Mã số: 16-106
Giuse Nguyễn Ngọc Bích, 1991, gp Hưng Hóa.“Anh Tiến ơi, anh đẹp trai vậy sao không chịu rước nàng nào về dinh đi, chứ ở mình hoài vậy uổng lắm anh ơi!” – Giọng con Vân mềm nhũn, nghe muốn sởn da gà. Cả bọn cười nắc nẻ hùa theo: “Phải đó anh Tiến ơi… Uổng thiệt đó… Phí một đời anh hai ơi!”.
- Ôi chao, hổng dám đâu anh hai ơi, anh hai còn trẻ, còn đẹp lắm, chỉ mỗi tội hơi ốm chút xíu thôi à! – Con Hải nhảy ra khỏi đám bạn, vừa uốn éo mấy động tác điệu đà tới ớn của bọn con gái, vừa dúi cái miệng đỏ chót áp vào mặt Tiến. Cả bọn lại phá lên cười ngặt nghẽo. Tiến lùi lại một bước, giơ tay lên quơ quơ:
- Thôi, dẹp cô đi, nhiều chuyện!
Cả đám lại cười ầm, khoái chí.
- Thôi đi mấy cô nàng, tha cho anh ấy về, chớ anh ấy mà khiếp mấy cô rồi mai mốt không đi dạy hát nữa thì mấy cô liệu đó! – Cả bọn đang cười ngặt nghẽo bỗng khựng lại, im phắt. Tiến tỏ ra ngại ngùng thấy rõ. Con Vân đổi giọng:
- À, thì ra là anh Tiến đã có chị Quy quan tâm rồi tụi bay ơi, hèn chi…!
- Thôi đi mấy cái con này, về hết đi kẻo tụi bay ăn đòn đó! – Vừa nói, Quy vừa đưa tay làm bộ đánh mấy đứa. Tụi nó nắm tay nhau chạy loạn, vừa chạy vừa cười đùa: “Đó, tụi em biết mà…”.
Bóng mấy đứa con gái tinh nghịch khuất sau cánh cổng nhà xứ, chỉ còn thấy tiếng cười đủ loại, chí choé. Quy đỏ mặt, cười gượng, khẽ liếc nhìn Tiến. Thẹn! Tiến lóng ngóng đưa tay lên cài quai mũ, vụng về:
- Cảm ơn Quy nhiều. Tôi về. Lát Quy về cẩn thận nha!
Nói rồi, Tiến mở khoá xe, nổ máy, đi vội qua cái nhìn như còn gì chưa kịp nói của Quy. Tiến đi, bỏ lại Quy đứng một mình, mắt nhìn theo hướng chiếc Honda vừa khuất, luyến tiếc như vừa vụt mất điều gì đó. Cô cũng nổ máy, lẩn vào trong bóng đêm. Cũng khuất!
***
Tiến trạc tuổi 35, cao, hơi gầy với khuôn mặt xương xương, nhưng đầy chất “men”. Anh ít cười lắm, nhưng mỗi khi anh cười, hàm răng trắng đều lộ ra rất cuốn hút người khác. Những khi đó, khuôn mặt anh ánh lên một vẻ hiền hậu, khác hẳn với vẻ mặt đầy nghiêm nghị, ẩn khuất một chút gì đau khổ thường ngày. Tiến ít nói, hát hay, nhiệt tình trong công việc nên khiến lũ con gái trong ca đoàn mê mệt. Khổ nỗi, anh chẳng thèm để ý tới đứa nào bao giờ!
Chẳng ai biết quê gốc của anh, chỉ biết là một nơi nào đó ngoài Bắc thôi. Nghe người ta kể, anh lưu lạc vào Nam này trước biến cố 75, khi đó anh mới chỉ là đứa nhóc mười lăm tuổi. Anh đi lẫn vào một đoàn người di cư mà không có lấy một người thân thích. Thấy mặt mũi anh sáng sủa, lại có Đạo nên một cha cố nhận nuôi. Tính anh hiền lành nên cha cố muốn anh học làm cha, nhưng anh nhất định không chịu mà cũng chẳng bao giờ nói lý do. Mấy năm sau, cha cố theo đoàn người vượt biên, đi mất. Tiến lại cô độc một mình. Bơ vơ!
Tiến ở một mình mãi đâu đó trong thành phố, cách giáo xứ này cả gần chục cây số. Thế nhưng từ ngày tham gia ca đoàn, chưa có buổi lễ hay học hát nào anh vắng mặt. Cũng đã hơn chục năm rồi chứ chẳng ít! Hồi đầu, cha sở thấy có chàng thanh niên ngày nào cũng chịu khó đi lễ, rất sốt sắng, nhưng lại chẳng thấy anh lên rước lễ bao giờ. Cha tìm cách nói chuyện với anh nhưng anh cứ rụt rè, sợ sợ, dường như chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt cha. Cha đoán rằng anh có điều gì đó lớn lắm, ẩn khuất trong lòng mà chẳng nói được ra. Cha mời anh tham gia ca đoàn, anh nhận lời. Vốn đã có kiến thức nhạc lý mà cha cố xưa đã dạy, cộng thêm chất giọng trời cho nên chỉ sau thời gian ngắn, anh đã trở thành ca trưởng chính của giáo xứ. Từ ngày có anh, ca đoàn xứ mạnh lên hẳn: đông hơn, hát hay và tâm tình hơn, sốt sắng hơn. Cả giáo xứ cũng được rộn ràng hơn.
Cha sở thương anh, muốn giúp anh mở lòng để giải toả mọi điều đang chất chứa trong lòng anh. Cha thường xuyên mời anh ở lại uống nước, nói chuyện sau mỗi thánh lễ Chúa nhật. Hai người đàn ông bên ly cà phê, chén nước chè đặc. Ly cà phê cạn dần, hai mảnh đời dần lộ ra, cả cha sở và anh chia sẻ cho nhau về cuộc đời đã đi qua, thân tình, chân thành lắm. Nhưng, biết bao ly cà phê cạn, biết bao chén chè đã vơi, mà những gì cha sở biết về cuộc đời anh trước khi vào Nam vẫn là “con số không” tròn trĩnh. Vẫn là một câu nói khiến cha sở đau lòng và bất lực: “Con tội lỗi lắm, Chúa cũng chẳng thể tha thứ cho con được…!”. Cha sở đã cố gắng dùng biết bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu cách diễn đạt, từ giáo lý căn bản, ví dụ đời thường, …cho tới những bài thần học cao siêu để nói với anh rằng Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh cả tính mạng để chuộc tội cho con người, rằng Ngài là Đấng đầy xót thương luôn luôn chờ đợi để tha thứ… Anh nghe hết, hiểu hết nhưng cuối cùng cũng vẫn chỉ là mấy tiếng “Cảm ơn cha” mà thôi!
Mùa Chay về, cha xứ cố tình sắp xếp cho ca đoàn tĩnh tâm riêng. Ngài chú tâm dọn bài giảng thật sâu sắc, thật ý nghĩa, thật đánh động lòng người… Buổi tĩnh tâm của ngài có thể nói là thành công, vì bài giảng của cha đã khiến tất cả ca viên phải rơi lệ, nhiều đứa con gái còn khóc lớn tiếng… Riêng anh, một góc nhỏ anh ngồi, mặt cúi gằm, nước mắt chảy vào trong. Cha đã giảng về hình ảnh Thiên Chúa là người cha yêu thương, hiền lành, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái mình; người cha luôn chờ đợi để tha thứ, dù lỗi lầm của đứa con có nặng tới đâu, chỉ cần nó quay về! Những lời giảng đó như những vết dao đâm sâu, xé toạc những vết thương mà chưa đêm nào thôi dày vò anh: “Cha yêu thương mình như thế, vậy mà mình đã…”.
Tiến vào toà, xưng tội hồi lâu. Người ta dù ngồi khá xa vẫn nghe được những tiếng nấc nghẹn ngào của anh, tiếng nấc xót xa vô cùng. Bước ra khỏi toà giải tội, cha sở mắt đỏ hoe. Trưa đó, cha không dùng cơm, quỳ suốt buổi trước Thánh Thể, cầu nguyện, than thở… đầu óc mập mờ mấy tiếng “…con là kẻ giết cha mình, con không đáng được tha…”. Rồi biết bao mùa Chay trôi qua, biết bao buổi tĩnh tâm, biết bao lần xưng tội, biết bao lần dự lễ sốt sắng..Tiến vẫn chưa một lần lên rước lễ!
***
Quy vốn là người trong xứ, nghe đâu đã đi tu ở một Dòng nào đó hơn chục năm, trước cả khi Tiến về xứ này. Quy mới ra khỏi Dòng mấy năm nay vì lý do sức khoẻ, nghe bảo vậy. Cô hiền lành, dịu dàng, vẫn giữ được chất người nhà tu. Quy đánh đàn hay lắm. Tiếng hát của Tiến được hoạ thêm bởi tiếng đàn của Quy thì quả như trăng rằm gặp mặt hồ phẳng lặng, càng thêm lung linh, càng trong, càng sánh, càng cao, càng huyền! Quy cảm được trong tiếng hát, trong ánh mắt, trong nụ cười của Tiến luôn có một điều gì đó giam hãm, kìm kẹp khiến cho Tiến chẳng bao giờ tỏ lộ ra trọn vẹn là mình: nụ cười mới hé đã vụt tắt! Càng cảm được nỗi khổ tâm của Tiến, cô càng thấy thương, thấy gần anh hơn. Từng cử chỉ, từ ngón tay nhẹ đặt trên phím đàn, ánh mắt…của Quy đều tỏ ra một sự quan tâm dành cho Tiến. Tiến như cũng nhận ra được điều đó, nhưng mỗi lần bắt gặp ánh mắt muốn được cảm thông, muốn được chia sẻ của Quy thì anh lại vội quay đi một cách vụng về. Lòng Tiến rung động thực sự, anh cảm được tấm chân tình đó tận sâu trong trái tim mình, nhưng anh không dám nhìn nhận nó, không dám đối diện, không dám đón nhận nó: “Một kẻ xấu xa như mình sao xứng với một người như Quy!”. Cả ca đoàn đều nhận ra điều đó, ai cũng muốn cho mối duyên này sớm nở hoa. Nhưng nào ích gì khi Tiến cứ lạnh lùng gạt bỏ đi tất cả. Tiếng đàn của Quy như đượm một màu tủi phận!
***
Đoàn người đâu mà đông thế. Người cầm cuốc, kẻ cầm gậy. Người già, người trẻ, con nít, thanh niên. Kẻ mặc váy, người cởi trần, kẻ chân quần còn xắn cao tới bẹn, chân đầy bùn lấm bẩn, kẻ áo nâu, ô hộn! Ùn ùn kéo nhau đi.
Nhốn nháo, ồn ào, chen lấn, xô đẩy: “Đâu, đâu…Thằng nào, thằng nào…Cho nó chết luôn đi…Bọn đó cứ phải xử tử…Giết, không tha…”. Kẻ nào cũng tranh nhau nói, chí choé, ầm ầm cả một góc trời. Một người mặc bộ đồ xanh đi đầu, theo sau là mấy anh lính tay súng, tay gậy, vừa đi vừa đẩy một ông lão có tuổi đang bị trói đi cho mau. Mỗi lần thúc, mấy anh lại văng vài câu chửi thề, rủa ông lão. Lếch thếch theo sau ông lão có mấy người gào khóc: “Ối bố ơi,…bố ơi…Ông cố ơi...”. Thật tội!
Tới sân đình, đoàn người im bặt. Ông lão bị đẩy ra quỳ giữa sân. Người mặc đồ xanh nói gì đó, mọi người chăm chú ngắm nghía, bình luận về ông lão… Rồi, thằng nhóc nãy giờ vẫn lấm lét đứng nép bên người đàn ông áo xanh tiến ra trước mặt ông lão. Cả đám đông im lặng. Thằng nhóc giơ tay chỉ vào mặt ông lão, mắt đỏ ngầu, đầy căm phẫn: “Ông không xứng đáng là cha của tôi. Hàng ngày, ông cấm tôi không được đi chơi trọi chim, ném đá, tắm sông với bọn trẻ con nhà nghèo. Ngày nào ông cũng bắt tôi phải học. Biết bao lần ông dùng roi mây mà đánh tôi, chảy cả máu mông chỉ vì tôi trốn đi chơi. Ông còn nhốt tôi trong phòng cả buổi không cho tôi ăn gì chỉ vì tôi lấy của ông hai hào. Ông đã hành hạ tôi suốt bấy nhiêu năm trời, ông là tên địa chủ tồi tệ, ông không xứng là cha tôi”. Thằng nhóc vừa dứt lời, cả đám người gào thét, la lối om sòm: “Giết…giết nó đi…Thằng địa chủ độc ác…giết…”. Mặc kệ tiếng kêu gào thảm thiết của mấy kẻ đi theo ông lão: “Bố tôi là người tốt…Bố tôi không phải như thế…”. Ông lão vẫn im lặng, ngước mắt nhìn thằng nhóc, ánh mắt xót xa, oan ức, nhưng đầy yêu thương, ánh mắt như muốn nói: “Con, sao con dại dột như vậy?”.
Người mặc đồ xanh xoa đầu thằng nhóc: “Tốt lắm!”
Xong!
***
- Thằng nhóc đó chính là tôi đấy Quy ạ!
Giọng Tiến run lên, khàn khàn, nghẹn ứ. Quy đã khóc nấc lên từ lúc nào không hay nữa. Ánh đèn điện lắc lư theo con gió. Quy đưa tay nắm lấy bàn tay đang run lên bần bật của Tiến. Anh vội rút tay lại, đứng lên, bước vào nhà, bỏ lại một mình Quy hụt hẫng ngồi lại bên bậc thềm.
- Suốt bấy nhiêu năm nay, chưa đêm nào ngủ mà những hình ảnh đó không hiện về hành hạ tôi. Ánh mắt của cha tôi, tiếng la hét của đám dân mà tôi và họ chẳng hề biết nhau… Tất cả đều rõ mồn một. Tôi đã giết cha tôi như vậy đó Quy ạ.
Quy vẫn im lặng trong xót xa.
- Nếu hôm đó đấu tố ở làng tôi, thì dân làng đã đứng lên bảo vệ cho cha tôi rồi. Ông là một người tốt. Rất yêu người nghèo! – Tiến tiếp tục. – Có kẻ nào đó đã nói với tôi rằng chỉ cần tố cha tôi như thế, tôi sẽ được tất cả gia tài của cha tôi…và cha tôi cùng lắm sẽ chỉ bị đánh một trận đòn! – Tiến hít một hơi thật sâu rồi đẩy một tiếng thở thật dài, tiếp – Ngoài cha sở và Quy, tôi chưa bao giờ kể chuyện này cho ai. Tôi đã phải trốn đi một ngày trước khi cha tôi bị xử bắn. Suốt đời này, chắc cha tôi chẳng bao giờ tha thứ cho tôi…Và tôi cũng chẳng bao giờ dám quay về mảnh đất đó nữa! – Tiến lại nấc lên cay đắng. Quy nói trong tiếng khóc đã khản, đôi mắt đỏ hoe nhìn thẳng vào Tiến:
- Không, anh không phải là người đã giết cha anh. Rõ ràng là thế. Em tin chắc cha anh không trách anh vì những hành động của anh. Chắc chắn cha anh đã tha thứ cho anh rồi. Chỉ cần anh tự tha thứ cho mình thôi. Anh quay về với cha anh đi!
- Tha thứ à? – Tiến cười khẩy, quay đi – Tội của tôi không ai tha cho đâu Quy ạ!
Làn khói hương trên bàn thờ không di ảnh cứ quện vào nhau, trùng trình, như chẳng muốn bay lên. Về đâu? Về đâu!
***
“Hãy xé lòng đừng xé áo….”, lời bài ca vang lên đưa Mùa Chay về với muôn người. Tiếng dạo đàn dẫn vào bài ca hiệp lễ sao mà sầu thảm, sao mà da diết! Tiến đứng trên bục để điều khiển ca đoàn, rõ là anh có gì đó khang khác! “Tôiii sẽ trở về, về cùng Cha tôi, tôiiii sẽ trở về…”. Tiếng ca đoàn vừa cất lên theo nhịp tay đưa của Tiến thì tiếng đàn bỗng nên lúng túng. Tiến ngừng vẫy tay nhịp, ôm mặt, bật khóc nức nở. Cả nhà thờ nhốn nháo nhìn lên gác đàn. Tiến vẫn quỳ khuỵ khóc nấc. Quy chỉ biết úp mặt trên phím đàn, cổ nghẹn ứ, dòng lệ cứ thế tuôn. Cha sở đang cho rước lễ giữa lòng nhà thờ, lặng im, khoé mắt cay cay mà lòng như vui nhộn: “Về đi con!”
***
Chiếc taxi tiến vào làng quê nghèo trước ánh mắt tò mò, ngơ ngác của đám trẻ con. Sau một hồi chạy lòng vòng hỏi đường, chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà cấp bốn có cái xưởng mộc kế bên. Người đàn ông trung tuổi bước xuống xe cùng người phụ nữ ăn mặc giản dị. Nhìn về phía căn nhà, người đàn ông tỏ ra chút sợ sệt. Bàn tay người phụ nữ đặt lên vai anh như một lời động viên.
- Bố ơi, nhà mình có khách. – Giọng đứa nhỏ cất lên rõ chua càng khiến người đàn ông thêm hồi hộp. Từ phía xưởng mộc, người đàn ông cao to vận chiếc quần ngố với áo mai ô còn vương đầy bụi tiến ra, ngơ ngác.
- Bác cả Lý! Em đây, thằng em bất hiếu của anh đây…Hôm nay em về để chịu tội…
Tiếng nấc đột ngột chặn đứng câu nói còn dang dở. Hai tay ôm mặt, người khách lạ khóc run lên, khuỵ gối xuống đất nghe đánh “huỵch”. Ông chủ nhà tái mặt, ú ớ, lúng túng. Mắt ông căng ra, nhạt nhoà vì giọt nước mắt chợt tuốn ra. Bất giác, ông mếu máo và lao thẳng tới ôm chầm lấy người kia: “Chú Tiến, là chú thật sao…?! Hức… Cuối cùng thì chú cũng đã về rồi…!”.
Tới lúc này thì Tiến không kìm nén được nữa, anh khóc rống lên. Hai tiếng khóc quyện lấy nhau, nức nở…
***
Bên ngôi mộ rất đẹp trong nghĩa trang đầu làng chiều nay, có hai người quỳ gối rất lâu, mắt lệ nhạt nhoà. Đầu óc Tiến cứ vang vẳng mãi lời ông Lý: “Bố không trách chú đâu. Trước khi bị bắn, bố dặn đi dặn lại bọn anh rằng phải tha cho chú, không được ghét bỏ chú, nhưng phải thay bố chăm sóc và yêu thương chú…”. Tiến thấy tủi hờn cho quãng đời của mình. “Cha ơi, bao năm qua, con cứ nghĩ rằng không bao giờ cha tha thứ cho con. Bao năm qua con khổ sở, giày vò… Con dại dột quá quá cha ơi! Con đã quên mất tình thương cha dành cho con! Con đã về bên cha rồi, cha ơi!”. Anh đưa tay sang nắm lấy bàn tay Quy đang quỳ bên cạnh, xiết thật chặt!
Làn khói hương trầm nghi ngút bay lên, thật cao, thật cao… Nghe vang vọng đâu đó khúc ca ngày trở về…!