu. Làm sao cậu có thể quên được những tên ác nhân, những tên côn đồ ấy. Làm sao cậu có thể quên được những tên vì tiền tài, danh vọng, lợi lộc mà đang tâm bôi nhọ, đấu tố linh mục thân yêu của cậu. Chính cậu đã từng tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ tha thứ cho những con người ấy. Nhưng thật không ngờ, ý Trời lại khiến cậu gặp lại Ba Lân trong hoàn cảnh trớ trêu này. Thật nực cười!
Vừa về đến phòng, Cha Mân đã gọi cậu vào để hỏi thăm:
- Đức, sao con đã về rồi, người đàn ông kia sao rồi?... Có chuyện gì sao? Có cần ta giúp gì không?
- Cha ơi, ông ta… ông ta là Ba Lân.
Thoáng chút bàng hoàng nhưng không để Đức nhận ra điều ấy, Cha Mân tiến lại gần vỗ vai cậu:
- Con trai yêu dấu của ta, là Ba Lân thì có điều gì khiến con phiền lòng thế. Con đang cứu người mà. Cứu người đâu thể phân biệt người này người kia đâu con. Ta biết con giận Ba Lân vì ông ta đã từng làm hại ta, nhưng con trai yêu dấu của ta ạ, chính dân riêng được Chúa tuyển chọn lại là những kẻ trao nộp Người, nhục mạ Người nhưng vì yêu thương Người vẫn tha thứ, vẫn chọn hiến thân mình trên thập giá để cứu lấy nhân loại khỏi án phạt đời đời, vậy thì vì lý do gì con lại buồn lòng khi mình đã cứu được một mạng người chứ. Đừng suy nghĩ nhiều nữa, hãy quay lại chăm sóc ông ta. Hãy chắc chắn với ta một điều rằng con sẽ chỉ về nhà khi người đàn ông đó hoàn toàn bình phục.
- Nhưng…
- Không nhưng nhị gì hết! Con tự đi hay để ta chở con đi?
- Dạ…
Đức lái xe trở lại bệnh viện mà lòng đầy an nhiên, thanh thản. Lại một lần nữa Cha Mân dạy cậu bài học của sự bao dung, của lòng vị tha. Bài học này sẽ là mãi là hành trang, là kim chỉ nam cho cậu ra đi giúp đời giúp người. Những người cậu gặp cho dù có là ai đi chăng nữa, chỉ cần cậu mở lòng đón nhận bằng tình yêu thương thì mọi xa cách, mọi hận thù, mọi ân oán sẽ chỉ như lớp bụi mờ của thời gian trôi tuột mất sau cơn mưa rào nặng hạt.
Hai tuần sau, Ba Lân được xuất viện. Chiếc xe chở ông không về nhà ngay mà dừng lại trước cổng nhà Cha Mân.
- Chào linh mục, linh mục vẫn khỏe chứ?
- Lần này thì tôi có thể nghĩ anh hỏi thăm tôi thật lòng nhỉ?
- Hà hà, thật lòng… Phải rồi, thật lòng… Thưa linh mục, cậu Đức có nhà không?
- Anh cứ vào trong, tôi sẽ gọi Đức ra cho anh.
Trong căn phòng khách nhỏ xinh, còn thơm mùi gỗ, ba con người một già hai trẻ ngồi trầm ngâm cạnh nhau bên tách trà nóng còn nghi ngút khói. Ba Lân cất tiếng phá tan bầu không khí im lặng:
- Lần này tôi đến… là để xin lỗi linh mục vì những điều không tốt tôi đã làm… và tôi cũng muốn…
Chuyển ánh nhìn sang phía Đức, Ba Lân chậm rãi tỏ bày:
- Cậu Đức, nói ra những lời này tự tôi cũng thấy thật đáng xấu hổ. Chắc cậu vẫn còn giận. Đã gây ra bao nhiêu sự mà tôi lại mong một lời xin lỗi có thể nhận được sự tha thứ từ linh mục Mân và tử cậu… Ha ha, tôi thật quá ảo tưởng nhỉ… Nhưng thật sự sau tai nạn đêm hôm ấy tôi nghĩ mình đã chết, vậy mà tôi lại được cậu cứu, được cậu truyền máu cho. Sau tất cả tôi chẳng đáng được như vậy nhưng thật không ngờ… Cảm ơn cậu rất nhiều. Cảm ơn vì đã… cho tôi được sống thêm một lần nữa…
Có lẽ đây là lần đầu tiên Đức thấy Ba Lân hiền lành, điềm đạm đến vậy. Hình ảnh này khác hoàn toàn với Ba Lân trước đây mà cậu từng gặp: hung hăng, ngạo mạn, hách dịch. Thật như người đời vẫn nói, con người ta từ cõi chết sống dậy thường sống triết lí hơn, sống đẹp hơn và suy nghĩ cũng đổi khác hơn. Nhưng với Đức, cậu hiểu được rằng mọi sự ở đời này đều do bàn tay Chúa. Chính Chúa đã tác động, đã dẫn một con người cứng lòng, chai đá như Ba Lân trở lại với đường ngay công chính, trở lại với sự lương thiện tuyệt hảo mà Chúa đã đặt sâu trong trái tim mỗi con người.
- Ba Lân, sao anh lại nói vậy nhỉ. Cha Mân còn tha thứ cho anh nữa mà. Làm sao tôi có thể cố chấp không bỏ qua được cho một người biết hối lỗi chứ.
- Này Ba Lân, tôi không nghĩ một người như anh cũng có lúc sướt mướt thế này đâu đấy.- Cha Mân tếu táo.
- Hà hà, đời người mà, ai chẳng có lúc này lúc kia phải không linh mục, phải không cậu Quân?
- Ờ… ờ… phải, phải…
Nhìn người Cha yêu thương và viên cảnh sát nói cười rôm rả, lòng Đức dâng trào hạnh phúc. Quả thực mọi sự đã theo ý Chúa. Chính Người đã làm thay đổi tất cả. Từ đây căn phòng này sẽ chẳng còn những tiếng hằm hè, những giọng nói đe nẹt mà sẽ mãi vang vọng những tiếng cười, những chuyện thăm hỏi thân tình. Từ đây sợi dây yêu thương sẽ được nối dài, nối dài thêm mãi…