Bài ba
MỘT VÀI NÉT RIÊNG CỦA HAI NGÔN NGỮ :
NGÔN NGỮ ÂU TÂY VÀ NGÔN NGỮ VIỆT NAM
1. Ngôn ngữ Âu Tây thích danh từ và danh từ trừu tượng hơn động từ và động từ chỉ hành động ; ngôn ngữ Việt Nam ngược lại.
Thí dụ 1: "Le croyant ne doit jamais oublier que son adhésion à Dieu ne lui donne strictement aucun droit pour forcer la liberté d'autrui. L'affirmation de Dieu ne peut jamais être le résultat d'un viol des consciences"
- Thay vì dịch : "Người tín hữu không bao giờ được quên rằng sự gắn bó của mình với Thiên Chúa không cho mình cái quyền nào để cưỡng bức sự tự do của người khác. Sự khẳng định Thiên Chúa không thể là kết quả của một sự ức hiếp các lương tâm"
- Nên dịch : "Người tín hữu không được quên rằng không phải cứ tin theo Thiên Chúa là được quyền cưỡng bách tự do của người khác. Không phải cứ xâm phạm lương tâm của kẻ khác là sẽ khẳng định được Thiên Chúa".
Thí dụ 2: "Un nécessaire effort de réflexion et de rationalité"
- Thay vì dịch : "Một nỗ lực cần thiết của sự suy tư và của tính hợp lý"
- Nên dịch : "Cần nỗ lực suy tư và hợp lý hóa"
Thí dụ 3: "What I mean by this is that the father imagery is open to different interpretations depending on whether the children are young or adult"
- Thay vì dịch : "Điều tôi muốn nói ở đây là hình ảnh người cha được mở ra cho những cách giải thích khác nhau tùy theo con cái của người cha ấy còn nhỏ dại hay đã trưởng thành"
- Nên dịch : "Tôi muốn nói rằng hình ảnh của một người cha sẽ được giải thích thế nào là tùy đứa con ấy đã trưởng thành hay còn thơ dại"
Thí dụ 4: "Sometimes it is never accomplished and the children, tied forever by maman's apron strings, never become mature adults"
- Thay vì dịch : Đôi khi việc ấy không bao giờ được hoàn thành và con cái, bị buộc chặt bằng giây tạp-dề của bà mẹ, không bao giờ trở thành người lớn trưởng thành"
- Nên dịch : "Có khi bước chuyển biến ấy không bao giờ xong ; con cái cứ bám chặt vào váy mẹ nên không bao giờ trưởng thành"
2. Ngôn ngữ Âu Tây thích dùng cách thụ động hơn là cách chủ động, nhất là khi không biết chủ thể hành động hay không muốn nói ra chủ thể ấy ; ngôn ngữ Việt Nam ngược lại ; trừ khi có một dụng ý.
Thí dụ 1: "En théologie chrétienne, en effet, on désigne par rationalisme (rationalisme "absolu") l'erreur qui consiste à penser que la raison humaine peut démontrer la vérité de tout le contenu de la Révélation chrétienne alors que, sans pour cela être irrationnelles, certaines vérités issues de cette Révélation sont trop profondes et trop riches pour pouvoir être parfaitement connues par la seule raison humaine"
- Thay vì dịch : "đang khi đó dù không vì thế mà trở nên phi lý, một số chân lý rút ra từ Mặc Khải Ki-tô Giáo quá sâu xa và quá phong phú đến nỗi không thể được hiểu biết một cách trọn vẹn bởi một mình lý trí con người"
- Nên dịch : "đang khi đó nếu chỉ dùng lý trí thuần túy, con người không thể biết được thấu đáo một số chân lý rất sâu xa và phong phú của Mặc Khải, dù không phải vì thế mà cho rằng các chân lý ấy là phi lý"
Thí dụ 2: "Desolation is naturally taken by religious people as a sign that God is displeased with them or disapproves of the course they have chosen"
- Nên dịch : "Người đi tu thường coi phiền muộn là dấu Chúa không hài lòng với họ, Chúa không tán thành cuộc sống họ đã chọn".
- Hoặc ít ra : "Sự phiền muộn thường được người đi tu coi là dấu Chúa..."
- Không nên dịch : "Sự phiền muộn thường được đón nhận bởi người đi tu như dấu chỉ..."
3. Người Âu Tây thích dùng danh từ kép hay hai danh từ nối với nhau bằng giới từ ("de" nếu là tiếng Pháp và "of" nếu là tiếng Anh, thường để chỉ quan hệ sở hữu hay quan hệ đối tượng), trong đó một danh từ xác định ý nghĩa cho danh từ kia ; còn người Việt Nam thích dùng một danh từ với một tính từ - tính từ này sẽ xác định ý nghĩa của danh từ hoặc một danh từ với một động từ.
Thí dụ 1: "As we move out of our sheltered home into the darkness of the marketplace, (hai danh từ có quan hệ sở hữu) there are many more voices competing for our attention with the Lord's (and often mimicking his).
-Thay vì dịch : "Khi chúng ta bước ra khỏi nhà có bao bọc lỹ lưỡng để lao vào bóng tối của chợ đời, sẽ có nhiều tiếng nói hơn nữa đua với tiếng nói của Chúa để giành lấy sự chú ý của chúng ta (và thường là những tiếng nói bắt chước tiếng nói của Chúa)
- Nên dịch : "Khi bước ra khỏi căn nhà đã được bảo vệ kỹ lưỡng của mình để bước vào chợ đời tăm tối (danh từ và tính từ), chúng ta sẽ thấy có nhiều tiếng nói khác đang đua với tiếng nói của Chúa tranh thủ sự chú ý của ta (những tiếng nói kia thường nhái tiếng nói của Chúa).
Thí dụ 2: "Authentic prophecy is confirmed from the prediction of "signs" (hai danh từ có quan hệ đối tượng : "dấu hiệu" là đối tượng của việc tiên báo) which actually do come to pass"
- Thay vì dịch : "Lời sấm thật được xác nhận bởi sự tiên báo của các 'dấu hiệu', sẽ chắc chắc xảy ra"
- Nên dịch là : "Lời sấm thật là lời được xác nhận bởi những "dấu hiệu" đã được báo trước (danh từ và động từ) và hiện nay đang xảy ra.
4. Ngôn ngữ Âu Tây thích dùng các nhóm chữ tuyệt đối ('absolute phrases') để chỉ một hoàn cảnh, còn ngôn ngữ Việt Nam thích dùng hẳn những mệnh đề hoàn cảnh ('adverbial clauses' hay "propositions cirsconstancielles").
Thí dụ 1 : "Given the ambivalence and open-endedness of the discerning situation, and given the experiential knowledge of an invisible Lover on which discernment depends, certain qualities will be necessary if one is to be a truly discerning person".
Nên dịch là : "Một khi đã biết tình huống để nhận định là một tình huống có thể thế này có thể thế kia và hướng tới những mục tiêu còn bỏ ngỏ, cũng như đã có kinh nghiệm về đấng yêu thương vô hình mà ta phải dựa vào để nhận định, ta sẽ thấy muốn là người thực sự có khả năng nhận định thì phải có một vài đức tính sau đây".
Thí dụ 2 : "Notre nomination de Dieu ne pouvant jamais en effet être indépendante de notre culture et de la genèse même de cette culture, il nous faut maintenant faire un retour en arrière pour voir d'où nous vient la conception de Dieu qui est couramment la nôtre aujourd'hui"
Nên dịch là : "Vì không thể 'định danh' Thượng Đế mà không xét tới nền văn hóa và nguồn gốc của nền văn hóa ấy, nên bây giờ chúng ta phải quay về lại để xem khái niệm về Thượng Đế mà chúng ta đang dùng ngày nay, xuất phát từ đâu".
Bài bốn
DỊCH THEO THỂ VĂN
Ngoài ý nghĩa của từ ngữ và ngữ pháp là những yếu tố mang tính quyết định trên nội dung một câu văn, một đoạn văn hay một bản văn, mà người dịch cần nắm vững để hiểu ý tác giả trước khi truyền đạt cho độc giả, chúng ta cũng không thể quên thể văn hay loại hình văn chương ('genre littéraire' – 'literary style') như văn xuôi hay văn vần, văn tường thuật hay văn cổ động, văn nghị luận hay văn mô tả, văn pháp luật hay văn tự sự... Mỗi loại văn đều có công dụng chung với các loại văn khác (cùng là văn xuôi chẳng hạn) và công dụng riêng biệt (là văn pháp luạt hay tự sự chẳng hạn). Và dĩ nhiên để đạt mục đích riêng này, mỗi loại văn có những quy luật và những đặc tính riêng. Chẳng hạn văn mô tả sẽ sử dụng hình ảnh nhiều hơn, văn cổ động sẽ khai thác ngôn ngữ hùng biện nhiều hơn, văn pháp luật sẽ chú ý sử dụng các từ ngữ chính xác và đơn nghĩa, văn vần chú ý tới tiết điệu và âm vận, văn tự sự khai thác những từ ngữ gợi cảm vá đánh động...
Chính vì thế, xác định được đoạn văn hay bản văn đã được viết theo thể văn nào sẽ giúp chúng ta nhiều trong việc lựa chọn từ ngữ và cú pháp dễ dàng hơn, khiến độc giả không những hiểu ý mà còn cảm được ý đồ của tác giả.
Thí dụ 1: "Etre chaste dans le célibat ce n'est pas avoir tué la chair et se trouver libéré de tout désir charnel. Mais c'est ne pas céder à son attrait, ne pas le chercher, ne pas s'y complaire, parce que notre amour est ailleurs. On peut être tout plongé dans le désir charnel qui surgit en nous malgré nous, et rester parfaitement libre à son égard. Dans une telle expérience, l'amour que nous avons voué à Dieu brille comme une perle dans une eau trouble ou s'épanouit comme la fleur de lotus dans une mare fangeuse. La chasteté est clarté de l'esprit et du coeur. Elle peut fleurir, merveilleuse, dans une chair tourmentée"
Có thể dịch như sau : "Trinh khiết trong đời sống độc thân không phải là do đã giết chết thân xác và đã thoát khỏi mọi khát vọng xác thịt. Nhưng là không chiều theo sự thu hút của khát vọng đó, không tìm kiếm nó, không thỏa mãn với khát vọng đó, bởi vì ta đã đặt tình yêu ở chỗ khác. Chúng ta có thể bị vùi dập trong khát vọng xác thịt (đã chỗi dậy một cách tự nhiên trong ta dù ta không muốn), mà vẫn hoàn toàn tự do trước khát vọng đó. Qua kinh nghiệm ấy, ta mới thấy tình yêu mà ta đã dâng hiến cho Chúa sáng ngời như một viên ngọc rơi trong một bể nước đục ngầu hay như một đóa hoa sen tươi nở giữa đầm lầy. Trinh khiết là vẻ sáng ngời của tinh thần và con tim. Sự trinh khiết ấy có thể đơm hoa rực rỡ ngay trong một thân xác bị dằn vặt vùi dập"
Thí dụ 2:
"Il y a de grandes flaques de sang sur le monde.
Où s'en va-t-il ce sang répandu ?
Le sang des meutres... le sang des guerres...
Le sang de la misère
Et le sang des hommes torturés dans les prisons...
Et le sang des enfants torturés tranquillement
Par leur papa et leur maman...
Où s'en va-t-il ce sang répandu ?
Le sang des matraqués, des humiliés,
Des suicidés, des fusillés, des condamnés...
Et le sang de ceux qui meurent comme ça... par accident...
La terre qui tourne et qui tourne
Avec ses grands ruisseaux de sang"
(J. Prévert, "Chanson dans le sang", trong "Paroles", Gallimard, coll. 'Folio', tr. 101-103)
Có thể dịch như sau :
"Từng ngụm máu lớn loang trên thế gian này
Đổ rồi nhưng biết chảy đi đâu ?
Máu người bị giết
Máu của chiến tranh
Máu người khốn khổ
Máu đám tù nhân
Máu lũ con thơ
Người bị hành hạ ồn ào trong ngục tối
Kẻ bị tra tấn lặng lẽ ở gia đình...
Đổ rồi nhưng biết chảy đi đâu ?
Máu người bị nhục
Máu kẻ bị đánh
Máu người tự vẫn
Máu kẻ bị bắn
Máu người bị kết tội
Hay máu của bao kẻ chết... vô tình
Địa cầu thì cứ cứ quay
Máu sông máu suối mãi hoài hoài tuôn"
Bài liên quan: Một vài kinh nghiệm dịch thuật Tôn giáo (bài một và bài hai)