Chuyện nhà ông Mười

Quang X Nguyen


Tác phẩm đoạt giải Khuyến Khích cuộc thi sáng tác Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới 2016.


Chuyện không có gì đáng để phải ầm ĩ cả! Nhưng một khi đã đến với cái xóm máy cưa này, thì mọi chuyện được đồn thổi “vẽ rắn thêm chân”. Một nói hai, hai nói ba, cứ thế mà nhân lên. Chuyện ít, nói nhiều, chuyện tròn, nói méo, chuyện bé xé ra to. Nó trở thành một đề tài nóng hổi của những người vô công rỗi nghề bàn ra tán vào. Quả đúng với câu: “Nhàn cư vi bất thiện!”

Có lẽ vì vậy, mà người dân sinh sống ở nơi thuộc diện vùng sâu, vùng xa này gọi xóm máy cưa là xóm “thời sự”, ăn no rồi lo nói chuyện của người. Mặc dù đó không phải là chuyện ở xóm mình mà ở tận đâu đâu, nhưng vẫn được đem ra xầm xì “bình lựng!” Có người trực tính, gọi cái xóm máy cưa này là xóm hỗn độn, xóm đầu trộm, đuôi cướp. Người có máu hài hước thì lại ví von cho đây cái xóm của đài BBC - Chuyên chỏ mỏ vào việc của thiên hạ, dù không được trả công!

Thiện là đứa có học thức, nhưng chẳng may sinh ra và lớn lên ở xóm máy cưa bát nháo này. Có lần, Thiện nghe mẹ kể cái “lý lịch trích ngang” - Vì sao có tên gọi xóm máy cưa?

Vào những năm đầu của thập niên 60, thuở sinh thời ông ngoại, bà ngoại của Thiện đến nơi này lập nghiệp. Hay nói đúng hơn đến đây là để tránh bom đạn, khi ấy nhà máy cưa đã có mặt ở nơi này chẳng biết tự bao giờ! Gọi là “nhà máy” cho ra vẻ bề thế, dùng hai tiếng trại cưa mới là sát nghĩa. Bởi, cái trại cưa bé tí tẹo này chỉ có mỗi chiếc xe be chở gỗ bằng thùng, chớ không phải xe “reo” – một loại xe chuyên dùng để vận chuyển những cây gỗ lớn, có đường kính lớn hơn cái thùng “phuy”. Phía trước trang bị một đầu kéo, phía sau là một “bệ đỡ”, mỗi bên có tới sáu chiếc bánh xe to đùng! “Bệ đỡ” này là phần ngọn gỗ được gác lên, sau đó dùng “tăng - đơ” (tendeur de chaine) siết những sợi dây xích to gần bằng cái cổ tay cho thật chặt. Báo chí ngày xưa đăng, những “anh hùng xa lộ” thách đố với nhau chạy xe Honda 67 đã “xoáy cốt, lên nòng” chui qua phần khoảng trống ở phía dưới thân gỗ của xe “reo”, khi xe lưu thông trên xa lộ Biên Hòa (bây giờ là xa lộ Hà Nội. NV) Cũng không ít “anh hùng xa lộ” đã bỏ mạng vì thách đố nhau bởi trò chơi ngông cuồng này!


Cái gọi là trại cưa, nhưng chỉ có mỗi một chiếc máy cưa cũ mèm. Mỗi lần nổ máy xẻ gỗ nghe đinh tai, nhức óc! Có khoảng năm, sáu người phụ việc toàn là họ hàng quyến thuộc của ông bà chủ, không ai là người ngoài cả! Theo cách nói bây giờ, trại cưa này thuộc diện… “tự cung, tự cấp!”. Nguồn gỗ cung ứng cho trại cưa được lấy từ trong núi “Sóc - Cà Tưng”. Những năm chiến tranh leo thang ngày thêm một khốc liệt, núi “Sóc - Cà Tưng” bị xem là “vùng trắng” – “thuật ngữ quân sự” gọi đây là vùng “oanh kích tự do”. Nghe nói, mỗi khi máy bay ném bom nơi khác mà “bị dư”, thì số “bom dư” đó được trút xuống cái núi nhỏ bé đáng thương này, trước khi bay về phi trường quân sự Biên Hòa.


Vì không muốn bị chết oan bởi bom đạn vô tình, cho nên bầu đoàn thê tử của ông chủ trại cưa đành rút lui có trật tự. Nghe nói sau này, vợ chồng ông làm chủ một xưởng gỗ chuyên đóng tủ thờ, bàn ghế ở miệt Hố Nai. Tuy trại cưa của ông bà rút đi từ dạo ấy, nhưng cái tên xóm máy cưa vẫn ở lại cho đến tận bây giờ!


Về tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Xóm máy cưa được xem phức tạp nhất của xã Buôn He. Bao tệ đoan xã hội như: nhậu nhẹt, cờ bạc, đá gà, đâm chém, trộm cắp, mê tín dị đoan đều hội tụ tại đây.


Tuy sinh ra và lớn lên nơi cái xóm máy cưa đầy tai tiếng này, nhưng Thiện tạm gọi thành đạt, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hiện là Phó giám đốc đối ngoại của công ty Việt Cường chuyên sản xuất giày xuất khẩu, Thiện giỏi cả ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật. Có thể nói, Thiện là một “hiện tượng” của xóm máy cưa đầy hỗn độn và phức tạp này.


Thiện là con trai độc nhất của bà tư Xẹ. Thoạt nghe qua cái tên của bà, người ta sẽ nghĩ con mắt của bà tư lé… xẹ, ngó cây ớt chết cây cà, hoặc nhìn bụi hành… héo bụi tỏi! Nhưng thực ra không phải thế, tư Xẹ là tên tục của bà. Do quan niệm cổ hủ của ông bà xưa đặt tên con “xấu” cho… “dễ nuôi”. Trong khai sinh, chứng mính nhân dân tên của bà nghe rất lạ, đã làm cho cán bộ phụ trách hộ tịch phải nghĩ ngợi. Có lần, vị cán bộ hộ tịch hỏi:
-Dì tư có thể cắt nghĩa tên của dì cho cháu biết được không?

Bà tư Xẹ cười cười, vui vẻ nói:
-Nói thiệt với cậu cán bộ nghen. Ba của tôi làm thầy còn tôi thì đốt sách. Vì vậy, tôi không muốn thằng Thiện con tôi nó “đốt” tiếp tục sợ bị… cháy nhà! Cho nên dù khó khăn đến mấy, tôi cũng ráng cho nó đi học. Tuy không làm bác sĩ, kỹ sư như người ta. Nhưng nó cũng có được công việc làm ổn định.


Cán bộ viên chức hộ tịch nhẹ nhàng, nói:
-Cháu biết, cả xóm trại cưa anh Thiện “có thể” được xem là tấm gương sáng điển hình.


Không dè, bà tư Xẹ thẳng thắng góp ý:
-Là cán bộ thì cậu phải rạch ròi một là một, hai là hai, chớ không lấp lửng dùng cái từ “có thể!” Cái nào đúng thì cho ra đúng, cái nào sai thì cho ra sai. Như vậy mới không phải… rút kinh nghiệm hay… khắc phục sau này!


Viên chức cán bộ hộ tịch không khỏi ngạc nhiên trước những lời khẳng khái của bà tư Xẹ, anh mỉm cười, chuyển hướng hỏi:
-Dì… “có thể” cho cháu biết tên Thể Hà của dì ý nghĩa ra làm sao không?


Dì Tư lại cười:
-Nữa, cậu cán bộ lại dùng hai tiếng… “có thể” nữa. Sao cậu không hỏi hai chữ Thể Hà nghĩa là gì, như vậy có phải hơn không?


Tới đây, bà tư Xẹ hạ giọng kể
– Có lần, thằng Thiện nó nói với tôi, ông bà ngoại đặt tên cho má rất là có ý nghĩa. Thể Hà – Thể là hình thể, Hà là ráng chiều, đó là hình ảnh của tia nắng mặt trời xuyên qua màn sương tạo thành một màu hồng pha trộn màu vàng, đẹp một cách rực rỡ!


Viên chức hộ tịch gật gật đầu:
-Vậy mà cháu cứ nghĩ… Hà nghĩa là sông. Thể Hà - Con sông có hình dáng đẹp.


Bà tư Xẹ cao giọng:
-Ối, chữ nho nó “nhứt tự lục nghì” nên rất dễ hiểu lầm về mặt ngữ nghĩa.
Bà tư Xẹ thao thao bất tuyệt
- Như cậu cán bộ biết đó, chữ Thủ là cái đầu, cái đầu mà bị cắt đứt gọi là Thủ Cấp. Chữ Thủ còn là cái tay. Trong phim Tàu thường hay nói “động thủ”, rồi “Tiên hạ thủ vi cường”. Thủ còn có nghĩa là giữ, nên mới gọi là Thủ kho, Thủ quỹ…Ôi, nó tùm lum hết, không biết đâu mà mò!


Vị cán bộ hộ tịch không khỏi ngạc nhiên, khi ở một nơi khỉ ho, cò gáy này lại có người đàn bà lại “tinh thông” Hán học như bà tư Xẹ. Từ đây, gọi bà là Thể Hà như tên trong giấy khai sinh cho văn hoa một chút.


o0o


Ở một nơi thuộc diện vùng sâu, vùng xa… mà có được mức lương trên dưới 20 triệu đồng một tháng như Thiện, đó là mơ ước của cư dân sinh sống tại nơi đây.


Người Hoa Nùng - một dân tộc thiểu số, họ không còn những suy nghĩ lệnh lạc như những năm đầu của thập niên sáu mươi:
-Hà cái lầy (này) cho con li (đi) học lể (để) làm gì? Cái chữ “lâu” (đâu) có làm ra hột bắp, hột gạo “lể” (để) mà “lo” (no) cái “pụng” (bụng).


Vào thời điểm xa xưa này, người Hoa Nùng họ rất kỵ quét nhà, cả năm quét một lần khi tết đến. Họ nói:
-Rác là tiền, trong nhà có nhiều rác tức là có nhiều tiền. Quét nhà không còn rác là không còn tiền, sẽ bị nghèo!


Thiện có cái “gien” giống bà ngoại nên có tính thương người. Năm nào cũng vậy, những khi tết đến Thiện đều trich ra phần tiền thưởng của mình để mua quà tết biếu bà con nghèo vui xuân. Mỗi phần quà không nhiều, chỉ khoảng vài ba trăm ngàn trở lại, nhưng cũng đã nói lên tấm lòng giống như tên gọi của nó. Bà Thể Hà cũng thấy vui lây trước nghĩa cử của con mình. Bà thường nói với Thiện: “Thương người như thể thương thân”.


Ngoài chi phí hằng tháng, khoản tiền còn lại Thiện gởi vào ngân hàng dành cho việc lấy vợ sau này. Thấy Thiện biết lo như vậy, bà Thể Hà cũng tạm yên lòng một phần nào!


Vào một sáng Chúa nhật, Thiện còn đang ngủ nướng ở trong phòng. Chợt nghe giọng nói oang oang toàn là giọng “chép”, Thiện biết ngay “chất giọng” đó của cô năm Điệu:
-Chị tư có hay biết gì chưa?
Bà Thể Hà chưa kịp trả lời thì cô năm Điệu dài giọng lên tiếng
– Thuở đời nay, ông mười chỉ có mỗi đứa con trai là cậu Hội, vậy mà không hiểu sao ông lại để cho cậu Hội lấy vợ có đạo. Ứ hự! Hổng biết rồi… sau này khi ông mười chết đi, lấy ai để mà cúng giỗ cho ổng hổng biết!


Bà Thể Hà mỉm cười, nói đẩy đưa: -Thì cô năm…. Thay cậu Hội cúng giỗ cho ông mười.


Cô năm Điệu giẫy nẫy như đĩa gặp phải vôi:
-Chị tư nói nghe thiệt là kỳ.


Bà Thể Hà cười nửa miệng:
-Nếu như cô năm… thấy kỳ thì ai thế nào cứ mặc họ. Nếu như mình không giúp được gì cho người, thì tốt hơn hết cô Năm đừng nên nói chuyện của người một cách vô thưởng, vô phạt! Lời nói phải đi đôi với làm. Nói mà không làm thì chẳng giải quyết được gì! Cô năm hay nói chuyện của người, nhưng bản thân cô năm thì ai nói?


Cô năm Điệu một thoáng chau mày, đáp:
-Chị tư nói gì mà em không hiểu!
Bà Thể Hà chậm rãi nói:
-Cô năm không hiểu bản thân mình thì cô năm còn nói chuyện của ai? Cô năm có biết tại vì sao, cô năm tuổi đã gần bốn mươi mà vẫn còn phòng không gối chiếc hay không? Đó chẳng qua là vì cô năm bị… “Phá tướng!”.


Vốn là người dị đoan, mê tín Cô năm Điệu vồn vã hỏi:
-Bộ chị tư biết coi bói hả? Chị tư coi giúp em một quẻ xem chừng nào em lấy được chồng?


Bà Thể Hà mỉm cười bí hiểm:
-Tôi chỉ biết xem tướng thôi. Người nào bị “Phá tướng” tôi sẽ biết ngay thôi.
Cô năm Điệu liền sấn tới:
-Vậy chị tư xem tướng giúp em với. Bao giờ em mới có được tấm chồng?


Bà tư Xẹ nhìn cô năm Điệu hỏi nhỏ:
-Cô năm phải tỏ thật cho tôi biết, cô năm có muốn lấy chồng hay không?
-Dạ, em muốn, muốn chớ chị Tư. Làm thân đàn bà, con gái ai mà không muốn cho mình có được một tấm chồng? Không có gì bất hạnh cho bằng khi về già phải sống đơn thân.


Bà Thể Hà nhìn cô năm Điệu chậm rãi, nói:
-Không nói thì thôi. Một khi đã nói thì phải thật chính xác. Điều mà tôi nói ra đây thẳng và thật, nếu như cô năm không buồn thì tôi mới nói.
Cô năm Điệu nhanh nhẩu:
-Dạ, em xin hứa!


Bà Thể Hà nhìn cô năm với ánh mắt cảm thông, lập lại câu nói:
-Sở dĩ bấy lâu nay cô năm chưa tìm cho mình được một tấm chồng, là vì cô năm bị… “Phá tướng”.
Cô năm Điệu nôn nóng:
-Bị “Phá tướng”. Em bị… “Phá tướng” ở chỗ nào?
-Con người ta có “Ẩn tướng” và “Phá tướng”. Như ông Mạc Đỉnh Chi ngày xưa ngoại hình tuy xấu xí, sở dĩ ông được làm quan là nhờ ông có “Ẩn tướng”.
Cô năm Điệu hỏi:
-Còn “Phá tướng?”
Bà Thể Hà thẳng thắng nói:
-Nguyên nhân của sự “Phá tướng” là do nơi tính cách của người mà ra. Cô năm bị “Phá tướng” là tại do nói nhiều, hay săm soi, chỏ mỏ chuyện của người khác. Đàn ông họ chỉ chọn cho mình người phụ nữ trung hậu, đảm đang, chớ không ai lại đi chọn cho mình cô vợ nói dài, nói dai, nói dở! Nếu như cô năm biết sửa sai không nói nhiều, thì “Phá tướng” đó sẽ không còn.


Cô năm Điệu hiểu ra, gật đầu lia lịa:
-Em tin lời chị tư. Em…em hứa sẽ sửa đổi. Em cám ơn chị tư rất nhiều. Dạ, em xin chào chị tư em về.


Bà Thể Hà nhìn theo cô năm Điệu cho đến khuất. Tự giờ, Thiện đứng sau lưng bà Thể Hà, đoạn lên tiếng:
-Con không dè… má là “truyền nhân” của Ma Y Thần Tướng. Má xem tướng con thử xem, sau này con lấy vợ có đạo giống như cậu Hội, con ông mười hay không?
Bà Thể Hà nhìn Thiện hỏi:
-Không lẽ con cũng thương người có đạo?


Thiện không trả lời câu hỏi bà Thể Hà, nói lấp lửng:
-Dạ, hiện tại thì chưa. Nhưng có ai biết được tương lai ra làm sao hả má? Con thấy việc lấy vợ có đạo cũng bình thường thôi. Đạo nào cũng dạy con người ta ăn hiền ở lành. Sao cô năm Điệu lại làm to chuyện như thế?


Bà Thể Hà yên lặng nhìn con, nói trong suy nghĩ:
-Không lẽ… nó lại bắt chước cậu Hội con ông mười, định lấy vợ có đạo hay sao chứ!


o0o


Nhà ông mười ở cạnh một dòng suối, cách xóm trại cưa khoảng chừng năm trăm mét. Nghe kể, ngày xưa - Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, ông là một nghệ sĩ theo đoàn hát lang bạt kỳ hồ. Như duyên trời định sẵn, ông gặp bà mười và quyết định rời khỏi đoàn hát. Bà mười như hiểu được nỗi lòng của ông cất giọng nhẹ nhàng, hỏi:
-Hồi đi hát, anh không làm gì phải động đến móng tay. Bây giờ lấy em, anh phải làm vườn cực khổ, anh có hối hận không?
Ông mười cười hiền, nói:
-Được sống cạnh bên em, dẫu có cực khổ bao nhiêu anh cũng thấy vui. Có sớt chia khổ cực với nhau, đó mới là vợ chồng.
Nghe ông nói, bà rơm rớm nước mắt xúc động:
-Anh theo đoàn hát sống nơi thành thị đã quen, giờ phải về một nơi xa xôi, hẻo lánh anh có nhớ đoàn hát, có nhớ ánh đèn sân khấu không?
Ông mười cười hiền:
-Nếu nói không là dối lòng, không đúng. Trong cuộc sống, mọi thứ đều có điểm dừng, không sớm thì muộn thôi. Không một nghệ sĩ nào mà được tỏa sáng mãi trên cái đỉnh vinh quang. Không có gì bất hạnh cho bằng khi “phấn cạn son mòn” phải sống đơn thân. Anh giờ chỉ biết có em thôi.


Bà mười xúc động trước tấm chân tình của ông. Hai năm sau, hạnh phúc vỡ òa khi bà hạ sinh cho ông một bé trai kháu khỉnh. Ông đặt đứa bé tên là Hội, với ý nghĩa nói lên sự “Hội ngộ” cuộc tình duyên giữa ông.bà. Oái ăm thay, khi Hội lên năm tuổi bà đột ngột bỏ ông ra đi sau cơn bạo bệnh. Thương bà, ông làm thân gà trống nuôi con cho đến ngày Hội khôn lớn.


o0o


Tiếng gọi nơi cổng cắt đi dòng suy nghĩ của ông. Ông không khỏi ngạc nhiên sao bỗng dưng Thiện lại đến nhà. Trong công ty, Thiện là sếp của Hội. Hay là thằng Hội nó làm sai trái điều gì nên Thiện mới đến đây mà mắng vốn chăng? Tuy nghĩ như vậy, nhưng ông rất tin tưởng nơi Hội, bởi nó là một đứa con hiền lành, hiếu thảo. Vừa bước vào đên khoảng sân, Thiện cất giọng giả lả:
-Dạ, con chào ông mười, ông mười vẫn khỏe?
Ông mười cười cười, lịch sự:
-Cám ơn cháu. Có phải cháu đến đây là để tìm thằng Hội?
Thiện trả lời nhanh nhẩu:
-Dạ không, con sang đây là để gặp ông.


Ông mười thoáng một chút nghĩ ngợi
- Hồi nào tới giờ, có bao giờ Thiện nó đến nhà mình. Bữa nay nó lại đến chắc là phải có chuyện gì đây.


Ông mười lên tiếng hỏi:
-Chẳng hay cháu Thiện tìm ông có việc gì?
Thiện hiền hòa:
-Dạ, con xin phép được hỏi ông mười điều này. Trước khi hỏi, con thành thật xin lỗi ông mười, nếu như câu hỏi của con làm cho ông mười không hài lòng.
Ông mười cười hiền:
-Mình là ông cháu, nếu có gì cháu cứ hỏi, hơi sức đâu lại phải rào trước, đón sau? Cháu cứ tự nhiên hỏi, ông sẵn sàng trả lời những gì mà ông biết.


Thiện một chút e dè:
-Con rất ngại khi phải hỏi ông mười câu này.


Thiện hắng giọng thu hết can đảm
- Ông mười chỉ có mỗi cậu Hội là con trai. Sao ông mười lại đồng ý cho cậu Hội lấy vợ có đạo mà ông mười không ngăn cản?
Ông mười hỏi vặn:
-Lấy lý do gì để mà ngăn cản, cháu Thiện nói ông nghe thử xem?
Thiện chợt lúng túng, không ngờ ông mười hỏi ngược lại mình. Thiện hạ giọng nói tiếp
- Dạ… tại vì con nghe nói… ở bên đạo không cho đốt nhang, không cho cúng giỗ người đã khuất.
Ông mười nói trong suy nghĩ:
-Thì ra, Thiện nó đến là để hỏi chuyện này. Sau cái hắng giọng, ông mười nói
- Điều mà cháu vừa hỏi là có chớ chẳng phải không. nhưng nó lâu lắm rồi! Bây giờ Giáo Hội thoáng hơn xưa rất nhiều, không còn chuyện đó nữa đâu.


Ngừng một lát, ông mười tiếp
- Ông mười hỏi cháu Thiện câu này…


Thiện lễ phép:
-Dạ, con xin được lắng nghe.
Ông mười nhìn thẳng vào Thiện:
-Hồi nào tới giờ, cháu có thấy… việc cúng giỗ mà người chết về ăn bao giờ chưa?
Ông mười cười nhẹ, nói tiếp
- Cúng giỗ, đó chẳng qua là tưởng nhớ đến ngày mất của người đã khuất. Kế đến là gì cháu Thiện có biết không?
Thiện thật thà:
-Dạ không. Con chưa được biết.
Ông mười nhìn Thiện nói quả quyết:
-Kế đến là… trả nợ miệng!


Thiện lại lên tiếng hỏi:
-Vậy ông mười có biết qua về đạo không?
Ông mười nhanh nhẩu đáp:
-Có, ông mười có biết qua về 10 điều răn của Đức Chúa Trời và sáu điều răn Hội Thánh. Nhưng ông chỉ nhớ bập bõm mà thôi. Chẳng hạn những điều như: “Thảo kính cha mẹ” rồi “Chớ lấy vợ chồng người” “Chớ tham của người”. Nhưng ông không còn nhớ đó là điều răn thứ mấy.


Nghe ông mười nói Thiện nghĩ thầm:
-Thì ra… đạo nào cũng dạy cho con người ta điều hay lẽ phải.


Tới đây, Thiện đứng dậy xin phép ông mười kiếu từ ra về. Ông mười tiễn Thiện ra cỗng, nhìn theo Thiện bước đi cho đến khuất, lòng không khỏi nghĩ ngợi băn khoăn:
-Không lẽ… cháu Thiện nó cũng định lấy vợ có đạo hay sao chứ!


o0o


Bà Thể Hà khi nghe Thiện nói sẽ lập gia đình với con Quyên - người có đạo. Tuy ảnh hưởng nho học nhưng bà không bảo thủ. Bà nói như khẳng định với chính mình
- Mình đâu có sống hoài với con, chỉ có vợ chồng nó mới sống đời với nhau đến đầu bạc, răng long. Hễ nó thương con ai thì mình lo cưới cho nó.


Một tuần sau, Thiện đưa Quyên về nhà ra mắt. Bà Thể Hà rất hài lòng khi thấy Quyên chẳng những xinh đẹp, mà lại còn ăn nói rất có khuôn phép. Bà Thể Hà hài lòng với đứa con dâu tương lai của mình. Bất giác, bà buộc miệng nói – Đúng là người có đạo, ăn nói rất là chuẩn mực! Tới đây, bà sực nhớ đến cô năm Điệu, Kể từ cái hôm bà nói chuyện “Phá tướng” đến nay, tính ra cũng đã hơn ba năm rồi mà cô năm Điệu vẫn biệt vô âm tín. Nghĩ tới đây, bà Thể Hà tự trách mình: “Từ đây về sau, mình sẽ không góp ý với bất kỳ ai. Lời thật đôi khi mất lòng. Không chừng, cô năm Điệu giận không đến với mình cũng nên”



o0o




Chiếc xe tay ga loại đắc tiền dừng lại trước hàng hiên, cắt đi dòng duy nghĩ của bà. Người phụ nữ bế đứa con gái ngồi phía trước cất giọng âu yếm:
-Con gái yêu, khoanh tay thưa bà tư đi con, ngoan mẹ cưng.
Đứa bé vâng lời mẹ khoanh tay lễ phép nói ngọng nghiệu:
-Dạ, con “khưa” (thưa) bà “cư” (tư).


Bà Thể Hà nhìn gương mặt của bé gái xinh xắn. Bà không khỏi ngạc nhiên khi thấy sợi dây chuyền của bé gái có cây thánh giá. Bà cố nhớ
- “Ủa, ai vậy kìa, mình đâu có quen với ai là người có đạo đâu. Bé gái này là con của ai?”


Tiếng nói nhẹ nhàng, lịch sự của người phụ nữ đưa bà trở về thực tại:
-Dạ em thưa chị tư, bấy lâu nay chị tư vẫn khỏe.
Người phụ nữ vừa nói, vừa gỡ chiếc khẩu trang che kín mặt mỉm miệng cười. Bà Thể Hà ngạc nhiên: -Úy trời, cô năm! Hơn ba năm nay cô năm đi đâu biền biệt. Chị vừa mới nghĩ đến cô năm đây.


Cô năm Điệu nhỏ nhẹ, hỏi:
-Dạ, chị tư nghĩ đến em điều gì?
Bà Thể Hà thật thà:
-Bấy lâu nay không gặp, chị tư nghĩ là cô năm đã giận chị.


Cô năm Điệu xúc động:
-Em đưa bé Hiền về đây để nói lời cám ơn chị. Nhân tiện vợ chồng em kính gởi đến chị một ít quà quê. Nhờ lời khuyên của chị mà em đã gặp được nhà em.


Bà Thể Hà nhìn đứa bé:
-Như vậy là…
Cô năm Điệu hiểu ý bà Thể Hà:
-Dạ, chồng em là người có đạo. “Thuyền theo lái, gái theo chồng” nên em phải theo đạo của chồng. Cháu Thiện vẫn khỏe hả chị?
Bà Thể Hà như có dịp giải bày:
-Cám ơn cô năm, cháu Thiện vẫn khỏe. Cháu nó vừa ấy vợ cách đây khoảng sáu tháng. Chị rất mừng con dâu của chị có đạo vừa đẹp người, lại vừa đẹp nết - Bà Thể Hà lấy làm hãnh diện khi kể về con dâu mình.
Cô năm Điệu nói giọng khẽ khàng:
-Nhờ em theo đạo nên mới hiểu đạo. Em thấy mình có lỗi với ông mười và cũng rất lấy làm hối hận với những câu nói của ngày xưa. Lát nữa đây, em phải sang thăm và nói lời tạ lỗi với ông mười.


Bà Thể Hà niềm vui rạng rỡ trên nét mặt:
-Chị sẽ đi cùng em. Cũng nhờ nơi cách nghĩ của ông mười mà con của chị trở thành người có đạo.
Cô năm Điệu vui vẻ: -Dạ, em cũng có suy nghĩ giống như chị vậy!


(Tên thật: Thái Quốc Thế Nguyên)