Tấm kính cuộc đời

Văn thơ Công giáo
Mã số: 17-136


- Sao cứ mỗi lần ăn cơm là mẹ và chị hai lại khóc thế? Cơm không ngon à?
- Mẹ đâu có khóc?
- Con thấy mắt mẹ đỏ kìa…


Đó là những câu hỏi non nớt của một đứa trẻ chưa hiểu cuộc đời.
Đã bao lâu rồi, gia đình tôi không còn những bữa cơm sum họp. Mỗi khi tới giờ cơm, tôi hay ngước nhìn qua khung kính cửa sổ, như một thói quen mà tôi không biết thời điểm bắt đầu của nó. Bầu trời mùa hè trong xanh, những tảng mây hạnh phúc được gió đẩy nhẹ êm trôi, từng đàn sếu nhỏ nối đuôi nhau, xa xa là con đường quốc lộ thẳng tắp, dòng xe vẫn lướt đều. Và chẳng khi nào tôi quên ghé mắt qua ô cửa sổ nhà bên cạnh như ước ao, thèm muốn, ganh tỵ về một điều gì đó. Bữa cơm gia đình của họ ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Người ta thường nói: tấm kính không bao giờ lừa dối. Thế nhưng, tại sao tấm kính của tôi lại đối nghịch hoàn toàn: bên kia tấm kính là bầu trời êm ả, bên này lại là bão tố. Bên kia bữa cơm đầm ấm, bên này lại là nước mắt. Tôi thầm trách Thiên Chúa, Đấng mà tôi tin đã tạo dựng nên tôi. Nhưng Ngài chẳng công bằng với gia đình tôi.
Khóe mắt mẹ lại đỏ. Tôi không dám nhìn thẳng vào mẹ, vì tôi biết tôi không thể làm chủ nước mắt của mình. Đã từ khi nào tôi không chắc, dáng mẹ tôi trở nên tiều tụy, quầng mắt thâm đen như nhọ nồi. Mẹ tôi đã già đi rất nhiều. Có lẽ là từ bữa cơm định mệnh ấy…
Tôi vẫn còn nhớ rõ. Hôm ấy là ngày áp lễ Giáng Sinh, ngày mà cả xứ tôi nôn nao đợi chờ Chúa sinh ra. Cả nhà tôi cũng thế, mẹ tôi tất bật chuẩn bị các món ăn từ sớm nào là: gà nướng, bún giò, chè trái cây,… Chiều tối mẹ dặn cả nhà, lễ xong là phải về sớm để ăn tối cùng nhau, không được la cà với bạn bè. Tuân lệnh mẹ, lễ xong chị em tôi nhanh tay chụp vài bức ảnh với Chúa Hài Đồng rồi háo hức đèo nhau về trước, để tạo bất ngờ cho mẹ. Thế nhưng mẹ lúc nào cũng chu đáo, ba mẹ đã về tự khi nào, tất cả đã bày biện sẵn sàng trên bàn. Nhưng thằng An ( đứa em kề tôi)  vẫn chưa về, cả nhà chờ mãi. Đồng hồ đã điểm 23 giờ, ngoài đường xe đã vắng. Ba nghiêm giọng bảo:
- Thôi không chờ nữa, cả nhà ăn trước đi. Thằng này không bỏ được cái tật ham chơi. Về tui cho nó một trận…
Nhưng mẹ thì cứ ngóng trông, đứng ngồi không yên như linh cảm điều gì đó không lành. Mặc cho sự lo lắng của ba mẹ, tôi và út vẫn thản nhiên ăn lần lượt từng món. Chợt nghe có tiếng đập cửa liên hồi và tiếng kêu dồn dập của ai đó. Tôi nhanh chân ra mở cửa. Thằng Quang (con chú tư) chạy xộc vào nhà, mồ hôi nhễ nhại:
- Bác hai ơi…bác hai ơi…
- Chuyện gì thế?
- Thằng An …thằng An…thằng An bị tai nạn trên xóm Mới nặng lắm, người ta đưa đi cấp cứu rồi.
Cái chén trên tay mẹ tôi rơi vỡ tan tành, mẹ như chết lặng. Ba tôi mặc đỏ bừng vì quá sốc. Tất cả như ngừng thở giữa màn đêm cô tịch. Cái lạnh của đêm vọng Giáng Sinh không tê tái bằng cái lạnh của lòng người. Thân thể tôi như ngụp lặn giữa dòng nước. Tay chân tôi bắt đầu run lên, một nỗi sợ hãi xâm chiếm khắp người tôi, một cảnh tượng ghê rợn thoáng qua trong trí óc tôi: “Không! Sẽ không có chuyện đó xảy ra với em tôi?”. Tôi không định được mình sẽ phải làm gì ngay giờ phút này. Miệng tôi lẩm bẩm gọi Chúa ơi, vị cứu tinh duy nhất và là Đấng mà tôi tôn thờ. Tôi tin Ngài sẽ cứu lấy em tôi. Cái niềm tin mà khi cuộc sống êm trôi tôi không thèm để ý tới.
Ba mẹ vội vã đến bệnh viện. Bóng xe xa dần rồi mất hút, tôi vẫn còn đứng đó và ước đây chỉ là một giấc mơ. Đôi chân tôi không còn đủ sức để đứng vững nữa. Tôi ngồi phịch xuống đất. Út lặng lẽ đến nằm gọn trong lòng tôi như hiểu được phần nào tin dữ xảy ra nơi gia đình mình. Nước mắt tôi chực trào ra như vỡ bờ.
- Mình lên chỗ Chúa đọc kinh đi hai. Mẹ dặn em: “Khi nào con có chuyện buồn thì con chạy đến với Chúa đọc kinh và cầu nguyện là Chúa nghe, Chúa giúp à”.
- Mình đi đi hai.
Cô bé nắm lấy tay tôi kéo dậy. Niềm tin và hy vọng như một luồng khí mạnh len lỏi khắp cơ thể tôi. Tôi ngồi trước bàn thờ Chúa lặng thinh mãi đến sáng, còn út thì được một giấc ngủ an lành.
Bình minh buổi sáng tràn trề sức sống, nhưng trong căn nhà tôi lại ẩn chứa một nỗi buồn. Mẹ tôi về, mắt mẹ sưng húp vì khóc quá nhiều.
- Em con đưa đi cấp cứu ở bệnh viện thành phố rồi, nó nặng lắm.
Mẹ tôi ngã quỵ xuống đất vì quá mệt mỏi. Vậy là những điều tôi cầu xin Chúa đêm qua là vô nghĩa ư? Tôi thầm trách Chúa: “Tại sao cuộc sống gia đình tôi đang êm đẹp, giờ lại ra nông nỗi này. Tôi từng tin rằng: mọi sự đều không nằm ngoài ý muốn của Chúa. Vậy gia đình tôi gặp hoàn cảnh này là do ý Chúa muốn sao?  Hôm nay là ngày Chúa sinh ra, mọi người ăn mừng hân hoan, còn gia đình tôi lại hồi hộp lo sợ, vì em tôi đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Phải chăng là Chúa muốn thế? Hàng trăm câu hỏi, hàng chục lời oán trách không một hồi âm. Bây giờ, Chúa bắt tôi phải tin điều gì?
Chuông điện thoại bất chợt reo, là số máy của ba. Tôi không đủ can đảm để nghe máy, vì tôi sợ, một nỗi sợ mà bất kỳ ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ như tôi. Nhưng tôi vẫn muốn níu kéo chút niềm tin cuối cùng. Tay tôi run rẩy nhấn nút.
- Thằng An qua cơn nguy kịch rồi, nhưng vẫn còn nặng lắm. Bác sĩ chẩn đoán: gãy hở xương đùi, gãy xương bánh chè, đứt dây chằng, mất máu quá nhiều. Bà lo chuẩn bị tiền nhen, vay mượn mấy anh em thêm, nếu không là chân nó không giữ được. (Giọng ba tôi toát lên chút hy vọng trong nỗi lo lắng vô vàn).
- Dạ. Ba nhớ giữ gìn sức khỏe nha ba. Cố gắng lên nha ba. Thằng An sẽ sớm hồi phục thôi. Chúa sẽ giúp nhà mình mà. (Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho ba)
- Uh. Ở nhà con nhớ lo việc nhà nhen.
- Dạ.
Rồi một tuần, hai tuần, ba và thằng An vẫn chưa về. Thỉnh thoảng, mẹ và các dì, các chú xuống thay ba để trực nhưng ba không yên tâm về. Tôi bận rộn với công việc nhà và việc học nên cũng vơi đi phần nào. Thế nhưng từ ngày thằng An bị tai nạn, tôi không còn siêng năng tham dự thánh lễ nữa. Tôi lấy lí do là bận việc, nhưng sâu thẳm trong tâm trí tôi là một nguyên nhân bí nhiệm mà chỉ có tôi mới hiểu.
Một tháng trôi qua trong yên lặng, ba tôi gọi về hốt hoảng  báo tin, thằng An bị nhiễm trùng phải chuyển gấp đi Sài Gòn nếu không sẽ không giữ được chân. Lại một lần nữa tim tôi như muốn thoát ra khỏi lồng ngực. Mẹ tôi đã không còn nước mắt để khóc. Vì bệnh tình, nên mẹ không ở được trong bệnh viện. Tôi phần nào cảm được nỗi đau trong mẹ, nó không dứt khoác như dao đâm, nó không ghê sợ như súng bắn, nhưng nó quặn thắt từng cơn, đau đến tột cùng. Có những đêm mẹ gào thét trong mơ như thể em tôi đã rời xa mãi mãi. Mẹ ở nhà mà như xác không hồn. Tôi thốt lên: “Lạy Chúa! Chúa ở đâu?” khi mà gia đình tôi đã sống rất đạo đức, ba tôi cống hiến hết tài năng và sức lực của mình để lo việc nhà Chúa. Vậy mà Chúa trả công cho gia đình tôi bằng cách này sao? Tôi oán hận cuộc đời mà đúng hơn là hận Chúa.
Mẹ tôi bán hết bò, heo và mọi thứ có thể. Những ngày tiếp theo của gia đình tôi là nỗi lo và nước mắt bao trùm. Rồi một ngày nọ, tôi đưa mắt qua tấm kính cửa sổ, nhà bên cạnh ồn ào tiếng la hét, khóc lóc. Thì ra đứa con gái nhỏ của họ vừa bị tai nạn, nhưng nó xấu số hơn em tôi, nó đã chết. Bây giờ thì tấm kính trở về nguyên giá trị của nó. Lẽ ra tôi phải vui vì tôi đã từng ganh tỵ với họ. Thế nhưng, sao lòng tôi lại như đau nỗi đau của họ.
Những cuộc điện thoại liên tục hằng ngày, báo tin về bệnh tình thằng An cứ kéo dài mãi. Cho đến một chiều, chiếc taxi chở ba và thằng An về đậu trước nhà tôi. Ba tôi bế thằng An vào nhà. Nó chưa thể đi được, vì chân còn đang mang khung nẹp. Nó ốm teo, người xanh xao vì phải trải qua tám cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Ba tôi cũng ốm và già đi rất nhiều. Khuôn mặt chữ điền của ba ngày càng rõ nét, đôi mắt sâu hóm vì thiếu ngủ. Mẹ tôi lại loay hoay nấu bữa tối cho cả nhà, mà đúng hơn là bồi bổ cho ba và thằng An. Gương mặt mẹ ánh lên cái niềm vui đã bị chôn vùi trong suốt một năm qua.
Mùa Giáng Sinh nữa lại sắp về, hết thảy mọi người hân hoan đợi chờ Chúa sinh ra. Gia đình tôi cũng đón đợi, nhưng niềm vui như nhân lên gấp bội, vì em tôi đã được Chúa cho sinh lại trong tử thần. Bữa cơm gia đình tôi hôm nay chắc sẽ vui lắm. Tôi lại ghé mắt qua tấm kính cửa sổ, nhà bên cạnh lặng thinh quây quần bên bàn thờ để đọc kinh tối. Họ buồn lắm, buồn hơn cả nỗi buồn của gia đình tôi ngày ấy, nhưng  sao họ vẫn sốt sắng đọc kinh. Một cảm giác day dứt len lỏi khắp người tôi. Tôi bất giác nhận ra: tấm kính cửa sổ mà tôi hay nhìn qua nhà bên cạnh không phải là tấm gương soi chính mình, nhưng là một tấm kính tầm thường, mang tên tấm kính cuộc đời. Nó cho tôi thấy rõ hơn về những mảng màu sáng tối của cuộc sống. Cuộc sống không thể êm xuôi như một dòng sông lặng lẽ trôi về biển cả. Nhưng cuộc sống cũng có những lúc bình lặng, những lúc sóng gió và cả những lúc như nhấn chìm con người ta vào giữa lòng đại dương. Cuộc đời của mỗi người, hoàn cảnh của mỗi gia đình cũng sẽ như vậy. Đừng bao giờ ích kỷ, ganh tỵ với người khác, nhưng hãy vui với người vui, buồn với người buồn. Cũng đừng bao giờ tuyệt vọng, buông lời oán hận mà hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên muôn loài. Ngài lấy đi để thử thách nhưng Ngài sẽ ban lại dư đầy và gia đình ấy cũng đang tin vào điều đó.
- Cả nhà đọc kinh tối thôi, phải tạ ơn Chúa vì điều kì diệu Chúa ban cho gia đình mình.(Giọng ba vang khắp nhà làm tôi giật mình)
Ba tôi bế thẳng An lên nhà trên, đặt ngồi trước bàn thờ Chúa.
- Nhanh lên con.
Ba giục tôi bước nhanh. Nhưng đôi chân tôi như muốn chùng lại vì hổ thẹn trước Chúa, Đấng mà tôi đã tin rồi lại hận khi đau khổ. Bao lâu  rồi từ ngày thằng An gặp nạn, tôi đã không buồn lên quét bụi bàn thờ.
Ba tôi không ngớt lời tạ ơn Chúa. Khóe mắt tôi cay sè, lòng ngập tràn bao cảm xúc. Tôi không dám nhìn thẳng vào Chúa, nhưng dường như Chúa đang nhìn tôi: một ánh mắt trìu mến, không giận, không trách, nhưng đầy yêu thương và tha thứ. Ba tôi nói: “Chúa chỉ ban thử thách cho người Chúa yêu”. Tôi thấy hối hận vì trong suốt một năm qua tôi đã xa lạc đức tin. Càng khó khăn ba tôi càng bám víu vào Chúa và khi vui mừng, ba không quên tạ ơn Chúa. Còn tôi, chỉ một chút thử thách tôi đã kêu trách Chúa “Lạy Chúa tại sao lại thế này, thế kia?”, mà quên rằng Chúa đang dang rộng vòng tay đợi chờ tôi chạy đến bên Ngài để Ngài an ủi, giúp đỡ. Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi đã được sinh lại trong đức tin, đức tin Kitô giáo vững bền.