Lựa chọn

Văn thơ Công giáo
Vinh Sơn Chung Thanh Huy, 1976
Gx Mẫu Tâm, Gp Sài Gòn
Giải triển vọng, VVĐT 2015
-Trích tập “Người gieo hạt”-

Ai cũng nói Phương may mắn với công việc hiện tại. Cũng không biết điều đó đúng hay sai vì Phương không mấy tin tưởng chuyện hên xui, may rủi. Nhưng giờ ngẫm nghĩ lại cũng thấy cái may mắn mà mọi người nói cũng có lý. Nói chi xa, đám bạn cùng tuổi, toàn kỹ sư bác sĩ với đủ thứ bằng cấp chứ có đùa đâu, vậy mà vẫn thất nghiệp dài dài. Mấy đứa có việc làm thì hầu hết nhờ chấp nhận làm trái nghề.
Phương làm ở một bệnh viện phụ sản. Đây là nơi cô trụ lại lâu nhất sau khoảng thời gian bôn ba khắp nơi cùng với đủ mọi công việc. Đến giờ này, hơn 4 năm gắn bó vậy mà không ít lần cô cứ nghĩ mình đang mơ. Với cô, còn gì hạnh phúc hơn được làm công việc mình yêu thích và đúng chuyên môn nữa. Sự thật là vậy, Hậu sản là khoa luôn tràn ngập tiếng cười và niềm hạnh phúc, không có những gương mặt thấp thỏm đợi chờ hay nhăn nhó đau đớn của các sản phụ chuẩn bị lên bàn sinh như khoa Tiền sản. Nơi Phương làm chỉ có những nụ cười của những người được làm cha mẹ, của thân nhân, bạn bè đến chia vui, và cả những niềm hạnh phúc rạng ngời trong ánh mắt của những người vừa trải qua hành trình vượt cạn thập tử nhất sinh. Phương yêu lắm những bàn tay, bàn chân bé xíu, những làn da láng mịn nhưng cũng thật mỏng manh của các em bé sơ sinh, nhất là những gương mặt hồn nhiên thánh thiện tựa như thiên thần. Nhưng với những dịch vụ mâu thuẫn nhất thì phải kể đến khoa Điều trị hiếm muộn và khoa Kế hoạch hóa gia đình. Đây cũng là 2 khoa có nguồn thu vượt trội ở bệnh viện với nhu cầu người đến khám và điều trị hằng ngày khá lớn. Bên này người ta muốn có con bằng mọi giá thì bên kia cũng bằng mọi giá nhưng người ta muốn bỏ con. Một bên với những người bỏ ra cả gia tài để chắt chiu, ước mong cơ hội được làm mẹ cha. Thì ngược lại, bên kia có những con người đang chối từ cái quyền thiêng liêng ấy, chỉ muốn trục những sinh linh bé bỏng ra khỏi cơ thể mình càng nhanh càng tốt. Thật như ông bà xưa vẫn thường nói “kẻ ăn không hết, người lần không ra”! Không ít phụ nữ, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng lại đến khám và đều trị ở cả 2 khoa . Đơn giản là khi còn trẻ đã nhiều lần đến nạo, phá thai, đến lúc lập gia đình tìm một mụn con còn khó hơn mò kim đáy biển. Vậy là họ lại tìm về chốn xưa (cũng bệnh viện ấy) nhưng nay lại là khách hàng của khoa Điều trị hiếm muộn. Trớ trêu đến thế là cùng…

****
Hôm đi “rửa” tháng lương đầu tiên, tụi bạn Phương phấn khởi ra mặt:
- Mừng vì bạn mình có việc làm đúng nghề. Và càng mừng  hơn khi từ nay chúng ta có chuyên gia tư vấn những chuyện“thắc mắc không biết hỏi ai”. Ai có… lỡ khôn, lỡ dại thì cũng liên hệ bạn mình luôn để được“giải quyết” kín đáo, êm đẹp nhe các bạn!
Có lẽ hiểu nhau nhiều từ hồi học chung mấy năm cấp 3, và cũng có thể do thời buổi này việc ngủ chung, sống thử đã không còn là chuyện quá ghê gớm, nên tụi nó nói huỵt toẹt ra như vậy. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm, tiết kiệm chi phí, xem tính tình có hợp nhau không… nói chung là có 1001 lý do để người ta giải thích sau khi đã “góp gạo thổi cơm chung”. Thích thì dọn đến, chán thì dọn đi bảo là không hợp, chia tay sớm cho bớt đau khổ… Được gì, mất gì sau những cuộc tình đó thì ai cũng hiểu, có điều “con cá trong lờ đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”. Không ủng hộ cũng chẳng phản đối, với Phương đó là một thực tế rất phổ biến không chỉ nơi người trẻ mà cả người sồn sồn, trung niên, thậm chí đến các cụ ông cũng cứ thế mà… thử! Đó là lựa chọn cá nhân của mỗi người. Chính vì không lựa chọn như số đông nên Phương và một vài đứa trong nhóm bạn bị gán cho cái biệt danh “Những phụ nữ trung trinh tiết liệt của thế kỷ 21”. Tụi nó cứ thay nhau châm chọc: “Cái màng ấy trước sau gì cũng mất thì dại gì không mất sớm cho biết mùi đời”, “Cuộc đời đó có bao nhiêu  mà  hững hờ”…
Phương vẫn tâm niệm tất cả là nhờ ơn Chúa nên cho đến lúc này cô mới không sa ngã, chứ tự bản thân mình chẳng làm được gì. Có lẽ đức tin của cô đã được hun đúc nhờ những ngày tháng được sống, được yêu thương cùng gia đình nơi xóm đạo miền quê. Ở đó có ngôi nhà thờ với tháp chuông vươn cao giữa ruộng lúa xanh ngát bạt ngàn. Để rồi giờ đây, đó là chốn quay vể mỗi khi cô muốn tìm lại bình an trong tâm hồn.
Nhưng nói như thế, không có nghĩa hành trình bảo vệ đức tin của cô không hề gặp những cám dỗ, thử thách. Lần đó vào một buổi cuối tuần, Thái rủ Phương đi xem phim. Đến giờ hẹn, đang loay hoay tìm ổ khóa đã thấy Thái đẩy cửa bước vào cười tủm tỉm:
- Eo ơi son môi mới kìa, hôm nay “ấy” xinh quá, cho anh… thơm một miếng nhe!
Cũng nụ hôn này, cũng đôi môi này nhưng hôm nay cô cảm nhận có cái gì đó khác hơn. Hình như nó ngọt ngào và cũng lâu hơn mọi khi! Phương thấy mình như đang dần tan chảy trong vòng tay ấm áp của anh, cô muốn buông xuôi tất cả… Bất chợt tiếng chuông từ ngôi nhà thờ gần đó vang lên những âm thanh quen thuộc làm Phương bừng tỉnh... Nhẹ nhàng gỡ tay người yêu, cô nhắc khéo:
- Chúa nhắc mình đến giờ… đi xem phim rồi kìa anh!
Thái giả vờ như không thấy, không nghe gì cả nên càng siết Phương chặt hơn, hôn tới tấp lên môi, lên má rồi dần xuống cổ, xuống ngực. Một chiếc nút, hai chiếc nút nhanh chóng bung ra… Dùng hết sức, cô thụt chỏ thật mạnh vào bụng Thái rồi lao ra trước hiên dãy nhà trọ đứng chống nạnh, miệng thở hổn hển:
- Em đã nói nhiều lần rồi… Em sẽ cho anh tất cả, nhưng trước tiên anh hãy trả lời đi, chúng ta sẽ thu xếp cuộc sống như thế nào khi em có thai? Đồng lương của 2 đứa đã đủ để nuôi con chưa? Và còn biết bao nhiêu hệ lụy nữa anh à!
Thái lí nhí trong miệng:
- Phương, cho anh xin lỗi…
Tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn nhưng thật sự lúc này đây Phương thấy mình thật yếu đuối. Cô thầm cảm tạ Chúa đã soi sáng để     cô có thể dứt khoát với những đòi hỏi của người yêu, và nhất là thắng vượt những cảm xúc của chính mình. Sau lần đó, Phương “cấm tuyệt”Thái bước chân lên nhà trọ vì không muốn chuyện đó lặp lại lần nữa. Thôi thì phòng bệnh vẫn tốt hơn trị bệnh.
****
Bước ra khỏi phòng nhân sự, Phương như người mất hồn, cô hoàn toàn không ngờ có ngày mình phải đối mặt với hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Tiếp tục làm việc hay nộp đơn xin nghỉ? Tồn tại hay không tồn tại? Theo quyết định điều chuyển, Phương sẽ về phụ trách việc cấp phát thuốc phá thai ở khoa Kế hoạch hóa gia đình. Lúc nảy, Phương đã nài nỉ thậm chí van xin bà trưởng phòng nhân sự:
- Con theo đạo Công giáo chắc không làm việc này được cô ạ! Con có thể làm bất cứ việc gì trừ việc này, con… con… không làm được.
Trưởng phòng nhân sự vẫn cương  quyết:
- Ai cũng lựa chọn công việc theo ý mình thì có lẽ cái bệnh viện này sẽ loạn lên hết. Người ta có thai ngoài ý muốn nên mới cần mình hỗ trợ họ, cũng là làm phước mà thôi. Nghĩ kỹ đi, cái bào thai thì đã là con người đâu mà con lo nghĩ sâu xa. Chuyển công tác thu nhập của con sẽ tăng lên đáng kể. Cứ suy nghĩ rồi sáng mai trả lời.
Càng nghe, Phương càng thấy rợn người trước những lời  lẽ thản nhiên đến lạnh lùng của họ. Lạnh lùng nên nơi đây mỗi ngày hàng chục thai nhi phải chết tức tưởi, phẫn uất trong sự lặng im, thờ ơ của những người cha người mẹ vô trách nhiệm. Không ít lần Phương đã tận mắt chứng kiến cảnh những chàng thanh niên ngồi ghế chờ ngoài hành lang, mải miết chơi game mà không hề mảy may có biểu hiện lo lắng cho bạn gái. Thậm chí, có cô gái “mặt búng ra sữa” cứ lủi thủi đi đi lại lại dọc hành lang chờ bác sĩ gọi tên, còn chàng trai chỉ biết ngửa cổ hỏi:“Xong chưa?”. Thấy cô gái khẽ lắc đầu, cậu thanh niên còn tỏ vẻ khó chịu ra mặt: “Mất thời gian. Nhanh lên, không thì tự đón taxi mà về”. Nói xong, thanh niên nọ lại cúi xuống chơi game tiếp…
Cũng như các bệnh viện khác, ở đây việc nạo phá thai được hợp thức hóa với những từ ngữ hết sức mỹ miều: hút điều hòa kinh nguyệt, kế hoặch hóa gia đình. Phương vẫn nghĩ, cho dù phương pháp nào đi nữa thì phá thai cũng là một hành vi hết    sức tàn ác. Nếu thai nhi đã lớn thì phương pháp kovax thường được ưu tiên. Người ta sẽ đặt túi nước vào tử cung người phụ   nữ để kích thích thai nhi ra ngoài. Nhiều ca phải lấy kềm răng   kẹp bất kỳ vị trí nào đó của thai thi lôi ra ngoài hết sức man rợ. Còn những thai nhi dưới 7 tuần tuổi người ta phải dùng đến 2  loại thuốc khác nhau: Đầu tiên, người phụ nữ được cho uống loại thuốc phá thai, 48 giờ sau sẽ là loại thuốc kích thích tử cung co bóp mạnh để tống khứ thai nhi ra ngoài. Nạo phá thai dù một lần hay nhiều lần đều để lại những hậu quả khôn lường như: băng huyết, viêm nhiễm, thủng tử cung, sốc thuốc, hôn mê … Các tai biến có thể dẫn đến vô sinh ở lứa tuổi có khả năng sinh sản khá cao. Còn những sang chấn tinh thần, khủng hoảng tâm lý thì có lẽ chẳng ai đếm được. Việt Nam là nước có tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Một“thành tích” hết sức đau lòng và quá xấu hổ! Chẳng lẽ giờ đây Phương lại đồng lõa, lại tiếp tay cho những tội ác khủng khiếp   ấy. Nếu không cô sẽ bị đuổi vì không tuân hành sự sắp xếp điều chuyển của cấp trên, đồng nghĩa với việc cô sẽ phải chấp nhận quay về khoảng thời gian bôn ba tìm việc như lúc mới ra trường. Một vấn đề hết sức quan trọng vậy mà Phương phải suy nghĩ và quyết định trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nữa…
****
Chiều muộn, Phương vẫn chưa vội rời bệnh viện dù ca trực đã kết thúc từ lâu. Cô rảo bước tìm đến chiếc ghế đá quen thuộc dưới hàng cây rợp mát. Chưa kịp ngồi xuống, Phương chợt nhận ra tờ giấy học trò ai đó gấp đôi để quên trên ghế. Cô ngồi xuống tò mò mở ra xem. Thì ra là một bài thơ được chép tay với tựa đề “Lời của thai nhi”:
Con muốn tỏ cho mẹ cha được biết Con đã là người với tim, óc, tứ chi Mẹ cha đừng nghĩ, con chẳng biết gì Chỉ nói con chưa biết nói!
Hãy sinh con ra! Nghe theo tiếng gọi Của chính con, của nhân loại lương tri Nhẫn tâm giết, tội sát nhân gớm ghiếc
Cho con thành người, con mong mỏi quá đi.
Con kết tinh của tình yêu tha thiết. Của mẹ cha, của linh khí anh hoa Của son sắt, của tơ duyên vĩnh cửu
Của yêu thương, của tình ái chan hòa.
Sao giờ đây mẹ cha lại dè bỉu
Chính đứa con, giọt máu của mẹ cha Chính đứa con đã kết nụ đơm hoa Từ ái ân từ tình yêu trân quí?
Cho con ra đời, dù không hoan hỉ Cứ bỏ con nơi bố thí, viện tế bần Dù cùng cực, dù vạn lần khốn khó
Xin một lần, cho con thấy ánh bình minh (Con muốn sống, muôn ngàn lần hơn chết)
Những lời này thật vô cùng tha thiết Là những lời oà vỡ tự trái tim
Xin ngưng tay, hãy bớt giận, con xin… Để con sống dù không nhìn con nữa!
Con lạy mẹ cha trăm ngàn lạy nữa Hãy dể con, cho con được sinh ra
Ngày chào đời bằng tiếng khóc oa oa… Chính ngày đó, con cùng sung sướng!
Xin hãy gắng, hãy thương con, rộng lượng Cha mẹ không tủi hổ bởi con đâu
Con nằm đây, chắp hai tay cầu khẩn Xin Thượng đế cho mẹ cha can đảm Mẹ cha ơi, xin chớ bỏ con nhe…
Gấp tờ giấy đặt lại chỗ cũ, Phương mới nhận ra cặp kính đang nhoà đi với hai giọt nước nóng hổi. Cô thầm nghĩ, nếu được đọc những vần thơ thống thiết này có lẽ không một người phụ nữ nào có thể nhẫn tâm tước bỏ sự sống thai nhi mà họ đang cưu mang. Và Phương nhận ra điều Chúa đang nói cùng cô. Không, Phương không thể thỏa hiệp với cái ác của tội lỗi, cô sẽ không bán rẻ linh hồn mình vì miếng cơm manh áo như vậy. Cô vững tin rằng khi Thiên Chúa đóng cánh cửa này thì đồng thời Người sẽ mở cho cho cô nhiều cánh cửa khác: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho”(Mt 6:33). Mặc kệ ánh mắt hiếu kỳ của những người xung quanh, Phương chắp tay trước ngực tạ ơn Thiên Chúa rồi bước nhanh đến phòng nhân sự nộp đơn thôi việc…
Mùa Chay 2015