Đức Hồng Y đáng kính người Việt Nam

Quang X Nguyen

Ngày 16.09.2017, chúng ta kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 15 Ðức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận. Ngày 04.05.2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận Vị Tôi Tớ Chúa này đã thực hiện các nhân đức ‘đến mức độ anh hùng’. Trước đó, 9 cố vấn của Bộ Phong Thánh cứu xét tập Hồ sơ đúc kết (Positio) về cuộc sống và các nhân đức của Vị Tôi Tớ Chúa Ðức Hồng y Nguyễn Văn Thuận và đa số các vị đã bỏ phiếu thuận. Sau đó, trong cuộc họp của Hội đồng các Ðức Hồng y và Ðức cha thành viên của Bộ đã đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận. Việc công bố này đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô cho phép trong buổi tiếp kiến cùng ngày dành cho Ðức Hồng y Angelo Amato, SDB, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh. Do đó, từ nay Ðức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận được mang danh xưng ‘Đấng Đáng Kính’ (Venerabile).


I.- CÁC NHÂN ÐỨC ÐẾN MỨC ÐỘ ANH HÙNG.

1./ Trung thành lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm.

Ngày 23.04.1975, Ðức cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha Trang, được Á Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị. Người quyết định đi vào Sàigòn, noi gương Ðức Kitô đã phải đi Giêrusalem, dù Cha đã biết những gì mình sẽ phải gặp tại đó khi đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ : « Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm…

Đức FX Nguyễn Văn Thuận năm 1967
Ðêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… »

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Ðức cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản cùng các người Công giáo yêu nước. Ðối với Chính quyền cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Người chỉ xác nhận sự vâng lời của mình đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha.

Ngày 15.08.1975, Ủy ban Quân quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc tội Ðức cha ‘sau lưng’ Người. Khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được mời buộc nghe. Ủy ban muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Ðức cha Thuận. Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Đức Tổng Giám mục phó được đưa đến Dinh Độc Lập lúc 14 giờ. Tại đó, khi đi qua hành lang để đến phòng họp, Ðức cha Bình đi trước, Ðức cha Thuận đi sau. Lúc đó, một công an chận Ðức cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’ và lôi Người đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi :
- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?
Tướng Trà trả lời:
- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Ðức cha phó của tôi đâu mời Ngài cùng về.
- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Ðức cha Thuận bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an kèm theo. Trong cuộc hành trình dài 450 cây số, trên đường không có một ai. Ðức cha biết mình đang mất tất cả. Ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Người chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Giữa bao lo âu ấy, Người vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa muốn Ðức cha hãy trở về với điều cốt yếu. Sau đó, Ðức cha đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23.11.988, được thả tự do và bị quản chế tại Hà Nội.

Trong thời gian 13 năm ở tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Ðức Tin, Mục vụ, Tu đức. Ðó là ba tập sách:
- Ðường hy vọng (1975),sách được phát hành và trở lại trại cải tạo ;
- Ðường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Đồng Vatican II (1979) ;
- Những người lữ hành trên Ðường Hy Vọng (1980).

2./ Can đảm thi hành sứ vụ Linh mục trong lao tù.

Trở thành Tuyên úy trại giam các tù nhân không bản án, Ðức cha Thuận biết mọi người Công giáo cần Mình Ðức Kitô để sống trong những ngày đen tối như Người kể: « Trong Thánh Thể, chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Ðối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối với Ðức Chúa Cha và các linh hồn. Ngài đã cho tất cả, yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng và nói lên tiếng ‘hoàn tất’ (Ga 19, 30)». Nhưng làm sao để Thánh Thể hiện diện trong nhà tù?

Ðức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình đã nói cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những nhân viên Giáo Triều Rôma nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000: « Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như áo quần, kem đánh răng, ... Tôi viết: « Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bịnh đường ruột ». Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi “Thuốc chữa bịnh đường ruột”, còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp. Giám thị hỏi tôi :
- Ông bị bịnh đường ruột?
- Phải.
- Ðây, có ít thuốc cho ông đây.

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi : mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ Chính tòa của tôi ! Ðó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi ‘thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu’, như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói.



Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Ðó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi ! Tuy nhiên, cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi ngươi phải nằm trong mùng muỗi cá nhân : tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt lấy giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh : Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống. « Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào » (Ga 10,10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53) ».

3./ Người tù không bản án.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Ðức cha đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau : « Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Ðúng rồi, bữa nay là lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’. Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Ðức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Ðể đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Ðúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Ðức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »



4./ Thụ án khổ sai.

Do Việt Nam cộng sản là một nước có ‘một rừng luật, nhưng thích xài luật rừng’, nên những ‘tù nhân không bản án’ bị trừng trị bằng những hình phạt khổ sai vượt mức bình thường.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này, hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: ‘Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức cha nằm dưới đất và bảo: ‘hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!’. Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

II.- TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH.


Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Ðức Hồng y đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Người qua đời, Ðức cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình, đã tuyên bố với báo chí: ‘Một vị Thánh vừa qua đời’. Chiều ngày 20.09.2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từ Castel Gandolfo trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Ðức cố Hồng y. Vị Hồng y quá cố đã được Giáo triều và 172 phái đoàn ngọai giao cạnh Tòa Thánh tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.

Nhân dịp nầy, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời: « Trong 13 năm ngục tù, Ðức Hồng y Thuận đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tử đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Người giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Ðức Hồng y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa. Ðây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Con người Ðức Hồng y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Ðức Tin, cho đến độ tử đạo. Người nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: ‘Trong vực thẳm những đau khổ của tôi,... tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi’. Bí quyết của Người là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ mà Ðức Hồng y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Người đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Ðó là bàn thờ của Người, là nhà thờ Chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Ðức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.

Trung thành cho tới chết, Người giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Người nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, cầu nguyện trong thinh lặng, khi Hy lễ tối cao Người tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.

Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Ðức Hồng y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Người quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: ‘Hãy yêu mến Ðức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người’. Ðây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Ðức Hồng y. » và Ðức Thánh Cha đã kết luận: « Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Ðức Hồng y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Ðàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Ðấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen! »

1./ Mở Án Phong Thánh.

Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Ðức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Ðức Hồng Y Phanxicô Xavie, đã chủ sự lúc 11 giờ ngày Chúa Nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Ðức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Ðức Hồng y Thuận tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân Hòa bình và Hy vọng, đã chịu giam cầm 13 năm tại quê hương Người.

Tham gia sáng kiến mở án phong Thánh cho Ðức Hồng y, ngoài Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm Ðức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Ðạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Ðức cố Hồng y, cũng như cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Roma.

Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: « Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Ðức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Ðức cha Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình. Nguời đã hoàn thành ‘Toát yếu Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người?

Chúng ta tưởng nhớ Người với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Người luôn sống động và Người tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Người để quảng bá Học thuyết Xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á Châu của Người, khả năng Người điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Người làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.

Ðức Hồng y Văn Thuận là một con người của Hy vọng, Người sống bằng Hy vọng, Người phổ biến Hy vọng cho tất cả những ai gặp Người. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Người đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy vọng đã nâng đỡ Người khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận Người; Hy vọng giúp đỡ Người biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xẩy đến cho Ngườøi - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin về bệnh ung thư, căn bệnh đưa Người tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Người làm Hồng y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Ðức Hồng y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao. Ðức Hồng y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiên tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc từ bỏ trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngườøi. Làm sao có thể xảy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: « Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong Thánh cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm Hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Ðức cố Hồng y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. »

2./ Tôi tớ Chúa.

Ngày 16.01.2009, Aùn Lệnh của Tòa Giám quản Rôma do Ðức Hồng y Agostino Vallini, Giám Quản, ký về ‘Vụ án Phong Chân phước và Phong Thánh cho Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Hồng y Giáo phận Rôma’ vào ngày 22.10.2010, Tòa Thánh sẽ chính thức mở hồ sơ đợt hai xét phong Chân phúc cho Người.

Nhân dịp Lễ Giỗ Ðức cố Hồng y, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình đã mời chúng ta hãy đọc KINH XIN ƠN như sau:
Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong cảnh ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
và dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ. Amen.
Imprimatur : Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký
Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.

Ngày 05.07.2013, tiến trình phong Chân Phước cho Vị Tôi Tớ Chúa đã hoàn thành ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Ðức, được Hội đồng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất cảnh sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Ðức kể cho ông Mặc Lâm, phóng viên Ðài Á châu Tự do RFA biết : « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Ðức cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Ðình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ». Tại sao, với hai ‘tội nặng’ này và bị giam giữ 13 năm, trong có những năm biệt giam, nhưng đảng cộng sản không dám đem Ðức cha ra tòa xét xử ?

Ðức Hồng y không những là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô hữu mà còn là một công dân yêu nồng nàn Tổ Quốc Việt Nam. Người đã căn dặn chúng ta:
… Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con…

Ngày 14.09.2017
Lễ Suy Tôn Thánh Giá


Bài liên quan: