Ngọn đèn chầu

Văn thơ Công giáo
Mã số: 17-168
(Một buổi cầu nguyện Taize của nhóm Sinh viên Công giáo Giáo xứ Phú Thượng)
- 1 -
Cuối thu. Những cơn gió heo may se lạnh đã len vào khắp các hang cùng ngõ hẻm, khiến cho lòng người cảm thấy quạnh hiu và muốn kiếm tìm hơi ấm.
Chiều hôm ấy, Nhà Thờ Lớn Hà Nội đang chìm trong sự tĩnh lặng dưới ánh sáng mờ mờ từ những ô cửa sổ rọi vào. Mới hai giờ chiều, lại là ngày thường, nên ngôi giáo đường chỉ có duy nhất một người con gái đang thổn thức.
Vi ngồi trong một góc, khẽ tựa vào một trong những chiếc cột, nước mắt chan hòa. Vừa cố nén tiếng khóc, cô vừa hướng mắt lên Cung Thánh, nơi có Nhà Tạm và hai ngọn đèn chầu lập loè yếu ớt, không đủ để chiếu sáng cho không gian xung quanh, nhưng cũng đủ sưởi ấm trái tim cô.
“Thà rằng tao bóp chết mày ngay từ khi mới sinh!”
Những lời nói của mẹ vẫn còn vang vang trong đầu. Trái tim Vi như bị ai bóp nghẹt.
Vi mới được đón nhận các bí tích Khai Tâm cách đây hai năm, nhưng đã phải chịu những cơn thử thách đức tin. Là người đầu tiên trong gia đình dòng họ được biết Chúa, nên cô quyết định sẽ theo Đạo một cách kín đáo để khỏi lụy phiền những người trong gia đình. Nhưng… như ai đó đã nói: “Người ta có thể giấu được mọi thứ, trừ say rượu và đang yêu”, cô đang yêu Đức Kitô nên cũng chẳng giấu được gia đình.
Ở cái xã hội mà Vi đang sống, những người Kitô giáo đều bị coi như công dân hạng hai. Từ khi gia đình biết cô theo Đạo thì bỗng thay đổi cách đổi xử với cô, coi cô như một kẻ tâm thần.
– Con khùng này, ông bà tổ tiên thì không thờ, lại thờ ông tây mắt xanh mũi lõ.
– Chúa Giêsu không phải là người phương Tây mà là người Israel, ở Trung Đông! – Vi giải thích.
– Mày dám cãi tao à?
Bốp! Vi lãnh trọn một cái tát nảy đom đóm mắt từ người họ hàng. Câu chuyện Vi theo Đạo được mẹ cô kể với những người họ hàng. Ai cũng sừng sộ phản đối cô. Họ lôi cô ra để dè bỉu, lôi đức tin của cô ra làm trò đùa.
– Thiên Chúa tạo ra mọi loài thế sao Chúa Giêsu lại được sinh ra bởi bà Maria?
– Thiên Chúa có ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha tạo dựng muôn loài, Chúa Con là Chúa Giêsu được Đức Mẹ thụ thai nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
– Sao lắm Chúa thế?
– Một Đức Chúa Trời, nhưng có ba ngôi.
– Chúa tạo dựng muôn loài thì Chúa từ đâu ra?
– Chúa là Đấng tự có, và có trước muôn đời.
– Mày điên rồi, Vi ạ!

Mọi người phá lên cười và chế nhạo Vi. Họ cho rằng Vi bị tâm thần. Thỉnh thoảng vẫn như thế, họ đặt câu hỏi cho Vi trả lời, rồi cười vào mặt cô. Nhưng thường xuyên là họ gán ghép những việc cô đi nhà thờ với những điều bậy bạ. Nghe những điều ấy, cô chỉ biết cố gắng giữ thái độ bình thản để rồi hàng đêm, cô lại dâng Đức Mẹ những lời kinh Mân Côi trong nước mắt.
“Thà rằng tao bóp chết mày ngay từ khi mới sinh!”
Mẹ Vi đã mắng con gái duy nhất của mình như thế khi bà thấy nó không chịu nghe lời mình. Từ trước tới nay, gia đình nhà bà có ai theo đạo Chúa đâu, mà giờ con gái bà lại như vậy. Hơn nữa, theo bà, đó là “một thứ tôn giáo ngoại lai”. Bà đã từng dành cả buổi ngồi giải thích cho con gái, rằng người Việt thì chỉ có thờ ông bà tổ tiên thôi, nhưng nó không chịu nghe. Nó lại còn bảo đó là quyền tự do của nó. Ôi, con với cái. Bà giận nó, và nhiều khi bà mong chẳng có nó trên đời.
Là một người mẹ đơn thân, bà chắt chiu nuôi con khi bị người yêu phụ bạc. Vậy mà giờ nó lại dám cãi lại mẹ. Bà mắng chửi nó đủ điều. Bà dùng roi quật cho nó một trận thâm tím mình mẩy. Nhưng không ăn thua. Nó vẫn cắn răng chịu đựng. Bà nhốt nó ở nhà vào Thứ Bảy và Chúa Nhật để ngăn nó đi lễ, thì nó âm thầm đọc kinh trong phòng. Bà tịch thu chìa khóa xe, định bắt nó đi bộ đi học thì nó đi xe buýt hoặc nhờ bạn qua chở đi.
Trong mắt mẹ, Vi là đứa con ngang bướng, không nghe lời mẹ. Còn trong mắt bạn bè đồng đạo, Vi là người tân tòng can đảm và mạnh mẽ. Nhưng đối với chính mình, Vi chỉ dám tự nhận mình chỉ là một người lữ lành mỏi mệt trên con đường đức tin. Người ta thì bước đi theo Chúa, còn Vi thì chẳng bước nổi mà nhoài người lết từng chút một…
Vi buồn vì mẹ không hiểu mình, thì mẹ Vi cũng buồn vì con gái không hiểu mình. Mối bất hòa dai dẳng và khó lòng tháo gỡ.
- 2 -
Sau khi khóc cho thỏa nỗi lòng, Vi ngồi cầu nguyện trong thinh lặng. Cô vẫn thích cách cầu nguyện như vậy, bởi cô cho rằng khi ở trước nhan Chúa, nói một lời cũng là thừa và nói ngàn lời cũng vẫn thiếu. Khoảng thời gian như thế này đối với Vi là một khoảng lặng bình yên.
Thời gian chầm chậm trôi qua… ngôi giáo đường dần dần thêm đông người.
Lúc chuẩn bị ra về, thì bỗng Vi thấy có người ngồi phía sau vỗ nhẹ vào vai.
– Em ơi. Cho anh hỏi trên kia có phải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?– Chàng trai trẻ ngồi phía sau thì thào, đồng thời nhoài người, chống tay và cằm lên thành ghế phía trước.
– Ủa? Anh không phải là người Công giáo sao?– Vi ngạc nhiên.
– Không. Anh là người Tin Lành. Hôm nay tan làm sớm nên ghé qua đây chơi.
– Anh hỏi về mấy bức tượng trên Cung Thánh kia phải không?
– Chính giữa kia là ông thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Ngài đang bế Chúa Hài Đồng đó, anh thấy không. Ông cầm chìa khóa là thánh Phêrô, còn ông cầm thanh gươm là thánh Phaolô. Hai vị tông đồ này được coi là trụ cột của Hội Thánh Công giáo.
– Ồ. Hóa ra là mấy vị đó. Người Công giáo kỳ thật đấy. Chúa bảo chỉ được thờ phượng một mình Ngài mà lại thờ cả ngẫu tượng.
– Sao anh nói vậy?
– Thì tạc tượng rồi đặt trên kia còn gì!
– Đó không phải thờ phượng, mà là tôn kính. Anh yêu mến người nào thì có giữ hình ảnh của họ để ngắm nghía không? Nếu những hình ảnh ấy nhắc anh nhớ về họ và thắt chặt thêm mối dây liên hệ giữa anh và họ thì người Công giáo dùng ảnh tượng cũng với mục đích ấy. Những vị thánh như thánh Giuse, thánh Phêrô, thánh Phaolô và Đức Maria đã có công rất lớn vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nên họ đáng được tôn kính. Và nhờ học tập những mẫu gương ấy, người Công giáo thờ phượng Thiên Chúa một cách sốt sắng hơn.
– Ồ. Ra vậy. Tìm hiểu bên Công giáo khá là thú vị. Nhưng mà anh hỏi này, sao bên Công giáo lại rửa tội cho trẻ con ngay từ khi nó mới sinh? Lẽ ra nên đợi nó lớn rồi tự quyết định có theo Chúa hay không chứ? Bên Tin Lành thì không làm phép Báptêm cho trẻ nhỏ, vì chúng chưa biết thế nào là tội lỗi và chưa đủ nhận thức để hiểu về công trình cứu chuộc của Chúa Giêxu.
Nghe vậy, Vi phì cười. Cô kể cho người anh em Tin Lành nghe rằng cô không sinh ra trong một gia đình Công giáo, nhưng nhờ ơn Đức Mẹ mà cô được biết Chúa Giêsu và mới được rửa tội được hai năm. Đó là một câu chuyện dài, nhưng cô cố gắng kể thật vắn tắt.
– Em đã phải trải qua một chặng đường rất dài mới tìm được Chúa Giêsu. Sau này em có con, em sẽ mang nó đến nhà thờ để rửa tội, mà chẳng cần phải hỏi ý kiến nó làm gì. Vì em đã dành điều tốt nhất cho nó rồi. Các bậc phụ huynh đưa con mình đi học mà đâu cần hỏi ý kiến con mình? Chúng còn quá nhỏ, có hiểu được việc học sẽ có ích với chúng thế nào đâu, phải không? Lớn nên chúng sẽ hiểu.
– Ừm… Cũng không phải là không có lý.– Người thanh niên Tin Lành trầm ngâm.– Em mới theo Công giáo mới mấy năm mà biết nhiều thật đấy. Thật đáng ngưỡng mộ.
– Có gì đâu. Em chỉ học hỏi ở những người xung quanh thôi.– Vi cười.
– Lát nữa có lễ hả em?
– Vâng.
– Mấy giờ vậy?
– Ngày thường là 6h15.
– Vậy là một tiếng nữa.– Anh ta nhìn đồng hồ.– Lát anh ở lại dự lễ luôn xem sao. Người Tin Lành dự lễ của người Công giáo không sao chứ?
– Không sao. Hihi… Nhưng anh nhớ nè. Trong Thánh Lễ có nghi thức làm phép bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Sau đó thì vị linh mục chủ tế sẽ chia bánh đó cho mọi người. Anh là người Tin Lành thì ngồi yên nhé. Vì nghi thức này chỉ dành cho người Công giáo.
– Vậy hả? OK, anh sẽ ghi nhớ điều này.
– Anh ở lại dự thánh lễ nhé, em phải về rồi. Em định về trước lúc anh gọi đấy.
– Ủa em không ở lại lễ à?
– Em có việc phải về mà. Chào anh.
– Khoan đã. Cho anh nick Facebook được không?
- 3 -
Tối hôm đó, hai người trẻ lên Facebook nói chuyện. Vi tự giới thiệu mình học năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương. Người đó giới thiệu mình tên Tuấn, tốt nghiệp Bách Khoa, hiện đang làm cho một công ty máy tính tư nhân. Có lẽ một phần vì cùng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô nên họ khá hợp chuyện.
Từ đó, cứ mỗi tối, họ lại gặp nhau qua màn hình máy tính nhấp nháy, chia sẻ những cảm nhiệm bản thân về đức tin và những xúc cảm về cuộc sống. Thỉnh thoảng, Tuấn lại theo Vi tham dự thánh lễ ở Nhà Thờ Lớn, Vi cũng theo Tuấn đi dự lễ thờ phượng ở nhà thờ Tin Lành Hàng Da – họ chỉ có thể gặp nhau ngày thường, bởi vì Vi bị nhốt nhà vào thứ Bảy và Chúa Nhật. Khi tới nhà thờ Công Giáo, Tuấn ngỡ ngàng bao nhiêu thì khi tới nhà thờ Tin Lành, Vi lại ngạc nhiên bấy nhiêu. Điều làm Vi ngưỡng mộ nhất ở những người Tin Lành mà cô gặp là sự sốt sắng trong cầu nguyện và hăng say trong truyền giáo của họ.
Những lần gặp nhau, Vi và Tuấn chỉ có đi nhà thờ và uống trà chanh chứ chưa bao giờ đi chơi đâu khác. Vi rất chịu khó quan sát và học hỏi, lại thường xuyên trao đổi với cha linh hướng của mình, nên cô rất vững về giáo lý và thường chiến thắng Tuấn trong các cuộc tranh luận.
Thường xuyên mang theo chuỗi Mân Côi bên người, nên Vi rủ Tuấn lần chuỗi. Lúc đầu, Tuấn dứt khoát không chịu đọc Kinh Kính Mừng.
– Không. Bên anh đâu có thờ bà Mary.
– Thì Công Giáo cũng đâu có thờ Đức Maria đâu, em đã nói với anh nhiều lần rồi. Nghe nè. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà.” chẳng phải đó là lời Thiên Thần Gabriel chào Đức Maria trong Kinh Thánh đó sao?
– Ừ, phải rồi.– Tuấn gật gù.
– “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” chẳng phải đó là lời chúc của thân mẫu ông Gioan Tẩy Giả dành cho Đức Maria đó sao?
– Không sai.
– “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.” chẳng phải là Đấng Cứu Thế được thụ thai trong cung lòng Đức Maria đó sao?
– Ờ há. Đưa cuốn sách đó anh coi nào… “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” Ừm… Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời, thì Ngài cũng là Chúa Trời. Vậy nói như này cũng chẳng sai. Còn Thánh thì là bậc đáng kính và là mẫu gương để cho con cái Chúa noi theo phải không?
– Anh hiểu ra vấn đề rồi đó. Nói tiếp phần sau xem nào.
– “… cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử…” Chúng ta là những tội nhân thì đúng rồi. Nhưng mà… Ủa, sao lại xin bà ấy cầu nguyện cho mình? Cầu nguyện thẳng với Chúa không phải hay hơn sao?
– Nè, bên Tin Lành của anh không có cầu nguyện cho nhau hay sao?
– Có. Nhưng mà… như này kỳ quá.
– Kỳ gì chứ. Em thấy chẳng kỳ gì hết á. Anh xin xỏ bố mẹ anh điều gì đó mà thấy khó khăn thì anh có nhờ ông bà anh hay ai đó nói giùm không nào?
– Ờ…
– Mà không chỉ có thế, Đức Maria thấy điều gì hữu ích cho chúng ta thì sẽ cầu xin điều ấy cho chúng ta, chứ không có nuông chiều quá mức đâu nha.
– Ừ…
– Nè, chịu lần chuỗi cùng em chưa? Tôn vinh Đức Mẹ là đẹp lòng Chúa Giêsu đó. Thân Mẫu của Ngài mà lại. Em mà yêu mến mẹ anh thì anh có vui không?
– Rồi rồi. Anh thua em rồi. Lần thì lần. Hehe…
Cuối cùng thì Tuấn cũng chịu cùng Vi lần chuỗi, chẳng biết vì bị thuyết phục hay vì muốn chiều lòng cô. Nhưng cứ đều đặn, hôm nào theo Vi đi lễ thì Tuấn lại cùng Vi đọc hết chuỗi năm chục.
Ngày tháng cứ thế êm đềm trôi. Dần dần, Vi và Tuấn cảm mến nhau lúc nào không hay. Nhưng chưa ai dám nói.
Một buổi chiều, hai người trẻ đi lễ ở Nhà Thờ Lớn. Họ cố tình đi thật sớm để lần chuỗi. Sau năm chục kinh, Vi quay sang Tuấn, hỏi nhỏ:
– Này, hôm đầu tiên tham dự thánh lễ ở nhà thờ Công Giáo về anh cảm thấy thế nào?
– Chả cảm thấy gì.
– Chả cảm thấy gì là sao?
– Ờ thì anh chẳng cảm thấy gì hết, vì mải tương tư.
– Tương tư ai?
– Nhắm mắt vào, rồi anh nói cho.
– Nhắm thì nhắm. Sợ gì…
Tuấn cầm chiếc smartphone của mình lên. Hình nền đang là một bức ảnh của Vi mà Tuấn đã tải xuống từ Facebook của cô.
– Mở mắt ra xem đi. Anh tương tư cô gái ngang bướng này nè.– Tuấn giơ chiếc điện thoại trước mặt Vi.
– Ơ…
– Anh yêu em. – Tuấn thầm thì rất khẽ bên tai Vi.
– Ghét cái mặt. Ai lại tỏ tình ngay trong sân nhà thờ thế này.– Vi đỏ mặt, rồi dùng cùi chỏ huých Tuấn một nhát.
– Đây là Nhà Chúa, Chúa sẽ ban phước cho tình yêu của hai đứa mình.
– Xí, ai thèm yêu anh.
– Thật là không yêu không? Nói dối là Chúa phạt đó nha!
– Ghét!
Vi đỏ mặt, đứng dậy đi vào nhà thờ trước, quên cả lấy lại chuỗi Mân Côi của mình ở trên tay Tuấn. Đó là một chuỗi Mân Côi màu đỏ, thoang thoảng mùi hương hoa hồng.
- 4 -
Thời gian trôi qua. Hình như Tuấn bị “nhiễm” lòng yêu mến Đức Mẹ của Vi. Anh được Vi tặng một chuỗi Mân Côi bằng gỗ và một cuốn sách Kinh Mân Côi. Chuỗi màu đỏ thì Vi nói là quà kỷ niệm của một ma-sơ, nên không thể tặng Tuấn được. Những khi cầu nguyện một mình ở nhà, anh đều lần chuỗi một mình. Dù vẫn là một người Tin Lành, nhưng ngày nào không dâng Đức Mẹ đủ năm chục kinh là anh thấy bứt rứt không yên.
– Vi này. Anh muốn trở thành người Công Giáo như em.
– Cái gì? – Vi sững sờ, suýt nữa làm đổ cốc trà chanh.
– Thì anh nói đó, anh muốn trở thành người Công giáo như em.
– Ủa, có lý do gì đặc biệt không? Muốn cưới em rồi hả?– Vi đùa.
– Anh yêu mến Đức Mẹ quá rồi.
– Anh chắc không đó? Làm người Tin Lành thì anh vẫn có thể yêu mến Đức Mẹ được đó thôi.
– Em không giúp thì thôi, anh về đây.
– Ơ kìa đừng giận, em trêu anh thôi mà. Nào đứng dậy, cùng em tới nhà thờ Thái Hà. Nhanh!
Tuấn đã chịu phép Báptêm, nên anh chỉ cần học một khóa giáo lý dự tòng rồi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là anh sẽ chính thức trở thành người Công Giáo. Mấy tháng sau, anh đã được toại nguyện. Anh nhận thánh Giuse Cupertino làm quan thầy.
– Sao anh chọn ông thánh này? – Vi hỏi.
– Vì ông ấy đơn sơ, dễ thương. Haha…
– Dễ nhầm với thánh Giuse – bạn trăm năm Đức Maria lắm đó.
– Kệ chứ. Mình thích thì mình chọn thôi. Haha…
Từ đó, Tuấn còn sốt sắng lần chuỗi hơn cả Vi. Còn Vi, bằng khả năng của mình, cô giúp Tuấn trau dồi thêm giáo lý, vì đây là việc phải học cả đời.
Thời gian cứ thế êm đềm trôi. Khi Vi vừa bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp thì Tuấn biến mất. Anh khóa Facebook, tắt điện thoại và trả phòng nhà trọ. Sau gần một tháng không liên lạc được với Tuấn, Vi thẫn thờ tới nhà thờ Thái Hà để gặp cha linh hướng của mình. Khi gặp Vi, cha giật mình khi thấy vẻ mặt xanh xao hốc hác của cô.
– Vi. Sao con ra nông nỗi này chứ? – Vị linh mục không giấu nổi nỗi xót xa.
– Cha ơi. Anh ấy bỏ con đi rồi. – Vi mếu máo.
– Nhưng sao con lại ra nông nỗi này?
– Cha biết lý do rồi mà. – Vi òa khóc.
– Cha biết… nhưng…
– Nhưng sao cha?
– Tuấn đã đến tìm cha. Nó xin cha giúp một số việc và dặn cha đưa cho con lá thư này khi con đến tìm gặp cha.
Vị linh mục đưa cho Vi một chiếc phong bì trắng dán kín. Chỉ có 1 dòng đề tên người nhận ngắn gọn: “Gửi Vi” – là nét chữ gầy gầy xương xương của Tuấn. Vi run run xé phong bì và mở lá thư ra đọc.
Vi, người con gái mà anh yêu thương!
Mong em thứ lỗi cho anh vì không thể gặp em trực tiếp mà phải nương nhờ những dòng chữ khô khan này. Anh chẳng biết nhờ ai ngoài cha Hải – để chuyển lá thư này cho em. Cha cũng là người linh hướng cho anh suốt thời gian qua. Em đừng trách gì cha. Anh nài nỉ mãi, cha mới nhận lời và giúp anh giữ bí mật.
Tạ ơn Chúa vì đã Ngài mang em đến với anh, cho anh được sống những tháng ngày hoa mộng. Cảm ơn em vì đã truyền cho anh lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria và sự say mê lần chuỗi để tôn vinh Mẹ. Cảm ơn em vì đã đưa anh trở lại Công Giáo và hướng dẫn anh thật nhiều điều.
Thời gian qua anh đã suy nghĩ rất nhiều, khao khát ấy trong anh cứ ngày một lớn, và theo anh vào trong cả những giấc mơ. Đó là khao khát sống đời Thánh Hiến để thuộc trọn vẹn về Chúa Giêsu Kitô và Đức Mẹ. Đó là khao khát được trở thành một linh mục để mang Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.
Khi em đọc được những dòng này thì anh đang ở trong Sài Gòn và tìm hiểu ơn gọi dòng Đa Minh. Dù thế nào đi nữa, thì hình ảnh em vẫn nguyên vẹn trong trái tim anh.
Một lần nữa, mong em thứ lỗi cho anh vì không thể nắm tay em đi hết cuộc đời.
Tuấn.
Đọc xong, Vi như người mất hồn. Cô đứng dậy, quên cả chào cha, rồi cứ thế ngơ ngẩn đi ngang qua sân để bước vào trong nhà thờ. Cô lại chọn cho mình một chỗ ngồi trong góc sát tường. Trên gian Cung Thánh, ngọn đèn chầu vẫn lập lòe cháy bên Nhà Tạm. Ánh sáng ấy tuy yếu ớt, nhưng bền bỉ và không bao giờ tắt.