Chứng thầm

Văn thơ Công giáo

Phêrô Nguyễn Hoàng Hải

Nguyễn Hoàng Hải Sinh,  1989, Gx Vĩnh An, Gp Nha Trang
Giải III (VVĐT 2015)
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Tờ báo tới tay anh là một mảnh giấy gói mấy cái bánh. Anh vừa ăn vừa liếc xem bài báo nói gì. Ngôn ngữ lạ lẫm này anh mới học được hơn một năm, đọc còn trậm trầy trậm trật. Bài báo nói về một vụ án mạng. Anh thấy tấm ảnh một người đàn ông nằm trên sàn của một căn phòng với những bức tường tróc sơn loang lổ. Trên trần treo một cái quạt và một sợi dây thừng buộc vào móc sắt ở đuôi chiếc máy quạt. Gần đó có một khung cửa sổ nhòe nắng. Cảnh sát xác định đây là một vụ giết người. Nạn nhân bị cắt đứt mười ngón chân trước khi bị treo lên trần nhà.
Chiếc xe buýt xuất hiện sau những hàng cây. Tuyến số mười hai sẽ đưa anh tới chổ làm trong vòng mười phút. Anh làm dấu kết thúc bữa ăn sáng khi miếng bánh cuối cùng còn chưa nuốt trôi xuống cổ. Lại một nạn nhân là người châu Á nữa, anh nghĩ vậy khi xếp nhỏ mảnh báo lại, lén lút nhét vào một khe hở của chiếc ghế chờ. Thùng rác nằm hơi xa.
Suốt bốn tiếng ban sáng anh bị vây bũa giữa những khối máy cồng kềnh. Giờ ăn trưa anh chọn một góc nhỏ nhìn ra con đường có hàng cây với những bông hoa có cánh như chong chóng. Bạn đồng nghiệp thường ngồi chung với nhau để tán gẫu trong bữa ăn. Thỉnh thoảng họ cũng bật cười vui vẻ. Những tràng cười ấy hay làm anh thấy mình bị rơi ra khỏi thế giới đang sống, lạc lõng và lơ ngơ như một chú chó con lạc mẹ.
Đứng trên tầng thượng của tòa nhà có thể thấy khu phố của những người lao động. Những ngôi nhà nhỏ chen chúc, kèn cựa nhau từng chút một. Nằm ở chóp đuôi của đường chính là khu vực của người nhập cư đến từ những nước nghèo hơn. Nhà ở đây nhỏ, đôi khi được che chắn tạm bợ bằng những tấm rađô quảng cáo, hoặc chỉ là những cái lều nhỏ chồm xuống mé của một con sông chảy xiên xiên gần đó.
Anh có một căn gác trong xóm lao động, chung nhà với đôi vợ chồng người đồng hương. Từ đó đi bộ khoảng mười phút sẽ thấy một ngôi nhà nhỏ với một cây Thánh Giá đắp bằng xi măng nổi trên bức tường phía trước. Nó chỉ lớn hơn phòng anh một chút. Bên trong có một Thánh Giá, một cái bàn để linh mục làm lễ và gần chục ghế đẩu nhựa cho vài tín hữu đến dự lễ vào tối thứ Năm và Chúa nhật.
Trước giờ lễ, vị linh mục già thường mở tiếng chuông bằng một cái loa nhỏ. Vài người rớt nước mắt. Tiếng chuông nhỏ đổ ra không gian chật hẹp linh hồn của một ngôi thánh đường nghiêng bóng trong chiều tà, của một tháp chuông cổ kính trầm mặc, của những mẹ quê vừa xỏ dép vừa lúi húi cài mấy hàng nút bóp bên hông tà áo, của ông cha xứ gật gù cười bằng đôi mắt nâu thẫm và những nếp nhăn khi nhìn tụi con nít rượt đuổi nhau trước sân nhà thờ…
Tối nay sau lễ anh nán lại hơi lâu, bàn tán và than phiền cả những chuyện không đáng than phiền. Người tha hương vẫn luôn thèm nói và thèm nghe tiếng mẹ đẻ của mình. Khi coi đồng hồ thì đã hơn mười một giờ đêm. Anh thả bộ trên con đường lẩn khuất dưới những tàng cây tăm tối. Gió mát trong một đêm thanh vắng khiến lòng anh nhẹ nhàng, thanh thản.
Bài giảng của linh mục không còn gì nhiều trong đầu, chỉ câu chuyện vui là anh vẫn nhớ rõ. Nó thật thú vị, làm anh cứ cười cười suốt chặng đường, đến độ không nghe tiếng bước chân đi đằng sau. Khi giật mình quay lại thì anh bị một trong hai người đàn ông trùm mặt đánh vào sau gáy…
Âm thanh đầu tiên anh nghe khi lò mò ra khỏi cơn mê là tiếng chuông nhà thờ. Đến khi tỉnh hẳn thì tiếng chuông chỉ còn là tiếng ong ong choáng váng. Bên ngoài lổ thủng của bức tường là bầu trời tái nhợt bởi một ánh trăng xanh xao, hao gầy treo chênh vênh giữa những đám mây và cánh đồng chỉ nghe tiếng gió hun hút chạy. Khoảnh khắc đó anh thấy mình như bị ném đến một nơi xa xôi, hoang vu nhất của thế giới, và hoảng hốt nhận ra mình đang bị trói gô lại trên một nền nhà ám bụi.
Trước khi kịp xâu chuổi những chuyện đã xảy ra thì có hai người đàn ông bước vào phòng. Họ bật một ngọn đèn dây tóc mắc trên trần nhà. Bóng đèn quấn quanh bằng mạng nhện hắt chút ánh sáng xuống hai khuôn mặt trắng bủng, nhợt nhạt như được ngâm lâu trong bóng tối. Anh cố gắng cựa quậy để ngồi dậy nhưng vô ích. Anh lại cố trườn tới góc tường. Một trong hai người tiến tới gần. Người này to lớn, có hình xăm chi chít cả hai cánh tay và một bên mặt.
- Mày có phải là người Công Giáo không?
Hỏi đến lần thứ ba thì anh mới hiểu, mà lúc đó cũng không còn là câu hỏi nữa. Tên mặt xăm cau mày đá một cú đau điếng vào sườn anh rồi hét lên. Anh gật đầu:
- Đúng! Tôi là người Công Giáo.
Người đó nhìn đồng bạn và mỉm cười bằng một cái nhếch mép. Anh coi đó như lời phán quyết dành cho mình. Hắn ta ngồi xuống bên cạnh, đưa bàn tay bóp vào hàm anh, giọng gằn gằn như có máu tràn qua kẽ răng:
- Mày có chịu bỏ đạo không?
Có cái gì đó, như một sự tức giận, uất hận nóng bừng trào lên trong lồng ngực, nhưng ngay lập tức bị dập tắt bởi nỗi sợ hãi. Vành môi anh không kiềm được run rẩy. Đây là đâu? Những người này muốn gì? Sao lại hỏi anh muốn bỏ đạo hay không?... Trong giây phút ngắn ngủi và sợ hãi đó, anh nhớ lại những buổi ăn cơm ở nhà máy. Trong góc nhỏ quen thuộc của mình, anh luôn kính cẩn làm dấu Thánh Giá trước và sau mỗi bữa ăn. Không ít lần anh nghe tiếng cười thầm của đồng nghiệp sau lưng. Có lẽ trong mắt họ anh là một tên lập dị với thân hình nhỏ thó, làn da ngăm đen, trầm lặng và là tín đồ cuồng tín của một thứ tôn giáo kì quặc nào đó.
Những ý nghĩ đó chỉ chợt thoáng qua, vì tên mặt xăm lại đá vào sườn anh một cái, và thêm cái nữa. Anh hét lên, lời bật ra khỏi vành môi như một phản xạ:
- Không!
Tên còn lại nãy giờ vẫn đứng im nay cũng tiến tới. Hắn móc trong túi ra một cái kềm cắt. Anh hét toáng lên:
- Không! Không! Các ngươi là ai? Sao lại bắt tôi?
Bọn họ nhìn nhau cười. Nụ cười không ẩn chứa một niềm vui nào hết, chỉ là dấu hiệu của sự đồng thuận đen tối nào đó. Tên cầm kềm có khuôn mặt rất đẹp, hiền lành. Hắn nhẹ nhàng ngồi xuống, nhẹ nhàng nâng chân anh lên, mỉm cười bằng một nụ cười thiên thần trước khi chìa mũi kềm sắc lạnh về phía chân anh. Anh hất mạnh hai chân. Tên mặt đẹp bất ngờ nên bị té nhào. Hắn ngồi dậy, đủng đỉnh phủi bụi quần rồi kẹp chặt hai chân anh vào nách. Tên còn lại đưa bàn chân to lớn đè lên ngực anh khiến mọi cố gắng vùng vẫy đều tiêu tan.
Sau đó là cảm giác đứt rời, đau đớn kinh khủng phát ra thành tiếng thét:
- Á …a … a…
Vài con chim ăn đêm giật mình vỗ cánh lạch phạch bay lên.
Trăng khuya bên ngoài chỉ còn là một vệt sáng nhòe qua đôi mắt đầy nước. Anh khóc nức nở, mồ hôi quyện nước mắt túa ra ướt đẫm. Tên mặt xăm vẫn chưa bỏ bàn chân ra khỏi ngực anh. Hắn gằn giọng hỏi thêm một lần nữa:
- Mày có chịu bỏ thứ tôn giáo chết tiệt của mày không?
- Không!
Một lần nữa anh trả lời và cắn răng chờ đợi. Lần này cũng một ngón chân nữa đứt rời, đau đớn khủng khiếp hơn lần trước. Tiếng kêu của anh kinh hoàng như tiếng một con thú bị kẻ săn mồi vồ lấy.
Có màn đêm nào bị xé rách để mặt trời nhô lên ở chân trời. Anh ước đây chỉ là giấc mơ để tỉnh giấc, bật dậy lau mồ hôi, và hú hồn, chỉ là cơn ác mộng. Nhưng không có cơn mơ nào để anh cầu mong choàng tỉnh. Trong anh chỉ còn cảm giác đau đớn và trống rỗng, như có bao nhiêu máu đều tuôn ra hết từ hai đầu ngón chân. Gào thét đến kiệt sức, tiếng kêu của anh bây giờ chỉ còn là những lời rên rĩ.
Ánh sáng trong căn phòng bỗng nhiên tím sẫm lại rồi tan biến. Hai tên kia cũng tan vào bóng tối. Mọi dây trói trôi tuột khỏi thân thể tự bao giờ. Anh loạng choạng đứng dậy, dò dẫm tìm đường trong bóng tối. Bỗng nhiên trán anh va vào một cái gì đó. Hai tay anh đưa lên dò dẫm và nỗi kinh hãi làm anh té nhào xuống sàn. Đó là hai bàn chân người. Có ai đó bị treo lên trong căn phòng tối này.
Bỗng nhiên từ thân thể ấy phát ra một thứ ánh sáng đẹp lạ lùng, khiến anh như bị thôi miên. Anh nhìn rõ người đàn ông bị treo bởi một sợi dây thừng buộc với móc sắt nơi đuôi của chiếc máy quạt trần. Đôi chân của người đó đã bị cắt đứt hết mười ngón.
- Tại sao ông lại bị giết?
Người chết dĩ nhiên không trả lời, nhưng từ khe mắt nhắm đó có một thứ ánh sáng chiếu đến, lan tỏa khắp người anh. Tiếp theo là cảm giác lạnh ập đến. Không phải từ ánh sáng diệu kì đó, nhưng từ xô nước hai tên kia tạt vào mặt anh. Ánh sáng bắt đầu trở lại trong căn phòng, đỏ lựng trên khuôn mặt hai kẻ sát nhân.
Tên mặt xăm nói với anh:
- Mày đâu có được chết dễ vậy. Đêm còn dài lắm.
Đêm nay còn dài bao nhiêu? Liệu anh có thể sống sót qua đêm nay? “Lạy Chúa, xin cứu con”. Lời cầu nguyện đó theo hai dòng nước mắt trào ra. Tên mặt xăm lại hỏi anh một lần nữa, lần này nó nhẩn nha thả từng chữ một:
- Mày có bỏ đạo không?
“Liệu mình có chịu được thêm một lần nữa? Có vẻ như bọn chúng sẽ không dừng lại. Nếu mình chết rồi thì sao? Nếu không có gì sau cái chết hết, và linh hồn mình cũng không hề tồn tại để chịu thưởng hay phạt thì sao? Có phải mình đã hy sinh cả cuộc đời vô ích và chết như một tên ngu ngốc?”...
- Có Chúa thật không?
Câu hỏi này vang lên trong lòng, khiến anh nghẹn nghào, tức tưởi. Cảm giác của một kẻ đáng thương bị bỏ rơi. Câu trả lời là sự im lặng đến ghẹt thở.
- Tao đang hỏi mày đó, thằng ngu!
Tên mặt xăm lại đá thúc vào sườn anh một cái.
- Không!
Có ai đó vừa nói qua miệng anh. Không phải lời của anh, nhưng anh im lặng khi tên mặt đẹp chìa mũi kềm về phía chân mình. Lần này anh không biết ngón chân nào đã bị cắt. Cảm giác đau đớn làm tê liệt mọi giác quan và cạn khô máu trong người.
“Mình phải sống!”. Đó là ý nghĩ đầu tiên đến khi ngón chân thứ ba bị cắt. Mình muốn sống, muốn đi hết cuộc đời này bằng đôi chân dù chỉ còn bảy ngón, muốn thả mình bồng bềnh, lãng đãng trong những nỗi buồn nhẹ, muốn lấy vợ, sinh con và khao khát cảm giác nhịn ăn sáng để dành tiền mua cho con đôi giày mới. Nếu nói bỏ đạo, chắc bọn chúng sẽ tha cho mình. Mình sẽ đi xưng tội, cầu nguyện và đền tội. Chúa sẽ sẵn lòng tha thứ cho mình thôi. Mình sẽ chịu không nổi nếu có thêm một ngón chân nào nữa bị đứt lìa.
- Đạo này có gì mà mấy tên theo nó thật cứng đầu. Tên lần trước cũng vậy, thà chết chứ không chịu bỏ đạo.
Câu nói của tên mặt đẹp cắt ngang dòng suy nghĩ của anh. Anh bỗng run rẩy vì câu nói đó như phóng một luồng điện qua người. Anh thấy rõ ràng người đàn ông đang bị treo trên trần nhà với ánh sáng diệu kì từ thân thể và đôi mắt. Anh thấy ông nội đang lom khom dọn cỏ trên mộ ông cố. Ông chỉ vào nấm mộ, nói ông cố bây trước đây chết vì đạo.
Ông cố bị một ngọn giáo xuyên thủng ngực. Ông cố, lúc đó mới ba chục tuổi, dành chút sức lực cuối cùng để vẽ một dấu Thánh Giá lên bàn tay của thằng con, là ông nội của anh, lúc đó chỉ là một thằng bé. Dấu Thánh Giá đó đổi đời thằng bé nghịch ngợm thành trầm lặng, nghĩ ngợi. Ông nội dành gần sáu chục năm để truyền dấu Thánh Giá đó lại cho đàn con, nhất là cha anh. Nhưng cha anh đã phờ phạc vì lo cho tám miệng ăn trong gia đình, không có tâm trí nghe lời ông nội. Những ngày giỗ ông cố, con cháu trong nhà ngồi lại để nghe ông nhắc nhở về dòng máu đào của tổ tiên mình đổ ra, như không có lễ giỗ ấy thì chẳng ai nhớ dòng máu tử đạo đang chảy trong gia đình mình.
- Sau này lớn lên con cũng sẽ đánh chuông nhà thờ như ông nội.
Anh nói câu đó khi luồn bàn tay vào áo, vân vê những đốt sống gồ lên trên lưng nội. Lưng nội đã cong khẳm vì hơn sáu chục năm gồng mình đánh chuông nhà thờ. Câu nói đơn giản mà làm nội lem nhem nước mắt.
- Con là đứa cháu mà ông thương nhất. Ráng giữ đạo cho đàng hoàng tử tế nghe con!
Bữa đó ông nội vẽ cây Thánh Giá lên lòng bàn tay anh. Anh không ngờ chiều đó nội lăn ra ốm một trận rồi đi luôn. Ngày nào người ta cũng thấy hai ông cháu dắt nhau, bây giờ chỉ còn thằng bé lủi thủi đi nhà thờ một mình.
Hôm nay anh gặp được ông cố, ông nội và người đàn ông bị cắt đứt mười ngón chân kia. Họ đứng ở cánh cửa mở ra vùng ánh sáng chói lòa, vẫy tay kêu anh đi tới. Nhưng anh không còn chút sức lực nào. Anh vẫn còn tức thở vì tên mặt xăm lại để bàn chân lên ngực mình.
- Tao hỏi lại lần cuối, mày có bỏ đạo không?
Anh đã nghe câu hỏi này một lần, không phải ở đây. Đó là hàng rào phủ dây leo tím của một ngôi nhà cao cổng. Người con gái nhìn vào mắt anh và hỏi:
- Em hỏi anh một lần nữa thôi. Anh có bỏ đạo để lấy em không? Ba má nhất quyết không cho em lấy người có đạo đâu.
Bữa đó hình như có ai đốt rác, khói bay lãng đãng cay sè mắt. Anh không trả lời, sợ mở miệng sẽ bật khóc. Anh lắc đầu rồi quay đi, chân bước dấp dúi vào cỏ. Nhưng hôm nay anh sẽ trả lời với hai người kia:
- Tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo.
Nói câu này xong anh thấy mình đã kiệt sức và đau đớn đến độ không thể đau hơn được nữa.
- Chết rồi xin đừng oán hận bọn tao. Bọn tao cũng chỉ làm theo lệnh thôi.
Tên mặt đẹp nói. Hắn tiếp tục cắt đứt những ngón chân còn lại mà nghi hoặc không biết cái thân thể im lìm, bất động này còn sống hay đã chết. Chúng treo cổ anh bằng một sợi dây thừng rồi bước ra khỏi phòng, chìm vào trong bóng tối dày đặc.
Rõ ràng là ông cố, ông nội và người đàn ông bị treo cổ đang đứng đó, mở ra một cánh cửa chói lòa và vẫy anh đi tới. Hai tên sát nhân đã đi rồi. Nhẹ nhõm và thanh thản, anh đứng dậy, đi về phía nội đang gọi.
***
Cậu thanh niên loay hoay mãi mà chưa tìm được nơi gọi điện thoại. Mệt mỏi, cậu ngồi xuống chiếc ghế công viên rồi giở tờ báo ra. Trang thứ ba đăng tin người thứ hai bị treo cổ và cắt đứt mười ngón chân. Người này cùng quê với cậu. Cậu nghe sóng lưng ớn lạnh. Như thói quen, cậu làm dấu và đọc một kinh Lạy Cha, cầu cho người đồng hương xấu số vừa qua đời…