… Chiều tà vọng nhớ cố
hương,
Mái trường cao cẳng, giáo
đường Tha La …
(Không rõ tác giả)
Thuở ấy, như các
bạn đồng lớp ở mấy năm đầu trung học, tôi cũng nắn nót chép thơ. Đó là một
quyển sổ bìa cứng, giấy màu thiên thanh, được gò gẫm điểm tô bằng mực tím.
Chúng tôi sưu tầm, trao tặng nhau những bài thơ, đa số là thơ tiền chiến đã làm
cho tuổi mới lớn của chúng tôi dạt dào cảm xúc.
Một trong những bài
thơ, tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ, dù đã hai mươi mấy năm rời ghế nhà trường, đó
là bài Tha La xóm đạo của Vũ Anh
Khanh (1). Sinh trưởng trong thời chiến, nhưng ở hậu phương yên
lành, tôi may mắn đọc được rất nhiều thi văn tiền chiến và suốt những năm dài
sau đó, không biết bao nhiêu là thơ hay, cớ nào tôi lại nghĩ đặc biệt tới Tha La xóm đạo ? Có lẽ vì tôi biết Tha La trong kỷ niệm êm
đềm của tuổi học trò thơ mộng.
Hôm ấy là một buổi
trưa, trời nắng bức. Chỉ còn hai ngày nữa là đến kỳ bãi trường Tết. Các lớp
đang trong giờ học. Sân trường tương đối vắng dưới ánh nắng chói chan, không
một làn gió thoảng. Chị bạn nội trú rủ tôi đến ngồi dưới gốc điệp mà tàng lá
sum sê vừa đủ cho chúng tôi một khoảng bóng mát. Giữa trời xanh yên tĩnh, chị
hứng khởi đọc bài thơ Tha La xóm đạo, nói là để tặng tôi trước khi chia tay vì
chưa biết rồi qua Tết, gia đình có còn cho chị tiếp tục lên Sàigòn học nữa hay
không. Trước viễn ảnh biệt ly, lòng buồn man mác, giọng truyền cảm của chị dẫn
tôi mơ về xóm đạo và tôi thấy tâm hồn rúng động theo từng nhịp thơ trầm hùng,
bi thiết… Bài thơ dài chấm dứt đã lâu, tôi còn bàng hoàng ngơ ngác tưởng chừng
như cái nắng chói chan trước mắt là mùa
nắng vàng hanh của Tha La xóm đạo. Từ đó tôi có một ý niệm đẹp về Tha La
xóm đạo dù chưa một lần đặt chân tới vùng đất nổi danh ấy.
Cho đến vài năm
sau, ngẫu nhiên vào một buổi chiều mồng hai Tết, tôi bất ngờ được ghé thăm xóm
đạo. Suốt quãng đường dài trên xe, nao nức chờ đợi, nhưng thực tế không như ý
nghĩ vẽ vời của tôi. Tôi tần ngần tự hỏi “đây là Tha La xóm đạo ?” Không
có những thửa ruộng thơm hương lúa trải dài mút mắt như miền hậu giang, cũng
không có phố chợ ồn ào của đô thị dập dìu. Dù đến giữa mùa xuân, tôi vẫn thấy
Tha La u buồn, trầm mặc. Dọc theo con đường đất đỏ dẫn vào xóm đạo, lưa thưa
mấy nhà ngói cũ với vài thửa ruộng khô cằn nứt nẻ. Gần nhà thờ, dân cư đông đúc
hơn.
Trước mỗi hầu, gần
như đều có cụm mai vàng uốn tỉa giông giống nhau và bên hông nhà mấy cây vú sữa
sum sê trái. Một thoáng bâng khuâng, tôi không tin là Tha La chỉ có thế. Dường
như bị bài thơ ám ảnh, tôi cứ mơ tìm nét đẹp hùng tráng của Tha La. Tôi quyết
định sẽ trở lại và thực tế, tôi đã trở lại nhiều lần sau đó. Tôi đã tìm gặp một
Tha La dễ thương, nhịp sống hiền hòa với những giáo dân siêng năng, cần mẫn. Từ
đó tôi yên tâm yêu mến Tha La như một vùng đất quen thuộc, và bây giờ xa xứ,
tôi viết về Tha La để tặng cho những ai chỉ biết đến Tha La xóm đạo qua văn,
thơ, nhạc…
Khởi hành từ
Sàigòn, bằng xe đò, tới quận lỵ Trảng Bàng khoảng hơn năm mươi cây số. Chợ
Trảng Bàng nằm trên trục lộ giao thông chính, ở nửa đường Sàigòn - Tây Ninh.
Tôi thường ghé qua vào lúc phiên chợ sắp tàn nhưng vẫn còn kịp giờ để thưởng
thức món bánh canh bột lọc nổi tiếng. Đầu chợ là bến xe thổ mộ đi vào xóm đạo.
Tại đây lúc nào cũng có vài em bé đầu đội chiếc nón cũ, chân đất, áo vá vai, da
sạm đen vì nắng gió, nài nỉ mời khách mua mía ghim (2), là món quà giản dị, hấp dẫn dưới ánh nắng thiêu đốt
của mặt trời.
Ngoài ra các em
cũng mời mua bánh phồng nướng, bánh tráng dừa rắc mè đen và bánh tráng khoai là
những đặc sản của vùng. Phu xe thường là một người đàn ông trung niên, mặc bộ
bà ba đen, đầu quấn khăn rằn, nói năng hiền hòa. Chiếc xe chuyển bánh trên đoạn
đường liên tỉnh tráng nhựa độ vài trăm thước thì rẽ vào con lộ đất đỏ dẫn vô
xóm đạo ; vó ngựa gập ghềnh với tiếng roi quất vút trong không khí và phía
sau bụi đỏ tung trời. Quãng đường dài gần bốn cây số, không thấy tiệm buôn,
hàng quán, trừ chiếc xe độc nhất bán nước giải khát ở xế cửa nhà thờ, là nơi
dừng chân tránh nắng của khách bộ hành.
Ngôi thánh đường cũ
kĩ nằm lưng chừng giữa xóm đạo vừa được tu bổ khang trang, ngói sẫm, tường vôi
với tháp chuông gọn gàng, mỹ thuật. Chính nơi đây là trung tâm sinh hoạt linh
động của xóm đạo. Nếu bài thơ Tha La đẹp vì tinh thần kháng chiến hào hùng thì
xóm đạo mà tôi biết, đẹp vì tình người đôn hậu, vì tinh thần mộ đạo và nếp sống
cộng đồng đặc biệt.
Thật vậy, vừa rạng
đông, tiếng chuông giáo đường thánh thót ngân vang, một khắc sau, kinh nguyện
ban mai bắt đầu khởi xướng và các tín hữu lần lượt tới “xem lễ” vào lúc 5 giờ.
Tôi không nhớ rõ con số giáo dân, chỉ biết hình như toàn thôn xóm, khoảng hơn
trăm nóc gia, đều “có đạo” (Thiên Chúa). Mỗi nhà thường cách nhau bằng hàng rào
dâm-bụt hoặc cùm-nụm hay nguyệt-qưới trổ hoa trắng phảng phất hương thơm ở mặt
tiền, còn phía hậu là một hàng trúc lả ngọn theo từng cơn gió thoảng.
Mỗi khoảnh đất như
vậy là một đại gia đình, gồm ông bà, cha mẹ, anh chị em, dâu rể, cháu chắt…
Những người đang sức lao động hay đi làm xa có thể vắng mặt trong giờ lễ hằng
ngày, còn các người lớn tuổi, các thôn nữ, đồng nhi thì hiện diện đều đặn. Tính
ra hầu như mỗi gia đình đều có người đi nhà thờ. Tan lễ, trên đường về, hỏi
thăm nhau mùa lúa, giàn bầu, bầy gà, đàn vịt… Kể chuyện vui buồn, lo âu trong
thôn xóm, họ hàng… Rồi chia tay, ai về nhà nấy, để tới chiều nắng dịu, lại quây
quần đọc kinh, lần chuỗi, cầu nguyện, chầu phép lành và trở về nhà khi hoàng
hôn xuống.
Các ngày lễ trọng,
giáo đường nhộn nhịp. Thiếu Nhi Thánh Thể quàng khăn vàng viền đỏ, hội Con Đức
Mẹ áo dài trắng tinh, Hùng Tâm Dũng Chí đồng phục chỉnh tề, các quới chức quần
nhiễu áo gấm đen… Đa số còn lại tự do, tùy thích. Nhưng tất cả đều gọn gàng,
đơn sơ. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng “áo đầm” hay sơ mi vẽ chim cò, hoa hòe
sặc sỡ dù rằng đấy là thời trang đang thịnh hành ở thành phố Sàigòn, cách đó
chưa đầy sáu mươi cây số. Thỉnh thoảng bắt chợt gặp thiếu nữ mặc “quần tây” hay
tóc uốn quăn thì biết ngay là khách phương xa hoặc vài nữ sinh trong xóm được
gia đình gởi đi ăn học ở tỉnh thành.
Giáo dân được
đoàn-ngũ-hóa thích hợp với từng lớp tuổi. Các bà mẹ gia đình hội Môi Khôi, Dòng
Ba, đàn ông thì hội Phạt Tạ, trai tráng có Hùng Tâm Dũng Chí, những người cha
gia đình ở hội Phụ Huynh, cả các ông bà tuổi hạc đã cao cũng nhập hội chuyên
cầu cho Các Đẳng (linh hồn những người quá cố).
Mùa nắng tốt rước
kiệu ngoài trời, nhiều nhà dựng cổng kết bằng lá dừa, lá ô-rô với bông vạn thọ,
huệ trắng hay hoa chuối nước để cung nghinh tượng Thánh Tâm Chúa hay Đức Mẹ.
Giáo hữu thuộc lòng những bài ca vịnh bằng tiếng La-tinh và hội hát xướng kinh
chiều điêu luyện như các ca đoàn ở Vương Cung Thánh Đường Sàigòn, dù thanh nữ không mấy
người học tới trung học. Đó là kết quả của các dì phước một đời tận tụy, truyền
dạy chữ nghĩa, tập hát, tập kinh, tập các nghi thức phụng vụ.
Ở đấy tình người
đậm đà. Mỗi cá nhân là một thành phần với đầy đủ trách nhiệm hỗ tương giữa gia
đình và cộng đoàn. Chuông nhà thờ, ngoài giờ khắc định sẵn, nếu gióng lên bất
thường là y như mọi người đều đoán được chuyện gì đang xảy ra trong xóm. Nếu
chuông dồn dập liên hồi, lập tức những nhà lân cận và các quới chức tất tả tới
nhà cha sở vì đó là có việc quan trọng cần thông báo hoặc hành động khẩn cấp.
Mấy nhà ở xa cũng
vội sai trẻ chạy băng đồng qua ngõ tắt đến hỏi thăm tin tức. Còn nghe chuông
báo tử ngân nga trầm buồn vang vọng, các lớp ngừng học, người người ngưng việc,
đọc một kinh cầu cho linh hồn vừa qua đời. Lần đầu tiên theo linh mục Bề Trên
địa phận đến thăm cha sở xóm đạo, tôi đã ngỡ ngàng khi bước vô nhà xứ chưa đầy
mười lăm phút, đã thấy bốn năm quới chức nghe chuông báo khách lần lượt đến
chào.
Dĩ nhiên nếp sống
hiền lương vẫn có những gợn sóng bất hòa. Nhưng nếu có chuyện tranh chấp trong
gia đình hay giữa hàng xóm thì các người thân cận xúm lại giảng hòa, với lý
luận giản dị nhưng hữu lý cả đạo lẫn đời mà đa số mặc nhiên công nhận ;
nghĩa là không để ai bị hiếp đáp quá đáng, cũng không lên án khắt khe người
phạm lỗi lầm, luôn luôn khuyến khích làm lành, lánh dữ. Vạn bất đắc dĩ chưa
giải quyết được thì cha sở và qưới chức đến tận nơi thăm hỏi khuyên can. Kết
quả thường rất tốt đẹp và bao giờ bữa ăn xí xóa cũng mời cha sở cùng quới chức. Chính bầu khí
thương yêu đùm bọc nầy là đặc điểm của Tha La mà tôi không tìm thấy ở họ đạo
thị thành.
Tôi yêu mến đời
sống hiền hòa đôn hậu ấy, dù ở đấy còn thiếu nhiều tiện nghi của nền văn minh
cơ khí, dù người dân lam lũ, dù bụi mù đất đỏ và cảnh vật u trầm vắng lặng. Tha
La không có những thổ sản vang danh như bưởi Biên Hòa, nhãn Bạc Liêu, mận hồng
đào Trung Lương ,
cam sành Cái Bè, măng cụt sầu riêng Lái Thiêu, mít tố nữ, chôm chôm Long Thành…
Nhưng Tha La có rượu nếp than tuyệt hảo, có vú sữa ngọt lịm, có xoài thanh
ca ; có đào lộn hột, có rặng trâm bầu thơ mộng nằm cạnh các nhánh sông,
lạch và có mía thanh diệu vỏ ửng màu tím vừa dòn vừa ngọt.
Đó, Tha La xóm đạo
vào cuối thập niên năm mươi. Cuộc sống vẫn bình lặng dù đất nước chưa thanh
bình, dù đã có những người trai trẻ theo lệnh động viên đi làm lính chiến, dù
đã có vài đồn bót giăng rào kẽm gai và bên kia vàm sông lững lờ là miền bưng
biền, cỏ dại um tùm, lau sậy hoang vu, nơi trú ẩn của những người không cùng
chiến tuyến.
Tôi trở lại Tha La
lần sau cùng vào cuối thập niên 60. Bấy giờ xe ngựa là tài sản riêng của một
gia đình trung lưu. Bởi vì khách bộ hành muốn ra chợ Trảng Bàng hoặc trở về Tha
La thì đã có sẵn các chuyến xe “lam” (Lambretta ba bánh, chở một lúc được 8
người).
Dọc con lộ chính
dẫn vào xóm đạo thấy chòi canh “nhân dân tự vệ” vượt hẳn lên cao giữa mấy ngôi
nhà gạch mới xây, thấy thôn An Hòa (trước khi tới Tha La) có ngôi trường tiểu
học công lập, thấy xe Honda rồ máy làm tung bụi mù đất đỏ và thấy nhiều người
trẻ đi xe đạp ra học ở trường trung học Trảng Bàng. Như buổi đầu mới đến, tôi
từ giã xóm đạo trong vội vàng, cũng vào một buổi chiều xuân, mồng bảy Tết, lúc
ánh nắng vẫn còn chói chan trên mấy cụm mai vàng rực rỡ.
Bây giờ ở đây,
ngoại ô Paris, một sáng mùa đông sương mù lạnh buốt, tôi về thăm lại Tha La
trong tâm tưởng, bằng ngòi bút nhỏ trải dài trên giấy trắng phẳng phiu với niềm
mơ ước được nhìn lại xóm đạo thân yêu ngày cũ đã cho tôi trăm nhớ ngàn thương.
Tạ Thanh Minh-Khánh. (1986)
Kính tặng Cha Nguyễn Hữu Tấn và Dì Marie
Christine Nguyễn.
(2) Mía ghim : que tre dài cở một gan tay,
đầu chẻ làm 5-6 ngọn, trên mỗi ngọn cắm một khoanh mía đã róc sạch võ, cắt cở
3-4 cm ,
trông tựa như chiếc dù xòe.
___________________
(1) Tha La Xóm Đ ạo
Đây Tha La Xóm Đ ạo
Có trái
ngọt cây lành
Tôi về thăm
một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo :
- Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng
Khói đùn quanh nóc tranh
Gió đùn quanh mây trắng
Và lửa loạn xây thành.
- Viễn khách ơi, hãy dừng chân cho hỏi
- Nắng hạ vàng, ngàn hoa gạo rưng rưng
Đây Tha La,
một xóm đạo ven rừng,
Có trái
ngọt, cây lành im bóng lá.
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn
khách bơ vơ !
Về chi đây ? Khách hỡi ! có ai chờ ?
Ai đưa đón ?
- Xin thưa : tôi lạc bước !
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ đưa đón
tôi đâu !
Rồi quạnh hiu khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ
Nhìn cánh hoa ngẩn ngơ bay trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách
bỗng bâng khuâng.
Tha La hỏi :
- Khách buồn nơi đây vắng ?
- Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng…
Và khách
buồn vì tiếng gió đang hờn ?
Khách nhẹ
cười, nghe gió nổi từng cơn
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió
rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch :
Thôi hết rồi ! Còn chi nữa Tha La !
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà,
Nay đã chết giữa chiến
trường ly loạn.
Tiếng địch càng cao, giọng não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ
người hiu quạnh.
- Thôi hết rồi ! Còn chi nữa Tha La !
Đây mênh mông Xóm Đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng
Đang đón mây xa… Khách
bỗng ngại ngần :
- Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng ?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng : - Em chẳng biết gì ư ?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù !
Người nước Việt ra đi vì đất Việt.
Tha La vắng, vì Tha La đã biết
Thương giống nòi, đau đất
nước lầm than.
Trời xa
xanh, mây trắng nghẹn hàng hàng
Ngày hiu
quạnh…Ờ… ơ… hờ… tiếng hát.
Buồn như gió lượn ngân dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát
rằng : Tha La giận mùa thu,
Tha la hận quốc thù,
Tha La buồn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,
Não nùng chưa ! Tha La nguyện hy sinh.
Ờ… ơ… hờ…
Có một đám chiên lành,
Quỳ cạnh
Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy.
-
Lạy đức Thánh Cha !,
-
Lạy đức Thánh Mẹ !,
-
Lạy đức Thánh Thần !
-
Chúng con xin về cõi tục
để làm dân
Rồi, cởi
trả áo tu.
Rồi, xếp
kinh cầu nguyện.
Rồi, nhẹ bước trở về trần….
Viễn khách ơi ! Viễn khách ơi !
Người hãy dừng chân
Nghe Tha La kể,… nhưng… mà thôi khách nhé !
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
Trời Tha La vần vũ đám mây buồn
Vui gì đâu mà tâm
sự ?
Buồn làm chi cho bẽ
bàng !
Ờ… ơ… hơ… ờ tiếng hát
Rung lành lạnh ngân trầm đôi khúc nhạc.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi !
Tha La thương người viễn
khách đi thôi !
Khách
ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
Nghe gió
thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng
cao, vàng rụng, lá rừng bay…
Giờ khách đi Tha La nhắn câu nầy :
-
Khi hết giặc, khách hãy
về thăm nhé !”
Hãy
về thăm nhé !
Hãy về thăm
Xóm Đạo
Có trái ngọt, cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên hiền thương
áo trắng.
Nghe trời nổi gió nhớ
quanh quanh.
Vũ Anh
Khanh.
1/ Theo ông
Hồ Đinh trong bài viết gởi lên mạng internet 11-3-2008, Vũ Anh Khanh, nhà văn đầu tiên chống lại CSVN thì bài thơ Tha La Xóm Đ ạo đăng trong tập truyện dài Nửa Bồ Xương Khô gồm 2 quyển, nói tới
nạn đói năm Ất Dậu 1945, do nhà xuất bản Tân V.N. Saigon, 1949.
2/ Cũng đọc thấy trên mạng, lời
viết của một người ký tên Phương Thúy ngày 6-8-2011 : Bài thơ Tha
La in trong tuyển tập Thơ Mùa Giải
Phóng do Sống Chung xuất bản năm 1950. Tác giả Vũ Anh Khanh trích đăng một
phần bài thơ nầy với tên Hận Tha La
trong tiểu thuyết Nửa Bồ Xương Khô
1949. Phương Thúy chưa thấy có tài liệu gọi bài thơ nầy là Tha La Xóm Đ ạo. Tác giả cho biết
đang làm một nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông Vũ Anh Khanh.
(Phát biểu ý kiến sau bài viết về Tha La Xóm Đ ạo của ông La Ng ạc Thụy)
(trích trong tác phẩm Ngàn Năm Hiển Hiện của Gs Tạ Thanh Minh Khánh, còn tiếp)