Mã số: 16-121
Phaolo Lê Quốc Bảo, 1990, gp Nha Trang.
(Giải triển vọng VVĐT 2016)
Gã ở trần, cái bụng phệ ởm ờ trông thật tởm, cái quần đùi mặc xệ cách rốn một tấc cùng cái dáng đi lết tha lết thết càng làm gã trông có vẻ ngang tàng, bất cần đời. Mà gã cũng bất cần đời thật, bất cần đời nên mới lê thân vô cái trung tâm này. Gã to xác, nhưng cái to xác không làm cho gã có vị thế trong cái nơi dùng nắm đấm để tranh giành quyền thống trị trên nhau. Tụi nhóc choai vẫn xưng hô mày - tao với gã, thậm chí còn chửi vào mặt gã. Những lúc như vậy, gã chẳng thèm đếm xỉa đến chúng. Cứ tưởng gã là một thằng khờ, thằng rồ to xác rẻ tiền. Nhưng không, cái khờ, cái rồ ần trong cái ngang tàng bất cần đời ấy là cả lí tưởng sống, mục đích sống là muốn yêu thương và muốn được yêu thương.
Lời đầu tiên, chương trình Radio “Cầu Nối Yêu Thương” xin gửi lời chào thương mến đến Ban Giám Hiệu cùng toàn thể các bạn trong trung tâm Thanh Thiếu Niên III. Hãy để âm nhạc sưởi ấm tâm hồn đang lạnh giá của bạn, cũng như giúp thư giãn cho những ai đang tất bật, hối hả trong cuộc sống. Hãy chuyển thông điệp yêu thương đến những người thân yêu và hãy để chúng tôi làm cầu nối để chuyển những thông điệp ấy. Đó là những lời giới thiệu quen thuộc của tôi trong chương trình phát nhạc theo yêu cầu mỗi tuần. Với chiếc loa to kềnh càng, chiếc micro xụt xịt lúc được lúc không cộng với cái MP3, tôi nghiễm nhiên trở thành biên tập viên của một chương trình Radio được phát sóng định kì mỗi tuần một lần. Nghe có vẻ hoành tráng lắm nhưng thực tế công việc chính của tôi là đáp ứng yêu cầu phát tặng những ca khúc mà các em yêu thích mà thôi, tất nhiên là theo kiểu "face to face" và phải mất 604800 giây mới được phát sóng ca khúc yêu cầu, tức là phải đến một tuần sau. Và thính giả đầu tiên của tôi là một anh chàng to cao, mà tôi tạm thời gọi là “gã” theo cách xưng hô để nói về nhân vật thứ ba không mấy tốt nhưng rất lành:
- Ê!- Gã đứng bên hàng rào ới ời gọi.
Tôi liếc mắt nhìn gã, và không xa lạ gì với gương mặt đình đám này.
- Ê, ông anh, có bài hát Bốn Chữ Lắm không?- Gã to tiếng hỏi
- Không! À, mà em muốn đăng kí phát tặng bài nào, em phải ghi giấy đưa anh trước, anh về tải nhạc và tuần sau mới phát tặng em được.
- Thôi khỏi, tuần sau thì nói làm gì, muốn phát tặng tuần này thôi.- Hắn có vẻ cau có, khó chịu.
- Nhưng máy của anh hiện tại không có bài hát đó.- Tôi cố giải thích cho gã hiểu.
Gã im lặng ít giây rồi lên tiếng:
- Thế ông anh có bài hát gì về tình yêu không?
- Có nhiều lắm.- Tôi vui vẻ trả lời.
- Mở một bài nào về tình yêu đi và gửi tặng nhỏ H bên nhà C giúp.
- Em có nhắn gì không?
- Thôi khỏi… mà có… mà thôi khỏi.- Gã lưỡng lự, đấu tranh nội tâm có vẻ gay gắt.
- Mà em tên gì, để anh còn giới thiệu.
- Cứ nói là đại ca nhà B gửi tặng nhỏ H, chúc nghe nhạc vui.
- Ok.
Và sau đây, xin mời toàn thể trung tâm lắng nghe ca khúc“Anh” của nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Đây là món quà của một bạn với Nickname là Đại ca nhà B gửi tặng bạn H nhà C với lời chúc bạn H nghe nhạc vui.
Tiếng nhạc cất lên, tôi không biết với chiếc loa nhỏ xíu của tôi cả trung tâm có nghe hết được không và nhỏ H, ở khu nhà C xa xa nữa, nhưng thính giả đầu tiên của tôi, đang tư lự nơi dãy hàng rào và đôi mắt đang hướng về khu nhà C. Gã đứng đó cho đến những lời cuối cùng của bài hát. Thỉnh thoảng lại thúc tôi mở nhạc to lên.
Kể từ ngày ấy, nhạc qua-thư lại của đôi bạn trẻ cứ thay nhau gửi đến chương trình. Có ngày nghe xong bài hát nhỏ H gửi tặng cùng mấy dòng thông điệp dễ thương, gã cứ nằng nặc yêu cầu tôi mở lại ca khúc vừa nghe. Gã cứ tưởng chương trình của tôi mở ra chỉ là để đáp ứng yêu cầu của gã và nhỏ H không bằng. Những lúc như vậy, tôi nói gã cố gắng chờ đến cuối buổi, nếu có giờ thì mở lại. Gã đồng ý và khuôn mặt tươi hớn hở chạy vào nhà với hi vọng nghe lại được tiếng lòng của một nửa trái tim bên kia hàng rào.
Cuối buổi, gã đưa cho tôi một tờ giấy và nói:
- Anh! Tuần sau vô đây anh mở liền bài hát này nha, anh mở chậm là mấy thằng trong trung tâm đá bóng ồn lắm, sợ nhỏ H không nghe được.- Gã hí hửng yêu cầu.
Nhức đầu với “thính giả cục nợ” này nhưng tôi vẫn đón nhận tờ giấy của gã.
- OK. Hẹn gặp lại em tuần sau.- Tôi mỉm cười cho xong chuyện
Nhưng mà chuyện nào đâu có xong, thấy cái vòng chuỗi tay tôi mang trên tay, gã chăm chú nhìn, rồi nói:
- Anh! Cho em cái chuỗi kia được không.- Gã chỉ tay vào vòng chuỗi tay của tôi.
Tôi ậm ự trong giây lát để cố giải thích:
- À... ừ! Cái vòng này là của mấy người theo “Đạo Chúa” mới mang, còn mấy người không...- Tôi chưa kịp giải thích thì gã đã chen ngang.
- Em là đạo Chúa, em biết đọc kinh mà.
Thú thực, tôi chẳng lạ gì cái tật nói dối của các em ở đây. Đôi khi, chỉ vì thích một sợi dây chuyền, một vòng tràng hạt đeo cho vui mắt mà lắm em mang vào mình cái danh "em là đạo Chúa", rồi sau dăm ba bữa chán chê, vứt bỏ.
Thấy tôi lưỡng lự không tin, gã có vẻ khó chịu và cố chứng minh "Đức tin" của mình.
- Để em đọc Kinh Lạy Cha cho anh nghe nha: Lạy Cha Chúng con... Amen.
Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên. Chưa hết, gã còn đọc thuộc Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Gã nói tiếp:
- Mỗi đêm trước khi đi ngủ, em vẫn đọc mà.
Có cái gì đó đè nặng lòng tôi, phải chăng đó là sự xót xa hỗ thẹn tự trách mình theo kiểu "xem mặt mà bắt hình dong". Nhưng rồi, trong lòng lại trào dâng một niềm vui khó tả, vì trong một nơi khi mà tất cả chỉ phủ đầy sự bực dọc, đánh đập, ức hiếp nhau như một màu tối đen thì trong đêm vẫn lóe lên lời nguyện cầu của một Kitô hữu mà cho dẫu trăm cực, ngàn cay, dẫu tháng ngày chất đầy đau khổ nhưng gã vẫn còn đó một niềm tin vào Thiên Chúa Xót Thương.Tôi lặng thinh mĩm cười tháo vòng chuỗi tay đưa cho gã với một niềm vui là mình đã chắp cánh cho một tâm hồn được gần Chúa hơn. Đón nhận món quà ấy, gã hí hửng mang vào tay rồi xoay xoay nhìn vòng tràng hạt cách thích thú.
- Em cảm ơn anh!- Rồi gã chạy nhanh vào nhà.
Lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng: Hạnh phúc lắm lúc chỉ đơn giản là khi ta nhìn thấy một ai đó cười vui.
Ca khúc gã yêu cầu là bài hát “Bốn chữ lắm” với ca từ khá ngộ ngĩnh “yêu lắm, thương lắm, xa lắm, đau lắm”. Ca khúc này đang phổ biến trên thị trường âm nhạc và được rất nhiều bạn trẻ yêu cầu, kể cả những bạn nhỏ trong trung tâm.
Tuần sau, khi vừa đến trung tâm, các em nhỏ đã chạy đến báo cho tôi cái tin động trời là bốn đứa khu nhà B đã trốn, bốn đứa thân thiết nhất với tôi. Tôi không biết nên buồn hay nên vui, cảm giác lúc đó là một sự trống vắng xâm chiếm cõi lòng. Chuyện các em trốn đi không phải là chuyện lạ ở trung tâm này, nhưng tôi lại có những cảm xúc khó diễn tả, nói thẳng ra là buồn. Chuyện các em trốn không chỉ có chúng tôi, những người làm công tác tông đồ buồn mà có cả gã, gã cũng buồn, phải nói là sầu thì đúng hơn. Tôi cứ ngỡ là những đứa trốn trại kia là bạn chí cốt của gã, nào ngờ, một nửa trái tim của gã cũng cao chạy xa bay cùng một ngày với bốn “anh hùng hảo hán” kia. Tôi thầm đặt câu hỏi: tại sao nhỏ H lại trốn, nhỏ không thương Đại ca nhà B sao? Thôi thì chuyện tình của gã tôi không có thời gian cũng không có nhu cầu để tìm hiểu. Nhưng tôi thương gã, tôi thương gã cách đặc biệt, thương gã vì mỗi lần đến yêu cầu ca khúc tôi thấy gã càng ngày càng dễ thương hơn,gần gủi hơn, nói năng nhẹ nhàng và lịch sự hơn. Tâm hồn gã trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ bên ngoài. Tôi thầm nghĩ, đôi khi trong một môi trường tranh tối tranh sáng này, con người ta phải diện lên trên khuôn mặt mình cái vẻ hung tợn để tránh bị bắt nạt, hơn là để ra uy với người khác.
Hôm nay gã lại đứng bên hàng rào, chỉ nhỏ nhẹ yêu cầu tôi xóa đi bài hát “Bốn chữ lắm” đã đăng kí tuần trước. Tôi nhớ lại ca từ của bài hát “ yêu lắm, thương lắm, xa lắm chứ đau lắm”. Tôi thoáng nghĩ, chắc gã đau thật và không biết gã có nghĩ rằng sự ràng buộc mong manh của thứ tình cảm bù đắp cho nhau trong lúc thiếu thốn ở trung tâm này sao có thể giữ chân một cô gái nhiều mơ mộng như nhỏ H được. Tôi chỉ biết gã đang buồn, buồn lắm.
Chiều hôm ấy, thực sự tôi cũng chẳng muốn thực hiện chương trình phát nhạc, nhưng vì lỡ hứa đáp ứng yêu cầu cho những tâm hồn thổn thức khác giữa hai khu nhà cách cái hàng rào với những bài hát tình yêu sướt mướt và những thông điệp đại loại cần đến nhau nên tôi đành phải làm. Tôi chợt nghĩ, phải chăng cái thứ tình cảm mong manh ấy lại là linh dược để chữa lành những vết thương đã và đang rướm máu bởi xã hội, gia đình, người thân cứa vào họ. Và cho dẫu có là gì đi chăng nữa, thì ít nhiều, những tâm hồn man dại kia cũng cảm thấy họ giá trị và đẹp trong mắt người khác, cảm thấy mình được xứng đáng yêu và được yêu hơn.
Quay về lại với gã, tôi không thấy gã đứng nơi hàng rào nữa. Gã đã đi về phòng và có lẽ gã muốn trốn đời, trốn thời gian. Tôi hi vọng anh chàng bự con này sẽ khóc được, hay ít ra cũng hét lên được một tiếng cho vơi đi phần nào nỗi buồn đang xâm chiếm trong lòng.
Tôi quyết định không mở nhạc nữa, tôi đi về phòng của gã với hi vọng mình sẽ là nơi để gã trút bầu tâm sự theo kiểu chuyện hai người đàn ông và… gã đã nói, nói nhiều lắm.
Gã kể về quá khứ của gã, cái quá khứ quen thuộc với mấy cu cậu trong trung tâm: đi bụi-bị bắt, kể về những tổn thương từ sự mất mát người thân, sự cô đơn, lạc lõng giữa đời bon chen, đua tranh phức tạp. Gã kể về những đêm ra bãi rác để tranh miếng giấy cạc-tông với một bà già đi nhặt rác, để đem về lót lưng nằm cho đỡ lạnh. Gã kể về việc bị công an bắt khi ngủ đêm tại một ghế đá công viên. Gã kể về những ngày đầu tiên vào trung tâm. Nhưng gã chẳng kể gì đến nhỏ H cho đến khi tôi gợi chuyện.
Gã nói nghe triết lí rằng, không biết gã có thương nhỏ H theo kiểu tình yêu như trong phim không nhưng gã luôn thấy vui khi nói chuyện với nhỏ khi mỗi lần đến nhà cơm hay trò chuyện nơi dãy hành lang khu học nghề. Gã nói nhỏ H hay nhìn gã, trêu gã mà không thèm nhìn hay trêu những thằng con trai khác. Gã cảm thấy mình được để ý, được quan tâm, được yêu thương qua những bức thư giấy vở mà nhỏ H gửi tặng. Tất cả những thứ ấy khỏa lấp một tâm hồn thiếu vắng tình cảm như gã và làm thay đổi cái suy nghĩ với một đống cuộc sống chỉ toàn đánh đập, chửi mắng, thiếu thốn đủ điều. Gã còn kể những ngày đầu vào đây gã hay bị đánh và cuộc sống buộc gã phải thay đổi. Nhưng rồi, với suy nghĩ của tuổi mới lớn, lứa tuổi rung động đầu đời, gã không muốn nhỏ H ghét gã như ghét hàng trăm thằng con trai khốn nạn trong trung tâm này nên gã đã thay đổi, thay đổi tính cách, thay đối để được yêu thương nhiều hơn và để yêu nhiều hơn. Có thể gã đã nghĩ mình phải làm gì đó để đáp lại tình cảm mà nhỏ đã nhận được từ nhỏ H. Tình cảm ấy là mục đích sống, lí tưởng sống cho gã trong suốt chặng đường qua, giờ nó đã ra đi mất rồi. Tôi cứ tưởng rằng gã sẽ quay về với cuộc sống trước kia. Nhưng không, gã nói gã sẽ cố gắng sống tốt hơn, mục tiêu sống của gã giờ này là phấn đấu sống để sớm ngày được ra ngoài gặp lại một nửa trái tim của mình. Gã đưa tay trái lên và xoay xoay vòng tràng hạt và với nụ cười dung dị khẻ nhìn tôi và nói.
- Cảm ơn anh về món quà, em sẽ trân trọng nó và sẽ cầu nguyện cho anh.
Thật sự tôi không ngờ. Buổi trò chuyện không dài, nhưng rất sâu. Nó đã đánh động lòng tôi rất nhiều. Phải chăng sự thiếu thốn vật chất, tình cảm không ngăn cản được một trái tim hướng thiện, muốn yêu thương và được yêu thương. Một cái nhìn, một lời nói đùa hay yêu thương, một cử chỉ thân thiện, một hành động quan tâm rất nhỏ thôi cũng đủ làm thay đổi cả một con người.
Tôi quay lại với chương trình Radio Cầu Nối Yêu Thương của mình và quyết định phát ca khúc “Gọi tên tôi nhé bạn thân hỡi” được thể hiện bởi ca sĩ Lương Bích Hữu để tặng gã, tặng tôi và tặng cho tất cả những tâm hồn đang khao khát có một điểm tựa để vươn sống. Tôi thầm nghĩ, gã sẽ gọi tên ai đây trước những ưu phiền kiếp sống? Gã sẽ gọi Chúa và tâm sự với Ngài, tôi tin như thế và chắc chắn Chúa sẽ xoa dịu vết thương cho gã.
Tôi lại chợt nghĩ về tôi, cũng giữa những trăm bề khó khăn, chán chường, thất vọng, tội lỗi, tôi sẽ gọi tên ai đây? Tôi đã cậy trông vào Thiên Chúa chưa? Một khoảng lặng xâm chiếm lòng tôi.
Tôi là sứ giả yêu thương đến với các em, trao cho các em những tình cảm; chương trình do tôi phụ trách là cầu nối yêu thương cho những tâm hồn xích lại gần nhau trong đó có cả gã nữa. Với ai đó, có thể gã chỉ là một thằng rồ hay một người không gì đáng nói, nhưng với tôi gã là sứ giả mà Chúa gửi đến để tôi nhận ra một điều rất bình thường nhưng không đơn giản rằng: Chỉ cần một suy nghĩ, một ánh mắt, nụ cười, một hành động quan tâm nho nhỏ thôi cũng thay đổi được ai đó và thay đổi cả thế giới, để tôi nhận ra lòng Thương Xót Chúa vẫn hằng luôn ủ ấp những ai biết chạy đến cùng Ngài, như gã.
Cảm ơn! Xin cảm ơn Người đã cho tôi nhận ra rằng, vẻ bề ngoài không nói lên được giá trị con người. Đôi khi sự thô kệch, lôi thôi, ngang tàng, bặm trợm lại ẩn giấu trong đó một trái tim đang vỗ nhẹ những nhịp được yêu thương và khao khát yêu thương và Lòng Chúa Xót Thương cũng cần lắm những cánh tay nối dài biết thương xót.