Như một hạt Giống- Bài chia sẻ trong thánh lễ an tang anh Phanxicô Phạm Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nhà sách Hoàng Mai

vanthoconggiao.net
NHƯ MỘT HẠT GIỐNG
Bài chia sẻ trong thánh lễ an tang anh Phanxicô Phạm Lê Anh Tuấn,
Giám đốc Nhà sách Hoàng Mai,
Tại nhà thờ Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp, Gò Vấp, 15-8-2017


Mời xem video:



Kính thưa công đoàn phụng vụ,
Kính thưa tang quyến, cách riêng là chị Tuyết và hai cháu thân yêu!
Ngày hôm kia, mới sáng sớm tôi nhận được tin từ Qui Nhơn rồi từ Nha Trang cho biết anh Phanxicô Phạm Lê Anh Tuấn ở Sài Gòn đã qua đời lúc mười giờ rưỡi đêm. Những anh em quan tâm tới mục vụ văn hóa nhắn tin cho nhau thật nhanh từ Nam tới Bắc. 10g30 sáng, trong cuộc tĩnh tâm của các bạn trẻ yêu văn thơ Công giáo tại Đồng Nai, cha Cao Gia An đã dâng lễ cầu nguyện cho Tuấn. Rồi trang Văn thơ Công giáo liên tục cập nhật các thông tin về tang lễ của Tuấn. Anh em cảm thấy hụt hẫng khi hay tin một nhà văn hóa trẻ tuổi của giới Công giáo Việt Nam đột ngột từ giã cõi đời.
Tôi ra xe về Sài Gòn với lời nguyện thầm: Chúa ơi, hạt giống phải mục nát đi… Vâng, hạt giống phải mục nát đi như lời Tin Mừng vừa nghe. Lời ấy trước hết nhằm nói về cái chết của Chúa Giêsu nhưng rồi tiếp đó cũng nói về cái chết của các môn đệ Chúa.
Sự mục nát của hạt giống ôm theo niềm hy vọng về những hạt mầm mới. Chính khung cảnh trong nhà thờ sáng nay đang nói lên điều đó. Lễ an táng của Tuấn thật trang trọng ấm cúng, có Đức Cha Giuse về chủ tế, nhiều linh mục đến đồng tế, với nhiều nam nữ tu sĩ và đông đảo giáo dân cùng đến hiệp dâng thánh lễ, an ủi gia đình và tiễn biệt Tuấn. Bầu khí đầy yêu thương này không những đem lại an ủi nhiều cho tang quyến mà cả cho những anh chị em quan tâm tới mục vụ văn hóa, bởi vì dường như chúng ta đang được cảm thấy hừng lên chân trời hy vọng của cánh đồng đầy những bông hạt mới.
Tôi xin được phép kể câu chuyện của Tuấn như một minh họa để chúng ta cùng cảm nhận cách thiết thực hơn về lời Chúa đang mời gọi chúng ta cùng trở nên hạt giống mục nát như Ngài và với Ngài.
Năm 2006 tôi được gặp Tuấn lần đầu khi Tuấn đang làm tại nhà sách Quang Minh, một nhà sách Phật tử ở quận I. Tuấn hỏi tôi có phải là linh mục không. Chỉ mấy câu đối thoại ngắn ngủi đủ cho thấy một tấm lòng đang khắc khoải vì Hội thánh. Tôi hẹn gặp Tuấn ngay chiều hôm ấy tại nhà khách đan viện Cát Minh Sài Gòn. Đang làm người phát hành sách, Tuấn hết sức bức xúc về tình trạng sách vở Công giáo. Đang khi Phật giáo và Cao Đài mỗi bên đều có Tổ In ấn và Phát hành sách, lo việc phổ biến sách đi khắp nước, thì phía Công giáo không hề có hệ thống phát hành. Các nhà sách Công giáo chỉ loay hoay với khả năng riêng và lợi nhuận riêng. Tuấn cho biết đã trình vấn đề lên Đức Cha Bùi Tuần. Vị giám mục già hưu trí trao đổi qua điện thoại với Tuấn nửa giờ rồi bảo sẽ lưu ý để nghĩa tử của ngài là Đức Cha Ngô Quang Kiệt lo việc ấy. Tôi thấy cần phải làm cái loa để thông điệp của Tuấn được truyền đi nhanh hơn. Tôi viết các ghi nhận và đề nghị của Tuấn thành hai bài đem đăng lên báo Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và nhận được một hồi âm duy nhất của một linh mục miền quê.
Ít lâu sau Tuấn thôi làm cho nhà sách Quang Minh để có thể dành trọn thời giờ và tâm huyết cho sách vở Công giáo. Thương hiệu Nhà sách Hoàng Mai ra đời. Tuấn giúp nhiều tác giả Công giáo xin giấy phép xuất bản chính thức để sách vở Công giáo dần dần ra khỏi tình trạng in chui, không rõ xuất xứ, thiếu cả tên tác giả. Tuấn đã đưa được một số sách đạo vào mạng phát hành sách ngoài đời, dù chưa nhiều nhưng đã là một khởi đầu đáng kể. Tuấn đã khiến các nhà sách Công giáo phải mở rộng tầm nhìn, nâng cao chiết khấu hoa hồng cho các đại lý bán lẻ, từ 10 hay 15% lúc đầu lên dần đến 25-30%. Tuấn hỗ trợ cả cho một công ty bán sản phẩm Công giáo trên mạng…

Cái khó hết sức khó là Tuấn không xoay được nguồn vốn cho một kế hoạch lâu dài. Dù vậy, Tuấn vẫn mang ước vọng hào phóng là ưu tiên thực hiện những quyển sách có thể khó bán nhưng có giá trị cao như Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Tổng Luận Thần Học của Thánh Tôma… Tới nay, nhà sách Hoàng Mai đã vượt trên 400 đầu sách. Hiện đang tồn đọng khoảng 100 bản thảo được các tác giả gửi gắm nhờ xin giấy phép, giúp thiết kế và in ấn. Số người có sách cần xuất bản đang xúc tiến công việc với Tuấn ngày càng nhiều, cho nên khi Tuấn nằm xuống, không ít người thấy chới với chẳng biết sẽ làm sao để tiếp tục công việc.

Tôi không biết cần đến bao nhiêu người mới lấp đầy khoảng trống Tuấn để lại cho ngành in ấn sách Công giáo. Một mình Tuấn phải ôm rất nhiều việc mà chưa kịp chuẩn bị để có người kế thừa tiếp nối. Tuấn vừa có khả năng vừa sẵn lòng chịu khó làm mọi việc từ cao đến thấp, từ liên lạc trao đổi với các nhà xuất bản, các nhà in, các tác giả, các họa sĩ vẽ bìa, qua việc kiểm tra bản dàn trang thiết kế, cho đến việc khi cần thì xắn tay áo vào bao bì, đóng gói và chở sách ra bến xe. Tuấn lấy công của mình để đỡ tốn kém cho người mình giúp đỡ. Lạ thay, giữa những công việc bộn bề như vậy, cùng với trách nhiệm làm chồng làm cha, và trách nhiệm người giáo dân trong giáo xứ, Tuấn còn thu xếp được thời giờ để theo đuổi các khóa thần học mấy năm liền.

Không biết tới bao giờ chúng ta mới có được một Kitô hữu trẻ quen thân cùng lúc với nhiều nhà xuất bản khác nhau mà đi tới đâu cũng được người ta thương mến và quý trọng vì sự nhã nhặn, vui tươi, đầy quảng đại, một người tín hữu trẻ có khả năng đọc rất nhanh và thẩm định giá trị bản thảo cả về văn phong, tư tưởng với các mặt đức tin, tác dụng giáo dục và tác dụng truyền giáo của một tác phẩm.

Tháng 3-2017, với bài tham luận trong đại hội Truyền thông Công giáo tại Vũng Tàu, một lần nữa, Tuấn lại nêu lên tính khẩn cấp và những khó khăn thực tế của việc phát hành sách Công giáo. Tôi lại tiếp tay với Tuấn viết ra sáu bài về một chương trình phát hành sách mang tên “Tông đồ sách báo”. Thế nhưng hình như vẫn chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc, chẳng biết đến bao giờ mới được quần chúng và cả các cấp thẩm quyền lắng nghe. Rồi hôm nay Tuấn được Chúa gọi về ở tuổi 40, cái ước mơ một hệ thống phát hành sách Công giáo đến tận các xứ đạo vẫn chưa thành hiện thực.

Thưa cộng đoàn phụng vụ,
Tòa giảng không phải là chỗ để tán dương một cá nhân. Quý vị và anh chị em quá hiểu rằng những điều tôi chia sẻ đây không nhằm ca tụng một người đã khuất nhưng để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa về một quà tặng tuyệt vời Ngài đã từng ban cho Giáo hội Việt Nam rồi đã vừa lấy lại, một quà tặng mà càng về sau ta càng thấy thiếu và vô cùng tiếc thương; đồng thời cũng là để mọi người thấy rằng có một đoàn sủng hiện rất quan trọng cho Giáo hội Việt Nam mà chúng ta cần tha thiết cầu xin Thiên Chúa rộng ban.

Tôi chỉ muốn thốt lên tiếng gọi khẩn thiết phải đào tạo cho Giáo hội Công giáo Việt Nam một đội ngũ trí thức trẻ, giàu tài năng và kiến  thức, giàu đức tin và tinh thần Hội thánh, có cái nhìn chính xác và luôn quảng đại dấn thân.
Ôi lạy Chúa Giêsu, cùng họp nhau đây để ca tụng những hồng ân Chúa đã tuôn đổ trên đứa con nhỏ này của Chúa, chúng con tự hỏi tại sao Chúa đánh gục các kiện tướng của Chúa nếu không phải là để chúng con chỉ cậy trông và một mình Chúa là Đá Tảng và Sức Mạnh của chúng con?
Tại sao Chúa đánh gục các kiện tướng nếu không phải để giục giã chúng con đưa giới trẻ đến với Chúa, dìm họ vào sâu trong Chúa để họ được biến thành những công cụ tuyệt vời cho Chúa?
Chúa ơi, người môn đệ Chúa đây là một hạt giống bé nhỏ mà cũng là một hạt giống kiện tướng. Chúa đã vùi nó xuống, xin hãy làm cho nó mục nát đi với Chúa và nẩy sinh nhiều bông hạt mới.
Chúa ơi, Chúa đã yêu thương đứa con nhỏ của Chúa là người anh em chúng con đây, xin Chúa hãy ôm lấy vào lòng, mãi mãi. Xin Chúa cũng an ủi vợ và các con của Tuấn còn ở đời này để họ luôn được thấy gần gũi chồng và cha trong trái tim của Chúa. Amen.
Đan viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước, ngày 14-8-2017
Lm Trăng Thập Tự