Xin hiệp thông cầu nguyện cho Linh hồn Phanxicô Xaviê Phạm Lê Anh Tuấn

vanthoconggiao.net




Trong niềm tin vào Chúa Kitô tử nạn và Phục Sinh, chúng tôi xin thành kính phân ưu cùng gia đình người quá cố,

anh Phanxicô Xavier PHẠM LÊ ANH TUẤN,

Sinh ngày 04/10/1978 tại Sài Gòn

- Tông Đồ Phát Hành Sách Công Giáo
- Giám Đốc Nhà Sách Hoàng Mai https://www.facebook.com/nhasachHoangMai
- Ân nhân phát hành Tuyển tập Viết Văn Đường Trường, Tập San Mục Đồng,…vv


Đã đuợc Chúa gọi về lúc 22h30' thứ bảy ngày 12/08/2017 tại tư gia: 736/79 Lê Đức Thọ, Phường 15, Quận Gò Vấp, thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Tổng giáo phận Sàigòn.
- Hưởng dương 39 tuổi
- Nghi thức tẩm liệm lúc: 15g00 Chúa nhật ngày 13/08/2017
- Thánh lễ an táng lúc 08g00 thứ ba ngày 15/08/2017, do Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Saigon chủ sự.

Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Phanxicô xaviê sớm hưởng nhan thánh Chúa. Anh Phanxicô Xaviê ra đi là mất mát vô cùng to lớn không chỉ đối với gia đình mà còn đối với công cuộc loan báo Tin Mừng qua nẻo đường phổ biến sách báo Công giáo bởi chúng tôi mất đi một người tông đồ trẻ trung, cộng tác nhiệt thành trong suốt cả chục năm qua.

Xin anh chị em cầu nguyện và an ủi cách đặc biệt vợ người quá cố là chị Tuyết (sđt 0936330957) và hai con nhỏ !

Để tiếp nối những thao thức và tâm nguyện của anh Phanxicô Xavier, sau đây chúng tôi xin giới thiệu:

“Bài chia sẻ Phát Hành Sách Công Giáo theo lời mời của Uỷ ban Truyền thông trực thuộc HĐGMVN, tại Bãi Dâu ngày 31/03/2016”.

Thành kính phân ưu và kính báo

Lm Trăng Thập Tự và toàn Ban biên tập VTCG



Anh Tuấn (áo màu cam) trong một buổi họp mặt với Lm Trăng Thập Tự và anh chị em hoạt động tông đồ văn hóa

Bài chia sẻ Phát Hành Sách Công Giáo theo lời mời của Uỷ ban Truyền thông trực thuộc HĐGMVN, tại Bãi Dâu ngày 31/03/2016.


Trọng kính ĐC chủ tịch Uỷ ban Truyền thông, quý cha, quý tu sĩ ban truyền thông các giáo phận. Con là PX. Phạm Lê Anh Tuấn, giám đốc nhà sách Hoàng Mai, chuyên in ấn phát hành sách Công giáo. Hôm nay con xin chia sẻ một số nguyên nhân làm cho ngành phát hành sách Công giáo phát triển chậm so với hệ thống sách đời và đặc biệt là hệ thống sách Phật giáo. Xin thứ lỗi cho con khi dùng từ ngữ chúng ta khi trình bày bài chia sẻ cho thuận lợi, vì con còn rất trẻ, con xin cảm ơn.
Nếu có dịp bước vào các nhà sách ngoài đời như hệ thống phát hành sách Phahasa, Phương Nam… chúng ta sẽ vô cùng choáng ngợp trước sự phong phú, đa dạng, bắt mắt của sách Phật giáo. Sách Phật được in ấn đẹp, nhiều hình thức bìa cứng, mềm, ép nhủ, phủ bạc… Trong khi đó sách Công giáo lại vắng bóng trên các kệ sách tôn giáo, sẽ rất khó tìm thấy sách công giáo ngay cả những nhà sách lớn nhất Sài Gòn như: 40 Nguyễn Huệ, 60-62 Lê Lợi, Phú Nhuận…. Tại sao sách Công giáo lại khiêm tốn như vậy trong một thị trường sách nhộn nhịp như hiện nay?Phải chăng sách công giáo quá “chuyên môn, cao cấp” nên không hiện diện đồng hành cùng thị trường sách? Chúng ta có cần thiết giới thiệu đạo công giáo cho mọi người hay chỉ gói gọn trong cộng đoàn tín hữu của mình thôi?
Theo ý riêng của con sau đây là những lý do sách công giáo phát triển chậm so với sách Phật giáo, trong tương lai dài nữa chúng ta cũng không thể theo kịp họ trong văn hóa in ấn phát hành.


1) Nguyên nhân từ phía các Tổng đại lý in ấn phát hành:

- Về CK%: Hiện nay các nhà tổng phát hành thường duy trì mức hoa hồng cho các nhà sách bán lẻ khoảng 10-15-20% giá bìa, cá biệt có những nơi chỉ có 5-7%. Trong khi đó ngoài hệ thống sách đời là khoảng 40%, ở thể loại sách tham khảo cho học sinh có thể lên đến 60%. Với mức hoa hồng quá thấp như hiện nay, các nhà sách bán lẻ không thể tồn tại và phát triển được nếu chỉ dựa vào mỗi mình sách. Họ bán sách trong tâm thế “làm công quả, truyền giáo” lợi nhuận không bù đủ cho chi phí sinh hoạt của cửa hàng, nó sẽ làm một gương xấu cho các dòng, nhà thờ có ý định mở cửa hàng sách. Điều này không khuyến khích các nhà đầu tư đến từ tầng lớp giáo dân tham gia mở cửa hàng sách phục vụ ngay chính tại giáo xứ của mình. Chúng ta thấy rõ xung quanh các nhà thờ đều có các cửa hàng bán tranh ảnh tượng, họ không bán sách công giáo mà nhường công việc cao cả này lại cho các nhà sách thuộc dòng tu.
- Độc quyền, quan liêu: Có những đơn vị in ấn phát hành độc quyền những tác phẩm, văn kiện quan trọng, họ chỉ chăm lo cho lợi ích của nhóm hơn là nghĩ đến văn hóa đức tin làm cho ngành sách công giáo được phát triển. Khi ý thức mình được độc quyền, quan trọng họ trở nên cao trọng, khó gần, phục vụ kém… vd:

- Đề tài, thể loại:Các tổng phát hành hiện nay chỉ chú ý đến các tác phẩm thần học, để có thể bán nhanh thu lợi mà không ý thức được vai trò của một tổng đại lý phải cung cấp cho toàn hệ thống nhiều thể loại, đa dạng và phong phú. Đôi khi phải hy sinh lợi nhuận (in tác phẩm khó thu hồi vốn) phục vụ nhu cầu phát triển toàn diện của độc giả. Hệ thống sách công giáo chúng ta đang thiếu hụt các thể loại văn học, thơ văn, nhân bản…
- Năng lực tài chính: Hầu hết các tổng đại lý in ấn phát hành sách đều trực thuộc dòng tu, tài chính dành cho việc in ấn là có giới hạn, đặc thù ngành sách xoay vòng vốn rất chậm, lãi thu được rất thấp, công việc khó khăn vất vả và nguy hiểm, vì vậy in được tác phẩm nào đó là một sự dấn thân cao độ. Vì những lý do này, các tổng phát hành thường đề nghị tác giả bỏ tiền ra in cho chính tác phẩm của mình, nhà sách sẽ giúp in ấn phát hành và thu hồi vốn cho tác giả. Điều này trái ngược hoàn toàn theo truyền thống của ngành xuất bản thế giới và ngay cả Việt Nam. Yếu tố này làm nãn lòng các tác giả, dịch giả, họ không còn có hứng thú yên tâm làm công việc trí thức, chưa kể các tác giả hầu như phải quên đi quyền lợi của mình phải có về nhuận bút tác quyền. Chúng ta sẽ thiếu hụt các tác giả dịch giả cầm bút.
- Giới thiệu khuôn mặt rạng ngời Đức Kitô:Có lẽ công việc in ấn phát hành sách công giáo quá khó khăn vất vả nên các tổng đại lý chưa thật sự chú tâm đến việc giới thiệu sách công giáo qua hệ thống sách như Phahasa, Phương Nam…, chưa có ý giới thiệu khuôn mặt rạng ngời Đức Kitô ra ngoài Giáo hội. Hội chợ triển lãm sách lần thứ IX năm 2016 vừa qua, tham gia có rất nhiều các nhà sách phật giáo, có các gian hàng tu phục, phụng tự, đặc biệt 2 lần liên tiếp có gian hàng đến từ tông phái Tây Tạng. Nhưng thật sự chưa có nhà sách công giáo nào tham dự?
- Anh em cùng một cha: Tương quan giữa các tổng đại lý chưa thật sự nồng ấm, chưa thật sự bắt tay nhau đưa ngành sách công giáo trở nên chuyên nghiệp, vẫn còn đó ganh ghét, đố kỵ, mạnh ai nấy làm khó hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Ngoài hệ thống sách ngoài đời họ đã thành lập những câu lạc bộ để hỗ trợ nhau như: CLB sách phía Nam, CLB in lịch…


2) Nguyên nhân từ các nhà sách bán lẽ:


- Hệ thống phân phối quá nhỏ: Tại Sài Gòn có khoảng 10 nhà sách công giáo, các giáo phận có 1, 2 nhà sách là nhiều, thậm chí có giáo phận không có nhà sách nào. Chúng ta có duy nhất một trang web có thể cung cấp sách qua mạng, ngoài ra độc giả ở xa không thể tiếp cận được với sách đạo vì không có nhà sách. Bên Phật giáo tại Sài Gòn các chùa lớn đều có các phòng phát hành sách, tỉ lệ có phòng phát hành rất lớn kể cả các tỉnh. Phật tử họ đễ dàng mua được sách phật không có gì trở ngại.
- Về nhân sự: Thường các nhà dòng hay luân chuyển thay đổi công việc nhân sự. Người ta thường có ý thức rằng bán sách là một công việc đơn giản ai cũng làm được nhưng thật ra không đơn giản như vậy. Nhân viên bán sách phải biết sách, phải yêu sách, phải biết giới thiệu độc giả cuốn nào căn bản, cuốn nào đọc trước, cuốn nào hay, cuốn nào đọc tham khảo khi có đức tin vững mạnh…. để có thể làm được việc này họ phải tiếp xúc với sách khoảng 2,3 năm. Điều đáng tiếc là khi họ mới bắt đầu làm quen được với sách là thì bề trên lại chuyển họ đi làm công việc khác, người mới lại làm quen lại từ đầu. Nhân viên không có nghiệp vụ sách sẽ làm cho nhà sách không mạnh lên được.
- Tài chính, tầm nhìn: Các vị bề trên chưa thực sự chú ý đến sách, chưa thấy tầm quan trọng của giáo dục, văn hóa đức tin. Việc bỏ một số tiền ban đầu để mở nhà sách là một hành động can đảm, dấn thân trọn vẹn: bán sách lãi ít, nhà dòng thiếu người trong phục vụ, giấy phép nhũng nhiễu. Bên Phật giáo họ có ý thức rõ ràng trong việc giới thiệu đạo phật, trong những quán ăn dọc đường liên tỉnh, hành khách dễ dàng thấy những CD, sách Phật giáo được đặt những nơi dễ thấy, trang trọng, tặng miễn phí cho quý khách.


3) Về phía độc giả:

- Tin và Hiểu: Đa số giáo dân tin đạo mà chưa có điều kiện hiểu đạo, họ phải có một trình độ căn bản để việc tìm hiểu học hỏi có kết quả. Hiện nay duy nhất tại TGP Sài Gòn có các lớp thần học cho giáo dân, những học viên này sẽ tự đọc thêm sách để hiểu đạo. Còn các giáo phận khác thì sao? Bên Phật giáo chúng ta thấy đang có nhiều trào lưu học thiền, tu tập… khóa ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi già có, thanh niên có.
- Đề tài sách: Trên các kệ sách hiện nay, chúng ta thấy hầu hết các sách này nhằm vào giới tu sĩ, chủng sinh. Những đề tài suy tư thần học, tín lý đều quá cao cấp so với trình độ chung của các giáo dân. Ngược với sách công giáo nghiên nặng về tín lý, sách phật giáo nghiêng về luân lý, ứng dụng cuộc sống, nội dung nhẹ nhàng dễ hiểu, gần gũi cuộc sống. Chúng ta đang thiếu trần trọng những sách phù hợp với giáo dân.
- Hỗ trợ giá: Nhà nước họ làm rất hay, càng xa thành phố, vùng xâu vùng xa thì càng nhận được nhiều ưu đãi về sách, người dân được hỗ trợ giá hết mức để họ có điều kiện để tiếp xúc sách. VD: sách giáo khoa ở TP chỉ ck 10-12%, ở những vùng xa, tỉnh ck 18-22-25-27%. Một số nhà sách công giáo ở xa đã nâng giá lên bán cao hơn giá chung, có lẽ họ bù chi phí vận chuyển hay…. điều này cũng ngăn cản người tín hữu tiếp xúc với sách


4) Nguyên nhân khách quan khác:

- Các vị bề trên: Người ta chưa thấy, chưa thật sự quan tâm đến sách vở, chỉ dừng lại ở việc biên soạn in ấn sách giáo lý. Sách vở có vẻ xa sỉ quá chăng?

- Tiểu số: Với số người công giáo chỉ chiếm khoảng 7%, là tiểu số trong tổng số người VN, sách vở chúng ta in ra chỉ nhằm vào có 7% này (thực ra là nhắm vào tu sĩ chiếm một tỉ lệ nhỏ hơn nữa trong 7% này). Không như bên phật giáo họ đông hơn, sách họ in được thuận lợi hơn về số lượng in, về giá.
- Việc tài trợ: cho in ấn sách , văn hóa đức tin là rất hiếm, người ta dễ dàng ủng hộ nhiều tiền cho việc xây dựng nhà thờ, bác ái,… việc nâng cao giáo dục, tri thức là một việc mơ hồ. Bên Phật giáo họ được tài trợ nhiều từ phía các phật tử cho việc quản bá in ấn sách. Chúng ta thấy sau các ấn phẩm của Chùa Hoành Pháp là nhiều dòng chữ hữu ích khuyên dạy, trong đó dòng ấn tống kinh sách là một trong những công đức cao trọng. Có lẽ người công giáo cũng nên tìm hiểu chữ “ấn tống” của bên phật giáo. Con cũng mong ước giáo hội công giáo sẽ có một nhà sách công giáo tham dự hội chợ sách lần thứ X vào năm 2018.

Kết luận:

Nhìn vào sự số lượng, đa dạng, phong phú của sách Phật giáo, chúng ta không thể không chạm lòng, không biết bao giờ chúng ta mới được như họ, 5, 10, 15, 20 năm nữa, phải ra tham quan nhà sách chúng ta sẽ có câu trả lời cho mình, cộng thêm ít nhất 10 năm nữa mới chính xát. Vì sao, từ mấy năm nay bên văn hóa phật giáo họ đã quá thành công về sách (và vẫn đang tiếp tục) họ đã đi trước chúng ta về phát hành băng đĩa CD bài giảng, các phòng phát hành bây giờ ngoài sách còn có cả rừng CD bài giảng. Ngày nay, khi cuộc sống con người bận rộn, họ có thể vừa đi xe, vừa nấu ăn, vừa nghe bài giảng. Việt Nam có tỉ lệ người đọc sách rất thấp tính trên bình quân đầu người, CD sẽ tiếp cận tốt nhất trong hiện trạng này.Thấy gì khi người công giáo chưa hề bước chân vào lĩnh vực CD ngoài những ấn phẩm CD nhạc thánh ca. Chúng ta không mạnh về in ấn sách, thua luôn tiếp cận CD, vậy thì chúng ta giới thiệu Đức Kitô như thế nào cho người ngoài công giáo Giáo Hội Công giáo có tổ chức cơ cấu vững vàng hàng ngang hàng dọc, chúng ta hoàn toàn có thể làm cho ngành sách phát triển nhưng chúng ta chưa làm mà thôi. Trước năm 75 Giáo hội rất mạnh về in ấn, hàng loạt nhà in nỗi tiếng đều thuộc Giáo hội.

Phanxicô Xaviê Phạm Lê Anh Tuấn