Chúa Giêsu Hài Đồng và các thánh

Quang X Nguyen

CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG VÀ CÁC THÁNH


Có một số vị Thánh trong Giáo Hội được đặc ân thị kiến Chúa Giêsu Hài đồng hoặc ấu nhi tỏ mình cho các ngài ngay khi các ngài còn ở đời này. Chẳng hạn như: Thánh Giêrônimô, Thánh Christopher, Thánh Antôn Pađôva, Thánh Gioan Thiên Chúa, Thánh Giêrađô, Thánh nữ Faustina, 3 em bé được gặp Đức Mẹ ở Fatima…

THÁNH GIÊRÔNIMÔ (345-420), Tiến Sĩ Hội Thánh


Vào một đêm Giáng Sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, thì Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa. Chúa Hài Đồng âu yếm hỏi: "Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?" Thánh nhân đáp: "Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con."

"Đúng thế, nhưng còn gì khác nữa không?" – "Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể." Chúa Hài Đồng hỏi tiếp: "Con còn điều gì khác nữa không?" Thánh nhân khẩn khoản thưa: "Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu?"

Chúa Hài Đồng bảo: "Này Giêrônimô, hãy dâng cho Ta tất cả tội lỗi của con nữa." Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại: "Ôi, lạy Chúa, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được?" – "Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi."

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. Ôi Thiên Chúa nhân lành vô cùng, Ngài chẳng muốn gì hơn là được thỏa mãn lòng nhân từ yêu thương của Ngài bằng việc tha thứ cho con người.

THÁNH CHRISTOPHER (+250)


Thánh Christopher thường mang hình ảnh của một người khổng lồ, tay cầm cây gậy nở hoa, vai ẳm Chúa Giêsu Hài Đồng băng qua vũng nước, “Em bé” hoặc tay ban phép lạ, hoặc tay cầm quả địa cầu. Một vài tấm hình minh họa việc tử đạo của Thánh Christopher nhưng hiếm hơn.

Ngài chết tử vì đạo tại Licia vào năm 250 dưới thời Vua Decius. Thánh Christopher được tôn kính vào thế kỷ thứ V ở Tiểu Á sau lan rộng đến Tây phương.

Theo tương truyền tên của Ngài là Offero sinh tại Canaan, tên ngài có nghĩa là "Mang Chúa Giêsu" do từ một huyền thoại. Ngài vốn là người đưa khách sang sông. Một buổi chiều nọ, đang khi cõng một em bé trên vai, Christopher thấy càng lúc em bé này càng nặng. Qua bên kia bờ, em bé nói: “Ta la Chúa Kitô, là Vua của ngươi, ngươi mang trên vai Đấng tạo dựng trái đất. Để làm chứng cho lời của Ta, ngươi hãy cắm cây gậy này xuống đất, nó sẽ nở hoa và mang trái”. Mọi sự xảy ra đúng như thế.

THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA (1495 – 1550), Tổ Phụ Dòng Anh Em Trợ Thế


Gioan trở lại Gibraltar, Tây Ban Nha. Ngài xin trời cao soi sáng và để nuôi thân, ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh, nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn. Một ngày kia ngài gặp trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Ngài cõng em bé trên vai, dừng lại nghỉ, em chỉ cho vị ân nhân một trái lựu (Grenade) có mọc cây Thánh Giá và nói: "Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ngươi."

Rồi đứa trẻ biến mất. Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ ngài đã giúp đỡ. Như vậy ơn gọi của ngài là giúp đỡ những người nghèo khổ của Chúa Giêsu Kitô.

Kể từ đó Gioan Thiên Chúa được ơn ăn năn sám hối, quyết tâm hiến dâng cuộc đời còn lại để phụng sự Chúa trong việc phục vụ bệnh nhân tại thành phố Granada. Tương truyền rằng, có một lần Chúa Giêsu hiện ra dưới hình thức một em bé tay cầm quả thạch lựu trao cho Gioan Thiên Chúa và nói: “Đây là thánh giá của con” ... và kể từ đó Thánh Gioan đã đón nhận và xem đây như là sứ mệnh tông đồ của ngài. Đồng thời ngài thực hiện công việc bái ái phục vụ người nghèo người bệnh trong suốt cuộc đời. Và từ đây biểu tượng quả Thạch Lựu cũng được các con cái của ngài chọn làm biểu tượng của riêng mình như chính Thánh Tổ Phụ ngày xưa đã đón nhận từ chính bàn tay Chúa Hài Đồng vậy.

THÁNH ANTÔN PAĐÔVA (1195 – 1231), Linh Mục Dòng Phan Sinh

Trong khi đi giảng trên nước Pháp, một hôm cha Antôn trọ đêm trong phòng vắng vẻ của một nhà kia. Bỗng nửa đêm phòng ngài sáng rực. Chủ nhà mon men tới xem thì thấy ngài đang ngất trí cầu nguyện và Chúa Hài đồng hiện đến ngự trên cánh tay ngài, vẻ đơn sơ, âu yếm để cho ngài ẵm bồng và hôn kính.

Rồi chủ nhà nhẹ nhàng rút lui, tưởng thánh nhân không biết. Chẳng dè, sáng hôm sau, trước khi ra đi, ngài dặn chủ nhà không được tiết lộ việc ấy ra. Vâng theo lời dặn, ông ấy giữ kỹ điều bí mật. Đến khi thánh nhân qua đời rồi, ông mới tỏ ra vinh danh của ông thánh, vì ngài đã được Chúa Giêsu yêu mến như vậy. Do tích này mà tượng Thánh Antôn thường có bồng Chúa Hài Đồng trên tay.

THÁNH GIÊRAĐÔ, Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (1726 – 1755)


Năm lên 16 tuổi, Giêrađô xin phép mẹ đến Lacedonia để giúp việc cho Đức Giám Mục Claudia Albini. Một hôm, Đức Giám Mục đi vắng, Giêrađô quét, lau các phòng xong, khóa cửa đi ra giếng công cộng múc nước tưới cây. Đang khi thả gàu, chùm chìa khóa trong tuí áo rơi xuống giếng sâu. Anh lo sợ Đức Giám mục trở về không có chìa khóa mở cửa cho ngài. Biết làm sao đây? Những người đến gánh nước bàn với anh: "Giếng sâu, nước nhiều, không thể lội xuống mò tìm được. Chú nên đi kêu người thợ khoá làm cái khác." – "Rèn chìa khóa mất nhiều thời gian mà Đức Giám Mục sắp về tới!"

Một ý nghĩ táo bạo đầy đức tin lóe lên trong đầu, Giêrađô chạy vào phòng thánh ôm tượng Chúa Hài Đồng ra, cột dây vào tượng Chúa và cầu nguyện: "Xin Chúa Hài Đồng lấy chùm chìa khóa dưới đáy giếng lên giúp con!" Anh thòng dây thả tượng Chúa Hài Đồng xuống đáy giếng. Một lúc sau anh kéo lên, mọi người hồi hộp chờ đợi. Một sự lạ đã xảy ra, tay Chúa Hài Đồng có móc chùm chìa khóa! Tất cả đều la lên: "Phép lạ! Phép lạ! Ông Thánh! Ông Thánh!"

Về sau, người ta đặt tên là "Giếng Giêrađô", và cũng từ đó, Giáo Dân nhất là trẻ con yêu mến Chúa Hài Đồng hơn trước. Phép lạ này được loan truyền khắp nơi. Thiên hạ gần xa đến múc nước "Giếng Giêrađô" xem như một thứ nước thánh, chữa nhiều bệnh phần hồn, phần xác.

Lm. Luca NGUYỄN HỮU KHANH sưu tập
(Ephata 777)