Đường lên đồi thi nhân |
Cảnh vũ trụ sụp đổ nơi Hàn Mạc Tử có một màu sắc Khải huyền
(apocalyptique). Khi nói đến “ngày phán xét”, đến “tận thế”, đến sao rơi trăng
rụng, hẳn Hàn Mạc Tử đã chịu ảnh hưởng Thánh kinh Kitô giáo về quan niệm cảnh
chung. Các Phúc Âm tả biến cố khánh tận như bao trùm cả vũ trụ: “Sau
những ngày thảm khốc đó, mặt trời sẽ tối lại, mặt trăng sẽ mất sáng, sao sẽ rơi
xuống và muôn vì tinh tú trên thượng tầng đều chấn động” (Matthêu 24, 29). Và
sách Khải huyền loan báo một thế giới mới: “Rồi tôi thấy một trời mới,
một đất mới – vì trời cũ và đất cũ đã biến tan và biển (trầm luân) cũng không
còn nữa.. Thiên Chúa sẽ lau ngấn lệ trên mắt họ: không còn chết chóc, khóc
than, buồn phiền vì thế giới cũ đã qua đi” (Kh 21, 1-4).
Thế giới mới xuất hiện như cung điện nguy nga làm bằng Vinh
Quang, bằng Ánh Sáng lung linh như kim cương, như ngọc thạch.. không.
Thế giới mới của Hàn Mạc Tử cùng lung linh bàng bạc, làm bằng
những gì tinh anh cao quý nhất:
Trời trong đấy trời rất
mực quỳnh dao
Duyên thanh tịnh trăng
tứ bề vây kín.
(Theo Trần Thanh Mại)
Cõi thanh tao, “xứ say mơ” ở đây tượng trưng bằng ánh trăng
diễm ảo:
Không gian dày đặc toàn
trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng
cũng trăng
(“Huyền
ảo” –Thơ Hàn Mạc Tử. tr.30)
Cả bài Chơi giữa
mùa trăng đưa ta vào thế giới trong sạch ấy: “Mỗi phút trăng lên mỗi cao,
khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ và trí tuệ và mộng và thơ, và nước và
thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói. Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà
trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Ở chỗ nào cũng có trăng,
có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập
lụt trong trăng, và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào
khác”. (Theo Trần Thanh Mại)
Nhưng thế giới mới
của Hàn Mạc Tử gần thế giới thần tiên (với Cẩm châu duyên, Duyên kỳ
ngộ và Quần tiên hội) hơn là thế giới tôn giáo (Xuân như ý và
Thượng thanh khí). Thi sĩ tưởng đến “nước Nhược non Bồng” và đi
“tìm dấu tích của Đào nguyên tiên nữ” nhiều hơn là Thiên đàng siêu nhiên.
Dù sao, thần tiên
hay tôn giáo, thế giới mới kia là thế giới lý tưởng hóa, đền bù cho thực tế phũ
phàng. Một thế giới không còn những mâu thuẫn và thỏa mãn mọi ước vọng. Đưa ra
nào là “nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh
tuyệt phẩm” để làm nên một mùa Xuân như ý:
Thiên
hạ bình và trời tuôn ơn phước
(“Nguồn
thơm” – Thơ Hàn Mạc Tử, tr. 71)
Vạn sự điều hòa
tươi tốt như thuở “thiên địa mới tinh khôi” (Xuân đầu tiên – Thơ Hàn
Mạc Tử, tr.70) và “vô cùng đến ngàn năm ơn phước” (Quần tiên hội).
Nếu xưa kia đói
khát yêu đương, Hàn Mạc Tử đã hỏi: “Gió trăng có sẵn làm sao ăn”? Thì bây giờ:
Đã
no nê, đã bưa rồi, thế hệ
Của
phường trai mê mẩn khí thanh cao
(“Đêm
xuân cầu nguyện” – Thơ Hàn Mạc Tử, tr. 73)
Và thú với “Thánh
Nữ Đồng trinh Maria”:
Tôi
no rồi an võ lộ hòa chan
(Thơ Hàn Mạc Tử.tr.73)
Nếu
xưa kia trăng vỡ tan tành thì bây giờ lại cầu nguyện:
Cho
tình tôi nguyên vẹn tựa trăng trằm
Nếu
xưa kia tiếng yêu lở dở thì:
Tao
phùng duyên đến bây giờ lại thấy
(Quần tiên hội)
Để cùng tiếng chim,
tiếng sáo:
Đem ân tình trải khắp cả
trời duyên
Thế giới mới của
Hàn Mạc Tử là thế giới cô đọng lại những gì đã tan loãng.
Phạm Đán Bình
(Trích đoạn của bài Tan Loãng trong
Hàn Mạc Tử, PCĐ-2, tr. 418-428)
Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 246-248.