Hàn Mạc Tử, nhà thơ Công giáo

Quang X Nguyen



Ngâm thơ Hàn Mạc Tử tại lễ kỷ niệm "Hàn Mạc Tử và hành trình tiếp bước" 
Là một người Công giáo nhiệt thành, lòng tín ngưỡng của Hàn Mạc Tử lại tăng thêm trong một tấm thân đau khổ.
Bị xem là một vật ký sinh ở ngoài lề xã hội mà mọi người đều ghê tởm muốn tránh xa, Hàn Mạc Tử đã luôn tìm một nơi ẩn trú bên cạnh Thượng Đế. Những bài thơ đượm nhuần Công giáo của chàng được hợp lại thành hai tập mà tập thứ nhất là:
Xuân như ý, mùa xuân của Sáng thế ký, lúc mà “vũ trụ sơ khai, tinh khí của Thượng Đế chập chờn trên nước” – Theo quan niệm của chàng, mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu Thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị[1]. Theo Hàn Mạc Tử, thi ca là một sáng tạo thuần túy của Thượng Đế; với sự nghiệp thiêng liêng và vinh quang bất diệt của Người. Thi sĩ là kẻ môi giới khéo léo giữa Hóa công và nhân loại vậy.

Lòng tin tưởng ở Thượng Đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mạc Tử và giúp cho thi tài của chàng được hoàn toàn thành tựu. Xuân như ý được xem là tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của chàng...

Thái Văn Kiểm
(Trích từ bài Một thi hào Việt Nam: Hàn Mạc Tử, PCĐ-2, trang 291-306).

Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 245.



[1] Trong Correspondance của Baudelaire có câu:
“Les parfums, les couleurs et les sons se repondent”.