HỒ DZẾNH
Tên thật: Hà Triệu Anh, bút danh: Hồ Dzếnh – sinh năm 1916 tại tỉnh Thanh Hóa, học những năm đầu tại trường Nhà Chung Thanh Hóa; sau ra Hà Nội học tiếp và đi thẳng vào sự nghiệp thơ văn, đồng thời làm giám đốc văn chương cho nhà xuất bản Á Châu.
Lãnh phép Thánh Tẩy với tên thánh Phaolô Têrêxa, ngày 23-3-1941, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, do cha Quý tức linh mục Villebonnet, thuộc Hội Thừa sai Paris.
Qua đời năm 1991.
Thi phẩm: Quê Ngoại (1943). Hoa Xuân Đất Việt (1946) Quê Ngoại II: Tiếng hát thiên nga (1993)
Tiểu thuyết: Một chuyện tình 15 năm về trước (1942), Cô gái Bình Xuyên (1946), Những Vành Khăn Trắng (với bút hiệu Lư Thị Hạnh, 1944), Phong Lan (1944).
Truyện ngắn: Chân trời cũ (1942); Hồi ký: Quyển truyện không tên (1993); Kịch: Người nữ cứu thương Trung Hoa (1947), Đi hay ở (1955).
THI SĨ HỒ DZẾNH VÀ KITÔ GIÁO
NGUYỄN KHẮC XUYÊN
Hồ Dzếnh là một nhà thơ và nhà văn thuộc thế hệ tiền chiến, sống ở Miền Bắc suốt hai thời kỳ kháng chiến.
Nhưng ông chỉ được nói tương đối nhiều sau khi ông mất (13-8-1991, thọ 75 tuổi). Mới đây năm 1993, Hội nhà văn ở Hà Nội cho xuất bản cuốn “Hồ Dzếnh thi sĩ” gồm nhiều bài trích trong các tác phẩm thi văn của tiên sinh.
Tuy nhiên về mặt tôn giáo, về quan niệm của ông đối với Kitô giáo thì chưa ai nói tới. Sau đây là mấy suy nghĩ và tìm tòi của chúng tôi.
Hồ Dzếnh không viết nhiều, có mấy tác phẩm chính yếu của ông thường được nhắc nhở tới: Chân trời cũ (1942), truyện ngắn. Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (1942), ký Lưu Thị Hạnh, tiểu thuyết. Quê Ngoại (1943) thơ, Hoa Xuân Đất Việt (1946) tiểu thuyết. Những Vành Khăn Trắng (tiểu thuyết. Hai tác phẩm xuất bản khi nhà thơ mất: Quê Ngoại 2, Tiếng hát thiên nga (1993) thơ, Quyển Truyện Không Tên, hồi ký (1993).
Hồ Dzếnh thật ra không viết về tôn giáo, không làm thơ đạo. Trong Chân trời cũng có một bài nhan đề. “Mơ Về Nước Chúa”, trong đó ông nói tới em bé Thi người Công giáo ở vùng Thanh Hóa và nhờ đó ông nghe nói tới xưng tội, rước lễ, đọc kinh ở nhà thờ. Ông cũng thường theo em vào nhà thờ nghe giáo dân đọc kinh xem lễ. Nhưng sau kỷ niệm với em bé Thi, thì Hồ Dzếnh viết về sự trở lại đạo của mình. Ông cho biết ông đã học trường Nhà Chung ở Thanh Hóa. Ở đây nghe cha bề trên giảng về sự tội, về hỏa ngục, hình phạt, ông đã có ý định bắt đầu theo đạo, nhưng một việc nào đó chưa cho phép ông thực hiện. Rồi sau khi ra Hà Nội tiếp tục học, ông đã theo đạo. Ông không nói rõ trường hợp trở lại đạo của ông, nhưng ông cho biết tâm tình ông lúc đó và cảm nghĩ của ông về tôn giáo. Đây là điều làm cho chúng ta phải để ý và suy nghĩ. Chúng tôi không viết nhiều, chỉ biết là ông đã quan niệm đạo như một cái gì thiêng liêng.
Ông viết: “Tôi quên mất tôi là người có đạo, một người đã giao kết hẳn hoi với cuộc sống thiêng liêng về sau” (Hồ Dzếnh, Chân trời cũ tr. 89). Ý nghĩa sự cam kết, giao kết rất đúng. Đó là một điều đáng được giảng giải nhiều hơn. Rồi ông cũng thấy việc theo đạo thuộc về niềm tin, mà ông thấy mình vẫn chưa mạnh đức tin, chưa tin cho đủ: “Tôi chỉ là người trở lại đạo, hiểu nghĩa đạo mà theo, nhưng chưa chắc đã mạnh lòng tin tưởng” (Sđd tr. 91). Ở mấy dòng trên ông còn viết: “Tôi chưa được rửa tội nhưng tôi vẫn đến nhà thờ vì quen lệ hơn là vì lòng hoàn toàn tin tưởng. Tôi cố gây lấy một đức tin mạnh” (Sđd tr. 90).
Ngoài việc đi lễ nhà thờ Hà Nội ngày chủ nhật, ngoài việc đọc kinh, ông vẫn còn tỏ ra luyến tiếc một cái gì đã qua, mà cái đó đẹp đẽ thích hợp với cội nguồn gốc rễ của bản thân ông, của người Mẹ già của gia đình cổ truyền của ông. Điều ông viết làm chúng ta phải suy nghĩ “Tôi đua đòi chạy tìm cái chân trời xa lạ, nhưng mỗi lúc dừng chân, tôi vẫn thích quay về quê Mẹ. Ở đó mới thực rộn rã và sôi lên cái gì là lòng không vay mượn không chế tạo, thiết thực và đơn sơ” (Sđd tr. 91). Lời lẽ này phải được giải thích và đặc biệt để ý. Ông muốn nói: “Đạo Kitô có thể vẫn còn những gì thuộc ngoại lai, chưa đi vào lòng dân tộc, nó vừa mới mẻ quá, vừa thiếu tinh thần thích nghi vào văn hóa dân tộc”.
Dẫu sao ông theo đạo nhưng vẫn tiếc đạo cổ truyền của cha ông, nhất là của người Mẹ già mà ông trìu mến. Ông viết để kết thúc bái: “Amen!” nhưng bên cạnh chữ Amen than ôi! Lại còn câu: A di đà Phật (Sđd tr. 92).
Tâm tư của một người đạo mới như ông, thật khác với một người khác cũng đạo mới như ông: Pierre Đỗ Đình, một nhà triết học và y sĩ. Đỗ Đình năm 1932 lúc trở lại đạo đã viết bài thơ bằng tiếng Pháp nhan đề Le Grand Tranquille (Người rất thanh bình, thanh thản) trong đó ông nói lên sự luyến tiếc quá khứ văn hóa, tôn giáo của ông nhưng ông đã tìm được một niềm tin vững chắc. Ông cho quá khứ của ông đã làm trọn sứ mệnh tiên tri, quá khứ ấy đã đưa ông về với đạo Chúa, quá khứ ấy không vô ích, không nên tiếc, nó đã làm tròn sứ mệnh của mình: quá khứ ấy đã được phục sinh. Hồ Dzếnh không có cái sâu sắc suy nghĩ ấy, có thể ông không được học hỏi như Đỗ Đình, không có cái nhìn triết học và thần học như Đỗ Đình.
Tóm lại sự trở lại của thi nhân chưa có một cơ sở vững chắc. Cũng trong Chân trời cũ, còn truyện vừa Một Kiếp Người trong đó có đoạn ông nói ông đã cầu nguyện cho người anh của ông và đồng thời người mẹ già cũng cầu nguyện nhưng hai người hai đạo khác nhau. Ông viết:”Giờ này Mẹ tôi chắc cũng đang lần hạt, và tuy theo hai tôn giáo khác nhau, lời cầu xin của chúng tôi vẫn là một: mong cho kẻ ở xa chóng được yên ổn trở về” (Sd. Tr. 116).
Cũng nên ghi ở đây là hai truyện ngắn trên đây trích trong Chân trời cũ đều không được tuyển vào Tác phẩm chọn lọc, văn học Hà Nội, 1988. Trái lại trong bộ văn xuôi lãng mạn Việt Nam Hà Nội 1990 thì có đủ toàn quyển Chân trời cũ (Xem tr. 55-60, Vừa một kiếp người tr. 71-79, tập 7).
Trên đây là về văn xuôi, còn về thơ, thì trong Quê Ngoại và Hoa Xuân Đất Việt, không có bài thơ tôn giáo nào. Phải đợi cho tới Quê Ngoại 2 (1993), người ta mới đọc được một vài bài ngắn ngủi, và cũng không nhiều, chỉ là một vài bài trong một hoàn cảnh bé nhỏ. Người ta được biết, người yêu của ông lúc ông còn thanh xuân, thường được gọi sau này là Người Em Gái, là một người Công giáo. Năm 1938, ông gởi cho cô bài thơ tình đơn sơ giản dị:
Người yêu tôi đeo cây thánh giá
Tự ngàn xưa Chúa chịu cực hình
Tôi không thích giáo lương gì cả
Tôi nguyện kinh rằng “Anh nhớ em”.
(1938)
Mấy năm sau ông gởi đi một cánh thiệp với bài thơ nho nhỏ:
Anh gởi về em chiếc ảnh buồn
Mắt anh thờ thẫn mắt sưng luôn
Miễn là ở chốn xa xôi ấy
Lạy Chúa xin nàng nhớ đến con
(1941)
Bẵng đi hơn một nửa thế kỷ, thi nhân của chúng ta viết bìa Hoa Mẫu Đơn tặng người em gái thuở xưa trong đó có câu đầu và câu cuối nhắc tới đạo:
Em ạ quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió đạo lời kinh toả vấn vương
Đêm giáng sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau!
Noel 1989
Bài thơ này cũng không trích trong tác phẩm chọn lọc. Thực ra đây là một trong những bài thơ ông viết mấy năm trước khi lìa đời và rất có thể chỉ được công bố khá chậm, hoặc sau khi nhà thơ mất. Hồ Dzếnh đã bắt liên lạc được với Người Em Gái và nguồn thơ lại dào dạt không kém Thuở Ban Đầu do đó mới có Quê Ngoại 2, tập thơ xuất bản sau khi nhà thơ đã qua đời, như đã nói ở trên.
Còn về Quyển Truyện Không Tên, cũng có một đoạn nói về tôn giáo và là điều làm chúng ta suy nghĩ. Hồi ký này thi nhân đã viết dở vào cuối đời mình, năm 1989 hoặc lên trên hơn một chút. Ông kể lại thời gian mấy năm sống rất gian lao ở vùng Thanh Hóa, những năm 1948-1951. Lúc này ông và gia đình sống rất cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vợ con đau yếu không có tiền thuốc tháng. Khi sinh bé trai thứ hai, bà Huyền Nhân vợ thi sĩ dò ý xem chồng có muốn mời cha tới rửa tội, thì ông đã nói lảng không nhận.
Anh có định mời cha về rửa tội cho con không?
- Nó có tội gì đâu mà rửa. Mà rửa để làm gì, khi cõi đời này vẫn còn vô vàn cái đáng rửa.
Ngẫu nhiên ngay lúc đó, hồi chuông giáo đường nổi lên trong cảnh chạng vạng, loãng ra theo nỗi hiu quạnh trên cánh đồng. Cha tôi chắc không nhớ tới bản kinh thường đọc, nhưng đương cảm thông với những Tiếng thầm thì gì khác. Con người đã gặp Thượng Đế từ lâu, trong lòng thương con, xót vợ, trong niềm chua xót ở đời (Quyển Truyện Không Tên, đoạn 9).
Phải đặt mình vào hoàn cảnh sống của thi nhân lúc đó. Thi nhân gặp khá nhiều oan trái trên đời, lại lúc này hết sức cơ cực về tinh thần và về vật chất, trong một phút tuyệt vọng, ông đã như thể mất niềm tin đạo. Nhưng con người Hồ Dzếnh là con người rất dễ yêu, giản dị, có tình có nghĩa, không chạy theo danh vọng, tiền tài, sống thanh bần lạc đạo, thà làm thợ đúc thép hơn ba chục năm, hơn là cầm bút. Tất cả những ai quen biết ông đều làm chứng những đức tính này của ông và ông ta mến ông, phục ông ca tụng ông. Khi ông mất, báo chí đã lên tiếng thương tiếc, năm giỗ đầu đã làm lễ truy điệu và các báo tiếp tục nói về thân thế và sự nghiệp của ông. Năm 1993 này còn cho xuất bản cuốn sách riêng nói về ông.
Riêng phần chúng tôi, mỗi lần về Hà Nội, chúng tôi đều đến thăm ông và giữa hai chúng tôi đã có một dây liên hệ thân thuộc, tình bạn bè muộn nhưng khăng khít. Quý mến ông niều và cũng thương nhớ ông nhiều: một con người có tình có nghĩa như ông không dễ có trên đời lăng lố ngày nay.
Sau khi ông mất được ít lâu, chúng tôi nhận được tờ chứng chỉ Rửa tội của ông. Theo đó được biết ông Rửa tội ngày 23 tháng 3 năm 1941 tại nhà thờ lớn Hà Nội do cha Villebonnet, thuộc hội Truyền giáo Nước ngoài Paris – tên Việt là Cha Qúy – người đỡ đầu là ông Trần Đình Kỹ. Hồ Dzếnh lấy tên thánh là Paul Thérèse. Paul là tên thánh ông Kỹ, còn Thérèse là tên thánh người em gái đã nói ở trên. Chúng tôi biết linh mục Villebonnet vì lúc này chúng tôi thường có mặt ở Hà Nội. Ông Kỹ, là một trí thức người Thanh Nghệ lúc đó dạy học ở Hà Nội, rồi cùng với linh mục Cras – Đỗ Minh Vọng – Dòng Đa Minh Lyon, mở trường Pasteur là trường trung học thứ nhất do người Công giáo điều khiển. Ông Kỹ là nhân vật rất nhiệt thành và có lòng đạo đặc sắc. Vào một kỳ hè, chính chúng tôi cũng là học trò Pháp văn trong một lớp hè tư do ông sáng lập.
Paul Thérèse Hồ Dzếnh là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, văn thơ ông sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Đời không quên ông.
Paris, 13 tháng 8 năm 1993
TUYỂN THƠ
THỂ CHẤT
Hỡi Thiên Chúa! Sao Người không có xácĐể tôi sờ? Không máu uống cho no
Sao giấc thiêng. Người lặng lẽ không bờ?
Hay bí mật! Hay..Người không phải Chúa?
Sao gió mát không kết thành giải lụa
Lễ tơ hồng, Thiên Quốc cưới nhân gian?
Sao linh hồn to lớn lại không ban
Cho phép lạ mở toang trời giây phút?
Hỡi kinh nguyện hãy xông trầm nghi ngút
Cho thơm lòng hồn nhỏ thoát trong cao!
Cho từng không tuôn uống ngọc ngàn sao
Cho Mơ ảo biến ra làm Thể Chất
Mắt thuê thỏa, ta lùng trong cõi thật,
Ngắm quên say thần sắc Mẹ Đồng Trinh
Riết mê man cả khối lửa ân tình
Của nữ thánh Thérèse kiều ái Chúa!
Hỡi im lặng thiêng liêng, ngập tràn, ứa vựa!
Ta lia gươm rạch ứa máu ngàn không
Để muôn đời không có nữa mênh mông
Vẫn ngăn cách Hồn Yêu cùng Đạo Lý
Nhưng đau đớn! Ta vấp mồ thế kỷ
Chết nơi đây vì xét nghĩa Không Cùng
Đem trí người suy đoán nỗi mông lung
Của Thiên Chúa vẫn muôn đời bí mật!
THƠ VÀ CHÚA
Cao hơn nghĩa Chúa rất Chúa
Trọn Lành trên mọi Trọn Lành
Hào quang của muôn Sáng Tỏ
Chúa, cái nghĩa chính bao quát tất cả là THƠ
Chúa là BÀI THƠ
Vĩnh viễn của HƯƠNG HOA, NHỊP ĐIỆU, MÀU SẮC, ÁI TÌNH.
Đó là Đạo Lý thu hội tại Vũ Trụ và Nhân sinh
Thế nhân cảm biết ĐẸP vì ĐẸP của chính NGƯỜI ĐẸP là ĐẸP. Người ngự trị cái ĐẸP
Mà ta chỉ là kẻ tôn thờ
RUNG ĐỘNG từ cao xuống ta
NGUỒN THƠ bắt đầu từ đó
Có điều, hai nghìn năm sinh sau cuộc đầy thân lầm than và vinh hiển
Thế hệ trôi chảy đã làm lạc đường ta, mây gió luân lưu làm phai mắt ta
Ta đã ở gần quả đất
Sống riết vào Nhân sinh: ta quên Chúa!
NGƯỜI THI SĨ toàn mỹ, toàn thiện không quên ta
THƠ NGƯỜI vẫn tỏ
ĐAU THƯƠNG vẫn nhịp với HOAN LẠC
LẼ SỐNG đi đôi với HY SINH
Kết nên chất thiêng, THƠ bất tận
Đời Người đã hết rồi trên cây Thánh Giá?
Nhưng một đời khác đã được tái tạo
Người sống lại trong cõi chết không chết (la Mort immortelle)
Và HƯƠNG, và HOA, và SUỐI NHẠC, và LÒNG TIN vẫn thơm lừng, cuồn cuộn.
Cõi đời hãy cố hiểu BÀI THƠ SỐNG đó
Bằng cái nhỏ biến ở một phần triệu sự cao sang kia
Nếu không là không hiểu gì hết
Ta không biết nỗi mong ước mênh mông nào
Trào vọt từ đáy tim ta ra
Ta không biết nỗi mơ tưởng nào đem ta đi
Một mình thẩn thơ trên bãi biển
Ta không biết sóng bể nói gì với ta
Bằng tiếng rên than âm u bất tận
Sóng bể như hỏi ta
Một điều gì mà không ai biết cả
Và lòng ta nữa cũng hỏi ta
Điều mà sóng bể hỏi
Trôi về đâu, về đâu, cánh buồm ngàn trùng
Mất tăm giữa muôn trùng sâu thẳm?
(Thơ Đạo của Miquel Coste)
TRỜI ĐẤT, VŨ TRỤ là đầu đề to lớn của một BÀI THƠ CAO Chúa là RUNG ĐỘNG chính nhập vào THƠ, luyện thành NHẠC ÂM HƯỞNG NHẠC
THƠ tỏa ra là ÁNH SÁNG, HƯ KHÔNG, là SỰ SỐNG bất tận.
Ta đi sâu vào cái Thế Giới kỳ ảo
Dựng trên mầu xanh, mầu tím, lòng ta băn khoăn mắt ta e ngại
Ta bị bối rối trước Cái ĐẸP
Cái ĐẸP TRÊN ĐẸP, cái ĐẸP HỒ NGHI
Rồi ta cho rằng tất cả là HUYỀN LỘNG
Vì ta không thể lĩnh hội được trong chiếc đầu quá nhỏ
Cái VÔ CÙNG của THƠ, của SỰ SỐNG, ĐẠO và LÝ
Trong cõi đời tầm thường
Nơi ta đau cái đau của loài sâu kiến
Đôi lúc ánh sáng Cao thiêng rọi xuống lối ta đi
Khiến ta tin chắc trong một giây
Rằng ta sống giữa MỘT BÀI THƠ thật
Không là THƠ sao
Cái đêm tuyệt vời mầu nhiệm
Đã ghi những phút trọng vọng của MỘT Chúa ra đời?
Không là THƠ sao
Nỗi đau lớn của NGƯỜI Mẹ TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Ôm lấy xác CON MUÔN ĐỜI SÁNG LÁNG
Và đây nữa ÁI TÌNH thắm đượm
Madeleine cúi xuống hôn chân NGƯỜI
Nước lành rửa máu.
HOA MẪU ĐƠN
Tặng Hồng PhúcMẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau
(ca dao)
Em ạ quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió đạo lời kinh tỏa vấn vương.
Con gái Nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em.
Tôi nhớ rừng thanh đá lót thềm
Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm
Cây roi đứng cạnh hòn non bộ
Tỏa mát đường đi gạch lá nem.
Ôi vật vô tri cũng có hồn
Những ngày nắng mới, những hoàng hôn
Tình yêu sau trước đều như vậy
Những thoáng vui xen những nét buồn.
Chủ nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến tận giờ.
Đêm Giáng sinh này em ở đâu?
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu?
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.
(còn tiếp)
Trích trong bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, lm Trăng Thập Tự chủ biên, tập II, tr 58-68)