Vì sao phải đọc chuyện cho trẻ con?

Quang X Nguyen


Kể cho trẻ con nghe một câu chuyện là giúp bé tưởng tượng, tìm hiểu chính mình, tiếp xúc với thực tế của thế giới chung quanh nó
Kể cho trẻ con nghe một câu chuyện là giúp bé tưởng tượng, tìm hiểu chính mình, tiếp xúc với thực tế của thế giới chung quanh nó

Đọc một câu chuyện cho một em bé là mở một chân trời kỳ ảo của chữ và của ý, là bật máy cho trí tưởng tượng, là mang sở thích đọc sách đến cho các em… Nhưng nhất là cha mẹ có giây phút phong phú với con mình.
Kể thêm một chuyện khác! Khi bạn khép quyển sách vừa đọc xong, đứa bé đòi kể thêm một chuyện khác, nó còn thèm nghe. Làm sao giải thích chuyện muốn nghe thêm này? Có phải chỉ vì nó muốn đi ngủ trễ không? Có thể. Muốn được ở thêm với cha mẹ một giây phút tuyệt vời không? Chắc chắn, nhưng không phải chỉ có vậy…

Đứa bé khát khao học hỏi. Kể cho trẻ con nghe một câu chuyện là dạy cho nó nói một từ vựng nhiều chữ hơn, cấu trúc tư tưởng cho nó, giúp nó tưởng tượng, giúp nó tìm hiểu chính mình, giúp nó tiếp xúc với thực tế của thế giới chung quanh nó. Và cho nó sở thích đọc sách. Vậy thì bạn tiếp tục kể chuyện cho em bé nghe!

Đọc sách, giây phút êm dịu và tĩnh lặng

Đọc một câu chuyện cho trẻ em nghe là giây phút mà trong Ngôn ngữ của Tình yêu của ông Gary Chapman, ông cho rằng đó là “giây phút tuyệt phong phú”. Có được một sự quan tâm mà không chia sẻ với ai, có một thời gian cha mẹ cho riêng mình không chia sẻ với các anh chị em khác, đó là một cách để nói cha mẹ thương con, một cách lắp đầy “bình chứa xúc cảm” của đứa bé. Không kể đến sự dịu dàng mềm mại gần gũi thể lý, mà sự gần gũi này sẽ trở nên hiếm khi trẻ em lớn lên! Bà Diane de Fougeroux nói thêm: “Đó là giây phút thuần túy truyền thông: giây phút dành riêng hoàn toàn cho đứa bé, và đứa bé cũng hoàn toàn dành riêng giây phút của chúng cho chúng ta”. Bà Fougeroux là cựu giáo viên, cựu giám đốc trường Dòng Thánh Giuse ở Reims và Thánh Lui Gonzague ở Paris, hiện nay bà giữ chức vụ giáo dục ở trường Hy vọng Ngoại ô ở Asnières.

Đọc là làm thuận lợi cho việc phát triển trí tưởng tượng

Các chữ trong câu chuyện bạn kể có thể không mô tả hết sự việc. Trẻ con sẽ lấp khoảng trống này bằng cách tưởng tượng ra những gì câu chuyện không kể, trước hết là đọc lại những gì nó đã biết, sau là nó sáng chế thêm. Bà Diane de Fougeroux cũng nhận xét: “Theo lẽ tự nhiên, hình ảnh trong sách là cố định. Nhưng trẻ con sẽ xoay chung quanh hình ảnh, chúng sáng tạo ra, đầu óc chúng bắt đầu làm việc, còn với truyền hình, tất cả đã được làm sẵn, chúng chẳng có gì để tưởng tượng thêm.” Bà nói thêm: “Ở trường, chúng tôi phân biệt ngay những em bé nào đã được nghe kể chuyện, khi chúng tôi bắt các em làm một bài luận ngắn, lập tức các em đã có những ý tưởng trong đầu”.
Ông Jean Nemo nhấn mạnh: “Tưởng tượng là công việc cực kỳ quan trọng cho trẻ em, vì nó phù với chính việc xây dựng trí óc thông minh, có nghĩa là có khả năng dựng lên mối liên hệ giữa các khái niệm tổng quát và các cảm nhận đặc biệt”, ông Nemo là người sáng lập Thư viện Trường học năm 2007, xuất bản sách giáo khoa và sách giáo dục cho các lớp tiểu học.

Đọc, đó là trao truyền di sản văn hóa

Đọc sách là giây phút ta và đứa trẻ dành riêng thời gian cho nhau
Đọc sách là giây phút ta và đứa trẻ dành riêng thời gian cho nhau
Các chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, Ba con heo, Hansel và Gretel… và bao nhiêu chuyện khác là những câu chuyện nằm trong di sản văn hóa này! Kể cho chúng nghe, là trao truyền di sản quý báu đã truyền qua bao nhiêu thế kỷ, qua bao nhiêu nước. Ông Guy de Baudry d’Asson xác nhận: “Đó là món quà nối thế hệ này qua thế hệ khác, hơn nữa nó làm phong phú văn hóa chung, làm cho trẻ con lớn lên về mặt trí thức và thiêng liêng”, ông Guy là người sáng lập trang mạng Thư viện Gia đình năm 2015.

Làm thế nào định nghĩa một quyển sách là “tốt” cho trẻ con?
Thị trường văn chương cho giới trẻ quá dư thừa, đôi khi cha mẹ không biết làm sao để tìm một quyển sách “tốt” cho con. Vì thế ông Guy Baudry d’Asson mới có sáng kiến thành lập Thư viện Gia đình để đưa ra một loạt sách tùy theo lứa tuổi, đáp ứng một vài tiêu chuẩn về chất lượng, cả về nội dung cũng như hình thức. Theo ông Guy Baudry d’Asson, một quyển sách trước hết phải có từ vựng phong phú: “Một từ vựng uyển chuyển làm phong phú ngôn ngữ, và một ngôn ngữ chính xác làm sáng tỏ tư tưởng”. Còn về nội dung, nhân vật chính phải có các đức tính nhân bản đẹp, phải mang các giá trị vững chắc để trẻ con có thể nhận thấy mình nơi nhân vật đó. Động lực của người sáng lập trang mạng này: làm cho trẻ con bắt được một câu chuyện, một nhân vật, một tác giả làm cho chúng yêu sách, mở cho chúng cánh cửa của hiểu biết, của thích thú mà quyển sách mang đến.

Với các trẻ em dưới 6 tuổi, những quyển sách đưa đến thực tế
Ông Jean Nemo phân biệt các chuyện cho các em dưới 6 tuổi và trên 6 tuổi. Dựa theo tư tưởng của bà Maria Montessori, với các em dưới 6 tuổi là các sách liên hệ với thực tế đời sống hàng ngày, với các em trên 6 tuổi là các câu chuyện giả tưởng. Theo ông, các trẻ em còn nhỏ không cần các chuyện súc vật biết nói, bà tiên ca hát hay chó sói “dễ thương”, nhưng ngược lại, các em thích những chuyện dính với thực tế.

Thêm nữa, các câu chuyện có một cấu trúc rất tốt để phát triển trí tưởng tượng. Ông Jean Nemo giải thích: “Các nhân vật vừa mô tả xong, các nơi vừa đưa ra xong, các hành động được kể ra một cách đơn giản, không rườm rà chi tiết. Cấu trúc này giúp trẻ con tưởng tượng rất tốt”.

Tư tưởng của bà Maria Montessori là kể những chuyện thật theo kiểu chuyện cổ tích: “Chúng ta có thể kể những câu chuyện theo cấu trúc của các truyện cổ tích để qua con đường này, chúng ta mang đến hiểu biết cho trẻ con”.
Vì thế Thư viện Trường học vừa xuất bản một tập mang tên Thư viện Montessori: các câu chuyện ngắn, trong một khung cảnh hạn chế, ít chi tiết và mô tả, kể những gì quý giá trong đời sống thật. Với những quyển sách như quyển Bánh Tatin Tatin, Sợi dây giày của Mathilde, hay Jules biết đọc, trẻ em thấy được những gì là tuyệt vời dưới mắt của chúng: thực tế.