Văn học Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dòng văn học dân tộc

Quang X Nguyen

VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÒNG VĂN HỌC DÂN TỘC


Đó là nhận xét của Thầy Micae Bùi Công Thuấn – UV lý luận phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam, thay mặt Ban Văn hóa Giáo Phận Xuân lộc công bố giải và nhận xét các tác phẩm đạt giải Văn Hóa Đất Mới năm 2017.



Nhằm mục đích nghiên cứu các mối liên hệ đa dạng về Đức Tin và Văn Hóa, đối thoại giao lưu Văn Hóa để tìm ra những phương cách Hội nhập Văn Hóa và diễn tả Tin Mừng trong môi trường văn hóa. Đúng vào ngày 11 tháng 11 hằng năm, Ban Văn hóa Giáo phận Xuân Lộc đều tổ chức công bố và khen thưởng các nhà văn nói chung và nhà văn Công giáo nói riêng, về các sáng tác văn thơ.


Được biết đối tượng dự thi Văn Hóa Đất Mới của Giáo phận, đều không phân biệt tôn giáo, trong hay ngoài giáo phận. Chỉ có một điều cần thiết đó là nhiệt tâm với việc xây dựng văn hoá sự sống và tình thương. Nhờ đó mà Văn Hóa Đất Mới đã phát triển không ngừng, không chỉ các nhà văn Công giáo tham gia, mà ngay cả những nhà văn không cùng niềm tin, cũng đồng hành cùng dòng văn học Công giáo.

Tại buổi tổng kết Văn Hóa Đất Mới năm 2017, Thầy Micae Bùi Công Thuấn – UV lý luận phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam, thay mặt Ban Văn hóa Giáo Phận Xuân lộc đã nói lên hướng đi của mình, đó là: “Phải làm sao đó hướng văn học Công Giáo phải chảy theo dòng chảy của văn học dân tộc, từ đó tới nguồn tận cùng của Tin Mừng”.

Quả thật khi đi ngược dòng lịch sử, chúng ta đều thấy Công giáo tuy có lúc thăng trầm của thời cuộc, nhưng nhìn chung Công giáo luôn đập chung nhịp tim của dân tộc. Công giáo được xem là cầu nói Đông Tây giữa Việt Nam với các nước phương Tây. Những đóng góp của Công giáo đối với văn hóa Việt Nam, không thể nào chúng ta phủ nhận được. Từ hội nhập văn hóa, các công trình kiến trúc, chữ quốc ngữ hay các vấn đề an sinh xã hội...., đặc biệt là dòng văn học Công giáo.

Nếu dòng văn hóa, văn học dân tộc phát triển, mà vắng bóng của Công Giáo, thì sẽ là một trong những mất mát lớn. Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, đang cố gắng xác định vị thế của Công giáo trên chiều dài của văn hóa, văn học Việt Nam.

Nhìn vào chiều dài của dòng văn học dân tộc, nếu tính theo Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, từ thế kỉ XVI đến nay. Thì đã có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ Công giáo với những tác phẩm kiệt tác, đóng góp cho dòng văn học dân tộc. Chẳng hạn: Alexandre de Rhodes, Gioan Thanh Minh, Raphael Đắc Lộ, Thầy cả Lữ Y Đoan, Phạm Văn Minh, Trần Lục, Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Hồ Zếnh, Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân…

Đối với giới nghiên cứu khoa học ngày nay, thì có PGS. TS Nguyễn Hồng Dương đã xuất bản biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về Công giáo, chẳng hạn: “Công Giáo trong văn hóa Việt Nam”, “Những Nẻo “Đường Phúc Âm Hóa Công Giáo Ở Việt Nam”, “Công Giáo Việt Nam Đối Với Phát Triển Bền Vững Đất Nước”....

Các tác phẩm của Văn Hóa Đất Mới (Giáo Phận Xuân Lộc), được xem là một trong những nhân chứng sống động của nền văn học Công Giáo Việt Nam. Đặc biệt các tác phẩm của Song Nguyễn – Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh (Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc) trong Tủ sách Đời Dâng Hiến đã được giới thiệu đến bạn đọc, cụ thể:

1. Song Nguyễn (2009), Một Đời Dâng Hiến, Nhà xuất bản Tôn Giáo
2. Song Nguyễn (2009), Đất Mới, Nhà xuất bản Tôn Giáo
3. Song Nguyễn (2010), Đồng Hành, Nhà xuất bản Tôn Giáo
4. Song Nguyễn (2011), Định Hướng, Nhà xuất bản Tôn Giáo
5. Song Nguyễn (2011), Chuyến Xe Về Trời, Nhà xuất bản Tôn Giáo
6. Song Nguyễn (2011), Còn Một Niềm Tin, Nhà xuất bản Tôn Giáo
7. Song Nguyễn (2011), Suối Nguồn, Nhà xuất bản Tôn Giáo
8. Song Nguyễn (2012), Người Cha Hiền, Nhà xuất bản Tôn Giáo
9. Song Nguyễn (2012), Người Mẹ Hiền, Nhà xuất bản Tôn Giáo
10. Song Nguyễn (2013), Chỉnh Hướng, Nhà xuất bản Tôn Giáo
11. Song Nguyễn (2013), Đồng Cỏ Xanh, Nhà xuất bản Tôn Giáo

Qua các tác phẩm của Văn Hóa Đất Mới nói chung, Tủ sách Đời Dâng Hiến của Song Nguyễn nói riêng, đã phần nào góp phần vào nền văn hóa, văn học của dân tộc.

Văn hóa Công Giáo Việt Nam vẫn có đó, văn học Công giáo cũng đang hiện diện. Một thực tế cho thấy Văn hóa Công Giáo chưa được chú trọng và nghiên cứu, nếu không muốn nói là xem thường.

Trước tiên về các công trình của giới nghiên cứu ngoài Công giáo không nhiều, nếu có thì cũng chưa toát hết ý nghĩa mà Công giáo mang lại. Tiếp theo đó là các giới nghiên cứu trong Công Giáo, cụ thể Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận, tuy các giáo phận đều có ban văn hóa. Nhưng vì lí do cá nhân, đa số các giáo phận chủ yếu hoạt động một cách độc lập. Cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có tập san Văn Hóa Công Giáo chính thức, không phải vì không đủ khả năng nghiên cứu, nhưng còn một số vấn đề còn đem ra bàn luận, để đưa tới sự thống nhất. Đã đến lúc khẳng định và trả lại những gì mà Công giáo đã đóng góp cho văn hóa Việt Nam nói chung, dòng văn học dân tộc nói riêng. Xin đừng nhìn Công Giáo với nhã quan phiến diện một chiều.

Tóm lại khi nhắc đến văn học là đề cập phạm vi luân lí. Với chiều dài tồn tại trên mãnh đất hình chữ S này, tuy hình thành một nền văn hóa, văn học riêng, mang màu sắc tôn giáo của mình. Dù vậy, Công Giáo không tách rời khỏi dòng chảy và sự phát triển chung của nền văn hóa-văn học Việt Nam. Bởi thế hai bên cộng hưởng với nhau, bổ sung cho nhau. Nếu dòng văn học Công Giáo Việt Nam muốn đạt tới nền văn học viên mãn đó là Tin Mừng, thì phải đồng hành cùng nền Văn học dân tộc. Còn nền văn học dân tộc muốn tiến tới nền văn học sự thật thật sự, thì phải có nền văn học Công giáo.

Tôi xin mượn Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 09 để kết luận bài viết của mình: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.

Fx. Cao Dương Cảnh

Nguồn: http://gpcantho.com/ViewDetailNews.aspx?IdView=11620