Các truyện ma quái kinh dị, nghệ sĩ nhạc jazz, và các nhà khoa học, tất cả đều chỉ về Thiên Chúa

Quang X Nguyen


Ngày 9 tháng 7 vừa qua, chương trình Fox News có một đóng góp của Rick Stedman, vốn được mô tả là một người mê sách, một triết gia và là một mục sư, trong hai thập niên qua, vón lãnh đạo Adventure Christian Church tại Roseville, California, và tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn 31 Surprising Reasons to Believe in God: How Superheroes, Art, Environmentalism and Science Point Toward Faith.

Trong bài này, Mục Sư Stedman, tuy đặt tựa đề trên, nhưng chủ yếu, ông thuật lại câu truyện ông chinh phục được một nhà vô thần tôn thờ khoa học, chỉ nhắc qua các truyện xác chết thành người sống và các nghệ sĩ nhạc jazz.


Tôi ngồi xuống dùng bữa trưa với một kỹ sư vô thần và cảm thấy – lúng túng!

Vợ anh ta là người đề nghị chúng tôi gặp nhau vì anh ta hoài nghi tất cả mọi chuyện liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội, những điều vợ anh ta bắt đầu dự phần.

Nhưng chúng tôi không có điều gì chung với nhau cả. Anh ta là một nhà khoa học còn tôi, theo cái nhìn của anh ta, chỉ là một anh gàn tôn giáo. Tệ hơn nữa, tôi còn là một anh gàn tôn giáo chuyên nghiệp, vì tôi là mục sư của một nhà thờ. Trong đầu óc anh ta, tôi được trả lương để phi lý.

Còn anh ta, trên tất cả những cái khác, là một nhà duy lý – và tự hào về nó.

Chúng tôi trao đổi những chuyện vui đùa hời hợt khi gọi món ăn, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy không thoải mái. Bởi thế, với một lòng tự tin ở bình diện sức mạnh kỹ nghệ, anh ta lập tức bóp cò điều tôi cảm thấy như một nhận định của kẻ cả.

“À này, vợ tôi đề nghị chúng ta ăn trưa với nhau và bàn về các nghi vấn của tôi đối với tính hợp lý của tôn giáo. Có lẽ ông chưa nghe kiểu nhận định này bao giờ trước đây, nên tôi hy vọng ông không phật lòng”.

Tôi than thầm trong lòng “Ôi, làm ơn đi, anh ta nghĩ anh ta đã làm tôi chết điếng chắc. Anh ta không biết mình từng học triết ở trình độ Ph.D tại một đại học thế tục hay mình từng nói chuyện với thật nhiều, thật nhiều, người hoài nghi trong nhiều năm qua. Hơn nữa, mình còn là một mục sư, nên lúc này mình cần phải kiên nhẫn hơn mới được, nên mình phải kiểm soát súc cảm và lắng nghe…”

Nhưng mục tiêu của tôi là trợ giúp vợ anh ta chứ không chọc giận anh ta, nên tôi chỉ nói, “Vậy thì anh hãy cứ tự nhiên nói đi”.

Thế là anh ta nói. Và nói. Về khoa học, về vụ nổ tạo ra vũ trụ (big bang), và về Bertrand Russell và việc anh ta gián mắt vào cây vả này.
Mục sư Rick Stedman


Nhưng đây không phải là cuộc đấu sức đầu tiên của tôi, nên tôi biết lý luận không dẫn tới việc thay đổi cõi lòng. Hơn nữa, tôi biết một điều mà anh ta không biết: cả hai chúng tôi đều thực sự đang tin và quan tâm tới nhiều điều y như nhau. Tôi từng học tập để tìm ra cơ sở chung với những người hoài nghi và vô thần, và thuc đẩy họ suy nghĩ sâu hơn những điều họ vốn trân trọng.

Nên tôi bắt đầu với khoa học. “Tôi rất vui việc anh yêu khoa học và luôn tìm cách đeo đuổi phương pháp khoa học. Tôi cũng yêu khoa học. Nhưng tôi nhận thấy có một số điều phương pháp khoa học không thể chứng minh”.

“Như điều chi?”

“Dạ, nhiều điều lắm, nhưng đây là điều hệ trọng: anh không thể chứng minh phương pháp khoa học bằng phương pháp khoa học”.

Im lặng. Một lần nữa - lúng túng.

Nên tôi hỏi “Những ai là nhà khoa học mọi thời được anh ưa thích?”

Anh ta trả lời “Galileo, Kepler, Newton, Einstein”.

“Tôi cũng thế. Những thiên tài lạ thường, mọi người họ. Và, nhân tiện, tất cả bọn họ đều tin vào Thiên Chúa. Nhất là Newton, người vốn viết nhiều trang sách về nghiên cứu Thánh Kinh hơn là về khoa học”.

“Tôi không biết điều đó”.

Tôi bảo “Thật đó. Vả lại, anh có biết phương pháp khoa học chỉ phát triển trong nền văn minh Tây Phương vì nó dựa vào các nguyên lý của Kitô Giáo không?”

“Điều đó không đúng”.

“Dạ, tôi có các bằng cấp hậu đại học về triết học và thần học, và có một số cuốn sách tuyệt diệu của các sử gia về khoa học kiểm chứng điều đó - một cuốn do Oxford mới xuất bản. Anh có thích đọc nó với tôi không, và bọn mình thảo luận các trang của nó trong khi ăn trưa?”

Anh ta kêu lên: “Tôi rất thích! Và cả vợ tôi nữa!”. Cả hai chúng tôi đều cười.

Trong các năm sau đó, tôi và anh ta đọc hàng tá sách với nhau. Và anh ta trở thành một người bạn thân – và, với thời gian, thành một người đồng đạo.

Từ đó, tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ với những người hoài nghi khác và luôn thấy rằng chúng tôi có nhiều điều chung với nhau. Chúng tôi yêu âm nhạc, bất luận là nhạc rock cổ điểnn hay nhạc jazz; chúng tôi thích phim ảnh và sách vở, từ khoa học giả tưởng tới các câu truyện xác chết thành người sống; và chúng tôi thích thể thao hoặc viện bảo tàng. Hơn nữa, chúng tôi mạnh mẽ chống đối mãi dâm ở đây và ở khắp thế giới, chúng tôi ghét những người tàn bạo với thú vật, và chúng tôi nghĩ Hitler và tên gian ác và xứng đáng bị đánh bại.

Nhưng ngạc nhiên hơn cả là khi tôi nhìn sâu hơn vào những điều thích và không thích đa dạng trên đây, tôi thấy mỗi điều đều chỉ về Thiên Chúa, theo cốt cách độc đáo riêng của chúng. Nghĩa là mỗi điều đều có nghĩa lý trong quan điểm hữu thần hơn là trong quan điểm vô thần.

Tôi đã học thấy Thiên Chúa quả có thực, nhưng Người ẩn mình trong những điều ta thích hay ghét sâu xa nhất, sẵn sàng mạc khải Người cho chúng ta trong những phần đời sống mà ta quan tâm nhiều nhất.

Vũ Văn An