Biến cố ngã ngựa trên đường đi Đa-mát đã biến đổi cuộc đời Saul |
Với
28 tuổi đời, sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử trải dài mười năm cuối, với
hai giai đoạn trước và sau 1937, năm nhà thơ biết rõ mình mắc bệnh phong.
Trong bài viết tựa
đề: “Nửa đêm đi tìm Hàn Mạc Tử”, một người bạn của nhà thơ là Bùi Tuân
nhấn mạnh rằng ông ngạc nhiên khi được đọc những bài thơ có khuynh hướng về
Kitô giáo xuất hiện trong vài năm cuối đời Hàn Mạc Tử, và ông nôn nóng tìm gặp
nhà thơ để trao đổi về chuyện này. “Lâu nay, tôi vẫn biết bạn tôi là người Công
giáo, tính tình rất tốt. Nhưng tôi chưa thấy chàng viết gì có liên lạc về tôn
giáo của chàng cả... Khi trợ bút cho trang văn chương của báo Công Luận
cũng như vào lúc chàng vào Nam kỳ biên tập trang văn chương của báo Saigon, dưới
tên ký Lệ Thanh và Hàn Mạc Tử, những ý tưởng
về tôn giáo vẫn chưa xuất hiện dưới ngòi bút của chàng. Rồi trên đường xuôi
ngược, ở xa, tôi được nghe và thấy Hàn Mạc Tử bước lên đài danh vọng của làng
thơ với những tập thơ không in, trong ấy có cả tập Xuân như ý mà
chàng gọi là thơ cầu nguyện”.
Câu
hỏi nêu ra là tại sao có sự đột biến trong thơ Hàn Mạc Tử? Tại sao trước khi
biết rõ mình bị bệnh phong (1937), Hàn Mạc Tử làm thơ rất hay, và sau khi biết
điều ấy anh lại làm thơ cực hay? Tại sao trước đó anh chỉ làm thơ đời là chính còn
sau đó anh lại nghiêng về thơ đạo? Sự đột biến là do bệnh phong hay cái gì
khác?
Tiếp nối những câu
trả lời khác nhau của nhiều người từ nhiều phía, tôi xin được góp phần lý giải
theo một kinh nghiệm huyền học[1]
Kitô giáo, kinh nghiệm của các vị thánh dòng Cát Minh Têrêxa về sự hiệp nhất
tạo biến đổi: Con người chúng ta càng hiệp nhất với Thiên Chúa càng được
biến đổi nên Thiên Chúa.
Ngay từ những trang
đầu tiên, Kinh thánh Cựu Ước khẳng định rằng Thiên Chúa dựng nên con người
giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa ban cho con người một mầm mống để có thể ngày
càng trở nên giống Thiên Chúa. Mầm mống ấy là tự do, một sự tự do triệt để đến
nỗi con người có khả năng tự nguyện đáp lại những gợi ý của Thiên Chúa lẫn khả
năng không vâng phục, từ chối Thiên Chúa và chống lại Ngài. Hai chọn lựa đưa
tới hai kết quả trái ngược:
- Nếu từ chối Thiên
Chúa và theo đuổi ý riêng, người ta sẽ rơi vào ngõ cụt của đau thương khốn khổ
và chết chóc, cả sự chết thể lý và cả sự chết tâm linh đời đời.
- Ngược lại, nếu từ
chối ý riêng để đón nhận ý Thiên Chúa, người ta sẽ triển nở thành tuyệt tác
theo ý định của Thiên Chúa.
Kinh thánh dùng
hình ảnh nắm đất sét trong tay người thợ gốm. Nếu không chịu để cho người thợ
gốm uốn nắn, đất sét sẽ mãi mãi là đất sét. Chỉ khi nào sẵn lòng để cho nghệ
nhân tự do thao tác theo ý ông, từ uốn nắn, đẽo gọt, phơi nắng, nung trong lửa
nồng cho đến sơn phết rồi đánh bóng, vv... thỏi đất sét kia mới trở thành một
công trình tuyệt mỹ.
Cũng nơi những
trang đầu tiên, Kinh thánh ghi lại kinh nghiệm bi đát: nguyên tổ loài người đã
từ chối Thiên Chúa để gặt lấy đau khổ và trầm luân (tội nguyên tổ). Thế nhưng
Thiên Chúa không bỏ mặc con người. Ngài hứa ban cho họ một Đấng Cứu Thế, chính
là Con Một của Ngài, mặc xác phàm làm người như mọi người, trở nên người anh
của mọi người và mở đường cho mọi người được làm con cái Thiên Chúa như Ngài.
Với Tân Ước, ta không chỉ thành những bình gốm tuyệt phẩm mà còn trở nên giống
Thiên Chúa, theo mẫu Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Nhờ có tự
do, ta hưởng ứng sự sáng tạo của Thiên Chúa như đứa con đón nhận sự giáo dục
đào tạo của cha mẹ (x. Dt 5, 7; 12, 5-7). Con cái càng gần gũi cha mẹ càng nhận
được ảnh hưởng tốt của cha mẹ và việc giáo dục càng đạt hiệu quả cao.
Cũng thế, ta càng
gần gũi Thiên Chúa càng nhận rõ ý Ngài và càng thuận theo ý Ngài lại càng gần
gũi Ngài hơn và nên giống Ngài hơn. Nói cách khác, ta càng nên một lòng một ý
với Thiên Chúa là Cha, càng được biến đổi nên giống Ngài. Sự hiệp nhất với
Thiên Chúa trong một lòng muốn là sự hiệp nhất tạo biến đổi.
Tuy nhiên, được
sinh ra dưới ảnh hưởng của tội nguyên tổ và giữa môi trường đáng thương của một
nhân loại đang chối từ Thiên Chúa, ta thường kẹt vào chủ quan lầm lạc. Cả khi
ta khao khát hướng thiện, cái nhìn của ta vẫn rất giới hạn. Vì thế, một đàng ta
cần biết cương quyết vươn lên (chủ động) vừa cần biết ý thức rõ thân phận đáng
thương của mình và để cho Thiên Chúa lôi ra khỏi cái chủ quan hạn hẹp của ta để
đưa vào chương trình rộng lớn của Ngài (thụ động). Càng vâng phục Thiên Chúa,
ta càng sớm thoát khỏi hình dạng xấu xí và thân phận nô lệ của con sâu để mặc
lấy vẻ đẹp và sự tự do của cánh bướm.
Kinh nghiệm huyền
học của các vị thánh Dòng Cát Minh Têrêxa là kinh nghiệm về cả hai mặt chủ động
và thụ động ấy.
Con người chúng ta
mang xác thịt nặng nề cho nên dễ bị giác quan đánh lừa, rơi vào lầm lạc. Bên
cạnh đó, từ trước khi con người xuất hiện, đã có những thụ tạo vô hình của
Thiên Chúa, tự cao tự đại chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa nên không còn được hưởng
hạnh phúc với Thiên Chúa và bị trầm luân đời đời. Đó là các thần dữ hay ma quỷ.
Những thụ tạo hư đốn này ghen tức khi thấy con người được phúc làm con cái
Thiên Chúa, cho nên tìm mọi cách đạp đổ hạnh phúc ấy. Chúng kích thích trí
tưởng tượng, phóng đại cái tôi của ta khiến ta tưởng mình là nhất. Thiên Chúa
ban cho ta ba quan năng bên trong là trí năng (hiểu biết), ký ức (ghi nhớ và dự
phóng) và ý chí (muốn) để ta hướng về Ngài. Thế nhưng thần dữ kích thích trí
tưởng tượng và giác quan của ta để ta chạy theo các thụ tạo hữu hình và quên
lãng Thiên Chúa. Ba quan năng bên trong bị lệch lạc, trở thành ba chướng ngại,
ba xu hướng hủy diệt là tham, sân và si (tức ham hố, ghen ghét và ngu muội) kìm
giữ ta trong cái chủ quan chật hẹp. Cái chủ quan không chỉ có tính cá nhân mà
do ảnh hưởng của tội nguyên tổ và tội nhân loại, còn được dệt thành cái chủ
quan tập thể. Cả cái chủ quan cá nhân và chủ quan tập thể hợp lại thành một
thách đố cố hữu rất khó vượt qua.
Với ánh sáng lương
tâm còn sót lại trong cõi lòng, ai cũng có thể trực giác thấy cái hay cái dở,
cái lành cái dữ và biết rõ phải lánh dữ làm lành. Thế nhưng đang khi theo đuổi
đường lành, mỗi người lại bị não trạng chủ quan làm lệch hướng, rơi vào chỗ tìm
mình thay vì thực sự kiếm tìm Thiên Chúa Tạo Hóa.
Lộ trình tiến về
hiệp nhất với Thiên Chúa có hai đoạn đường: phần trước là phần luân lý có
tính chủ động, và phần sau là phần huyền học có tính thụ động.
Ở phần thứ nhất có rất nhiều người cố gắng tiến bước, thế nhưng đến cuối
đoạn đường thứ nhất (sự hoàn thiện luân lý), cái chủ quan sẽ khiến họ dừng lại,
do tưởng mình đã đạt tới tột đỉnh. Chỉ những ai biết hưởng ứng ơn Thiên Chúa
soi sáng và trợ giúp mới có thể ra khỏi mình, được giải thoát khỏi mình và được
dẫn lên đoạn đường thứ hai. Mấu chốt để tiến bước là sự buông bỏ ở cuối đoạn
đường thứ nhất, buông bỏ sự chủ động của tài sức riêng để nhường chỗ cho sự thụ
động chiều theo ân sủng, tức là ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa.
Giáo
huấn về ơn hiệp nhất với hai nhịp chủ động và thụ động ấy được vị sáng lập Dòng
Cát Minh Cải Tổ, Thánh nữ Têrêxa Avila, trình bày trong quyển Lâu Đài Nội Tâm.
Thánh nữ Têrêxa Avila hay Têrêxa Chúa Giêsu (1515-1582),
người Tây Ban Nha, là nữ tu Cát Minh. Khi 7 tuổi đã được ơn yêu mến Chúa đến độ
rủ người anh trốn nhà tìm đường chịu tử vì đạo, bởi vì muốn “chết để được thấy
Chúa”. Đến 14 tuổi, mồ côi mẹ, cô quên lãng tình Chúa, chạy theo tình đời phù
phiếm. Ông bố buộc lòng phải gởi con vào nội trú trường các nữ tu. 17 tuổi, cô
bị bệnh kỳ lạ. Cô được soi sáng nhờ vài quyển sách về tâm linh và có dịp đào
sâu kinh nghiệm. Khỏi bệnh, trốn bố vào Dòng sống đời tu Cát Minh. Ít lâu sau,
bệnh tái phát, ngày càng nặng, tưởng chết, sắp đưa vào quan tài thì tỉnh dậy.
Chị nhiều lần được ơn xuất thần, nhìn thấy Chúa. Thế nhưng cuộc sống tu viện ở
đó không đủ nghiêm túc, chị lại phai nhạt tình Chúa, chạy theo tình đời. Chúa
Giêsu xuất hiện, đứng sau lưng người đàn ông, nghiêm khắc nhìn chị. Chị hoàn
toàn được ơn đổi mới đời sống. Chị xin phép Bề Trên thực hiện cuộc cải cách đời
tu và lập ra Dòng Cát Minh Têrêxa ngày nay. Tác phẩm: Đời Tôi[2], Đường Hoàn Thiện, Ký Sự Lập Các Đan
Viện, Lâu Đài Nội Tâm (1577), những bài thơ và nhiều thư tín.
Lâu Đài Nội Tâm: Năm 62 tuổi, tác giả được yêu cầu
viết thêm về việc cầu nguyện. Bà đã dựa theo một thị kiến để viết nên quyển
này. Bà nhìn thấy các mức độ linh hồn tín hữu được ở với Thiên Chúa như những
dãy cư xá nhiều tầng nhiều lớp trong một lâu đài hình quả cầu. Bên ngoài quả
cầu là tăm tối với đủ thứ rắn rít và muông thú hung dữ. Bên trong là bình an.
Tại tâm điểm, chính Thiên Chúa vinh quang cao cả và đầy yêu thương ngự trị.
Càng vào sâu, ta càng được gần Thiên Chúa. Càng vào những dãy bên trong, các
phòng ốc càng được vinh quang Thiên Chúa từ tâm điểm tỏa ra chiếu sáng. Mỗi
người đều được mời gọi tiến vào gặp gỡ và sống thân mật (hiệp nhất) với Thiên
Chúa tại tâm điểm lòng mình. Trên mỗi thời điểm của hành trình cuộc sống, mỗi
chúng ta ở tại một mức độ nào đó trong lâu đài hiệp nhất. Nếu chạy theo thụ
tạo, không quan tâm tới Thiên Chúa, ta có thể lọt ra bên ngoài tòa lâu đài. Lúc
ấy dù Thiên Chúa vẫn ở trong sâu thẳm lòng ta, ta không hưởng được sự thân mật
với Ngài.
Tác
phẩm Lâu Đài Nội Tâm là sách giáo khoa dạy đường tâm linh, cụ thể là đời sống
cầu nguyện cao độ, viết cho các nữ đan sĩ chiêm niệm. Tác giả là một nữ đan sĩ
đã miệt mài hoạt động lo thiết lập các đan viện Cát Minh cải tổ. Khi trình bày
về những người bị dừng lại ở dãy cư xá thứ ba, tác giả minh họa bằng hai nhân
vật ngoài đời. Chi tiết ấy cho thấy,
trong mắt tác giả, quyển sách không dành riêng cho các nữ đan sĩ nhưng chung
cho mọi tín hữu muốn tiến bước trên đường tâm linh, không phân biệt nam nữ, già
trẻ, chiêm niệm hay hoạt động.
Tình
trạng hiệp nhất giữa Thiên Chúa và linh hồn được tác giả mô tả như một tòa lâu
đài có bảy lớp cư xá[3] hay bảy mức độ ở lại. Để độc giả dễ hình dung, tôi xin
trình bày giản lược như sau: Cửa vào lâu đài là sự cầu nguyện, đem lại mức độ ở lại thứ nhất, mức độ này đòi phải vượt thắng các tội trọng;
mức độ thứ hai đòi phải vượt thắng các tội nhẹ; mức độ thứ ba đòi phải bỏ
mình và ra khỏi chính mình (thoát khỏi chủ quan, không tự hào về sự hoàn thiện
luân lý). Mức độ thứ tư là đón nhận hiện tại, chu toàn bổn phận với lòng yêu
mến. Mức độ thứ năm: Hiệp nhất cùng một lòng một ý với Chúa. Mức độ thứ sáu là
nên giống Chúa Kitô trong thử thách đau thương và mức độ này trực tiếp dẫn vào
đỉnh điểm (mức độ thứ bảy) là sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa.
Nếu
hiểu là một lộ trình từ thấp lên cao, bảy mức độ của nó sẽ như sau (xin đọc từ
dưới lên):
7 - Hiệp nhất trong tình yêu
6 – Đêm tâm linh
5 – Hiệp nhất một lòng một ý với Chúa
4 – Ra khỏi mình - Vui nhận ý Chúa trong hiện tại
3 – Hoàn thiện luân lý (nguy cơ chủ quan)
2 – Thắng tội nhẹ
1 – Thắng tội trọng
Ta
có thể hình dung lộ trình ấy như những vòng tròn đồng tâm có cửa từ ngoài vào
trong, hoặc thành đường xoắn ốc của hoàng thành Cổ Loa có Đức Vua ngự ở chính
giữa, như đồ hình dưới đây:
Cựu Ước cho thấy
Thiên Chúa muốn con người được sống hạnh phúc trong sự gần gũi hiệp nhất với
Ngài. Con người vốn bất toàn bất xứng với hạnh phúc ấy nhưng Thiên Chúa ban ơn
thanh tẩy để họ có thể đến với Ngài. Tân Ước cho thấy sự thanh tẩy trước hết
phải là thanh tẩy tận cõi lòng. Trong dòng chảy Tân Ước, các vị thánh Dòng Cát
Minh Têrêxa đã khám phá và nhấn mạnh sự thanh tẩy ý muốn. Nhờ đó, khoa sư phạm
thần bí Kitô giáo đã xác định được một lộ trình tiến lên dần với 6 bước tiến về
tâm điểm hiệp nhất như đồ hình trên đây. Trước khi đạt được sự hiệp nhất trong
tình yêu tại mức độ ở lại cuối cùng, linh hồn phải đi qua sự hiệp nhất một lòng
muốn với Thiên Chúa tại mức ở lại thứ năm.
Sự hiệp nhất với
Thiên Chúa nói đây không chỉ ở đời sau, trong cõi đời đời, mà đã khởi sự ngay ở
đời này: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em... Thầy là cây nho,
anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy
sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 4-5). “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga
14, 23). “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga
17, 23).
Thách đố nơi kinh
nghiệm Kitô giáo là mở lòng ra với ơn Chúa, dùng tự do của mình để chiều theo
tự do sáng tạo của Thiên Chúa. Con người ở trong tay Thiên Chúa Tạo Hóa trổi
vượt hơn khối đất sét trong tay người thợ gốm ở chỗ có thể kháng cự những thao
tác sáng tạo của Ngài. Tuy nhiên, là một thụ tạo thấp hèn, con người động não
đến mấy cũng chỉ vẽ được cho mình một dự phóng mấp mé số không. Tới khi vui
lòng để cho Thiên Chúa tước đoạt, cái mấp mé số không ấy chợt trở thành vô tận.
Như thế, sự khôn
ngoan trong kinh nghiệm huyền học là xóa bỏ ý riêng để nhường chỗ cho ý Chúa,
khước từ sức riêng để nhường chỗ cho ơn Chúa. Nói cách khác, thay vì chủ động,
ta sẽ xóa mình, hoàn toàn thụ động đón nhận điều Thiên Chúa muốn thực hiện cho
ta.
Trên lộ trình bảy
bước, ba diễn biến quan trọng có sức giúp ta ra khỏi mình để được biến đổi là:
- Bước vào mức ở
lại thứ nhất nhờ đức tin và sự đối thoại với Thiên Chúa (cầu nguyện).
- Tại mức ở lại thứ
ba: xóa bỏ niềm tự hào về hoàn thiện luân lý để tập trung kiếm tìm và thể hiện
ý Chúa.
- Tại mức ở lại thứ
sáu: Ta gặp cảnh bị bỏ rơi và bị sỉ nhục như Chúa Kitô trên thập giá, nhưng
chính khi vui lòng đón nhận, ta sẽ được sự bình an sâu thẳm.
Có
nghĩa là, sự hiệp nhất với Thiên Chúa chí thánh đòi thụ tạo phải được gội sạch
hết mọi bất toàn, bất xứng. Song song với sự thanh tẩy chủ ý và trước khi mỗi người
nỗ lực tự thanh tẩy, chính Thiên Chúa đã có một chương trình giúp người ấy được
thanh tẩy để có thể được đưa vào hiệp nhất với Ngài. Ngài thanh tẩy vượt hơn cả
điều họ mong chờ. Tựa như người ta nấu chảy quặng, luyện sạch hết những tạp
chất để hứng lấy quý kim tinh ròng. Cuộc thanh tẩy này là sáng kiến của Thiên
Chúa nên được các tác giả huyền học Kitô giáo gọi là cuộc thanh tẩy thụ động.
Như thế, trên cả 7
bước hay 7 vòng tiến của đường vào nội tâm, chính Thiên Chúa đích thân hành
động và mời gọi con người hưởng ứng hành động của Ngài. Mỗi người vừa được mời
gọi vươn lên (chủ động) vừa được Thiên Chúa kéo lên (thụ động). Cùng lúc, vừa
có công cuộc của Thiên Chúa vừa có nỗ lực của con người, cả hai đẩy đưa con
người tiến vào càng lúc càng gần gũi Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài. Trừ đỉnh
điểm (mức độ 7), sáu mức độ có thể chia thành hai đoạn đường. Đoạn đường đầu
(luân lý) gồm ba bước 1, 2 và 3. Đoạn đường sau (hiệp nhất) gồm ba bước 4, 5 và
6. Ở ba bước sau, nét thụ động nổi rõ hơn ba bước đầu, dù vậy, sự thụ động ở
bước thứ ba sẽ tạo nên bước nhảy vọt để tiến vào đoạn đường thứ hai. Rồi sự thụ
động của bước sáu sẽ là bước nhảy vọt đưa vào sự hiệp nhất trọn vẹn ở đích điểm
(bước bảy).
Tới
đây ta có thể đối chiếu kinh nghiệm của nhà thơ Hàn Mạc Tử với lộ trình Lâu Đài
Nội Tâm để tìm được lời giải đáp cho câu hỏi nêu ra ở đầu: Tại sao sau khi biết
rõ mình bị bệnh phong, thơ anh như bay vượt lên và nghiêng nhiều về thơ đạo?
Với
những bài thơ còn lại quá ít của Hàn Mạc Tử, ta không dễ minh họa đầy đủ các
chi tiết về hành trình tâm linh của anh. May thay, ta còn giữ được tên các tập
thơ của anh và hướng đi chính của các tập ấy. Với 28 tuổi đời, sự nghiệp sáng
tác văn thơ của anh trải dài mười năm cuối (1931-1940) với sáu tập thơ và một
số bài văn.
Dựa
trên bảng niên biểu Hàn Mạc Tử[4]
và trình tự giới thiệu Thơ Hàn Mạc Tử[5],
ta được biết thứ tự các tác phẩm và qua đó cũng có thể thấy được bước tiến rất
nhanh của anh trên đường tâm linh (xin đọc từ dưới lên):
6.
Tấm linh hồn thanh khiết (1940)
5.
Cẩm châu duyên và Quần tiên hội (1939)
4. Xuân như ý và Thượng
thanh khí (1939) – Quan niệm thơ (1939)
3.
Đau thương hay Thơ điên (1938)
1937: Biết rõ mình mắc bệnh phong,
cắt đứt thư từ và xa lánh bạn bè.
2.
Gái quê (1936)
1.
Thơ đăng báo - Lệ Thanh thi tập (1931-1935)
Đem
đối chiếu, ta có:
Lâu Đài Nội Tâm
|
Hàn Mạc Tử
|
7 - Hiệp nhất trong tình yêu
|
Tấm linh hồn thanh khiết
|
6 – Đêm tâm linh
|
Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và
Quần tiên Hội
|
5 – Hiệp nhất một lòng một ý với
Chúa
|
Xuân như ý và Thượng thanh khí/
Quan niệm thơ
|
4 – Vui nhận ý Chúa trong hiện tại
|
|
3 – Ra khỏi mình
|
Đau thương
|
2 – Thắng tội nhẹ
|
Gái quê
|
1 – Thắng tội trọng
|
Thơ đăng báo – Lệ Thanh thi tập
|
Trong bảng đối
chiếu trên đây, thời điểm 1937 tương ứng với mức ở lại thứ ba của Lâu Đài Nội
Tâm, để rồi từ đó nhà thơ tiến thẳng vào kinh nghiệm hiệp nhất.
Hàn Mạc Tử đã có
được bước tiến nhảy vọt không do sáng kiến hay sức riêng của anh nhưng do sức
mạnh lôi kéo của Thiên Chúa, Đấng ưu ái thanh luyện anh qua khổ đau thể xác và
tinh thần; đồng thời cũng do bởi anh đã không hề hẹp hòi tí nào trước những gọt
giũa của Ngài.
Trước khi đảm nhận
cái chết hằng ngày của giai đoạn thứ ba, Hàn Mạc Tử đã hoàn tất giai đoạn thứ
nhất và thứ hai.
Ở
vòng thứ nhất, những người thiện chí tự thanh tẩy những tội lỗi sống sượng;
sang vòng thứ hai, họ tự thanh tẩy những tội lỗi nhẹ. Hàn Mạc Tử đã tiến vào
vòng đầu khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, rồi anh đã vượt khỏi vòng thứ hai như
thế nào?[6]
Khi ở đường Espagne
Sài Gòn, có lúc đám bạn bè nhà báo, nhà văn đã định lôi kéo Hàn Mạc Tử vào lối
sống buông thả, trụy lạc, “nhưng tâm hồn anh trinh trắng quá ngay cả cái Sài
Gòn ăn chơi tội lỗi này cũng không cám dỗ anh sa ngã được” (Chia sẻ của Hoàng
Trọng Miên, trích theo PCĐ-1, t.68).
Giáo sư Phan Cự Đệ
kết luận: “Hàn Mạc Tử đã có một cuộc đấu tranh để không bị cám dỗ, để tạo một
khoảng cách với luồng thơ đồi trụy của thời đại” (x. PCĐ-1, t. 68).
Ta
hãy nghe lời Hàn Mạc Tử tâm sự với Bùi Tuân: “Bao giờ tôi cảm thấy mình đau
đớn, trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh trong
sạch thì mới làm ra những bài thơ đạo hạnh. Không phải lúc nào mình cũng làm
được lối thơ ấy”[7].
Cuộc vượt thoát ở giai đoạn ba
Tới
dãy cư xá thứ ba của Lâu Đài Nội Tâm, những người thiện chí tự thanh tẩy cả
những khuyết điểm và bất toàn nho nhỏ. Đang khi họ nỗ lực như vậy, Thiên Chúa
đẩy cuộc thanh tẩy đi xa hơn. Ngài gởi đến những điều bất ngờ và trái ý, những
thử thách lớn. Chẳng hạn một người vừa viết xong một quyển sách dày thì bị hỏa
hoạn hủy sạch, cả bản in thử cuối cùng lẫn những phác thảo và tư liệu nhặt
nhạnh từ bao năm. Thử tưởng tượng khoảng cách và tác dụng của hai phản ứng trái
ngược. Điều gì xảy ra nếu người ấy than trời trách đất, phẫn uất phản kháng
Thiên Chúa? Và ngược lại, điều gì xảy ra nếu sau một phút thoáng buồn, người ấy
tự nhủ: Có lẽ thế lại hay, có thế mình mới chịu viết lại quyển sách cho thật
ngắn gọn, vừa xuyên suốt vừa sáng rõ dễ hiểu hơn. Bao năm ông cứ chắp vá, cứ
phải níu lấy khuôn khổ cũ, không thoát ra được, nay nhờ công trình bị hủy diệt,
ông mới thật sự tự do để viết được quyển sách thật mới, gọn nhẹ và thanh thoát,
đem so với quyển cũ khác nào bướm sánh với sâu. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng
đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới
sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Thái
độ trước chỉ đem lại đắng cay thất vọng. Thái độ sau mở ra một chân trời hoàn
toàn mới. Tác giả không thể nào hân hoan trước sự mất mát quá lớn nhưng cùng
lúc ông cảm nghiệm được một an ủi lớn: nhất định quyển sách viết lại sẽ hay hơn
trước nhiều. Đây cũng là điều Thánh nữ Têrêxa Avila nhắc đến khi mô tả vòng thứ
ba trên đường vào Lâu Đài Nội Tâm (3Cư 2, 10): ơn an ủi là điều khác với sự
hoan lạc tâm linh, người ta có thể được an ủi cả khi không hề cảm thấy ngọt
ngào hoan lạc.
Đừng
nghĩ rằng người thứ hai là một kẻ bi quan: cam lòng, đành phận. Thái độ “cũng
đành” hay “cam chịu” che tối chân trời, khiến cuộc đời thành ảm đạm, ngược với
thái độ của Đức Khổng Tử là “thuận theo ý Trời”, mở ra một chân trời tươi sáng.
Đó
cũng là thái độ của Hàn Mạc Tử. Thái độ được người viết niên biểu lược ghi gãy
gọn nhẹ nhàng: “1937:... biết rõ mình mắc bệnh phong, cắt đứt thư từ và xa
lánh bạn bè”. Đàng sau mấy chữ đơn giản ấy là biết bao đấu tranh để quảng
đại đáp lại ý Thiên Chúa, khiến ta lặng người đi nếu không bật khóc. (x. PCĐ-2
giữa trang 38)
Mai
Đình chỉ là người bên cạnh nhưng đã phản ứng trước những chuyện ấy bằng những
lời “căm giận”:
Em muốn phá tan cả đất trời
Cho lòng nhẹ bớt nỗi bi ai
Thương Anh càng thấy căm trời đất
Gieo bệnh nan y để hại người.
(PCĐ1, t. 366)
Đang
khi đó suốt tập Đau thương, 48 bài thơ, ta không hề thấy Hàn Mạc Tử thốt
ra một từ nào mang ý nghĩa phiền trách. “Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn
tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt...” (Chơi giữa mùa trăng).
Và
phút chốc, ta thấy xảy ra phép lạ của sự từ bỏ: thơ của an bình và là thơ gieo
an bình. Đang khi mọi người chỉ nhìn thấy mặt trái nham nhở của tấm thảm, nhà
thơ được ơn vượt khỏi thế giới này, nhảy vào một cõi khác, nhìn thấy tuyệt tác
phía mặt phải tấm thảm. Anh được ơn nhìn mọi sự từ cõi vĩnh hằng và kể lại cho
chúng ta, những người đang sống ở cõi đời tạm bợ. Xem lời tựa Đau thương
(PCĐ-1, 159-160)[8].
70
năm qua, không thiếu người đã mô phỏng ngôn từ, âm điệu và hình ảnh của Hàn Mạc
Tử, lắm khi hết sức tài tình, nhưng chưa thấy ai có câu nào tồn tại với thời
gian. Đang khi đó, sau ba phần tư thế kỷ, thơ Hàn Mạc Tử cả lời lẫn ý vẫn không
một chút cũ mòn. Vì đâu? Vì mấu chốt để hoàn tất giai đoạn thứ ba là sự khiêm
nhường. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu
ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Thư Thánh Giacôbê 4, 6). Trong hồi ký về những
ngày cuối đời Hàn Mạc Tử, ông Nguyễn Văn Xê viết: “Trên đường trở về nhà
thương, vừa đi tôi vừa suy nghĩ về Trí, về sự khiêm nhường của Trí là từ ngày
vô cho đến chết, Trí chưa hề nói một tiếng Pháp với bất cứ mẹ nào. Lúc nào tôi
cũng là người thông ngôn” (PCĐ-1, tt. 380-381).
Vì mấu chốt để hoàn tất giai đoạn thứ ba là sự khiêm nhường |
Khiêm
nhường đây không phải là vẻ từ tốn bên ngoài nhưng là sự “hiền lành và khiêm
nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Học khiêm nhường với Chúa Giêsu là học sự xóa
mình triệt để đến mức độ tự hủy (x. Pl 2, 6-8). Như thế, giai đoạn ba gắn liền
với giai đoạn sáu. Để hoàn tất giai đoạn ba, ta cần hướng tới giai đoạn sáu,
khao khát nên giống Chúa Giêsu trong nghèo hèn, bị cô đơn, bị bỏ rơi, bị sỉ
nhục. Làm như thế là ta đang đong cho Chúa những đấu thật đầy và Chúa sẽ trả
lại những đấu tràn đầy gấp bội (x. Mc 4, 24). Theo hướng ấy, với chút kinh
nghiệm hướng dẫn các linh hồn qua sứ vụ linh mục, tôi có thể xác quyết rằng:
bất cứ thi sĩ nào càng thêm khiêm nhường thì thơ sẽ càng hay, cái hay từ ơn
Chúa.
Đón
nhận thử thách và sẵn sàng từ bỏ tất cả để dấn thân theo Chúa, nhà thơ Hàn Mạc
Tử của chúng ta được gấp trăm và còn hơn gấp trăm (x. Mc 10, 29-30), bởi lẽ anh
được lôi lên một tầm cao hoàn toàn mới. Chẳng hạn, từ tuyển tập Đau Thương trở
đi, Hàn Mạc Tử vẫn nhắc nhiều đến phụ nữ nhưng cái nhìn của anh hoàn toàn thanh
thoát: Khác với Beaudelaire, “trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong
vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội... Tình cảm là sự
thanh bạch hồn nhiên, không một chút gì bợn nhơ, tội lỗi; còn dục tình là cả
một sự ham muốn phi thường, ngoài điều răn của Đức Chúa Trời...” (Quan Niệm Thơ).
Càng
vô tội, người thơ càng có cảm thức sâu xa về tội:
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối.
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng.
(Đêm xuân cầu nguyện)
Nghe
hai tiếng “tội lỗi”, những đầu óc vụ luân lý dễ vẽ vời ra những chuyện gì đó có lẽ xấu xa ghê gớm
lắm. Họ khó mà hiểu được tâm thức một người đã đạt tới chỗ tận hưởng phong vị
của mọi sự một cách vô tội. Phải là những ai đã rung động mãnh liệt trước tình
yêu của Chúa Cứu Thế Giêsu và tha thiết khát khao đáp lại mới hiểu được cái tế
nhị của tình yêu, chỉ một sơ suất rất nhỏ cũng vô cùng áy náy với Đấng yêu mến
ta vô cùng và ta hết sức yêu mến.
Trong
Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã có một cảm nghiệm kinh hoàng về sự thánh thiện của
Thiên Chúa (x. Is 64, 5). Với tâm hồn Tân Ước, khi đã yêu mến Thiên Chúa cách
tế nhị, người tín hữu không kinh hoàng trước sự thánh thiện nhưng khổ đau vì
những điều nhỏ mọn xúc phạm đến Tình Yêu.
Nói
về cuộc vượt thoát của Hàn Mạc Tử, Nguyễn Mộng Giác viết: “Giêsu Christ đã chịu
đau khổ, đã chịu chết để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Hàn Mạc Tử đã chịu
đau khổ để hiểu ý nghĩa của đau khổ, từ đó vươn lên cõi đạo”[9].
Tuy
nhiên, không chỉ có thế. Hàn Mạc Tử đã tâm sự với Bùi Tuân: “Tôi dự định viết
ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới nước ta chưa ai nghĩ đến việc đem
truyện Sinh Nhựt, truyện Phục Sinh để làm thi đề. Đó là những tài liệu không
còn gì thú vị bằng”.[10]
Hồi nhỏ tôi rất ngạc nhiên khi đọc lời ấy, tự hỏi tại sao nhà thơ nhắc tới mầu
nhiệm Giáng sinh và Phục sinh mà không nhắc tới sự Thương khó và cái Chết của
Chúa? Nay thì tôi mới hiểu: một khi đã qua lúc nửa đêm, ta không còn nghĩ đến
bóng tối vây phủ mà chỉ hướng tới hừng đông.
Để độc giả không
nghĩ rằng tôi đang tìm cách chứng minh một học thuyết, tôi xin phép được trích
dẫn bút tích của chính Hàn Mạc Tử. Nhà thơ vừa rao: “ai mua trăng tôi bán trăng
cho” thì đã vội vàng đính chính: “không, không, không, tôi chẳng bán hòn
trăng... trăng vàng trăng ngọc bán sao đang”. Nhà thơ đã từng ghép tên
những phụ nữ mình yêu mến vào các câu thơ cách thật tài tình, thì ở đây thủ
thuật của anh cũng tương tự. Hòn và ngọc cộng với ý tưởng nơi
triệt thứ hai của bài thơ cho thấy anh đang nói về hòn ngọc Nước Trời: “Nước
Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì
liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa
ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.
Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua
viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-46). Hàn Mạc Tử đã gặp được ngọc quý của Nước Trời
và trả mọi giá để mua cho bằng được. Ngọc quý vô cùng vô tận, trả giá nào đi
nữa vẫn rẻ, dù đó là giá của “lời phụ rẫy” hay của bệnh phong cùi. Nguồn thơ
anh bắt gặp là “Thơ mầu nhiệm”, vượt trên mọi thứ thơ, là chính Con Thiên Chúa
nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ để ra đời làm người (x. Ave Maria, câu
35). Để mua sắm Thơ mầu nhiệm cho đời, anh sẵn sàng trả giá đau thương: “Máu
tim ta tuôn ra làm bể cả” (Biển Hồn Ta, câu 1).
Trong bài Quan Niệm
Thơ gởi Trọng Miên, Hàn Mạc Tử viết: “Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc,
hương là để cho người đời hưởng thụ nhưng người đời u mê phần nhiều không biết
tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của
Đấng Chí Tôn. Vì thế trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta,
Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: Loài thi sĩ. Loài này là
những bông hoa quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh rất thiêng liêng:
Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca
ngợi những quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái
lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm
trọn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu
danh lại muôn đời, Người bắt chúng mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh
tàn khốc theo riết bên mình...” (Trích theo PCĐ-1, tt. 178-180).
“Loài người hãy cám
ơn thi nhân đã đổ ra biết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay
trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng...” (Lời tựa Xuân như ý: PCĐ-1,
tr. 161-162).
Những lời trên đây
của chính Hàn Mạc Tử giúp ta hiểu rõ tại sao trước khi biết rõ mình bị bệnh
phong (1937), anh làm thơ rất hay, và sau khi biết điều ấy anh lại làm thơ cực
hay, tại sao trước đó anh chỉ làm thơ đời là chính còn sau đó anh lại nghiêng
về thơ đạo.
Tuy
nhiên sự vui lòng ở bước ba chỉ mới đẩy nhà thơ lên hẳn bình diện hiệp nhất chứ chưa khiến kinh nghiệm hiệp nhất nở hoa. Sự nở
hoa chỉ xảy ra ở bước sáu, tức ở đoạn cuối của phần đường thứ hai.
Hãy đọc Lời tựa Xuân
như ý. Như ý là chặng thứ năm trên đường vào nội tâm, là được ơn hiệp nhất
một lòng một ý với Thiên Chúa. Theo Đức Khổng Tử, đây là kinh nghiệm “lục thập
nhi nhĩ thuận” và “thất thập nhi tòng tâm”. Ta chiều theo ý Trời và Trời chiều
theo ý ta. Như một tác giả minh triết trong Cựu Ước: “Trong tay Chúa, lòng Đức
Vua tựa dòng nước chảy” (Cn 21, 1). Hoàn toàn tự do. Chúa muốn gì, mình muốn
nấy; và mình muốn gì, Chúa muốn nấy, bởi một lẽ rằng mình chỉ còn muốn những
điều Chúa muốn. Từ đó mà có Xuân như ý, cả một mùa xuân, cả một trời hạnh phúc
trong ý muốn của Thiên Chúa.
Giữa những thử thách ở giai đoạn thứ ba, linh hồn tín hữu vẫn nhận được bình an và an ủi nhưng thiếu vắng những hoan lạc tâm linh |
Giữa những thử thách ở giai đoạn thứ ba, linh hồn tín hữu vẫn nhận được bình an và an ủi nhưng thiếu vắng những hoan lạc tâm linh. Còn giữa mùa Xuân như ý của ơn tòng tâm ở giai đoạn thứ năm thì có nhiều hoan lạc ngọt ngào. Vị Chúa của linh hồn là vị Chúa chịu đóng đinh tức tửi nhục nhã trên thập giá và bị ruồng rẫy đến tận cùng, thế nhưng linh hồn tín hữu cứ say đắm yêu Ngài trong hân hoan. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể dẫn đến một sự mập mờ mới. Họ say sưa yêu Chúa vì Chúa hay vì những ngọt ngào hoan lạc? Làm sao để linh hồn có thể khẳng định mình yêu Chúa chỉ vì Chúa chứ không vì những hoan lạc và ủi an? Với thân phận thụ tạo, linh hồn biết mình rất yếu đuối. Dù có quyết gỡ mình khỏi những hoan lạc ngọt ngào, có quyết khước từ chúng, để tự chứng minh một tình yêu tinh ròng thanh khiết, linh hồn không sao thực hiện được. May thay, Thiên Chúa thấu suốt nỗi khắc khoải thầm kín ấy của linh hồn nên chính Ngài sẽ đích thân can thiệp. Chính Ngài sẽ tước đoạt hết mọi ngọt ngào hoan lạc trong một thời gian và để mặc cho linh hồn điêu đứng khốn khổ. Nếu linh hồn ấy là một kẻ chuyên cầu nguyện giữa tu phòng cô tịch, vùi sâu sau các bức tường nội cấm, nó sẽ bị để cho rơi vào chỗ hoài nghi chẳng biết có đời sau hay không (như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu), Thiên Chúa có thương xót thứ tha hay không (như thánh nữ Têrêxa Margaret Thánh Tâm Chúa Giêsu). Nếu linh hồn là một nhà truyền giáo bôn ba rong ruổi chân trời góc biển hay một mục tử luôn nằm giữa tầm nhắm của dư luận khen chê, nó sẽ bỗng chốc bị vùi sâu giữa muôn vàn sỉ nhục bất công; truyền thông đa chiều bỗng dưng nhất loạt kết án, đòi khử trừ nó khỏi cuộc đời như xưa đám đông người Do Thái chuyển từ chỗ công kênh Chúa làm vua đến chỗ đồng thanh đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Chân phước Têrêxa thành Calcutta, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt những năm dài. Cha Damien, tông đồ người phong, những tháng cuối đời tưởng như mất đức tin, mãi đến những ngày chót mới được bình an trở lại.
Dù giữa nội cấm lặng im hay giữa
lòng đời náo động, lúc ấy linh hồn kẻ Chúa yêu vẫn rơi vào thảm cảnh của Gióp
trong Cựu Ước.
Đó là đêm đức tin, là đêm tâm linh giữa chiêm niệm hay
giữa cuộc đời hoạt động, là cơ hội ngàn vàng để linh hồn được minh oan trước
mọi gièm pha vu khống, để linh hồn có cơ may tự tỏ rõ rằng nó yêu Chúa chỉ vì
Chúa chứ không vì một hoan lạc ủi an nào. Đặng Tiến viết: “Mâu thuẫn tâm cảm
của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm – vũ trụ Hàn Mạc Tử là một vũ trụ về đêm – vừa
yêu ánh sáng và vươn tới một nguồn chói lọi” (PCĐ-1, tr. 419). Ghi nhận của
tác giả Đặng Tiến khá trùng khít với học thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá, theo
đó, đêm có ba phần: đầu hôm (cuộc thanh tẩy từ ngoài vào trong), nửa đêm (thách
đố đức tin) và hừng đông (hướng về hiệp nhất trong ánh sáng). Bởi yêu hừng đông
để hiệp nhất trong ánh sáng chính ngọ, linh hồn tín hữu khao khát vượt qua
những thử thách lớn nhất của phần nửa đêm.
Bước thứ sáu được gọi là đêm đức tin, tương ứng với
cảnh Chúa Kitô bị bỏ rơi trên thập giá. Một nhà thơ Tây Ban Nha, Thánh Gioan
Thánh Giá, đã diễn tả tâm trạng vị Chúa bị bỏ rơi qua bài thơ sau đây:
1.
Một
chú bé chăn cừu lẻ loi đau khổ,
Chú
chẳng thiết vui, chẳng thiết đùa,
Chỉ
nghĩ tới cô bé chăn cừu của chú,
Trái tim tan nát vì yêu.
2.
Chú
không khóc vì tình yêu đã làm chú bị thương,
Cũng
không phải vì thấy mình buồn đau mà chú khổ.
Dù
đúng là chú đã bị đánh vào tim,
Nhưng chú khóc vì nghĩ
mình đã bị lãng quên.
3.
Chỉ
vì một ý nghĩ là mình
Bị
cô bé chăn cừu xinh đẹp lãng quên,
Mà
hết sức đau khổ, chú đã để mình bị đánh tả tơi nơi đất lạ,
Trái tim tan nát vì yêu.
4.
Và
chú bé chăn cừu nói: Thật bất hạnh
Cho
ai xua đuổi tình tôi khỏi trái tim
Và
không muốn hưởng niềm vui được có tôi ở với
Bên trái tim đã vì người
ấy mà tan nát vì yêu.
5.
Và
sau một hồi lâu chú đã lên
Trên
một thân cây, ở đó chú đã giăng đôi tay xinh đẹp,
Và
chú chết treo ở đó bởi đôi tay ấy,
Trái tim tan nát vì yêu.
Đó là thảm cảnh bị
bỏ rơi. Chỉ mới mấy ngày trước, cả một rừng người nghênh đón và tung hô Ngài là
vua (x. Mt 21, 9); thế nhưng hôm nay cũng chính những môi miệng ấy hô to: “Đóng
đinh nó vào thập giá!” (Mt 27, 22). Giuđa bán nộp Ngài, Phêrô chối Ngài và
các môn đệ khác bỏ trốn. Chúa Giêsu cảm thấy trơ trọi. Ngài ngước nhìn Chúa
Cha, Cha cũng im lặng, cho nên Ngài thốt lên: “Ê-li, Ê-li, lê-ma
xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao
Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
Tiếng kêu ấy là câu
mở đầu của Thánh vịnh 21. Thật bất ngờ, sau 22 câu than thở, 10 câu còn lại của
thánh vịnh này là những lời tạ ơn vì được Thiên Chúa cứu thoát. Chính vì thế,
một lát sau, “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lạy Cha, con xin phó thác hồn con
trong tay Cha’. Nói xong, Ngài tắt thở” (Lc 23, 46).
Nơi trường hợp Hàn
Mạc Tử, cuộc thử thách ở giai đoạn thứ sáu đã khởi sự ngay từ giai đoạn thứ ba.
Cả trong bầu khí Kinh thánh lẫn trong tâm thức người Việt nửa đầu thế kỷ 20,
cùi hủi là một điều đáng ghê tởm. Tác giả Trọng Miên viết: “Cuộc đời của Hàn
Mạc Tử là cả một bài thơ ghê gớm rùng rợn, có một không hai trong những thi sĩ
đông tây. Thần tai họa đã gieo vào chàng một chứng bệnh tàn ác trong lúc thi sĩ
rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng” (PCĐ-1, t. 357).
Thế nhưng không lâu
sau khi biết mình bị bạo bệnh, Hàn Mạc Tử đã hiểu mình được ơn nên giống Đấng
đã tự hủy ra không (Pl 2, 5-11) để cứu chuộc nhân loại, như được báo trước trong sách ngôn sứ Isaia:
“Ngài bị khinh
khi, và là đồ phế bỏ của người đời, con người đớn đau và những ốm o xo bại, như
một kẻ có gặp chúng tôi thì lo giấu mặt, bị khinh bỉ, và chúng tôi đã chẳng
thèm đếm xỉa. Trái lại, chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang, chính
các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác. Còn chúng tôi, chúng tôi lại kể Ngài
như kẻ bị trời đánh, bị Thiên Chúa trừng phạt và đày đọa. Nhưng Ngài đã bị đâm
vì những sự ngỗ nghịch của chúng tôi, và vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị
nghiền tán. Đã giáng xuống Ngài hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi, và nhờ
những vết hằn Ngài chịu, chúng tôi có phương được chữa lành. Chúng tôi hết thảy
đã xiêu lạc, như chiên cừu mỗi người quay mỗi ngả, nhưng Thiên Chúa lại để Ngài
phải lụy vì chúng tôi. Bị tra tấn, Ngài đã chịu đựng, và không mở miệng, như
cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng. Bị bắt
giam và lên án, Ngài đã bị đem đi. Nào ai màng nghĩ đến vận mạng của Ngài? Ngài
đã bị chặt phăng khỏi đất người sống, chính vì sự ngỗ nghịch của dân Ngài, Ngài
đã bị sát phạt” (Is 55, 3-8).
Sâu xa hơn những
khổ nhục bên ngoài, còn có cả sự phụ bạc, phản bội, ruồng rẫy. Chúa Giêsu tin
cậy bạn hữu mình là các Tông đồ nhưng chính họ đã lìa bỏ, phủ nhận và cả đến
dùng cái hôn để bán nộp Ngài (Mt 27, 48-49; Mc 14, 44-45; Lc 22, 47-48). Mỗi
lần tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa Kitô, Giáo hội lại thốt lên bài ca của
Đavít khóc người con phản bội:
Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng,
hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.
Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,
chỗ thân tình tâm phúc với tôi,
đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi,
trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước.
Tv 54/55, 13-15.
Hàn Mạc Tử đã phó
thác đứa con tinh thần của mình cho ba người mà anh yêu mến tin cậy nhưng có
hai người đã xử hết sức tệ với thơ anh. Một người ít học đã xé bỏ thơ anh đem
gói hành gói tỏi hoặc dùng làm giấy vệ sinh (x. PCĐ-1, tt. 383-384). Còn người
kia là bạn thân, lại để di sản đã được phó thác biến thành hư không.
Từ cõi trời cao
nhìn xuống, thấy những chuyện ấy, nhà thơ của chúng ta có buồn không? Thưa
không, một lần nữa đang lúc lẽ ra phải buồn thì anh lại rất vui, vui như các
Tông đồ, “lòng hân hoan, dạ vui mừng bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục
vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41). Vâng, Đấng yêu thương anh là Con Thiên Chúa
đã si mê loài người đến độ trở nên giống hẳn con người và chịu chết vì con
người, đã bị loại trừ cách tàn bạo, thì anh phải vui biết bao khi được chia sẻ
cùng số phận với Ngài.
Trong trích đoạn
Isaia trên đây, Đấng thụ nạn ngậm câm không mở miệng, chẳng phải vì bất cần
đời, chẳng phải vì bất lực không thể làm gì, nhưng Ngài câm lặng với cuộc đời
để liên lỉ đối thoại với Thiên Chúa tận cõi lòng. Người thơ của chúng ta cũng
thế:
Đây phút thiêng đã khởi
đầu...
Ai
hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để
nghe dưới đáy nước hồ reo
Để
nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải
nghĩa yêu...
Cả
trời say nhuộm một màu trăng
Và
cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không
một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu
là tiếng vỡ của sao băng.
(Đà Lạt trăng mờ)
Từ giai đoạn thứ ba
đến giai đoạn thứ sáu, thử thách nơi Hàn Mạc Tử tăng nhanh cả bên ngoài (sau
khi tự cô lập nơi lều tranh, anh đã xin vào bệnh viện phong Qui Hòa), lẫn bên
trong (gia đình Thương Thương yêu cầu ngưng viết kịch bản Quần tiên hội[11]).
Một tác giả đương
thời, nhà phê bình văn học Hoài Thanh chỉ nhìn bằng con mắt thường cũng đủ nhận
ra tình cảnh ấy: “Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy
bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến, người
không sao nuốt được, vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã
bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt
hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích.
Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn thể phách lẫn linh hồn cùng tan
rã...” [12].
Ô không. Không sao.
Không sao đâu. Ta có thể trích một đoạn Duyên kỳ ngộ để thấy tâm tình
của Hàn Mạc Tử trong hoàn cảnh bị bỏ rơi thật khác lạ:
Dẫu
đau đớn vì lời phụ rẫy
Nhưng
mà ta không lấy làm điều
Trăm
năm vẫn một lòng yêu
Và
còn yêu nữa rất nhiều em ơi.
(Muôn năm sầu thảm)
Một
mai kia ở bên khe nước ngọc
Với
sao sương anh nằm chết như trăng
Không
tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến
hôn anh và rửa vết thương tâm.
(Duyên kỳ ngộ)
Hoặc trong bài Những
giọt lệ:
Ai
đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao
bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những
giọt châu?
Hết sức bi thương
sầu thảm mà vẫn bình an biết bao! Vâng, mọi thử thách đều phải chào thua người
tín hữu trẻ đã nồng nàn yêu Chúa. Anh vẫn không ngừng ca hát, không ngừng viết
để ngợi mừng tình yêu cũng như ngợi mừng ơn hiệp nhất, và gọi đó là Cẩm châu
duyên, là Duyên kỳ ngộ, là Quần tiên hội. Kìa muôn dân thiên
hạ, sao lại xót thương, hãy vỗ tay reo mừng Thiên Chúa vì Ngài đã sắm được cho mình một anh hùng của tình
yêu, một tấm linh hồn thanh khiết đang ngợi ca những tấm linh hồn thanh
khiết khác.
Hẳn một số Kitô hữu
khó chịu khi thấy các tác phẩm Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần
tiên hội được đặt vào dãy cư xá thứ sáu của Lâu Đài Nội Tâm. Có lẽ họ quên
rằng hai chữ tiên tri trong Kinh thánh không có nghĩa là người biết trước tương
lai nhưng chỉ là ngôn sứ của Thiên Chúa, là người diễn đạt thông điệp của Thiên
Chúa bằng chính cuộc sống bản thân trước khi giải thích bằng lời. (x. Giêrêmia
và chiếc đai lưng, Gr 13,1-11; Êzêkiel được lệnh không than khóc khi vợ chết,
Êd 24,15-24; cuộc hôn nhân của Hôsê, Hs 1,1-3,5).
Tiến vào cảm nhận
tâm linh, các tầng lớp ý nghĩa có thể chồng chéo lên nhau... Một đàng nhà thơ
có thể thấy mình là thụ tạo mọn hèn nhưng lại được tiến dâng lên làm bạn lòng
của Ngôi Lời Thiên Chúa (x. 2Cr 11,2)... Một đàng khác, nhà thơ lại có thể dùng
chuyện tình yêu đôi lứa của mình để diễn tả cuộc tình của Thiên Chúa đối với
nhân loại. Câu chuyện Quần tiên hội có thể là phiên bản Diễm ca
riêng của nhà thơ...
Nhiều người dễ chấp
nhận cái nhìn của giáo sư Phan Cự Đệ, tách đôi Hàn Mạc Tử thành một nhân vật
thi sĩ và một nhân vật tín đồ đi bên cạnh nhau, và tưởng rằng “Hàn Mạc Tử nghệ
sĩ bao giờ cũng phóng túng hơn, hào hoa hơn Nguyễn Trọng Trí tín đồ” (PCĐ-2,
tr. 17). Những người ấy sẽ không nghĩ như thế, nếu họ biết rằng vị thánh nữ đan
sĩ tôi trích dẫn đây khi làm thơ về Chúa thì nhiều bài đọc qua ta cứ ngỡ là thơ
tình của những bạn trẻ đang yêu đương đắm đuối. Hoặc nếu như họ biết rằng Thánh
Gioan Thánh Giá, một linh mục khất sĩ, có bốn tác phẩm giáo khoa dạy đường tâm
linh và cả bốn đều chỉ minh giải những bài thơ đắm đuối yêu thương[13].
Tác
phẩm thứ nhất và thứ hai minh giải bài thơ có đoạn như sau:
Ôi
đêm! Ngươi đã hướng dẫn ta!
Ôi đêm! Đáng yêu hơn rạng đông!
Ôi đêm! Ngươi đã phối hợp
Đức Tình-Quân với tình-nương
Một tình-nương đã được biến đổi nên Tình-Quân!
Ôi đêm! Đáng yêu hơn rạng đông!
Ôi đêm! Ngươi đã phối hợp
Đức Tình-Quân với tình-nương
Một tình-nương đã được biến đổi nên Tình-Quân!
Trên
lòng tôi đầy hoa,
Được giữ vẹn cho một mình Chàng,
Chàng lưu lại đó, say ngủ,
Và tôi vuốt ve Chàng,
Và quạt mát cho Chàng bàng quạt bá hương.
Được giữ vẹn cho một mình Chàng,
Chàng lưu lại đó, say ngủ,
Và tôi vuốt ve Chàng,
Và quạt mát cho Chàng bàng quạt bá hương.
Bài thơ cho tác
phẩm thứ ba mở đầu:
Người
ẩn nơi nao, Hỡi người Yêu Dấu,
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.
Bài thơ cho tác phẩm
thứ tư mở đầu:
Ôi
ngọn lửa tình nồng
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái.
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái.
Ôi
ngọn lửa tình nồng
Ngủ quên sao chớ
Xé nốt giùm em
Tấm thân này lụa đào.
Ngủ quên sao chớ
Xé nốt giùm em
Tấm thân này lụa đào.
Chẳng phải là Gioan
Thánh Giá khi làm thơ thì phóng túng, bởi lẽ đây là những bài thơ được ông dùng
để triển khai thành những giáo trình dạy đường tâm linh! Vị thánh viết nên
những sự thật mà người ngoài cuộc không hiểu được.
Đơn giản hơn, những
người viết về Hàn Mạc Tử tách đôi tình yêu
với đức tin vì họ không biết rằng một trong những sách làm nên bộ Cựu Ước là
Diễm Ca, là một chuỗi thơ tình với những câu như:
1 Hỡi bạn lòng, em đẹp biết bao,
Đôi mắt như bồ câu.
Sau lớp khăn choàng mỏng,
Làn tóc em mơn mởn
Như bầy dê bên sườn Galaát tung tăng.
2 Và hàm răng,
Hàm răng em tựa chiên
mới tắm,
Không lẻ loi, toàn sinh đôi bụ bẫm.
3Môi thắm chỉ hồng, miệng mới xinh sao.
Đôi má em, hai nửa quả đào,
Dưới khăn choàng e ấp.
4 Cổ em như bảo tháp
Của Đavít tiên vương
Được xây làm kho tàng
Treo muôn thuẫn khiên của ngàn dũng sĩ.
5 Tuyết lê em như nai tơ,
Một cặp sinh đôi của linh dương mẹ
Đang gặm cỏ non bên khóm huệ.
(Diễm Ca 4,1-5)
Làm sao quan niệm
được Thánh kinh lại viết như thế nếu chưa một lần hiểu rằng Thiên Chúa là Tình
Yêu và là nguồn mạch của mọi tình yêu trong lịch sử.
Xin đan cử tác phẩm
Quần tiên hội. Khi chiều theo yêu cầu của gia đình Thương Thương, ngưng
viết kịch bản này, Hàn Mạc Tử viết thư chia sẻ với Trần Thanh Địch như sau:
“Ba đoạn sau mà tôi tính viết, nó như thế này: bọn tiên xúm
lại vây hai người trong vòng vây mà bảo rằng “người con trai” ấy là của trời
cho, là “của chung” chứ không phải riêng gì của Thương Thương. Nếu không bằng
lòng, phải “chia” ra. Chia ra chín phần cả thảy, thế thì còn chi người ta nữa!
(Nguyên văn của Hàn Mạc Tử). Thế rồi bọn tiên nổi ghen lên. Hai người ấy phải
rủ nhau đi trốn. Bọn tiên hay được liền hè nhau đang đêm “hạ san” tìm bắt cho
kỳ được cặp uyên ương ấy, nghĩa là bọn tiên chạy theo tình yêu, trở về thế
gian, bỏ lại những động mây bây giờ thành ra hoang vu cô độc. Và những động ấy
tủi thân than kể không biết bao nhiêu mà nói. Với lại, ở động tiên con trai hay
tin bọn tiên con gái về thế gian lấy chồng, chúng hẳn cũng đâm buồn bực rồi
cùng trở lại đời cả. Và vì thế người ta mới hiểu rằng tại làm sao bây giờ, ngày
nay còn dấu tích tiên động mà tiên đực, tiên cái thì đi mô hết cả thảy. Ha!
Ha!”. (PCĐ-1, tt 333-334)
Ha! Ha! Những tình
tiết ấy cộng với kết luận hết sức diễu cợt của Hàn Mạc Tử phải chăng ngược hẳn
180o với điều tôi đang viết? Thưa không, cần hiểu rằng trong đầu óc
người tín hữu Kitô, chỉ có Thiên Chúa đã ngỏ lời với loài người trong Kinh
thánh là Thiên Chúa thật, còn mọi thần thánh của các dân tộc đều chỉ là trò đùa
giả trá do con người nghĩ ra hoặc do con người phong thần, bất cứ ai thờ phượng
các thứ giả trá ấy đều mắc tội chống lại Thiên Chúa. Như thế, trong đầu óc của
tín hữu Hàn Mạc Tử, cõi trần giá trị hơn cõi tiên, vì cõi tiên là cõi giả, cõi
trần là cõi thật. Khi nhà thơ lồng chuyện tình của bản thân vào đó, nếu anh
muốn dùng nó để diễn tả quan hệ tình yêu giữa anh và Thiên Chúa, câu chuyện sẽ
mang thêm một tầng ý nghĩa mới mà người bạn Trần Thanh Địch của anh không sao
ngờ được.
Huyền Tiên giả gái hòa mình vào đám tiên nữ.
|
Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô nhập thể
làm người ở giữa chúng ta.
|
Bọn tiên đòi xé xác Huyền Tiên mỗi đứa giành một
phần.
|
Loài người giết chết Chúa Giêsu – Ngài trở thành tấm
bánh bẻ ra đến vô tận để nuôi sống mọi người.
|
Quỳnh Tiên theo Huyền Tiên bỏ cõi giả về cõi thật.
|
Linh hồn nhà thơ yêu mến Ngôi Lời Thiên Chúa và theo
Ngài bỏ cõi tạm về quê thật đời đời.
|
Bọn tiên cũng theo chân bỏ cõi giả về cõi thật.
|
Mọi người cũng theo chân, bỏ cõi tạm về quê thật đời
đời.
|
Chuyện thật cứ như đùa. Tôi chợt nhớ câu nói Chúa
Giêsu thường lặp đi lặp lại: “Ai có tai để nghe, hãy nghe” (Mt 11, 15; 13, 9;
13, 43, vv...)
Để
kết thúc, có lẽ không gì bằng ghi lại mấy câu trong đoạn cuối bài Quan Niệm
Thơ của Hàn Mạc Tử viết cho Trọng Miên: “Miên ơi, như thế là Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ.
Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời
cách biệt... Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo vô duyên, không có
phong vị gì nữa.
Baudelaire thuộc về
phái vô thần, nên không tin Chân lý, không nhận Chân lý làm tiêu chuẩn cho thơ
văn. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ.
Văn thơ không phải bởi không mà có”.
[1]
Cũng gọi là kinh nghiệm thần bí hay kinh nghiệm hiệp nhất – và trong bài này,
kinh nghiệm được biến đổi.
[2]
Đã được đan viện Cát Minh Sài Gòn phiên dịch và ấn hành dưới tựa đề “Tiểu sử tự
thuật” – Đan viện này cũng đã in hai bản dịch Đường Hoàn Thiện và Lâu Đài Nội
Tâm. Các phần khác đang được thực hiện dần để kịp mừng 500 năm sinh nhật của
tác giả (1515-2015).
[3]
Trong bài này khi nói về những bước tiến trên đường vào nội tâm, tôi sẽ dùng
nhiều từ khác nhau: giai đoạn, bước, chặng, mức ở lại, vòng, cư xá, lớp cư xá… tất cả đều cùng một ý
nghĩa, không có gì phân biệt.
[4]
Nguyễn Toàn Thắng, trong Hàn Mạc Tử, Về Tác Gia Và Tác Phẩm, Nxb Giáo
Dục 2002, trang 36-42.
[5]
Phan Cự Đệ, Hàn Mạc Tử, Tác Phẩm, Phê Bình Và Tưởng Niệm, Nxb Văn Học 2002,
trang 189-334.
[6] Cuộc chiến đấu thắng tội nhẹ:
Vì chưng tất cả vẻ ngây thơ
Quyến rũ mê hồn của gái tơ
Chỉ lộ nên tình trong sạch được
Là nhờ đứng lặng cảnh trong mơ.
Tôi
chỉ yêu em như thế này
Luôn
bây giờ với mãi sau đây
Lòng tôi áy náy trong khi gió
Rủ rỉ bên tai chuyện nước mây…
Lòng tôi áy náy trong khi gió
Rủ rỉ bên tai chuyện nước mây…
(Nước
Mây, 21-28).
[7]
Bùi Tuân, Nửa Đêm Đi Tìm Hàn Mạc Tử, nguyệt san Vinh Sơn (Huế) số 22,
ngày 1-2-1951, tr. 7.
[8]
Cũng có thể ví như bước nhảy từ thơ cũ sang thơ mới. Xem “Không nên có luật thơ
mới” của Hàn Mạc Tử (PCĐ-1, tt. 148-149).
[9]
Nguyễn Mộng Giác, Tình và Đạo trong thơ Hàn Mạc Tử. Luận văn tốt nghiệp Đại học
Sư phạm Huế, 1963 (Trích lại theo Lê Đình Bảng, Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện, Nxb
Phương Đông 2009, tr. 323).
[10]
Bùi Tuân, Nửa Đêm Đi Tìm Hàn Mạc Tử, nguyệt san Vinh Sơn (Huế) số 22, ngày
1-2-1951, tr. 7 (Trích lại theo Lê Đình Bảng, Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện,
Nxb Phương Đông 2009, tr. 215).
[12]
Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, trích lại theo PCĐ-2, t.
171-172.
[13]
Một trong bốn tác phẩm đã có bản dịch tiếng Việt: Khúc Linh Ca, Nxb Tôn
giáo 2003.