Cửa đợi

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16- 107
Antôn Trần Văn Dũng, 1986, Gp Vinh.
(Giải triển vọng VVĐT 2016)
Tin chị Sen gia nhập một tổ chức chính trị chẳng khác nào mồi lửa quét qua làng Thượng vốn đã hừng hừng như một cánh đồng khô hanh. Ông Luân vừa lên tỉnh dự lễ nhận bằng khen phong trào xây dựng nông thôn mới, kể lại rành rọt rằng thấy chị tôi phát biểu hùng hồn lắm. Với cái vùng Công giáo toàn tòng rộng chừng hơn một cây số vuông này thì chỉ cần bấy nhiêu chất liệu ấy thôi cũng đủ tạo nên thứ gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn chiều.

Người báo cho mẹ cái tin động trời ấy là cậu tôi. Dựng vội chiếc Dream Tàu đã rách tươm một bên ướm, cậu cất giọng oang oang từ ngoài sân vào tận buồng trong. Mẹ tôi nằm một chỗ đã hai tháng nay gần như lập tức bật dậy khỏi giường, hai tay siết lấy cổ áo cậu rít lên từng tiếng: “Không bao giờ có chuyện đó, hiểu chưa?”. Tôi chạy bổ theo cái dáng xiêu xiêu ấy trong ánh mắt thất thần của cậu.
Bên ngoài, nắng vẫn còn gắt. Mẹ sáp vào một nhóm đang đứng bàn chuyện, điên dại giật tóc người này, kéo áo người kia. Trong cơn bấn loạn, bà còn hất tung mấy dãy ghế của một quán nước gần đấy.
Tôi bắt kịp mẹ ở gần cổng làng. Tay xăm xăm chiếc chổi tre, dường như mẹ đang dốc hết sức bình sinh mà quét, mà quật. Tiếng chổi va vào nền đường xi măng nghe rờn rợn. Mặt mẹ trắng bạch, đôi tay hằn rõ những đường gân yếu ớt. Duy đôi mắt là long lên, chằng chịt những lằn mảnh, đỏ ngầu. Đám người lần lượt tản ra, trước lúc rời đi không quên ném lại những cái nhìn khinh miệt. Tôi lặng lẽ ôm mẹ từ phía sau, tiếng chổi dừng lại.
- Sao mẹ đánh người?
Mẹ lại rít lên:
- Tao không đánh người. Tao chỉ đánh lũ rắn mang bộ mặt người!
Mẹ về đến cổng khi trời đã nhá nhem tối. Cả thân hình tiều tuỵ đổ ập xuống như cây chuối bị người ta dùng dao phạt ngang. Tôi dìu mẹ vào buồng trong, mắt bà ướt đẫm. Đây là lần thứ hai mẹ chẳng còn là mẹ.
Lần thứ nhất cách đây đã hơn chục năm. Bố bỏ mẹ và hai chị em tôi trong một chuyến đi tìm trầm ở Huy Khiêm rồi từ đấy biền biệt không về. Ít năm sau, vài người trong nhóm phu trầm rỉ rả rằng bố sống chung với một người đàn bà trong đó, hai người đã có ba mặt con. Mẹ gục xuống khi hay những dòng tin đầu tiên.
Đận ấy, người làng Thượng xúm vào hả hê. Đàn ông đàn bà xứ này chưa từng có thói quen buông tha cho một trường hợp nào tương tự. Mẹ gượng dậy rất nhanh. Khuôn mặt ráo hoảnh, tay xăm xăm chổi, cứ thế mẹ đi từ đầu đến cuối làng, trút cả nỗi muộn phiền xuống mặt đường mà quét.
Hết bố đi rồi đến Sen. Chị tôi đẹp nhất làng Thượng. Học xong đại học, chị ở lại thành phố tìm việc. Sắc vóc và học thức là thứ báu vật mà những người con gái độ tuổi chị ở quê tôi không có được. Hai mươi ba tuổi chị cưới chồng là phó giám đốc một công ty sản xuất vật tư nông nghiệp. Hai mươi tám, chị đã chễm chệ ở ghế kế toán trưởng, có nhà mặt phố.
Cứ chắc mẩm một khi nắm trong tay hai thứ báu vật kia thì sẽ có được thiên hạ, chị tôi hồn nhiên trải đời mà không hề biết nơi mắt bão thường lặng gió. Chồng chị bỏ trốn với cô phó phòng kinh doanh xinh đẹp sau khi đã đánh cắp một khoản tiền lớn của công ty. Căn nhà mặt phố kia anh cũng lén chị bán nốt. Tỉnh lập đoàn thanh tra, chị bị kiểm điểm lên xuống mấy lần, sau nhờ cặp với một tay quan chức đáng tuổi bố nên vụ việc cuối cùng mới được ém nhẹm. Tôi giấu mẹ nhảy xe đò lên thăm, chị cười gằn: “Từ nay tao nhổ vào mặt bọn đàn ông”.
Phải rất lâu sau cái đợt xì xào chuyện vào đảng, chị mới về làng. Đó là một đêm mùa xuân, trời còn phả những đợt sương lạnh. Tôi choàng tỉnh giấc bởi một tiếng hát vọng lại từ phía sau nhà.
Chỗ mỏm Ước nhờ nhợ bóng hai người đàn bà tựa đầu vào nhau. Tiếng hát lúc nãy nhỏ dần rồi im bặt. Mẹ hát ru chị, chị hát ru mẹ hay họ đang hát ru nhau. Thế giới của các thiếu phụ chằng chịt những vết xước, vời vợi nỉ non như bầu trời đêm làng Thượng, bảng lảng nhạt nhoà như những vạt sáng của mảnh trăng khuyết tháng Ba. Đến sáng thì chị đi.
Mỏm Ước là tên chị em tôi đặt cho cồn cát nhỏ phía đằng sau nhà. Lúc Sen còn học trường làng, tối nào chị em tôi cũng lén mẹ kéo nhau ra cái mỏm ấy. Phải tầm chín giờ, có bữa muộn hơn, chiếc máy bay mới thủng thẳng ngang qua chỗ làng tôi, thân nó chớp loè thứ ánh sáng mê hoặc. Một lần, Sen nhìn theo cho đến khi vệt sáng cuối cùng khuất hẳn, xuýt xoa bảo sau này nhất định tao sẽ cưỡi con chim đen kia lên tận thành phố. Bất giác, chị quay sang:
- Lúc con chim đen bay qua, mày ước gì đấy Thịnh?
- Nó bay tít trên trời thế kia, chắc gần chỗ Thiên Đàng thôi. Em ước được nó chở lên xem chỗ đấy, chắc là đẹp và giàu lắm chứ không nghèo và tối như làng Thượng mình đâu chị nhỉ?
- Hứ, dĩ nhiên rồi, Thiên Đàng mà. Mày ngốc quá!
Thiên Đàng là thứ mà lũ trẻ làng tôi mê tơi. Ông nội bảo chỉ cần mấy đứa tôi sống tử tế thì sau này lên đó tha hồ mà sung sướng. Cha xứ thì khác, lễ sáng Chúa nhật nào cũng nói, muốn được lên Thiên Đàng thì nhất định phải có lòng thương giúp đỡ người khác. Có lần tôi hỏi mẹ:
- Phải chết thì mới được lên trên đó hả mẹ? Thế thì chán chết!
- Yên tâm, Thiên Đàng ở gần đây thôi, con sẽ thấy nó trước khi chết.
Nghe mẹ nói thì biết thế, chứ chị Sen với tôi cứ đinh ninh Thiên Đàng phải ở rất xa cái làng Thượng này lắm.
Làng tôi nghèo và tối như cái hủ nút. Mẹ tôi là giáo viên dạy Văn cấp ba trường làng mà đến bữa dọn ra vẫn chỉ là cơm trộn sắn. Cả vùng chỉ mỗi nhà thờ là có nhiều bóng điện, sáng trưng. Với lũ trẻ bọn tôi thì nhà thờ lúc đó là Thiên Đàng chứ không phải như sau này nhà ai cũng bài trí đủ loại bóng điện đắt tiền.
Bây giờ dân làng Thượng ít đến nhà thờ hơn. Hễ tối đến là trẻ con bị dí vào cái bàn học nhỏ xíu. Người lớn thì quây quanh ấm nước chè đặc, buôn đủ thứ chuyện phiếm.
Cả làng nơm nớp sống nhờ ngoại tệ. Nhà nào cũng cho con học hết phổ thông rồi cố chạy vạy thêm vài trăm triệu làm thủ tục giấy tờ, miễn sao đẩy chúng sang được xứ người. Chẳng ai buồn bận tâm xem chúng làm gì, định cư bên ấy có hợp pháp hay không. Chỉ cần có tiền gửi về, càng nhiều càng tốt.
Ông Hữu xóm tôi có hai thằng con bán rượu lậu bên Qatar, đến tháng ở nhà đều đặn nhận vài ngàn đô nhưng hễ cứ có điện thoại đổ chuông là lại giật mình thon thót. Không giật mình mới lạ vì cứ dăm bữa nửa tháng là cả làng Thượng lại rầm rầm kháo nhau con ông nọ bị cảnh sát bắt vì trồng cần sa, con bà kia bị trục xuất vì đánh nhau hoặc ăn cắp vặt. Mới tháng trước thôi, thằng Kiên con bà Phượng ở đầu làng bị một nhóm cướp bắn chết vì không có tiền, phải trầy trật mãi mới đem được xác từ Angola về.
Cơn lốc kim tiền quét qua, dấm dẳng để lại những khoảng trống toang hoác. Làng Thượng như một đứa trẻ vụt lớn, vồn vã tìm cách trưởng thành, hì hục xây nên những Thiên Đường cho riêng mình để rồi lại tiếc hùi hụi khi nhớ về một Thiên Đường xưa cũ...
Bệnh tình mẹ xấu đi nhiều. Tôi nghỉ việc, mang bà đi khắp Hà Nội vẫn chỉ nhận được đúng một kết quả: ung thư gan giai đoạn cuối. Trước cổng bệnh viện K, thằng con trai hai mươi bốn tuổi sực khóc như một đứa trẻ. Mẹ bảo nhất định không để chị biết.
Sen về thăm khi mẹ lên cơn sốt cao, da chuyển vàng nhợt nhạt. Chị kéo tôi ra một góc, thở dài thườn thượt:
- Mẹ nặng thế này sao không báo chị biết?
- Mẹ không muốn chị lo lắng.
- Tiền chị gửi về còn không?
- Cậu đưa một ít, còn lại em vay thêm.
Ngần ngừ một lúc, chị lại quay sang:
- Nghe cậu bảo mày vào gặp cả cha xứ?
- Tại lúc đấy em quẩn quá!
- Có được đồng nào không? Ông ấy giảng mùi thế cơ mà!
- Cha chúc đi bình an.
- Bình an ấy à? Có mua nổi một viên thuốc không?
Vài tháng sau, mẹ lên cơn đau vật vã rồi mất. Tôi gọi cho Sen mãi nhưng không được. Liên hệ với chỗ làm mới biết chị đang tham gia đoàn đại biểu của tỉnh đi công tác ở Hà Lan. Đám được mấy ngày thì chị về. Tay xách vali, chị nói vừa từ sân bay về thẳng đây, mấy hôm trước nhận được tin cơ quan báo sang nhưng không thể đặt được vé về. Chị thay đồ, choàng tấm khăn trắng lên đầu, lặng lẽ đến ngồi ở nghĩa trang cho tới khi trời tốt mịt.
Buổi sáng chị ra mỏm Ước, vẽ hình mẹ lên cát rồi nằm xuống. Cả tấm thân ôm lấy những nét vẽ nguệch ngoạc. Bàn tay chị mơn trớn lên mái tóc, khuôn mặt rồi chực choàng người che lấy như sợ khối hình kia sẽ phút chốc tan biến. Cát và nước nhoè đi trong mắt. Mỏm Ước đón đợt nắng sớm, run rẩy cựa mình như sợ chỉ một chuyển động nhỏ thôi cũng đủ làm chiếc sợi mỏng manh đang giăng mắc trong lòng của người đàn bà ba mươi đứt ra thành trăm ngàn mảnh...
Bữa cơm chiều lặng lẽ. Sen bỏ bát ra ngồi ở bậc thềm.
- Chị phải làm gì bây giờ?
- Một cuộc hành hương.
Chị em tôi theo chân một nhóm thiện nguyện trong xứ đạo hành hương nhà thờ chính toà. Con đường dài ngót bảy chục cây số hun hút những dải phi lao trên triền cát trắng hoang hoải. Chị ngồi bên tôi, miên man dõi mắt qua ô cửa nhỏ, chốc chốc lại trở mình. Những tiếng thở khẽ khàng...
Ngôi nhà thờ ba mươi chín tuổi trầm mặc như một pho tượng cổ mà rêu phong đã ít nhiều ăn mòn những chứng tích của một thời lửa đạn. Đoàn người lần lượt bước qua cửa Năm Thánh, khuôn mặt ánh lên sự viên mãn, tựa như thứ viên mãn của những lữ khách mới được gột rửa bụi bặm sau những ngày dài rong ruổi trong sa mạc khô cháy. Giữa đám lữ khách kia, tuồng như chỉ có chị và tôi là lầm lũi trong những hình hài chưa được thanh tẩy. Bỗng Sen tụt lại ở cửa. Chị chậm rãi cởi quai giày rồi bó gối ngồi thu lu một góc mặc cho ánh mắt dò xét của những kẻ hiếu kỳ. Đoàn người sau một thoáng chững lại vẫn tiếp tục bước. Tôi sốt ruột:
- Đã đến đây rồi sao lại không vào?
- Một công chức đi xin ơn toàn xá, kẻ phản bội cầu mong được chúc lành, thế vẫn chưa đủ trơ trẽn à?
- Công chức thì không cần được thương xót sao? Rốt cuộc thì kẻ phản bội nào mà chẳng cần một chốn để về.
Bên trong nhà thờ đang rộn lên tiếng cầu kinh. Sen nhìn sâu vào mắt tôi:
- Nhưng chị chẳng có lý do gì để quay về lúc này cả?
- Có đấy! - Nói xong, tôi sục tay vào túi áo, rút ra một mảnh giấy đưa cho chị.
“Sen,
Mấy hôm nay mẹ thấy trong người khó ở nên nhờ em Thịnh viết cho con mấy dòng đặng khi không kịp.
Toàn bộ số tiền con gửi về phẫu thuật, mẹ đã nhờ Thịnh chuyển cho cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của các nữ tu tại giáo xứ mình. Con đừng buồn. Mẹ già rồi, bệnh tình lại nặng. Mẹ nghĩ tương lai của các cháu ở đấy cần hơn.
Có lẽ mẹ đi mà chẳng có gì để lại cho hai chị em con. Gia tài của mẹ chỉ là một chữ Thương - thứ của nả mà mẹ đã chắt chiu gom góp từ hồi còn con gái.
Đẹp nhất của chữ Thương là Tha thứ. Nhưng với một người phụ nữ, tận cùng của chữ Thương là Đợi.
Bố con đã bỏ đi khi mẹ cần một chỗ dựa nhất. Rồi đến khi mẹ chỉ sống bằng chút hi vọng nhỏ nhoi thì con lại ra đi.
Mẹ tưởng đã chết đi. Nhưng mẹ đợi, kiên trì đợi, rằng một ngày nào đó những người thân yêu nhất của mẹ sẽ về.
Ngày con chạy theo những hư vinh cuộc đời, mẹ biết con của mẹ đã lạc lối. Mẹ buồn và suy sụp. Nhưng mẹ tôn trọng quyết định của con. Không một lời oán thán. Phần con, nếu là một cán bộ thì con hãy là một cán bộ tử tế. Những bát cơm trắng hấp khoai mới làm nên máu thịt của con bây giờ. Con đã lớn khôn từ những hạt gạo trắng nhất, sạch nhất, tinh ròng nhất của mẹ. Không có lý gì để con có thể làm vấy bẩn hình hài vô giá ấy bằng những đồng tiền nhơ nhớp, những toan tính bon chen của thói đời.
Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, mẹ muốn con về, về với mái nhà Giáo Hội, rủ bỏ những danh hiệu phù vân. Hãy coi đây là di nguyện của mẹ.
Mẹ sẽ còn đợi, mỏi mòn đợi cho đến những giây cuối cùng. Nhưng nếu một ngày phải rời bỏ cuộc đời này, mẹ sẽ gửi gắm con lại cho Chúa. Người đã rong ruổi tìm con. Và từ nay, Người sẽ lại thay mẹ đợi con, như đã từng đằng đẵng đợi những đứa con lạc lối trở về.
Hãy đi hành hương Năm Thánh. Nơi cánh cửa Lòng Thương Xót, Chúa và mẹ đợi con...”
Chị oà khóc. Đôi vai rung lên bần bật. Đoàn hành hương đã rời khỏi nhà thờ. Đang lúc tưởng chừng như chị em tôi bị bỏ lại thì một nhóm người tiến đến. Nom cách ăn vận, tôi đoán họ không phải người vùng này. Họ dừng lại chỗ chị em tôi hồi lâu trong khi Sen vẫn ôm mặt.
Một tiếng hát cất lên. Rồi hai, ba và sau cùng là cả nhóm người đều hát. Giai điệu bài Lời kinh chiều có phần lỡ nhịp. Cả một khoảng không như vỡ oà. Chị tôi quỳ gối, nước mắt giàn giụa:
- Mẹ ơi... con bước qua... cánh cửa này làm sao được... với nỗi ám ảnh... phản bội?... Con trở về... thế nào đây... khi... lòng con... chưa sẵn sàng... tha thứ?
Người phụ nữ trong nhóm có khuôn mặt phúc hậu lặng lẽ đến ngồi, bàn tay khô ráp của bà đặt lên vai chị:
- Này em, nghe tôi! Vì đã từng có dịp tham dự nhiều cuộc hành hương nên tôi không lạ gì với những trường hợp như em. Thường thì người ta cho rằng hành hương là trở về thượng nguồn, về nơi cao nhất để hứng lấy ân sủng. Cảm giác đó khiến người ta hoặc là sợ hãi, hoặc là tự mãn. Tôi lại nghĩ khác. Hành hương thực ra là về với biển, hoà mình vào muôn ngàn con nước. Như thế là đi về chỗ trũng của tội lỗi, chỗ thấp của khiêm hạ để được gột rửa, để hi vọng được mưa về nguồn. Chúng ta có là ai thì đều phải bước qua cánh cửa này mới có sức mà mở ra những cánh cửa khác được. Em hiểu ý tôi chứ?
Không có câu trả lời. Chị cúi gằm mặt. Người phụ nữ vẫn nhẫn nại vỗ bàn tay lên vai chị. Không khí trở nên cô đặc. Bỗng Sen ngừng khóc, lấy vạt áo lau vội dòng nước chực trào ra, gật đầu. Người phụ nữ mỉm cười, dìu chị đứng và sau một thoáng bất động, họ bắt đầu bước. Chị dựa mình vào người phụ nữ, bàn chân trần run rẩy đặt lên những viên gạch màu ghi.
Giai điệu bài hát Lời kinh chiều lại vang lên. Tôi đứng tựa cửa, nhìn hai con người bé nhỏ đang chầm chậm bước giữa lòng nhà thờ, những giọt nước ứa ra từ mắt, không sao ngăn được.