Chọn lựa

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16-046
Gb Trần Kim Cang, 1986, tgp Huế
(Giải triển vọng VVĐT 2016)

Đêm đã khuya. Chủng viện ngập chìm trong bóng đêm dày đặc, thanh vắng từ lâu. Đâu đó nghe thoang thoảng tiếng ngáy của ai đó đã phiêu bồng trong giấc ngủ im lìm. Anh vẫn không ngủ được.
Anh đang cố nằm lây lất và mong màn đêm chóng qua. Anh nhớ lại ngày anh bước vào chủng viện, mọi người hởn hở mừng rơn. Đi đâu ba mẹ anh cũng tự hào vì anh đã được vào chủng viện. Anh đi tu là niềm vui lớn cho gia đình. Bao nhiêu kỳ vọng đặt ở nơi anh. Giờ đây, anh lại cảm thấy hối hận vì anh không thích hợp với đời tu nữa. Thời đó anh cũng thích đi tu thật! Nhưng lúc này anh thiết nghỉ không phải cứ thích là đi tu được mà cần phải hợp nữa. Và ngược lại nhiều khi có thể sống hợp đời tu nhưng không thích thì cũng khó mà đi tu được. Nói chung, để sống đời tận hiến cách trọn vẹn phải đủ hai yếu tố cả thích lẫn hợp. Anh cứ lăn qua trở lại trên giường, rồi trằn trọc suy nghĩ. Sự giằng co đang xâm chiếm trong tâm trí anh. Anh nên về hay anh nên bước tiếp trên đường tận hiến. Anh cần có một sự chọn lựa dứt khoát. Nếu cứ tu mà không thích hợp thì đời anh còn đâu là hạnh phúc. Những ngày sau này chỉ là những ngày anh sống lắt lay cho qua ngày đoạn tháng mà thôi. Nếu về thì anh sẽ sống với ba mẹ và người đời được không? Áp lực từ phía gia đình quá lớn đối với anh. Ba mẹ anh đều là những người có chức vụ ở trong giáo xứ. Cậu ruột anh là linh mục đang du học ở bên trời Tây. Anh về anh sợ gia đình thất vọng và tiếng đời xỉa xói chỉ trích. Lắm lúc, anh nhủ thầm: “Hay là mình cố mà tu. Không được! Cố tu để rồi chừng sau mình sẽ thác loạn trong đời tận hiến. Đời tận hiến không thể sống một cách xoàng xĩnh, hời hợt và nông cạn. Thà Giáo hội có ít linh mục mà linh mục thánh, còn hơn có nhiều linh mục mà linh mục ‘tồi’ ”.
Thời gian này, anh suy nghĩ nhiều về đời ơn gọi của anh. Anh suy nghĩ về đời sống thiêng liêng của anh, về lời mời gọi “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?” (Mt 16,24). Anh nhận thấy anh là người hướng ngoại, khó cầu nguyện. Vì thế, nơi anh thiếu đời sống nhiệm hiệp. Cứ mỗi lần cầu nguyện hay chầu Thánh Thể anh cảm thấy những giây phút ấy trôi qua thật nặng nề. Chủ đề “chiêm niệm trong đời sống linh mục giáo phận” mà chủng viện đề ra trong năm, mấy khi mà anh kết hiệp được bởi tâm hồn anh tiều tụy và ngày càng héo úa. Dường như anh chẳng nói chuyện được với Chúa, từ năm tu đức cho đến bây giờ trong anh chẳng mấy đổi thay. Dù anh yêu Chúa, anh mến Chúa nhưng sâu thẳm của cõi lòng anh không thể tận hiệp với Đấng Tình Yêu Tuyệt Đối ấy. Anh nghỉ rằng một khi đã yêu ai mà nói chuyện không được, thì làm sao hiểu được người mình yêu và vun đắp cho tình yêu ấy triển nở. Điều nguy hại hơn nữa, đó là anh không thể sống đời độc thân linh mục mai này. Dường như đời tận hiến của anh cứ chập chờn trong khung cảnh ảm đạm và u tối. Phải chăng qua những dấu chỉ ấy, Chúa đã cho anh nhận ra anh không hợp với đời dâng hiến. Mấy tháng gần đây, anh đã thưa chuyện với cha linh hướng về dấu hiệu mà anh gặp phải. Cha linh hướng của anh không khuyên anh về mà cũng chẳng ngăn anh ở lại. Cha linh hướng mở ra cho anh một con đường để anh phán đoán về ơn gọi riêng của mình và tự ý chọn lựa. Cha khuyên anh nên thưa chuyện cho gia đình biết tình cảnh của anh lúc này. Anh lưỡng lự. Anh chìm vào giấc ngủ lúc nào anh không hay.
o0o
Mặt trời phía đông bắt đầu ló dạng. Những chú chim chào mào kéo nhau về đậu trên mái nhà hót líu lo, đón chào một ngày mới. Mọi sinh hoạt của chủng viện diễn ra như thường lệ. Sáng nay lớp anh không có giờ lên lớp. Sau những lần thao thức suốt đêm hôm qua, anh quyết định thưa chuyện cho gia đình biết ý định của mình.
- Reng reng! Reng reng! Reng reng!...
Ba anh đang chăm chú giở từng trang lịch treo tường để xem những ngày lễ Công giáo trong tháng. Tấm lịch của Đại Chủng viện biếu gia đình anh mỗi khi vào dịp tết đến. Ba anh dừng lại trang lịch có in hình của anh, nhìn một hồi thật lâu. Ông chậc lưỡi: “Mới ngày nào…mà giờ đây…Chà! Nhanh thật! ”. Ông nở một nụ cười tươi trên môi. Nghe điện thoại reo lên, ông liền bắt máy:
- Alô!
- Ba! Con…con… đây, ba…ba… khỏe không ba?- Giọng anh nhỏ nhẹ có chút ấp a ấp úng.
- Uhm! Ba khỏe.
- Mẹ đi đâu rồi hả ba?
- Mẹ đang nấu cơm dưới bếp.
- Ba ơi! Con có chuyện muốn nói với ba mẹ.
- Chuyện gì thế con?
- Dạ! Con…con muốn…muốn…về.
- Cái gì? Mi…mi…mi muốn về.- Ba anh ngạc nhiên, đổi giọng nóng giận. Mẹ anh nghe thế cũng giật thót tim.
- Mi điên hả? Mi về thì tau và mẹ mi còn mặt mũi nào mà nhìn bà con hàng xóm.- Ba anh điếng người, lớn tiếng.
Sau cuộc điện thoại đó, cả ngày lòng anh bị xâu xé đến mức không chịu đựng nổi. Hễ nghĩ về gia đình anh lại ngơ ngẩn y như người mất hồn. Nỗi lo lắng đang ngụp lặn nơi anh.
o0o
Tối đến, giờ kinh vừa xong. Nguyện đường chỉ còn thưa thớt một vài người. Anh ngồi lại trong không gian yên tĩnh của nguyện đường. Anh thầm thĩ nguyện cầu: “Lạy Chúa! Xin cho gia đình con chấp nhận sự chọn lựa của con”. Bầu trời đêm nay không một vì sao. Thỉnh thoảng những tàu lá chuối ở cuối vườn vỗ vào nhau nghe tiếng loạt soạt. Âm thanh ấy như thể kéo anh ra khỏi giấc miên man suy nghĩ. Anh dứt khoát quyết định về, chứ anh không thể sống trong tình trạng “nửa nạc nửa mỡ” mãi thế này được. Anh suy nghĩ kỹ rồi, anh không tu nữa. Tu hay về, anh mới là người quyết định chứ không phải ba mẹ anh. Cuộc đời anh, anh tự chọn lấy. Anh nghĩ thế rồi anh lặng lẽ đến phòng cha giám đốc, để xin chuyển hướng ơn gọi. Anh đứng thập thò ngoài mái hiên trước cửa phòng của cha giám đốc. Màn đêm đen kịt bên ngoài như tâm trạng của anh lúc này. Bất chợt, một cơn gió khẽ làm lay động các cành cây. Ánh đèn từ trên cao xuyên ngang tán cây len lỏi qua từng kẻ lá. Ánh đèn leo lét đến bên mái hiên và chiếu tỏa xuống làm ánh lên nét ưu tư trên khuôn mặt anh càng thêm ảm đạm. Bỗng nhiên, cha giám đốc mở cửa ra, cha ngạc nhiên hỏi anh: “Con đứng đây có chuyện gì thế? ”. Cha hỏi làm anh cũng ngượng nghịu khó nói.
- Dạ…dạ...con đến xin cha cho con chuyển hướng ơn gọi. Con biết đây là tin quá đột ngột với cha.
- Vì sao con muốn chuyển hướng thế con?- Cha giám đốc hỏi lại anh với giọng trìu mến, trầm buồn.
- Thưa cha, sau khi con suy nghĩ kỹ càng và nói chuyện với cha linh hướng nhiều lần. Con thấy con không thích hợp với đời sống của bậc tu trì nữa.
Cha giám đốc tư lự. Cả cha và anh đều chìm sâu trong lặng thinh. Chỉ có một vài cành phượng khô rớt lộp độp trên mái tôn, đủ phá tan sự tĩnh mịch của đêm tối mịt mùng.
- Ơn gọi của con, con tự phân định là điều rất tốt. Thế gia đình con biết ý định của con chưa?- Cha giám đốc ân cần hỏi.
- Dạ hôm nay con đã điện thoại cho gia đình biết. Ba mẹ con không đồng ý và rất sốc khi nghe quyết định của con.- Anh nói vẻ mặt anh hiện lên nét buồn bã, âu sầu.
- Con đừng buồn. Chúa không bao giờ tạo ra ngõ cụt cho con người đâu. Ngõ cụt có chăng là do con người tự tạo ra cho chính mình mà thôi. Vả lại, cuộc đời đâu phải chỉ có một con đường thẳng, nó có rất nhiều ngã rẽ nhưng liệu mình có chọn lựa đúng con đường mà Chúa mong muốn không thôi. Theo cha, con nên về gặp trực tiếp và nói chuyện với ba mẹ thì hay hơn, rồi có gì con cứ về lại đây suy nghĩ và thong thả quyết định con nhé.
o0o
Thế rồi nghe lời cha giám đốc, sáng hôm sau anh về nhà trên con đường còn hoang vắng và thô sơ nhưng thân quen. Hai bên đường là dãy phi lao cao vút thẳng tắp. Những cánh đồng bao quanh làng sặc mùi lúa chín thơm ngào ngạt. Làng quê anh yên ả, lặng buồn như trầm mình vào dòng thời gian.
- Mi muốn tau và mẹ mi cắt mặt mà sống với thiên hạ hả?- Ba anh đang ngồi ở ghế, thấy anh về, ông liền đứng phắt dậy lấy tay đập mạnh vào bàn, quát lớn, vẻ mặt ông toát lên sự giận dữ.
Anh chưa kịp bước vào nhà, nghe thế anh đứng tần ngần ở cửa. Anh sa sầm nét mặt. Bọn trẻ con trong xóm nghe to tiếng, chúng hiếu kỳ tụm lại, đứng lấp ló trước ngõ nhà anh.
- Thôi mà ông, con nó mới về để nó ngồi uống miếng nước đã ông.- Mẹ anh lên tiếng. Bà nói tiếp:
- Vào nhà đi con.
- Bà lúc nào cũng bênh con, con nó ương bướng như thế này là do bà cả.- Ba anh nhìn chằm chằm vào mặt mẹ anh, buồn bực nói.
- Ông…!- Mẹ anh rân rấn nước mắt.
- Bây giờ mi nói đi. Tại sao mi về? Mi còn nhớ thằng Khanh con ông Bảy ở xóm dưới chứ? Nó đi tu như mi. Nó về. Bây giờ chuyện gì ập xuống gia đình ông Bảy, người ta cũng bảo: “Do con ông ăn lường Hội Thánh nên mới trở nên thế này”. Cả gia đình ông Bảy không cất nổi mặt mà sống với thiên hạ đó. Có cái gương sờ sờ trước mặt, sao mi không soi?- Ba anh đi lui đi tới, múa tay vò đầu, chặc lưỡi, nhăn nhó.
Nghe những lời ba anh nói, anh ấm ức thầm trách người đời: “Tại sao người ta lại có những suy nghĩ thật nông cạn như vậy chứ? Thời gian ở chủng viện là thời gian thụ huấn để cho ứng sinh biện phân ơn gọi và tập sống ơn gọi mà. Cũng chính vì sợ tiếng đời nên biết bao ứng sinh muốn về nhưng họ không dám về. Họ không dám đối mặt với sự thật, họ sợ người đời chê trách. Thậm chí có người nghĩ rằng đến nước này thôi thì ‘ phóng lao thì phải theo lao ’. Đó là ý nghĩ sai lầm, chỉ khiến đời tu của họ trở nên ngán ngẩm, ê chề ”. Anh cũng nhớ lại lời các ông cụ, bà cụ ở làng thường nói mỗi khi gặp anh: “Cố gắng mà đi tu cho sướng con ạ! Ở đời chi cho cực…”. “Có lẽ đó là câu ‘điệp khúc’ quen thuộc mà những ai đi tu ít nhiều cũng đã được nghe. Phải chăng cũng vì nghe điệp khúc ấy, nhiều người cứ dấn thân đại vào đời tu rồi ‘ nhắm mắt qua cầu ’ , tiến chức linh mục. Vui vẻ, hạnh phúc, hồ hởi được vài ngày đầu mới làm linh mục: nào là lễ mở tay, lễ tạ ơn giáo xứ này giáo xứ nọ, được người ta dâng quà, cung phụng... Nhìn đúng là sướng thật! Nhưng đằng sau những ngày sung sướng ấy là những chuỗi ngày dài lê thê, chán nản, rầu rĩ, buông xuôi. Để rồi từ đó họ cảm thấy hối hận và không thích sống đời linh mục nữa. Chính vì lẽ đó, họ buông thả trong lối sống, hững hờ trong việc đạo đức và quên múc lấy căn tính cội nguồn nơi Đức Giêsu Kitô…Đó là những nguyên nhân khiến họ sa ngã và làm hoen ố giới giáo sĩ đó sao. Người linh mục không phải chỉ sở hữu được chức linh mục rồi là xong, mà cái thiết yếu là sống chức linh mục. Niềm vui đời linh mục chỉ có được khi nhận ra đích điểm của ơn gọi mà thôi ”. Anh trầm tư một lát. Anh cất tiếng:
- Ba mẹ à ! Con biết con về ba mẹ sẽ rất buồn. Ngày con đi tu ba mẹ đã kỳ vọng ở con thật nhiều, để giờ đây nghe con về ba mẹ thất vọng ở nơi con cũng thật nhiều.- Anh nhìn ba mẹ anh rồi cố nuốt những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, ngậm ngùi nói tiếp:
- Ba mẹ ! Con biết con đi tu là một niềm hãnh diện lớn cho ba mẹ. Nhưng càng tu, con càng khám phá ra bản thân mình không thích hợp với đời sống tu trì. Tiếp tục tu con càng sợ mình sẽ rơi vào vũng lầy của đời tận hiến. Nếu con cố tu thì trong tương lai không chóng thì chày con sẽ bị cuốn theo vòng xoáy của cám dỗ, làm xấu chức linh mục, xấu Hội Thánh. Con tu là tu cho Chúa chứ con không tu cho người đời. Con lớn rồi, tương lai của con, xin ba mẹ để cho con chọn lựa.
Hai hàng nước mắt mẹ anh dàn dụa, nóng hổi chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét thông cảm. Ba anh lặng trân người, ngồi nhơ tay với lấy tách trà, nhấp một ngụm, cầm điếu thuốc bập bập trên môi mà không buồn đốt. Không gian yên ắng đến lạ lùng. Bầu trời xanh ửng màu nắng nhưng đâu đó vẫn thoáng xuất hiện những gợn mây kéo tới làm mờ đi tia nắng chói chang của ban trưa. Thưa thoảng một vài chiếc xe máy chạy ngang phá vỡ vẻ nặng nề của buổi trưa vùng ngoại ô. Anh lặng lẽ cất bước trở về chủng viện.
o0o
Hai tuần sau, anh quyết định giã từ mái nhà chủng viện với bao kỷ niệm thân thương mà nơi đây anh đã từng tu học, bây giờ chỉ đưa vào ký ức. Anh nói lời từ biệt với mọi người, anh nói lời tri ân với quý cha kính yêu. Khuôn mặt mọi người, ai cũng có nét đượm buồn. Trong căn phòng hôm ấy đều tề tựu đủ tất cả mọi người, anh nhận ra chỉ có thiếu một mình cha giám đốc. Anh bèn chạy đến phòng cha, cố tìm cha cho bằng được để anh nói lời chia tay. Cánh cửa phòng cha chợt mở ra. Cha nói với anh : “Con về bình an, khi nào con rãnh nhớ ghé thăm chủng viện. Mỗi năm vào dịp lễ Xuân Bích nhớ về họp mặt nhé con ”. Nói xong, cha tặng cho anh một kỉ vật. Anh chẳng nói được gì chỉ biết ôm chầm lấy cha. Anh rơm rớm nước mắt , cha cũng cay cay dòng lệ. Anh nhìn vào đôi mắt cha thật sâu, rồi anh bước lên xe. Chiếc xe chạy dần xa tít, để lại phía sau một vệt khói dài. Cha giám đốc lặng buồn vì mất đi một ơn gọi, nhưng cha lại thầm vui vì sự chọn lựa trưởng thành của anh.