Đồng cảm

Quang X Nguyen


- Cái đất Sài gòn này mà còn chưa biết hết… nói chi ba miền Trung, Nam, Bắc.

- Thì nhờ có vậy, cái ngành du lịch mới có cửa phát triển chớ.

- Nói chuyện với em thiệt là hết ý.

- Thôi ráng chạy nhanh đi anh, mặt trời đứng bóng rồi. Mồ hôi, mồ kê ra ướt áo rồi kìa.

- Thì anh đang rồ ga chạy đây, có đứng tại chỗ đây.

- Nói chuyện với anh cũng là hết ý!

Nhà Liên ở tận chợ Thủ Đức. Sau khi đã cẩn thận ghé vô quán dằn bụng buổi sáng bằng một tô phở thập cẩm và một ly “xây chừng” nóng, vợ chồng Liên lên chiếc xe Cub đời mới chạy về hướng Chợ Lớn. Thường Liên chỉ đi Chợ Lớn một lần trong dịp tết Nguyên Đán thôi. Ngoài ra, hiếm khi nào vợ chồng chị đi đến khu vực xa xôi này! Trừ khi có những lý do đặc biệt.


- Từ nhà mình xuống Chợ Lớn bao xa lận anh? – Bất giác chị buộc miệng hỏi.

- Cũng gần hai chục cây!

- Ái chà, xa dữ vậy hả?…

- Xa cũng ráng.

Xa cũng ráng. Đúng thế. Hôm nay vợ chồng chị lãnh sứ mạng từ bên kia bờ đại dương. Ông anh chồng của chị đã viết thư về, nhờ vợ chồng chị lo cho việc hôn nhân của đứa con đầu của ổng. Thằng Phú. Năm nay tròn ba mươi.

- Có chuyện gì vậy?

Chồng chị vừa thắng két, vừa lớn giọng hỏi làm Liên giật mình. Cạnh lề đường, có mấy người đàn ông đang tò mò hỏi han một thím người Hoa đứng tuổi, y phục xốc xếch, đang ngồi bệt xuống lề đường, ấm ức khóc lóc, bất kể hơi nóng hừng hực bốc lên từ mặt lề đường xộc xệch dát gạch răng cưa. Vừa khóc vừa bứt tóc. Khóc không thành tiếng.

Một người đàn ông trẻ, cởi trần trùn trục, quay lại, vừa chắp tay sau mông vừa trả lời với chồng chị bằng một giọng lơ lớ.

- Nó bị tụi bụi đời giựt mất gần trăm tờ vé số! Nị có quen nó hả?

Cách đây mấy phút, khi thím đi dọc theo con đường này, có một thanh niên chặn thím lại, hỏi mua và cầm hết xấp vé số, xem, chọn... Bất ngờ hắn vọt vô con hẻm ngoằn ngoèo, tẩu mất!

Sau khi hội ý với chồng, Liên đến bên người gặp nạn. Chị nhẹ nhàng vén mớ tóc ướt đẫm mồ hôi, bụi và nước mắt, dính trước trán xạm đen và che lấp cặp mắt đỏ hoe của thím rồi nói:

- Thôi thím đừng buồn nữa, cháu có chút ít gửi cho thím…

Vừa nói Liên vừa dúi vào tay thím một tờ giấy bạc. Thím gật gật đầu cám ơn trong nước mắt. Một chú người Hoa, áo quần gọn ghẽ, cũng nhét vào túi thím một tờ giấy bạc rồi lẳng lặng bỏ đi.

Mặt trời rọi thẳng vào mặt thím, như nóng lòng muốn cho mọi người cảm thông một cảnh trần ai. Thím đang phải nuôi hai đứa cháu nội. Cha mẹ chúng đã ly dị và bỏ đi. Một viễn cãnh tương lai ảm đạm như đang lớn dần trong mắt thím, che chắn cả ánh sáng mặt trời ban trưa rực nắng. Năm xưa thi hào Cao Bá Quát đã lên tiếng:

“Nước trong leo lẻo, cá đớp cá
Trời nắng chang chang, người trói người.”

Liên leo lên xe nói:

- Thôi đi đi anh… Á khoan, chờ em tí.

Chưa kịp dứt lời, chị đã tuột xuống khỏi xe, hỏi thăm đường đi đến nhà thờ Ngã Sáu, rồi nhảy tót lên chiếc xe cub.

Ngồi úp mặt sau lưng chồng, tránh ánh mặt trời trưa hè chứa chan như xỉa xói vào mặt, nhưng gương mặt chị vẫn cảm thấy rát dầu đã có khẩu trang che chắn cẩn thận.

- Chán thật. Chị thầm nghĩ. Khu ngoại thành nơi chị đang sinh sống lâu nay, cũng có nhiều ông bà cụ ngoài sáu mươi lần dò đi bán vé số và đã bị cướp vé số trên tay, giữa ban ngày ban mặt. Đôi lúc vì tiếc cái vốn liếng sinh nhai ấy, họ đã giành giật lại với đám cướp ngày để rồi phải gánh thêm bao thương tích - Tiền mất tật mang.

Đến nhà thờ Ngã Sáu. Mấy chị bán hàng rong, mồ hôi chạy dài trên mặt, hướng dẫn chồng chị phải đi tiếp thêm mấy ngã tư nữa mới tới được nhà thờ mà vợ chồng chị muốn đến. Liên âm thầm móc vội lá thư ra xem kỹ địa chỉ thì không phải là nhà thờ Ngã Sáu thật. Trước khi rồ ga chạy tiếp, chồng chị lật tay xem đồng hồ, lẩm bẩm: Hơn mười một giờ trưa rồi!

Rồi hơn mười lăm phút sau, Liên mới tìm được nhà thờ ấy. Chồng chị nhanh tay đẩy xe vào khung cửa hẹp. Chị thong thả bước vào sân nhà thờ rộng mát. Ngôi nhà thờ cổ kính. Tháp nhà thờ vút cao, nhọn. Bất giác, chị cúi đầu làm dấu thánh giá. Không biết chị cầu nguyện điều gì, cho ai. Hay đó chỉ là thói quen tốt lành của những gia đình mộ đạo, nề nếp!

- Ủa, chào thím!

- Nị đi lễ hả, giờ này không có lễ đâu, cha đang ăn cơm há…

Giọng chào thảng thốt của chồng chị làm chị giật mình ngẩng đầu lên. Ngạc nhiên thật. Thím bị trấn lột vé số ban nãy, bây giờ đang đứng trước cửa nhà cha xứ nói chuyện với chồng chị tỉnh queo. Đầu tóc thím cũng còn rối bung, nhưng sắc mặt hớn hở không còn gì là buồn thảm…Liên hỏi:

- Thím có đạo hả?

- Ngộ đâu có lạo lâu.

- Thím vô đây có việc chi vậy?

- Cha vừa mới cho ngộ tiền để ngày mai ngộ li bán vé số…

Một người đàn ông trẻ, ăn mặc xềnh xoàng, từ trong nhà cha xứ bước ra nói:

- Cái… anh chị tìm cha có gì không? giờ này là giờ cha ăn cơm.

- Dạ…Có chuyện cần lắm. Chồng chị trả lời xong quay sang nói với chị: Thôi lát mình trở lại gặp cha.

Nói xong chồng chị quay đầu xe. Bỗng có một cụ ông nhỏ người, phúc hậu, từ bên trong chậm rãi bước ra nói:

- Không, không, cần gì anh chị cứ vô đây.

- Vô đi, vô đi, cha đó - thím bán vé số nói - thôi ngộ về lây!

Vợ chồng Liên chưa kịp ngạc nhiên thì cha vừa kéo ghế cho anh chị ngồi vừa hỏi:

- Anh chị chắc là từ xa đến đây?

- Dạ thưa, nhà chúng con ở tuốt chợ Thủ Đức, Liên lại hỏi, dạ… sao cha biết nhà chúng con ở xa.

- Vì anh chị đến tìm cha giờ này, thì cha biết anh chị phải ở xa lắm, nên giờ này mới tới.

Cha không ngồi vào bàn cơm, mà lại bước qua bên bức tường sơn xám đã ngả màu bạc. Trên bức tường ấy có treo hai câu liễn đỏ chói ghi hai câu thư pháp gì đó mà Liên chưa đọc ra. Bên dưới hai câu đối ấy, Liên thấy có một bình nước lọc. Nước chảy róc rách. Cha thong thả rót đầy hai ly nước và mang đến mời vợ chồng Liên.

- Anh chị đi xa khát nước lắm rồi, uống “lước li”.

- Dạ thưa cha dùng cơm đi, chúng con ngồi đây chờ được rồi.

Chị Liên lại ngạc nhiên hơn khi thấy cha không dùng cơm và ngồi xuống ghế sa lông cạnh chồng chị hỏi han đủ điều. Bộ ghế này cũ kỹ từ trước năm 1975. Lỗi thời.

- Anh chị tìm đến cha, chắc có gì quan trọng lắm?

- Thưa cha cứ dùng cơm, chúng con xin được chờ ở đây. Chồng Liên nói.

- Không, không, cha chưa ăn cơm đâu, con cứ nói đi.

- Thưa cha, số là thằng cháu con bên Mỹ chuẩn bị lấy vợ. Anh chị con nhờ con xin cha giấy chứng nhận Rửa Tội của nó, để con gửi qua bên đó.

Cha im lặng, gật gù, lắng nghe… Một chốc, cha lên tiếng:

- Được dzồi, cha biết dzồi, để cha đi lấy sổ Rửa Tội.

Nói xong, cha bước qua phòng bên. Giờ này văn phòng giáo xứ đã đóng cửa, nghỉ trưa. Liên định hỏi chồng xem coi cha cố này là người Hoa hay sao, thì bất ngờ cha quay lại hỏi:

- Cháu của con rửa tội năm nào?

- Dạ, năm 1960.

Khi cha già đi khuất trong phòng bên, chồng chị mới nói nhỏ:

- Cha là người Hoa chứ sao, em nghe giọng cha như thế mà không biết à?

Đức Phanxicô với một người khuyết tật


Liên không trả lời được tiếng nào với chồng vì chị chưa hết ngỡ ngàng trước cung cách phục vụ của cha. Thật ân cần. Chị đang liên tưởng đến các vị mục tử khác mà chị đã gặp qua… thì vị mục tử này bước vào phòng khách, tay run run ôm cẩn thận một quyển sách đen, to đùng, cũ kỹ nhưng còn nguyên vẹn và vẫn đầy phong độ như chủ nhân của nó.

- Cháu của con rửa tội tháng nào vậy con? Cha thong thả ngồi xuống ghế vừa mở quyển sách ra vừa hỏi chồng chị.

- Cháu sinh ngày mười chín tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi. Khoảng hơn một tuần lễ sau thì rửa tội đó cha.

Cha già gật nhẹ đầu. Đầu bạc trắng. Im lặng. Một tay sửa lại cặp kính cũ, một tay thong thả lật tìm từng trang sổ rửa tội, qua năm tháng, đã ươm vàng nhàn nhạt … Chồng chị nói tiếp:

- Dạ cháu tên Phanxicô Xaviê Nguyễn Trọng Phú.

- … Có dzồi, có dzồi - Cha vui mừng nói - rửa tội ngày hai mươi sáu tháng sáu đây, cha là Antôn Nguyễn Trọng Bình đúng không?

- Dạ thưa cha, đúng rồi.

Cha xứ rút ra một giấy in sẳn, run run cẩn thận viết và ký tên, rồi đóng mộc.

Trên đường về nhà chồng chị chỉ nói một câu:

- Cha xứ này tốt thiệt!

Trời xanh trong, chỉ gợn chút mây, nhưng hình như không còn gay gắt nữa. Trưa hè mát dịu. Liên nhìn rõ được vẻ thoải mái lộ trên nét mặt của hết mọi người đang xuôi ngược trên đường. Các còi xe lớn nhỏ hình như cũng đang nghỉ dưỡng, không còn hò hét đến lạc giọng nữa. Chồng chị thoải mái trực chỉ về nhà. Gió rít nhẹ bên tai, Liên tựa đầu vào lưng chồng, mắt lim dim...

Sau khi tiếp xúc với cha xứ, chị cảm thấy lạc quan hơn, yêu đời hơn. Chị cảm mến đức độ bao dung của vị linh mục già. Người già thường trở tính, trở nết. Nhưng chị lại gặp nơi cha xứ già một cung cách phục vụ chân tình, không nề hà, không cau có. Thật là một đường hướng phục vụ dân Chúa mà Giáo hội mời gọi.