Ông trùm xứ

Văn thơ Công giáo
Giuse Lê Ngọc Thành Vinh, Vinhkiu, Gx Kỳ Anh, Gp Vinh
Giải III (VVĐT 2015)
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Nó vừa đi học về đã thấy người trong làng tụm năm tụm bảy bàn tán điều gì đó. Ra là chuyện ông Quý trùm xứ bị tai nạn giao thông phải nằm viện, lại đúng lúc nhà thờ đang xây dở nên ai cũng lo lắng, ngoại trừ… nó. Nó chẳng ưa gì ông trùm xứ: người thì gầy nhẳng, chột một mắt cụt một tay mà tham quyền cố vị làm gì thế không biết, hai nhiệm kỳ rồi vẫn không chịu nghỉ. Mọi người cũng kỳ, ổng ốm thì người khác thay, rồi kiểu gì nhà thờ cũng xây xong, cứ làm như cả xứ không có người ấy.
Thực ra nó cũng không phải là người vô tâm, độc ác, chẳng qua là nó đã có thành kiến với ông trùm xứ thôi, từ cái ngày ổng gây nên trận đòn đau cho nó. Tất cả bắt nguồn từ một sự hiểu lầm. Ở trong nhà thờ, nó luôn trang nghiêm và giữ tỉnh táo để nghe cha giảng, nhưng mấy đứa xung quanh thì thường xuyên ngủ gà ngủ gật, đặc biệt là trong thánh lễ sáng sớm. Bởi thế nó thường lay tụi kia dậy, có đứa dụi mắt nghe giảng, nhưng có đứa lơ mơ tỉnh rồi lại ngủ tiếp, cá biệt có đứa ngủ mê đến mức nó vừa chạm phải thì đã ngã lăn quay ra. Thể nào mà ông Quý lại mách với bố nó là ở trong nhà thờ nó là chuyên gia quấy rối, chọc phá bạn bè. Thế là nó bị bố đánh tướt xác, đến khi mẹ vào can bị bố  lỡ tay quất trúng một roi thì ông mới dừng lại. Không thanh minh được, nó chỉ biết trút hết mọi căm hận lên ông trùm xứ. Thế nên nghe tin ổng bị tai nạn, nó càng mừng ấy chứ…
***
- Tắt ti vi đi ngủ sớm, bốn giờ sáng mai còn đi lễ cầu nguyện cho ông Quý!
Bố ra lệnh thế, nó ức lắm, miệng lủm bủm:
- Làm lễ hồi tử ổng luôn cho rồi! Tự nhiên mất xem tập phim lại còn phải dậy sớm cầu nguyện cho cái ông lắm mồm đó…
Chưa dứt lời, nó đã lĩnh ngay một cái tát như trời giáng. Tiếng bố nó rít qua kẽ răng:
- Thằng mất nết, tao dạy mày thế hả?
Vừa mắng bố nó vừa vơ cái thước xây định cho nó một trận nên thân. May là mẹ đã kịp cản lại:
- Con nó còn nhỏ chưa hiểu chuyện, để em khuyên bảo nó cho.
Rồi mẹ kéo vội nó xuống nhà dưới, sau lưng tiếng bố nó với theo: “Mười bảy tuổi rồi, nhỏ nhít gì nữa”…
Và mẹ đã kể cho nó nghe chuyện của ông trùm xứ…
***
Vào những năm cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước, ông Quý lúc đó cũng bằng tuổi nó bây giờ, là một chàng thanh niên trai tráng với khuôn mặt chữ điền và bộ râu quai nón, ai cũng phải công nhận là quá đẹp trai, đến mức nhiều người phải chép miệng:
“Cái gì quá cũng không tốt, đẹp đến thế thì kiểu gì cũng khổ”.
Anh chàng Quý này học rất giỏi, nhưng cái lí lịch “Catholic”, lại là “đạo gốc” nên chẳng được đi thi đại học chứ chưa nói đến chuyện đỗ hay không, hết lớp Mười phải ở nhà đi cày. Nhà đông con nên anh phải “lựa chọn” những thửa ruộng “nóng” nhất của xã để tính công, tính điểm cho cao, đó là những điểm máy bay Mỹ thường “đánh tọa độ”. Mặc cho nhiều người can ngăn bởi đẹp trai có tài thì… hay chết sớm lắm, nhưng “bom đạn tránh người, sống chết Chúa định”, anh chẳng sợ. Các vị cán bộ xã “thương cảm” cho gia cảnh, cũng thấy “tiếc” vì anh có tài nên cho làm thêm cái chức kế toán hợp tác xã để thêm công điểm, lại đỡ phải ra “tọa độ” đi cày. Với Quý, làm kế toán cho cái hợp tác xã cỏn con này thì công việc cả tháng anh chỉ cần ngồi cộng một buổi là xong, nhàn tênh!
Con gái trong làng ai cũng say Quý như điếu đổ, nhưng người anh yêu và cũng rất yêu anh thì bị gia đình nhà bên đó cấm cản. Đơn giản vì “tình địch” của anh quá mạnh. Tín là con nhà khá giả, làm thợ sửa đồng hồ, là cháu của Cố Cụ, bác ruột của Tín là linh mục giám quản của Địa phận nên luận về gia thế, đạo nghĩa hay kinh tế đều hơn hẳn Quý. Bố mẹ của Hương thì kiên quyết không cho qua lại với Quý dù hai người đã yêu nhau từ thuở còn học chung lớp. Ngày cưới của Hương cũng là ngày Quý vác ba lô tòng quân, không phải “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” mà đơn giản là anh hận đời, hận người và quyết tâm đi bộ đội để sau này có cơ hội được học lên đại học, thành đạt để trả thù đời.
Ba năm sau, đơn vị lập được chiến công lớn cộng thêm bị thương nhẹ, Quý được nghỉ phép về thăm nhà và dưỡng thương tận hai tháng. Anh được chính quyền đón tiếp rất long trọng, và điều tuyệt vời hơn là anh đã tìm được tình yêu mới. Huyền, con gái của thầy hiệu trưởng cũ của anh, vừa mới tốt nghiệp y tá. Cô cũng đã thầm yêu anh từ thời còn đi học, nhưng biết anh và Hương yêu nhau nên lặng lẽ rút lui. Khi anh về quê dưỡng thương, cô được đặc trách chăm sóc anh và… “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ai cũng mừng cho anh đã có được người yêu đẹp người đẹp nết, gia đình bên đó lại cho phép cô theo đạo nếu hai người nên duyên, chưa kể việc “bố vợ tương lai” là người trong ngành giáo dục, sau khi phục viên thì cơ hội học lên của anh càng rõ ràng hơn.
Thế nhưng, đúng là “cái gì quá cũng không tốt, đẹp đến thế thì kiểu gì cũng khổ”, Quý bị thương nặng sau khi quay lại đơn vị chiến đấu. Một mảnh đạn đã làm anh bị mù mắt trái, mắt phải thì chỉ còn năm độ, cánh tay phải cũng nằm lại Đất Mẹ bởi một mảnh bom trong trận đánh đó. Trở về quê thân tàn ma dại, anh còn nhận thêm vết thương lòng nặng nề hơn. Huyền chỉ đến  thăm anh đúng một lần, ôm lấy ống tay phải được cột túm lại của anh và khóc rất to rồi nửa năm sau đi lấy chồng. Ngày Huyền lên xe hoa, anh lại bước lên tàu vào Nam với đôi mắt không còn lệ và cái đầu trống rỗng, thề sẽ không quay về khi chưa thành đạt.
Nhưng mười lăm năm lăn lộn ở mấy tỉnh miền Nam anh vẫn chưa thành đạt, hay đúng hơn là chỉ kiếm ăn qua ngày bởi sức khỏe quá kém, không bằng cấp, tứ cố vô thân lại không có vốn, thậm chí cả giấy tờ chứng nhận thương binh cũng không mang theo. Anh vẫn nhất quyết không về quê cho tới khi bạn của bố anh, lúc đó đang là trùm xứ nói với bố anh: “Bảo về đi, tao gả con Xuân cho rồi cấp cho ít vốn làm ăn, chứ lang thang trong Nam mãi làm gì có tương lai”. Trong chuyện này ai cũng ái ngại cho Xuân (nay là bà Quý) phải vâng lời mà về ở với cái “ông già” hận tình và khuôn mặt đầy sẹo, cơ thể quắt queo đầy vết thương. Nhưng ít ai biết cô đã thần tượng anh từ nhiều năm trước, khi anh còn chưa tàn phế.
Đến những năm cuối thập niên chín mươi thế kỷ trước, khi đất nước mở cửa được hơn mười năm, gia đình ông Quý đã có một vốn liếng đáng nể là một cây xăng và một tiệm vàng ở thị trấn. Với “cái đầu siêu việt” của mình, không có lý do gì khi ông đã giàu lại càng không giàu thêm. Năm đứa con thì hai chị đầu đã học xong đại học và có việc làm ổn định trên thành phố, một anh vừa đỗ Đại chủng viện, một chị sắp Khấn trọn đời, đứa còn lại kém nó một tuổi cũng nổi tiếng học giỏi, nghe đâu ông tính cho “kế tục sự nghiệp”. Gần đây ông thậm chí đã sắm được ô tô riêng, dân trong vùng ai cũng biết đến với cái tên “ông Quý Vàng”. Người làm thuê cho ông đã lên tới con số hàng chục, trong đó ông ưu tiên thuê người Công giáo mà chủ yếu là người làng, để “mình  yên tâm hơn” theo cách nói của ông. Nhưng ông đối xử với người làm rất công bằng, không ưu tiên ai, không ghét bỏ ai, kể cả với con trai bà Hương - tình cũ của mình.
Rồi khi bố vợ qua đời, ông Quý dù bận công việc kinh doanh vẫn kế tục sự nghiệp làm trùm xứ. Kể từ khi ông trực tiếp nhận nhiệm vụ, giáo xứ càng được xây dựng khang trang bởi ông với mối quan hệ làm ăn và tài ngoại giao của mình đã xin về được rất nhiều tài trợ, và cũng chính ông là người đã mạnh dạn xin xây lại nhà thờ vì đã quá cũ, năm nào cũng phải tu bổ mà vẫn mưa dột. Ngày khởi công, ông đã đóng góp hàng trăm triệu. Tai nạn giao thông hôm nay xảy ra khi ông lên miền núi để chọn gỗ cho nhà thờ…
***
Nghe mẹ kể chuyện, nó quá đỗi bất ngờ. Chắc mẹ hiểu nó hận ông Quý chuyện năm xưa nên mới kể cho nó nghe về ông. Vậy là bấy lâu nay nó vẫn hận một người luôn nhiệt huyết vì giáo xứ, mà lỗi lầm năm xưa của ông Quý đối với nó thực ra cũng chỉ là xuất phát từ cái nhiệt huyết đó mà thôi. Ừ, thì “thánh nhân” cũng có lúc sai lầm cơ mà. Nó vội vàng lên nhà trên xin lỗi bố. Nhất định ngày mai nó sẽ dậy sớm đi lễ cầu nguyện cho ông Quý, nó sẽ giữ mình tỉnh táo và lay mấy đứa hay ngủ gật dậy cùng cầu nguyện cho ông.
Thốt nhiên nó thấy sống mũi cay cay. Hình như đây là lần đầu tiên nó khóc mà không phải do bị đánh…