[Sách] Tập truyện ngắn Suối Nguồn

Quang X Nguyen



SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU
(Đọc tập truyện ngắn Suối Nguồn của Song Nguyễn)


Tôi đã say mê đọc truyện Tình Suối để xem “dòng suối thần” được miêu tả trong truyện chứa đựng những yếu tố thần kỳ thế nào mà đến độ nhân vật Tôi (người kể chuyện) lại bị hút hồn như vậy.
Tôi bị coi là một người “mát “(“bị điện giật”), người tâm thần, vì “đang sống yên ổn nơi thành phố bỗng chỉ vì dòng suối mà tôi phải đánh đổi tất cả để chọn một cuộc sống dân dã”. Tôi đã bán căn nhà ở thành phố có đủ tiện nghi buôn bán thuận lợi, để mua lấy trang trại ở vùng cao nguyên khỉ ho cò gáy có dòng suối chảy qua. “Tôi đã bỏ cả vợ con để ngồi nghe dòng suối kể chuyện và chiêm ngắm ngọn nguồn dòng suối chảy qua. Càng nghe tôi càng mê hồn.” Vậy dòng suối ấy kỳ diệu ở điều gì? Hãy nghe nhân vật Tôi hé lộ bí mật: ”bạn hãy lặng yên nghe suối thần kể chuyện, thật tuyệt vời, thật lãng mạn : có lúc trầm, lúc bổng và tất cả cùng hòa quyện với tình cảm con người…nhưng riêng tôi, tôi thật vui mừng hạnh phúc vì Chúa đã cho tôi được nhìn thấy kỳ công của Chúa qua dòng suối để có thể cất lên lời cảm tạ…”

Cả tập truyện ngắn Suối Nguồn chính là niềm hạnh phúc của Tôi khi được nhìn thấy kỳ công của Chúa qua mọi biến cố của cuộc đời. Dù là còn hay mất, vui hay buồn, bất hạnh hay may mắn, dù phải đối mặt với những thử thách tưởng như quá sức chịu đựng của con người hay được sống êm ấm trong vòng tay yêu thương ấp ủ của người thân yêu, Tôi luôn nhìn thấy sự quan phòng của Thiên Chúa, nhận ra ân lộc dư tràn Thiên Chúa ban cho con người, nhận ra Người luôn ở bên Tôi, đỡ nâng từng bước chân chập chững Tôi đi, và nói với Tôi điều này: hãy chia sẻ với mọi người xung quanh những gì Tôi có. Chia sẻ những đau khổ mất mát trắng tay (truyện Hối Hận), chia sẻ hiếm hoi gói mì, hộp sữa, trái dưa trong lúc cùng kiệt, để cứu lấy những sinh linh bé bỏng lạc loài (Cẩm Hồng Dâng Mẹ), chia sẻ nỗi đau không bù đắp được của những vấp ngã tuổi thanh niên (Con Cha-Cha Con) và chia sẻ cả cuộc đời mình cho mọi người, để xây dựng một thế giới mới, đánh đổi lấy đời nghèo khó âm thầm (Cha Tôi).

Mỗi nhân vật, trong từng hoàn cảnh khác nhau của tập truyện ngắn này đều là những chứng nhân cho sự kỳ diệu, cho “phép lạ” của suối nguồn tình yêu san sẻ ấy. Đó là lời kể của một tài xế vượt xe trong mưa bom bão đạn chiến tranh trở thành nhân chứng của một sự kiện 25 năm sau, lời kể của một Việt Kiều từ Mỹ về sau mấy chục năm lưu lạc quê hương, của chị tôi (một Giáo sư Đại Học), của một nông dân làm trang trại mãi tận vùng cao nguyên khỉ ho cò gáy, của một thầy giáo thất nghiệp đi đạp xích lô, của các nữ tu, và của tác giả… Truyện được kể tự nhiên dung dị như chính cuộc sống đang diễn ra là vậy, tưởng như không hề có hư cấu. Chất ký hiện rõ ở địa danh, sự việc, con người mà ai đã sống trong những hoàn cảnh như vậy đều đã trải nghiệm. Đặc điểm nghệ thuật này của bút pháp giúp người đọc nhận ra tính chân thật trong những thông điệp tác giả muốn nhắn gửi. Hạnh phúc địch thực chỉ có khi ta sống yêu thương, cảm thông chia sẻ và bao dung với mọi người (Cơn Mưa Đầu Mùa), Tiền bạc, công danh sẽ chẳng là gì cả khi ta đánh mất tình yêu thương (Hối Hận). Những ân lộc mà ta có được là tình yêu thương và sự hy sinh của bao người khác, trong đó có người thân yêu của ta, và vì thế ta có trách nhiệm đáp trả (K’Long, Cẩm Hồng Dâng Mẹ, Quà Tặng Ngày Khấn, Cha Tôi, Trọn Tình, Con Cha- Cha Con), trên hết là sự quan phòng của Thiên Chúa và ân lộc của Người ban cho ta ở Thánh Giá ta đang vác trên vai số phận của mình. Tác giả còn thể hiện tâm nguyện này: “Tôi chân thành cầu xin cho tiếng đàn của cháu tôi và của các nghệ sĩ Công Giáo cũng truyền đến mọi người, giúp mọi người ca tụng Thiên Chúa”( Tình Suối), suối nguồn của tình yêu thương.

Với góc nhìn giàu tính nhân văn như vậy, tác giả Song Nguyễn đã viết trong tập tuyện những bài ngợi ca cuộc sống, ngợi ca sự dấn thân phục vụ tha nhân, ngợi ca sự hy sinh san sẻ, và ngợi ca hạnh phúc ngay trong những điều tưởng như mất mát thiệt thòi mà ta phải chấp nhận. Phương Nam, cô học trò lớp 9, bằng lòng nhiệt thành và tinh thần hăng say hoạt động của mình, đã có sức cảm hóa những “ngựa chứng trong sân trường”, góp phần vào làm đẹp môi trường giáo dục, đem đến niềm tin yêu cho mọi người nơi em đang học tập và sinh hoạt tông đồ. Trong Cơn Mưa Đầu Mùa, cha sở cùng với chính quyền địa phương và giáo dân, bằng tình yêu thương và lời cầu nguyện, đã cảm hóa được kẻ xấu, hóa giải được những bất hòa trong nhân dân, đem đến sự yên vui và hạnh phúc cho cộng đồng. Nhiều gia đình Công Giáo trong tập truyện đã hết sức quan tâm giáo dục con cái “… quan tâm đến việc giáo dục …lòng thương người, đặc biệt đối với người nghèo, người đau khổ…giáo dục lòng yêu thiên nhiên, gần gũi và bảo vệ môi trường” (Con Cha-Cha Con; Tình Suối, Cơn Mưa Đầu Mùa, Trọn Tình, Người Lớp Trưởng, Quà Tặng Ngày Khấn, Vận May…) nhờ thế, mỗi gia đình Công Giáo trở thành ”một trường học tuyệt vời “, trở thành ”gia đình gương mẫu tiêu biểu của phương”. Họ đóng góp một cách tích cực vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, xã hội của những người chịu thương chịu khó lao động, không nề quản lam lũ khó nghèo, xã hội mà quan hệ người với người là tình thương yêu, đức hy sinh và sự san xẻ, dù chỉ là gói mì, quả dưa, hay một lời ủi an, một lời cầu nguyện. Họ làm nên những “phép lạ” mà đời thường không thể có được. Chẳng hạn sự hòa giải của hai gia đình Trần-Ngô trong Cơn Mưa Đầu Mùa hay sự khỏi bịnh của người cha trong Con Cha - Cha Con là những “phép lạ” của suối nguồn yêu thương nơi cộng đồng, của các Dì ở trung tâm cai nghiện.

Tôi nhận ra Chúa Quan Phòng luôn ở bên, đỡ nâng từng bước chân chập chững tôi đi

Trong tập Suối Nguồn có khá nhiều truyện nói đến đời tu (8/13 truyện) như : K’Long, Tình Suối, Trọn Tình, Cẩm Hồng Dâng Mẹ, Quà Tặng Ngày Khấn, Cha Tôi, Làm Mẹ, Ngỡ Ngàng. Truyện kể lại ơn gọi đối với những con người bình thường, trong những hoàn cảnh không bình thường, từ đó sáng lên lý tưởng dấn thân theo Chúa phục vụ tha nhân. Bằng con mắt đức tin, thì đó là những trường hợp Chúa chọn cách riêng. Chúa Giêsu đã nói với môn đệ Ngài: “chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, và sinh hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại,”(Ga 15.16). Nhưng bằng con mắt xã hội thì đó chình là sự dấn thân cho lý tưởng phục vụ cộng đồng của người Công Giáo, mà bao trùm lên tất cả là lòng yêu người. K’Long tưởng đã mất tích trong trận mưa bom cách nay 25 năm, vậy mà anh đã được Chúa làm cho những điều kỳ diệu, biến đổi anh thành linh mục, anh trở về phục vụ đồng bào quê hương. Thiên Trang (Trọn Tình) dù là con cầu tự của Đức Mẹ, đẹp người đẹp nết, được bao nhiều người để ý, nhưng cô quyết tâm đi tu vì cảm nhận được bao nhiêu tình yêu thương của gia đình, của cha xứ, thầy cô và mọi người dành cho mình lúc Trang bị sốt xuất huyết hành hạ. Trang nói: “Chính tình thương mọi người dành cho tôi là động lực thúc đẩy tôi sống tốt”. Cẩm Hồng sinh ra ngay trong những ngày gia đình tán loạn chạy trốn bom đạn chiến tranh. Em bé ấy tưởng đã chết vì đói khát, nếu không nhờ có chút nước dưa hấu người ta cho và nửa hộp sữa thầy dòng cứu đói. Người cha đã tìm thấy hai mẹ con Cẩm Hồng trong một hang núi đá Đức Mẹ. Cả nhà bình an nhờ “phép lạ” của Đức Mẹ. Khi lớn lên, Cẩm Hồng đã được sống trong yêu thương. Cô quyết định cam kết sống vĩnh viễn đời tu như một sự ghi ơn suối nguồn tình yêu mãi mãi ca vang tình Chúa.

Trường hợp của Thiên Trang hay Cẩm Hồng mới chỉ là ơn gọi ban đầu. Đời sống dấn thân của người theo Chúa phục vụ anh em là sự chia sẻ khổ đau và niềm tin cho bịnh nhân như các Dì ở Trung Tâm Cai Nghiện (Con Cha-Cha Con), là nhận lấy trách nhiệm vượt quá sức mình để lo cho mấy trăm người trong Hội dòng (Làm Mẹ), là tham gia vào các hoạt động của giáo xứ như phụ trách điều hành sinh hoạt thiếu nhi, ca đoàn, lo cho học sinh nghèo, sống trong tình yêu thương của mọi thành phần dân Chúa (Ngỡ Ngàng) và nhất là đời sống của linh mục ở nhà hưu dưỡng sau khi đã dâng hiến đời mình phục vụ cộng đoàn, “ưu tư xây dựng nhà thờ, nhà xứ để con cái có nơi quy tụ cầu nguyện…tuân thủ các lề luật và tham gia các công tác xã hội, đồng thời các ngài cũng hướng dẫn và làm cho các con cái trong giáo xứ cũng sống và tuân giữ các lề luật đó, sống xứng đáng là người công dân Công Giáo gương mẫu “tốt đạo đẹp đời”, ”với trách nhiệm mục tử, vẫn âm thầm biến đổi, cải hóa bằng tình yêu tự hiến, một cuộc sống hy sinh và trao tặng mạng sống mình, trở thành “tấm bánh” cho mọi người, để nhờ “tấm bánh mục tử” mà mọi người được no ấm”( Cha Tôi), như thánh Gioan Vianey. Có thể nói Suối Nguồn là bài ca, ca ngợi đời sống dấn thân theo Chúa phục vụ tha nhân của các nữ tu, các linh mục, mà vẻ đẹp đích thực của hình tượng là vẻ đẹp đức tin, lòng nhân ái và đức hy sinh âm thầm. Người đọc tinh ý có thể nhận thấy thấp thoáng trong tác phẩm những nỗi khó khăn, những lo lắng, những nỗi đơn độc của đời tu, những người từ bỏ tất cả tự vác lấy thập giá theo Chúa, giữa một cuộc đời đầy đau thương, đầy nghịch cảnh, trở ngại (Cha Tôi).

Trong tập truyện này, có một điểm đặc biệt về cách viết, ấy là người kể chuyện đối thoại trực tiếp với bạn đọc. Mở đầu Trọn Tình, nhân vật Tôi nói đặt vấn đề : ”Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên và thắc mắc : tại sao không phải là má tôi dẫn tôi đi tu mà lại là ba tôi? Điều thắc mắc của bạn là bình thường, nhưng đối với tôi đó lại là vấn đề lớn. Rồi ra thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp. Nhưng trước hết, tôi mời bạn cùng theo dõi cuộc đối thoại giữa ba tôi và Bề Trên, nó cũng có phần liên quan đến việc giải đáp thắc mắc của bạn đấy”. Nhân vật Tôi trong Quà Tặng Ngày Khấn chia sẻ với bạn đọc tâm tình này: "Đối với món quà ngày khấn của tôi sắp giới thiệu với các bạn đây, tuy nó không có tầm ảnh hưởng lớn như món quà của ông bố Su Su, nhưng đối với tôi, nó là một chứng từ của tình thương và sự kiên trì của tôi đã được đền đáp và chắc chắn rằng, tôi sẽ không bao giờ quên được. Tôi tin rằng có nhiều món quà ngày khấn cũng có ý nghĩa giống tôi, hoặc ít ra, đây cũng là dịp để các bạn chia sẻ với tôi món quà ngày khấn trọn đời.”


Cách viết này dẫn người đọc đi vào câu chuyện, nhập cuộc cùng với nhân vật trong hành trình khám phá những ý nghĩa của số phận con người. Người kể chuyện và bạn đọc tâm sự với nhau, tra hỏi ý nghĩa nhân sinh và ý nghĩa tâm linh mà cuộc sống đang bày ra trước mặt. Thái độ trân trọng, chân thành của người kể, cùng với lời kể mang phong cách ngôn ngữ nói của người bình dân, có sức thuyết phục bạn đọc về những điều tưởng như khó có thể tin được, những “phép lạ” của cuộc sống, “phép lạ” của suối nguồn tình yêu. Và chỉ có tình yêu mới làm nên “phép lạ”.

Mỗi câu chuyện cũng là “tâm sự” của nhân vật. Người kể bộc lộ tất cả suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn sự lo lắng, niềm hân hoan, cả nỗi hoài nghi, tuyệt vọng. Dòng chảy tâm trạng tạo nên mạch truyện, khiến cho nhiều câu truyện thực ra chỉ là thế giới tâm trạng. Chất tự sự tuy có, nhưng chính những xung đột, những biến động của tâm trạng mới làm nên tính truyện. Điều này tạo nên chất trữ tình nghệ thuật của bút pháp. Chất trữ tình, cảm xúc bay bổng của nhân vật làm nên sắc màu lãng mạn cho trang văn, khiến cho đàng sau những hoàn cảnh nguy kịch, những số phận đau khổ, những nghịch cảnh tưởng không thoát ra được, là cái đẹp tuyệt vời của tình người, dù đó chỉ là một điều nhỏ thôi trong đời thường. Xin đọc:

“Thật thế, bạn hãy lặng yên nghe suối thần kể chuyện, thật tuyệt vời, thật lãng mạn: có lúc trầm, lúc bổng và tất cả cùng hòa quyện với tình cảm con người. Bài ca “Suối Mơ” tôi nghe từ nhỏ, giờ đây bỗng sống lại trong tôi:

…Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến,
còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên…

(Suối Mơ – Văn Cao)

Nếu bạn đọc hiểu được tác giả đã trải nghiệm cả đời mình trong Suối Nguồn và chia sẻ với bạn những chân lý đã tìm thấy, thì chắc chắn những thông điệp trong tập truyện này sẽ là rất quý đối với đời sống tinh thần của bạn. Cầu chúc bạn tìm thấy “giòng suối thần”, tìm thấy Suối Nguồn Tình Yêu trong những truyện ngắn này.



Tháng 9 / 2011