(Mã số 18-005)
“Mẹ ơi, sao con không được ra biển nữa?”
“Mẹ ơi, sao nhà mình không nấu món cá kho tộ nữa hả mẹ?”
“Sao ba con với chú Năm không ra khơi nửa hả ông?”
“Chúa ơi, mất hết rồi, mất cá tôm, mất biển xanh, mất miếng cơm rồi. Gia đình con mai này biết sống sao đây…”
Những câu hỏi ngây ngô của bé con làm bao bà mẹ nghẹn ngào không nói nên lời. Làm sao có thể trả lời cho chúng rằng biển đã chết, tương lai của gia đình chúng đã đóng sập tại đây. Cũng làm sao có thể nói hết cho được những tiếng than ai oán, những tiếng khóc đau thương không biết tự bao giờ đã trở thành giai điệu não nùng, ảm đạm bao quanh miền đất nhỏ.
Từ ngày cá chết, cuộc sống của bà con làng chài An Hải bị đảo lộn. Bên lương cũng như bên giáo, ai cũng đau lòng, lo lắng không biết mai này miếng cơm sinh nhai sẽ kiếm từ đâu. Họ sinh ra đã là con của biển lớn nên số phận an bài cho họ suốt cuộc đời lênh đênh, trôi dạt trên biển. Vậy nên ở cái tuổi mười lăm, mười sáu đáng lí ra các em nhỏ phải được đến trường học hành cùng chúng bạn để có cơ hội theo đuổi những đam mê, những mơ ước, những chân trời rộng mở thì thay vào đó con em làng chài phải theo cha, theo anh vật lộn với cuộc sống mưu sinh, lam lũ, cực nhọc, thậm chí phải đương đầu trước đầu sóng ngọn gió để tìm miếng cơm cho cả mấy miệng ăn. Buồn lắm khi chả mấy ai tuổi này ở làng quê nghèo An Hải được cắp sách đến trường, được tiếp tục theo đuổi ước mơ, hoài bão nếu gia đình không thuộc vào loại khá giả. Bởi lẽ cuộc hành trình trên biển đâu phải lúc nào cũng mang về những ang, những boong đầy những cá, những tôm mà có khi đi năm về hai, có những khi thuyền lớn hút gió ra khơi và đi ra mãi không bao giờ trở về. Bát cơm ấm bụng ngày gió bão cũng là quá xa xỉ với người dân nơi đây nên họ chỉ dám nghĩ tới dong buồm khơi xa mong kéo đầy những mẻ cá để cho con tấm áo mặc, cây bút, tập sách đến trường chứ chưa một lần dám mơ về một ngày mai cuộc sống đủ đầy, no ấm. Cũng bởi lẽ đơn giản, họ yêu biển, yêu sông nước như yêu chính cha ông, tổ tiên của mình. Họ muốn bám sông, bám biển như muốn giữ lấy cái nghề mà cha ông đã lưu truyền lại cho con cháu muôn đời. Chắc bởi thế nên nhìn hàng đàn, hàng đàn cá lớn nhỏ chết thối, hôi tanh trôi dạt vào bờ, nhìn làn nước đục ngàu, xám xịt hiện ra sau lớp sóng va vào nhau vỡ òa thành những bọt nước đen ngòm khiến họ xót xa, đau đớn. Nhà cả mấy miệng ăn giờ thì…?
Cũng từ ngày cá chết trắng biển, Cha Quỳnh- vị linh mục già của giáo xứ An Hải, không đêm nào chợp mắt được. Người vừa lo vừa sợ, lo vì các giáo dân của mình chẳng có cơm ăn, bữa no bữa đói, lại sợ đoàn chiên kéo nhau bỏ xứ, bỏ đạo tha phương cấu thực phương xa. Nhưng... chúng không bỏ xứ, bỏ đạo thì lại lao vào rượu chè, lô đề, đỏ đen, ma túy, nghiện ngập. Lòng Cha già đau biết mấy! Có ai tưởng ra được những ngày này? Có ai dám nghĩ tới giáo xứ An Hải sẽ lâm vào sa sút, bi lụy, đau thương như những ngày này? Đâu rồi những Thánh lễ nghiêm trang sốt sắng? Đâu rồi những giờ đọc kinh gia đình phạt tạ Thánh tâm đầy ơn ích, thiêng liêng? Đâu rồi những buổi tập hát say sưa, những ngày tập dâng hoa lòng đầy thành kính, mến yêu? Và đâu rồi hình ảnh những cô bé, cậu bé con vui cười, tíu tít nhau tới nhà thờ học kinh bổn, giáo lí? Đâu cả rồi? Những ngày hạnh phúc ấy nay còn đâu ngoài những tiếng thở dài, những tiếng khóc thút thít, những đêm cờ bạc đỏ đen, những chầu rượu bia tới sáng, những tiếng trách móc, cãi vã thậm chí xô xát, đánh đập. “Lạy Chúa lòng lành, sao Ngài lại để đoàn chiên của con trở nên như thế này, giờ con phải làm sao đây?”. Sự lo lắng, xót thương xen cả nỗi đau đớn, thất vọng được Cha Quỳnh dâng cả cho Chúa. Bởi lẽ trái tim người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn xác tín một điều rằng: Thiên Chúa luôn công bằng, Ngài không cho ai quá nhiều cũng không lấy đi của ai tất cả. Ngài sẽ đến lúc chúng ta không ngờ nhất, Ngài sẽ vẽ đường thẳng trên những đường cong. Bởi Ngài là Cha giàu lòng yêu thương, yêu thương đến nỗi hiến mạng sống mình trên thập giá để cứu lấy các con thơ bé bỏng của Ngài. Hãy trông đợi, Ngài sẽ đến…
“Anh Văn, tối nay anh bận gì không, đến gặp tôi chút nhé!”
“Dạ vâng Cha, tối con sẽ đến”
Tút…tút…tút… Cuộc gọi kết thúc. Cha Quỳnh đứng trầm ngâm trong phòng khách lặng ngắm những con sóng trắng to lớn đang nô đùa, chạy nhảy, quấn lấy nhau ngoài khơi xa. Hình như Cha đang ý định làm gì đó. Rồi Cha gọi cậu Quân- con ông trùm vào ở với Cha từ lâu:
- Hai Cha con ta đi dạo chút nhỉ!
Quân bước đi bên cạnh Cha lặng lẽ, lặng lẽ. Phải chăng điều tốt nhất lúc này là để cho Cha già có những giây phút bình tâm suy nghĩ. Quân thương Cha lắm. Vì chuyện giáo xứ An Hải mà người đã thức trắng mấy đêm liền. Chợt, Cha già dừng lại trước tượng Đức Mẹ trong khuôn viên vườn hoa của nhà thờ. Lặng một lát, Cha hỏi:
- Quân này con, nếu con là ta con sẽ làm gì trong hoản cảnh này?
- Dạ, Cha cho phép con sẽ nói.
- Con cứ nói!
- Thưa Cha, từ ngày cá chết đến giờ, bà con giáo xứ An Hải chẳng còn kế sinh nhai nên lâm vào quẫn bách. Nếu cơm không đủ no thì sao người ta còn có sức để lo việc thờ phượng Thiên Chúa. Vậy nên con nghĩ phải làm cái gì đó để người dân có công ăn việc làm, tuy không phải là lâu dài và ổn định nhưng trước mắt sẽ nuôi sống họ và giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Sau đó ta sẽ nghĩ cách làm sao cho họ quay trở lại đời sống thiêng liêng, với Chúa và với Mẹ. Nếu được như vậy thì chẳng mấy giáo xứ An Hải lại quay trở về như trước kia đâu Cha ạ.
- Con trưởng thành thật rồi Quân ạ!- Cha Quỳnh nhìn Quân tỏ vẻ hài lòng.
- Cha quá khen con. Tất cả là do Cha dạy con mà.
Vị linh mục già nhẹ lòng hẳn đi khi thấy được sự trưởng thành từng ngày trong cậu nhóc mà mình chăm sóc. Bất giác, người ngước mắt lên chiêm ngắm khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của Mẹ: “Lạy Mẹ, chính bàn tay dịu hiền của Mẹ đã chở che, dẫn lối con về với An Hải, cũng là Mẹ đã ở bên con tiếp sức cho con gây dựng giáo xứ này đi lên từ những viên gạch vỡ đầu tiên, thì nay cũng xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con biết cách cứu chữa đoàn chiên đáng thương thoát khỏi bóng tối, cảnh cơ hàn”. Lòng tín thác, cậy trông khiến Cha Quỳnh có một niềm tin mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng của giáo xứ An Hải.
Cha Quỳnh về đây đã lâu. Ngày Cha về An Hải còn hoang sơ lắm. Giáo dân thì ít, đời sống đạo thì bệ rạc do không có ai coi sóc, chăm nom. Cùng lắm trong giáo xứ có mấy ông bà cụ già cả tối tối lại cùng nhau ra nhà nguyện đọc kinh cầu khẩn cho con cái khơi xa được thắng lợi trở về. Cuộc sống bấp bênh, khó khăn đủ đường khiến họ giữ đạo còn khó nói chi là sống đạo. Ấy thế nhưng vốn lớn lên từ biển cả, làn da, hơi thở, giọng nói mang đậm vị mặn mòi của biển nên người dân An Hải chất phác, thật thà lắm. Vì thế nên ngày Cha Quỳnh được cắt cử về trông coi xứ đạo nơi đây tuy có khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng lại được bà con bên giáo cũng như bên lương gần gũi, quý mến. Lòng vị mục tử vì thương đoàn chiên bao năm sống xa rời ơn Chúa nên ngày ngày đều tới từng gia đình thăm hỏi, động viên, tìm cách dẫn dắt giáo dân trở lại với nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện sớm tối. Đàn ông, con trai căng buồm theo gió ra khơi thì người già, phụ nữ con trẻ ở nhà chăm lo nhà cửa, sống đạo cách sốt sắng. Bẵng đi một thời gian giờ tính lại Cha già cũng đã gắn bó với cộng đoàn An Hải được hơn mười năm rồi…
* * *
Tối đến, sau giờ kinh tại gia, anh Văn lúi cúi trên chiếc xe đạp cà tàng đạp xe tới nhà Cha già. Nhà anh cách nhà Cha cũng khá xa, cả một con đê dài bao năm lầm lũi, hiên ngang chắn gió lớn, chắn thiên tai cho bà con An Hải. Trời lộng gió cuốn lấy tiếng xe đạp lạch cạch, lạch cạch của anh Văn vào biển lớn bao la để lại bóng đen tĩnh mịch, đáng sợ của đêm tối. Chừng hai mươi phút, anh đã tới. Nhác thấy cậu Quân đang lau chùi lại chiếc xe Dream mà Cha già mới mua hồi đầu năm, anh hỏi:
- Cậu Quân, Cha Quỳnh đâu?
- Dạ, bác ngồi uống nước, để cháu vào gọi Cha.
- Ờ, ờ…
- Anh Văn đấy hả, đợi tôi lâu chưa?
- Dạ, con cũng vừa mới đến thôi Cha ạ. Cha gọi con chắc là có chuyện quan trọng lắm.
- Ừ, phải rồi.
Nhấp một ngụm chè nóng, cảm nhận cái vị chan chát đăng đắng của nước chè the thé nơi cuống họng, Cha Quỳnh tiếp lời:
- Chắc anh cũng biết dạo gần đây giáo xứ ta đã xảy ra những chuyện gì…
- Dạ thưa Cha, con biết...
Nói đến đây lòng anh Văn phừng phừng lửa giận:
- Tất cả, tất cả cũng chỉ tại bọn tham tiền, tham lợi xả thải cái thứ chết người xuống biển của ta làm cho tôm cá chết hàng loạt. Bà con dân chài quanh năm bám sông, bám biển để sống… Nay cá chết, tôm chết ai còn dám căng buồm ra khơi mà đánh bắt nữa! Đánh bắt về cũng đổ bỏ bởi chẳng thể ăn mà cũng chẳng thể bán, Cha ạ. Ức quá, phẫn quá nên nhiều bác, nhiều chú đã…đã…
- Tôi hiểu cả anh Văn ạ. Vậy nên tôi mới gọi anh đến đây để bàn tính chuyện này. Sáng mai anh cùng tôi ra Tòa Giám Mục một chuyến rồi đến vài nơi để lo một số chuyện này nữa.
- Dạ vâng con sẽ đi cùng cha, nhưng… thưa Cha, con không có xe sao con chở Cha đi được.
- Thế anh có nhìn thấy cậu Quân đang lau cái gì kia không? Đi bằng cái đó chứ đi bằng cái gì nữa. Thôi, anh về đi, mai đúng 6h có mặt ở đây nhé.
- Dạ, vâng, con chào Cha.
Nhìn người đàn ông đã đứng tuổi mà vẫn còm cõi đi đây đi đó, chạy đôn chạy đáo lo công việc của giáo xứ trên chiếc xe đạp cũ rích, lòng Cha Quỳnh thương lắm. “Anh Văn ạ, phần thưởng của anh Thiên Chúa đã dọn sẵn trên nước Thiên Đàng cho anh rồi”, Cha già mỉm cười hạnh phúc.
Sáng hôm sau, đúng 6h đã thấy anh Văn ăn vận chỉnh tề đứng trước cửa nhà Cha. Chả mấy khi được cùng người ra Tòa Giám Mục nên nhìn anh có vẻ căng thẳng, hồi hộp.
- Ơ hay, cái anh này, đi ra Tòa Giám Mục chứ có đi đâu mà anh lo lắng thế, cứ làm như tôi bắt anh đi xuất cảnh không bằng.
- Hì hì… tại con vui quá ấy mà…
Đường từ đây ra Tòa Giám Mục không khó đi nhưng cũng xa, chừng mất tiếng rưỡi chạy xe. Anh Văn đèo Cha già. Hai Cha con vừa đi vừa bàn chuyện. Cha nhắc anh ra đó phải làm gì phải nói những gì. Anh Văn nhớ làm sao hết những lời của Cha, chỉ biết xin Chúa soi sáng chỉ đường cho anh biết ăn nói khôn khéo trước mặt Đức Giám và các linh mục ngoài địa phận.
- Tôi biết người dân Hà Tĩnh nói chung, giáo xứ An Hải nói riêng đang phải chịu cảnh khốn khó, thiếu thốn đủ bề. Hằng ngày anh em linh mục chúng tôi vẫn hiệp dâng Thánh lễ dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho giáo dân An Hải, mong sao anh chị em biết yêu thương nhau, cùng nhau đồng lòng hợp sức vượt qua khó khăn, trong nguy khốn vẫn giữ được bổn đạo thiêng liêng của mình…- Đức Giám nói với Cha Quỳnh và anh Văn trong phòng khách nhà chung.
Mường tượng lại những gì Cha già đã dặn trên đường tới đây, anh Văn mạnh dạn bộc bạch nỗi niềm bao ngày của mình mong sao nhận được sự giúp đỡ từ Bề trên giáo phận cho bao con chiên An Hải đang gồng mình chống lại những đắng cay, những sóng gió cuộc đời:
- Dạ, thưa Đức Cha, thưa quý Cha, chúng con cảm tạ các ngài đã ngày ngày cầu nguyện cho chúng con. Ân tình này giáo dân An Hải chúng con xin ghi lòng tạc dạ và xin Thiên Chúa nhân từ trả công bội hậu cho các ngài. Nhưng thưa Đức Cha, thưa quý Cha con chỉ xin thêm một điều nhỏ bé này nữa thôi…
Hai cha con Cha già ra về mà lòng hân hoan, phơi phới. Vậy là đã tiến được bước đầu tiên, tuy chưa thể giúp giải quyết vấn đề dài hạn nhưng như vậy cũng phần nào đủ để lo cái ăn, cái mặc tạm thời cho người dân An Hải nếu như những nơi cần đến sắp tới người ta từ chối mình. Cha già nghĩ thầm trong bụng rồi cười rạng rỡ. Thật là Chúa chẳng tuyệt đường của con.
Rồi anh Văn chở Cha tới một vài xưởng đóng gạch trong trung tâm Thị xã xem xét tình hình. Băn khoăn không hiểu lí do vì sao Cha già dẫn mình tới cái chỗ toàn đất cát bụi mù, gạch nung đỏ lửa này, anh Văn đánh liều hỏi:
- Thưa Cha, mình đến chỗ này làm gì vậy ạ?
- Sao anh ngốc thế? Đến để tìm việc chứ còn đến để làm gì? Chả nhẽ tôi với anh đến để giám sát xem người ta có cắt công, cắt bước nào không hả?
- Thì ra là tìm việc, tìm việc…hà hà… Anh em An Hải có việc rồi, có việc rồi…
Anh Văn reo lên sung sướng như một đứa trẻ. Cha già đáng khâm phục thật. Nhìn Cha bận bịu với công việc mục vụ tại giáo xứ đến thời gian nghỉ ngơi còn hiếm hoi nên chả mấy ai nghĩ Cha già có thời gian chạy xe ra tỉnh, mà thật không ngờ mấy cái lò gạch nằm sâu tít tắp trong này Cha cũng biết. Chậc, chậc… Cha già bí hiểm quá! Thật chẳng biết Cha đang suy tính những cái gì.
Rời khỏi lò gạch, Cha Quỳnh lại chỉ đường cho anh Văn chở tới làng nghề chuyên đan rổ, đan rá xuất khẩu cách đó không xa. Ôi! Thật tạ ơn Chúa khi giờ này việc xuất khẩu rổ rá ra nước ngoài như diều gặp gió, phát triển không ngừng lại còn đòi hỏi một số lượng sản phẩm lớn mà làng nghề không thể đáp ứng được. Mai đây Cha Quỳnh sẽ cho người đi học cách làm rổ rá để về dạy cho bà con giáo xứ An Hải, mong sao bà con có công ăn việc làm kiếm được miếng cơm nuôi thân qua ngày để tránh cái sự “nhàn cư vi bất thiện” đã ăn sâu vào máu lâu đời. Dường như Chúa đang mở đường, mở lối cho Cha già trên hành trình cứu lấy những con chiên khốn khổ. Khi xưa tình yêu thương của Chúa cũng đã cứu sống lấy những con người đáng thương và tội nghiệp khi làm phép hóa bánh ra nhiều để cho họ thoát khỏi cơn đói khát trong dụ ngôn “Năm chiếc bánh và hai con cá”, thì nay tình yêu thương của Người lại tiếp tục được nối dài trong hình ảnh người mục tử Hân Quỳnh.
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình của hai cha con là dòng tu Mến Thánh Giá của giáo phận. Được nghe kể chuyện từ lâu nhưng hôm nay là lần đầu tiên anh Văn được đặt chân đến mảnh đất hiền hòa, tốt lành này. Nhìn các ma-sơ cười rạng rỡ, vui đời sống thánh hiến trong chiếc áo dòng đen lòng anh Văn ngập tràn hạnh phúc. Chắc có lẽ lần này không cần hỏi anh cũng biết được lí do sao Cha già đưa anh tới đây. Cha muốn “mượn” nhà dòng một vài sơ về phụ giúp công việc giáo xứ như dạy nhạc, dạy kinh bổn cho các em nhỏ và hướng dẫn các hội đoàn một thời gian. Cha già tin rằng sự đạo hạnh, thánh thiện của các nữ tu sẽ mang đến một sức sống mới, một gương mặt mới cho mảnh đất An Hải vốn giàu truyền thống đức tin nhưng trầm lắng đổi thay sau một cuộc bể dâu. Từ đây sự cộng tác nhiệt thành của mọi thành phần dân Chúa cùng với Cha già và các nữ tu sẽ làm cho mọi nơi trong giáo xứ An Hải từ nhà Chúa tới nhà giáo dân, từ biển khơi tới bờ cát trắng, từ đất đỏ tới trời cao bao la sẽ lại âm vang những khúc thánh ca cảm tạ và tri ân Người.
Chẳng mấy trời đã ngả bóng. Tiếng xe Dream giòn tan lịm tắt khi đã đưa chủ nhân của nó về đến nhà bình an. Anh Văn nán lại cùng Cha già ăn bữa tối. Hai Cha con nâng ly rượu nho chúc mừng một ngày ra khơi thắng lợi mang về đầy những cá những tôm, có cả niềm hạnh phúc, sự vui sướng ngập tràn. Nhắc mới nhớ, Cha già đưa cho anh Văn số tiền mà hồi sáng Đức Giám đã cân nhắc đưa cho Cha về lo công việc mục vụ:
- Đây là số tiền Tòa Giám Mục cho An Hải. Anh cầm lấy về cho người vào thành phố mua gạo, mỳ tôm với các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con. Xem xét thật kỹ xem bà con thiếu gì rồi mua cho họ. Còn sáng mai anh gọi thêm mấy ông trưởng các hội đoàn vào trong tôi rồi chúng ta cùng tới từng gia đình hỏi thăm động viên họ, còn nói về việc đi làm trong xưởng gạch với việc đan rổ rá xuất khẩu nữa. Anh nhớ cho kĩ đấy nhé!
Anh Văn rưng rưng xúc động cầm lấy số tiền Cha đưa. Ánh mắt anh nhìn Cha đầy biết ơn, cảm tạ. Phải may mắn, phúc đức lắm xứ An Hải nhà anh mới có một vị linh mục yêu thương và đáng kính như vậy. Suốt quãng thời gian gắn bó với An Hải, Cha già chẳng màng tới gây dựng danh tiếng thanh thế cho mình như cách các quan chức đời thường vẫn làm. Thay vì đè đầu cưỡi cổ dân đen, tìm cách vơ vét áp bức dân cho đầy túi riêng, thì Cha Quỳnh lại đau đáu đi tìm lời giải đáp làm sao để dân của Chúa không phải bôn ba mãi nơi đầu sống ngọn gió, nơi sự sống như sợi tơ trước gió, làm sao để dân Chúa không còn nghèo còn khổ. Âu cũng do cái sự lo lắng nên thời gian mười năm trôi qua đã mang đi hình ành một linh mục điển trai, nhanh nhẹn rồi trả lại một vị mục tử với gương mặt đen sạm cùng làn da ngăm ngăm, tóc lơ phơ trắng và nụ cười hóm hém. Cách gọi Cha già thân thương có lẽ cũng từ đó mà nên.
Cảm xúc dồn nén khiến người đàn ông trung niên ôm chầm lấy thân hình người mục tử để mà khóc để mà thương. Và ngoài kia, trăng vẫn sáng, sóng vẫn đánh mạnh vào bờ báo hiệu một ngày mai hồi sinh, tươi sáng trên mảnh đất chài lưới giáo xứ An Hải.