Giới thiệu nhà thơ Lm Vũ Đức Trinh

vanthoconggiao.net

Linh mục – nhà thơ Giuse Vũ Đức Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 1918, tại Sa Châu, Giao Thủy, Nam Định. Ông gia nhập chủng viện năm 1930. Thụ phong linh mục năm 1944.



Qua đời năm 1964.
Tác phẩm: Ánh Vàng (thơ, 1956), Hương Thiêng (thơ, 1956), Suối Tình Yêu, 1964), Đuốc Trời cao (thơ), Thục Nữ Thiên Hương (thơ), Bảo Tàng Ân Ái (thơ), Những Quả Tim Non (thơ), Mấy Áng Phong Dao (dịch sang Anh văn, NXB Thăng Long, Sài Gòn, 1957).

LỜI MỞ SUỐI TÌNH YÊU

Mặt trời vừa khuất dạng sau dãy núi, cánh rừng liền đượm vẻ huyền bí âm u.
Mặt trăng nửa vành, treo lơ lửng giữa dăm chòm mây xốp.
Tách ra khỏi khung xanh lồng lộng, gương Nga chiếu tia nõn, tô điểm cõi trần gian. Khu rừng buồn tênh, dần dần trở nên vui như hội.
Gió hiu hiu khẽ thở vào khóm lá, tấu nên chuỗi tiếng reo dịu dàng. Từng dải tia màu sữa, xen kẽ lá, kẽ nhành, chấm xuống nền những loạt đốm hân hoan, nhảy múa.
Tắm chân đèo, suối tuôn róc rách, khi đầy khi vơi. Ánh trăng tơ nhuộm bạc dòng nước chảy. Từ nơi vô định, bầy nai nhanh nhảu băng đến phía chân đèo. Chúng tha hồ hớp sóng gợn lăn tăn…Bỗng nhẹ như tên vút, nai con lao mình tới hông nai mẹ. Chúng nhởn nhơ, gắn môi vào suối sữa, bú ngon lành. Nai mẹ vồn vã, thương yêu, vui mừng, quấn quýt…
Chao ôi! Cảnh thiên nhiên gợi ra trăm ý nghĩ lạ lùng:

Cảnh Suối Nước và Suối Sữa nhắc cho ai nhớ bóng hình Suối Máu và Suối Ơn. Cảnh Suối Máu và Suối Ơn là tượng trưng của SUỐI TÌNH: Trước đây, gần 20 thế kỷ, trên đỉnh Núi Sọ, ngoài Thành Sion, Đấng Cao Siêu chịu đổ máu chan hòa. Máu từ bốn mạch của tứ chi trào ra như nước suối. Rằm tháng bảy, từ giờ ngọ đến ba giờ chiều, mặt trời bị mất ánh, tối như bưng. Ngài kêu cả tiếng; xong, gục đầu, tắt thở! Đã tối om, rung chuyển mạnh. Mồ bật tung nắp; đá vỡ toang. Trong đền thờ, màn bị xé roạc từ trên xuống dưới. Muốn thử xem Ngài đã chết hẳn chưa, tên lính Longinô cầm đòng, nhè ngay cạnh sườn, đâm thủng. Quả Tim bị mũi nhọn xiên tàn ác, đổ nốt mươi giọt máu sau cùng. Viên sĩ quan và nhiều binh sĩ đứng canh khi xem phép lạ tỏ tường, liền đấm ngực, tuyên bố: “Đích thật, Người này là Kẻ Công Chính, là Con Đức Chúa Trời”.

Nhưng cớ sao “Kẻ Công Chính” hay “Con Đức Chúa Trời” kia chịu đổ tuôn hết Máu? Phải chăng để làm thỏa mãn phép công bình Đức Chúa Cha, cùng để đền bù muôn tội lỗi cho loài người? Vâng đúng đấy; song nhất là để tỏ tình trìu mến Chúa thiên cung, và tỏ lòng yêu đương người cõi thế. Máu Ngài là cả một Suối Tình Yêu!

Tuy chỉ đổ máu bên ngoài có một phen, Ngài còn đổ máu cách thiêng rất nhiều lần. Trước khi phó Mình cho đoàn hung thủ, Ngài dùng phép toàn năng, lập ra đường lối phụng sự bằng cách Hi Sinh vô giá. Ngài đọc hai câu truyền phép cho bánh miến đổi ra Thịt Ngài, cho rượu nho đổi ra Máu Ngài. Thịt và Máu là Của Tế Lễ Chúa khuôn xanh. Thịt để một nơi, Máu để một chỗ; đó là vụ tử vong thâm thúy. Việc tế Lễ đồng thời, cũng là một Bí Tích: có ơn bề trong và có dấu bề ngoài. Vì mến Chúa, yêu Người, Ngài ẩn dưới hình bánh, hình rượu, để Thiên Chúa hưởng Của Lễ cân xứng, và để loài người nhờ Bí Tích cao sâu. Muốn cho công cuộc mến yêu này liên tiếp, qua thời gian và không gian, Ngài truyền chức Tế Lễ cho các Tông Đồ; rồi các Tông đồ truyền chức kia cho Môn Đệ, và các Môn Đệ truyền chức kia cho hàng Giáo Sĩ. Theo định luật thiên nhiên, “tre già thì măng mọc;” hàng Giáo phẩm trong Hội Thánh Công giáo, lần lượt kế thừa vị tiền bối, mà nắm quyền sở hữu Thánh Lễ và Bí Tích thánh Thể.
Như nước nguồn trào ra lai láng, suối ơn trong Thánh lễ và Bí Tích cao sâu vẫn cuồn cuộn chảy, không ngừng. Vô số linh mục,như đàn nai khát nước hay khát sữa, vẫn đon đả, trung thành, năng đến Suối Tình Yêu. Suối này phát nguyên từ đỉnh Núi Sọ, chảy lan ra khắp địa cầu.
Cây trồng bên cạnh mạch nước, thường dễ nảy búp. Vươn ngành, và dễ đâm hoa, kết quả. Linh hồn năng sử dụng nước Suối Tình Yêu, thường nhờ ơn cứu vãn, ơn thánh hóa mà trở nên đẹp đẽ, tốt lành…Vì lẽ đó, hành động viếng Chúa Ngôi Hai ngự trong Thánh Thể, từ lâu, vẫn là thói quen của người Công giáo
Đêm hôm ấy – một đêm giữa mùa đông – chả bỏ đâu cho hết buồn tẻ, chúng tôi về nơi sùng bái, thăm Chúa ngự trên bàn thờ.
Ngọn đèn chầu, giống hệt nét chấm úa đỏ, mới hiu hắt làm sao? Hình như nó muốn hòa điệu với cảnh vật bên ngoài, với trăng mở và gió rét. Nhưng, ôi! Nó minh mẫn lạ lùng. Tự nhiên nó khiêu gợi trong trí óc của chúng tôi một ý tưởng ngộ nghĩnh: Lấy tên các sự vật xung quanh Bí Tích thương yêu làm đầu đề cho những bài viếng Mình Thánh. Thế rồi, từ đó, chúng tôi để ý ghi lấy ít nhiều cảm tưởng phát sinh trong ván Lễ, trong giờ chầu. Ngoài ra, chúng tôi còn chêm vào mấy tài liệu lịch sử. Chúng tôi chia tác phẩm ra làm 31 bài, cho vừa xem trong buổi triều yết khá phi thường.

Chúng tôi không ngần ngại cống hiến quyển sách này cho các bạn đọc bất cứ ở đâu trong bốn phương trời, dẫu cùng đạo hay khác đạo. Các bạn đọc không Công giáo sẽ hiểu: tại sao Thánh Lễ và Thánh Thể là trung tâm điểm cho tín ngưỡng của Hội Thánh Rôma. Còn các bạn đọc Công giáo sẽ có thêm nhiên liệu cho lửa khâm sùng Thánh Lễ và Thánh Thể.



TUYỂN THƠ

CHUÔNG CẦU NGUYỆN

Chiều xế bóng, chim ngàn tung khắp nẻo;
Các tầng mây xếp núi rộn chân trời;
Ánh hoe vàng lưu luyến chỗ xa khơi,
Trông tô điểm ngọn cây và đỉnh thấp.
Thình lình, tiếng coong coong buông chạm chạp.
Sóng sánh chuyền, lơ lửng giữa không gian,
Cỡi gió, bay êm ả, vút thư nhàn,
Lên thiên quốc, lạy mừng Ngôi Chúa Tể.
Lời kinh nguyện thốt ra từ cõi thế,
Quẩn tiếng đồng, leo mãi tới khuôn xanh,
Đến ngai thiêng, van vỉ Chúa hiền lành:
Xin đổ xuống trăm dân nguồn phúc cả.
Chuông hổn hển, ngập ngừng, song vội vã
Thức tiếng lòng khiêm tốn nảy lên cao,
Cầu Chúa thương, Chúa đổ trận mưa rào,
Mong tắm rửa muôn hồn vương tội lỗi.
Cung oanh liệt cất vang, chào buổi tối,
Lên trăng ngà, rung chuyển ánh xinh tươi,
Hỏi: “Đã bao năm chị giúp loài người,
Mà vẫn đổi khuyết tròn theo lệnh Chúa?”
Chuông khuya, át nửa vời mươi tiếng sủa
Giữa các dòng dẫn đến phía nhà thờ.
Chao! Từng đoàn ăn vận cách đơn sơ,
Xem ra vẻ những người đi khấn nguyện.
Chuông ngân mãi, du dương và quyến luyến,
Tựa sáo diều kéo thẳng khúc ro ro.
Khách đêm thu nghĩ ngợi rối tơ vò,
Nghe văng vẳng dư âm, cầu Tạo Hóa.
Cung thanh thoát ba chuông…rền, chẳng lõa,
Hô nhau đều, gióng giả, chí không nghiêng,
Nhủ giáo dân: Hãy để tấm lòng thiềng
Đêm cung phụng Hóa Công đầy phép thánh!”
Chuông vang, động bàn thờ, rung tượng ảnh,
Như các lời kêu khấn Chúa Giêsu:
Nhờ Chúa ban sức khỏe chống quân thù,
Cho Giáo hội ngày càng thêm rạng rỡ.
Cung ai oán lùa mây chẳng tở mở,
Kêu âm ư, lại thoảng gió mơ mòng;
Lay vật vờ lảo đảo ngọn đèn chong,
Như lửa chán nung tim người uể oải.
Chuông kêu thảm, rên rên, hầu ngấp ngoái,
Như tiếng người thở rắc phút lâm chung,
Chới với, lan man, ở khoảng nghìn trùng,
Mong năn nỉ Chúa tha hồn yếu đuối.
Chuông gửi gắm cho tầng cao vạn tuổi
Giọng véo von giống khúc địch thê lương:
Bốc bâng khuâng, vắt vẻo, nẩu canh trường,
Theo tiếng khẩn cầu, bay lên cõi phúc…

SƯƠNG

Sâm sẫm chiều hôm buồn bã:
Chim bay lẻ tẻ về ngàn,
Dãy núi in vàng bóng ngả,
Nước hồ vàng bủng lan man.
Chuông nửa trời kêu phẳng phất,
Ai người thầm nghĩ nguyện kinh;
Sương tỏa bay trên muôn vật,
Phủ che mờ tỏ các hình.
Sương xuống mỗi khi càng lạnh,
Lù mù như thể vầng hơi,
Lởn vởn quay luồng kinh thánh,
Kinh đang tìm nẻo lên trời.
Làn gió hiu hiu phe phảy;
Khói sương tản mác, chập chờn,
Đáp nhẹ trong vùng cỏ áy,
Với chòm kim cúc, mẫu đơn.
Cây tháp buông ra uể oải,
Tiếng sương thê thảm Cầu Hồn;
Ai rất cảm thương đồng loại,
Khấn nguyền cùng Chúa Chí tôn.
Đàn dế kêu sương rầu rĩ,
Định làm huyên náo ban đêm;
Buông giọng ám mùi tử khí,
Mùi xông thoảng tới góc thềm.
Phấp phỏng sương sa theo gió,
Vật vờ, rải rác năm canh,
Ở mọi đường đi, cửa ngõ,
Ngoài sân, trong chái, bên mành.
Các vật đang mê giấc ngủ,
Lầu chuông vung lưỡi tiếng đồng,
Xé toạc màn sương ủ rũ,
Màn dầy chăng kín tầng không.
Sương bọc quanh người đi lễ,
Quẩn chân họ đến nhà thờ,
Mong lạy ba Ngôi Chúa Tể:
Cho mình sống kiếp nhởn nhơ.
Gió thổi, rung thông bàng bạc;
Lá vì vèo, trở xôn xao;
Mấy giọt sương rơi lác đác,
Nghe giông giống tiếng mưa rào.
Lúc ánh hồng đông bật tóe,
Chiếu qua lưới nhện vương sương,
Những hạt minh châu sáng chóe
Tươi như ngọc của thiên đường.
Tia lửa mặt trời xinh xắn
Dập dềnh, rọi thẳng búp hoa;
Các giọt sương đêm chờ sẵn,
Óng lên, xem Chúa chín tòa.
(Hương Thiêng)

HƯƠNG SẮC CAO THIÊNG

Trải bao ngày tháng lạnh lùng
Thoáng xa, như vẫn chập chùng thoáng xa,
Trong khuôn trí vẽ la đà
Chúa in hình ảnh chiều tà năm xưa.
Ai còn nhớ buổi say sưa,
Cố ghi cảm tưởng hoa đưa vào lòng:
Tám bình khép nép, song song,
Đứng xen chân nến, nến chong, chầu tòa.
Vẫy vùng, cánh gió bay qua,
Phảy theo hương mắt bông hoa trên bàn.
Hương hoa thoảng phúc thanh nhàn,
Thơm tho, ý nhị muôn vàn, Cha ơi!
Đượm hương nhân đức Chúa Trời,
Thanh cao, siêu thoát. Cõi đời hay không?
Gió tung gió chuyển hương nồng,
Giục ai mơ tưởng đến đồng hoa tươi.
Hoa thiêng thơm lựng gấp mười;
Đóa hoa thanh khiết của người đồng trinh
Thả hương bay bổng ái tình
Quyến bên tòa Chúa thiên đình tốt, sang.
Kìa! mùi đức Mến nở nang.
Tỏa ra khắp chốn mênh mang, diệu huyền;
Ai noi theo đúng ước nguyền:
Thương yêu hết thảy, giữ tuyền giới răn.
Hương thần của đức khó khăn
Quẩn bay với chí ăn năn, đền bồi,
Thấm mùi đạo hạnh xa xôi –
Mùi lan tự chỗ bầy tôi trung thành.
Chùm hoa, ai bẻ với ngành.
Điểm tô khóm lá tươi, xanh rờn rờn;
Khiêm nhường: chẳng muốn phần hơn:
Đoan trang: không dám chờn vờn, lả lơi.
Sắc hoa huệ rất thảnh thơi
Như màu hạnh phúc tuyệt vời đến xuân;
Chẳng hề gợn bóng gian truân,
Phau phau, áng tuyết gội nhuần đỉnh cao.
Dịu dàng, phong nhã, thanh tao,
Hoa sen phơn phớt màu đào non non.
Trong ao, sen vẫn thơm, giòn:
Bùn dơ, hương sắc sen còn lâng lâng.
Mai khôi đỏ chói, bầng bầng,
Giống màu lửa thánh thượng tầng Quả Tim:
Lòng Ngôi Thiên Chúa đang tìm
Lòng tơ sốt sắng như chim mùa hè…
Gió lùa rung tấm màn the:
Đồng thời, ai đó chợt nghe phong cầm.
Đàn làm chia trí trầm ngâm,
Khiến ai luống những tiếc thầm đêm nay!

(Suối Tình Yêu – The Source Of Love
Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1964)

Trích trong bộ sưu tập CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, Lm Trăng Thập Tự chủ biên, tập II, tr 86-94.