Những bông hoa màu tím của ‘đối thoại liên tôn’

Quang X Nguyen

Đức Phanxicô và các vị sư sãi của một ngôi chùa

Lời giới thiệu của Vietcatholic: tác giả bài này là Cha Cố Piô Ngô Phúc Hậu. Ngài thuộc giáo phận Cần Thơ, từng là cha sở nhiều năm ở Cà Mau, miền cực Nam của VN. Ngài giảng đạo bằng chính đời sống của mình, ngài không chủ trương xây nhà thờ mà xây cầu, làm đường, mở trường học, làm ‘Mái Nhà Tình thương’. Nay ngài đã ngoài 80, hiện về sống tuổi già ở sinh quán Sơn Tây miền cực bắc VN. Ngài thường được mời đi giảng thuyết và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo ở khắp nơi. Ngài cũng là một nhà văn, cây bút có lửa. Đây là một trong những bài văn ký sự của Ngài.

Bông hoa 1 và 2.


Vào thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, khó khăn bao trùm bốn bề, thế mà Dòng Chúa Cứu Thế đã cho xuất bản được cuốn Thánh Kinh trọn bộ, do linh mục Nguyễn Thế Thuấn chuyển dịch và chú giải. Mỹ thuật in ấn thì cao, phần chú giải thì phong phú.


Mừng qúa và hứng qúa, mình mua ngay 2 cuốn : một cho mình, một tặng ông bạn Hồ Xuân Phong, mục sư Tin Lành. Nhà mình ở phường 6, nhà ổng ở phường 9. Mình chỉ cần cuốc bộ 12 phút là tới.

Sau một cái bắt tay nóng bỏng, mình xun xoe vô đề:

- Bên Công Giáo mới in được một cuốn Thánh Kinh tuyệt vời : giấy ‘bíp’ vừa mỏng vừa dai, chú giải vừa dài vừa chuẩn. Vào thời buổi này mà cho ra đời được một cuốn Thánh Kinh như thế thì phải mừng hết biết. Tôi xin tặng Mục sư một cuốn để làm kỷ niệm : kỷ niệm cho tình bạn của hai ta và kỷ niệm về một thời phải vác khổ giá cực nặng.

- Xin cám ơn linh mục.

Mục sư Xuân Phong trân trọng bưng cuốn Thánh Kinh nặng trĩu bằng cả hai bàn tay. Ổng lât qua lật lại, nhìn ngắm bià trước bià sau, rồi soi mói tên dịch giả, và những câu chú giải... Bỗng ông nhìn chằm chằm vào mặt mình.

- Cuốn Thánh Kinh lớn lao như thế này mà chỉ có một mình linh mục Thuấn chuyển dịch thôi sao ? Phải có một uỷ ban dịch thuật mới tương xứng chứ.

Mình đang hí hửng, bỗng dưng sụ mặt xuống. Mục sư Phong phát biểu đúng qúa. Mìng đầu hàng bằng sự im lặng, rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.

- Mục sư ơi, bên Tin Lành giàu qúa : in hằng triệu cuốn Thánh Kinh và tặng không . Tặng tía lia, tía lia... vô vàn vô số cho độc giả.

Bên Công Giáo giàu hơn bên Tin Lành, nhưng có đồng nào thì xây tháp và mua chuông hết rồi, còn tiền đâu mà in Thánh Kinh.

Đúng qúa, không cần biện minh.

Mình giã từ mục sư Xuân Phong. Trên đường về mình suy nghĩ mông lung. Hai nhận xét của mục sư Phong đều rất đúng. Mình vừa buồn vừa vui. Buồn vì thua 2-0. Mừng vì đó là hai bài học qúy giá. Mình gọi hai bài học đó là hai bông hoa tím. Màu tím là màu buồn, nhưng vẫn xinh đẹp chẳng thua gì các hoa màu khác.

Bông hoa 3


Mình đang thả bộ từ toà giám mục Cần Thơ về nhà thờ Chánh tòa thì bỗng có tiếng xe thắng ‘két’ một cái ở ngay bên lề và ở ngay sau lưng. Mình vội quay lại thì gặp ngay ánh mắt rực sáng của Đại đức Thích Thiện Nhẫn.

- Linh mục đi đâu đây ?

- Tôi đi về nhà thờ Cầu Xéo ( tên cúng cơm của nhà thờ Chánh tòa )

- Lên đây, tôi đưa về đấy cho.

Mình nhảy phóc lên xe Jeep và nhận ngay một điếu thuốc Salem từ tay Đại đức Thích Thiện Nhẫn. Hai nhà tu hành đều phì phà, cùng nhả khói với nhau. Hai nhà tu hành mang hai màu áo khác nhau, nhưng hai làn khói đều the the và thơm thơm như nhau. Hai điếu thuốc thì từ từ rút ngắn lại, còn tình thân giữa hai nhà tu hành thì hối hả vươn dài ra. Vươn dài mãi tới mức thực hiện câu ngạn ngữ của tiền nhân : ‘ Yêu nhau lắm thì cắn nhau đau’. Ông ‘áo nâu’ cắn ông ‘áo đen’:

- Đạo Công Giáo của linh mục là đạo nói phét.

- Tại sao Đại Đức dám chê đạo tôi là đạo nói phét?

- Thì rõ như ban ngày đấy. Ở nhà thờ thì ai cũng đấm ngực nhận lỗi : ‘ Lỗi tại tôi... lỗi tại tôi mọi đàng’. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì có ai nhận lỗi đâu.

- Cám ơn Đại Đức. Đúng thế thật. Thế còn bên Đạo Phật thì sao?

- ( cười hề hề)

Mình giã từ Đại Đức Thích Thiện Nhẫn ở cổng nhà thờ Cầu Xéo. Chuyện đối thoại giống như trò đùa, nhưng mình cảm thấy đó là một bài học qúy giá : Bài học vừa cay vừa ngọt. Ngọt cộng với cay : hay hay, ngộ ngộ.

Đó cũng là một bông hoa tím mình nhận được trong cuộc ‘đối thoại liên tôn’.

LM Ngô Phúc Hậu