Đôi bàn tay ba

Quang X Nguyen



Đó là đôi tay gân guốt, chai sần như hầu hết những người đàn ông ở cái miệt sông nước quê tôi.


Hồi đó mấy chị em tôi cứ hay thắc mắc, tại sao móng tay của ba chẳng có cái nào giống với cái nào. Lớn lên mới hiểu do phải làm lụng vất vả ngay từ nhỏ, lúc nào cũng trầm mình trong đồng sâu, nước mặn thành ra móng tay, móng chân của ba mới hư hết như vậy.
Mẹ kể, chính tay ba tập cho mấy chị em tôi những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời. Ngày đầu tiên đi học, tôi được ba cầm tay đi đến lớp trên con đường rợp mát bóng cây thật là hãnh diện và hạnh phúc đến biết chừng nào. Lớn trọng một chút, chúng tôi được ba dạy bơi ở con rạch ngay trước nhà. Ba nói gì thì gì chớ sống ở miền quê sông nước là phải biết bơi. Nông thôn ngày đó làm sao mà có mắt kính, phao tay, chân vịt mới học bơi được như bây giờ. Chỉ cần thảy xuống nước mấy khúc thân chuối do ba tôi chặt sau hè là đã có đủ cái để mà chị em tôi tha hồ bơi lặn, vẫy vùng. Tụi nhóc hàng xóm cứ hay thắc mắc, so bì tại sao chị em chúng tôi học bơi lẹ quá, mới mấy bữa là bơi được đủ kiểu. Trong khi tụi nó loay hoay mấy tháng trời vẫn chưa bơi được. Ờ, thì cũng nhờ ba tôi tập cho chớ đâu. Rồi ba còn tập cho chạy xe đạp, xe máy nữa. Nhờ tay ba mà chúng tôi ít khi nào té ngã hay lủi vô bờ, vô bụi. Lạ một điều, hễ ba chỉ dạy hay tập tành bất cứ thứ gì, chúng tôi thường nhanh chóng làm được, còn người khác thì không như vậy. Có lẽ trong vòng tay ba, chị em tôi cảm thấy tự tin hơn đồng thời cũng cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương trọn vẹn nhất.
Mỗi lần có gánh hát cải lương hay đoàn chiếu bóng về diễn ở sân banh xã là y như rằng, đôi tay vạm vỡ của ba cứ đỡ từng đưa, thay phiên nhau con ngồi lên cổ ba để xem cho rõ.

Vậy mà những ngón tay to bè, thô ráp của ba cũng thật khéo léo. Ba tôi viết chữ, vẽ và nặn đất sét đều đẹp tuyệt vời. Khi thì cầm tay chúng tôi để tập viết, lúc thì tay chân lấm lem để nắn mớ đất sét thành đủ loại từ cây trái, đồ dùng cho tới muôn thú.

Thời đó ở quê hiếm khi bày bán các loại lồng đèn được làm sẵn như bây giờ vào mỗi dịp Trung Thu. Tất cả đều tự làm lấy, thì cũng tận dụng từ lon bia, hộp sữa bò với giấy báo cũ. Vậy mà cứ tới mùa là ba lại tất bật chọn giấy, vót tre để làm cho chúng con những chiếc lồng đèn lung linh, rực rỡ. Như người thợ lành nghề, không hề vẽ trước hay đo đếm gì hết, đôi tay ba cứ thoăn thoát trong sự thích thú của chúng tôi. Nào là vót tre, hơ lửa, uốn làm khung rồi mới tới công đoạn bồi giấy kiếng đỏ lên mặt lồng đèn. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Phải canh giấy sao cho đều, không thừa mà cũng không thiếu. Đợi cho khô, ba mới ra tay vẽ vời đủ loại họa tiết trang trí lên lồng đèn bằng thứ vôi ăn trầu của nội. Để rồi chúng tôi thường ưỡn ngực tự hào trước vẻ mặt trầm trồ, ngưỡng mộ của mấy đứa trong xóm: "Lồng đèn do ba tao làm đó, năm nào cũng có cái mới."

Quanh năm suốt tháng chẳng mấy khi thấy ba rảnh rỗi cho dù đó là thời gian vụ mùa hay lúc nông nhàn. Đi thì thôi, chớ về tới nhà là ba lại bận bịu tay chân với đủ mọi công việc từ trồng trọt cho đến chăn nuôi. Ai cũng nói ba tôi mát tay nên nuôi con nào, trồng thứ gì cũng thiệt là tươi tốt.

Đến lúc đi học xa nhà, ba luôn là người đưa mấy chị em ra bến. Lần nào cũng vậy, trước lúc lên xe, ba xoa đầu từng đứa một : “Có bất cứ chuyện gì, cứ điện thoại cho ba”. Đơn giản vậy thôi, nhưng trong tôi lại ngập tràn cảm giác hạnh phúc, bình an vì hiểu rằng dù chúng con có ở phương trời nào thì vòng tay ba vẫn luôn chở che, đỡ nâng.

Bà nội tôi ghiền trầu nên ba luôn giành phần đi chợ mua trầu cho nội. Ban đầu mấy bà, mấy cô thấy ba tôi là đàn ông mà đi chợ nên cũng hay chọc ghẹo, trêu đùa. Sau thì người ta cũng quen dần với hình ảnh một người đàn ông thường xuyên đi chợ mua trầu. Tận tay ba tôi lựa từng lá trầu, trái cau cho nội. Lúc răng nội yếu đi không tự nhai được thì ba lại chịu khó ngồi nguấy (giã) trầu sao cho thật nhuyễn cho nội.

Ngày bệnh viện cho nội về khi đã hôn mê sâu. Nhất quyết không để y tá khiêng nội trên băng ca mà chính tay ba ẵm nội lên xe mà thì thầm:“Về nhà mình nghỉ ngơi cho khoẻ, nhe má!”

Giờ ba đã là ông của một bầy cháu. Vậy mà đôi tay ấy nào được nghĩ ngơi. Ba lại tiếp tục chăm chút mảnh vườn xum xuê cây trái. Thấy mấy chị em con ái ngại, ba trấn an “Ở không ba chịu không được tụi con à, chịu khó một chút để hè về tụi nhỏ tha hồ trèo cây, hái trái!”
Và đôi tay ba vẫn mãi chăm chút, nâng đỡ và yêu thương cho dù mái tóc chị em chúng tôi giờ đã điểm bạc.
Đôi bàn tay ba, chúng con yêu lắm!

Huy Chung