Nắng yêu thương

Unknown


VVYT 17-090



-Vương à? Sáng nay em đi xe buýt với anh nhé!

Tiếng anh vọng vang qua khe cửa.

Vù......, nó vội chạy nhanh lên lầu ba để mặc quần áo cho kịp chuyến xe buýt. Cứ mỗi chủ nhật là cộng đoàn nó đi học xa, người xe máy, kẻ xe đạp, anh em không có xe thì đi ké với người có xe. Bình thường nó cũng đi xe máy chứ, nhưng sáng nay anh bảo:

“ Hôm nay trời nắng quá, anh không đi xe đạp, em đi xe buýt với anh cho vui nhé”. Nó: dạ!

Dạ xong nó bỗng có chút chần chừ, vì trời hôm nay sao trong xanh đến lạ, không một chút gợn mây, cảnh vật đều bắt nắng từ sáng sớm. Nhìn cái nắng thì nó cũng sợ nhưng nó sợ đi xe buýt hơn, vì từ nhỏ nó đã ghét mùi xăng xe. Nó - người bé nhất cộng đoàn, nhưng mỗi khi ai nhờ đến, là nó không chần chừ, đặc biệt là những điều chất chứa yêu thương. Nên sáng nay nghe tiếng anh, không có lí do gì mà nó từ chối cả.

Thật may đối với nó, vì lâu rồi mới được thảnh thơi trên xe buýt mà trò chuyện với anh.

- Nắng này chưa ăn thua gì so với nắng miền trung quê em đâu! Nắng gay gắt lắm.

- Quê anh không nắng như vậy đâu – anh mỉm cười nhìn nó.


Không hiểu sao mà tình cờ đến vậy, tối hôm qua, nó vừa gọi cho bố của người bạn thân nhất hồi cấp ba. Chú kể với nó ở nhà cũng đang nắng lắm, nắng như hồi tụi con còn học cấp 3 đấy. Thế là trên chuyến xe buýt kéo dài 30 phút, xen lẫn với dòng người vội vàng trong sáng ban mai là bao nhiêu hồi ức đẹp hiện về trong đầu óc nó.

Nó còn nhớ, đó là một ngày hè nắng oi ả, nóng bức, hòa cùng lũ bạn trên đường đi học về.

Tuấn bảo: “Hôm nay đi về nhà đi còn hôm sau vào nhà ông bà tớ nghỉ trưa đi học cho gần.”

Hôm đó nó cũng chẳng hiểu gì, chỉ ừ cái mà chẳng đoái hoài.

Tuấn là bạn cấp ba cùng nó, nhưng mãi đến lớp mười hai nó mới chơi thân. Vì lớp mười và mười một nó học lớp A2, còn Tuấn A1. Nó chỉ ấn tượng về Tuấn là một cậu lớp trưởng nhiệt tình, năng động thôi. Nhưng mãi lên lớp 12, được học cùng lớp nó mới nhận ra Tuấn cũng là một người hiền lành, cũng trải qua bao nhiêu cảm xúc vụn vỡ của gia đình. Hồi đó nó với Tuấn ngồi cùng bàn, mới ngày đầu qua lớp mới nó đầy những bỡ ngỡ, vì lớp được mệnh danh là những học sinh giỏi nhất trường. Nó thì chẳng giỏi khối A đâu, nó chỉ chăm học thôi. Nên những ngày đầu, nó im thăn thắt trong một lớp đầy tài năng như thế. Nhiểu lúc nó cảm thấy lạc lõng trong những giờ học những môn khối A, chỉ hào hứng chút trong những tiết Văn mà thôi, vì từ nhỏ nó đã thích học văn mà. Vì thế, thi thoảng nó chỉ nói chuyện dăm ba câu với Tuấn.

Hồi xưa đi học, nhà cách trường đến bảy cây số, ngày nào nó cũng sáng đi - trưa về, chiều đi - tối về. Những con dốc dài trên dặm đường đến trường luôn in đậm trong kí ức tuổi học trò của nó; vì mỗi lần muộn học nó đều cố rướn cổ vượt dốc, có những hôm xe bị đứt xích nên nó phải nghỉ cả tiết đầu. Trời mưa dầm dề thì đi được đoạn lại đứng moi đất trong xe ra cho dễ đi. Cũng vì thế mà đôi chân nó được tập thể dục, cứ đá bóng là nó chạy thoăn thoắt, từ đầu sân đến cuối sân, nhiều lúc khán giả ở ngoài chẳng biết nó ở đội nào.

Năm 12, vì học nhiều nên sức khỏe của nó yếu hơn, lại được xếp vào lớp A1 nữa nên nó lại càng phải học nhiều, dường như đêm nào khi tiếng gà gáy canh khuya thì nó mới bắt đầu chợp mắt. Hình như Tuấn cũng là một người nhạy bén, một lớp trưởng đầy trách nhiệm nên Tuấn mới muốn nó ở lại nhà ông bà nội cho gần trường. Hồi đó, nhà ông bà nội Tuấn gần trường, là nhà giáo đã về hưu, còn bố Tuấn đang làm chủ tịch xã, cả nhà đều là đảng viên. Tuấn bảo với nó: để về nói với bố mẹ xin cho nó nghỉ trưa nơi nhà ông bà, đỡ phải đi về đường xa. Sau này nó biết, bố Tuấn là một người rất khó tính, chắc trong đời Tuấn chưa một lần xin bố mẹ hộ cho một người khác, vì Tuấn sợ bố lắm. Nhưng không hiểu sao, ngày đó Tuấn lại xin cho nó. Thế là từ đó, những trưa nắng nóng nó cũng vào ăn cơm với ông bà nội Tuấn. Chạy dọc theo chiều dài thời gian, lớp 12 rồi cũng kết thúc, tổng kết cuối năm nó và Tuấn đều được học sinh giỏi toàn diện. Sau đó, nó và Tuấn cùng tất tả ôn thi đại học. Thời gian ôn thi đại học, nó về nhà bố mẹ Tuấn, cùng Tuấn ôn thi. Ở cùng với bố mẹ Tuấn, nó vui lắm, lúc nào đến giờ cơm, mọi người đều nhắc nhở nhau im lặng cho nó làm dấu trước khi ăn. Trong những giờ ăn, dù với bố mẹ hay ông bà Tuấn, nó cứ kể những việc tốt mà cha xứ hay dặn dò, kể về tuổi thơ của nó được học giáo lý như thế nào. Bởi thế mà một gia đình gốc đảng viên như thế cũng bắt đầu hiểu và yêu mến đạo Công Giáo.

Vì bố Tuấn làm chủ tịch nên bận rộn, dường như công việc đồng áng là mẹ Tuấn lo hết. Có hôm, nó với Tuấn rủ nhau nghỉ học để đi nhổ lạc cùng mẹ Tuấn. Sáng sớm, Tuấn mang cho nó cái áo rách vai để mặc, đang mặc thì tiếng bố Tuấn từ ngoài sân vọng vào:

- Vương? Sao mặc áo rách đi học con?

Nó cười híp mắt:

- Hôm nay cháu ở nhà đi nhổ lạc.

Nói xong với nó, chú cười và đánh xe đi làm.

***  

Chắc có lẽ kỉ niệm khó quên của nó là ngày nó chuẩn bị vào Huế thi đại học, nó thấy Tuấn đạp xe hì hục ra nhà nó, mua cho nó tất cả những thứ cần thiết để mang theo vào phòng thi. Vậy nên, sau này đi đâu, nó cũng luôn tự hào về một thời cấp 3. Vì thế, dù Tuấn có thay đổi như thế nào, nó vẫn luôn tin rằng, trong Tuấn có một giá trị thiện rất đẹp, chất chứa sau những giờ làm bận rộn, chen chúc của cuộc sống.

Bước vào đại học, mỗi đứa đi mỗi miền khác nhau, thi thoảng chỉ thông tin cho nhau biết tình hình. Lần nó nghe tin mẹ Tuấn bị ung thư, nó vội gọi về cho bố nó, nhờ bố vào thăm mẹ Tuấn. Mặc dù bố nó chưa một lần ghé nhà Tuấn, nhưng khi nghe tin, bố đạp xe gần 7 cây số để vào thăm thay nó.

Dường như Chúa gửi nó đến với gia đình Tuấn, nó kể cho Tuấn nghe những câu chuyện về Chúa, về những việc tốt của các ma Sơ. Tuấn ngày càng yêu thích những điều đó, nên hồi đại học, nó luôn thấy Tuấn tiên phong lên vùng cao làm tình nguyện giúp trẻ em dân tộc thiểu số. Vào những dịp lễ lớn, nó luôn nhận những email chúc mừng của Tuấn, rồi Tuấn còn kể vào nhà thờ cầu nguyện cho nó nữa. Chính bởi niềm tin, mà nó được nghe những tâm sự mà có lẽ Tuấn chưa bao giờ dám thổn thức với ai.

Đi học xa, mỗi lần được thảnh thơi là nó cứ gọi điện về thăm hỏi mẹ Tuấn, nó cứ kể như kể với mẹ ruột mình vậy. Những cuộc điện thoại dài, chất chứa đầy yêu thương, Bố mẹ Tuấn cũng xem nó như con trong gia đình, cho nên dù đi đâu, về đâu, cứ mỗi dịp về nhà là nó nhất định phải ghé thăm nhà bố mẹ, ông bà Tuấn. Vậy nên giờ nó như là một thành viên của đại gia đình Tuấn rồi.

Ngày kết thúc đại học, nó gọi chào bố mẹ Tuấn để vào Nhà Ứng Sinh Dòng Tên, cả gia đình Tuấn đều biết nó ước mơ đi tu để trở thành Linh Mục, ai cũng trân trọng và ủng hộ. Vì bố Tuấn làm chủ tịch xã nên phần nào cũng hiểu đôi chút về tôn giáo, nên trong quan niệm của chú thì luôn có những điều quan ngại, nhưng nó đều cảm thông. Vì nó luôn tin, tình yêu sẽ phá vỡ những ngăn cách tưởng chừng như không bao giờ tháo gỡ được.

Vì quan niệm đó, nên bố Tuấn dặn dò với nó:

“Cháu an tâm đi tu đi nhé, chú làm chủ tịch xã có hai năm nữa là về hưu, sau đó chú sẽ đi lại với gia đình cháu nhé”.

Chú nói vậy là chú sợ ảnh hưởng tới nó, sợ người đời dèm pha rằng: một đứa muốn đi tu làm linh mục mà qua lại thân thiết với gia đình đảng viên, chủ tịch xã. Nó nghe bố Tuấn nói mà cay cả mắt, bởi vì nó chẳng là gì, nó chưa bao giờ giúp gia đình Tuấn được gì cả. Nhưng sao nó nhận được sự trân quý đến thế?! Nó vội nói lại với bố Tuấn:

“ Điều cháu quý trọng nhất là tình cảm, nên chú an tâm nhé, chú có là chủ tịch, hay là đảng viên cháu vẫn luôn quý chú.”

Nó còn nhiều kí ức đẹp với ông bà Tuấn, cứ mỗi lần trở về gặp mặt, là ông bà nội Tuấn tâm sự với nó biết bao nhiêu là chuyện, những chuyện buồn trong cuộc sống, những trăn trở về con cái, ông bà cứ kể, kể như chưa từng được kể,....và thế những câu chuyện cứ đi vào tâm hồn nó, tình người ngày càng dạt dào hơn...

Những ngày đi học xa, hay thời gian vào Nhà Ứng Sinh vì ít có điều kiện liên lạc, nên nó thường gửi qua mail cho cho Tuấn những bài đọc về học làm người, những giá trị để sống tốt. Sau này, nó nghe Tuấn tâm sự, thì dường như những bài nó gửi, đã thức tỉnh và lôi kéo Tuấn ra khỏi những tối tăm của cuộc sống sinh viên hay những ngày đi làm ngoài xã hội đầy phức tạp....Tâm sự này nó nghe được trước lúc nó gọi điện tạm biệt Tuấn để vào nhà tập, lúc đó Tuấn hỏi nó có muốn giúp đỡ gì không, nó chỉ gửi gắm nơi Tuấn một điều duy nhất đó là : “ sống tốt”; nghe vậy Tuấn lại bảo:

- Từ khi quen mày đến giờ, lúc nào cũng nhắc sống tốt, thế không muốn tao làm điều gì hơn à?

Nó chỉ cười và trả lời: “chỉ vậy thôi cũng là điều quá lớn lao lắm rồi.....

Sài gòn, trong những cơn mưa chiều đổ xuống làm dịu đi cái nắng của ngày chủ nhật, những kỉ niệm đẹp mà nơi vùng nắng nóng, gió lào thương nhớ ấy, đong đầy trong nó những sức sống tươi đẹp để bước trên con đường mà nó đang đi.

Trên chuyến xe buýt trở về cộng đoàn cùng anh, lòng nó ngập tràn niềm vui. Hôm nay nó đi xe mà chẳng thấy mệt mỏi gì cả, nó vui vì được đồng hành cùng anh trên đoạn đường xe buýt ngắn ngủi nhưng đậm tình người, tình cộng đoàn. Cũng vì ngày đó, mà nó và anh trở nên thân thiện, quý nhau hơn trước đây, vì anh và nó thường hay khó chịu với nhau trong cộng đoàn. Cũng từ đó, mà nó lại được nghe những chia sẻ trong cuộc đời thăng trầm của anh, để hiểu và cảm thông cho anh. Anh dường như cũng nhẹ lòng hơn, khi có một người cùng lắng nghe mình.

Thế đấy, nắng nhiều khi gay gắt làm cho người ta khó chịu, mệt mỏi... nhưng nắng cũng chiếu tỏa ra những câu chuyện đầy ắp tình nhân ái. Vậy nó chẳng bao giờ ghét nắng đâu, nó yêu nắng như yêu những vị ngọt của cuộc đời. Vì có nắng, nó được gặp Tuấn, gặp gia đình Tuấn. Vì có nắng, nó và Tuấn cùng nhau là học sinh giỏi. Cũng vì có nắng, nó được đi xe buýt cùng anh…

Cũng như trên hành trình của nó vậy, có lúc nắng gắt, lúc nắng dịu, lúc không nắng, lúc vì nắng mà nó phải bước qua một ngã rẽ khác nhưng nó vẫn yêu nắng, mặc dầu nắng làm cho làn da nó ngăm đen hơn, nhưng cũng vì thế mà nó có sức đề kháng mà chống chọi với khắc nghiệt của cuộc đời lữ hành này.

Ngày mai trời vẫn nắng mà... để nắng tiếp tục bồi đắp yêu thương trong nó.

Để ước mơ mang cả gia đình Tuấn trở lại đạo nhen nhóm trong nó sẽ trở thành hiện thực...
...một ngày nào đầy nắng nơi miền quê xa.