Tên thật: GÉRARD GAGNON NHÂN
– sinh ngày: 08-05-1914 – tại Sacré-Coeur, Québec, Canada
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Khấn lần đầu ngày 15-08-1935
- Tham gia nhóm Tập Sinh Dòng Chú Cứu Thế đầu tiên tình nguyện sang truyền giáo tại Việt Nam (08-11-1935)
- Khấn trọn đời tại Hà Nội (16-12-1938)
- thụ phong chức linh mục tại Hà Nội (06-06-1940).
Với khả năng thiên bẩm đặc biệt về ngôn ngữ, ông mau chóng tiếp thu và am hiểu tường tận tinh hoa của văn học Việt Nam, thuộc lòng rất nhiều ca dao, tục ngữ Việt Nam và trọn vẹn 3.254 câu thơ lục bát của truyện Kiều. Là một nhà giảng thuyết thiên tài, được mời giảng dạy và tham gia nhiều buổi hội thảo chuyên đề trong đạo, ngoài đời.
Ngày 20-04-1975, ông về nước.
Qua đời ngày 12-09-1994, tại Pháp.
Tác phẩm:
- Bản dịch trọn bộ Thánh Kinh và Thánh Vịnh (1962-1963).
- Huấn Luyện Công Giáo Tiến Hành
- Con Đường Hạnh Phúc.
- Hội Thánh Công Giáo.
- Tâm Hồn Việt Nam .
- Sinh Viên Công Giáo.
- Bông Sen Giữa Đầm Lầy
- Các Tôn Giáo Tại Việt Nam.
NHỮNG NĂM THÁNG NHỚ ĐỜI Ở VIỆT NAM (*)
Lê Đình Bảng
Tuyên khấn được vài tuần, ông tham gia nhóm Tập sinh Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam.
Ngày 8 tháng 11 năm 1935 cả đoàn tới nơi.
Tập viện Hà Nội chật hẹp: hai người sống chung một phòng, bạn cùng phòng của ông là một đồng sự người Việt, cha Dong. Với khả năng thiên bẩm đặc biệt về ngôn ngữ, ông mau chóng tiếp thu và am hiểu tường tận tinh hoa của văn học Việt Nam. Cuối năm 1953, ông tham dự kỳ thi Văn chương Việt Nam cấp quốc gia tại Đà Lạt, và đoạt giải nhì. Đối với các môn Triết học và Thần học, ông cũng giỏi không kém. Ông xuất sắc trong việc trình bày một cái nhìn tổng hợp quán xuyến bất cứ ngành Lịch Sử, Triết Học hoặc Thần học nào. Tốt Nghiệp đại Tập Viện, ông được bổ làm giáo sư Triết học, rồi Xã hội học, Công giáo Tiến Hành và Thuyết giáo . Ông giữ cương vị giáo sư suốt 13 năm. Ngoài ra, ông cũng nhiệt tình tự nguyện cộng tác với các hoạt động giáo xứ: Giới Trẻ, Ca Đoàn, đặt biệt là công tác Tuyên Úy Hướng đạo. Ông thành lập Liên Minh Thánh Tâm, với các buổi chầu thứ năm hàng tuần (từ 21 giờ đến 22 giờ) trong nhà thờ Thái Hà đông nghẹt người. Năm 1951, ông tham dự với vai trò nòng cốt trong một khóa họp các Tuyên úy Công giáo Tiến Hành, từ đó ông được các Giám Mục và Khâm Xứ Tòa Thánh Dooly đặc biệt quan tâm, Giám mục Hà Nội giao cho ông coi sóc Chủng Sinh. Ông bố trí chủng viện trong một cơ sở phụ của tu viện Thái Hà. Bốn trong số các Chủng Sinh của ông sau này đã trở thành Giám mục. Ngay sau Lễ Giáng Sinh 1950, học viện di chuyển vào Đà Lạt. Linh mục G.Gagnon đã đi theo các Chủng sinh nhưng rồi phải bỏ lớp. Ông thành lập Giáo xứ Hà Đông, đi giảng thuyết tại các họ đạo quanh vùng. Năm 1953, theo các Bề trên, với sự chấp thuận của linh mục Buys, ông làm Tổng tuyên úy Công giáo Tiến hành, trụ sở đặt tại Hà Nội, trong Tòa Khâm xứ, Năm 1945, ông quay về Đà Lạt, phụ trách Nhà tập hai.
Như vậy, khi xảy ra cuộc di cư lịch sử của giáo dân miền Bắc, ông đang ở Đà Lạt. Lúc đó, ông lập Trung tâm Cấm phòng và Học tập dành cho giáo dân và giới Tuyên úy Công giáo Tiến hành ở Làng Thánh Tâm, nguyên là Tại Thánh Vincent de Paul. Suốt từ mồng 3 tháng 11 năm 1995 tới 1973, hoạt động của Trung tâm tiếp diễn đều đặn. Hai linh mục Nhung và Mạnh thay nhau phụ tá. Năm 1957, Đức cha Chi lãnh đạo Công giáo Tiến hành. Lợi dụng dịp này, ông xin tạm nghỉ để về Canada. Quay lại Việt Nam, Đức cha Chi và cha Nhung năn nỉ linh mục Phó giám Tỉnh Tremblay: “Công tác Làng rất cần cha Gognon”, và linh mục Phó giám Tỉnh nhượng bộ. Mọi hoạt động trở lại nề nếp tốt đẹp khi xưa. Ngoài việc giảng cho cho nhiều nhóm khác nhau tới tập huấn, ông còn đi giảng tại các giáo xứ thuộc mọi Giáo phận, tổ chức các buổi nói chuyện trong Nhà hát. Ông viết nhiều cuốn sách về các đề tài nóng bỏng mang tính thời sự. Ông dịch trọn bộ Kinh Thánh bằng ngôn ngữ bình dân. Dịch tới đâu phát hành tới đó, thành những tập nhỏ.
Năm 1968, làng Thánh Tâm bị bom đạn tàn phá, Ông tự lực sửa tất cả. Công việc nặng nhọc, tốn kém, ông phải lấy tiền nhuân bút và bán sách đắp vào. Các giáo phận không hề tài trợ.
Năm 1973, tình trạng trên không thể kéo dài, Trung Tâm đóng cửa. Linh mục Gagnon quay về tu viện, dốc sức vào thuyết giáo. Ông học tiếng Bahnar và lên công tác tại giáo phận Kontum, theo yêu cầu của ông bạn cố tri Seitz, vị Giám mục Pháp cuối cùng tại Việt Nam, công việc không kéo dài. Ngày 20 tháng 04 năm 1975, ông phải đi theo lời khuyên của các đồng sự người Việt. Dự định phục vụ tại Nhật, nhưng người tính không bằng trời tính, cuối cùng ông trở về Canada vĩnh viễn.
Từ khi trở về Canada, ông tiếp tục rao giảng Tin Mừng, và được mời tham gia Tập viện Phụ Tỉnh Việt Nam mới thành lập trên xứ người.
Nhưng dấu hiệu của sự mệt mỏi, kiệt sức, buộc ông phải nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn. Ông dồn sức lực những năm cuối cùng để viết Năm mươi năm nhớ đời ở Đông Dương (L’inoubliable histoire de 20 ans d’Indochine).
Tình trạng sức khỏe càng lúc càng tệ hơn, ông nhập viện vào tháng tám. Lúc ra viện, ông buộc phải năm liệt giường ở nhà Điều dưỡng.
Buổi tối trước khi chết, Chúa nhật ngày 11, ông hôn mê, Bốn nữ tu Cát Minh Việt Nam trên đường đi qua Ste-Anne đã ghé thăm ông. Họ hát cho ông nghe một bản Thánh ca bằng tiếng Việt….Cứ tưởng ông còn hôn mê, nhưng đùng một cái, ông đánh nhịp bài hát, rõ ràng ông biết hết những gì xảy ra, và lòng tràn ngập sung sướng khi được nghe cung giọng của đất nước mà ông khôn xiết yêu thương.
(Chuyển dịch từ R.P. Gérard Gagnon, Missionnaire Rédemptoriste CSsR.VN)
TUYỂN THƠ
THÁNH VỊNH 95,1-2Nào ta đến, trổi dâng lời
Hát khen, mừng chúc Chúa Trời cao xa
Nào ta lớn tiếng ngợi ca
Thạch kiên cứu độ của ta muôn đời.
Nào ta hãy tới nhan Người
Với lời ca hát, với lời ngợi khen
Hãy tung hô Chúa vang rền
Bằng vần của khúc thi thiên tuyệt vời.
THÁNH VỊNH 8,4
Con say ngắm nền trời muôn sắc
Việc ngón tay Chúa tác tạo thành
Vầng trăng, tinh tú long lanh
Chúa đều xếp đặt, vận hành tinh vi.
THÁNH VỊNH 10,1
Ôi, lạy Chúa trên ngôi chí thánh
Sao Chúa như xa tránh, vô tình
Và sao như muốn ẩn mình
Những khi xảy ra nỗi bất bình, đau thương.
THÁNH VỊNH 24,1-2
Ai được dẫn về nơi trợ lực
Để trèo lên núi Đức Chúa Trời
Và ai được đứng vững người
Nơi vùng đất thánh rạng ngời uy linh.
THÁNH VỊNH 148,8-12
Hỡi ngọn lửa hồng, mưa đá ơi
Hỡi băng tuyết lạnh, sương mù rơi
Hỡi luồng gió lốc gieo giông tố
Hỡi kẻ thừa hành lệnh Chúa Trời.
Hỡi núi, hỡi đồi ở khắp nơi
Các cây sinh trái, bá hương ơi
Hỡi bao muông thú và gia súc
Hỡi giống bò trườn, điểu trổi khơi.
Vương đế, hoàn cầu với chúng nhân
Công hầu, lãnh tụ chốn nhân gian
Thanh nam, thiếu nữ, hồn trinh khiết
Phụ lão, hài nhi khắp thế trần.
THÁNH VỊNH 130,1-2
Từ đáy vực thẳm sâu đầy hổ nhục
Con kêu cầu lên Chúa, Chúa trời ơi
Xin thấu tường, Chúa hỡi, hết mọi lời
Xin tai Chúa lắng nghe con nài khẩn
THÁNH VỊNH 18,3
Con mến Chúa, Chúa ôi, bao chan chứa
Vì Chúa là nguồn sức mạnh của con
Là đóa hoa, là chiến lũy, ải đồn
Và là đấng cứu nâng con mọi lúc
Chúa là Chúa, là kiên thành xây đúc
Đó là nơi con ẩn náu, tựa nương
Chúa lại là khiên thuẫn đỡ đau thương
Ơn cứu rỗi, pháo đài hàng che chở.
(còn tiếp, trích trong Có Một Vườn Thơ Đạo, tập II, Lm Trăng Thập Tự chủ biên, tr 30-35)
(*).Nhan đề do người biên soạn dịch