Lời kinh cầu hồn trong văn hóa Việt Nam

Quang X Nguyen


Lời kinh cầu hồn trong văn hóa Việt Nam
(Suy tư nhân tháng cầu hồn 2009)



Tại một số giáo phận miền Bắc, nhất là các Giáo phận do các Thừa sai dòng Đa-minh truyền giáo trước đây, nhiều tín hữu rất quen thuộc với kinh “Phục Rĩ” cầu nguyện cho người đã qua đời. Có thể nói đây là một cố gắng tuyệt vời của ông cha ta để “hội nhập văn hóa” trong kinh nguyện. Với cung giọng ngân nga trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt, lời kinh đưa chúng ta vào một bầu khí linh thiêng, siêu thoát. Với những âm vang nghiêm trang sâu lắng, lời kinh dẫn chúng ta về tham dự một lễ tế cổ xưa. Có người cho rằng kinh Phục Rĩ của người Công giáo đã được soạn thảo với sự cộng tác của một vị sư phật giáo trở lại Đạo[1], nhờ đó mà nội dung và cung giọng rất gần với những bài tế cô hồn.


Một bài văn tế thường gồm bốn phần :
  • Lung khởi: mở đầu, thường bắt đầu bằng chữ Hỡi ôi, sau đó là lời than vãn
  • Thích thực: mở đầu bằng chữ “Nhớ linh xưa” sau đó là phần tuyên xưng công trạng của người đã quá vãng
  • Ai vãn: mở đầu bằng “khá thương thay” sau đó là niềm thương tiếc và cảm phục.
  • Kết: nói lên tâm tình thương tiếc và rút bài học cho người còn sống.

Kinh Phục Rĩ cũng được soạn thảo theo đúng dàn bài trên, nhưng điều tuyệt tác của cha ông chúng ta là làm cho lời kinh trở thành một lời tuyên xưng đức tin, tạo cho “bài tế” mang một nét rất mới mẻ. Người viết không dám đi sâu hơn vào lãnh vực văn chương mà chỉ mạo muội so sánh sự khác biệt giữa nội dung một bài tế và kinh Phục Rĩ trong hai phần mở đầu (Lung khởi) và nội dung chính (Thích thực).

Trong phần mở đầu, nếu bài tế người qua đời mở đầu bằng lời than vãn trước sự ra đi của một người thân hoặc một nhân vật anh hùng, thì kinh Phục Rĩ lại mở đầu bằng lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng ngự trên chín tầng trời. Ngài là chủ của sự sống, là Chúa của muôn loài muôn vật. Chúng ta cùng so sánh lời mở đầu giữa hai bài tế của Cụ đồ Chiểu với kinh Phục Rĩ:

Hỡi ôi ! súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ
Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tơ phao: một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, năm 1861)

Hoặc:
Hỡi ôi !
Tủi phận biên manh
Căm loài gian tặc
Ngoài sáu tỉnh hãy gợi câu án đổ, dân nhờ vua đặng lẽ sống vui
Trong một phen sao mắc chữ lục trầm, người vì nước rủ nhau chết ngặt (Điếu lục tỉnh Nam Kỳ sĩ dân văn).

Trước vong linh người đã chết, người tín hữu Công giáo lại mở đầu bằng lời kinh ca tụng và tôn thờ:
“Phục rĩ: Chí tôn chân Chúa cửu trùng cao ngự chi thiên,
Khả tiểu phàm phu, vạn vật hữu sinh chi địa”.
Chiếu lâm bất sảng, phú tại vô tư
Dịch: Lạy Chúa chí tôn
Thiên Chúa cửu trùng cao ngự thiên cung
Thẩm nhận đoàn con – phàm hèn giữa muôn tạo vật
Chúa soi thấu cả, chẳng có đơn sai.[2]

Phần “Lung khởi” của Kinh Phục Rĩ khá dài vì tiếp theo đó là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sáng tạo muôn loài, Chúa Con chịu khổ chịu nạn để cứu chuộc trần gian, Chúa Thánh Thần hiện xuống và ở cùng Giáo Hội...

Như thế, nếu bài văn tế nhằm than vãn trước sự ra đi của người thân, thì kinh Phục Rĩ lại nhấn mạnh trước hết đến Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Ngài là Đấng Tối Cao trên cả vạn vật.

Cũng trong chiều hướng đó, cách nói về một người đã nằm xuống cũng rất khác biệt. Trong Phần “Thích thực” là nội dung chính của bài tế, người ta kể lể công trạng của người đã chết, để tuyên dương ca ngợi những việc họ đã làm. Cụ Đồ Chiểu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã ca ngợi những người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, hiền lành là vậy, mà khi có giặc ngoại xâm đã bỗng chốc trở nên anh hùng. Chúng ta cùng so sánh:

Nhớ linh xưa
Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó
Chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ...
Ấy vậy mà khi quân xâm lăng đến, họ bỗng trở nên mạnh mẽ:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Khi tưởng niệm một người qua đời, kinh Phục Rĩ lại không nhấn mạnh đến công lao của người quá vãng. Quả vậy, đối với tín hữu Kitô, những gì chúng ta làm ở đời này chỉ là hư không: “Đối với anh em, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Con người chẳng có chi mà khoe khoang, vì trước nhan Chúa, họ chỉ là hư vô, “các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân” (Is 40,15). Khi nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt cõi đời này, con người đến trình diện Đấng Tối Cao với hai bàn tay trắng. Họ chẳng mang được gì theo, trái lại, họ còn nhiều yếu đuối và tội lỗi cần được Chúa thanh tẩy. Ta hãy cùng đọc:

Thiết niệm linh hồn (mỗ)
Tự tòng sinh tiền, chí kim tự hậu
Thụ Thiên Chúa cực đại chi ân. Lự thử hồn vô tình chi vật.
Dịch: Nhớ lại linh hồn...
Khi còn sinh thời đến khi lâm mệnh
Chịu ơn Chúa thực đã bao nhiêu – thật quả hồn vô tình chi vậy.

Hơn thế nữa, vào lúc một người đã chết, nhìn lại chặng đường đã qua, xem ra họ chẳng làm được gì đáng kể. Thời giờ Chúa ban hầu như đã trở nên vô dụng, như dòng nước trôi đi không trở lại. Kinh Phục Rĩ là lời cầu nguyện sám hối chân thành thống thiết:
Bình sinh cư thế, bất thức bất vụ bất sự lực khuy
Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn hoặc hành hữu mậu
Hoặc bị linh hồn ký hãm minh ngộ, ái dục tam năng
Đa vị biệt dung bất chuyên ức chuyên mộ chuyên tư; hoặc bị phục thân nhĩ mục khẩu tuỵ thủ túc tứ thể, vọng các tha kỳ, mãn tuyến kính tuyền tuân tuyền phụng”

Dịch: bình sinh trên thế, chẳng biết, chẳng giữ, chẳng cứ việc ngay
Lỗi phạm bao nhiêu, hoặc suy hoặc nghe hoặc làm sự tội
Hoặc tại linh hồn mắc điều gian nịnh thiếu sự khôn ngoan, bao nhiêu trọng tội
Chính không nhớ không mộ không suy; hoặc tại phần thân xác nặng chẳng tìm nẻo chính lối phải.
Chẳng cứ tâm thành, chẳng vì kính vì vâng vì trọng.

Cũng chính vì ý thức sự yếu hèn của mình mà lời kinh kêu nài ơn tha thứ nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, đồng thời nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, các thiên thần, thánh Bổn mạng, thiên thần hộ thủ và toàn thể chư thánh cùng bầu cử trước tòa Chúa cho người đã qua đời được siêu thoát:

Á thân Chúa Da-tô, thục tội thi ân chi đại nhân từ Thánh Mẫu vị kỳ xá quá cho đa.
Dịch: Ôi lạy Chúa Giê-su, chuộc tội ban ơn khôn lượng, cậy nhờ Thánh mẫu, nguyện cầu khẩn Chúa thương tha.

Trung thành với luật hành văn của một bài tế, kinh Phục Rĩ cũng có một lối kết mang tính “cẩn cáo”, nhưng nội dung lại là một lời cầu xin và mở ra niềm hy vọng. Ta hãy so sánh:
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sữi thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.
Hỡi ôi thương thay
Có linh xin hưởng” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Kinh Phục Rĩ lại kết thúc như sau:

Nguyện thử linh hồn, khiết thăng thiên quốc,
Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng
Thọ vực tiêu rao tín thường sinh chi hữu vinh
Kinh văn sở đảo thỉnh chúng đồng âm. Amen
Dịch: Nguyện cầu thanh tẩy linh hồn chóng lên thiên quốc
Muôn đời cực lạc, an hưởng phúc vui vô cùng
Nguyện được Cha ban phúc trường sinh nơi vĩnh viễn
Trông mong khẩn khoản, hết thày đồng tâm. Amen.

Như đã nói trên, nội dung của lời cầu nguyện đã được thay đổi. Tác giả đã khéo léo lồng vào một bài văn tế quan niệm nhân sinh của Tin Mừng. Tâm tình cậy trông, sám hối và hy vọng được nêu rõ trong lời kinh. Chính nhờ đó mà kinh Phục Rĩ vừa gần gũi với tầng lớp bình dân, vừa dễ đi vào lòng người vì nó mang theo cái hồn của văn chương Việt Nam, dễ hướng những người tham dự hướng về tiên tổ, với tâm tình cầu nguyện hoàn toàn mới mẻ.




––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Theo nhà thơ Lê Đình Bảng, tác giả của kinh Phục Rĩ có thể là một thày giảng có tên là Phan-xi-cô, xuất thân là một vị Hòa Thượng tiến sĩ, làm quan lớn trong phủ Chúa Trịnh, khoảng năm 1632. Có tài liệu cho rằng sau này Thày Phan-xi-cô đã chịu tử đạo năm 1640 (Xem Lê Đình Bảng trong http://dunglac.org/)
[2] Phần dịch nghĩa Kinh Phục Rĩ trích từ bản dịch của Đức Ông Phạm Hân Quynh, Gp Hải Phòng. Vì chú trọng đến âm vận để đọc chung trong cộng đoàn, nên có nhiều chỗ dịch không hoàn toàn sát nghĩa bản chữ Hán.




THÁNG KỲ HỒN GẪM KINH “PHỤC DĨ”

I. TỰ BẠT:

Ngọn gió may đã về trên cánh đồng Cái Sắn, thời tiết chuyển sang mùa khô, nước bắt đầu rút sau đợt thủy cường tháng chín.

Hết tháng Rosa sang tháng cầu hồn, dân hiền nước lành cứ thanh thản bình an ngày tháng trôi theo tuần hoàn thời tiết, hòa nhịp sống đạo cùng lịch phụng vụ thường niên.
Thưở ấy, lũ chúng tôi còn “nhân chi sơ – sờ vú mẹ”, cắt rốn ngoài Bắc rồi theo bố mẹ vào Nam, khu định cư quây quần toàn dân Bùi Chu chính hiệu, dẫu chín người mười làng cũng cùng một tập tục như nhau, hoàn cảnh đắng cay có khác nhưng lại đồng phần số ngọt ngào, cả trăm nóc gia toàn tòng xum vầy vui sống.

Những ngày giỗ chạp và tháng các linh hồn được nghe kinh “Phục Dĩ”, kinh cầu Đức Bà, kinh Tại Thiên bằng Hán tự, rồi chỉ được phép thưa “Vị thần đẳng kỳ” sau mỗi câu xướng, và thế là… bấm nhau cười rúc rích, vì trong cái đầu nghịch ngợm cứ văng vẳng câu vè tai quái “Vị thần đẳng kỳ, có gì đưa ra, có đồng bánh đa, đem ra nhắm rượu”…Chỉ nghe kinh bằng lối truyền khẩu, chẳng hiểu nội dung ý tứ ra sao, vậy mà chúng tôi thuộc làu làu, trước cả khi được đi học bổn đồng ấu.

Năm mươi năm như bóng câu vèo qua khe cửa, bao nhiêu là đổi thay dâu bể, các cụ ngâm nga ai vãn Hán tự đã lần lượt về với tổ tiên, chúng tôi lại rặt theo phường tân học, kinh “phục dĩ” nguyên tác có nguy cơ thất truyền vì được thay bằng bản diễn ca “Kinh cao sang” của cụ Phạm Trạch Thiện, thể thơ lục bát, cung văn thanh thoát, dễ nghe dễ hiểu như vần ca dao đất nước…

II. NGUỒN GỐC:

Theo ông Lê Đình Bảng, người viết bài: Đi tìm tác giả bài “Cảm tạ niệm từ” tức kinh giỗ “Phục dĩ chí tôn”, được đăng rộng rãi trên mạng lưới Dunglac.net, tác giả chính là “Thầy Phanchico thành Phao”, Xin phép được ghi lại đoạn cuối của nhà khảo cứu Lê Đình Bảng:

…Đến đây, tưởng như vấn đề đã thông thoáng rõ ràng. Một kết luận có khả năng được mở ra, dung hợp cả hai chứng cứ để đi tới đồng tình chấp nhận: Bản Kinh Vãn Nguyện Giỗ “Cảm Tạ Niệm Từ” nguyên văn bằng Chữ Hán Do Thầy Phanchicô biên soạn khi hợp tác với thầy cả Majorica ở Đàng Ngoài (1631-1656). Công trình đồ sộ về thần học và văn hóa của tập thể này, khi có điều kiện thuận lợi, chúng tôi xin được phép trình bày sau. Còn riêng cụ cử Phạm Tư Thiện chính là người đã có công sưu tập, công bố, cổ xúy, vận dụng một cách rộng rãi bài kinh văn này trong các cộng đoàn. Nhờ vậy mà đến nay, nhiều người trong chúng ta, hễ cứ vào dịp ma chay giỗ chạp hoặc ròng rã suốt tháng cầu cho các đẳng linh hồn này, lại được nghe văng vẳng bên tai “chữ nghĩa và cung giọng” tuyệt vời của “Phục dĩ chí tôn”. Trong khi chuông nhà thờ chậm rãi nhỏ giọt thì bản Requiem lâm khốc, biệt hành của lời kinh cũng ngân nga như gọi hồn ai về.

Tuổi thọ bài kinh gần như đồng hành khởi điểm cùng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thuở sơ khai, đến nay đã trên ba trăm năm mươi tuổi (!)

III. KHẨU TỤNG TÂM SUY:



Tuổi tác đang bước về chiều, trằn trọc những đêm khó ngủ, lần mò giở trang kinh “Phục dĩ”, đọc đi đọc lại cả trăm, từng chữ từng câu ngấm ngáp, ý tứ nhuộm ngập tâm hồn, khép mắt lại mà hương kinh hiện về trong cả giấc chiêm bao. Đêm tiếp nối đêm, một lần chợt ngã ngửa nhận ra bút pháp tuyệt luân của “Thầy Phan” vô cùng kỳ diệu: Kinh Phục dĩ được viết bằng thể loại văn tế theo khuôn mẫu phú Đường luật, lối liên vận, luật bằng trắc phân minh, có đủ năm thức đặt câu: tứ tự, bát tự, song quan, cách cú và hạc tất, mỗi câu dài ngắn khác nhau đều có hai vế đối san sát. Về bố cục hiểu theo lối nào cũng chỉnh, phân tích theo lối phú có lung, biện nguyên, thích thực, phô diễn, nghị luận và kết; hoặc phân tích theo lối văn tế có khởi tế, đức tính, tiếc thương, và kết bày tỏ, thật là lưỡng toàn.

Thảo nào đến cụ “Phạm Văn Thụ, Tổng đốc Thái Bình, xuất thân khoa bảng, tuy không có đạo mà khi được nghe ngâm ngợi, đã phải tấm tắc khen là tuyệt tác, không có bài biểu, chiếu nào ví cho bằng! Bèn xin ngay một bản . . .”.(trích nghiên cứu của ông Lê Đình Bảng)

Xin được mạn phép chép lại bản phiên âm kinh này và đánh số thứ tự từng câu, đồng thời xếp hàng từng đôi, để dễ phân tích nhận ra về phép đối (những chữ viết nghiêng chỉ là tiêu đề diễn tả ý, như trong các bài văn tế thông thường khác, (chẳng hạn như nhớ linh xưa, than ôi, ơi hỡi, bản chức nay v.v…) không tính vào phép đối.

CẢM TẠ NIỆM TỪ

BẢN PHIÊN ÂM:

Phục dĩ:

(1) Chí tôn Chân Chủ, Cửu trùng cao ngự chi thiên,
Khả tiểu phàm khu, vạn vật hữu sinh chi địa.
(2) Chiếu lâm bất sảng,
Phú tái vô tư.

Thần đẳng thiết duy:
(3) Linh giác tiên nguyên,
Hồng mông thủy phán,
(4)Tổng huyền khu nhi tạo hóa,
Trì diệu pháp dĩ thi hành.
(5) Sinh thiên sinh địa sinh nhân cập vật giả, Thánh Phụ chi năng toàn;
Thụ khổ thụ nạn thụ tử giáng thế giả, Thánh Tử chi duy nhất;
(6) Chí nhược linh hồn sung mãn,
Sử tri đức nghĩa phú siêu,
(7) Hiển hách Thánh thần,
Uy linh hiện hóa.
(8) Phán nhiên vị tam tuy dị,
Hợp chi thể nhất tương đồng.
(9) Nhất trí nhất hảo nhất năng đồng công vô gián;
Chí thiện chí nhân chí mỹ, thậm thị linh thông.

Thiết niệm linh hồn (mỗ)
(10) Tự tòng sinh tiền,
Chí kim tử hậu,
(11) Thụ Thiên Chủ cực đại chi ân.
Lự thử hồn vô tình chi vật,
(12) Bình sinh cư thế, bất tín bất chí bất vụ lực khuy.
Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn hoặc hành hữu mậu.
(13) Hoặc bị linh hồn ký hàm minh ngộ, ái dục tam năng, đa vị biệt dụng, bất chuyên ức, chuyên mộ,chuyên tu,
Hoặc bị nhục thân nhĩ mục khẩu tị, thủ túc tứ thể, vọng các tha kỳ, mạc toàn kính toàn tuân toàn phụng.
(14) Ngẫu tao thử ách,
Thống hối vị chân.

Ô hô!
(15) Sinh nhật dĩ hoàn,
Mệnh chung thích chí.
(16) Khí linh đãi tận, bồi hồi thuấn tức chi gian;
Thiên Chủ thị bằng cứu trợ úy an chi tế.
(17) Huống nẵng thì tập tục sở doanh, vật dụng giai tư ích kỷ;
Nhi kim nhật khiên vưu vô kế, thùy năng cứu thoát hồng lô.

Á!
(18) Thần Chủ Gia tô, thục tội thi ân chi đại.
Nhân từ Thánh Mẫu, vị kì xá quá chi đa.

(19) Dĩ chí Thiên Thần,
Phù trì bản tính,
(20) Kỷ niên tằng giáo huấn, tằng đa bảo hộ chi lao.
Kim nhật khất đề huề khắc thắng cửu thù chi biến.

Tinh bản danh Thánh nhân,
(21) Bình sinh thân thiết,
Mỗi nhật phụng thị,

Cập Thánh Nam Thánh Nữ đẳng
(22) Tại Chủ diện tiền, vị nhân tình thuyết,
Hữu kì tất ứng, vô đảo bất thông.

Phục vọng.
(23) Hoàng hoàng vị tam,
Nguy nguy thể nhất.
(24) Thiên cao địa hậu, sanh trì chưởng ác vô di;
Ngôn viễn thính ti, thưởng phạt khuyến trừng bất lậu.
(25) Thần kim khể thủ,
Khẩn thiết nghệ cầu.
(26) Nguyện thử linh hồn
Khiết thăng thiên quốc.
(27) Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng;
Thọ vực tiêu dao, tín thường sinh chi hữu vĩnh.
(28) Kinh văn sở đảo,
Thỉnh chúng đồng âm.
A mạnh.

Bài vãn trên đã được mạn phép đánh số từng câu, kết quả xem lại rất dễ nhận ra, mỗi câu dù dài hay vắn đều đối nhau từng đôi một.
* Đặt câu:
Câu 1 cách cú, câu 2 và 3 tứ tự, câu 4 song quan, câu 5 hạc tất, câu 6 song quan, câu 7 tứ tự, câu 8 song quan, câu 9 cách cú, câu 10 tứ tự, câu 11 song quan, câu 12 cách cú, câu 13 hạc tất, câu 14 và 15 tứ tự, câu 16 , 17 và 18 cách cú, câu 19 tứ tự, câu 20 cách cú, câu 21 tứ tự, câu 22 bát tự, câu 23 tứ tự, câu 24 cách cú, câu 25 và 26 tứ tự, câu 27 cách cú, câu 28 tứ tự.

* Phối trí từ cú:
Bài Kinh đa phần “Thầy Phan” dùng phép xuyến đối (lưu thủy), xen kẽ một vài chính đối và phản đối, nên khi đọc hết bài kinh, cảm tưởng như chiếc thuyền theo con nước xuôi dòng trôi trôi về bến, thi thoảng một chút gập ghềnh sóng vỗ mạn không đủ làm chao đảo con thuyền. Sự sắp xếp hình chữ khảm số thật tài tình, tuyên xưng về nhân đức đối thần lộng vào câu đối, thay thế điển cố bằng kinh thánh, dùng điệp tự - hài văn một cách nhuần nhuyễn. Đặc biệt khi vận dụng chữ nghĩa không dùng các thủ pháp tá đại, khoa trương, tỷ nghĩa theo lối thông thường, toàn nội dung toát lên sự tin tưởng tuyệt đối vào lòng lân tuất của đấng tạo thành, nên có thể ví bài kinh này như một bản thánh ca tuyệt hay có đủ 3 yếu tố: Thánh – Thật và Công Giáo.

IV. LUẬN CỔ SUY KIM:
Hiện nay, thể loại phú và văn tế đang có nguy cơ “tuyệt chủng” trên văn đàn, đời cũng như đạo, di sản của tiền nhân sắp bị mai một, tiếc thay nhưng cách nào để khơi dòng, thật cần lắm những văn nhân thi sĩ chung vai vực dậy.

Trước khi kết thúc bài này, cũng xin cả gan một lần múa rìu, thử chuyển kinh “Phục dĩ” bằng Hán tự sang quốc ngữ theo thể loại văn tế Đường luật, lối liên vận (mặc dù đã có bản diễn nghĩa quốc âm), cũng với 28 câu và mẹo đặt câu giống với “Thầy Phan”, chỉ xin sắp xếp lại con chữ cho xuôi xắn và hợp vần, để thấy ngôn ngữ đơn âm nước ta phong phú là ngần nào, xin niệm thứ cho kẻ chân quê hành văn chưa chỉnh.

VĂN TẾ CẦU HỒN
Kính lạy!
Đức Chúa chí tôn, muôn trùng trời cao duy nhất.
Tôi phàm mọn mạy, vạn vật đất thấp nhiều loài.
Soi xét chẳng sai,
Chở che không sót.

Trộm suy:
Khí thiêng tận gốc,
Vũ trụ từ đầu.
Cõi hoang sơ Ngài tạo dựng nhiệm màu,
Dùng diệu pháp Chúa điều hành xếp đặt.
Ngôi Cha toàn năng: sinh trời sinh đất sinh người cùng mọi vật,
Ngôi Con duy nhất: nhận khổ nhận đau nhận chết với phàm nhân.
Cho linh hồn con ân sủng dư tràn.
Cho đức nghĩa Chúa siêu nhiên đầy ắp.
Ngôi Thánh Thần hiển hách,
Sáng rực rỡ uy linh.
Ba ngôi phân định rành rành,
Một thể hợp hòa đâu khác,
Toàn trí toàn hảo toàn năng - hoàn toàn phép tắc,
Rất lành, rất nhân, rất đẹp - thật rất quang linh.

Linh hồn này:
Từ lúc khởi sinh,
Đến khi đoạn thác.
Nhận gấp bội ơn lành thân xác,
Mà nhỏ nhoi thói xấu linh hồn.
Khi sống trên đời: chẳng biết chẳng siêng chẳng thờ phụng kính tôn.
Ngày qua dưới thế: do suy do nói do hành vi sai phạm.
Vì ba điều linh hồn ám ảnh, nghĩ sai yêu bậy muốn lầm,chẳng nhớ chẳng mộ chẳng suy lắm điều mờ ám.
Bởi tứ chi xác thịt vương mang, mắt quáng miệng quàng tai ngóng, không tuân không thờ không kính nhiều lúc tối tăm.

Tai ách sát gần,
Kịp đâu thống hối.

Than ôi!
Giấc sinh xa vội!
Giờ chết gần rồi!
Khí thiêng đã đoạn, đang cơn hoi hóp bồi hồi.
Thiên chúa còn thương, kịp lúc cứu nguy giải tế.
Huống hồ khi trước thói xấu buộc trì, tham nhục dục ngu si ích kỷ.
Nên chi ngày nay tội khiên khôn kể, chịu đớn đau hình ngục hỏa hào.

Ôi!
Đức Kitô Chúa hỡi! Ban ơn chuộc tội lớn lao.
Lạy Thánh Mẫu Mẹ ơi! Khấng xin dủ tình dung thứ.
Lạy thiên thần hộ thủ!
Đấng gìn giữ bấy lâu.
Bao năm từng dạy dỗ, công lao bảo trợ xiết bao,
Nay xin hãy cầu bầu, cứu giúp nguy nan thắng vượt.

Lạy thánh Quan thầy!
Nâng niu khi trước,
Bênh đỡ lúc này.

Lạy các thánh Nam Nữ!
Trước nhan Chúa đây,cầu cho thân thuộc.
Có cầu ắt được, không khấn chẳng thiêng.

Ngửa trông lên:
Tòa ba Ngôi rực rỡ huy hoàng,
Ngai một Chúa uy nghi lộng lẫy.
Trời rộng đất dầy, nảy mực cầm cân chẳng sẩy.
Lời xa nghe tỏ, phạt trừng công thưởng không sai.
Nay con khẩn nguyện từ dưới trần ai,
Xin cho hồn này được lên Thiên quốc.
An nghỉ đài xuân, phúc hưởng chẳng cùng chẳng hết!
Tiêu dao cõi thọ, thường sinh an lạc vĩnh hằng!
Hợp tiếng hòa vang.
Kinh cầu khẩn thiết,

Amen.