Các triết gia Hy Lạp từ thời tiền Socrate cho đến Platon, Aristote và mãi tới hậu kỳ Trung cổ như Descartes; hiện đại hơn như David Hume, Herbart; ở thế kỷ hai mươi như William Jame, Henri Bergson hay Edmund Husserl,…đã để lại cho thế giới ở mọi thời đại “kho tàng khôn ngoan” nhờ những nỗ lực suy tư của họ từ các sự kiện cụ thể của cuộc sống. Giá trị của những sự khôn ngoan ấy như là nguồn mạch để giải đáp thắc mắc của con người khi đi tìm cho mình một điểm tựa hạnh phúc, ít nhất về mặt nhân sinh quan. Các triết gia có lẽ cũng rất hạnh phúc từ những suy tư của mình, nhưng không biết họ thích gì? Bởi rằng, trong các giờ học triết, các giáo sư chẳng bao giờ đề cập tới sở thích của một triết gia nào. Một điều gần như chắc chắn là: các triết gia đều thích suy tư.
Thầy Nguyễn Khắc Dương (áo nâu) |
Thầy Nguyễn Khắc Dương, một giáo sư dạy triết học đã nhiều năm, từng làm khoa trưởng triết học Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, và dạy biết bao nhiêu Đại Chủng Viện Công Giáo; là thầy và là triết gia của biết bao nhiêu thế hệ học trò. Học trò của thầy có những người làm đến chức phẩm lớn trong Giáo Hội nhưGiám mục, linh mục… Và cũng có nhiều người thành danh trên trường đời như làm giáo sư, doanh nhân, nắm giữ các chức vụ lớn trong các công ty, xí nghiệp tư nhân hay nhà nước. Bởi thế, với tôi- người được gặp thầy trong một cuộc hội ngộ đặc biệt-và có lẽ cùng với nhiều thế hệ học trò, thầy Nguyễn Khắc Dương như là một triết gia. Nói “ngoa ngữ” hơn một chút, thầylà một nhà minh triết.
Ở đây, chúng ta không bàn tới lối suy tư đầy tính triết lý của thầy, cũng không làm công việc bình luận những câu nói siêu đẳng, độc đáo và độc nhất mang đẫm chất minh triết của thầy. Nhưng chúng ta sẽ nói tới những điều rất đỗi bình dị liên quan đến thói quen, sở thích, lối sống và tâm tính của một bậc thầy về triết học.
1. Thích một cuốn sách hay để đọc
Đã 92 mùa xuân đi qua cuộc đời, thầy Nguyễn Khắc Dương, đến giờ này đã “da mồi tóc bạc”, nhưng vẫn còn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt: dáng người nhỏ nhẻ, bước đi lanh lẹ, giọng nói mạnh khỏe, đôi mắt tinh anh và khuôn mặt vẫn sáng ngời. Ngày nào cũng vậy, thầy dành rất nhiều giờ để đọc sách và suy tư. Các kiến thức hay thông tin mới, thầy vẫn cập nhật thường ngày. Thầy là một con người có nhiều ưu tư, nhiều mộng ước không phải cho chính mình mà cho cái gì đó lớn lao hơn. Thầy ưu phiền trước thế giới có những biến động, khủng bố, chiến tranh và chết chóc. Thầy cảm thương và chạnh lòng trước những hình ảnh đau thương của người nghèo, những người có số phận không may mắn. Và đặc biệt, thầy luôn “chia sẻ” và mong điều tốt lành nhất cho mệnh của Đất Nước, lo lắng và băn khoăn cho hồn của Dân Tộc.
Có lần ngắm cảnh chiều hoàng hôn “đậu” trên triền núi, thấy thích thú đến độ nhìn ánh hoàng hôn như một điều thật tuyệt diệu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể. Nhìn cái điệu bộ thầy diễn tả ánh hoàng hôn sao mà hạnh phúc đến vậy; miệng thì thốt ra những lời tấm tắc khen ngợi Đấng Tạo Hóa, tay thì nhẹ nhàng vung vẽ một đường cong như muốn ôm trọn cả ánh hào quang ấy vào tâm hồn. Trong cảnh huống này, tôi chợt nghĩ thầy là người lãng mạn lắm và hỏi ngay thầy rằng: Thầy! Trong cuộc đời thầy thích điều gì nhất? Không một chút đắn đo suy nghĩ, thầy trả lời ngay: “thích một cuốn sách hay để đọc, thế thôi”. Câu trả lời làm tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, vì cứ tưởng rằng thầy thích ngắm hoàng hôn ban chiều.
Già rồi, đến tuổi chỉ mong về với mẹ đất mà thầy còn thích“một cuốn sách hay để đọc”. Một sở thíchdường như với lớp trẻ thời đại hôm nay là ngược đời, cổ hủ, điên rồ, khác người, lạc hậu, quê mùa, nông thôn, xưa quá rồi lượm ơi… Nhưng từ sở thích ấy của thầy, cho chúng ta một cái nhìn sâu xa về con người đầy lòng yêu mến sự khôn ngoan. Đọc sách gần như là một sở thích đầy tính “bản năng” của thầy. Thầy đọc sách với cả tâm tình khiêm nhường học hỏi, và đó cũng là dịp thầy lãnh hội những điều khôn ngoan từ người khác. Có những lúc thầy khen cuốn sách này hay, cuốn sách kia được lắm như là một sự nhìn nhận sự hữu hạn của bản thân. Đọc sách, nghiên cứu, suy tư là sự đam mê của thầy. Giàđến “da mồi tóc bạc”vậy rồi mà cái sự say mê ấy không bị “xói mòn” bởi “sức tàn lực kiệt”. Tâm hồn thầy ngập tràn sự thanh bình và lòng chiêm ngắm những điều chân thiện mỹ trong kho tàng kiến thức của nhân loại. Cái định mệnh yêu thích đọc và suy tư gần như là số phận của thầy; thầy yêu mến số phận ấy như mến yêu Đấng đã đặt để những điều tuyệt hảo với biết bao nhiêu thứ “không có” trong cuộc đời.Không vợ, không con, không nhà không cửa; sống đời lữ tu như là một số phận đầy lòng tin, hy vọng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Nghèo đến nỗi lúc nào cũng nói với tôi rằng: “mình giàu quá ông ah”. Sự thanh cao, tâm hồn hèn mọn, ước muốn thanh bần như là bà chúa của lòng thầy. Thế đó, Nguyễn Khắc Dương, con người thật giàu vì quá nghèo. Và con người ấy chỉ mong:
“Hành giả dừng chân tạm vỉa hè,
Tấm thân đất chở với trời che.
….
Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè.”1
2. Thích mặc áo màu nâu
Ước mong cuộc đời thanh bần trong cung cách sống, trong sự cần thiếtcủa những nhu cầu và ngay cả những điều nhỏ mọn không thể vứt đi cái còn có thể sử dụng được. Tấm áo che thân cũng phải “hợp gu” với đời lữ tu thanh bần ấy. Màu nâu sồng trở nên màu của cuộc sống, màu của lòng lý tưởng và màu làm nên “chất” con người nơi thầy.
Có lần giúp thầy dọn đồ, trong tủ chẳng có cái quần áo nào ra hồn, chỉ mấy bộ đã sờn vai, rách tà, đứt nút, hư khóa…thế mà thầy cũng cứ ngưỡng mộ “mình giàu quá ông ah”.
Trong chậu giặt đồ, chỉ thấy hai cái áo màu nâu cũ kỹ, nhưng với thầy vẫn còn ngon lành. Một cái thầy nói là “cái thằng nớ” mua cho; chi mà nó “khôn” vậy không biết, cho người già cái áo của “thằng con nít”, nhưng được cái màu nâu, trên nguyên tắc là không mặc, nhưng thôi thì cũng mặc cho đúng “chất” yêu thích của mình. Cái áo còn lại thì thầy thích vô cùng, lúc nào cũng mặc, nâng niu nó như người ta “hứng hoa”. Chiếc áo ấy cũng mười mấy năm trời rồi ông ah, không biết ai cho mình nữa. Thích cái không biết nguồn gốc, mặc và gắn bó với nó như không phải là của mình, đó mới là “phong cách” của thầy.
Thích màu nâu, thích chiếc áo màu nâu thế mà nói đi may thêm vài chiếc nữa, thầy lại từ chối: minh không cần, mình giàu quá trời, ngoài Huế còn nhiều lắm… Không biết đâu mà chiều! Cái màu nâu có lẽ đã ăn sâu trong tâm hồn thầy, nó như là một phần của cuộc đời, một giai đoạn thầy dấn thân trong lý tưởng hèn mọn của tinh thần thánh Phanxicô Assisi. Và cũng có thể “phô diễn” một thời cầu mong được làm một hòa thượng trong cõi tịnh tu Phật Giáo.
Thầy thích mặc chiếc áo màu nâu như là sự trầm ngưng, kết tinh những giá trị tinh thần của đạo nho, của sự cao siêu huyền nhiệm phật giáo, của lòng yêu mến đức thành bần và hèn mọn nơi thánh Phanxicô Assisi, của tâm hồn thần hiệp nơi thánh Têrêsa Avila và của một Thiên Chúa đi vào cuộc sống con người đến lạ thường. Tất cả những giá trị ấy được “gom đọng” nơi Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa hạ cố làm người, nghèo hèn và đau khổ, để “nhường phần” tốt nhất, giàu sang nhất, hạnh phúc nhất cho con người.
3. Thích xé những tờ lịch
Lòng yêu mến đọc sách, suy tư và sống đơn sơ bình thản để cảm nếm cho hết vị đắng đót và ngọt ngào, buồn nạn và sung sướng, đau khổ và hạnh phúc trong cuộc đời của thầy cũng gợi lên nhiều điều để chúng ta suy tư. Con người ấy còn nhiều nét thú vị, ngồ ngộ mà ai đã một lần gặp thầy cũng bị thu hút, hấp dẫn với lối ứng xử đầy tính nhân văn.
Ở văn phòng Tu Đoàn có một cuốn lịch tập treo tường, mỗi lần thầy sang văn phòng, khi ra về lần nào cũng thấy thầy mãn nguyện sung sướng. Cái sung sướng của thầy khác người lắm, nhưng cũng đơn sơ và giản dị vô cùng: sung sướng vì được cầm mấy tờ lịch xé “xẹc” một cái. Lần đâu tiên “đọc” được nguồn hạnh phúc ấy của thầy, tôi cảm thấy đó như là một niềm vui rất nhỏ để “gom lại” thành một niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời của thầy. Thầy tận hưởng cuộc sống trong từng giây phút hiện tại và ngay cả những điều rất đỗi dị thường trong cuộc sống. Chính vì vậy, những tờ lịch trên tường tôi không còn tự tay mình xé nữa, mà nó phải “nằm chờ” để mỗi lần thầy sang văn phòng, tôi mong thấy thầy lại được trọn vẹn niềm vui ấy.
Xé toạc đi những tờ lịch treo tường là sở thích của thầy, bởi chính thầy nói rằng: “Mỗi lần xé lịch là mình thích lắm ông ah”. Rồi tôi hỏi tại sao thầy thích xé lịch vậy? Thầy trả lời: “mỗi lần xé tờ lịch cái xẹc nghe nó sướng cái tai, bóc đi cái thời gian quá khứ và để cho cái thời gian hiện tại nó hiện hữu”. Xé lịch là xé đi cái khó hiểu của thời gian, khó hiểu của cuộc đời, khó hiểu của phận người.
Từ sở thích là lạ này của thầy, khi đọc cuốn Hối Ký và cuốn Chuỗi Mân Côi Trong Đời Sống Chiêm Niệm của thầy, tôi cảm nhận được cái sung sướng hạnh phúc của thầy khi xé cho đến toác hoác, xé cho tan tành, xé cho tàn lụi cái thời gian treo lơ lửng trên tời lịch ấy.
Cái nhịp thời gian trong lối suy tư và quan niệm của thầy hết sức độc đáo, nó mang một chiều kích vừa hết sức thực tại vừa hết sức siêu nhiệm. Không biết các nhà triết học quan niệm thời gian đến mức siêu hình nào, nhưng khi đọc những dòng suy tư về thời gian của thầy, tôi cảm thấy bị chìm đắm trong sự say mê của lối suy tư hài hòa tự do và logic này. Thầy đã đưa thời gian treo lơ lửng trên tờ lịch ấy vào trong thế giới thần thánh khởi đi từ những điều rất tầm thường của cuộc sống.
Trên bình diện tự nhiên của lối suy nghĩ, của tình cảm con người, thầy suy tư về thời gian như là một sự phù vân, có đó rồi không có đó. Thầy viết rằng:
“Thời gian tính đó là chiều kích làm cho cuộc đời này có một cái gì như mong manh tạm bợ, thẩm chí có triết gia coi là hư hảo. Lý trí cũng như cảm tình của bao triết gia, văn nhân nghệ sĩ cũng như của tất cả mọi người đều ưu tư khắc khoải trước dòng thời gian biền biệt trôi đi như lôi cuốn tất cả vào vực thẳm của hư vô. Hiện tại thì chẳng qua là một chớp mắt chối từ cái chưa có của tương lai để rồi rơi vào cái không còn nữa của quá khứ. Thành ra phải chăng hiện tại có mà cũng như không? Quá khứ là nấm mồ chôn tất cả. Tóm lại phải chăng tất cả chỉ là hư vô? Thời gian như mạch nước ngầm, làm xói mòn sụp đổ tất cả, lôi cuốn vào hố thẳm của hư vô. Mọi sự vì vậy như chợt có chợt không, chẳng khác gì ảo ảnh.”2
Trên bình diện của cảnh vực tâm linh, thầy “lôi kéo” thời gian vào trong mầu nhiệm Mân Côi để làm tỏa sáng ba nhịp của thời gian là quá khứ, hiện tại và tương lai. Và từ ba nhịp của thời gian ấy, một sự suy tư mới mẻ, “nối kết” và “rót đầy” thời gian vào trong truyền thống thần học từ ngàn xưa của Giáo Hội đó là ba nhân đức đối thần: Tin-Cậy-Mến. Thật tuyệt vời khi ta nghe lời này:
“Mầu nhiệm cứu độ chính là cái chìa khóa thần diệu giúp ta giải mở được cái kỳ bí của thời gian mà trí tuệ, tình cảm tự nhiên của con người như hoàn toàn bất lực… Giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, thời đại nào thì “khi nay”-giây phút hiện tại-cũng là ân sủng và việc gì xảy đến cho ta, cho nhân loại, cho vũ trụ cũng nằm trong kế đồ tình yêu sáng tạo và cứu độ”.3
Tầm nhìn của thời gian trong cảnh vực tâm linh dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm cánh chung mai hậu. Đó mới là thời gian thực, là Alpha và Omega, nghĩa là khởi đầu và tận cùng. Bởi thế mà:
“Nước mắt, mồ hôi và máu của con người đổ ra được hòa nhập với nước mắt, mồ hôi và máu của Con Chiên, sẽ trở nên mạch nước rửa sạch và nuôi dưỡng. Quá khứ là kho lẫm chuẩn bị cho tương lai, cái tương lai trần thế này và chính cái tương lai tuyệt đối mai sau.”4
Kết thúc bài viết này, hết lòng tri ân Thiên chúa và cảm ơn thầy Nguyễn Khắc Dương, bởi sự tiền ngộ trong tinh thần bác ái yêu thương. Thầy là người thuộc hàng “danh gia vọng tộc” nhưng vẫn chân chất đồng quê, thơm mùi hương gốc rạ mùa màng nơi “xóm làng”, và thích những điều bình dị đầy thú vị. Ở nơi con người của thầy, người ta sẽ nhận ra một niềm yêu mến sự suy tư, nét thanh cao của nếp sống nghèo mọn, và một chiều kích độc đáo của con đường nên thánh.
Phan Lộc Thành
15/05/2017
1. Nguyễn Khắc Dương, Bài thơ Sở Nguyện
2. Nguyễn Khắc Dương, Chuỗi Mân Côi Trong Đời Sống Chiêm Niệm, Lưu hành nội bộ, trang 56
3. Sdd, trang 57
4. Sdd, trang 58