Nhà thơ Bùi Tuân

vanthoconggiao.net

Bùi Tuân sinh năm 1913 tại Ngọc Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng lớn lên và thành danh tại Bình Định, Huế và Sài Gòn… Ông cộng tác thường xuyên với các tờ báo: Lời Thăm, Vì Chúa, Vinh Sơn, Tổ Quốc, Văn Đàn, Duyên Nghèo, Hạt Cải….
Ông qua đời năm 1966.
Ngoài hàng trăm bài viết trong đó có một số bài thơ đăng trên các báo, ông còn để lại một số tác phẩm:
- Thế Lực Đối Ngoại của Tòa Thánh (1950)
- Xây dựng trên nhân vị [1] (1945).
- Con heo vàng (truyện 1962)
- Hàn Mạc Tử theo tôi biết.
- Tôn Giáo trong thơ Hàn Mạc Tử
- Hàn Mạc Tử và sứ điệp của nhà thơ (Di cảo)
- Chúa Cứu Thế (dịch của A.Boyer. NXB An Phong. Huế, 1949)

TUYỂN THƠ

Nhập Thể

Gởi Võ Long Tê
Đâu phượng nở, hè đi về rộn rịp
Hè là đây, tình phượng nở nơi nao
Vàng sông Hương, bến cũ lắng chiêm bao
Sầu Bạch Hổ, đò xuôi không về kịp
Đường tơ thắm trong tiếng đàn lỗi nhịp
Buồn nắng chiều nỗi nhớ của muôn sao
Thuở tiễn đưa nước thẳm vọng trời cao
Hương quyện sắc, sắc hương nào ý hiệp.
Yêu là lớn trong tình thơm bất diệt
Tiếng trần gian xóa nhạt cánh hồng tươi
Hỡi thiên thần, ta chỉ muốn là ngươi
Người quên bẵng? Ngôi Lời đã nhập thể
Yêu thương về mầu nhiệm hóa trần gian
Suốt mùa yêu là cả một thiên đàng.



Men Tình




Em có nhớ, một chiều xanh mùa hạ
Trăng quên lên mà gió cũng quên lên…
Đêm thanh bình, thông đỉnh Ngự vầy duyên
Tình mặc khách, lênh đênh xuôi Vỹ Dạ.
Trên cầu vắng, tiếng ai đi vội vã
Anh lặng nhìn nhịp bước của em qua
Sắc và hương và uyển chuyển thướt tha
Cười chớm nở trên hồn anh rộn rã…
Từ thuở ấy, anh đi vào xa lạ
Mà em là xứ sở mới bao la
Tìm sắc hương mỗi phút một lùi xa.
Sắc hương quyến rũ người vào tàn tạ
Muôn ân tình thắm mãi giữa đôi ta
Trong men nồng suối rượu tiệc Cana.


Bùi Tuân
(trích trong Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, tập II, Lm Trăng Thập Tự chủ biên, tr. 21-23)

[1] Giải thưởng bộ môn khảo luận năm 1957 do Văn hóa Vụ khởi xướng và trao giải ngày 25-9-1957 tại dinh Độc Lập. Các bộ môn:

Khảo luận: Văn chương Bình dân của Lm. Thanh Lãng (hạng I)
Xây Dựng Trên Nhân Vị của Bùi Tuân ( hạng II)
Người Xưa của Trần Đình Khải ( Đồng hạng II)
Ngoài ra, còn có các giải thưởng về Tiểu thuyết, Thơ và Kịch.