Nữ thi sĩ Maria Ngọc Minh

vanthoconggiao.net

MARIA NGỌC MINH 
- Tên thật: Maria Giuse Lã Thị Quỳnh
- bút danh: Ngọc Minh 
- sinh ngày 24-06-1916 
- Nguyên quán: Bắc Giang 
- Qua đời ngày 11-02-1996 tại Phan Thiết.
Tác phẩm: Tiếng Hát Ban Đầu (di cảo).


CÓ MỘT TAO ĐÀN NỮ LƯU…

Lê Đình Bảng
Nếu ở thời điểm 1917-1934 trên tờ tạp chí Nam Phong, độc giả bốn phương đã chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt những nhà thơ có chung một tâm sự u hoài mất mát đau thương như Đông Hồ, Tương Phố, Đoàn Như Khuê, Trần Tuấn Khải thì ở chặng đường tiếp theo sau là sự có mặt của một tao đàn gồm các bậc nữ lưu Hà Thành – Bắc Ninh – Bắc Giang: Anh Thơ, Vân Đài, Ngân Giang, Hằng Phương, Phượng Tường, Đào Dương, Hải Vân, Huyền Linh và Ngọc Minh. Họ tự đứng ra thành lập Salon Tinh Hoa quy tụ được tất cả các cây bút và nghệ sĩ như nhà văn Lê Văn Trương, nhà thơ Bàng Bá Lân, danh ca Minh Tước, diễn viên Nguyễn Thị Dung (1924-2008 phu nhân nhạc sĩ Hùng Lân) vv…
Theo lời kể của nữ sĩ Ngọc Minh, bà là em ruột ông Lã Hữu Quỳnh, một thời công tác tại nhạc viện Hà Nội. Cả hai người – Mai Lâm và Ngọc Minh – cảm nhau vì đức, mến nhau vì tài qua những bài thơ đăng trên báo Ngày Nay (do Ông Nguyễn Tường Cẩm, rồi ông Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) chủ biên ở Hà Nội, 1939-1940. Ngọc Minh vào đạo và hôn lễ được cử hành trọng thể tại nhà thờ Phủ Lạng Thương năm 1939, do linh mục Phượng và linh mục Tự chủ sự, có đông đủ văn nghệ sĩ thân hữu từ Hà Nội, Bắc Ninh về dự. Một mùa xuân mới, yêu chồng, yêu đạo nảy nở trong người thơ nữ:

Tôi lãng quên đi một buổi chiều
Thế rồi từ đó bận vì yêu
Tôi không năng ngắm Xuân trời nữa
Xuân của lòng tôi đã quá nhiều.
(Xuân lòng, 1939. Tiếng hát ban đầu)

Đặc biệt là mối giao lưu tri kỷ thăm thiết giữa Ngọc Minh và nữ sĩ Anh Thơ, tác giả thi phẩm Bức Tranh Quê được giải thương khuyến khích của báo Ngày Nay năm 1939[1]. Không gian thơ Sông Thương của họ thật đẹp, thật khắng khít như tự thuật của Anh Thơ: “Nhìn con sông quê mình, đầu nguồn là rừng lau trắng; đôi bờ sông thì có những hàng cây gạo, hoa đỏ tháng ba, bông bạc mùa hè. Cuối sông là nương dâu, bãi mía ngút ngàn. Nước sông Thương chỉ từ dưới cầu thị xã mới rõ hai dòng trong đục, còn bốn mùa cứ trong xanh.[2]
Sau 1975, hai người bạn ấy của Bắc Giang gặp lại nhau tại Sài Gòn. Anh Thơ có nhắc tới mối tình thơ văn cũ như sau:

Con sông ấy vẫn hai dòng trong đục
Bạn ở bên kia, tôi ở bên này?
Không, dầu hai dòng, Sông Thương vẫn một
Bến cũ đang chờ người cũ về đây.
[…]
Suốt tập thơ di cảo Tiếng Hát Ban Đầu, giọng điệu thơ Ngọc Minh vẫn là giọng điệu thơ nữ lưu, vẫn là những tiếng nói thầm thì của trái tim. Trái tim nồng nàn thắm thiết với chồng. Trái tim nhạy cảm với cảnh vật thiên nhiên, đất trời, đặc biệt trái tim chia sẻ đến tận cùng với những buồn vui của các con được chuyển tải bằng các thể loại thơ truyền thống Việt Nam: thất ngôn cách đoạn, lục bát.
Chờ Xuân nghĩa là chờ người, người bạn tình vừa mới yêu, đã vội vàng chia tay, ra đi. Lòng cô gái đang xuân bỗng thiếu vắng một bóng hình. Ta nghe phảng phất giọng điệu thơ Hai Sắc Hoa Tigôn của T.T.KH.

Trải biết bao nhiêu những đợi chờ
Bao ngày em sống với huyền mơ
Em thêu dệt mộng trong tim thắm
Để đợi hoa lòng nở ý thơ
Nhưng đến ngày xuân, đến với hoa
Với trong tiếng pháo nổ gần xa
Lòng em cũng lạnh theo sương gió
Như những ngày Đông, chẳng có hoa
Mộng đẹp em thêu đã hỏng rồi
Hỏng ngay khi tiếng pháo xa xôi
Đưa tin Xuân đến, anh không đến
Thôi, hết ngày vui, hết tiếng cười
(Chờ xuân, 1938)

Ngọc Minh nhớ lại một thời thơ ấu cũ, ngồi bên mẹ để tập tành đường chỉ mũi kim. Nhưng giờ đây, mẹ đã đi thật xa, biền biệt cõi đời. Còn đâu hoa mộng ngày xưa. Ngôn ngữ thơ rất Tây Sương Ký, rất tỉnh thành, đài các:

Tôi hỏi me rằng áo búp bê
Phải bao nhiêu vải hả, thưa me
Mỉm cười, me xé cho manh nhiễu
Và bảo, ngần này cũng chán chê.
(May áo, 1936)
(Trích theo Lê Đình Bảng, Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện, tt. 403-407)


TUYỂN THƠ


PHÚT THIÊN ĐƯỜNG

Huy hoàng thay buổi chiều đông
Mẹ ôi, con thấy trong lòng bình yên
Tôi bừng sống những phút giây rung động
Trước tôn nhan từ mẫu Maria
Đã sống và từ nay tôi sẽ sống
Một hôm nay khác hẳn những ngày qua.
Từng giây phút, từng bước đi, lời nói
Từng việc làm dù nhỏ mọn bao nhiêu
Cả hồn xác đều kính dâng lên Mẹ
Bằng lòng tin cậy mến của con yêu.
Kính dâng Mẹ đóa hoa lòng trong trắng
Muôn ngàn năm, hương sắc chẳng hề phai
Kính dâng Mẹ suối yêu thương đằm thắm
Những buồn vui trên gánh nặng đôi vai.
Bao năm tháng, ngày giờ xa cách Mẹ
Là chuỗi ngày đau khổ với sầu thương
Nay trở lại, được ở trong lòng Mẹ
Là phút giây hạnh phúc của thiên đường.

VÀO ĐẠO (Chân lý đời em)
Tặng M.L.
Tay em xâu chiếc nhẫn này
Đời em phó thác trong tay anh rồi
Xin anh nương nhẹ lấy người
Yêu anh yêu cả một trời siêu nhiên.
Từ phút theo anh, em lãng quên
Bao nhiêu thống khổ của trần duyên
Người nhìn lên cõi thiêng liêng ấy
Đã thấy tên em trong sổ thiêng.
Em biết gì đâu, giữa phút này
Giữa đời phiền phức của cơn say
Bâng khuâng hồn lạc vào thiên quốc
Náo nức như làn mây trắng bay.
Bỏ lại sau lưng tội tổ truyền
Tiến liên đón nhận đóa hồng thiêng
Con quỳ dâng Mẹ tràng châu ngọc
Dâng cả sầu đau, cả não phiền.
Lạy Mẹ, bao năm khổ đợi chờ
Bao năm tìm kiếm dấu hôn xưa 
Thì nay, một phút thiêng liêng ấy
Chân lý đời con thấy bất ngờ.
Kính dâng Mẹ đóa hoa hồng
Từ nay, con chẳng còn mong ước gì
Chẳng còn mê muội sầu bi
Kiếm tìm lẽ sống, trong khi sống rồi.

TRỜI NÚI CAO XA

Trời xa thăm thẳm muôn trùng
Núi cao cao ngất mấy vùng non khơi
Cao xa trời núi kia ôi
Không gian, vũ trụ với người duyên chi?
Thời gian cuốn tháng ngày đi
Cuốn gió mây, cuốn cả thì giờ vui
Ngày vui đã lướt qua rồi
Ngước trông chỉ thấy núi, trời cao xa.


XUÂN VỀ

Những buổi hoa xuân tắm ánh trời
Chim ca rộn rã đón ngày vui
Ta nhìn ánh sáng trong tươi thắm
Nao nức lòng ta cũng thắm tươi.
Ta đã thấy Xuân về trong tiếng pháo
Trong ánh trời đầm ấm buổi huy hoàng
Trong những hạt mưa bay bay ướt áo
Trên cành nêu cao vút khánh khua vang.
Nàng xuân vừa thướt tha trên lá biếc
Đón chào ta bằng cả một trời tươi
Ta vội chép bao vần thơ tha thiết
Mến tặng xuân theo với những nụ cười.
Hồn xuân vừa đón thơ trong vườn mộng
Đáp lời ta bằng bao tiếng chim ca
Ta say sưa uống những nguồn hy vọng
Với đất trời, xuân trẻ mãi, không già.

GIÓ CHIỀU

Có những chiều êm tựa giấc mơ
Gió lùa mây chuyển nhẹ như tơ
Khẽ rung mái tóc, cây im đứng
Như thẹn nghiêng nghiêng, ý đợi chờ.
Và gió đa tình lướt bốn phương
Tìm hồn trinh lạc ở bên đường
Để ca điệu nhạc êm êm quá
Để gợi cho lòng thêm nhớ thương.
Gió ác hay là gió muốn yêu
Mà sao cứ đến những ban chiều
Đương khi hồn mộng say vơ vẩn
Là gió lựa bài ca hát trêu.
Đem tới hồn ai ý não nùng
Nhắc lòng lữ khách phút chờ mong
Của người thiếu phụ trong cô tịch
Ngóng gió chiều êm ủ nỗi lòng.


MƠ THIÊN ĐÀNG
Mến tặng các Soeurs dòng Chúa Quan Phòng.Cần Thơ và riêng tặng Soeur M. Nhường.

Có ai về miệt Cần Thơ
Cho tôi gợi lại giấc mơ thiên đàng
Tôi là người ở thế gian
Các soeurs chợt đến trong làn bạch y.
Thướt tha uyển chuyển, tân kỳ
Vui như bầy trẻ mỗi khi được quà
Nhẹ như cánh bướm vườn hoa
Làn thu trong sáng, sao sa dễ thường.
Cười hoa, nói ngọc trong gương
Muôn người như một, ai nhường ai đâu
Gặp nhau mới buổi ban đầu
Cố nhân hội ngộ tâm đầu khác chi.
Bận lòng chẳng muốn chia ly
Nhớ nhung xin mãi mãi ghi trong lòng
Các soeurs dòng Chúa Quan Phòng
Vì đâu tôi đã nặng lòng, tôi yêu…


HỠI BẠN TÌNH

Ôi thôi, người khóc Tản Đà
Giờ đây cũng đã lánh xa cõi đời
Mai Lâm khóc, Tản Đà cười
Bây giờ, em lại là người khóc anh
Bạn thơ ôi, hỡi bạn tình
Văn chương sự nghiệp, thôi đành dở dang
Nối chí anh, em mong làm
Những điều dang dở anh làm chưa xong
Nhưng đời quả phụ, tiền không
Tài hèn, chí mọn, đành lòng buông trôi
Thương anh bao xiết ngậm ngùi
Hy sinh trọn cả cuộc đời vì thơ
Đường thơ anh, ít người ưa
Nhưng Thiên Chúa đã ban cho phúc lành.
Anh ôi, giờ Chúa gọi anh
Đẹp như nét vẽ bức tranh thiên thần
Vợ con thương tiếc vô ngần
Nhưng mà yên ủi tinh thần biết bao
Thiên đàng anh đã được vào
Xin cùng Thiên Chúa bàn giao việc làm
Khi anh còn ở thế gian
Để em nối tiếp việc làm giúp anh.

(trích bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, q II, tr 76-84, còn tiếp)



[1] Năm 1939, báo Ngày Nay phát giải thương văn học, trong đó có 2 bộ môn: Văn và Thơ. Bức Tranh Quê được giải khuyến khích. 

[2] Anh Thơ. Từ Bến Sông Thương, Tuyển tập Anh Thơ. NXB Văn Học, Hà Nội, 1987, tr.242.
x