Bức tượng trong bệnh viện

Văn thơ Công giáo

Đa Minh Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Đa Minh, 1976

Gx Tân Hiệp – Gp Sài Gòn

Giải II (VVĐT 2015)
-Trích tập “Người gieo hạt”-

Đã mười giờ đêm.
Trên con đường vắng dẫn đến khu căn-tin bệnh viện, người đàn ông cầm bịch nylon đựng lốc sữa vừa mua đứng lặng ngước nhìn bức tượng trắng bên đường, vẻ mặt khắc khổ. Người đàn ông như không hề hay biết trời đang bắt đầu mưa. Những sợi mưa bay giăng giăng óng ả dưới ánh đèn đường vàng võ từ xa hắt tới, làm ướt sũng gương mặt tượng và gương mặt người đàn ông. Bức tượng người phụ nữ nhỏ nhắn, cao chưa tới một mét, chân trần đứng trên bệ tượng mang hình quả địa cầu. Gương mặt ấy hiền dịu thanh khiết, nở nụ cười an lành cúi nhìn trìu mến người đàn ông và khẽ giang hai tay như muốn mời gọi người đàn ông bước tới.
Đã hai đêm nay người đàn ông đứng lặng nhìn bức tượng như vậy. Ông không hiểu gì về người phụ nữ được tạc tượng, và vì sao bức tượng lại có mặt trong bệnh viện này. Ông cũng không hiểu vì sao từ sáng đến tối lúc nào cũng nườm nượp người đến đứng trước tượng khoanh tay hàng giờ thầm thì trong miệng. Ông cũng thấy hoa tươi được dâng cắm quanh đó, hết đợt hoa này đến đợt hoa khác… Rất nhiều điều lạ lẫm mà ông không hiểu không biết. Điều duy nhất ông biết về bức tượng, qua sách vở, qua nghe ngóng loáng thoáng vô tình, đó là tên của người phụ nữ, Bà Maria.
Ông cứ đứng lặng ngước nhìn hồi lâu, định nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Một lát sau có hai người phụ nữ đi đến đứng khoanh tay nghiêm trang trước mặt bức tượng, khiến ông hơi ngài ngại, nên quay đầu lầm lũi bước về phòng bệnh của con trai ông. Sau lưng ông văng vẳng tiếng cầu kinh: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”.
***
Con trai ông đang nằm trên giường bệnh xem ti-vi. Mẹ cậu bé nhận bịch sữa từ tay ông, lấy ra một hộp cho con uống. Cậu bé gần ba tuổi, gương mặt khôi ngô toát lên vẻ rất thông minh nhanh nhẹn. Cách đây năm ngày, khi vợ chồng ông đang làm việc tại công ty nơi ông làm giám đốc, ông nhận được điện thoại ở nhà gọi báo con trai bỗng đi tiểu ra máu. Hoảng hốt, hai vợ chồng bỏ hết công việc phóng xe về và chở con lên bệnh viện khám. Bệnh viện giữ lại, thông ống tiểu ngay cho con trai. Chứng kiến giây phút cô y tá chọc sâu ống thông tiểu vào bàng quang trong tiếng khóc thét hãi hùng của con trai, ông đau đớn như có thể chết được. Bệnh viện cũng đã làm gần hết các xét nghiệm, từ siêu âm ổ bụng, kiểm tra các chỉ tiêu sinh hóa của máu và nước tiểu, đến CT cản quang ổ bụng… Và trưa nay ông vừa đưa con lên xe cấp cứu của bệnh viện để sang một bệnh viện lớn khác, nơi duy nhất ở thành phố này có thiết bị để làm xét nghiệm chụp xạ hình. Nhưng đến giờ, sau năm ngày nhập viện, ông vẫn chưa biết kết quả chẩn đoán từ bác sĩ điều trị, ngoại trừ việc mỗi sáng nghe bác sĩ yêu cầu phải tiếp tục các xét nghiệm cao hơn.
Năm ngày bỏ hết công việc làm ăn, vợ chồng ông ở luôn trong bệnh việc cùng con trai, vừa chăm sóc con cho con vui, vừa theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm để sớm có câu trả lời chính xác cho bệnh của con ông. Ông không tiếc tiền chi bồi dưỡng   cho bác sĩ, y tá để làm sao mọi việc được nhanh chóng, chu đáo. Ông có đủ điều kiện để lo cho con, để làm bất cứ điều gì cần thiết miễn con ông khỏe mạnh. Nhưng thời gian chờ đợi xét nghiệm luôn là khoảng thời gian căng thẳng nhất với ông. Căng thẳng kinh khủng! Buổi sáng có chỉ định của bác sĩ, đến trưa đưa con đi xét nghiệm, mãi sáng hôm sau bác sĩ mới vào khám và thông báo kết quả xét nghiệm ngày hôm trước. Hai mươi tư giờ của tột cùng thử thách thần kinh. Hai mươi tư giờ của ăn không ra ăn ngủ không ra ngủ. Hai mươi tư giờ của ác mộng. Cứ nhắm mắt là bao nhiêu điều dữ hiện ra, khiến ông không dám cả nhắm mắt, cứ mở thao láo cho đến khi mệt rã rượi tự động thiếp đi trong bải hoải nặng nề. Không căng thẳng sao được, vì ông vốn là người hay tìm hiểu, và ngay trong ngày đầu tiên vào bệnh viện ông đã lên mạng internet tìm hiểu triệu chứng bệnh của con ông. Đủ nguyên nhân gây ra, lành có dữ có. Lành thì nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng bàng quang, hay hẹp ống niệu đạo. Còn dữ nhất và ám ảnh đeo đẳng ông nhất suốt năm ngày nay là có thể trong quả thận con trai ông đang có một khối u. Mà u trong trường hợp này luôn là u ác tính, một loại ung thư.
Căng thẳng tột cùng là vậy, nhưng cứ mỗi lần nhận một kết quả xét nghiệm lại là một lần thất vọng não nề, và tiếp tục mở ra một căng thẳng tột cùng khác. Mỗi sáng nhìn chăm chú vị bác sĩ khám cho con, ông chỉ mong từ miệng vị bác sĩ kia thốt ra câu con trai ông đã được kiểm tra kỹ càng rồi, khỏe mạnh không bị sao cả. Hay ít nhất bác sĩ đã chẩn đoán được con ông bị nhiễm trùng nước tiểu, giờ thông tiểu sạch sẽ rồi, có thể xuất viện được rồi. Ông sẽ sung sướng vô cùng, hạnh phúc vô cùng. Nhưng quái lạ không hiểu sao các lần xét nghiệm đều không soi chiếu được bên trong quả thận trái của con trai ông. Một khối echo không nhìn thấy rõ, các bác sĩ xét nghiệm nói vậy. Nỗi sợ hãi của ông càng tăng thêm.
Xét nghiệm chụp xạ hình vừa làm cho con ông lúc trưa nay gần như đã là xét nghiệm hiện đại nhất và tốn kém nhất. Nếu xét nghiệm này vẫn không có kết quả rõ ràng, ông không biết bác sĩ sẽ chỉ định thêm gì nữa. Bình thường sáng sớm mai bác sĩ sẽ khám và thông báo kết quả xét nghiệm này. Nhưng ngặt nỗi ngày mai là thứ bảy, bác sĩ sẽ nghỉ đến thứ hai tuần sau mới khám lại. Nỗi căng thẳng thường trực vốn đã quá sức kinh khủng giờ lại kéo dài thêm hai ngày, tăng thêm cả ngàn lần căng thẳng.
Sau khi uống hết hộp sữa, con trai ông cười đùa một lát rồi chúc ông ngủ ngon và hồn nhiên đi vào giấc ngủ. Ngồi bên con, ngắm nhìn gương mặt sáng ngời của cậu bé, ông thấy những mệt nhọc trong ngày vơi đi phần nào. Khẽ hôn trán và xoa nắn hai chân con, tay ông bỗng chạm vào ống dây thông nước tiểu, giờ vẫn còn lợn cợn những sợi máu mỏng manh di chuyển dọc theo đường ống. Những sợi máu mỏng manh nhẹ tênh đó kéo ông trở lại nỗi bất an nặng nề thực tại.
Biết không thể chợp mắt được, ông xuống tản bộ trong  khuôn viên bệnh viện. Con đường vắng với hai hàng cây cổ thụ thẳng tắp, và không khí trong lành sau cơn mưa đầu mùa khiến ông dễ chịu. Những bước chân vô định lang thang, một lát lại   dẫn ông đến đứng trước bức tượng trắng nhỏ nhắn bên đường gần khu căn-tin.
Có một anh thanh niên dáng vẻ tỉnh lẻ quê mùa đang ngồi lặng im trên ghế đá kê giữa bãi cỏ, xéo bên bức tượng. Trời đã thật khuya. Ông đứng chần chừ một lát, rồi gạt bỏ ngần ngại e dè và bước vào ngồi bên cạnh anh thanh niên. Anh thanh niên mỉm cười thân mật bắt chuyện:
- Con anh đang nằm ở khoa nào anh?
- Khoa thận niệu em à.
- Cháu bị sao anh?
- Cháu đi tiểu ra máu, mấy ngày nay làm nhiều xét nghiệm rồi nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nữa. Lo quá em!
- Anh đừng lo, anh phó thác và cầu xin với Đức Mẹ đi, mọi việc sẽ tốt hết anh.
Người đàn ông ngạc nhiên quay qua nhìn anh thanh niên. Nghĩa là sao? Con bệnh chưa tìm ra bệnh, người đang chằng chịt dây thông tiểu, dây ven lấy máu, sao lại không lo cho được? Sao lại phó thác và cầu xin? Con mình mình phải lo chứ phó thác cho ai?
Anh thanh niên dường như không để ý đến sự ngạc nhiên   của ông. Tiếp tục vui vẻ trò chuyện:
- Con em bị nặng lắm anh à. Cháu bốn tháng tuổi, bị sặc sữa lúc nửa đêm. Lúc cấp cứu vào đây cả người tím tái, ngưng thở ngưng tim, hai ngày nay hôn mê vẫn chưa tỉnh lại.
- Trời ơi! Giờ cháu ra sao?
- Dạ con em nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, em chỉ được vào nhìn con từ xa. Nhưng em yên tâm lắm.
Ông lại quay qua ngạc nhiên trước câu nói yên tâm của anh thanh niên, và ngỡ ngàng khi nhìn thấy nụ cười nở trên môi anh thanh niên sau câu nói cuối. Ông chẳng hiểu nổi anh thanh niên đang nghĩ gì mà có thể cười tươi lúc con đang bệnh thế này nữa.
- Em yên tâm vì có Đức Mẹ ở cùng với con em. Mỗi lần em xuống đây đọc kinh cầu nguyện với Mẹ về, em lại nghe được một tin vui từ bác sĩ điều trị, tình trạng con em lại tốt hơn một chút. Vui lắm anh!
Ông nhíu mày nhìn anh thanh niên, rồi quay lại bức tượng, nghi ngờ. Một bức tượng nhỏ bé khiêm cung giản dị thế này lại có sức mạnh to lớn đến thế sao, có thể ban cho anh thanh niên những phép màu mà giờ đây chính ông cũng đang muốn cầu xin sao. Ông có đủ điều kiện để chữa bệnh tốt nhất cho con trai, lại có thể tin được vào điều vô lý này sao.
- Anh ở giáo xứ nào?
- À… anh không có đạo em ạ. Anh thấy nhiều người vào đây, nên cũng tò mò vào xem.
- Dạ không sao đâu anh. Đức Mẹ không từ chối nhận lời ai đến cầu xin đâu. Ở đây cũng có rất nhiều người bên lương đến cầu xin. Anh có lo lắng gì trong lòng, anh cứ nói chuyện với Đức Mẹ, anh sẽ được nhẹ lòng.
- Cảm ơn em.
Người đàn ông lịch sự đáp lại lời khuyên của anh thanh niên, nhưng mối nghi ngờ vẫn ở yên trong lòng, không một chút vơi đi.
- Thôi chào anh, em về với con em.- Anh thanh niên đứng dậy- Thế nào sáng mai Đức Mẹ cũng sẽ cầu bầu đến Chúa ban cho con em được hồi tỉnh và khỏe lại.
Một lần nữa ông lại ngạc nhiên trước sự lạc quan tin cậy của anh thanh niên vào bức tượng, nhưng vẫn đứng dậy lịch sự đáp lại:
- Chào em! Chúc cháu ngày mai được như em cầu xin.
Còn lại một mình, ông ngồi lặng ngắm bức tượng với bao nỗi nghi ngờ xen lẫn ngạc nhiên trong lòng. Mẹ Maria cũng trìu mến nhìn ông, như muốn nói với ông điều gì đó ân cần tha thiết lắm. Thôi vậy, ông chợt nghĩ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ông đứng dậy bước tới gần bức tượng hơn, thở một hơi dài rồi khẽ cất giọng run run:
- Thưa Bà Maria, tôi là người ngoại đạo. Nhưng vì tôi thấy rất đông người cầu xin với Bà, và phía dưới chân Bà có dòng chữ “Hãy đến cùng Maria”, nên tôi cũng đến đây, và chỉ xin Bà một điều duy nhất: Xin hãy cho con trai tôi hoàn toàn khỏe mạnh, bình an. Tôi xin tạ ơn Bà.
Nói xong, ông chắp tay cúi đầu xá vài cái, rồi quay về phòng bệnh.
Ông chợt thấy hình như trong lòng ông đang nhẹ nhõm ít nhiều.
***
Sáng thứ hai, ông nín thở chăm chú theo dõi từng động tác của vị bác sĩ đang thăm khám cho con. Từng giây phút trôi qua mà ông cứ ngỡ như hàng giờ đồng hồ nặng nề chậm chạp. Một lát, tháo tai nghe ra khỏi tai, vị bác sĩ quay sang ông:
- Kết quả chụp xạ hình đã có, quả thận bên trái của cậu bé được thấy rõ ràng hơn, nhưng chức năng thận không được tốt. Chúng tôi chẩn đoán có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất trong quả thận trái có thể có một khối u. Thứ hai, do bị hẹp ống niệu đạo làm nhiễm trùng tiểu lâu ngày, khiến thận chảy máu, và hình thành một khối máu đông bên trong.
- Giờ phải tiếp tục làm gì để biết chính xác hả bác sĩ?
- Chỉ có một cách duy nhất, là phải mổ. Mổ sớm.
Ông sững người, nhìn qua vợ ông cũng đang lộ rõ nỗi lo sợ trên gương mặt. Chỉ có cậu con trai vẫn nguyên vẹn hồn nhiên mỉm cười vẫy tay chào vị bác sĩ ra khỏi phòng.

***
Thêm hai ngày trống trải nặng nề trôi qua theo lịch chờ mổ. Những lúc căng thẳng quá sức vì lo lắng, ông lại xuống bên bức tượng, nói vài lời chia sẻ bất an cùng Đức Mẹ, và quay về chăm sóc con. Với ông lúc này, dường như mọi sự đã vượt quá tầm kiểm soát của con người. Ông chỉ còn biết mong, rất mong vào phép màu nào đó, từ ơn trên nào đó, ban cho con ông được an lành mọi sự. Và dù còn lợn cợn đầy những nghi hoặc, ông vẫn trông cậy ít nhiều vào bức tượng Đức Mẹ trắng nhỏ thanh thản đứng cuối khuôn viên bệnh viện. Hai ngày nay thường xuyên đến đấy, ông lại chứng kiến thêm những câu chuyện lạ lùng khác từ những người đến cầu nguyện. Những câu chuyện chỉ lạ lùng với ông, vì những người chia sẻ câu chuyện với ông đều có một sự bình thản và tin cậy trọn vẹn như anh thanh niên ngồi bên ông đêm hôm ấy. Nhưng chính ông, cũng không thể chối bỏ được sự lạ lùng ấy xảy ra với mình, khi mỗi lần ông tìm đến Đức Mẹ, dù chỉ nói một câu ngắn ngủn: “Thưa Bà Maria, xin hãy cất bớt căng thẳng giúp tôi với”, rồi quay về, ông đều cảm thấy thư thái vô cùng, như lòng ông vừa được gội sạch bởi một dòng nước mát trong thanh khiết.
Tối nay ông lại đến đứng trước bức tượng Đức Mẹ. Ông không biết nói gì thêm ngoài vài câu xin cho con ông được bình an trong ca mổ sáng mai. Rồi ông ngồi ngắm nhìn Đức Mẹ. Ông nhận ra, và không hiểu sao càng ngắm ông lại càng thấy vững bụng, yên lòng. Chừng thật lâu, ông đứng dậy nghiêm trang cúi chào Đức Mẹ và về với con trai. Vừa quay ra, ông lại gặp anh thanh niên tối hôm nọ đang ẵm một cháu bé, cùng đi với một cô gái. Anh thanh niên thấy ông liền cười vui:
- Dạ chào anh! Cháu sao rồi anh?
- Sáng mai cháu được phẫu thuật sớm em à.
- Em chúc cháu bình an. Em cũng sẽ cầu nguyện với Đức Mẹ xin Chúa ban ơn lành cho con anh.
- Anh cảm ơn em. Còn con em sao rồi?
- Dạ cháu đây anh. Cháu đã bình phục hoàn toàn rồi. Tối nay hai vợ chồng em bế cháu xuống đây đọc kinh tạ ơn Đức Mẹ. Ngày mai cháu được xuất viện rồi anh.
- Ui mừng quá! Mừng cho cháu và gia đình em.
- Dạ cảm ơn anh. Tất cả nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ đó anh ạ.
Nói xong hai vợ chồng anh thanh niên cười tươi chào ông rồi bước vào quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ. Ông định bước về, nhưng chợt trong lòng ông không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm thư thái như mọi lần, mà bỗng dậy lên một niềm hân hoan kỳ lạ. Ông liền quay lại, rồi quỳ sụp dưới chân Đức Mẹ, ngước mắt chắp tay cất tiếng run run xúc động:
- Mẹ Maria ơi, con tạ ơn Đức Mẹ đã cho con nhận ra Mẹ, nhận ra Thiên Chúa. Con xin Đức Mẹ hãy ở bên con trai con trong ca mổ sáng mai, và ban ơn lành cho con trai con… Con xin phó thác và trông cậy vào Mẹ…