Chút bâng khuâng Noel

Quang X Nguyen

Mỗi mùa Giáng sinh, khi thiên hạ giáo cũng như lương xứ mình náo nức đón lễ Noel, lại chợt đậm đà hình ảnh những vị chăn chiên đáng kính mà mình từng có may mắn gặp gỡ, trò chuyện.


1. Bao năm làm cư dân gần Nhà Thờ Lớn Hà thành mà thứ trần phàm như mình chả thấy có điều chi sốt mến hay rung động với nơi Chúa ngự được coi là lớn nhất trời Nam?

Giáo hội mừng Đức Hồng y Phạm Đình Tụng dịp Tết Kỷ Sửu 2008 - Ảnh: TGP Hà Nội

Năm đã lâu lần ấy vào thăm ông bạn Trần An Duyệt (Đài truyền hình Trung ương) mắc bệnh trọng. Buồng bệnh nhà thương Phủ Doãn hồi ấy hình như khởi sự cho việc điều trị theo yêu cầu nên ông bạn tôi được nằm tại một phòng khá là tiện nghi. An Duyệt không nằm một mình. Giường bên là một cụ già người manh mảnh khuôn mặt nhẹ nhõm... Không biết bệnh chi mà cụ lúc nào cũng thường trực nụ cười hom hóm. Cuối buổi thăm, An Duyệt bỗng "à quên" rôi vui vẻ giới thiệu tôi với vị khách cùng buồng. Có lẽ do thời gian nằm viện cũng lâu lâu với nhau. Có thể giữa cụ với An Duyệt có mối quan hệ thân gần, hoặc giả tính tình An Duyệt vốn vui vẻ xởi lởi ai cũng dễ gần thì cung cách giới thiệu của An Duyệt mới có thể thân mật nhưng vẫn chả giảm đi phân nào sự kính trọng như thế.


Năm sáu cái "à" thầm... Hóa ra vị khách cùng buồng với An Duyệt là Đức Hồng y Phạm Đình Tụng. Tên thánh đầy đủ của cụ là Phaolo Giuse Maria Phạm Đình Tụng. Cụ thay mặt cho chúa Ki Tô trên trần thế này chăn đoàn chiên Việt ngót 6 triệu người.

Vẫn nụ cười hom hóm, đức Hồng y chuyện lại rằng, bửng tưng gần 2 tuần trước, quen lệ 4 giờ sáng dậy lo việc kinh bổn chả may cụ trượt chân ngã. Cú ngã tai ác dẫn đến việc rạn xương vai. Nhà nước Việt Nam gợi ý nếu cụ sang bên Roma chữa trị thì sẵn sàng tạo mọi điều kiện. Nhưng cụ Hồng y lại xin vào Bệnh viện Việt Đức. Thời gian nằm viện cùng với phác đồ điều trị lẫn săn sóc của các thày thuốc, bệnh cụ Hồng y có cơ thuyên giảm, cụ đã nhúc nhắc đi lại được...

Hình như không khí vốn cô tịch lẫn u ám của nhà thương khiến người ta dễ gần và những khoảng cách nếu có cũng bớt doãng ra so với khi thường nên giữa vị chăn chiên với hai kẻ phàm trần như chúng tôi đâm được mặn chuyện. Thấy mình tự dưng may mắn, chuyện gần chuyện xa... Chuyện từ cái thời đã lăng lắc mà cụ khi đó là một linh mục trẻ đã từng có nhiều năm làm thày làm cha phục vụ trẻ mồ côi ở cô nhi viện Têresa phố Hàng Bột. Rồi xa hơn những năm phục vụ cho đám dân nghèo mà đa phần là người trẻ ở quê ra phố ở khu nhà Bác ái Bạch Mai.

... Lại có một lúc hình như chuyện của chúng tôi lạc sang địa hạt kinh bổn thì phải. Ấy là khi An Duyệt bật mí, cụ Hồng y đây vốn là người rành rẽ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latinh nữa nhưng đã làm được cái việc khá độc đáo là chuyển phần kinh Phúc âm ra... lục bát! Trước vẻ tò mò của tôi, cụ Hồng y vẫn cái cười hom hóm cố hữu, cụ nói đại ý, lục bát là tài sản vô giá của người Việt thì hà cớ gì lại không dùng mà bỏ phí đi. Chỉ hiềm nỗi, như cụ cho hay, mình tài hèn sức mọn nên mặc dù đã cố gắng lắm nhưng phần nhân bản nhân văn lẫn minh triết của kinh Phúc âm như nó vốn có, cụ mới chuyển tải được phần nào, nhưng giáo dân, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, bà con thuộc lẫn lĩnh hội được các ý tứ đó khá mau. Vậy là mừng rồi. Cụ nói để khi khác rảnh rỗi, "các ông muốn tham khảo tôi cũng sẵn lòng". Nhưng cụ khiêm tốn thêm "nói như cụ Nguyễn Du, lời quê góp nhặt dông dài thôi". Tôi ngồi nghe lẩn mẩn nghĩ thêm, trật tự thế giới đang thay đổi, đời sống trần tục đang đổi mới, Giáo hội muốn tồn tại ắt cũng phải đổi mới?

Cuộc gặp với đức Hồng y tuy khá ấn tượng ấy chắc cũng nhạt mau nếu như An Duyệt vào Noel năm ấy không chuyển tôi cái thẻ dự Noel ở Nhà thờ lớn mà An Duyệt nói là của chính đức Hồng y Phạm Đình Tụng mời! Ấn tượng thêm lên một phần là ở ngôi vị cao thế mà đức ngài còn nhớ đến kẻ trần tục hèn mọn như mình. Phần nữa là vinh hạnh được ngồi cùng dãy với các quan khách, đại diện ngoại giao đoàn tinh những là đại sứ, bí thư, tùy viên các sứ quán ở Hà Nội trực tiếp nghe bài giảng của Đức Hồng y Phạm Đình Tụng trong đêm cực Thánh Noel. Rồi những năm sau đó, người trực tiếp liên hệ để chuyển giấy mời dự Noel là cha Sinh, vị linh mục phụ tá của Đức Hồng y. Chuyện về vị linh mục thông tuệ đáng mến này cứ như một cuốn sách bắt mắt. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, thấy như trước mắt mình hình ảnh vị linh mục chưa cao tuổi lắm với dáng đi hơi khó nhọc. Cha Sinh từng tu nghiệp ở Roma. Không may lần ấy qua được bạo bệnh, nhưng di chứng đi lại khó khăn. Sức đọc lẫn độ nhớ của cha Sinh thì thôi rồi. Báo chí nước ngoài thì chả biết nhưng báo chí quốc nội qua câu chuyện khi gặp gỡ, khi điện thoại có cảm giác cha không bỏ tờ nào. Những lần được gặp cha, nhất là dịp Noel là một cái thú, nhất là với một kẻ tò mò như tôi. Đùng cái, cách đây hơn mươi năm, cha đột ngột về hầu Chúa… Cha Sinh mất, tôi cũng bỏ cái lệ ghé Nhà thờ lớn mỗi độ Noel.

Noel năm 2000, Hồng y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng xuất hiện lần cuối với bài giảng trong đêm cực thánh ấy. Những Noel sau (năm 2005, cụ nghỉ hưu) do tuổi cao sức yếu cụ không xuất hiện nữa. Tôi nhớ mang máng bài giảng cuối của cụ hình như về trẻ em, một đề tài từng đeo bám cụ trong nhiều thập niên. Sau khi dẫn dắt mọi người cùng liên tưởng đến vẻ đẹp đơn sơ của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ với vẻ giản dị thiên bẩm của mọi trẻ nhỏ, về trách nhiệm và sứ mạng phải bảo vệ gìn giữ điều đơn sơ thiên bẩm ấy, ngài đã gài một thông điệp như cảnh báo bằng cách dẫn thông tin từ UNICEF là cứ mỗi năm có bảy triệu rưỡi trẻ em chết vì bệnh tật và suy dinh dưỡng! Đó là nỗi đau, là sự xấu hổ của tất cả chúng ta, của người có tín ngưỡng và không cùng chung tín ngưỡng. Kết thúc bài giảng, ngài ứng khẩu câu lục bát "Càng thêm tuổi lại càng ngoan/Trước mặt trần thế trước nhan Chúa Trời".

Lẩn thẩn nghĩ, nếu đạo lẫn đời mà có sự xúm tay và sốt mến của nhiều vị như cụ Hồng y Phạm Đình Tụng thì việc chăm sóc dạy dỗ trẻ nhỏ của sự hằng sống trần thế này chắc cũng bớt đi lắm thứ u ám.

Chiều muộn ngày 22.2.2009. Đức Hồng y Phaolô Giuse Maria Phạm Đình Tụng về hầu Chúa.

Hiếm có một đấng chăn chiên nước Việt, trời lẫn Chúa thương, cho hưởng 90 năm cuộc đời trần thế, 60 làm linh mục (1949-2009) 45 năm ở chức Giám mục (1963-2009) và 15 năm ở ngôi Hồng y (1994-2009). Như vậy là chẵn 90 năm cho cõi trần thế và cũng tổng cộng lại tới 120 năm cụ liên tục gánh các thang trật mục vụ cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Dịp đó, tôi có viết một bài báo về cụ. May mà lọt. Nghĩa là cũng đăng được. Sau đấy một vị quen ở Ban Tuyên giáo gặp trong một cuộc họp, vị ấy vỗ vai "này, duy nhất chỉ có một bài về cụ Tụng thôi đấy nhé"… Tôi hơi hoảng nhưng thở phào nghe tiếp rằng "dưng mà cũng được"…

2. Tôi được biết và quen với Đức giám mục (ĐGM) Nguyễn Văn Sang từ năm 1990 do nhà thơ Trần Anh Thái quê ở huyện Tiền Hải dẫn vào chơi Nhà thờ thị xã Thái Bình. Chuyện nhà thơ Trần Anh Thái quen thân với vị chăn chiên nơi này là cả một câu chuyện dài xin được nói vào dịp khác. ĐGM Nguyễn Văn Sang khi đó mới rời chức Giám đốc Đại chủng viện Hà Nội về trị nhậm giáo phận Thái Bình. Cha người thấp đậm, mau mắn xởi lởi và rất chịu chuyện với đám viết lách trần thế vốn lắm lời lẫn tọc mạch. Câu chuyện cứ dài mãi ra từ hồi cậu bé Nguyễn Văn Sang có ơn thiên triệu từ năm 1949 từng được chọn vào Tiểu chủng viện rồi Đại chủng viện Xuân Bích và trường trung học Pháp, tốt nghiệp với bằng tú tài sinh ngữ, triết học. Rồi ĐGM Nguyễn Văn Sang giữ trọng trách Giám đốc Ðại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, nơi đào tạo ra các linh mục tương lai. Và cuối năm 1990, Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II trực tiếp bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Thái Bình.

Đức giám mục Nguyễn Văn Sang trong lễ mừng 53 năm linh mục và 30 năm giám mục - Ảnh: Giáo phận Thái Bình

Được hầu chuyện ĐGM Sang, ấn tượng về nhà tu hành này như toát yếu của một người nhập thế. Nhất là khi ngài tặng cho mấy tập sách có tên Bước đường hành hương do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in. Sách bắt mắt và tôi phải đọc đi đọc lại, chả phải vấp phải những triết lý cao siêu về tôn giáo, về thần học mà là những chi tiết, câu chuyện rất thú vị về vị linh mục kiêm thư ký Nguyễn Văn Sang trong những lần được vinh dự tháp tùng các đức Hồng y Trịnh Như Khuê, Trịnh Văn Căn sang Roma để bầu chức Giáo hoàng. Và những lần cha Sang đi mục vụ ở các nước khác. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong mặt bằng xuất bản nước Nam mình có dịp được ngỏ, hé những câu chuyện và thực tế sinh động ở địa hạt tôn giáo linh thiêng kiêm bí ẩn? Thú vị và hấp dẫn nữa là nó được phát lộ, được tái hiện bởi bút pháp dung dị, sinh động của một vị linh mục từng làm thơ viết văn và am hiểu nhiều ngoại ngữ. Ấn tượng về những lần xuất ngoại ấy, cha phải đôn đáo tất tả vừa làm mục vụ tôn giáo vừa tranh thủ tiếp cận với những nguồn viện trợ nhân đạo quốc tế, nào thuốc chữa bệnh, đồ dùng sinh hoạt cho các xứ đạo trong nước khi ấy đang rất gian khó… Chỉ ra chiếc xe ô tô cũ đậu trong sân nhà thờ, cha nói là của Đức Giáo hoàng Jean Paul II tặng khi động viên cha về coi sóc địa phận Thái Bình khi đó đương còn khó khăn nhiều về sự đạo. Với thành tích mục vụ nổi trội phong phú của ĐGM, vậy mà phải về chăn chiên ở một địa phận xa như Thái Bình cũng là một sự thiệt thòi!

ĐGM Nguyễn Văn Sang không chỉ tiêu dao với việc viết lách hay thơ phú. Chiều đó ngồi với ông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Chu Rỵ, được biết cuộc thăm ghé của chúng tôi hồi trưa, ông Rỵ cười kể lại nhiều chuyện. Đó là những mục vụ rất … đời của ĐGM Nguyễn Văn Sang. Bí thư Chu Rỵ bộc bạch là ông từng phải ganh đua với vị Giám mục này trong nhiều việc, nhất là vấn đề an sinh xã hội. Một ông chăn dân. Một vị chăn chiên. Hóa ra việc cũng na ná. Nhưng không phải trùng dẵm gì… Cứ như thể thi đua ngầm vậy. Kinh tế xã hội ở những huyện, xã ở những vùng xôi đỗ hay toàn tòng có sầm uất khấm khá hay không đều có bàn tay của cán bộ thôn xã, của các ông chánh trương, trùm họ xúm tay vào. Bí thư Chu Rỵ hối chúng tôi nên đi thực tế và viết mảng ấy nhưng mãi cho đến khi ông chuyển công tác lên Ban Tổ chức T.Ư rồi tận khi ông về hưu, việc ấy ông khuyên mà chúng tôi vẫn chưa thành.

ĐGM trực tiếp có lời mời chúng tôi về dự lễ khánh thành Tòa giám mục Thái Bình được xây mới. Việc làm Tòa giám mục đâu có đơn giản! Thế mà nhờ sự tháo vát bươn bả của ĐGM Nguyễn Văn Sang, mọi sự khó đều êm, khéo. Tòa giám mục địa phận Thái Bình được khang trang hoành tráng như bây giờ công của ĐGM Sang không nhỏ.



Đức giám mục Nguyễn Văn Sang không chỉ năng nổ chăm lo mục vụ mà còn viết nhiều sách, được xuất bản, thu hút bạn đọc - Ảnh: X.B

Thi thoảng có sách mới xuất bản mà ĐGM là tác giả, ngài cho gửi lên cẩn thận. Và mỗi khi việc viết lách đụng đến mảng tôn giáo, tôi lại đánh bạo quấy phiền ĐGM qua điện thoại đều được ngài tận tâm chỉ giáo. Nhớ cữ nắng năm xa, ghé Thái Bình, ngài cho bõ già đánh cá dưới ao lên làm gỏi… Ngài cười vui "nắng gỏi, mưa cầy" (giời nắng nực, dân mình hay ăn gỏi cá; mưa lạnh ưa dùng thịt chó). Nhưng tôi biết ĐGM kiêng khem kỹ lắm vì ngài bị bệnh cao huyết áp. Năm ấy ngài có mục vụ lên Hà Nội, cho gọi chúng tôi đến dự bữa ở quán Sen Tây Hồ. Ngài đưa menu bảo gọi thoải mái. Về phần ngài chỉ là đĩa nộm ngó sen. Những bữa ăn gần nhậu xa ấy chỉ là cái cớ cho câu chuyện và sự hiệp thông đạo đời của vị chăn chiên ấy với lũ trần tục chúng tôi cho thêm phần ấm áp.

Rồi tôi nhận tin dữ ĐGM Phanxico Xavier Nguyễn Văn Sang đã hoàn tất cuộc lữ hành đức tin nơi trần thế - về Nhà Cha, tại Tòa Giám mục Thái Bình, hưởng thọ 86 tuổi, với 59 năm linh mục và 36 năm giám mục, tôi thoáng nghĩ đến các cụ cao niên người Việt mình. Nhà cửa khang trang, gia sản sung túc, gia đình êm ấm, cháu con đầy đàn, được hưởng nhiều tuổi trời… Những tiêu chí ấy lâu nay đã bầu lên thứ minh triết của tam đa Phúc - Lộc - Thọ. Nhưng thứ tam đa ấy vẫn nhang nhác thứ biến tướng của một đời sống thực vật đủ đầy. Mạo muội nghĩ, phải thêm chữ "giả" nữa. Giả là người. Giả là sự gắng gỏi để khu biệt và nối dài phần con với người vậy! Và cũng là phần thưởng của tạo hóa cho các bậc cao niên từng đã có danh, góp công sức với cuộc khai trí chấn hưng non sông Việt. Các đấng Hồng y Phạm Đình Tụng, ĐGM Nguyễn Văn Sang cùng nhiều vị đời lẫn đạo đã đạt đến thang trật "giả" vậy.

Mà hình như cùng với thời gian, các bậc cao niên Việt đang dần hiếm đi những "giả" như thế?