Chờ sáng

Quang X Nguyen


Được tin ông cố bị đau ruột dư, phải nhập viện mổ khẩn cấp, cha phó phải về nhà gấp. Bộ máy nhà xứ khởi động nhanh chóng, chạy hết công suất. Cha xứ móc hầu bao đưa cho cha phó một chiếc phong bì mỏng, chắc bên trong toàn giấy bạc mệnh giá lớn:

– Cha cho tôi gởi lời thăm hỏi ông cố. Sáng mai, tôi sẽ dâng lễ cầu nguyện cho ngài…

Cha phó đang lúng búng nói lời cám ơn thì ông chánh trương ân cần:

– Cha có muốn con đi theo, giúp cha được việc gì chăng?

Ông phó nội bận tâm về công việc:

– Chúng con xin làm hết sức mình để tiến hành dạy giáo lý tân tòng và giáo lý hôn nhân những ngày cha vắng mặt.


Ông phó ngoại thông báo:

– Con đã đặt vé xe giường năm cho cha. Ghế A5, tầng dưới, 18 giờ xuất bến Rạch Sỏi, họ dặn khoảng 45 phút sau sẽ đến đây.

Bà quản kiêm thư ký mẫn cán:

– Con để quần áo và đồ dùng cá nhân của cha ở ngăn dưới, áo lễ ngăn trên, thuốc uống và mấy gói thuốc lá ngăn ngoài, chai nước lọc ngăn bên hông. Chiếc samsonite của cha còn rộng chán, cha có cần đem theo gì nữa không?… Giêsu, lạy Chúa tôi, xin cho ông cố tai qua nạn khỏi, cho cha đi, về bình an.

Cha phó vụt hỏi bà quản:

– Còn chiếc lap top…?

– Con để ở ngăn giữa để tránh va chạm…

Bà thủ quỹ nói nhỏ:

– Tiền quỹ của ban thường vụ còn kha khá. Chúng con đã bàn nhau, tạm ứng cho cha mượn mười triệu, biết đâu cha có việc phải dùng đến.

Cha phó chạnh nhớ mẹ: “Các bà ấy chu đáo thật, y như mẹ mình. Đó không phải là bản năng bẩm sinh của đàn bà hay sao?” Cha cám ơn và xin mọi người cầu nguyện cho ông cố và cho cha. Lúc 18 giờ 30, tất cả đưa cha phó ra quốc lộ 80 đón xe. 19 giờ, xe chưa đến. Cha phó sốt ruột nói với ông phó ngoại:

– Ông phó sai lời rồi nhé. Nói 45 phút, bây giờ đã 19 giờ, trễ 15 phút rồi.

Ông phó ngoại có vẻ không vui:

– Nhà xe nói sao, con trình lại với cha như vậy. Cha không biết người ta vẫn nói: “Lái tàu, lái, lợn lái xe; trong ba lái ấy chớ nghe lái nào” hay sao?

Mọi người cười rả rích, trừ cha phó. Cha cúi nhìn những viên sỏi dưới chân: “Ông cố mình đang phải cấp cứu. Mình đang nóng ruột như lửa đốt đây, thế mà họ vô tâm cười cợt được”. Lúc 19 giờ 15, chiếc xe khách ấy cũng đến. Chú phụ xế đề nghị cất chiếc va li vào hầm xe, nhưng cha phó không đồng ý. Cha đâu có quên câu “Kho tàng các ngươi ở đâu, lòng các ngươi ở đó” (Mt 6,21):

– Cám ơn chú, nhưng tôi có việc cần dùng.

Cha có việc cần dùng thật. Cha lấy chiếc máy tính cá nhân ra. Như thói quen, cha mở email rồi hí hoáy trả lời thư. Sau đó, cha mở FB, nhấn “thích” hoặc bình luận về những bài viết, những hình ảnh, những status của những người thân quen. Rồi cha vào trang web giaophanlongxuyen.org của giáo phận nhà. Tới cầu Mỹ Thuận thì máy tính của cha hết pin. Cha có vẻ bực bội nhưng trấn tĩnh được ngay: “Cũng tốt thôi. Mình có thể đọc kinh cầu nguyện cho ông cố”. Đọc chưa được năm chục kinh thì mắt cha nhíp lại. “Ngày mai còn nhiều việc lắm, mình phải nghỉ ngơi, ngủ lấy một chút”. Nhưng ở trên xe, dù là xe giừơng nằm máy lạnh cũng đâu có dễ ngủ như ở nhà. Đầu tiên là cặp kính cận vướng víu khó chịu, cha gỡ xuống. Nằm nghiêng bên này, cái điện thoại cồm cộm. Nằm nghiêng bên kia, cái bóp da đựng giấy tờ tiền bạc cấn lên người. Cha lấy ra, cất tất cả vào va li. Cha cảm thấy dễ chịu hơn, chìm vào giấc ngủ chập chờn. Đến bến xe Miền Tây, cha nhìn đồng hồ. Đã 23 giờ 45. Cha gọi một chiếc ta xi:

– Về đường K số w/x/y/z.

Nhà ông cố ở đường K số w/x/y/z, nghĩa là ở trong một con hẻm của con hẻm của con hẻm của đường K, phường A quận B, Thành phố H. Vừa quẹo vào hẻm w, cha bảo bác tài xế:

– Gần đây có chỗ nào đi toa lét được không bác tài?

Người tài xế mau mắn:

– Nửa đêm rồi, với lại “Túng thế phải tùng quyền” thôi. Tôi ghé giàn râm bụt trước mặt cho anh đi, được không?

Cha đang hành sự ngay giàn râm bụt thì chiếc ta xi lao vù đi mất. Cha ú ớ, ngẩn tò te như người mất hồn. Tất cả tiền bạc, giấy tờ, điện thoại… tất cả, phải tất cả đều mất, mất hết cùng với chiếc va li. Ở nhà xứ, cha có thể thao thao bất tuyệt giảng dạy: Ông bà anh chị em phải, phải, phải… thế này, thế khác. Nhưng ở đây, bây giờ, cha không biết mình phải làm thế nào. Cha lấy tay áo lau mặt ướt đẫm mồ hôi, thẫn thờ thất thểu đi bộ về nhà ông cố. Cha không nhớ nổi lần cuối cùng cha phải đi bộ xa hơn cả cây số như hôm nay, ở đâu, bao giờ. Mệt quá, cha ngồi xuống bậc cửa thở lấy hơi. Rồi cha nhìn vào trong nhà. Trong nhà tối thui. Cha gõ cửa, gọi cửa, không ai lên tiếng. Chắc cả nhà đã đưa ông cố đi bệnh viện. Cha nhấn chuông, không nghe thấy tiếng chuông. Chắc chuông cửa bị hư hoặc hết pin. Vô kế khả thi, cha lại ngồi xuống bậc cửa, nói với chính mình: “Thôi, mình đành phải ngồi đây chờ sáng thôi. Chúa ơi! Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Mình phải cố chợp mắt lấy một tí”. Nhưng đàn muỗi không cho cha chợp mắt. Chúng vo ve bên tai, chích đốt cha kịch liệt, cha cởi áo sơ mi trùm mặt, chúng cũng chẳng buông tha. Có tiếng chân người, rồi có ai đó nói:

– Lại thêm một tay du thủ du thực ở đâu tới. Tụi tôi thuộc tổ dân phố. Cho coi giấy tờ.

Cha vắn tắt kể lại trường hợp của mình. Anh tổ trưởng dân phố hỏi:

– Anh có bịa ra không? Có nhớ số xe ta xi ấy không?

– Không. Anh làm ơn cho tôi mượn điện thoại gọi cho người thân được không?

Anh ta cười ha hả:

– Bộ anh là ông cố nội của tôi chắc? Bộ điện thoại của tôi là của chùa chắc? Không bắt anh lên công an phường là phước đức bảy đời nhà anh rồi. Ngồi đó, không được đi đâu, nghe không?

Không biết tại sao cha phó buột miệng cám ơn, và không biết cám ơn về điều gì. Không chợp mắt được, cha mặc áo sơ mi vào, bấm đốt ngón tay lần hạt.

Một thiếu phụ ăn mặc rách rưới, cái nón mê không che được khuôn mặt hốc hác, đen sạm, tay bế một đứa bé gầy guộc, oặt oẹo, tiến về phía cha:

– Ông rủ thương cho con xin chút tiền mua sữa cho cháu.

Cha chợt nghĩ: “Không một người mẹ nào trên thế gian này lại đày đọa con mình, vác con làm công cụ ăn xin suốt đêm như người đàn bà này… Có khi nào đây là cảnh chăn người như báo chí thường nói tới hay không?” Cha định nói một điều gì đó, nhưng trong túi không còn đồng bạc nào, cha lại thôi. Đi được vài bước chân, chị ta quay lại chửi:

– ĐM thằng cha trùm sò.

Một lúc lâu sau, một con bé mặt non choẹt, môi son má phấn lòe loẹt, mặc áo dây để hở ngực, quần ngắn hở đùi, tiến đến bên cha:

– Anh Hai có tâm sự buồn, bị vợ cắm sừng phải không? Buồn làm chi cho hao tổn tấm thân, đi nghỉ với em nhé. Em chiều anh tới bến. Chỉ 500 k, tới sáng luôn.

Cha phó lấy tay che mặt:

– Cám ơn (Cha phó lại buột miệng cám ơn, và không biết cám ơn về điều gì). Tôi là người công giáo, một linh mục công giáo.

– Ủa! Ông là ông cố hả? Con cũng công giáo nè. Con ở giáo xứ TT dưới Long Xuyên nè. Con bị cha dượng làm điều tồi bại, má con đuổi con ra khỏi nhà, hết đường về luôn, ông cố ơi!

Chắc là con có bé nói thật, cha phó cảm thấy lòng mình rạn vỡ: “Nếu em gái mình, cháu chắt nhà mình, các em thiếu nhi Thánh Thể dưới giáo xứ mình lâm vào tình cảnh này, mình có chịu đựng được không, có làm gì được không?” Cha cảm thấy lòng đau hơn cả lúc bị mất chiếc va li:

– Con cho cha số điện thoại, sau này cha có thể giúp gì cho con chăng. Nhớ đừng mất lòng tin nơi Chúa. Cha sẽ cầu nguyện cho con.

Nhìn con bé biến vào bóng đêm, cha thấy mình đã khóc từ bao giờ.

Đêm chờ sáng tưởng như dài vô tận. Cha phó nhìn đồng hồ, 4 giờ 15 sáng. Từng cặp trai gái ngả ngốn vào nhau, chắc họ vừa trải qua cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Trai ở trần, áo sơ mi vắt vai, người xăm trổ kỳ quái, gái cũng gần như ở trần, thần nanh đỏ mỏ. Một đôi tiến về phía cha:

– Ê! Anh bạn. Tụi này chơi chưa đã, anh bạn biếu chút bạc còm, tụi này bay tiếp coi.

Bay là chơi ma túy. Cha phó nói:

– Cảm phiền, tôi ở dưới quê lên, không còn xu teng các bạc nào cả.

Thằng con trai chỉ vào cổ tay cha:

– Vậy cái gì kia? Muốn dâng cúng cái coi giờ hay cái mạng cùi?

Thằng con trai thọc tay vào túi quần, nửa kín nửa hở khoe mũi dao Thái Lan sáng loáng, còn đứa con gái nhẹ nhàng cẩn thận nhưng chuyên nghiệp, khéo léo gỡ chiếc đồng hồ khỏi cổ tay cha. Nó cười mỉa mai:

– Cám ơn anh bạn nhà quê tốt bụng. Ô kê!

Có tiếng chuông nhà thờ. Cha phó lần mò đi về phía tiếng chuông. Trên những nẻo đường quen thuộc, người ta đang bắt đầu một ngày mới. Những chiếc xe đạp thồ nặng cả gánh rau muống, rau cần, những chị em vẫn còn dáng dấp nhà quê đội những mẹt xôi nếp xôi vò, củ khoai, củ sắn… Tiếng cốc cốc của xe hủ tíu gõ, tiếng rao bánh mì nóng giòn bắt đầu ồn ã… Cha phó thầm nghĩ: “Lạy Chúa! Có phải chính những người nghèo, bình dân, vất vả, lương thiện kia là tương lai của xã hội và giáo hội không?”

Xong lễ, cha phó vào nhà xứ. Từ đó, cha nối lại được những mối quan hệ đời thường. Cha vội vàng tới bệnh viện thăm ông cố. Ông cố đã qua ca phẫu thuật bình an, được chuyển xuống phòng hậu phẫu. Trong phòng, khá đông người thân quen. Nhìn thấy cha phó, mắt ông cố ánh lên niềm vui, nhưng ông nhỏ nhẹ nói như với một người xa lạ:

– Cám ơn cha đã về thăm.

Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng, ông cố nắm tay cha phó:

– Gặp con, bố mừng lắm… Nhưng thế là đủ rồi. Con về đi. Chỗ của con không phải ở đây. Chỗ của con ở dưới Long Xuyên cơ. Chúa và mọi người đang chờ con ở đó.

Cha phó xúc động chảy nước mắt. Tuy vậy, năm ngày sau, ông cố được xuất viện an lành, cha phó mới trở về giáo xứ nơi cha phục vụ. Mọi người tíu tít chào đón, hỏi thăm. Cha phó hình như bẽn lẽn, bắt tay cám ơn từng người. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, cha phó mở lòng với cha xứ:

– Từ ngày con còn nhỏ, rồi học tiểu học, trung học, đại học, rồi vào đại chủng viện, rồi chịu chức linh mục, con chỉ có việc ăn học, có khi nào con tưởng tượng được những cảnh đời kinh khủng đó đâu? Có bao giờ con biết cái cảnh vô gia cư khổ đến thế nào đâu? Có bao giờ con xuống đến đáy ngục tổ tông của trần gian (nơi Thiên Chúa ẩn mặt đi) như đêm hôm ấy đâu. Sau đêm chờ sáng ấy, con ngộ ra được một điều: Ai cũng có thể là thầy mình, cha ạ! Ai cũng có thể dạy bảo mình điều gì đó. Ai cũng có điều cho mình học hỏi. Con sẽ cố gắng siêng năng cầu nguyện, chuyên cần học tập hơn nữa, nơi Chúa, Đức Mẹ và các thánh, nơi kinh sách, nơi bề trên, nơi con người. Không phải để trở nên một linh mục khôn ngoan, thông thái, nhưng để là một con người biết cảm thông, biết cúi xuống, hạ mình xuống càng sâu càng tốt để phụng sự Chúa và tha nhân…

Cha xứ mỉm cười, một nụ cười sâu lắng, chan chứa yêu thương, nhưng không khỏi phảng phất một chút nghi ngờ về sự nhiệt tâm, có khi còn bồng bột của một linh mục trẻ tuổi:

– Cha chờ sáng, và buổi sáng đã đến. Tôi mừng cho cha lắm lắm…

Ngay tức khắc, cha phó đọc được nụ cười của cha xứ, đồng thời cũng ngay tức khắc, cha phó biết mình là ai:

– Vâng, con biết con yếu đuối, xin cha cầu nguyện cho con.

Có phải linh hồn cha lên tiếng không?

———–