Phố Abồ -- truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây

Quang X Nguyen

Truyện Ngắn: Phố ABỒ


Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.


Chẳng bù lại cho Sydney, tòa nhà con sò Opera trắng toát kim cương, lấp lánh bạc vàng. Cầu Harbour bắc ngang lung linh soi bóng màu xanh biêng biếc đại dương. Đêm giao thừa, pháo bông bắn chạy dọc ngang đốt sáng rực một cõi thiên thai. Tuyệt vời! Thiên đàng hạ giới!

Melbourne, thành phố văn hóa một ngày bốn mùa duyên dáng như cô gái tuổi hai mươi lăm, không quá trẻ để mà ngớ ngẩn ăn nói vô duyên mất lòng thiên hạ, mà cũng không đã toan về già tàn phai nhan sắc.

Brisbane, khu phố Việt rộn ràng hàng quán. Muốn dựa mận thịt chó hả? Cứ kín đáo ghé vào nói nhỏ mấy câu thôi. Nhớ! Đừng có ồn ào tuồng như chợ trời Dandenong, thiên hạ Úc Châu biết, người ta cười cho vào mặt. Ừ, nói nho nhỏ thôi. Bồi bàn trong bếp khệ nệ bưng ra ngay tô medium, bốc khói thơm mùi mẻ cười cười nói khẽ dựa mận kangaroo chính hiệu con nai vàng Úc Châu.

Adelaide và Perth nào chịu thua kém, bên tám bên mười, tiết canh lòng lợn, mỗi phố một vẻ mười phân vẹn mười. Tới đi, biết liền. Bảo đảm thịt chó chính hiệu Kiếm Đen Ông Tạ! Nếu không hài lòng với đặc sản, chủ quán đích thân lái xe Bimmơ đi thẳng một mạch tới quầy móc túi hoàn trả lại bằng tiền tươi.

Nhỏ nhất phố cảng Darwin. Nhưng nhắc tới tên ai mà lại không biết thị trấn Nhất Kiếm Trấn Ải. Phố Darwin nhiệt đới nổi danh xoài tượng chấm mắm tôm, nhãn tiến vua hột bé đầu kim bán từng chùm dọc vỉa hè phố Việt! Buồn buồn, muốn bay về Việt Nam, JetStar bán vé khứ hồi Darwin-Sài Gòn, rẻ như bèo! 90 đồng một vé. Ngủ bốn tiếng trên phi cơ. Mở mắt ra, Sài Gòn hoa lệ chớp sáng dưới chân.

Đấy!

Ai đâu như cái chấm đen Alice Springs! Thiên hạ có mấy người biết. Hỏi thăm hàng xóm Việt Nam xa gần,

— Này, này, có biết cái phố Alice Springs ở đâu không?

— Ai mà biết! Hình như Alice Springs hàng xóm, sát nách Darwin đấy…

Khổ! Hỏi han khô cả nước miếng mà người Việt nào có mấy người biết… Lên trang mạng Google đánh đại vào hai chữ Alice Springs cầu may. Khi đó mới tá hỏa tam tinh. Chết chửa! Alice Springs nằm ngay giữa nước Úc, toàn là dân Abồ (Aboriginal), thổ dân Úc Châu chính hiệu. Thành thật thú nhận, nói chung dân Úc gốc Việt không biết nhiều về phố sa mạc Alice Springs. Có gọi cứ như gọi đò sang sông mà cũng chẳng có ma nào ghé viếng thăm phố…thì thôi… xin phép, cứ gọi là phố Abồ. Cho tiện!

Phố Abồ trên dưới ba mươi ngàn dân. Mùa hè tháng Chạp trời nắng cháy đỏ quăn tin tít mái tóc, thiên hạ rủ nhau chạy trốn xuống phương nam phố Adelaide tránh hạn. Khi đó Abồ vắng hoe tựa phố ma ám! Nhưng đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong! Sau tháng Giêng, gió hây hây thổi mát lòng người, dân phố Abồ lườm lượt rủ nhau “cóc chết ba năm, quay đầu về núi!”. Khi đó phố vắng lại đông tựa như hồn ma ngày cúng cô hồn! Phố Abồ nhỏ đến nỗi dạo chơi thong thả khoảng ba mươi phút là hết nhẵn. Khu phố chính, giời ạ! đếm được đúng hai con đường, một, Hartley, hai, Todd Mall. Hartley, công sở, thương xá và chợ búa; dân địa phương và khách du lịch dập dìu ban ngày. Todd Mall, ngược lại, rộn ràng khoe sắc về đêm. Mặt trời vừa biến mất sau rặng núi xa xa, quán sá tuần tự hú nhau bật đèn, soi đường dẫn lối du khách rủng rỉnh túi tiền vào ăn tối. Trong quán tiếng Đức tiếng Pháp trộn lẫn tiếng Tàu tiếng Hàn xì xà xì xào. Ngoài đường quân ta chính gốc Abồ hét tiếng thổ. Thế là nguyên hình phố Abồ phơi ra. Hợp Chủng Quốc thứ hai! Đủ sắc dân, đủ loại người!



oOo

Hôm nay trưa tháng Giêng, phố Abồ nóng kinh hồn! Nhiệt độ mùa hè chỉ cao con số 42 đỏ bầm tiết canh! Thiên hạ nhăn mặt nhăn mũi, trốn hết. Nhưng lạ chưa, cha xứ nhà thờ Abồ đang ngồi ăn trưa tỉnh bơ trong quán. Mặt ông đỏ bừng bừng, chẳng biết tại rượu vang đỏ hay tại trời nắng gắt. Người tinh mắt kháo với nhau cha xứ nhà mình hồi xưa đeo bông tai. Không tin, bữa nào cứ làm bộ kéo ghế ngồi sát sát phía bên tay trái. Lỗ xỏ nhìn vẫn còn rõ mồn một.

Nhiều người không ưa cha xứ nhà thờ Abồ bởi nhiều lý do. Thứ nhất, ông làm cha mà chẳng ra vẻ cha cụ tí nào. Mở miệng là có tiếng đệm, tiếng Đan Mạch um xùm tựa dân trà đá, xích lô,

— Con bà nó!...

Thiên hạ khó chịu cự nự rùm trời,

— Cha cụ thời nay, đố có ai hiểu!

Y phục xứng kỳ đức! Cha cụ Kangaroo, mặc dù không cổ trắng áo chùng thâm đen như cha cụ Việt Nam, nhưng ai nấy đều có cây thánh giá nho nhỏ cài cổ áo. Nhìn biết liền cha cụ. Cha xứ nhà thờ Abồ… Well, xin lỗi, năm thì mười họa cài được cây thánh giá vào áo. Nhưng kiếng hiệu Versace, ông có hai, một kiếng râm, một kiếng cận. Đồng hồ Longines nhận hột kim cương nổi cồm cộm tay trái. Tối tối mười hai con số phát sáng dạ quang nhìn đẹp rực rỡ như bầu trời sa mạc lấp lánh sao đêm. Quần, áo, giầy, ông chơi toàn đồ hiệu, CK, Giorgio Armani, Kenneth Cole. Không thiếu! Đủ cả! Thiên hạ không nhịn được, bĩu môi, buông nhời,

— Hèn chi giáo xứ nghèo! Ván lễ nào cũng hai ba lần quyên góp!

Nhưng cái rắc rối khiến ông nổi tiếng nhất vùng là bởi thằng Quasimodo. Khổ! Ông nuôi thằng bé gần mười lăm năm nay rồi. Hồi đó ông nói với giáo dân mẹ nó người Abồ chết vì ung thư. Trước khi nhắm mắt qua đời, ông kể chuyện, người phụ nữ thều thào,

— Cả đời con chưa bao giờ mở miệng ăn mày nhà thờ...

Nhắm đôi mắt đã gần lạc thần, người đàn bà thổ dân bập bẹ đôi môi nứt nẻ,

— Giờ, con chỉ xin Chúa, xin nhà thờ một chuyện mà thôi...

Ông nói ông bị đặt vào tình thế bỏ thì thương mà vương thì tội. Trước mặt một người đang hấp hối, chẳng lẽ cương quyết lắc đầu? Ai nỡ! Nhưng làm cha cụ, trông coi một giáo xứ hẳn hoi, giờ mang thằng nhỏ về nuôi, thật đúng đẽo cầy giữa chợ. Thiên hạ bàn ra tán vào, ông chịu sao thấu!

Nghe ông kể chuyện, có người không kiêng nể, cắc cớ hỏi thẳng thừng,

— Vậy bố nó đâu? Sao không giao thằng bé cho bố đẻ nó nuôi?

Ông sa sầm nét mặt, chép miệng, nói mà như than, nói mà như đang nói với chính mình,

— Khổ! Nào có biết bố nó ở đâu!

Ông thểu não bổ túc chi tiết như người khai cung,

— Tôi có hỏi nhà thương, nhưng họ nói không biết... Đơn nhập viện, cô ấy để trống tên bố thằng nhỏ!

Có người hỏi tới,

— Sao cha không tới làng của cô ấy mà hỏi cho ra lẽ…

Ông thở dài sườn sượt,

— Biết! Tôi cũng đã cất công lái hơn ba tiếng đồng hồ đường đất tới đó. Nhưng ai cũng nói cô ấy bỏ đi lâu lắm rồi. Nghe nói nấu bếp cho ai đó… Mấy tháng trước ôm thằng con trai mấy tháng về nền đất cũ, dựng lại túp lều… Rồi đổ bệnh…

Vuốt lại đôi mắt cho người một thời nấu bếp cho nhà xứ, ông bế thằng nhỏ về nhà xứ. Mấy hôm sau ông làm giấy khai sinh, đặt tên John, nhưng vẫn giữ nguyên họ mẹ. Thiên hạ cắc cớ thì thào truyền miệng gọi thằng nhỏ Quasimodo, tên của nhân vật thằng gù nhà thờ Đức Bà. Riết, cái tên đẹp đẽ, chẳng ai nhớ. Mở miệng ra là,

— Quasimodo… Mày đâu rồi, Quasimodo?

Mà thằng bé lành như Bụt. Nghe thiên hạ gọi Quasimodo, cũng quay lại, miệng cười tươi, nhe hai hàm răng trắng bóc người Abồ. Thế là chết tên!

Quasimodo giờ cũng đã lớn tướng. Mười ba tuổi rồi. Thiên hạ thì thào,

— Khéo vẽ! Làm bộ dựng chuyện mẹ nó dân Abồ, chết vì ung thư.

— Ừ! Nhìn mặt nó đi, ai dám biểu dân Abồ…

Mà cũng khó trách thiên hạ lời ong tiếng ve. Quasimodo người Abồ, nhưng trắng tươi màu da Viễn Đông, tóc không quăn tít, nhưng thẳng, cứng, đen, sợi tóc dầy và bóng…

— Thì cứ đợi đi...

— Đợi cái gì?

— Thì còn đợi cái gì? Đợi nó lớn hẳn hoi, ắt biết!

— Biết cái gì?

Người đàn ông gắt gỏng,

— Ơ hay! Biết cái gì? Thì biết ai là bố đẻ của nó ngay chứ còn biết cái gì…

Người kia càu nhàu,

— Vẽ chuyện. Cần gì phải đợi. Cứ thử DNA thì lòi ra ngay. Việc gì phải chờ! Rách việc!

Người kia không vừa, tay chỉ về phía nhà xứ,

— Ông nói hay lắm. Sao không tới thẳng nhà thờ, gõ cửa, nói với ông ấy…con nhờ cha dẫn thằng Quasimodo tới phòng Lab lấy máu thử nghiệm… Chỉ được cái tài tán hươu tán vượn!

Ngoài vụ thằng Quasimodo, thiên hạ gặp nhau hay tụm ba tụm bẩy thì thào,

— Ổng gặp đàn bà con gái là miệng cứ tươm tướp…

— Nè, ăn nói phải cho cẩn thận. Ở đây tai vách mạch rừng. Dầu sao người ta cũng người tu hành…

— Tu hành cái mốc xì! Bụt ngồi trên chùa, gà nào mổ mắt! Nhìn mặt biết liền thầy chùa thịt chó!

— Sao chị biết?

— Tối thứ Ba, ghé vào tiệm Paradise. Thấy liền… Lộ nguyên hình!

Người kia nhăn đôi chân mày kẻ chì nét nhỏ xíu, mặt ngớ ngẩn hỏi lại,

— Paradise? Tiệm nào vậy cà?

— Bà nội! Kỳ này đổi tánh rồi hay sao? Melbourne, bà là chuyên viên sòng bài cơ mà…

Người phụ nữ cự nự,

— Chị, cái tật cứ ưa nói quá! Tiền đâu mà sòng bài với sòng bạc. Bỏ lên phố Abồ là nương nhờ cửa chùa, xuống tóc đi tu rồi.

Người kia gật gật đầu, nhìn người đối diện, ánh mắt nghi ngờ,

— Để coi! Anyway… Paradise là tiệm ăn của sòng bài lớn nhất phố. Bữa nào quởn quởn, tui dẫn tới đó ăn tối cho biết.

— OK. Nói, nhớ giữ lời. Ủa, nhưng đang nói chuyện ông cha cơ mà, giờ sao đổi đài nói chuyện tôi bà nội!

— Ừa hén, quên! Chiện là như thế này. Có mấy lần thứ Ba, tui ghé vào Paradise ăn tối. Tối thứ Ba, Paradise on sale. Mua hai phần ăn, người thứ ba được ăn free. Cho nên tối thứ Ba quán ăn đông nghẹt. Ta nói lần nào cũng vậy, bước chân tới quán là thấy ổng ấy xúm xít với mấy bà mấy cô, nhất là gái Phi... Ông thần, thiệt hết nước nói!

Người đàn bà thì thào,

— Mà nói cái này, chỉ có bà chị nghe thôi. Đừng có oang oang cái miệng. Tới tai ổng, ổng cự tui tắt đài.

Người phụ nữ mặt khẩn trương,

— Có mấy lần tui còn thấy ổng ấy kéo máy. Lấp lấp trong xó, sợ người nhìn thấy. Nhưng có mà thoát được cặp mắt của tui.

Bà ta bĩu môi,

— Nhà thờ thì nghèo, giáo dân toàn dân Abồ, tiền lương được mấy đồng! Cái này chắc là lại ngứa ngáy tay chân, móc tiền nhà thờ táy máy kéo máy...

Bà ta bồi một cú chót,

— Bài giảng Chúa Nhật, Chúa Mẹ không thấy nhắc nhở, cứ mở miệng là tiền. Trăm lần cả trăm. Không thiếu lần nào! Ai cũng ngáp, chán ngấy như cơm nếp nát!

Người phụ nữ gốc Melbourne như chợt nhớ ra, thắc mắc,

— Sao bà không đi lễ nhà thờ khác?…

Người kia bĩu môi, dài cả tấc,

— Có mà đi lễ nhà thờ khác!

— Ủa! Sao vậy?

— Nhìn đi! Quanh đây có nhà thờ nào khác cho người ta shop around...

Đúng là như vậy! Ngẩng lên hướng bắc, nhà thờ Tennant Creek, 508 cây số đường trường. Chẳng lẽ gia đình con cái túm tụm dẫn nhau lái xe năm tiếng đồng hồ thánh lễ cuối tuần. Được một ván lễ, mất toi mười tiếng lái xe. Có mà khùng! Quay xuống hướng nam, ngót nghét 650 cây số dẫn tới nhà thờ hầm Coober Pedy, đường xa vạn dậm. Ngó sang hướng đông có nhà thờ thổ dân nhỏ bằng cái lỗ mũi, đường đất đỏ đá sỏi góc cạnh 80 cây số. Lái khoảng một tiếng, banh-ta-lông luôn cả cái xe đời mới. Nhìn về hướng tây, đồng không mông quạnh. Thôi, đành chịu phận cá nằm trên thớt!

Đó, nom cho kỹ đi. Ông bà mình nói, “Ba mặt một nhời”… Đó! Quán Gardens nổi tiếng trên đường Todd Mall, ông cha xứ vẫn còn đang ngồi với mấy người thân, người xấu miệng gọi đó là tay chân, lính của ổng. Tiếng cười tiếng nói râm ran, cứ như chợ phiên Todd Mall họp cuối tuần.

Thiên hạ đang nhăn nhăn mặt nhìn, bất ngờ tiếng chân chạy huỳnh huỵch trên mặt đường nhựa nổi lên lôi kéo nhiều người chuyển hướng. Tưởng ai, hóa ra thằng Quasimodo. Mặt nó tái xanh! Sợi tóc lòe xòe bay phất phới theo bước chân chạy. Nó thì thào vào tai ông cha xứ mấy câu. Tới phiên ông, mặt đang đỏ bừng bừng, chuyển sang xanh tái. Ông kêu to, “Chúa ơi!” Ông vội vàng đứng dậy, hốt hoảng bỏ đi. Thiên hạ hiếu kỳ, xếp hàng rồng rắn nối đuôi theo sau.

Chuyện chi vậy cà?

Từ quán ăn về tới nhà xứ trên dưới năm phút. Một đoạn đường ngắn. Vượt qua cánh cửa nhà thờ lúc nào cũng mở rộng, mọi người hốt hoảng nhìn lên tượng Đức Mẹ Abồ. Người người hốt hoảng nhận ra thánh nữ đồng trinh máu đỏ ngấn tròn con mắt trái!!! Dưới chân tượng, những hạt máu đọng lại vẫn còn đỏ tươi…

Thiên hạ người người rú lên!

Một người bình tĩnh bước tới, giơ ngón tay quẹt nhè nhẹ vào giọt máu dưới chân tượng. Ông đưa ngón tay lên mũi ngửi ngửi. Mặt ông tái xanh, miệng nói ngay, “Mùi máu tanh nồng!”. Người đàn ông nhìn qua khung cửa, bầu trời xanh ngăn ngắt bỗng dưng vần vũ kéo mây đen. Ông quỳ thụp xuống ngay dưới chân tượng, trái tim thép nguội từ bao lâu nay bỗng dưng mềm nhũn, đôi môi ông thầm thì lời kinh! “Kính mừng Maria! Đầy ơn phúc”…

Tiếng đồn vang xa, chẳng mấy chốc cả phố Abồ kéo tới chật ních sân giáo đường. Vòng trong vòng ngoài người san sát. Người Abồ, dân Úc, người Ấn Độ, Phi Luật Tân, đủ cả, dân địa phương cũng như du khách, tất cả sát sát… Tiếng người đọc kinh, tiếng người thì thào, tiếng khóc sụt sùi, tiếng đấm ngực thùm thụp, tiếng khóc nức nở! Tất cả trộn lại, tưởng như tận thế đã tới, bắt đầu từ phố Abồ…!



oOo

Cha xứ Abồ rút lui vào trong phòng, không quên treo ngoài khung cửa nhà xứ bảng chữ to tướng, “Closed”!

Ông suy nghĩ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra! Tượng thạch cao Đức Mẹ Abồ đứng ở đó cả chục năm nay rồi. Từ những ngày đầu tiên khi đặt chân tới phố Abồ nhận nhiệm sở mới, ông đã nhìn thấy tượng đứng cao trên bệ, góc trái nhà thờ, ngay dưới chân cột trụ của gác ca đoàn. Giáo dân nhiều người như một thói quen thường lệ, sau thánh lễ, hay dừng một bước chân trước tượng đài đốt nến cầu xin. Tiếng đồn Đức Mẹ Abồ linh thiêng vang xa, bởi nhiều người đã nhận được ơn. Bởi thế, tượng đài hương khói nghi ngút. Sáng sớm, lái xe tới công sở, giáo dân dừng lại một bước chân, ghé vào đốt nến, đọc một lời kinh. Chiều, tan sở, người người ghé vào, lại đốt nến cầu xin. Ban ngày có người Abồ, đôi tay chắp lại đầu cúi xuống. Chiều tối du khách lời kinh râm ran một góc nhà thờ. Thông thường, tượng đài chỉ vắng bóng người sau khi ông đóng cửa nhà thờ lúc 8 giờ tối. Vào giây phút đó, chính ông cũng đã nhiều lần đốt nến, quỳ xuống đọc những lời kinh cho mẹ ông và người thân. Hoặc vào những lúc bối rối, tượng đài là nơi ông ghé vào. Ông quỳ đó, đầu cúi xuống, suy nghĩ và cầu nguyện…

Cũng bởi tượng đài linh thiêng, đã rất nhiều lần ông mở cửa văn phòng, chỉ đế tiếp đón những người khách hoàn toàn lạ mặt. Nói chuyện được mấy câu, ông mới biết họ người Sydney, Melbourne, và cả từ khắp nơi trên thế giới. Qua một lần dừng lại nghỉ ngơi tại phố Abồ, nghe đồn tượng đài linh thiêng, Công Giáo cũng như không Công Giáo, họ đến trước tượng đài, đốt nến cầu nguyện với Đức Mẹ Abồ. Ơn trời tuôn đổ, người hiếm muộn, về tới nhà, tự nhiên thụ thai, sinh con, mà lại sinh đôi, một trai một gái đề huề. Ông nhớ, trưa hôm đó, người triệu phú Hong Kong một thời hiếm muộn vừa khóc vừa nói lời cám ơn Đức Mẹ, tay đưa ra hộp quà nho nhỏ nói, xin phép, kính tặng nhà thờ. Ông để món quà trên ghế, rồi cũng quên đi. Mấy ngày sau, thằng Quasimodo vô tình nhìn thấy. Nó cầm lấy, gõ cửa đưa cho ông. Ông hờ hững mờ ra coi. Cả ông và thằng Quasimodo khi đó mới giật mình nhận ra đồng hồ Longines nhận hạt kim cương hột to, mười hai con số dạ quang sáng lấp lánh!?

Cứ thế, giữ chùa ăn oản, ông sở hữu bao nhiêu hàng hiệu nổi tiếng của du khách từ khắp năm châu ghé vào tạ ơn Đức Mẹ và nhà thờ. Tuần một lần, lái xe vô buôn làng người Abồ công tác, ông mang theo quần áo hàng hiệu chia đều. Người Abồ ghé vào nhà thờ gặp ông xưng tội, ông dẫn tới tủ của hội bác ái Vinnies, lấy đồ ra tặng. Tùy trường hợp, có khi đôi giầy Kenneth Cole, khi cái áo CK.

Làm cha xứ nhà thờ Abồ, hai điều khiến ông hằn sâu vết nhăn là tệ nạn đánh bạc và hiện tượng ăn sương của phố nhỏ. Sòng bài nổi tiếng giữa phố, lúc nào cũng dập dìu giáo dân của ông, đông nhất người Phi Luật Tân, kế tiếp dân Abồ. Làm được bao nhiêu tiền, con chiên của ông ghé vào sòng bài, nướng hết! Có những lần nhận được bản tin, biết là dễ bị mang tiếng thị phi, nhưng ông liều, đi thẳng tới khu kéo máy, năn nỉ giáo dân của ông đứng lên, đổi tiền, đi về nhà. Nể mặt cha xứ, nhiều người ngần ngại bỏ đi. Mà thiệt tình, không về cũng không được với ông, bởi ông cứ đứng đó, nói tới nói lui. Đánh bạc mà có người đứng cạnh lải nhải như ma âm phủ, dù có đang là vận đỏ cũng hóa đen thui! Thua là cái chắc!

Nhưng ông lỳ, có người còn lỳ hơn ông! Gia đình người này, năm mặt con thơ. Nhưng khổ! Tiền lương, hai vợ chồng nướng sạch! Năn nỉ hoài, không được! Ông đứng bên cạnh máy kéo, lôi ra tràng hạt đọc kinh Mân Côi. Ông to tiếng cầu nguyện với Đức Mẹ Abồ. Không biết tại Đức Mẹ Abồ linh thiêng hay bởi ông lỳ lợm, hai vợ chồng nhà này đứng dậy, bỏ đi thẳng một mạch. Từ ngày hôm đó, họ không ghé vào sòng bạc nữa. Ai nói gì thì nói, ông, ông tin Đức Mẹ Abồ đã hoán đổi tâm hồn đôi vợ chồng.

Riêng cái vụ ăn sương! Chuyện là như thế này… Abồ là phố du lịch. Thiên hạ từ khắp nơi trên thế giới nườm nượp đổ về phố nghỉ qua đêm, sáng hôm sau lái xe thêm năm tiếng nữa thăm viếng hòn đá Uluru hoàng hôn đổi màu rực rỡ. Du khách năm châu kéo về, tình hình kinh tế phố Abồ vững vàng như kiềng ba chân. Nhà hàng năm sao, khách sạn mười tầng, văn phòng du lịch dựng cao bảng hiệu phục vụ túi tiền du khách. Nhưng kỹ nghệ du lịch cũng dẫn tới kỹ nghệ ăn sương. Nhiều người phụ nữ, sau một đêm trắng tay với sòng bạc, liều lĩnh bán mình cho khách du lịch. Tối thứ Ba nhà hàng Paradise là nơi khách ghé vào chọn lựa hàng hóa: Úc Châu tóc vàng, Abồ ngăm ngăm, đủ cả, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Tiền trao ra, cháo múc liền! Tú bà tú ông cứ thế ngồi đếm tiền mỏi tay!

Làm cha cụ, thấy cảnh cờ bạc sa cơ lỡ bước dẫn tới cùng đường liều lĩnh của giáo dân, chẳng lẽ ông nhắm mắt làm lơ? Mai này trước tòa Chúa, ông biết ăn nói ra sao. Một lần nữa, cực chẳng đã, tối thứ Ba, ông lại phải ghé vào nhà hàng rảo mắt trông chừng, dù biết có nhiều ánh mắt chăm chú theo dõi, những đôi môi thì thào khi thấy ông tự động kéo ghế ngồi chung bàn với những người phụ nữ, cũng chính là giáo dân của ông…

— Hi, Linda…

— Wow! Father! What a surprise!… What’re you doing here?

— What am I doing here? Well, I just want to have dinner.

Cứ thế.

Ông chép miệng, ông không vào địa ngục, ai sẽ vào? Đã có mấy lần, ông kịp thời xuất hiện khuyên răn người phụ nữ dừng bước trước khi lún sâu vào trong vũng bùn.

Tú bà tú ông giận lắm! Bởi ông hốt đi gần hết những miếng mồi thơm. Còn lại được mấy mạng, nhăn nheo tóp tép, chẳng ma nào nhòm! Bởi thế, có lần nửa đêm về sáng, chuông điện thoại trong phòng ngủ reo inh ỏi. Ông lồm cồm ngồi dậy, tưởng nhà thương gọi xức dầu. Nhưng không, đầu giây bên kia giọng nghèn nghẹt như người lấy hai ngón tay kẹp lỗ mũi. Hăm dọa nổi lên,

— Còn léo hánh tới Paradise phá đám, ông cắt…cho mày chừa… Lúc đó đừng trách không báo trước…

Bởi ông lì đòn, tình hình giáo xứ mấy năm nay đã tạm yên. Giáo dân bớt đi hoang… Ngày Chúa Nhật cuối tuần người người tấp nập kéo về thánh đường tham dự thánh lễ sốt sắng. Sòng bạc giữa phố vắng teo, ế như chùa Bà Đanh!

Mặc dù biết cờ bạc là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tệ đoan xã hội, nhưng từ bao nhiêu lâu nay chính quyền Abồ vẫn không làm chi được. Nay thấy ông cha xứ thành công dẹp tiệm sòng bài, giải tán băng đảng ăn sương, nhiều lần chính quyền Northern Territory và phố Abồ ghé vào nhà xứ kín đáo nói cám ơn.

Chỉ riêng có cái vụ thằng Quasimodo, cha xứ nhà thờ Abồ lắc đầu, vẫn là mối bận tâm lớn, ông chưa biết giải quyết ra sao. Nó càng lớn, tóc càng đen, khuôn mặt Á Châu càng rõ nét, ông lại càng ngong ngóng chờ… Càng chờ, ông càng băn khuăn, tối tối ông hay quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Abồ...

Ông nhớ chiều hôm đó, Sở Di Trú từ Darwin ghé vào văn phòng nhà xứ. Qua câu chuyện, ông mới biết hiện tượng thuyền nhân Việt Nam, tưởng đã chấm dứt từ lâu, nhưng không. Nhân viên Sở Di Trú lần đó nhờ ông bay lên trạm cấm tỵ nạn Darwin làm thông dịch viên cho một gia đình Việt Nam. Thuyền gỗ nhổ neo, lênh đênh mặt biển hơn hai tuần lễ. Cuối cùng bị cảnh sát biên phòng Úc Châu chặn bắt ngoài khơi. Gia đình gồm hai vợ chồng, và mấy người con. Ông chồng đánh cá, một thời sống ở thành phố, tướng người lanh lợi, mặt mũi sáng sủa, dẻo miệng, trong khi đó cô vợ nhu mì hiền lành, người thấp nhỏ. Về sau ông mới biết, sau một lần vụng trộm, gia đình đằng gái phải vừa gả vừa dúi vào tay ông con rể đào hoa mấy lạng vàng cho xong chuyện. Nhận lời mời của Sở Di Trú, cha xứ Abồ bay lên Darwin, ghé trại cấm, thường xuyên thăm viếng. Khi cả gia đình được nhận tái định cứ tại Úc, cũng chính Sở Di Trú mở miệng nhờ ông ký giấy bảo lãnh. Ông nhận lời, mang cả gia đình tỵ nạn về phố Abồ…

Người chồng làm Bõ coi sóc nhà thờ, đốt nến, đóng cửa. Được hơn một năm, gia đình ông Bõ rời phố Abồ, dọn nhà về Springvales, phố Melbourne. Giáo dân ngạc nhiên nhận ra cùng thời gian đó, người bếp gốc Abồ, tự nhiên biến mất. Nhiều người hỏi, nhưng cha xứ nhà thờ Abồ yên lặng hoặc lơ lơ lãng sang chuyện khác…

Đã gần mười lăm năm nay…

Ông cha xứ ngước nhìn qua khung cửa sổ. Trời chiều mùa hè chạng vạng, nhọ nhem mặt người. Ông nhìn đồng hồ treo tường, gần chín giờ tối. Ông đứng dậy, đầu óc vẫn còn rối bời. Liếc nhìn qua khung cửa, ông nhận ra mặc dù hai cánh cửa sắt nhà thờ đã khóa chặt, một vài bóng dáng giáo dân quen thuộc còn đang chờn vờn đi tới đi lui trên sân nhà thờ. Từ chiều tới giờ, chuông điện thoại liên tục reo vang, nhưng ông quyết định không trả lời.

Ông thắc mắc không hiểu ai là tác giả câu chuyện lạ. Có thể sòng bài Paradise kiếm cách phá ông. Một lần ông nhận được bưu kiện, tưởng chi, mở ra, bên trong nguyên cây thánh giá bằng gỗ, bị bẻ gẫy đôi! Ông biết họ muốn nói gì. Rồi cũng chính sòng bài nhiều lần tung tin đồn ông lăng nhăng. Có lần họ trả tiền giáo dân viết thư lên Tòa Giám Mục tố ông thậm thụt tiền nhà thờ đi đánh bài và bao gái. Nhưng nếu sòng bài muốn triệt hạ ông, tại sao họ lại dựng lên hiện tượng thánh nữ đồng trinh khóc chảy máu?

Bước ra khỏi cửa phòng, ông nhìn mùa hè còn rơi rớt trên sân vườn nhà xứ những tia nắng thoi thóp. Ông quyết định bước thẳng tới cánh cửa bên hông nhà thờ. Tay vặn chià khóa, ông đẩy cánh cửa gỗ sang một bên. Ông nhìn cung thánh, tay làm dấu, rồi quay sang hướng tay phải. Tượng thánh nữ đồng trinh vẫn đứng đó, im lìm. Ông bước tới, chăm chú nhìn lên khuôn mặt Đức Mẹ Abồ. Máu đỏ của con mắt trái to tròn đã khô. Ông nhìn xuống dưới chân tượng, những hạt máu đỏ khô vẫn còn đó. Ông cúi xuống thấp, ngửi ngửi… Đúng mùi máu! Ông lại ngước lên nhìn. Khuôn mặt thánh thiện Đức Mẹ Abồ vẫn hướng lên cao… Ông ngước lên nhìn theo. Ông nhận ra phía trên là căn gác lửng, nơi ca đoàn tập hát và hát lễ Chúa Nhật. Ông bước từng bước chậm lên thang gỗ ọp ẹp dẫn lên gác… Trên gác đàn, lờ mờ trong bóng đêm đen, ông nhận ra vẫn là những hàng ghế gỗ lặng lẽ im lìm. Ông đã quay lui, tính bước xuống…

…Nhưng bóng người sau cây đàn dương cầm bất ngờ lù lù đứng dậy! Ông giật mình, nghẹt thở, trái tim co lại như bị người bóp chặt. Tay che miệng, ông ú ớ, muốn hét to…

— Chúa tôi!

Bóng đen vội vàng cúi đầu,

— Con chào cha…

Trong bóng đêm mờ mờ của căn gác, khuôn mặt người đàn ông dần dần hiện ra…

— Con, con là ông Bõ… Cha quên con rồi sao?

Ông trợn mắt nhìn… Hơi thở cha xứ nhà thờ Abồ bỗng dưng nặng nề, dồn dập, như người lên cơn suyễn,

— …Thì ra là anh…

Ông Bõ năm xưa chỉ vào bắp chân, thì thào,

— Con vượt trại tù, bị cảnh sát bắn. Tới được nhà thờ, con trốn lên gác ca đoàn. Lúc lết lên bực thang, máu từ vết thương nhỏ rớt xuống… Con xin lỗi!!!

Ông thở hắt ra, hai tay ôm ngực! Hóa ra là vậy! Ông yên lặng nhìn người đối diện, chậm rãi điều hòa lại hơi thở… Trong bóng đêm, ông đã nhận ra ông Bõ năm xưa, giờ này đầu cạo nhẵn bóng, áo tù màu xanh lờ mờ con số và tên họ, AS 201 Nguyen… Người đàn ông cúi đầu, hít sâu, ngần ngại nói,

— Con buôn hàng “trắng”! Ra tòa, phạt tù chung thân. Con bị giam hơn mười năm rồi. Tháng trước, họ chuyển con lên đây…

Bóng đen nhìn ông, mắt long lanh,

— Con xin lỗi cha. Con biết con có lỗi!!!

Người đàn ông hít sâu vào buồng ngực,

— Cháu, cháu, chắc nó lớn lắm rồi...

Ông cha xứ vẫn đứng đó, yên lặng, nhưng lần này ông thở mạnh, hơi thở hắt ra! Ông nghe được tiếng trái tim đập dồn dập... Ác mộng năm xưa nay lại về, mang theo nguyên vẹn hình dáng! Đây chính là người đã từng làm ông mang tiếng hơn mười lăm năm nay. Hôm đó ông không hiểu tại sao ông Bõ tự dưng gõ cửa xin phép dọn đi. Gần một tháng sau, ông thấy cô bếp có nhiều triệu chứng lạ. Ói mửa lung tung! Lại hay ợ chua! Người thân ghé tai ông nói nhỏ, “Cô ấy có bầu”. Nhận được bản tin, ông tưởng sét đánh ngang tai! Ông là cha xứ, giờ tự nhiên người bếp độc thân có thai. Làm sao ông ăn nói với giáo dân! Không còn chọn lựa nào khác, ông đành phải dứt lòng cho người bếp nghỉ việc. Hai năm sau, cô ta quay về lại phố Abồ. Trước khi chết, cô trối lại thằng Quasimodo cho ông… Tiếng đồn thằng bé con ông bay tới tai bề trên. Ông bị gọi vào, khiển trách, không ý tứ, để nhà thờ mang tiếng! Ông không nói chi, yên lặng ngậm bồ hòn đắng nghét trái tim! Ông biết, khi thiên hạ có thành kiến, có nói gì cũng thế! Ông để thời gian trả lời; nhưng sâu thẳm trong lòng, ông cảm thấy như bị người thân đâm lén một nhát sau lưng, vết thương chí mạng!

Ông đã tới địa chỉ tại Springvales, nhưng hàng xóm nói người đàn ông đã dọn nhà… Thế là ông trở thành bố thằng Quasimodo.

Những lần nghe thiên hạ xì xào, ông giận muốn nghẹt thở! Mặt ông nóng bừng. Ông tự trách mình vớ vẩn, dễ tin, giờ rước họa! Chỉ được một cái Quasimodo lớn nhanh mà lại ngoan, không lêu bêu đầu đường xó chợ, sáng chiều giật chuông nhà thờ, chăm chỉ giúp lễ. Quasimodo, đứng trên cung thánh giúp lễ, hai tay chắp lại nhìn thánh thiện như thiên thần. Nó hay nói lớn lên con sẽ đi tu làm cha nhà thờ. Nghe nó nói như vậy, ông cũng tạm nguôi ngoai, cảm thấy được an ủi.

Nhìn ông Bõ năm xưa mở miệng xin lỗi, khuôn mặt thành khẩn, cha xứ nhà thờ Abồ hít vào thật sâu, thở ra nhè nhẹ… Cơn giận âm ỉ trong lòng bao nhiêu lâu nay chầm chậm bốc hơi, tan loãng! Ông bỗng dưng thấy cả một cõi lòng nhẹ tênh, thanh thản. Những vết nhăn trên trán dãn ra khi nhớ tới thằng Quasimodo, ông nói chầm chậm,

— Nó lớn tướng rồi. Ngoan lắm…

Nhìn sâu vào khuôn mặt người đối diện, ông nửa đùa nửa thật,

— Càng lớn càng giống bố như hai giọt nước!

Lần đầu tiên từ lúc bất ngờ hội ngộ trên gác đàn, người tù nhân toét miệng cười, nụ cười thằng Quasimodo được thừa hưởng,

— Thật hả cha…

Tiếng pháo giao thừa bất chợt nổ vang… Giờ này đã nửa đêm. Tiệm Tàu dưới phố đốt pháo đón Xuân…

Ông cha xứ đưa tay ra nắm bàn tay ông Bõ năm xưa,

— Thôi, đi vô nhà bếp, bóc bánh chưng ăn mừng năm mới!

Người tù bước đi nhanh nhanh, mặc cho vết thương bắp chân còn đang ri rỉ máu. Ông lắp bắp, vừa nói vừa hỏi,

— Vâng, vâng! Nhưng xin cha cho con nhìn mặt thằng bé trước. Nó, nó tên gì vậy hả cha?

Alice Springs, NT, Australia
www.nguyentrungtay.webs.com