Cảm nhận Thơ: Tiếng Tu Oa

vanthoconggiao.net
TIẾNG TU OA


“Một trẻ thơ chào đời để cứu ta” (Is 9, 5).


Sương thơm tiếng khóc tu oa
Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời
Tinh trong ngọc suối gọi mời
Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng

Đêm cuộc ngàn tơ giăng ánh sáng
Hồng tim trời réo rắt mùa yêu
Tu oa mở lối vọng Huyền Siêu
Đất ngỡ ngàng Thơ đọng môi mắt

Duyên tình duyên ướm màu khoảnh khắc
Thánh nét Thánh nồng khúc vô biên 

Tu oa tu oa tiếng hát rộn linh thiêng
Lay Ánh Tinh Nguyên rung Khí Huyền Thượng Trí
Gọi thức hồng hoang chạm bụi mờ ươm vị
Rơm cỏ trở mình dìu dặt chớp hào quang

Hương thở nhẹ không gian
Gió thắm Tình ý nhiệm
Tim biếc màu chiêm niệm 
Ôm tiếng Người dịu vơi

Vinh quang Ánh Sáng tỏa Lời
Hồn xanh rợp bóng câu đời an nhiên

Tu oa tim lắng hồng thiêng


An Thiện Minh



Cảm nhận thơ

LỜI MỜI GỌI 1: Tiếng khóc


Với câu Lời Chúa dẫn nhập, được diễn đạt qua nội dung bài hát nói, chúng ta có thể biết được tác giả chiêm nghiệm một sự kiện quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ: “Một trẻ thơ chào đời để cứu chúng ta”. Đó chính là Hài Nhi Giêsu.

Ngay trong mão đầu, chỉ với 4 câu lục bát, không có một chữ người, cũng chẳng có một chữ tình mà tác giả đã hoàn thiện một cảnh thật sinh động, đầy tình và rất thơ – Đức Mẹ đang nâng niu đứa con mình vừa hạ sinh với một niềm vui khôn tả.

“Sương thơm tiếng khóc tu oa
Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời
Tinh trong ngọc suối gọi mời
Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng”

“Sương”, một thực thể trong thiên nhiên, thật trong lành, thật nhẹ nhàng, thật thanh thoát, nhưng cũng rất mong manh, dễ tan biến; nhưng khi tan biến nó lại trở thành những giọt sương tươi mát cho cỏ cây muôn vật... Chính với những đặc điểm như vậy mà tác giả đã sử dụng từ  “Sương” thật “đắc địa” để diễn tả Đức Maria, một tạo vật, một con người nhỏ bé mong manh nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hóa để lãnh nhận Thiên Chức trọng đại nhất: Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Những đặc ân cao cả đó được Hội thánh tôn vinh và chúng ta vẫn thường ca tụng trong kinh cầu Đức Bà.

Đức Mẹ Chúa Kitô.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con.
Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con.
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con .
Đức Mẹ cực tinh cực sạch.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con.
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con.
Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
* Thưa : Cầu cho Chúng Con.

         Có thể nói từ “Sương” là chủ thể chính của mão đầu. Đó là từ ẩn dụ để nói về một nhân vật được ẩn dấu một cách thật khiêm tốn. Cho nên từ “Sương”  không chỉ là “nhãn tự” của câu lục mà là của toàn bộ 4 câu lục bát của mão đầu. Bởi vì tất cả những hành động, những cảm xúc được diễn tả trong mão đầu đều xuất phát từ nhân vật đó – Đức Mẹ Maria. Đọc lại từng câu thơ chúng ta sẽ thấy rất rõ cảnh và tình này.

Câu thơ đầu tiên, tác giả mô tả thật thi vị cảnh Đức Mẹ đang hôn đứa con bé bỏng – Vị Cứu Chúa của Mẹ và của cả nhân loại.

         Sương thơm tiếng khóc tu oa

         Câu thơ tiếp theo diễn tả cảnh Đức Mẹ đang ru Hài Nhi Giêsu một cách thật âu yếm.

Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời

         Mẹ cảm thấy thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa mời gọi nhận lãnh sứ vụ thiêng liêng vô cùng cao cả này và Mẹ cũng mời gọi mọi người chia vui với Mẹ.

Tinh trong ngọc suối gọi mời

         Lòng Mẹ tràn ngập niềm vui, hợp cùng triều thần thiên quốc ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa.

Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng

Bốn câu thơ này tựa như nhạc phẩm “Hội nhạc thiên quốc” của Thánh Alphonse được Linh mục Hoàng Diệp chuyển lời Việt mà chúng ta vẫn thường chung tâm tình với Mẹ trong đêm mừng Chúa Giáng Sinh.

“Hội nhạc thiên quốc đắm say nghiêm quỳ
Dứt cung đàn hát lặng nghe cõi thế trần
Giọng Mẹ êm ái du dương trong ngần
Ru bên nôi thánh Hài Nhi.

Ngọt dịu khôn ví chứa chan tâm hồn
Lúc ẳm bồng Chúa Mẹ tha thiết áp lòng
Đoạn Mẹ âu yếm yêu thương khôn cầm
Trên môi Nhi Thánh Mẹ hôn.”

Mừng một đứa con sinh ra, đó là chuyện bình thường trong các gia đình. Nhưng đứa con sinh ra đó có ý nghĩa như thế nào đối với cha mẹ, đối với ông bà, đối với anh chị em và những người thân thuộc mới là điều quan trọng. Trong tâm tình đó, việc Ngôi Hai Thiên Chúa hạ sinh làm người đã tác động sâu xa đến đời sống của Đức Mẹ. Điều này được tác giả diễn đạt qua hai câu lục bát   

“Tinh trong ngọc suối gọi mời
Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng”

Ai mời gọi? Và mời gọi ai? Mời gọi điều gì? Và để làm gì?

Trong nội hàm của khổ thơ, nhân vật mời gọi chính là Đức Maria. Bởi vì trong tất cả mọi loài thụ tạo, chỉ duy nhất có Mẹ mới thực sự là “Tinh trong ngọc suối” trước nhan thánh Chúa.

Vậy Mẹ mời gọi ai? Mẹ mời gọi tất cả mọi loài thụ tạo, trong đó có chúng ta. Mẹ mời chúng ta đến chiêm ngưỡng một Vị Cứu Chúa. Sự chiêm ngưỡng đó đem lại bình an và hạnh phúc.

Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh cách đây hơn 2000 năm. Chúng ta làm chi có được diễm phúc như Mẹ, như các mục đồng. Có chăng là mỗi năm một lần, chúng ta ngắm hang lừa máng cỏ để tưởng nhớ lại việc Chúa Giáng Sinh năm xưa? Việc chiêm ngắm này không thể đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc đích thực. Bởi vì đó chỉ là những hình tượng được tay con người làm ra.

Trong con mắt đức tin, có thể nói chúng ta diễm phúc hơn các mục đồng và ba nhà hiền sĩ khi xưa rất nhiều. Bởi vì Hội thánh – Mẹ chúng ta – qua tay các thừa tác viên Linh Mục, khi cử hành Thánh Lễ, sau lời truyền phép “Này là Mình Ta”, “Này là Máu Ta” là hạ sinh cho chúng ta Ngôi Hai Thiên Chúa trong bất cứ ngôi nhà thờ nào, cũng như bất cứ nơi nào có cộng đoàn tham dự hay không tham dự.

Chúng ta không phải cất công đi tìm, bởi vì Ngôi Hai hạ sinh mỗi ngày cho chúng ta. Mẹ Hội Thánh mời gọi chúng ta đến chiêm ngưỡng, đến rước Mình Máu Thánh Chúa mỗi ngày. Đó là sự đáp trả tuyệt vời nhất, là nụ hôn thánh thiện nhất “Sương thơm tiếng khóc tu oavì làm Thiên Chúa hài lòng nhất.

Thế nhưng mấy ai trong chúng ta tha thiết đến nhà thờ để chầu Thánh Thể, để chiêm ngưỡng Thiên Chúa hiện diện trong hình bánh. Mấy ai trong chúng ta siêng năng tham dự Thánh Lễ và khao khát rước Mình Máu Thánh Ngài, để nhận biết bao ơn lành cho cuộc sống, cho dù chúng ta ở không cách xa nhà thờ bao nhiêu. Ngược lại, chỉ cần một tin nhắn, một cuộc gọi của bạn bè là xa mấy cũng đi chơi, bận mấy cũng đi nhậu, kẹt mấy cũng đi nhảy, dở máy cũng đi hát karaoke… Hoặc dán mắt trên màn hình vi tính hết giờ này sang giờ nọ để xem phim, để chơi game hoặc tò mò tìm tòi đủ thứ xét ra là vô bổ. Những thú vui đó mau qua lắm, mau chán lắm bởi vì nó chỉ thỏa mãn phần nào các giác quan của chúng ta mà thôi.

Khoảnh khắc mùa yêu


Ai đã từng yêu sẽ cảm nhận được những đêm hẹn thơ mộng và tuyệt vời như thế nào. Những đêm hẹn đầy ắp những lời nói thân thương, nồng nàn những cử chỉ âu yếm, những kỷ niệm không bao giờ quên “Đêm cuộc ngàn tơ giăng ánh sáng”. Đôi bạn tình mong muốn những đêm hẹn đó cứ du dương mãi, cứ réo rắt mãi, cứ kéo dài mãi, vì đó là mùa yêu “Hồng tim trời réo rắt mùa yêu”.

                  “Đêm cuộc ngàn tơ giăng ánh sáng
Hồng tim trời réo rắt mùa yêu”

Với những trải nghiệm tình yêu đó, chúng ta mới hiểu được Mẹ Hội Thánh mời gọi và mong muốn chúng ta chuẩn bị Mùa Vọng và sống Mùa Giáng Sinh với Chúa Hài Đồng Giêsu như thế nào.‎ Bởi vì đó là “Mùa Yêu”, mùa mà Thiên Chúa ban tràn ngập ân sủng cho những ai đón tiếp Con Yêu Dấu của Ngài. Bởi vì Thiên Chúa sẽ không biết đến chúng ta nếu chúng ta không yêu mến Con Một của Ngài. Nói theo phong cách khoa học, Người Con đó chính là con đường duy nhất giúp chúng ta tiếp cận nhanh nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất với Đấng Tối Cao “Tu oa mở lối vọng Huyền Siêu. Đấng Cực Linh mà chúng ta không thể đơn thuần tiếp cận bằng sự hữu hạn và bất toàn của các giác quan “Đất ngỡ ngàng Thơ đọng môi mắt”.  

Khi dịch nghĩa lời của khổ hát nói này, chúng ta sẽ thấy ẩn ý ‎của tác giả

“Tu oa mở lối vọng Huyền Siêu
Đất ngỡ ngàng thơ đọng môi mắt”

Giêsu “Tu oa” là con đường giúp chúng ta tiếp cận được với “mở lối vọng Thiên Chúa Cha “Huyền Siêu. Loài người chúng ta làm sao hiểu được “Đất ngỡ ngàng tình yêu Thiên Chúa “Thơ” đang hiện diện ở giữa chúng ta “đọng môi mắt”.

Tuy những đêm hẹn hò chỉ là chút khoảnh khắc mau qua, nhưng hạnh phúc thì tràn ngập khôn cùng. Đó là trải nghiệm tình đời.

Còn với tình Chúa thì sao? Ai đo được một khoảnh khắc của Đấng vượt thời gian là dài bao lâu? Đấng không lệ thuộc vào chu kỳ của bất cứ hành tinh nào mà chính Ngài đã dựng nên thì làm sao chúng ta có thể ước lượng được khoảnh khắc của Ngài. Như vậy “khoảnh khắc” gặp gỡ Thiên Chúa “Duyên tình duyên” sẽ vô cùng hạnh phúc “nồng khúc vô biên”. Bởi vì tình yêu của Ngài là Thánh, là hạnh phúc thánh mà hạnh phúc trần đời không thể sánh được “Thánh nét Thánh”. Chính nét độc đáo của hai câu đối này đã làm nổi bật tình và ý của đêm Giáng Sinh mà tác giả muốn diễn đạt.‎   

Duyên tình duyên ướm màu khoảnh khắc
Thánh nét Thánh nồng khúc vô biên

         Bởi vậy khoảnh khắc mà Đức Maria nâng niu Chúa Hài Đồng Giêsu là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của Mẹ. Một “thụ tạo được yêu” kết hợp với “Đấng là tình yêu” thì sự kết hợp đó phải là hạnh phúc khôn cùng “nồng khúc vô biên”. Đó là mùa yêu của Mẹ.

         Vậy mùa yêu của chúng ta là lúc nào? Phải chăng chỉ duy nhất trong đêm Giáng Sinh hay vỏn vẹn trong mấy tuần của mùa Giáng Sinh.

Thiên Chúa Toàn Năng không thể thông ban tình yêu một cách nhỏ giọt như vậy. Ngài yêu là yêu nhưng không, nên Ngài cho là cho tuyệt đối. Ngài đã cho Con Một Ngài, Chúa Hài Đồng Giêsu hạ sinh mỗi ngày cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta có được “Đêm cuộc ngàn tơ giăng ánh sáng”. Và như thế, trọn đời sống nơi trần gian này sẽ là mùa yêu của chúng ta với Chúa Giêsu “Hồng tim trời réo rắt mùa yêu. Nếu chúng ta luôn khao khát rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta  mãi mãi có được khoảnh khắc

Duyên tình duyên ướm màu khoảnh khắc
Thánh nét Thánh nồng khúc vô biên

LỜI MỜI GỌI 2: Tiếng hát


                  “Tu oa tu oa tiếng hát rộn linh thiêng
Lay Ánh Tinh Nguyên rung Khí Huyền Thượng Trí
Gọi thức hồng hoang chạm bụi mờ ươm vị
Rơm cỏ trở mình dìu dặt chớp hào quang”

         Trong khổ thơ thứ hai, tác giả viết hoa cụm từ “Ánh Tinh Nguyên” như một Thánh Danh để gọi Đức Chúa Cha, và Thánh Danh “Khí Huyền Thượng Trí” để gọi Đức Chúa Thánh Thần.

Và theo ý trong mạch thơ, “hồng hoang” tượng trưng cho những gì còn hoang dã, còn u mê ngu muội, chưa được khai mở. “Bụi mờ” ám chỉ những gì nhỏ bé, mong manh, ít có giá trị, không được ai để ý đến. “Gọi thức hồng hoang” là khai sáng sự u mê ngu muội, làm cho hiểu biết, làm cho nhận thức được. “Chạm bụi mờ ươm vị” là làm cho sự nhỏ bé, mong manh, không ai quan tâm trở nên có giá trị.

         Như vậy tiếng tu oa của Hài Nhi Giêsu không còn là tiếng khóc nữa mà đã trở nên một tiếng hát huyền nhiệm “tiếng hát rộn linh thiêng”. Tiếng hát của Ngôi Con làm hài lòng Ngôi Cha “Lay Ánh Tinh Nguyên” và làm Ngôi Ba vui mừng “rung Khí Huyền Thượng Trí”.

Tác giả đã rất khéo léo và tế nhị khi dùng động từ “Lay” và động từ “Rung” đầy tính ẩn dụ, có độ mở rất lớn để diễn đạt sự vui mừng hân hoan của Thánh Phụ và Thánh Thần đón mừng Thánh Tử giáng sinh làm người. Bởi niềm vui của Thiên Chúa không giống như cảm xúc của loài người.

Và tiếng hát đó đã làm cho những loài thụ tạo kém trí khôn hơn loài người, hiểu và biết được Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ là Đấng Thánh, là Đấng Yêu Thương, là Vị Cứu Tinh của toàn thể vũ trụ này. Chính những con bò, con lừa, con chiên đó, mừng Vị Thiên Chúa Giáng Sinh bằng những luồng hơi thở không được thơm tho của mình, nhưng nồng ấm sự thân thương. Trong khi con người tự hào mình khôn ngoan hơn hẳn loài vật, được Thánh Giuse và Đức Maria đến gõ cửa xin giúp đỡ mà lại không ai tiếp đón. Bởi vì trí khôn của con người bị “bụi mờ” của hình dáng bên ngoài, của sự so đo tính toán, của lợi nhuận che khuất, nên họ không thể nhìn ra Đại Ân Nhân của mình trong một gia đình nghèo nàn đang lang thang xin tá túc qua đêm.

Chính loài vật kém khôn ngoan, không biết tính toán, không biết lợi nhuận, không ham mê của cải mà Thiên Chúa cho chúng được diễm phúc cận kề bên Ngài “Gọi thức hồng hoang chạm bụi mờ ươm vị”.
 
Cũng chính sự tính toán chi li của con người đã làm chúng ta không được diễm phúc như những đống rơm bó rạ. Rơm rạ chớp hào quang, sự vui mừng của chúng thật xứng đáng vì chúng biết cảm tạ Thiên Chúa đã sử dụng chúng làm vật dụng lót mình cho Đấng Tối Cao yên giấc trong đêm đông giá buốt “Rơm cỏ trở mình dìu dặt chớp hào quang”. Còn con người thì ngủ yên trong bóng tối. Bởi vì những tính toán mà chúng ta nghĩ rằng đó là ánh sáng, thật ra nó là bụi mờ che khuất ánh sáng chân lý, làm cho chúng ta ở trong đêm tối mà cứ ngỡ rằng mình thấy rõ đường đi.

Nếu vượt qua lớp “bụi mờ” đầy tính toán vị kỷ do thiếu tình yêu, nếu vượt qua lớp “bụi mờ” bằng ánh sáng Đức Tin và Lòng Mến, chắn chắc chúng ta sẽ nhìn ra được rất nhiều chi thể của Chúa là những thai nhi bé bỏng mà hằng ngày con người chúng ta đã không tiếp nhận lại còn nhẫn tâm loại bỏ với những tính toán nhỏ nhoi. Như Hài Nhi Giêsu, các trẻ sơ sinh đó đâu có đòi hỏi cha mẹ cho nó ăn ngon mặc ấm. Nó vui được làm người vì Thiên Chúa cũng đã làm người. Nó vui vì nó là kết quả tình yêu của cha mẹ.

Khoảnh khắc quyết định


Bài học thực tế cho chúng ta là: nếu chúng ta biết được đứa con trong bụng mẹ tương lai sẽ là một người tài năng, một nhà bác học, một nguyên thủ quốc gia, một tu sĩ thánh thiện, một linh mục, một Giám Mục hay một Đại Đức, một Thượng Tọa, một Hòa Thượng hay biết đâu đó là một Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc cũng có thể là một Đức Giáo Hoàng, thử hỏi chúng ta có dám nhẫn tâm loại bỏ hay vui mừng đón nhận?

Hãy nhớ lời kêu gọi của vị giáo hoàng Chân Phước Gioan Phao lô II: “Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người, giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá" (xem Tin Mừng về Sự Sống, 1995 số 3).

Ngài tiếp tục khẳng định:“Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm”, cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh” (số 58).

Cũng trong số này, trước tình trạng lương tâm nhiều người không phân biệt được thiện ác, Ngài kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. (…) Tính chất nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả biện pháp phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định và yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chố gây ra sự thủ tiêu đó” (xem, Tin Mừng Sự Sống, số 58).

Thiên Chúa là Nguồn Sự Sống, cho nên tất cả mọi sự sống trong vũ trụ này đều  bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên vũ trụ và ban cho nó sự sống. Vì thế không một loài thụ tạo nào được phép hủy hoại mọi dạng thức của sự sống dưới bất kỳ hình thức nào với bất kỳ lý do nào. Chúng ta chỉ có thể tồn tại khi biết bảo vệ sự sống, biết phát triển sự sống. Còn không, thì chính chúng ta sẽ tự hủy diệt mình.

Khi liên tưởng đến mầu nhiệm sáng tạo, chúng ta sẽ thấy ẩn ý ‎của tác giả ngày càng thể hiện rõ nét hơn khi nói đến sự “Sáng tạo thứ hai” của Thiên Chúa (nếu có thể được phép gọi như vậy) – Một Thiên Chúa Làm Người. Và chính nhờ sự “Sáng tạo thứ hai” mà tất cả mọi sự có được trong sự “Sáng tạo thứ nhất” – Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật và con người – mới hiện hữu và tồn tại. Tin Mừng thánh Gioan (Ga 1, 1-3) giúp chúng ta xác tín điều này

(1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
(2) Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
(3) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Đọc lại Sách Sáng thế (St 1, 1-31), chúng ta sẽ thấy lời thơ của tác giả diễn tả về sự “Sáng tạo thứ nhất”:
1 1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.
2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
3 Thiên Chúa phán : "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. 4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. 5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất.
6 Thiên Chúa phán : "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước." 7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. 8 Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ hai.
 9 Thiên Chúa phán : "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy. 10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất", khối nước tụ lại là "biển". Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
11 Thiên Chúa phán : "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy. 12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ ba.
 14 Thiên Chúa phán : "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn : vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm ; Người cũng làm ra các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ tư.
 20 Thiên Chúa phán : "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời." 21 Thiên Chúa sáng tạo các thuỷ quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển ; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất." 23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ năm.
24 Thiên Chúa phán : "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại : gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy. 25 Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
 26 Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."
 27         Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
            Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
            Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." 29 Thiên Chúa phán : "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.

Với một đoạn Kinh Thánh Cựu Ước khá dài như vậy, tác giả chỉ viết vỏn vẹn trong một câu thơ năm chữ.

Hương thở nhẹ không gian

Cách sử dụng từ trong câu thơ này thật độc đáo. Tác giả đã thiêng cách hóa từ “Hương” để diễn tả một Thiên Chúa không thể nắm bắt được nhưng vẫn luôn có thể cảm nghiệm được.
Danh từ “Hương” ở đây có thể hiểu như là thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.
Động từ “thở” diễn đạt Thiên Chúa phán”.
Cụm từ “nhẹ không gian” hàm nghĩa Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”.

         Nếu hiểu từ “Hương” trong sự “Sáng tạo thứ nhất” là có ý nói đến Thiên Chúa Cha, thì qua câu thơ “Gió thắm Tình ý nhiệmchúng ta hiểu ngay “Gió” là nói đến Chúa Thánh Thần và “Tình” là biểu trưng cho Ngôi Hai Thiên Chúa”.

Nhưng cái hay không chỉ ở chỗ tác giả sử dụng các từ thiêng cách hóa như “Hương”, “Gió”, “Tình”, những từ chỉ có thể cảm mà không thể bắt, mà còn ở chỗ sử dụng từ “thắm”. Từ “thắm” về tình cảm cho chúng ta cảm nhận một sự thân thương, thắm thiết, nồng nàn; về hình ảnh cho chúng ta cảm nhận sự tươi trẻ, xinh đẹp, tràn sức sống... Như vậy, chúng ta có thể hiểu “Hương thắm”, “Gió thắm”, “Tình thắm” diễn tả sự yêu thương, sự hiệp nhất, sự sống giữa và trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính sự sống, sự yêu thương, sự hiệp nhất này mà Thánh Thần và Ngôi Hai Thiên Chúa đã thực hiện ý định nhiệm mầu của Ngôi Cha – Thiên Chúa Làm Người “Gió thắm Tình ý nhiệm. Đó là sự “Sáng tạo thứ hai”. Sự sáng tạo tuyệt hảo này chúng ta không thể nào hiểu thấu. Bởi vì, trong sự “Sáng tạo thứ nhất”, con người chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa qua các dấu chỉ trong thiên nhiên. Còn trong sự “Sáng tạo thứ hai”, con người thấy được, sờ được, chạm đến một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt sống như chúng ta, giữa một thế gian không còn “thắm” như thuở ban đầu Ngài tạo dựng như Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1, 18) viết:
(18) Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ;
nhưng Con Một là Thiên Chúa
và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

         Chính vì thế mà nhân vật trữ tình của chúng ta “Tim” chỉ còn biết chiêm ngưỡng và mãi suy niệm về huyền nhiệm đó “biếc màu chiêm niệm”. Để trong “Khoảnh khắc mùa yêu” và trong “Khoảnh khắc quyết định”, tác giả luôn ao ước “Ôm” chứ không hủy diệt, không loại bỏ Đức Giêsu và các chi thể của Người “Tiếng Người”, cho dù phải chịu đau khổ, chịu thử thách để vượt qua cuộc sống này như Người đã vượt qua một cách “dịu vơi”.

“Hương thở nhẹ không gian
Gió thắm Tình ý nhiệm
Tim biếc màu chiêm niệm 
Ôm tiếng Người dịu vơi”

Nếu hiểu và sống được như vậy thì hai câu thơ trong mão cuối của bài hát nói mà tác giả viết:

“Vinh quang Ánh Sáng tỏa Lời
Hồn xanh rợp bóng câu đời an nhiên”

         Rất cô đọng và sâu sắc so với hai câu mà chúng ta vẫn thường thấy treo nơi hang đá trong mùa giáng sinh:  

                   Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
                   Bình an dưới thế cho người lòng ngay.

         Hai câu thơ này chỉ mới diễn tả tổng quát hình ảnh một Thiên Chúa đầy quyền uy trong Cựu Ước và hạnh phúc cho những ai sống theo lề luật của Ngài.

         Nhưng khi sử dụng từ “Ánh Sáng” để chỉ Thiên Chúa là tác giả muốn nói đến bản tính của Thiên Chúa. Bản tính này của Thiên Chúa chỉ được mặc khải rõ ràng và trọn vẹn nơi Đức Giêsu trong Tân Ước. Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1, 4-5; 9-10) đã viết:

                   (4) Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
(5) Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
(9) Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
(10) Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

Như vậy, Thiên Chúa trao ban Con Một Ngài cho chúng ta là trao ban cho chúng ta ánh sáng và sự sống của của chính Ngài “Vinh quang Ánh Sáng tỏa Lời ”.
Động từ “tỏa” trong câu thơ này vừa hàm nghĩa “hạ sinh” vừa hàm nghĩa “ban cho”. Theo các hàm nghĩa đó, chúng ta có thể diễn dịch câu thơ ra những ý ‎như sau:

Vinh danh Thiên Chúa hạ sinh làm người
Tạ ơn Thiên Chúa ban Lời cho ta

Nhưng khi xác tín Ngôi Lời là Ánh Sáng, là Sự Sống thì chúng ta vẫn chưa cảm được đó là bình an, đó là hạnh phúc nếu chúng ta thiếu một chữ “Tình”. Bởi vì nếu sống cô đơn không có “Tình” thì cuộc sống thật vô vị và thiếu ý nghĩa. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 4, 7-10), một lần nữa ngài lại giúp chúng ta xác tín rõ hơn, sống động hơn, lôi cuốn hơn: Thiên Chúa là tình yêu

(7) Anh em thân mến,
chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương
thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
(8) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
Thiên Chúa là tình yêu.
(9) Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người
mà chúng ta được sống.
(10) Tình yêu cốt ở điều này:
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến
làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta.

Như thế, câu thơ của tác giả có thể được hiểu rõ như sau:

         “Vinh quang Ánh Sáng tỏa Lời

Và chúng ta sẽ đáp lại:

         “Tạ ơn Thiên Chúa ban Tình cho ta

         Nhưng tác giả lại đưa ra một đáp án khác:

Hồn xanh rợp bóng câu đời an nhiên”

         Tại sao không là “Hồn tím” cho tình tứ lãng mạn, “Hồn trắng” cho thanh cao trinh khiết, “Hồn đỏ” thật say đắm cuồng nhiệt, “Hồn vàng” thật kiêu sa diễm lệ, mà lại là “Hồn xanh”?

         “Hồn xanh” là một tâm hồn tươi trẻ, tràn sức sống, đầy hy vọng, sống tin yêu. “Hồn xanh” này lại càng xanh hơn nghĩa là ngày càng sống tốt lành hơn, sống thánh đức hơn khi nó “rợp bóng” của “Ánh Sáng”. Điều này hàm ý nó sống trong Ánh Sáng, sống trong Lời của Ánh Sáng, sống trong Tình của Ánh Sáng. Một khi đã sống trong Ánh Sáng, sống trong Lời và sống trong Tình thì cho dù cuộc đời có ngập đau khổ, có tràn thất bại như nắng úa, hoặc đầy hạnh phúc hay lắm thành công như mưa hồng thì nó vẫn luôn thắm tươi “câu đời an nhiên”, tựa như điệp khúc của bài hát:

                  “Dâng là dâng lên Chúa đây nắng úa với đây mưa hồng
                   Kính dâng Ngài suốt cuộc đời ước mong hoài thắm tươi

LỜI MỜI GỌI 3: Tu oa


Nhưng trong bài hát nói dôi khổ này, có một điều mới đọc xem ra có vẻ mâu thuẩn. Đó là tác giả sử dụng từ trong hai câu thơ hình như trái ngược nhau:
        
         Ngay trong mão đầu của bài hát nói, tác giả khai bút bằng một tiếng khóc tu oa như sau:
        
Sương thơm tiếng khóc tu oa

         Tiếp đến khổ thơ thứ nhất, từ “Tu oa” được nhắc lại

                   “Tu oa mở lối vọng huyền siêu”

Nhưng sang khổ thứ hai, tiếng khóc tu oa lại trở thành tiếng hát rộn linh thiêng

Tu oa tu oa tiếng hát rộn linh thiêng”

         Tại sao đang khóc bây giờ lại trở thành hát? Tác giả nhầm lẫn hay cố ‎tình viết như vậy?

Theo cảm nghĩ của tôi, tác giả không hề nhầm lẫn, nhưng là một cách viết đòi hỏi người đọc phải suy tư, phải đặt vấn đề, phải vận dụng vào thực tế mới có thể cảm nghiệm được nội dung hàm ẩn của nó.
 ‎
Bởi vì trong câu keo, tác giả đã không còn nói đến tiếng khóc hoặc tiếng hát, nhưng chỉ còn lại “tu oa” được phân thành 3 nhịp rất rõ ràng trong câu keo

                   Tu oa / tim lắng / hồng thiêng”
        
Như vậy, có thể nói rằng cụm từ “Tu oa” là điểm nổi bật nhất vì nó xuyên suốt cả bài hát nói này. Và rõ ràng tác giả không làm bài hát nói chỉ để diễn tả một tình cảm hân hoan mừng Chúa Giáng sinh mà còn muốn chia sẻ với chúng ta những trải nghiệm khác:
- Tu oa là tiếng khóc.
- Tu oa là tiếng hát.
- Tu oa là dấu chỉ của tình yêu.

1.Cảm thông với tiếng khóc


Khi nghe tiếng khóc của một bé nhi, trái tim chúng ta cảm nhận được điều gì?

         Nếu bạn là ông nội, bà nội hay ông ngoại, bà ngoại của đứa bé, nếu không kịp chạy đến xem bé khóc thế nào thì cũng hối thúc ai đó trong nhà mau đến xem bé có vấn đề gì không?

         Nếu bạn là cha hay mẹ đứa bé thì sẽ càng nóng ruột hơn khi nghe bé khóc mà dỗ mãi không nín. Nhất là người mẹ, đêm hôm chỉ cần nghe bé khóc là đã tỉnh giấc rồi. Người mẹ luôn là người cảm nhận rõ nhất vì sao mà con mình khóc.

         Nếu bạn là người anh hay người chị của đứa bé, thì tiếng khóc đó sẽ ít thôi thúc bạn hơn, trừ phi bạn là người anh cả hay chị cả trong gia đình được cha mẹ giao trách nhiệm chăm sóc em.

         Nếu bạn là một người hàng xóm, thì tiếng khóc đó không làm bạn quan tâm cho lắm, ngược lại đôi khi lại làm bạn bực mình vì quấy rầy giấc ngủ của bạn.‎

         Như vậy, tùy vào mối liên hệ thân thiết hay hời hợt mà tiếng khóc của đứa bé mới khiến cho con tim chúng ta cảm nhận được điều gì đó và thực hiện một việc gì   đó hữu ích cho đứa bé.

         Đứa bé chưa đủ khả năng để diễn đạt những vấn nạn mà nó gặp phải, nên nó sử dụng tiếng khóc như một tín hiệu thông tin cho mọi người biết nó đang có vấn đề và cần được trợ giúp. Nếu bạn thật lòng yêu đứa bé, bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi làm được một việc gì cho đứa bé “Sương thơm tiếng khóc tu oa, vì bạn đã xoa dịu được cái đau mà nó đang gặp phải “Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời”.

         Trong xã hội hôm nay, có biết bao đứa bé khóc chưa thành tiếng đã bị cha mẹ hủy bỏ, có biết bao đứa bé đang khóc vẫn chưa được ai đoái hoài, và biết bao đứa bé muốn khóc nhưng không dám khóc nữa vì…

         Bạn có nhận biết và xót xa với những tiếng khóc đó không? Bạn có bao giờ ra tay để Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời” chưa? Hay bạn vẫn còn dững dưng vì cho rằng nó chẳng liên quan gì đến bạn.

Những tiếng khóc đó như là những lời van xin thống thiết, những tiếng khóc đó cần bạn trợ giúp một cách vô vị lợi Tinh trong ngọc suối ngọc mời”. Đừng bàn luận dài dòng, nhưng hãy ra tay đóng góp một chút thời gian, một chút công sức rồi bạn sẽ thấy lòng mình tràn ngập “Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng”

                   “Sương thơm tiếng khóc tu oa
Nhẹ mơn sao sáng dịu xoa mắt đời
Tinh trong ngọc suối gọi mời
Nhạc ngân thiên ý thơ ngời sông trăng”

Mẹ Têrêsa Calcutta đã cảm được những tiếng khóc đó tại Ấn Độ

       
  Trước hết, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nghe được “Tiếng tu oa của Chúa”, Mẹ chia sẻ như sau:
- “Cha muốn có những Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái, những linh hồn sẽ trở thành ngọn lửa tình yêu của Cha giữa thành phần thật nghèo khổ, thành phần bệnh nhân đau yếu, thành phần hấp hối lâm chung, thành phần những trẻ nhỏ sống ngoài hè phố. Thành phần nghèo khổ là thành phần Cha muốn con mang lại cho Cha, và các nữ tu sẽ hiến đời mình làm thí vật của tình yêu Cha sẽ đem những linh hốn ấy về cho Cha.”
- “Con đâu có chết cho các linh hồn. Đó là lý do tại sao con không quan tâm tới những gì xẩy ra cho họ. Lòng con đâu có bao giờ chìm ngập trong sầu đắng như Mẹ của Cha. Cả hai người Chúng Ta đã không hy hiến tất cả mọi sự cho các linh hồn cũng như cho con đó sao?”
- Mẹ nghe tiếng Chúa thách thức: “Con sợ là con sẽ mất ơn gọi, sẽ trở thành người thế tục, sẽ bị đòi hỏi phải kiên trì nhẫn nại. Này con, ơn gọi của con là yêu mến, là chịu khổ đau để cứu các linh hồn, nhờ đó, nhờ đi theo bước đường này, con mới làm mãn nguyện ước vọng của Trái Tim Cha muốn nơi con. Đó là ơn gọi của con.”
- Những lời ấy, hay đúng hơn, tiếng nói đó đã làm cho con kinh hãi. Ý nghĩ ăn uống, ngủ nghỉ, sống động như những người Ấn Độ làm con hết sức sợ hãi. Con đã cầu nguyện dài, cầu nguyện rất nhiều. Con đã cầu với Mẹ Maria xin Chúa Giêsu cất hết những thứ này đi cho con. Càng cầu nguyện tiếng nói ấy càng mãnh liệt hơn trong tâm hồn con, nên con cầu nguyện là Người muốn làm nơi con bất cứ những gì Ngài muốn. Người vẫn cứ xin như thế.
Lời đáp trả trước “tiếng tu oa” của Chúa Giêsu "Hãy đến làm ánh sáng của Cha" đã biến Mẹ Têrêsa Calcutta thành một nhà Thừa Sai Bác Ái, một ‘người mẹ của kẻ nghèo’, một biểu tượng cho lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với con người và một bằng chứng sống động cho thấy rằng Chúa Giêsu từng ngày khắc khoải chờ đợi tình yêu của mỗi một linh hồn.
- “Giêsu ơi xin  nghe con nguyện cầu – nếu đẹp lòng Chúa – nếu nỗi đớn đau và khổ đau của con – tình trạng tăm tối và tách biệt của con hiến cho Chúa được một giọt Ủi An – thì Chúa Giêsu của con ơi, xin hãy làm cho con những gì Chúa muốn nhé – bao lâu Chúa muốn, không cần để ý gì tới cảm giác và nỗi đớn đau của con.
- “Nếu tình trạng con lìa xa Chúa mà lại mang kẻ khác đến cùng Chúa, và nơi tình yêu và tình bạn của họ – Chúa cảm thấy hân hoan vui thỏa – thì tại sao, Chúa Giêsu ơi, con lại không hết lòng muốn chịu đựng tất cả những gì con đang trải qua – chẳng những hiện nay mà còn đến vô cùng bất tận nữa, nếu có thể được như vậy.”
                   

2.Hòa mình cùng tiếng hát


         Nghe các em mầm non bi bô hát:

                   “Ba thương em vì em giống mẹ
                   Mẹ thương em vì em giống ba
                   Cả nhà ta cùng thương yêu nhau
                   Xa là nhớ, gần nhau là cười.”

         Tôi cảm thấy lòng mình dâng lên một niềm vui khó tả trước sự đơn sơ, thơ ngây và nhí nhảnh của các em. Cha mẹ nghe con mình hát như vậy thì không vui sao được. Những tiếng hát hồn nhiên ấy sẽ xóa tan bao nhọc mệt, bao lo toan mà cha mẹ vất vả trong ngày.

         Từ cảm nghiệm đó, tôi nghĩ rằng các thầy thuốc, các thầy cô... và tất cả những ai tình nguyện đến những vùng sâu vùng xa để chăm sóc, giúp đỡ, dạy dỗ, hướng dẫn những anh chị em dân tộc thiểu số biết sống văn hóa hơn, biết sống lành mạnh hơn sẽ vui mừng biết mấy khi thấy sức khỏe của họ cải thiện, đời sống của họ sung túc hơn. 

Đặc biệt các nam nữ tu sĩ, các linh mục giúp cho đồng bào dân tộc nhận biết mình có một Người Cha Chung để họ sống tốt lành hơn, sống đúng với nhân phẩm của mình hơn, sống đúng với hình ảnh của Thiên Chúa hơn, thì những lời hát của họ trong thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh như ngọn lửa sưởi ấm tình người trong cái giá lạnh của rừng núi, như ánh sáng tỏa ngời giữa âm u của đêm đen.

« Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù. »

Nghe những tiếng hát tuy còn ngọng ngịu chưa rõ lời ấy nhưng thật đơn sơ, thật chân thành thì những gian khổ, những trở ngại trên bước đường đem Chúa đến cho mọi dân tộc của những tâm hồn thiện nguyện sẽ hân hoan biết là dường nào. Nếu con người mà còn vui mừng, còn hân hoan, còn hòa mình cùng tiếng hát thì thử hỏi một Thiên Chúa tình yêu không bị "Lay", không bị "Rung" sao được "Lay Ánh Tinh Nguyên rung Khí Huyền Thượng Trí". Bởi vì những tiếng hát chân tình đó không những làm phấn khởi cuộc sống trong tự nhiên mà còn làm "Rộn" cả chốn "Linh thiêng". Chắc chắn Thiên Chúa sẽ vô cùng hài lòng khi tình yêu của Ngài được tỏ hiện nơi chốn hoang sơ Gọi thức hồng hoang chạm bụi mờ ươm vị”, Ánh Tinh Nguyên chiếu sáng nơi những tâm hồn nghèo hèn thiếu thốn Rơm cỏ trở mình dìu dặt chớp hào quang
   
“Tu oa tu oa tiếng hát rộn linh thiêng
Lay Ánh Tinh Nguyên rung Khí Huyền Thượng Trí
Gọi thức hồng hoang chạm bụi mờ ươm vị
Rơm cỏ trở mình dìu dặt chớp hào quang”

3.Tim lắng trong tình yêu

“Tu oa tim lắng hồng thiêng”
Tiếng khóc – chúng ta hiểu được, tiếng hát – chúng ta nghe được, nhưng không một âm thanh, không một tiếng động gì hết thì làm sao chúng ta cảm được. Thế thì tại sao những người câm điếc vẫn yêu nhau say đắm, những nam nữ tu sĩ vẫn cảm được Đấng mà mình không nhìn thấy đang yêu thương mình, đang mời gọi mình? Họ phải cảm nhận được một điều gì đó rất thiêng liêng, rất cá biệt mà họ hiểu được thì mới có thể đáp trả một cách hân hoan đầy tự do.
Nhưng không dễ dàng gì chúng ta nhận ra được dấu chỉ và nghe được tiếng Chúa mời gọi chúng ta giữa cuộc sống quá ồn ào và sô bồ này. Có quá nhiều công việc phải bận bịu, có quá nhiều thú vui để tiêu khiển, nên không còn thời gian để “tim lắng”, để nhận biết “tu oa”, để yêu mến “hồng thiêng”.
Tôi còn nhớ đôi lời của bài hát “Tiếng Chúa gọi con” của một sinh viên thao thức tìm hiểu ơn gọi đời mình mà thời trai trẻ tôi cũng đã ngâm nga như sau:
“Tiếng Chúa gọi con hướng về đâu?
Hỡi Chúa Tình Yêu xin chỉ lối
Hướng dẫn lòng con trong u tối
Mong tìm ra Thánh ‎ của Ngài.

Để đời con nguyện dâng hồn xác
Với tất cả tin yêu
Với tất cả chân tình.

Đời dâng hiến chuỗi lời nguyện cầu
Đời hy sinh vì yêu phục vụ
Đời bác ái nguyện sống yêu thương”.
Anh sinh viên đó chia sẻ:
Có lần anh làm một điều anh thích nhưng anh không biết Chúa có vui lòng không? Anh thường có thói quen đọc kinh tối bằng cách đi bộ dọc con đường trước cư xá sinh viên mà anh đang ở. Một tối nọ trong lúc thả bộ bên đường và lần chuỗi Mân Côi, anh thấy một chiếc xe tải đi ngang qua. Đột nhiên từ trên xe có một vật gì văng ra và rơi về phía anh đang đi. Anh cúi xuống lượm lên xem thử đó là vật gì. Đó là một trái thơm vàng chín nhưng đã bị dập hết một bên. Anh bỏ trái thơm đã dập vào sọt rát bên đường rồi tiếp tục lần hạt.
Nhưng tim anh bổng lắng lại: trái thơm tên nó là thơm, là những việc làm tốt lành. Trái thơm có cả trăm mắt, một việc làm tốt sẽ có trăm người nhìn thấy. Nhưng một việc làm xấu thì sao? Cũng sẽ có trăm người biết đến. Trái thơm đã dập thì không thể còn thơm nữa, không ai muốn ăn một trái thơm đã hư, nó sẽ bị vứt vào sọt rác.
Anh hiểu ngay dấu chỉ “trái thơm” mà Chúa nhắc nhở anh. Anh quyết tâm bỏ ngay điều mà anh đang rất thích. Anh tạ ơn Chúa đã nhắc nhở anh đừng làm điều mà Ngài không ưa thích. Anh cảm thấy thật bình an và hạnh phúc khi làm vui lòng Chúa.
Phải nói rằng, anh sinh viên này có lòng yêu mến Chúa “hồng thiêng”. Vì yêu mến Chúa, nên trong mọi công việc anh điều muốn làm vui lòng Ngài. Anh noi gương Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là chọn Ý Chúa chứ không chọn công việc của Chúa. Cho nên anh luôn phó thác và đặt mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa “tim lắng”. Bởi vậy, khi thấy dấu chỉ “trái thơm” tức là tiếng “tu oa” mà Thiên Chúa nhắc nhở là anh nhận thức ra ngay điều anh phải sống và phải làm cho đẹp lòng Ngài.
Có một câu chuyện khác:
Một người cha vất vả lo cho mấy đứa con học đại học. Khi sự vất vả chưa ngơi nghỉ, ông lại phải chạy vạy lo đám cưới cho cậu con trai thứ ba vừa tốt nghiệp cao học. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới thật bề bộn, nhưng rảnh được ngày nào là cậu con trai vượt đường xa lên nhà vợ tương lai ở tận Tây nguyên để thăm người yêu và chiều chiều chăm sóc vườn cây cảnh cho nhà vợ.
Sau khi lo lắng cho mọi việc cưới hỏi được tốt đẹp, người cha vẫn âm thầm tiếp tục trả lãi đời. Một hôm, người con trai nói với cha: “Sao ba không tưới mấy chậu xương rồng để nó chết khô cả rồi”.
Ông nghe con mình nói mà đau, ông nhìn con mình có học thức mà buồn. Vườn cây nhà vợ, cha vợ đâu nhờ nó tưới mà nó vẫn lên tưới tắm cho cây xanh lá tốt. Còn vườn xương rồng mà cha nó nuôi dưỡng từ thời ông nội nó còn sống đến nay thì nó chỉ thấy, biết nói mà không động tay.
         Người con trai này thiếu “hồng” để yêu mến cha mình, vắng “thiêng” để hiểu được tình cha? Có học thức nhưng “tim” anh ta chưa biết “lắng” để nhận ra điều cha mình cần tay anh chung sức cho vườn mình tươi, cho nhà mình đẹp. Anh chưa thể nghe thấy tiếng “tu oa” của cha anh thì anh càng không thể động lòng trước tiếng “tu oa” của người khác, và chắc chắn những cây xương rồng không biết nói kia sẽ rũ gục dưới ánh nắng chói chang tựa như lòng cha anh héo úa trong thinh lặng.

Văng vẳng tiếng tu oa

         Trong những dịp cử hành thánh lễ cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, một linh mục đã chia sẻ :
Bọn trẻ Dân tộc ở các làng quê thì khác, con trai cũng như con gái, tóc cháy vàng vì nắng gió, rít rịt vì hình như không gội đầu, hoặc có gội thì chẳng có sữa gội, vẫn bọn con trai với cái dầu loay hoay không yên, vẫn bọn con gái mắt mở to ngơ ngác nhìn Ama (Cha) lạ chúc lành cho chúng, có đứa chẳng chịu cúi mà còn ngước nhìn, không có chỗ cho sự đặt tay vì chúng cứ nhìn Ama lạ. Hôm ở Ia Drieng, một bà mẹ Dân tộc bế con lên chịu lễ, cho bà rước lễ xong tôi đặt tay chúc lành cho đứa bé, nhưng nó nhất định không chịu, quay đi khi tôi cố với đặt tay cho nó, cuối lễ ra ngoài sân tôi gặp lại hai mẹ con, thằng bé đang khóc thút thít, tôi hỏi tại sao cháu khóc, bà mẹ trả lời bằng một tràng tiếng dân tộc tôi không hiểu, khi có người dân tộc khác đến nói chuyện, anh ta cho tôi biết nó đang hờn mẹ nó vì chưa được chúc lành, sở dĩ nó không cho tôi chúc lành vì tôi không phải là Ama của nó, Ama của nó là vị linh mục đang chịu trách nhiệm vùng truyền giáo này, đối với nó như thế là hôm nay nó chưa được chúc lành. Tôi nhớ lại ý kiến của một linh mục trẻ đang dấn thân trên miền truyền giáo, ngài chia sẻ với tôi rằng “phải trở nên người Dân tộc, là người Dân tộc, được người Dân tộc thương, lúc đó mới nói Tin Mừng được”.
Trong mỗi chuyến đi lên vùng cao nguyên, tôi bị trăn trở vì mênh mông những bản làng chưa biết Chúa, tôi bị thôi thúc rất nhiều vì trùng điệp núi đồi chưa có ánh sáng Tin Mừng, tôi biết nhiều anh chị em linh mục tu sĩ đã dấn thân miệt mài cho công cuộc truyền giáo, tôi biết nhiều anh chị em tín hữu đã hiến dâng đời mình cho việc loan báo Tin Mừng, nhưng còn nhiều quá, quá nhiều những con người cần được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, quá nhiều núi đồi cần bóng thập giá. Ước gì chúng ta bớt đi những phí uổng công sức cho những nơi thừa bứa tiện nghi, ước gì chúng ta bớt đi những vấn đề không đáng đã làm hao tổn công sức của Giáo Hội, để Giáo Hội dồn sức cho hơn nữa những vùng cần đến lời Chúa, cần đến ơn cứu độ.
Ước gì chúng ta bớt chăm chút cho hình dáng bên ngoài của những cộng đồng miền xuôi, để chia ít nhiều cho những ngôi nhà nguyện lụp sụp tăm tối, những nơi không có nhà nguyện phải che mảnh nhựa dâng lễ trong sân nhà một Bok (già làng) nào đó, những nơi chị em Dân tộc phải địu con thơ đi bộ nhiều cây số để tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, rồi trở về dưới cái nắng gay gắt của miền cao.        

Tôi trở về thành phố nhưng vẫn mang theo những cái đầu tóc cháy vàng rít rịt, những mái tóc cứng như rễ cây xoắn tít vào nhau, cái cảm giác nham nhám và khô cứng theo tôi mãi, tôi như đang chạm vào những thảm lá vàng của mùa thu nào đó, chẳng lẽ cứ mãi là mùa thu ?
                                                                          

Lời kết

Như vậy để có thể làm tròn bổn phận và trách nhiệm trong gia đình, chia sẻ những nỗi khổ đau của đồng loại, quan tâm bảo vệ môi trường mình đang sống và để có thể đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, điều kiện cần là chúng ta là phải có lòng yêu mến chân thành “Hồng”, một cách thanh khiết vô điều kiện “Thiêng”. Có yêu mến “Hồng Thiêng” chúng ta mới dành thời gian để lắng nghe, để nhìn lại, để bao dung, để tha thứ, để giúp đỡ, để cảm thông…“Tim lắng”. Đây chính là điều kiện đủ. Chính lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được Thiên Chúa mong muốn chúng ta điều gì qua những biến cố, qua những dấu chỉ “Tu oa” mỗi ngày trong cuộc sống, để sống đẹp lòng Chúa, trọn tình người trong mọi tạo vật.
Như thế câu keo của bài hát nói có thể viết lại theo một trình tự như sau:
“Hồng thiêng / tim lắng / tu oa”


Viết xong lúc 15g30
Ngày 29/05/2013


Bình Nhật Nguyên