Bên ngoài cổng nhà thờ

Quang X Nguyen



Cha Tâm hẹn hò với con Linh Gà ở quán cà phê Sợi Đêm. Cái tin giựt gân ấy chảy từ xóm nhà thờ xuống xóm chợ, lan qua hai bên xóm bờ kinh, tràn ra khắp xứ. Chẳng mấy chốc mà ai cũng biết.
Người thương thì xua tay lắc đầu: Đồn chi mà đồn thất nhơn ác đức vậy, mắc tội chết! Cha Tâm sao lại có thể chứ! Kẻ ghét thì rung đùi lẩm bẩm: Đấy đấy thấy chưa, đã bảo mà! Chỉ được cái vẻ đạo mạo bề ngoài thôi!

Ở xứ này không ai không biết con Linh Gà. Làng xóm thường có thói quen gọi tên người đi cùng với tên nghề nghiệp, như Bà Năm Cháo là người bán cháo, Bà Sáu Bún là người bán bún. Con Linh Gà không bán gà. Nó làm gà. Có một thời người ta gọi nó là con Linh gà móng đỏ. Hình như cái tên đó dài quá, người ta gọi tắt lại là Linh Gà. Nó sống ở cuối xóm đạo, mỗi ngày cứ đi đi về về như cái gai trước mắt mọi người. Trong cái xóm đạo toàn tòng này, sự có mặt và lối sống của nó là một cái ung nhọt làm người ta nhức nhối. Có rất nhiều người lấy làm tiếc vì chỉ đẩy được nó về cuối xóm đạo, chứ không hoàn toàn nhổ bật được nó ra khỏi danh sách những con chiên của Chúa trong Giáo xứ.

Ở xứ này cũng không ai không biết quán Sợi Đêm. Đó là cái quán cà phê của xóm không có đạo, nằm sâu hun hút, vừa đủ chạm vào ranh giới ở cuối xóm đạo. Chắc nhờ mấy sợi dây điện chớp nháy nhập nhòe mỗi tối mà quán có tên Sợi Đêm. Với dân xóm đạo, Sợi Đêm là biểu tượng của cám dỗ. Cha xứ tiền nhiệm đã từng lên bục giảng cấm tiệt giới trẻ bén mảng đến cái quán ấy. Cha còn dọa sẽ ra vạ tuyệt thông cho gia đình nào để cho con cái bước chân vào cái chốn bùn nhơ tội lỗi đó.

Cha Tâm là một Cha trẻ, mới về nhận xứ được gần hai tháng. Sau ngày đi nhận Cha ở Tòa Giám Mục về, ông Chánh Trương chép miệng tự hỏi: Cha mình còn trẻ quá, liệu có thể gánh nổi cái xứ đạo có truyền thống dài hơn rất nhiều so với tuổi đời của Cha ấy không đây?

***

Cha Tâm nhìn thấy nàng lần đầu tiên vào một buổi trưa đầy nắng. Từ cửa sổ lầu hai của nhà xứ nhìn ra, hầu như có thể nhìn thấy cả con đường chính kéo dài từ đầu xứ đến cuối xứ. Nàng đi về trên con đường ấy mỗi trưa, lần nào cũng dừng lại bên ngoài cánh cổng nhà thờ cúi đầu chào Chúa trước khi đi tiếp. Từ khi Cha Tâm về nhận xứ, cổng nhà thờ đã không còn khóa chặt, để người trong xứ ai muốn đều có thể tự tay đẩy cổng mà vào nhà thờ bất cứ khi nào cần. Nhưng với trường hợp của nàng, cổng khóa hay không hình như không quan trọng. Hình như chưa bao giờ nàng có ý định đẩy cổng bước vào. Chưa bao giờ Cha Tâm gặp nàng đi Lễ. Hình như bước chân của nàng chưa bao giờ vượt quá ngưỡng của cái cổng nhà thờ.

Cha Tâm không nhìn thấy rõ mặt nàng, nhưng bị ấn tượng bởi cái dáng cúi đầu vừa rụt rè vừa thành kính bên ngoài cổng nhà thờ. Ngạc nhiên hơn khi cử chỉ ấy được thực hiện với sự trung tín đều đặn mỗi ngày. Cái dáng lẻ loi một mình của nàng giữa trưa đầy nắng chừng như chạm vào một góc nào đó trong trái tim vị linh mục trẻ. Từ ngày về nhận xứ, có thể nói Cha đã đầu tư hết sức hết lòng cho việc phát triển các đoàn thể, đẩy mạnh các phong trào, chăm lo chu đáo cho việc phụng vụ và cầu nguyện. Cha ước mong xây dựng Giáo xứ thành một mái gia đình, để ai cũng có thể bước chân vào nhà Chúa như bước chân vào mái nhà của mình. Vậy mà vẫn còn có những người bị dạt ra ngoài lề sao? Vẫn có những người dừng lại bên ngoài cổng nhà thờ sao? Còn bao nhiêu con chiên bơ vơ lạc lõng như thế? Liệu Cha đã chu toàn bổn phận mục tử chưa khi chỉ chăm chút cho những chuyện gọi là kế hoạch vĩ mô, gọi là đường hướng phát triển, gọi là tổ chức long trọng và hoành tráng? Liệu chỉ mở cổng nhà thờ, và chờ, thì có đủ để những con chiên lạc trở về không? Đã bị gọi là “chiên lạc” rồi, không có ai vẽ lối, thì làm sao biết đường mà trở về? Trong cái mô hình mà Cha gọi là “gia đình Giáo xứ”, có chỗ cho những mảnh đời sai lầm cơ nhỡ được đón nhận, được tha thứ, và làm lại cuộc đời không?

Sau một thời gian dò hỏi, Cha Tâm biết được nàng tên là Linh. Tên đầy đủ trong sổ rửa tội là Maria Trần Thị Linh, con bà Maria Trần Thị Lành. Nàng mang họ mẹ, chỗ ghi họ và tên cha bỏ trống.

Những người được Cha hỏi thăm về Linh phản ứng rất khác nhau. Mấy bà đạo đức thì giẫy nẫy khuya tay: Cái ngữ ấy Cha hỏi làm gì chứ! Mấy cụ ông thì chậm rãi, giọng chắc nịch: Cha ơi, nhà nó bị vạ tuyệt thông mấy chục năm nay rồi! Giới trẻ thì cười khích khích: Con bé đó làm gà, sống bằng vốn tự có đó Cha ơi! Chưa biết gì về cuộc đời Linh, nhưng Cha Tâm đã mơ hồ nhận ra tại sao Linh không đặt chân vào nhà thờ. Làm gì có chỗ nào cho nàng trong lòng cộng đoàn giáo xứ này! Có rất nhiều truyền thống và nề nếp vần xoay như một cái vòng khép kín, sẵn sàng hất văng ra bên ngoài bất cứ kẻ nào không khép mình vào khuôn khổ! Trong đầu Cha Tâm hiện lên rất rõ lời dụ ngôn trong Tin Mừng: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4). Làm sao để đi? Làm sao để tìm? Đâu là giá trả để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

***

Ông Bảy, trưởng hội Legio của Giáo xứ, xin gặp Cha Tâm để thưa về chuyện của Linh. Câu chuyện bắt đầu từ xa lắm, khi mẹ của Linh và ông Bảy còn là bạn nối khố. Ông ngoại của Linh đã từng là ông Trùm và là một trong những cộng tác viên đắc lực nhất của Cha Cố trong những ngày lập xứ. Mẹ của Linh là con gái một, được tiếng là đẹp người đẹp nết. Từ nhỏ, mẹ của Linh đã tham gia ca đoàn. Giọng ca ngọt như mật và gương mặt thiên thần của cô bé đã làm chết mê chết mệt không biết bao nhiêu trái tim của các chàng trai trong xứ. Nhưng ông bà ngoại của Linh thì muốn con gái một của mình sẽ dâng mình cho Chúa. Cả đời ông bà đã cống hiến cho việc phục vụ nhà thờ nhà thánh, ông bà ước mong con gái mình cũng thuộc về Chúa. Vậy là cả cuộc đời trọn vẹn của lễ dâng.

Mọi ước nguyện tốt lành vỡ vụn khi cái bụng của con gái ông bà Trùm bỗng nhiên phình ra ngày một to, không che giấu vào đâu được. Có gặng hỏi hay tra khảo thế nào thì mẹ của Linh cũng nhất định không mở miệng cho biết ai là tác giả của cái bào thai. Để làm gương răn đe những người trẻ trong xứ, Cha Cố cấm không cho cô vác bụng đến nhà thờ, cấm không cho xưng tội rước lễ. Người ta thôi gọi ông bà ngoại của Linh là ông bà Trùm. Thay vào đó là những cái bĩu môi, những lời mỉa mai, những câu chửi xéo đầy ẩn ý. Ông bà ngoại của Linh hoàn toàn sụp đổ. Họ dời nhà vào trong sâu, ở cuối xóm đạo, lây lất sống trong câm lặng và lần lượt chết trong đắng cay tủi hổ.

Năm Linh được mười ba tuổi thì mẹ nó chết. Bà chết đúng như cách bà đã sống: bên rìa của cuộc sống. Không một ai lui tới thăm nom, cũng không một ai kinh kệ cầu nguyện cho kẻ bị coi là đã mất linh hồn. Bà được chôn bên rìa nghĩa trang xóm đạo, trong khu đất dành cho những người đã chết mà vẫn còn vương mắc tội vạ chưa được tha giải, như những người tự tử, những kẻ công khai ngoại tình…

Rồi mọi chuyện chìm vào im lặng. Không ai biết Linh đã lớn lên như thế nào. Cũng không ai biết tại sao nó theo cái nghề đáng bị xỉ vả và nguyền rủa như thế. Khi người ta kịp mơ hồ nhận thấy, nó đã bung ra như một cái ung nhọt vô phương cứu vãn. Thoáng một chốc, cái cơ duyên của mọi sự hất hủi năm nào bỗng vặn mình lớn lên trong vóc dáng đầy đặn của một cô thiếu nữ. Linh mang gương mặt giống hệt của mẹ, chỉ khác ở thái độ lầm lì và bất chấp. Từ đầu xóm tới cuối xóm, nó cứ khinh khỉnh ngẩng mặt mà đi, như thể muốn tuyên bố với cả thế giới rằng đã không ai nuôi được nó ngày nào thì cũng chẳng ai có quyền chen vào cuộc sống riêng của nó. Cái đầu của nó chỉ cúi xuống, rụt rè và thành kính, mỗi khi đi ngang qua nhà thờ. Chỉ mỗi một chỗ đó thôi!

Ông Bảy kết thúc câu chuyện dài về cuộc đời của Linh khi ngoài hiên nhà thờ bóng chiều vẫn đầy nắng. Nhà thờ vẫn vang đều đặn tiếng kinh chiều của hội đoàn Dòng Ba và Giới Hiền Mẫu.

Cha Tâm nghe lòng mình nghẹn đắng. Tính ra thì giá trả cho một sai lầm trong thời tuổi trẻ của mẹ Linh là sự hủy hoại của cả ba thế hệ. Nếu người mắc sai lầm đáng bị gọi là tội nhân, thì tội nhân đã ôm tủi hổ xuống mồ, bố mẹ của tội nhân thì cho đến chết cũng đã không dám ngước mặt nhìn đời, con của tội nhân thì không có cơ hội để sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Đáng không? Do đâu mà ra cái bể trầm luân như thế? Còn có cơ hội nào để tìm và cứu những gì hư mất không?

***

Cha Tâm bày tỏ không giấu giếm mối quan tâm đặc biệt của mình đối với trường hợp của Linh. Cha ra bài sai cho ông Bảy và mấy thành viên trong hội Legio đến thăm viếng và tìm cách nói chuyện với nàng. Sau một thời gian rất dài, một buổi trưa đầy nắng, Linh xuất hiện trước cổng nhà thờ. Sau khi cúi đầu chào Chúa, nàng đứng lại thật lâu, bên kia cánh cổng, chờ đợi. Nhác thấy bóng Cha Tâm vừa xuất hiện, nàng buông gọn một câu thách thức:

– Cha khỏi cần phải tốn công gởi người đến thăm dò con nữa. Con biết là Cha muốn nói chuyện với con. Nhưng con đã hứa là sẽ không bao giờ đặt chân một bước vào nhà thờ này đâu. Chiều nay Cha có dám gặp con ở quán cà phê Sợi Đêm không?

Sau câu thách thức, nàng quay lưng đi thẳng. Nghe chuyện, ông Bảy và mấy người trong Legio thấy tức rực. Cái con… nói chuyện với Cha kiểu gì mà… Nhưng Cha Tâm không xem đó là thách thức. Cha gọi là hẹn hò. Gương mặt Cha nhìn về phía ông Bảy, tươi rói như người sắp bắt được của:

– Chiều nay ông Bảy đi với tôi nhé!

***

Đường vào quán cà phê Sợi Đêm tưởng ngắn mà dài và sâu hun hút. Cây cối hai bên rậm rịt, giây điện giăng ngang dọc như tấm mạng nhện tủa ra tứ phía. Quán chiều vắng khách. Từ mấy cặp loa ẩn trong hốc cây, bài nhạc vàng cứ vang ra nhừa nhựa “Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu…”.

Linh ngồi sẵn đợi Cha ở cái bàn nằm ngay lối vào:

– Cha để con chờ lâu quá, cứ tưởng là Cha không đến…

Đó là câu chào của Linh, mở đầu cho một cuộc nói chuyện diễn ra kỳ lạ lắm.

– Linh hẹn Cha đến đây, có chuyện gì muốn nói với Cha không?

– Dạ không. Con chẳng có chuyện gì để nói!

– Vậy sao lại hẹn Cha?

– Là con làm theo lời mẹ con thôi…

– Mẹ con?

– Dạ. Trước khi chết mẹ dặn con đừng có bỏ nhà thờ, giống mẹ. Mẹ nói Cha này không cho vào nhà thờ, biết đâu có Cha khác lại cho. Mẹ cứ chờ một “Cha khác” hoài, nhưng không chờ được. Vậy là mẹ chết. Mẹ biểu con tiếp tục chờ. Cha để con chờ lâu quá, cứ tưởng là Cha không đến…

– Cha đến xứ này đã hơn hai tháng rồi. Lúc nào Cha cũng ở trong nhà thờ mà. Sao con không đến tìm Cha?

– Con không đến! Đâu có chỗ cho con trong cái nhà thờ ấy mà đến…

– Có mà. Cha thấy có tên con trong sổ rửa tội, nghĩa là con vẫn là một thành viên trong giáo xứ này. Con đã được rửa tội rồi mà, phải không?

– Tại lúc đó người ta ẵm ngữa con vào nhà thờ để rửa tội. Mẹ nói ân huệ đó là để cứu rỗi linh hồn con. Đó là lần đầu tiên, tới giờ cũng là lần cuối cùng con vào nhà thờ

– Cha thấy lần nào đi ngang nhà thờ con cũng dừng lại cúi đầu chào Chúa, là mẹ dạy con, phải không?

– Dạ, mẹ biểu con hứa. Mẹ nói trong nhà thờ của giáo xứ không có chỗ dành cho mình, nhưng hy vọng mình có chỗ trong nhà của Chúa… – Im lặng một chút, Linh lại tiếp – Nhà thờ của mình to và đẹp như vậy sao lại không có chỗ? Hồi nhỏ con không hiểu đâu. Lớn lên, từ từ con mới hiểu đó Cha…

***


Người ta lại kháo nhau chuyện Cha Tâm thương con Linh Gà một cách đặc biệt. Tuần nào cũng hẹn hò với nó. Có ông Bảy trưởng hội Legio làm chứng. Nghe đâu Cha ấy còn muốn mở đường cho nó vào nhà thờ, còn tính chuyện cho nó xưng tội và rước lễ nữa chứ, thật là chẳng còn ra thể thống gì! Đúng là tuổi trẻ ngang tàng, cứ im ỉm mà làm, chẳng có quy cũ nề nếp gì hết! Loạn, loạn rồi…

Lâu lâu, người ta cũng hay kể cho nhau nghe về bài giảng kỳ lạ của Cha Tâm.

“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha…”

Thưa quý ông bà và anh chị em

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe dài quá. Không biết có ai đủ kiên nhẫn để nghe cho tới đoạn kết không? Chúng ta thường gọi đây là dụ ngôn đứa con hoang đàng. Thật ra, đứa con hoang đàng chỉ là một nhân vật trong dụ ngôn thôi. Còn một nhân vật khác nữa, ở phần kết. Người cha trong dụ ngôn có tới hai đứa con, nhưng hình như chúng ta chỉ để ý tới một mà quên mất một. Phải để ý cả hai thì chúng ta mới thấy đây là câu chuyện về sự đổ vỡ trong tình anh em. Chừng như hai người không thể nào ở chung dưới một mái nhà. Người này ở lại thì người kia dứt áo ra đi. Người kia trở về thì người này kiên quyết không chịu vào nhà. Người Cha phải làm sao đây? Có thể làm gì được đây? Cảnh huynh đệ không nhìn mặt nhau sẽ còn phải kéo dài đến bao lâu nữa đây?

Người ra đi, bị gọi là kẻ tội lỗi, kết cục bước vào ở trong nhà của Cha. Còn người ngày ngày ở lại trong nhà Cha, tự xem mình là kẻ công chính, cuối cùng lại tự đặt mình ở ngoài cổng. Chúng ta gặp mình trong nhân vật nào? Người con thứ hay người con cả? Hay cả hai? Đâu là chỗ của chúng ta, trong nhà hay ngoài cổng?

Rốt cuộc, liệu người con cả có bỏ lại mọi thứ ở bên ngoài, để bước vào nhà, vui với Cha và với em của mình không?