Kịch bản: Hoạt cảnh Thánh Anrê Trần Văn Trông

Quang X Nguyen


Nhân vật:
Anrê Trần Văn Trông (nói giọng Huế)
Mẹ Trông (nói giọng Huế)
Người phụ nữ nghèo mua cá (nói giọng Huế)
Quan (thâu nhận lính đăng cai cũng là quan xử án)
Đội trưởng
2 người lính (thi hành lệnh của đội trưởng)
2 người lính (cầm gươm đứng nghiêm hầu quan)
Lý hình
Đạo trưởng tây
Người đọc dẫn nhập
Màn một - Cảnh một


Vật dụng:
Một mảnh vải tơ tằm
Cái đèn dầu
Di ảnh ông bà.
Di ảnh người ba
Một lư hương nhỏ trước di ảnh
Bó nhang nhỏ, diêm quẹt.
Một cần câu, giỏ tre để đựng cá
Hơn chục con cá màu cắt bằng giấy

Tượng thánh Trần Văn Trông

(Nhạc vui tươi)

Dẫn nhập: Thánh Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814 ở Kim Long, Phú Xuân, Huế. Cậu là con trai duy nhất trong nhà. Năm lên 15 tuổi, cha cậu mất sớm, gia đình phải lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Vì thương mẹ và không muốn mẹ phải chịu khổ nhiều, nên Trông đành thu xếp sách đèn, theo chân bà con lối xóm về họ Thợ Ðúc dệt tơ cho hoàng gia. Mỗi buổi chiều, sau những giờ lao động mệt mỏi, cậu thường vác cần câu đến ngồi bên bờ sông Hương xanh biếc, để được gần gũi với thiên nhiên.

(Mẹ Trông bước ra từ cửa sau đi sang bên trái sân khấu, cũng là nơi hai mẹ con sinh sống, mặc áo dài tứ thân, chân đi dép, đầu đội khăn mỏ quạ, tay cần rổ đựng đồ may vá. Vào ghế ngồi vá áo. Phía vách có treo ảnh người cha và vài tấm hình thân nhân quá cố trong gia đình. Có nhang đèn để sẵn. Trông mặc chiếc áo nâu bạc màu, rách, vá trước, vá sau. Mặc chiếc quần đen, một chân quần vén lên quá gối, chân kia dài phủ mắt cá. Đầu đội mũ cói bạc màu. Tay cầm miếng vải tơ lụa vừa dệt xong mang về cho mệ cất.)

Trông: Mệ ơi, Mệ! Mệ mô rồi? Mệ xem nì. Con mới dệt được ít thước tơ, mệ xem, đẹp không?

Mẹ: Đâu? Đưa mệ xem nào.

(Vừa nói vừa đưa miếng lụa cho mẹ. Người mẹ cầm thước vải trong tay đưa lên, đưa xuống, ngắm nhìn tỏ vẻ hài lòng. Sau đó ướm thử vào người ra chiều thích nhưng nghèo không đủ tiền may áo mới.)

Trông: Gần tết rồi, hay mệ may chiếc áo mới này đi.

Mẹ: Không được con ơi, nhà mình nghèo, mình cần tiền đong gạo, lại phải lỡi ngãi ba ngày tết. Tốn kém lắm.

Trông: Hay là tối con dệt một tấm nữa. Chỉ phải trả tiền tơ, công thì không mất. Như vậy tiết kiệm được nhiều mệ à.

Mẹ: Con mệ thật là ngoan, nhưng con cần giữ sức khoẻ để làm việc. Đừng nên phí sức như rứa.

(Nói xong bà mẹ cất miếng vải tơ đi. Trông đứng ngó trời ngó đất một chút, nói với mệ.)

Trông: Mệ à, con đi câu cá đây.

Mẹ: Ừ! Chúc con câu được nhiều cá.

(Trông vai khoác giỏ, tay cầm cần câu, đi vào. Mẹ Trông cũng đi vào trong)

(Nhạc vui tươi)

Màn một - Cảnh hai

(Trông bước ra cầm cần câu và giỏ cá vừa đi vừa rao.)

Trông: Cá đây, cá đây, cá mới câu tươi quá. Ai mua cá không?

(Có người tới mua cá. Người này ăn mặc bình thường, cũng nghèo khổ, mặc áo dài tứ thân, chân đi dép, đầu đội khăn mỏ quạ, tay cắp cái rổ có mớ rau, và một túi gạo nhỏ).

Người mua cá: Chào chú Trông. Tui muốn mua cá. Cá bán sao hè?

Trông: Dạ, cá nhỏ, một quan một chục. Cá lớn tính giá khác.

Người mua cá: Ôi chao. Cá mới câu tươi rói hè. Ừ! Nhà tui nghèo, hôm nay lại không bán được gạo. Ế ẩm. Ế khổ, ế sở… Chừ không có tiền, đổi gạo lấy cá được không chú?

Trông: (ngẫm nghĩ một chút đáp.) Dạ, cháu bán cá lấy tiền đong gạo, có gạo khỏi mất công đi mua. Rứa một lít gạo bao nhiêu, thím?

Người mua cá: Năm hào thôi.

Trông: Cá nhỏ, một con một hào. Cá lớn, một con hai hào. Thím muốn mua nhiều hay ít?

Người mua cá: Đắt quá hỉ? Để tui tính coi.

Trông: Nhà thím đông người, đổi sáu con cá nhỏ cho một lít gạo. Bán rẻ cho thím đó.

Người mua cá: Cám ơn chú Trông tốt bụng với chúng tui.

(Trông lựa cá đưa cho người phụ nữ. Đến con thứ 6 người phụ nữ dơ tay cầm con cá hỏi.)

Người mua cá: Chú Trông còn độc thân hỉ…. Con gái tui cũng lớn rồi, coi cũng được lắm đó chú.

(Trông ngừng tay, ngẩng mặt nhìn người phụ nữ đáp.)

Trông: Dạ, cám ơn thím. Nhưng nhà nghèo cháu không dám trèo cao mô.

Người mua cá: (thở ra) Hì… Cao thấp chi mô rứa. Nhà chú có cá, nhà tui có gạo. Đổi chác vậy là phải rồi. Mệ chú có con trai; tui có con gái. Hai nhà kết thân, còn cao thấp chi nữa tề. Suy nghĩ đi, rồi thưa với mệ chú cho tôi biết. Thôi chào chú Trông tui về hỉ.

Trông: Dạ, chào thím.

(Nhạc Huế. Trông lặng thinh không biết đối đáp ra sao. Chị phụ nữ đi khỏi. Trông vào nhà ngồi xuống ghế, rót li nước trà nguội lạnh uống. Cầm tách trà trên tay, hớp một miếng rồi bỏ tách xuống bàn. Nghĩ mông lung về lời đề nghị vừa rồi. Mệt mỏi Trông ngủ gật ngay tại ghế.)

Màn một - Cảnh Ba

(Căn phòng tối om, có cái đèn để giữa bàn. Mệ Trông bước vào phòng đánh thức Trông đang ngủ gục. Hai mẹ con ngồi uống trà.

Có tiếng mõ làng. Cóc, cóc, cóc.)

“Toàn dân nghe chiếu chỉ. Lệnh Thiên Hoàng Minh Mạng, chiếu chỉ trai trẻ trong làng gia nhập quân lính hoàng gia. Ưu tiên cho người xứ Huế.” Cóc, cóc, cóc.

Trông: Ồ, Mệ à! Hay con đi lính cho hoàng đế, được không mệ?

Mẹ: Liệu người ta có cho không, con?

Trông: Dạ, ưu tiên một cho người xứ Huế. Con đủ điều kiện. Tuổi 20, lực lưỡng, gốc Huế chính hiệu.

Mẹ: Ừ! Cũng tốt!

Trông: Con sẽ gởi tiền lương về cho mệ đong gạo.

Mẹ: Răng mi khéo lo! Mệ tự lo được. Bi chừ con lớn rồi. Con phải lo cho tương lai con nữa.

Trông: Tương lai con dễ rồi. Ăn cơm cố đô. Ngủ đất hoàng thành. Quân phục hoàng gia. Không tốn lấy một xu. Mệ xem nì. Thuốc không hút. Trầu không nhai, rượu không uống. Bao nhiêu lương còn nguyên, tiền dư đủng đỉnh.

Mẹ: Thôi nờ, đừng vẽ vời, ảo vọng nữa con. Đến đâu hay đến đó. Cứ tưởng tượng ra một tương lai tươi sáng, lỡ mai nì không được như vậy, lại mang tiếng là bày điều, đặt chuyện. Thôi con chuẩn bị đi ngủ sớm, mai còn vào cấm thành đăng cai. Ừ … Mà biết đăng cai ở mô?

Trông: Dạ, mai con đi, con sẽ hỏi thăm đường.

(Nhạc êm dịu. Hai mẹ con dâng hương cho tổ tiên, khấn vái mỗi tối trước khi đi ngủ. Tối nay Trông dâng hương lâu hơn. Hình như chàng cầu cho chuyện đăng lính sáng mai được xuông sẻ. Mẹ Trông thu xếp túi quần áo cho Trông. Hai mẹ con đi vào trong. Trông thay áo, mặc lịch sự hơn. Cái áo nâu mới, cài nút cẩn thận. Quần thả xuống hai bên bằng nhau, không còn ống cao, ống thấp. Đầu tóc chải gọn gàng. Vai đeo một bị nhỏ, chéo ngang vai. Vừa đi vừa sửa áo, đi với mẹ qua phía bàn chỗ nhà hai mẹ con. Đứng nơi bàn thờ tổ tiên như đang khấn vái)

Màn hai - Cảnh một

Vật dụng:
Một bàn nhỏ, có ghế. Có lọng che cho quan.
Thanh gươm
Bộ quần áo lính
Mũ cho lính
Chuỗi môi khôi
Hình Thánh Phaolồ
(Nhạc drums hùng hồn, quân lính xưa.

Cạnh bên là khay trầu. Bình trà. Đầu kia có một xấp giấy, khay mực và cây viết lông.

Hai người lính cầm giáo nghiêm bước ra đứng bên phải cửa. Đội trưởng vênh vang bước ra nhận chào của hai lính, sau đó đứng bên trái cửa. Quan từ trong phía cửa đi ra. Hai người lính cận vệ đi sau quan.

Quan đến bàn ngồi trên ghế. Cận vệ đến sau ghế quan đứng chân dạng ra, gươm để thẳng mũi chúi xuống đất, song song với chân. Mặt ngó thẳng xuống phía cộng đoàn. Trông rất uy nghiêm.

Đội trưởng rót trà dâng cho quan.

Hai mẹ con Trông vẫy tay từ biệt nhau. Trông đi qua phía bên phải sân khấu tiến đến gần người lính gác. Người đưa giáo chận lại. Người phụ nữ nghèo (từ phía bên trái ghế cộng đoàn) đến nhà mẹ Trông như có vẻ hỏi thăm, rồi hai người đi lại ghế thứ nhất ngồi với cộng đoàn.)

Trông: Dạ thưa anh lính. Em muốn muốn đăng cai.

Người lính lại trình với đội trưởng. Đội trưởng nhìn Trông rồi hất tay cho qua và lính dẫn đến trình quan.

Đổi Trưởng: Bẩm quan, tên này muốn khai lính.

Quan: (hất hàm hỏi) Mi tên chi?

Trông: Dạ bẩm quan, con tên Trần Văn Trông.

Quan: Mấy tuổi?

Trông: Dạ bẩm, con 20 tuổi.

(Quan nhìn Trông từ chân đến đầu, ngó bên phải, liếc bên trái, nói.)

Quan: Nhìn mặt mi như vầy mà mới 20 tuổi?

Trông: Dạ con 20 tuổi thiệt.

Quan: (gắt) Ừ! 20 thì 20.

Quan: Nghe giọng nói của mi, biết mi gốc Huế, không cần phải điều tra.

Trông: Bẩm quan, con gốc Huế thiệt.

Quan: (gắt lần nữa) Biết rồi.

Quan: Mi biết đọc, biết viết không?

Trông: Dạ bẩm quan, con biết?

Quan: Ai dậy mi viết?

Trông: Dạ, thầy con.

Quan: Thầy mi làm nghề gì, ở đâu?

Trông: Dạ, thầy con mất hồi con 15 tuổi. Từ đó đến ni con không được học nữa.

Quan: Vậy à, thì cho mi đi giữ ngựa.

Trông: Dạ bẩm, con chưa hề được cưỡi ngựa.

Quan: (gắt) Khéo vẽ. Ai cho mi cưỡi ngựa.

Nuôi ngựa, chăm sóc cho nó, còn cưỡi thì không đến phiên mi đâu.

Quan: Mi có nợ nần ai không?

Trông: Dạ bẩm không

Quan: Mi có mắc tội, mang vạ gì, với làng nước không?

Trông: Dạ không.

Quan: Tốt, rất tốt. Mi kí tên vào đây.

(Trông kí tên xong đưa tấm thiếp lại cho quan.)

(Nói xong quan hất hàm, tay phất phất tờ giấy)

Quan: Cầm giấy này vào lãnh quân phục.

(Nhạc hùng hồn. Tiến ra sau lưng quan. Trông đưa tờ trình vuing mừng nhận mũ lính, quần áo lính, đi vào trong mặc vào và đeo gươm ngang hông)

Màn hai - Cảnh hai

Vật dụng:
Trang trí giống màn hai, cảnh một)
Bộ quần áo rách màu vàng, phân biệt giữa dân thường và tù nhân.
Một gông cổ.
Khói nhân tạo
Dẫn nhập:

Trong thời gian Trần Văn Trông phục vụ trong quân đội, câu gặp được đạo trưởng tây dương. Trông âm thầm trốn đi nghe giảng đạo. Sau đó về kể cho bạn nghe về những điều mới lạ học được. Trông trở thành nhà giảng đạo thứ hai. Nhờ trí nhớ tốt, Trông nhớ được gần hết những điều đạo trưởng tây dương dậy, kể cho bạn nghe, cho mẹ nghe. Nhờ những lời kể kia mà có nhiều lính hoàng gia tin theo Chúa. Hầu hết số lính quét chuồng ngựa gia nhập đạo Chúa. Tin này vang đến tai vua Minh Mạng. Nhà vua đã ra chiếu chỉ cấm theo đạo Giatô.

Chiếu chỉ Minh Mạng cấm lính nhà vua không được theo Giatô tà đạo. Trái lệnh bị nghiêm phạt. Biết tin đạo là trái lệnh vua, có thể liên luỵ đến người mẹ. Trông luôn cầu xin nếu có bị bắt, một mình chịu tội mà không để cho mẹ liên luỵ.

Sau 8 tháng phục vụ trong quân đội, tháng 11 năm 1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải ra trình diện. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các quan bèn dùng biện pháp tra tấn dã man... Lần lượt 12 người từ từ bỏ cuộc, chỉ còn một mình Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng.

Gần chỗ quan ngồi là mệ Trông, mắt đăm đăm nhìn con. Ngầm nhắn bảo can đảm lên, đừng sợ, vì con được phúc tử đạo. Đừng sợ liên luỵ đến mệ. Hãy can đảm lên.

Quan xử Trông lại chính là vị quan nhận chàng vào làm ngự lâm quân. Quan có ý định cứu Trông nên hỏi một câu rất tế nhị. Dựa vào giọng Huế dịch trại đi để cứu Trông.

(Trông đi ra phía trước sân khấu đứng hiên ngang như một viên quan đội và chào hỏi 2 người lính gác.

Đạo trưởng tây phương từ bên trái bước ra đến gần, Trông đi đến gặp mặt đạo trưởng. Vòng tay chào. (Lúc đó 2 người lính và đội trưởng cùng chào quan rồi đi vào trong.) Hai người nói chuyện, đạo trưởng mở sách ra cho Trông xem, dáng điệu đang giảng cho Trông. Trước khi chào từ biệt, đạo trưởng tặng cho Trông tràng hạt, giải thích lần hạt cho Trông, và cho một bức ảnh. Đạo trưởng đi vào ghế thứ nhất ngồi với cộng đoàn. Trông đi vào trong.

Một lúc sau Đội trưởng và 2 người lính giải Trông ra gặp quan. Trông vẫn mặc đồ lính.)

Quan: Trần Văn Trông. Mi coi, tám tháng trước đây, Bổn quan, nhận mi vào làm kị mã hốt phân ngựa. Mi nhanh nhẹn, lanh lợi, bổn quan đặt nhiều kì vọng nơi mi. Chưa kịp cất nhắc mi, thì mi trái lệnh hoàng thượng tin theo đạo Chúa.

Mi đi nhà Chúa hay nhà chùa?

Trông: Dạ con đi nhà Chúa.

Quan: (gắt) Mi nói cho rõ, nhà Chúa hay nhà chùa?

Trông: Dạ, nhà Chúa.

Quan: Mi đi nhà chùa, thì được tha. Về đi.

Đội trưởng: (hầu kế bên lên tiếng) Bẩm quan, nó nói nó đi nhà Chúa.

Quan: Im miệng. Mi cho là quan điếc hả. Muốn vài chục hèo không?

Trông: Bẩm quan. Đội trưởng nói đúng. Con đi nhà Chúa, không phải nhà chùa.

Quan: Thôi! Ta không có quyền xử người đi nhà chùa.

Trông: Con bẩm quan lớn, xin quan nghe cho rõ. Con đi nhà Chúa.

Quan: (gắt) Đúng rồi, đi nhà chùa thì không mắc tội với hoàng thượng. Về đi, quyét chuồng ngựa cho sạch.

Trông: Dạ bẩm quan, con đi nhà Chúa.

Quan: (thở dài) Bổn quan muốn tha mi, nhưng mi lại cứng đầu. Bổn quan sẽ cho mi được toại nguyện.

(Suy nghĩ một chút. Nói rõ ràng, chậm từng tiếng một) Bây giờ ta cho mi một cơ hội cuối. Mi, theo đạo Giatô, hay theo Hoàng Thượng?

Trông: Dạ, con theo đạo Giatô.

Quan: (đứng phắt dậy, đập bàn) Giatô, Giatô thì cho biết Giaaaaa--tô.

(Nhạc hồi hộp. Trông ngẩng mặt nhìn chờ quan phán án)

Quan: Tống cổ nó vào ngục. Đập cho nó 5 chục hèo, rồi đốt chân nó, bắt nó bỏ đạo đó đi.

Đội trưởng: Dạ, tuân lệnh.

(Hai người lính lột mũ và gươm rồi dắt Trông vào trong. Sau đó mặc cho bộ quần áo rách màu vàng nhạt. Màu của tù nhân. Ba bốn người vung roi giây quất túi bụi vào Trông. Trong lúc đó xé rách áo Trông đang mặc để lộ ra những vết bầm tím trên mặt trên cổ.

Cho khói trắng cho bay toả lan ra. Trông bị khói ho liên tục, tiếng ho nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn.)

Màn hai - Cảnh ba

Vật dụng:
Một bản án đội giữ trong người
Lính mang roi giây
(Trông bị hai người lính điệu đến trước mặt quan. Đến nơi Đội trưởng chào quan rồi dâng cho quan tang vật gồm tràng hạt và bức ảnh Thánh Phaolồ. Móc bản án từ thắt lưng ra đọc:)

Đội Trưởng: Trần văn Trông, 21 tuổi, quê quán Kim Long, Phú Xuân, Huế.

Con goá phụ họ Trần. Lính kị binh triều đình,

can tội chống lại minh quân hoàng thượng theo tà đạo Giatô.

Nay nghiêm xử theo chiếu chỉ Minh Mạng hạ chiếu.

Án tử hành quyết trong ngày 28/11/1835. Không được chậm trễ.

Công bố hình phạt để dậy con dân biết kính tôn luật pháp nước ta.

(Nghe xong Trông gục xuống)

Đám lính nói với quan: Nó ngất rồi.

Đội trưởng: (ra lệnh) Dật tóc cho nó tỉnh dậy.

(Lính nắm tóc trên đầu Trông dật ngược lên. Trông tỉnh dậy, nhìn quanh như van nài được tha.)

Quan: Trần Văn Trông, bây giờ hối vẫn còn kịp. Mi muốn sống hay muốn chết?

Trông: Dạ con muốn sống.

Quan: Vậy thì mi bỏ đạo đi, ta tha chết cho.

Trông: Dạ, con nhất quyết trung thành với Đức Chúa đến cùng.

Quan: Mi điên rồi sao. Thấy mi chết, bổn quan cũng đau lòng.

Trông: Dạ, con đội ơn quan.

Quan: Trần Văn Trông, mi có điều gì muốn nói lần cuối không?

Trông: Dạ, dù sống hay chết con cũng trung thành với Đức Chúa

Quan: Vậy mi đã nhìn thấy Chúa bao giờ chưa?

Trông: Dạ, con thấy Thiên Thần Chúa dơ tay đón con.

Quan: Cha…. chả, mi nhìn thấy người trong đám khói nè. Mi đang tỉnh hay đang mộng?

Trông: Dạ, con tỉnh, con trông thấy Thiên Thần Chúa dơ tay đón.

Quan: Mi nói mi tỉnh hả. Mọi người nhìn thấy mi chết xỉu, quay đơ. Tỉnh hay mơ cũng không biết, mà nói là thấy thần thần Chúa gì đó.

Đội trưởng! Bổn quan cấm ngươi không được ra hình phạt nào mà để nó nhìn thấy thần thần Chúa gì đó. Nghe rõ chưa?

Đội trưởng: Dạ, tuân lệnh.

Quan: Tuân lệnh sao còn đứng đó?

Đội trưởng: Dạ bẩm quan, hành quyết là cách duy nhất, để nó khỏi nhìn thấy thần thần Chúa.

Màn hai - Cảnh bốn - Hành quyết

Vật dụng: Giây thừng trói Trông

Quan: Tháo gông ra, trói tay nó lại.

Đội trưởng: Dạ

(Đội trưởng lấy giây thừng được dắt trong thắt lưng đưa cho lính trói Trông lại.

Đội trưởng đi vào trong gọi Lý Hình ra. Lý hình mặc đồ đen đến chào quan rôi đứng sau quan kế bên hai người lính cận vệ. Trông quì trước mặt quan. Hai tay bị trói ra sau lưng, khom lưng nhưng ngẩng mặt nhìn quan.)

Quan: Trần Văn Trông, bổn quan cho mi cơ hội chót. Mi hối cải vẫn còn kịp.

Trông: Bẩm quan, sau này người hối cải không phải là con mô.

Quan: A, đáo để. Đáo để. Mi nói sau này bổn quan hối cải? Mi đã thấy trường hợp nào như thế chưa?

(Vừa nói vừa dùng ngón tay chỉ thẳng mặt Trông)

Trông: Bẩm quan, tây dương đạo trưởng kể tích xưa có ông quan lớn tên là Phaolồ. Ông thừa lệnh hoàng đế La Mã đi giết hại người Thiên Chúa giáo. Một mình một ngựa, trên đường đi, ông bị sét đánh, té ngựa, mù mắt.

(Đang nói Trông mệt, yếu sức quá té gập người xuống đất. Lính vực dậy, nói thêm đuợc vài câu Trông lại té xuống đất. )

Trông: Phaolồ nghe tiếng từ trên không vọng xuống hỏi.

“Sao ngươi đi lùng bắt Ta?”

Phaolồ hỏi. “Ngài là ai?”

Có tiếng từ trời đáp. “Ta là Đấng ngươi đang đi lùng bắt”

Phaolô nhận biết giết hại Kitô hữu là giết hại chính Đức Chúa Kitô phục sinh.

(Mệ Trông có mặt tại nơi hành hình, luôn dùng cái nón mê che mặt, vừa dấu tông tích vừa muốn chứng kiến cảnh con hy sinh vì đức tin. Bà vừa xúc động, đau khổ thay cho con vừa vui vì thấy Trông vững lòng cậy trông, lại còn giảng đạo lí cho quan nữa.

Đội trưởng cầm ảnh thánh Phaolô dâng cho quan.

Quan nhìn thấy hình thánh Phaolô hỏi.)

Quan: Đây là người mi đang nói tới?

Trông: Bẩm quan, đúng thế.

Quan: Vậy mi có điểm gì giống ông này không?

Trông: Bẩm, con cũng được phúc đau khổ vì Đức Chúa Kitô như ngài.

Quan: Ha! Đau khổ mà nói là được là phúc.

Trông: Bẩm. Khi quan nhận con làm lính hoàng gia. Quan nói là con có phúc.

Quan: Chứ sao. Hầu hạ hoàng đế là một ân phúc.

Trông: Yêu mến Thiên Chúa. Chịu đau khổ vì Chúa cũng là một ân phúc. Còn hơn thế nữa…(Nói tới đây Trông lại té xỉu nữa)

Quan: Đừng để cho nó chết. Câu chuyện kể chưa xong.

(Chờ Trông tỉnh lại, Quan nhìn thẳng mặt Trông thắc mắc)

Quan: Sau đó rồi sao nữa? Câu chuyện kết thúc ra sao?

Trông: Bẩm quan, sau đó có người nhân danh Đức Chúa đến chữa cho Phaolồ.

Phaolồ lành bệnh, mắt sáng.

Từ đó ông thống hối, trở về đàng lành, thành môn đệ trung tín của Đức Chúa Kitô.

Quan: Bổn quan không bệnh. Mắt bổn quan cũng còn sáng. Mi kể chuyện đó có thật à?

Trông: Bẩm quan đó là chuyện thật một trăm phần trăm, ghi lại trong sách rõ ràng. Người ghi lại không là ai khác mà chính là ông Phaolồ. Bây giờ người ta gọi ông là thánh. Ông là thánh vì nhờ ông biết thống hối, ăn năn, trở lại.

Quan: (trầm ngâm tự nói cho mọi người nghe) Đúng là chuyện lạ bốn phương. Nghe cũng có lí, mà lại vô lí. Từ xưa đến nay có ai nghe tiếng từ trời đâu? Năm nào cũng có người bị sét đánh chết. Nghe tiếng sấm thì cũng không thiếu. Nghe tiếng người từ trên không trung thì quả chưa từng nghe. Phải hoàng đế mà nghe được tiếng như ông Phaolồ nghe thì cứu được bao con dân trong nước.

(Im lặng đôi chút quan lên tiếng)

Quan: Ta không biết hoàng đế La Mã là ai. Ta chỉ biết đến hoàng thượng nước ta. Ngài là con trời. Ngài ra lệnh giết thì ta giết. Quan không thi hành lệnh vua là bất trung. Nếu mi muốn sống thì nghe lệnh vua.

Trông: Bẩm quan, con đã quyết. Con đã nhìn thấy thánh thần Chúa dơ tay đón con. Hình ảnh đó rõ lắm, đẹp vô ngần, sáng láng như ánh bình minh, tươi thắm như hoa chớm nở.

Quan: Im miệng! Bổn quan không có giờ nghe mi tả văn chương. Văn chương chữ nghĩa ích gì cho mi, khi đầu rơi xuống đất.

Trảm … quyết…

(Nhạc hoảng sợ, đau thương... Hai người lính dẫn Trông đến phía trước. Lý hình cầm gươm bước chầm chậm theo sau. Bất chấp nguy hiểm mà mẹ phóng ra trải tấm khăn quàng đầu ngay chỗ con bị chém đầu. Lí hình cầm gươm chém đầu. Trông ngã xuống tấm khăn quàng của mẹ. Mẹ Trông ôm lấy xác con khóc ngất)

(Nhạc thánh thiện. Bắt đầu vũ khúc xông trầm hương)

Hết.


TiengChuong.org

Mời xem video Thánh Tử Đạo Anrê Trần Văn Trông do Đoàn thanh niên Giáo xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu trình diễn vào dịp Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24 tháng 11 năm 2010

Phần 1



Phần 2



Phần 3