Tạp chí Văn, số 73-74 đặc biệt tưởng niệm Hàn Mặc Tử, tháng 1 năm 1967 |
NỬA
ĐÊM ĐI TÌM HÀN MẠC TỬ
Những nguyện vọng cuối cùng
Những nguyện vọng cuối cùng
Đêm đã khuya.
Thành phố Quy Nhơn
bắt đầu ngái ngủ.
Con đường Gia Long
là phố rộn rịp hơn hết đã thưa người đi. Ánh sáng đèn điện dần dần trở nên buồn
bã. Các hiệu buôn lần lượt lên cửa, tiếng những tấm ván bị đẩy mạnh vào trong
khung gỗ bắn ra chan chát. Lữ khách cảm thấy buồn buồn, tưởng nhớ đến cảnh đầm
ấm của gia đình. Giữa cảnh tượng ấy, hình dung của Hàn Mạc Tử ám ảnh tôi.
Đã lâu lắm,
tôi không gặp Hàn Mạc Tử.
Lần sau cùng
tôi đến thăm chàng, tôi nhớ rõ là một buổi mai tưng bừng nắng mới. Cùng đi với
tôi hôm ấy có một nhạc sĩ, bạn của hai chúng tôi ở trong Nam mới về.
Hồi ấy, năm
1939 giới văn nghệ Việt Nam đã quen với tên Hàn Mạc Tử.
Và than ôi! Lúc
tiếng tăm của thi sĩ tung ra như ánh mặt trời mai thì cũng là lúc bịnh phong
đang hành hạ cái thân thể của chàng. Vì thế, lúc ấy, chàng đi ở riêng một mình
trong một túp nhà tranh lẫn lút giữa những túp nhà tranh khác của đám dân chài
rải rác trên bãi cát Xóm Động.
Chúng tôi bước trên
cát lún quá mắt cá. Được một lát, chúng tôi đến trước túp nhà tranh tiều tụy
của thi sĩ.
Hàn Mạc Tử đang nằm
ở cái ghế dài đan bằng mặt mây, đặt sát bức vách phên, bên cạnh một cái bàn thờ
Ông Bà đầy bụi bặm. Thấy có khách, chàng liền đứng dậy. Và sau khi nhận ra
chúng tôi, chàng liền bước ra, thân mật bắt tay, rồi chỉ cái chõng tre đặt ngay
bên cạnh cửa đi vào cho chúng tôi ngồi.
Bệnh phong đã thay
đổi con người của anh một cách rõ rệt. Con người xưa đã biến mất rồi. Người bạn
trẻ ít nói như gái nhà lành với giọng thơ hoang ngầm và phảng phất trào phúng
của Gái quê, nay không còn nữa.
Tôi còn thấy rõ
ràng một buổi chiều về cuối mùa thu năm 1936, Hàn Mạc Tử ra Huế đến tìm tôi tại
báo quán Vì Chúa ở đường Khải Định. Chàng vừa cho xuất bản tập
thơ đầu tay Gái quê mà làng văn đã chú ý đến. Chàng vẫn còn khỏe mạnh và
vẫn mang theo nụ cười ranh mãnh ngày xưa.
Trông Hàn Mạc
Tử ngày nay, ở trong một túp nhà tranh thuê chật hẹp, không giường nằm, không
bàn viết, không ghế ngồi, tôi nhận ra rằng sự thật lại còn quá hơn tưởng tượng
mà người ta thường phác họa ra trong trí về cảnh thiếu thốn của những thi sĩ
nghèo nàn. Tuy bị bịnh hay có lẽ cũng vì bịnh, chàng nói chuyện rất nhiều, rất
hoạt động. Hình như trí của chàng lại thêm phần sáng suốt. Chàng tin rằng bịnh
của mình sẽ thuyên giảm. Chàng còn hy vọng sẽ lành hẳn nữa.
Chàng nói
chuyện về thơ, về văn chương. Tôi sửng sốt ngồi nghe nhưng trí não bận đến sự
thay đổi mau chóng của thân thể chàng.
Hôm nay, ngồi
trên chiếc xe tay qua phố Gia Long trong một giờ buồn buồn, những hình ảnh ấy
lần lượt hiện ra trong trí tôi. Một ít bài thơ chưa in mà tôi được đọc và nhận
thấy có khuynh hướng về Thiên Chúa giáo càng làm cho tôi càng muốn gặp Hàn Mạc
Tử.
Lâu nay, tôi vẫn
biết bạn tôi là người Công giáo, tính tình rất tốt. Nhưng tôi chưa thấy chàng
viết gì có liên lạc về tôn giáo của chàng cả. Lúc thơ mới chưa ra mắt, vào
khoảng năm 1930, tạp chí Công giáo Lời Thăm ở Quy Nhơn có đăng những bài
thơ theo luật Đường – thất ngôn bát cú, tứ tuyệt – của chàng dưới bút tự Phong
Trần. Phần nhiều các bản thơ ấy không có khuynh hướng về tôn giáo. Về sau,
khi trợ bút cho trang văn chương của báo Công Luận cũng như vào lúc
chàng vào Nam kỳ biên tập trang văn chương của báo Saigon, dưới tên ký Lệ Thanh
và Hàn Mạc Tử, những ý tưởng về tôn giáo vẫn chưa xuất hiện dưới ngòi bút của chàng.
Rồi trên đường xuôi ngược, ở xa, tôi được nghe và thấy Hàn Mạc Tử bước lên đài
danh vọng của làng thơ với những tập thơ không in, trong ấy có cả tập Xuân như
ý mà chàng gọi là thơ cầu nguyện.
Và vì thế, tối hôm
ấy, tôi càng nóng ruột muốn gặp người bạn cũ. Tôi bảo anh xe kéo đến nhà bà
thân mẫu của Hàn ở đường ra Lò Bò, ở gần bãi biển, nơi mà chàng cùng tôi đã có
lần chung mâm, chung chiếu. Tại đây, người ta cho tôi biết rằng bà thân mẫu của
bạn tôi đã dời qua đường O'dhendal, trước Pháp Việt Học Xá. Tới nơi, người chị
hai của chàng, Như Nghĩa bảo tôi rằng hiện nay chàng ở dưới Tấn, đầu cái mũi
đất đâm ra giữa biển Quy Nhơn.
Xe chạy. Bầu trời
tối đen. Gió biển thổi vù vù. Đường vắng người. Ánh sáng đèn điện lạnh lùng.
Người ta chỉ cho tôi một cái nhà tranh thấp ở cạnh đường, nấp sau một bờ rào
bông bụt kín.
Không bao giờ tôi
quên được cái gương mặt phù lên mà tôi trông thấy thấp thoáng dưới ánh đèn Hoa
Kỳ leo lét. Chàng chưa ngủ và có lẽ suốt đêm cũng không ngủ được mấy tiếng đồng
hồ. Đương nằm trên chiếc ghế mây dài-cái ghế độ nọ mà lâu nay chàng vẫn dùng
làm giường-bạn tôi đứng dậy. Chàng không đến bắt tay tôi như lần trước. Cái
cảnh tịch mịch của đêm khuya trong cảnh nhà vắng vẻ, sự thay đổi hoàn toàn
trong con người chàng đem lại cho tôi một cảm giác rùng rợn, lạnh buốt thấu
xương. Chàng không ra khỏi chỗ đứng, tuy rằng thấy tôi, chàng đã bắt đầu nói
chuyện:
- Tôi còn hy vọng
lành được. Có lần bệnh tôi như đã khỏi hẳn. Da thịt tôi trở nên hồng hào, tốt
đẹp. Tôi đi dạo chơi suốt buổi chiều...
Rồi chàng cho tôi
biết rằng chàng đến ở đây là vì người bà con với ông chủ cho chàng thuê nhà làm
thầy thuốc chữa phung rất hay. Và nếu hôm ấy, tôi trông thấy bệnh của chàng có
vẻ nặng là vì ông thầy thuốc ấy muốn làm cho phong bạt cả ra ngoài da để chữa
cho dễ.
Lần này, đến thăm
thi sĩ Hàn Mạc Tử, tôi đã dự định một ít câu hỏi như đi phỏng vấn vậy. Chàng đã
cho tôi biết ý kiến riêng về các nhà thơ có tiếng lúc bấy giờ, về hiện trạng
của thi ca Việt Nam, về sứ mạng của thi nhân, về thơ của chàng và về dự định
của chàng nữa...
Nói đến thơ có
khuynh hướng về tôn giáo, vẻ mặt của Hàn Mạc Tử hoạt động hẳn lên:
- Tôi dự định viết
ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới ta, chưa ai nghĩ đến việc đem
truyện Sinh Nhật, truyện Phục Sinh... làm thi đề. Đó là những thi liệu không
còn gì thi vị bằng.
Nhưng lần này, hình
như tâm linh báo cho chàng biết trước rằng chàng không thể lành hẳn được nên
trước khi tôi ra về thi sĩ bảo tôi:
- Anh ạ, nếu tôi
lành được tôi sẽ thi hành những dự định ấy, tôi sẽ ở bên cạnh các anh, nhưng nếu
Chúa gọi tôi về thì cũng phải vâng theo thánh ý Ngài.
Tôi từ giã Hàn Mạc
Tử, trí não vơ vẩn nghĩ đến một lời của nhà thi sĩ có lẽ là cao quý hơn hết
trong thi giới hiện thời, một lời mà thi sĩ thốt ra trong khi nói chuyện với
tôi về việc làm thơ đạo hạnh:
- Bao giờ tôi cảm
thấy mình đau đớn trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhứt là tôi thấy mình
bình tĩnh, trong sạch thì mới làm ra được những bài thơ đạo hạnh. Không phải
lúc nào mình cũng làm được lối thơ ấy.
Một lần nữa, chúng
ta thấy rằng thơ là hình ảnh của thi sĩ, hay đúng hơn, thơ là tâm hồn của thi
sĩ rải rác trong vần điệu. Và vì thế, trước khi làm thơ thi sĩ còn phải làm
“người”.
Mùa thu năm 1940,
tôi ở trong một vùng quê thuộc miền Nam Trung kỳ. Một buổi sáng, tôi dở xem một
tờ nhật báo ở Nam kỳ gởi lại. Trong mục chuyện vặt hằng ngày, tôi nhận được tin
Hàn Mạc Tử từ trần tại nhà thương phung Qui Hòa.
Thì ra cuộc đến
thăm lần ấy là lần thăm cuối cùng. Và cũng là cuộc tạm biệt giữa tôi và thi sĩ
Hàn Mạc Tử ở dưới thế giới đau khổ này.
* * *
Theo Bà Bửu Giảng
(tức là Như Lễ, chị ruột của Hàn Mạc Tử) thì trong thời kỳ ở xóm Tấn lúc sau,
khi bệnh tình trở nên trầm trọng, Hàn Mạc Tử có làm thơ ca ngợi Chúa và Đức Mẹ.
Theo bà thì những thơ này cất trong một rương với nhiều tài liệu khác về Hàn
Mạc Tử để tại Gò Bồi trong những năm sau này. Năm 1951, mối đã ăn hết một phần
các tài liệu quý hóa ấy.
Như Lễ nói có đọc
những thơ sau này của Hàn Mạc Tử về Thiên Chúa và Đức Mẹ và bài thơ này không
gởi cho ai cả, kể cả Quách Tấn là người mà trước kia, một ngày Hàn Mạc Tử viết
một cái thư.
Trong cuộc tiếp xúc
cuối cùng với Hàn Mạc Tử, cái nguyện vọng cuối cùng mà tôi ghi nhận trong lời
nói thiết tha của chàng là được ca tụng những mầu nhiệm lớn lao của đạo Công
giáo trong thi ca của mình.
Bệnh tình của Hàn
Mạc Tử có để cho chàng đủ thời gian đạt được cái nguyện vọng ấy không?
Bùi Tuân
http://www.aiki-viet.com.vn/van/mldocument.2009-01-03.9819681312
(Website Trung-tam Aikido Thien-Long)
Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 317-321.