Saigon Memory / Kỷ niệm Saigon Tháng 08/2017

Quang X Nguyen
Cung thánh nhà thờ Tân Định

Life has so many wonderful things to discover but seemingly only thinking men know how to enjoy the beauty of life… That is my experience during the days in Saigon, August 2017.

Cuộc sống có quá nhiều điều kỳ diệu để khám phá nhưng dường như chỉ những người có tư tưởng mới biết thưởng thức nó… Đó là trải nghiệm của tôi trong những ngày vừa qua ở Saigon.

Trong những ngày giữa Tháng 8 vừa qua, tôi đã đến thăm hài cốt cháu ruột của tôi, Giu-se Phạm Nhật Khánh (ở nhà gọi là Tồ), tại Nhà thờ Tân Định, Saigon. Đó là một Nhà Thờ đẹp, tháp chuông khá cao, toàn bộ bên ngoài sơn mầu hồng làm cho Nhà Thờ nổi bật lên như một tâm điểm rực rỡ giữa lòng một khu phố dân cư đông đúc tấp nập bát nháo trong một quần thể kiến trúc lẫn lộn tây ta cũ mới ở Quận I, TPHCM. Trong Nhà Thờ có tượng Chúa Jesus đứng thẳng, giang rộng cánh tay như ôm lấy thế gian, có lẽ được tạc theo mẫu bức tượng kỳ quan Christ The Redeemer (Chúa Cứu Thế) ở Rio de Janeiro, Brazil. Tôi đến đúng vào buổi lễ chiều Chủ Nhật nên Nhà Thờ rất đông, bên trong không đủ chỗ, giáo dân phải đứng tràn cả ra khắp sân bên ngoài. Mặc dù nhiều người dường như chỉ đi lễ theo thủ tục để khỏi mắc tội với Chúa, nhưng như thế vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với một đám đông vô thần hoặc vô đạo, tôi nghĩ vậy.


Nhà chờ Phục Sinh

Nơi cất giữ tro hài cốt của giáo dân được gọi là Nhà Chờ Phục Sinh (theo Đức tin Công giáo, tất cả những người đã mất sẽ sống lại vào ngày Chúa tái lâm để phán xét thế gian). Tìm hộp hài cốt của cháu Khánh rất khó khăn, vì quá nhiều hộp, nhìn hoa cả mắt. Sau gần nửa tiếng đồng hồ tìm không thấy, mặc dù tôi đã thầm cầu nguyện để linh hồn cháu Khánh giúp đỡ, tôi đã hơi nản lòng định đứng trước tượng Chúa và tượng Đức Mẹ để cầu nguyện cho cháu rồi ra về, thì thấy một phụ nữ trạc tuổi trung tuần, dáng vẻ mộc mạc chất phác đi vào Nhà Chờ rồi ghi một thông báo gì đó lên một tấm bảng. Tôi liền tiến tới hỏi thăm bà ấy cách thức tìm hài cốt người thân, bà ấy mách tôi lên văn phòng mà hỏi. Rất may lúc ấy văn phòng mở cửa, vì là buổi lễ. Một nhân viên còn rất trẻ tiếp tôi và nhiệt tình giúp đỡ ngay. Anh mở cuốn sổ ghi chép tên tuổi những người có hài cốt gửi tại Nhà Thờ, hỏi tôi “em Khánh mất năm nào?”. Tôi bảo “hình như 2010”, trong lúc ngón tay anh nhân viên đó lại đang dò tìm danh sách mất 2009, rồi rất nhanh chóng, ngón tay anh đụng ngay phải cái tên Khánh Nhật Phạm. Anh dò ngang sang tên Phạm Lê Dũng rồi hỏi tôi “người này là thế nào với bác?”, tôi bảo “đó là em ruột tôi”, thế là tôi có điạ chỉ hộp hài cốt của cháu tôi. Tôi vội cảm ơn rồi quay lại phòng hài cốt để cầu nguyện cho cháu tôi, rồi ra về, lòng thanh thản, thầm nghĩ chắc cháu tôi vui lắm. Hồi nó còn sống tôi rất yêu nó. Tôi đã từng đưa đón nó đi học lớp mẫu giáo của Nhà Thờ ở phố Nhà Chung (Lý Quốc Sư) Hanoi. Ngồi đằng trước trên xe máy từ Lý Quốc Sư về nhà tôi hồi đó trên Tây Hồ, nó khoe với tôi hôm nay các Sơ (Soeurs) dạy cái gì, học kinh nào. Tôi liền đọc Kinh Lạy Cha cho nó nghe, và cố tình đọc sai để thử xem nó nó thuộc không. Nó bảo “Bác đọc sai rồi”. Tôi vờ hỏi “Sai thế nào?”, nó liền đọc lại cho tôi nghe vanh vách: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời….”. Tôi khen “cháu giỏi quá”, nó hãnh diện lắm. Ánh sáng của Thiên Chúa đến với nó trong vắt như khí trời vậy. Tên ở nhà của nó là “Tồ” nhưng nó chẳng tồ tí nào, nó rất thông minh, đáng yêu.
Bên trong một nhà chờ Phục Sinh

Hôm ấy, hôm thăm hài cốt của cháu, trước lúc đi ngủ, tôi thầm nghĩ có thể “Tồ” sẽ về chơi với tôi trong giấc mộng. Nhưng rồi tôi ngủ say không mộng mị gì cả. Tuy nhiên trong một lúc ngủ say bỗng tôi nghe thấy tiếng nhạc văng vẳng đâu đó, rồi rõ dần, rõ dần… Rõ đến mức tôi giật mình tỉnh dậy, thấy rõ là nhạc đang ở rất gần, tiếng nhạc rất to, vang vọng. Có lẽ vì đêm khuya tĩnh mịch nên tiếng nhạc càng vang vọng như cố tình đánh thức tôi vậy. Và có ánh sáng phát ra ở góc phòng (tôi trú tại khách sạn Hương Mai ở Quận III Saigon). Ô, thì ra đó là tiếng nhạc phát ra từ chính cái điện thoại của tôi để ở đó. Tôi giật mình ngỡ ngàng không hiểu tại sao ĐT bỗng nhiên phát nhạc giữa đêm khuya, không có bất cứ một nguyên nhân vật lý nào tác động đến nó? Nhìn đồng hồ mới hơn 5 giờ sáng, ngoài trời còn tối, lập tức tôi nghĩ đến cháu “Tồ”. Chắc chắn chỉ có nó về bật ĐT của tôi mà thôi. Sau khi đã nghĩ rằng đó là tín hiệu của cháu “Tồ”, tôi không ngạc nhiên nữa, vì tôi đã từng gặp những hiện tượng tâm linh tương tự. Chuyện ông nội của con tôi về giữa đêm khuya làm dao động tới một sải tay chiếc đèn treo trên trần nhà cao 4m ở 33 Thái Phiên, chuyện ông ngoại của con tôi về Nhà Tây Hồ I của tôi vào lúc 4 giờ đêm trời còn tối đen vào đêm trước ngày giỗ đầu của ông, chuyện tìm mộ cô Tố Quyên, bạn gái đầu tiên trong đời của tôi, theo hướng dẫn của linh hồn cô, rồi chuyện tôi ngẫu nhiên tìm thấy mộ thầy Bùi Phụng ngay sau khi tôi nhờ một người nông dân tìm giúp mộ thầy trên Bất Bạt, Sơn Tây,… Những sự kiện như thế giúp cho tôi củng cố đức tin để tin vào những gì không thấy mà tin. Câu nói bất hủ của Chúa Jesus, “Phúc cho ai không thấy mà tin”, có lẽ là một trong những mặc khải (revelation) có ý nghĩa sâu sắc nhất cho riêng tôi và cho tất cả mọi người trên thế gian này. Thật đáng ngạc nhiên khi có nhiều người tin có ông bà tổ tiên, thờ cúng tổ tiên, nhưng lại không tin có Chúa. Đó là sự vô minh đáng thương. Còn tôi, tình yêu thương giữa con người, cả người đang sống lẫn người thân đã khuất, đều là minh chứng cho sự hiện hữu của Chúa. Nếu không có Chúa thì khái niệm linh hồn sẽ là vô nghĩa. Chính Chúa đã thổi linh hồn vào thân xác con người. Thân xác có thể tan rữa, nhưng linh hồn sẽ tồn tại mãi mãi, và sẽ được Chúa phán xét vào Ngày Cuối Cùng của thế gian.

Nhà thờ Tân Định

Sự kiện thứ hai trong Tháng 08/2017 để lại ấn tượng mạnh đối với tôi là việc gặp gỡ một bạn trẻ tên là Đoàn Nguyên Vương, một tâm hồn đầy ắp khoa học và triết học, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM. Hiện anh đang làm giám đốc một doanh nghiệp ở Saigon, sử dụng nhiều người dưới quyền có trình độ khoa học cao để giải quyết nhiều công việc. Lý do gặp gỡ: Nguyên Vương đọc những bài của tôi trên mạng, rồi liên lạc với tôi qua email, đến thăm tôi tại khách sạn ở Saigon, với mục đích trao đổi với tôi những tư tưởng xung quanh các bài viết đó, trọng tâm là Định lý Bất toàn của Kurt Gödel và các vấn đề về Bản chất của Ý thức, mà theo Nguyên Vương, đó là những vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất trong sự nhận thức của con người, một tiêu điểm thu hút tâm trí của anh rất mạnh mẽ.

Qua tiếp xúc trao đổi, tôi phải nói điều này: Nếu tính từ ngày tôi đứng trên bục giảng cho đến bây giờ, tôi có rất nhiều học trò xuất sắc để khoe, nhưng Nguyên Vương, mặc dù không học tôi một ngày nào, có thể xem là một trong số ít học trò xuất sắc nhất và tâm đắc nhất của tôi. Tự anh nói ra một cách tự nhiên và chân thành: “Con là học trò của học trò của học trò… của thầy”. Anh làm tôi nhớ đến câu “Nhìn bạn anh tôi biết anh là ai”, rồi thầm nghĩ, “Nhìn trò biết thầy, nhìn thầy biết trò”, và “mọi tiêu chí đánh giá, tuyển lựa đều không chính xác, chỉ có kẻ trí mới nhận ra kẻ trí…”.

Nguyên Vương nói anh đã đọc hầu như tất cả các bài viết của tôi trên mạng, để rồi bàng hoàng nhận ra rằng có một định lý toán học vĩ đại như ĐL Bất toàn, điều mà nếu không gặp trang mạng PVHg’s Home thì không biết đến bao giờ anh mới biết. Càng đọc anh càng cảm thấy thế giới còn quá nhiều điều thú vị để khám phá, và tri thức trường đại học quá nghèo để có thể giúp cho một sinh viên trở thành một người hiểu biết thực sự. Thậm chí anh còn nói có nhiều bài trên PVHg’s Home kích thích anh đọc đi đọc lại hàng chục lần đến nỗi vợ anh lấy làm ngạc nhiên hỏi có cái gì ở đó mà anh phải mất nhiều nhiều thì giờ cho nó như thế. Anh trả lời “Em không hiểu được đâu, những bài này mở ra cả một kho báu tri thức đấy”, rồi anh giải thích với tôi: “Con thấy thầy gợi mở ra rất nhiều vấn đề để suy nghĩ, nhưng thầy không giải đáp, dường như thầy để mặc cho người đọc tự giải đáp”. Tôi nói: “Đúng đấy, làm sao tôi có thể giải đáp được? Sức lực có hạn, đời người có hạn. Mỗi người chỉ có thể đóng góp một phần công sức thôi. Phải có người khác, nhất là các bạn trẻ, tiếp sức chứ. Tôi chỉ cố gắng đánh động vào lương tri người đọc thôi. Có một vài người quan tâm đến cái đánh động đó là may mắn hạnh phúc lắm rồi”. Anh đáp: “Vâng, con cũng nghĩ thế, và đó chính là một ý nghĩa rút ra từ ĐL Bất toàn….”.

Thú thực, tôi hết sức cảm kích khi gặp một bạn trẻ thông minh sắc sảo và có chiều sâu tư tưởng như vậy. Nguyên Vương rất giống tôi ở chỗ không hứng thú lắm với những công trình khoa học thuần túy kiểu như công trình của Ngô Bảo Châu, cho dù đoạt được giải thưởng gì. Tâm hồn khoa học chân chính không quan tâm tới các giải thưởng. Chẳng phải đã có những nhà khoa học đoạt Giải Nobel phát biểu những ý kiến hết sức ngớ ngẩn về tiến hóa đó sao (như George Wald chẳng hạn)? Nguyên Vương say mê những chủ đề khoa học có ý nghĩa triết học, anh luôn nhấn mạnh đến giá trị của tư tưởng: “Khoa học mà không có tư tưởng thì chán lắm. Con đã nhiều lần ấp ủ đi nước ngoài làm một cái PhD, nhưng con không thích làm cái gì chỉ có ý nghĩa khoa học kỹ thuật thuần túy, mà phải làm cái gì có ý nghĩa tư tưởng. Nay con cảm thấy là con đã tìm thấy rồi, đó là ĐL Bất toàn. Đó là lý do con bị cuốn vào trang mạng của thầy. Đúng là một cái duyên”. Rồi anh đế nghị tôi trình bầy trực tiếp cho anh nghe về ĐL Bất toàn.

Trong một điều kiện rất hạn hẹp về thì giờ và không có công cụ hỗ trợ như bảng viết, màn hình,… tại một quán cafe ở góc đường Nguyễn Thông – Rạch Bùng Binh, Saigon, tôi trình bày với tất cả sự hứng thú vốn có. Nguyên Vương chăm chú lắng nghe, đến khi vỡ ra những ý tưởng quan trọng, anh thốt lên, “Kỳ diệu quá! Con nghĩ rằng con đã tìm thấy hướng đi rồi”. Rồi anh đề nghị tôi giới thiệu anh với các giáo sư ở Úc, ý anh muốn tìm một thầy giỏi để làm luận án tiến sĩ. Tôi nghĩ ngay đến GS Kiều Tiến Dũng ở Melbourne, nhưng rồi chợt thay đổi ý kiến, và khuyên Nguyên Vương nên đi Mỹ, vì qua những sách vở và báo chí tôi đã tiếp cận, ở Mỹ mới có triết học trong khoa học. Anh đồng ý ngay, rồi nói: “Nếu con định làm PhD thuần túy khoa học thì có lẽ đã làm từ lâu rồi. Vấn đề con ấp ủ là phải làm một thesis khoa học trên nền tảng triết học, hay ngược lại, một luận văn triết học khoa học. Ấp ủ này dấy lên ngày càng mạnh mẽ hơn từ khi con nhận thấy bản chất chung nhất của các tư tưởng lớn trong nền văn minh của nhân loại, đó là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, và khoa học, tất cả đều nhắm tới một mục điêu chung là giải thoát cho con người…”.

Cuộc thảo luận của hai thầy trò chúng tôi sôi nổi và hăng say đến nỗi quên cả giờ giấc, nhân viên cửa hàng phải lên nhắc nhở đã đến giờ đóng cửa hàng. Mãi đến lúc về khách sạn, chuẩn bị tiễn Nguyên Vương ra về tôi mới nhớ ra là phải chụp một tấm hình kỷ niệm. Ngay hôm sau tôi gặp một bạn thân, tiến sĩ Nguyễn Công Dzị, từng là một vụ trưởng ở Bộ Thủy Sản trước đây, từng từ chối việc cất nhắc lên thứ trưởng chỉ vì muốn cống hiến sức lực cho những giá trị đích thực ở đời, tôi nói chuyện ngay với TS Công Dzị về người bạn trẻ mới gặp. Anh lập tức giới thiệu Nguyên Vương với một tiến sĩ vật lý ở Mỹ đang có mặt ở Saigon. Thế là mọi dự định của Nguyên Vương lập tức được hiện thực hóa bước đầu. Nguyên Vương nói: “Con xác định hướng đi rõ ràng rồi. Con sẽ làm một cái PhD về Philo-science, lấy ĐL Bất toàn làm nền tàng cốt lõi về khoa học. Dựa trên nền tảng ấy con sẽ chứng minh rằng những tư tưởng cao quý của Phật giáo và Thiên Chúa giáo và khoa học là Một. Nếu con đi Mỹ, con sẽ mời thầy sang đó với con. Ở đó con có một thằng bạn cùng tuổi có tư tưởng y như con, chắc nó sẽ thích lắm”.

Trong lúc hai thầy trò ngồi với nhau ở quán cafe tối hôm trước, có lúc Nguyên Vương chỉ tay xuống đường phố, nói: “Thầy nhìn mà xem, cái đám đông tất tưởi chạy ngược chạy xuôi trong cái mớ bòng bong giao thông bát nháo kia, con không biết họ có phải là những con người không hả thầy? Con sợ rằng họ có bộ não nhưng óc họ không hay biết gì cả. Họ chỉ vận động theo bản năng thôi, họ không hay biết gì và họ cũng không cần biết sự thật của thế giới là gì. Ôi, con người nếu không có tư tưởng thì sẽ là cái gì hả thầy?”. Tôi nói đùa: “Nếu con người không có tư tưởng thì Darwin đúng”, rồi tôi đề cập đến Blaise Pascal với câu nói đầy thất vọng của ông: “Tôi có thể hình dung một người không có chân, không có tay, nhưng tôi không thể hình dung một người không có đầu”, rồi tôi kết bằng một câu nói của C. S. Lewis, như một minh triết dành tặng người bạn trẻ: “You have not a soul; You are a soul, and you have a body!””. Nguyên Vương thích thú nuốt lấy từng chữ rồi bình luận: “Y như Phật nói thầy ạ, tất cả từ cái TÂM mà ra. Rốt cuộc, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, ĐL Gödel đều nói về cũng một sự thật mà thôi. Và nếu con làm luận án thì con phải làm rõ được cái đó…”.

Khi nói về vai trò của Định lý Gödel, tôi bảo Nguyên Vương rằng:

“Này, bạn biết không? Stephen Hawking là một gã tự phụ nhất thế giới ngày nay, không coi ai ra gì, ấy thế mà sau khi thấm nhuần ĐL Gödel, Hawking đã viết hai bài báo lớn thể hiện sự thay đổi quan điểm tận gốc về tương lai của vật lý. Đó là bài “Gödel & The End of Physics” và “The Elusive Theory of Everything”, cả hai bài đều đã được PVHg dịch và đăng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc rồi đấy, số Tháng 03 và 04/2012…”. Nguyên Vương nói ngay: “Điều đó chứng tỏ Hawking là một nhà khoa học chân chính, dám phủ định chính bản thân mình…”.

Tôi thích quá, vì đó cũng chính là ý nghĩ của tôi. Vì thế, tôi không thể không ghi lại kỷ niệm này như một sự kiện đáng ghi nhớ trong chuyến thăm Saigon Tháng 08 năm nay, 2017. Cuộc sống không chỉ đẹp ở những bãi biển, những kỳ quan thiên nhiên, mà đẹp nhất chính ở con người, nơi có tư tưởng hướng tới cái Thiện, cái Nguyên Thủy của Vũ Trụ! Hy vọng vài dòng bút ký này mang đến một cái gì đó có ý nghĩa với bất kỳ ai đang đọc những dòng này.