Góc chợ bình yên -- truyện ngắn của Lưu Minh Gian

Quang X Nguyen

Cuộc đời này bất công lắm. Vậy mà không có sách vở nào trong nhà trường dạy nó chân lý đó cả. Nó đã quan sát và tự rút ra kết luận cho mình sau thời gian trở thành một thằng bán vé số.

Trong nhà, nó vốn là thằng anh cả hiền từ được mọi người thương mến. Sự thương mến đó hình như không có ở ngoài đời. Cầm xấm vé số trên tay, nó thường xuyên nhận được những cái lắc đầu dửng dưng, những cái phẩy tay từ khước. Ở trường, nó vốn là đứa học sinh năng nổ và là tâm điểm của những cuộc vui. Ra đời, nó thấy mình nhỏ nhoi và mất hút giữa dòng người tất bật ngược xuôi. Cầm xấp vé số trên tay, nó thấy mình như cũng bị cuốn vào cái bận rộn vội vã của dòng đời. Nó dáo dác tìm người có thể trở thành khách hàng, nó mời mọc, rồi đi, rồi lại dáo dác tìm khách…


Là thằng bán vé số, nó phải đi nhiều. Đi nhiều thì thấy nhiều. Mà nó thì không thể không suy nghĩ từ những điều tai nghe mắt thấy. Nó thường đi vào mấy quán nhậu, nơi có những ông ‘sần sần’ dễ ngẫu hứng bất tử và trở thành khách sộp. Thực ra thì cái ‘sộp’ của mấy ông khách đó, khi mua vài chục tờ vé số, đâu có thấm thám gì so với số tiền mà mấy ổng bỏ ra cho một cuộc vui. Có lần vô tình đọc được phiếu tính tiền của mấy ổng, nó ngỡ ngàng khi nghĩ rằng với khoảng tiền đó, cả nhà nó có thể sống được trong cả tháng. Nó cũng hay vào các bàn bida độ. Mấy người ở đó có máu ăn thua, lại hay tin vào vận số, nên cũng hay mua vé số. Người thắng thì mua theo cách của kẻ cả muốn ban ơn, người thua thì mua may rủi để mong gỡ gạc… Những tờ tiền xanh đỏ vung ra chung độ làm nó choáng mắt. Chỉ cần một ‘cơ’ thôi thì mấy ông người lớn này đã có thể kiếm tiền nhiều gấp mấy chục lần số tiền nó kiếm được nhờ việc rảo cẳng suốt ngày, mời mọc hết cả hơi sức…Cuộc đời như thế thì thật là bất công.

Chiều. Sau một ngày rảo cẳng khắp nơi, tụi nhóc trong nhóm bán vé số thường họp nhau ở góc chợ để tính toán lời lỗ. Mấy đứa kèm thêm việc ghi số đề cho các đại lý bao giờ cũng lời bộn hơn mấy đứa bán vé số trơn, nhờ những khoảng huê hồng từ các đại lý, đôi khi là những khoảng tiền thưởng của mấy người trúng đề. Nhóm mấy đứa bán vé số trơn có nó, bé Na và thằng Bảo bống. Tụi nó cũng thích thu nhập thêm, nhưng không thích ghi số đề. Nó thấy việc đó phải lén lén lút lút sao ấy, cả mấy cô chú làm ở đại lý cũng vậy, bao giờ cũng như phải dáo dác đề phòng.

Bé Na và thằng Bảo hay biểu nó kể chuyện đi học, chuyện trường, chuyện lớp. Bé Na nhỏ tuổi, nhưng có thâm niên trong nghề lâu năm nhất. Nó không biết bố mẹ là ai, từ nhỏ đã sống với người mà nó gọi là bà ngoại. Bà già, đau yếu quanh năm, nên bé Na chưa bao giờ có cơ hội cắp sách đến trường. Thằng Bảo bống thì còn cả cha lẫn mẹ, nhưng mà nó hay nói ‘thà không có còn hơn’. Có những ngày mưa gió, bán ế, nó và bé Na phải trích ra trong số tiền lời ít ỏi của mình vài ngàn cho thằng Bảo, để nó đủ ‘chỉ tiêu’ đem về nộp cho ông bố nát rượu. Những lúc đó nó mới thấy mình là người hạnh phúc. Nó còn cả cha lẫn mẹ, lại được học hành. Sau một ngày vất vả với cuộc mưu sinh, gia đình bao giờ cũng là tổ ấm đầy ắp tiếng cười của mấy anh em nó.

---***---

Một lần nọ nó vào bán vé số trong một quán cà-phê.
- Chú mua dùm con tờ vé số đi chú !
- ….
- Chú…
- Dẹp mày ! hổng thấy tao đang chơi điện tử hả
Cái ‘chú’ ngồi bệ vệ trên ghế quay lại trong khuôn mặt non choẹt của một thằng nhóc trạc tuổi nó.
- Hì..hì… thì em chờ anh chơi xong rồi mua dùm em vài tấm nghen. Sắp tới mùa đi học rồi, mua dùm đi, ủng hộ em có tiền mua sách vở hén…

Nó và thằng Dũng đã quen nhau như thế. Không ai ngờ là cuối cùng hai đứa nó lại học chung một lớp khi bước vào năm đầu cấp II. Hôm đó nó đạp xe ra trường mới để nhận lớp. Đang lò dò tìm tên mình trong danh sách lớp thì nó nghe có tiếng gọi đằng sau:
- Ê !
Nó giật mình, ngoái cổ lại để thấy một gương mặt đang ngạc nhiên:
- Thằng bán vé số, mày cũng đi học hả?
- Dạ, em tên là Gia... Anh cũng học ở đây hả?
- Tao học lớp này.
Nó cười bẽn lẽn:
- Vậy là em học cùng lớp với anh...

Dũng là con nhà giàu mà học hành thì lẹt đẹt. Hình như nó chẳng có động lực gì để học hành đàng hoàng hết. Mỗi chiều, trong khi nó tranh thủ cầm xấp vé số để kiếm thêm tiền phụ bố mẹ thì thằng Dũng vẫn ung dung chơi điện tử trong quán cà-phê. Từ ngày gặp mặt Dũng trên trường, nó cố tình tránh cái quán mà Dũng hay ngồi. Dường như trong lòng nó vẫn có một mối mặc cảm thầm lặng với thằng bạn học. Nó chỉ muốn trở về với thế giới nhỏ bé của ba đứa nhóc bán vé số bên góc chợ, ở đó nó sẽ kể cho bé Na và thằng Bảo bống nghe những chuyện tốt đẹp về thế giới bình đẳng của những người được đi học, của trường lớp, thầy cô, bạn bè.. bằng cả những điều có thực và những điều tốt đẹp mà nó tưởng tượng ra. Thỉnh thoảng tụi nó cũng kể cho nhau nghe về ước mơ của mình. Thằng Bảo mong có ngày lớn lên làm phi công để được tự do bay khắp bầu trời. Bé Na ước mong lớn lên làm cô giáo để dạy học cho những đứa bán vé số không biết chữ. Còn nó, nó mong trở thành nhà văn để ghi lại những câu chuyện về những mảnh đời mà nó gặp mỗi ngày. Trong ba đứa, hình như chỉ có nó là người có cơ hội để thực hiện ước mơ.

---***---

Mùa thi đến. Nó được phân công cùng học nhóm để kèm cặp cho thằng Dũng. Nó chỉ chờ Dũng từ chối để có cơ hội thoái thác, không ngờ thằng Dũng lại cười toe:
- Vậy thì được quá, tụi mình học tại nhà tao và buổi chiều nghen.
Nó ngần ngừ:
- Hổng được đâu chiều nào em cũng phải đi bán vé số mà
- Thì mày cũng phải nghĩ để ôn bài thi chứ.
- Thì em ôn bài vào buổi tối.
- Thôi, chiều mày đến học chung với tao đi. Mày học giỏi, có gì tao hổng hiểu thì có thể hỏi mày. 
Mày giúp tao đi, tao mà thi điểm thấp chắc bố tao ổng đập tao chết quá…

Bố thằng Dũng là một người đàn ông có dáng đi bệ vệ và khuôn mặt khó đăm đăm. Hình như nó đã gặp ông ở đâu đó, trong quán bia thì phải. Ngày đầu tiên đến nhà thằng Dũng, nó chỉ dám lí nhí ‘chào bác’ rồi hai đứa nó vọt thẳng ra đằng sau. Dũng không thích học, chỉ học vì sợ bố mà thôi. “Mày phải học để biết tính toán với đời!”. Bố thằng Dũng nuôi con theo chế độ lương tháng, tùy theo điểm học lực trong tháng mà ổng phát tiền. Điểm càng cao thì tiền càng nhiều. Thằng Dũng hay nói với nó: “tao mà học được như mày thì tha hồ có tiền để xài”. Nó thấy cũng kỳ. Thời gian đi bán vé số nó nghe nhiều người nói khác: nếu chỉ để kiếm nhiều tiền thì có nhiều cách, cần quái gì phải học giỏi.

Học chung với thằng Dũng, nó mới phát hiện thằng này cũng có nhiều nét dễ thương và tội nghiệp. Bữa đầu tiên, Dũng hỏi nó về chuyện bán vé số. Như đã chuẩn bị sẵn, nó tuôn liền một hơi:
- Bán vé số thì có gì xấu đâu, nhà em nghèo thì em đi bán vé số để kiếm tiền phụ bố mẹ, em có ăn cắp ăn trộm gì đâu mà…
- Thì tao có nói là xấu đâu. Tao thấy mày giỏi quá, vừa lo được cho mình vừa lo được cho gia đình, chả bì với tao…

Hình như đó cũng là lần đầu tiên nó thấy thằng Dũng chịu suy nghĩ nghiêm túc. Nó kể cho Dũng nghe chuyện nhà nó, về cả những niềm vui lẫn những nỗi lo toan vất vả, về cảm giác mắc cỡ khi ngày đầu tiên làm thằng bán vé số, về cảm giác hạnh phúc trước ánh mắt sáng ngời của mấy đứa em khi nó ôm về một chồng vở mới tinh mua bằng những khoản tiền đầu tiên mà nó kiếm được. Có nhiều tiền, nó nghĩ là thằng Dũng vui lắm, giống như niềm vui của nó khi thỉnh thoảng trúng mánh bán thêm được nhiều vé số và có thêm một khoảng tiền lời. Thế mà có lần trong lúc học, thằng Dũng chép miệng nói với nó: “ước gì nhà tao được như nhà mày”. Lẽ ra đó phải là câu nó nói với thằng Dũng chứ! Đã bao nhiêu lần nó âm thầm so sánh hoàn cảnh nhà nó và nhà thằng Dũng. Nó nói:
- Nhà anh giàu, còn nhà em nghèo thí mồ..
- Nhà mày nghèo nhưng mà hạnh phúc. Còn nhà tao… chán lắm !

---***---

Bố mẹ thằng Dũng ly dị. Nghe nói mẹ nó sắp được đi Mỹ với một ông việt kiều nào đó. Nó thấy ái ngại cho Dũng, nhưng thằng này tỉnh bơ. “Vậy cũng tốt, tao sẽ không còn phải nghe tiếng cãi cọ om sòm của ổng bả nữa.” Bỗng nhiên nó nghĩ tới bé Na. Có lần bé Na nói với nó là thèm có mẹ, thèm được mẹ cầm roi đánh vào đít, để rồi sau đó thế nào cũng có lúc lại ôm nó vào lòng. Hai tuần rồi nó không gặp mấy đứa nhóc trong nhóm bán vé số, nó thấy nhớ tụi bạn nhỏ, nhớ cái góc chợ bình yên lạ lùng…

Những ngày học với thằng Dũng, những lúc ra sức giảng giải cho thằng này kiến thức đã học trên lớp, nó thường nghĩ đến bé Na và thằng Bảo. Hai đứa này bằng tuổi tụi em nó, nhưng phải lam lũ và thiếu thốn nhiều thứ. Tại sao nó không thể vừa là một người anh vừa là một người thầy chứ. Nó cũng thích làm thầy mà. Nó dự tính góc chợ bình yên sẽ là nơi nó bắt đầu chấp cánh cho những ước mơ của hai người bạn nhỏ bằng những bài học vỡ lòng. Không cần biết người lớn đã nghĩ gì khi vô tình quẳng mấy đứa nhóc như tụi nó vào đời. Nó biết rằng mình vẫn có thể chia sẻ với bọn nhóc một phần tình thương và may mắn mà nó đã nhận được... chắc thằng Dũng cũng ủng hộ và tham gia kế hoạch của nó.

Tác giả: Lưu Minh Gian