Biểu tượng sự đau khổ của bệnh nhân phung cùi |
Nơi Hàn Mạc Tử rõ hơn hết là một Sứ Điệp Đau thương Cứu Rỗi. Trong tờ tuần báo Nghệ Thuật, Hàn Mạc Tử đã được giới thiệu một cách vừa trân trọng vừa huy hoàng.
Trong số những
thanh niên tiếp nhận đau thương như một ân huệ, có lẽ Nguyễn Mộng Giác là người
đã thấy được cuộc Cách mạng nội tâm của Hàn Mạc Tử và cái ý nghĩa của nó. Ông
viết: “Sự Giáng Sinh của Giêsu trong bài Ra đời có một ý nghĩa song phương
với sự có mặt của thi sĩ trong đau thương. Giêsu Christ đã chịu đau khổ, đã
chịu chết để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Hàn Mạc Tử đã chịu đau khổ để
hiểu ý nghĩa của đau khổ, từ đó vươn lên cõi đạo. Thi sĩ đã tìm mãi hạnh phúc
mà không tìm được. Thấp thỏm, rạo rực trước tình yêu người, chỉ nhận được đắng
cay, vì cách biệt mãi mãi. Rồi bệnh hoạn cô độc... tất cả yếu tố đó như khiến
cho thi sĩ nhận thức toàn vẹn được đau khổ cùng ý nghĩa của đau khổ. Người đã
coi “kinh nghiệm sống” đó là khởi điểm để đi về mùa Xuân như ý của đạo.
Sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô và cả mùa xuân chính là sự xuất hiện của khải ngộ trong Hàn Mạc Tử: Cùng với đấng Cứu Thế, Hàn Mạc Tử bắt đầu nhận giá trị của đau khổ, coi đau khổ như một ân huệ của Thiên Chúa”[2]. Điều mà ông Nguyễn Mộng Giác không nói rõ là nếu đau khổ là một ân huệ của Thiên Chúa thì đau khổ chấp nhận với Đức Kitô phải giải thoát Hàn Mạc Tử đúng theo ý nghĩa của đạo Công giáo.
Bàn về Hàn Mạc Tử
trong loạt bài “Thi ca cận đại và nỗi lòng thành thực”, Ông Lê Tuyên –
Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Huế tự hỏi, nếu đau thương là hiện thực của cuộc
đời, nếu đau thương gắn bó với chúng ta trong từng nhịp sống, lay động chúng ta
trong những cơn thức tỉnh xót xa thì phải chăng đau thương đã hàm chứa một ý
nghĩa huyền nhiệm[3]. Ông cho rằng sở dĩ chúng ta chưa bao giờ lĩnh hội
được ý nghĩa nhiệm huyền của đau thương là vì “chúng ta chưa bao giờ hưởng
thú đau thương mà trái lại chỉ là những kẻ chạy trốn đau thương. Vì chạy trốn
cho nên mới bị vây, vì trốn đi đâu cho thoát cuộc đời đau khổ. Cho nên vấn đề
của con người, không phải là trốn khổ mà phải tìm trong sự thống khổ ý nghĩa
của đời mình. Thấy được đau thương và sống hạnh phúc trong đau thương, tôi nghĩ
chỉ có Hàn Mạc Tử”[4]
Trường hợp Lý Chân[5] có thể nói là đặc biệt: Hàn Mạc Tử là khởi điểm dẫn
ông đi đến với Chúa. Ông viết: “Lúc ấy, tôi còn nhỏ, chưa theo đạo và rất mê
thơ. Nhờ đó mà tôi biết được Hàn Mạc Tử. Và biết được Hàn Mạc Tử nhờ một người
không Công giáo (Ông Trần Thanh Mại) đã lặn lội sưu tầm tài liệu để viết một
cuốn sách về người thi sĩ cùi, sống trong đau thương, chết trong quên lãng.
Thành ra, nhờ một người không Công giáo mà những tên cực thánh Giêsu, Maria đã
trở thành quen thuộc với tôi, qua những bài thơ bất hủ của Hàn Mạc Tử.
Mầu nhiệm đau khổ
và cứu rỗi của đạo Công giáo đã đến với tôi như vậy đó. Cuộc đời Hàn Mạc Tử
không có gì là “Thánh Thiện” nhưng sự đau khổ và chịu đựng trong niềm đau đã
thánh hóa tất cả. Giữa lòng quê hương Việt Nam, Hàn Mạc Tử là một chứng nhân
chân thành của Đức Tin Công giáo[6]...
Chúng ta hãy dừng
lại. Chúng tôi chắc chắn còn thiếu sót. Biết đâu không có những tâm hồn đã tiếp
nhận sứ điệp cứu rỗi của Hàn Mạc Tử mà giữ im lặng hay không có dịp nói lên ý
nghĩ của mình. Nhưng ngay từ bây giờ, qua những hình thức ngưỡng mộ thi sĩ như
kịch, nhạc, thơ, luận, chúng ta có thể cảm thấy Hàn Mạc Tử đã đến với thế hệ
hiện đại với bản sứ điệp in rõ trên khuôn mặt đau thương và xán lạn của nhà
thơ.
Chấp nhận sự đau khổ với Đức Kitô để thoát ly và vươn mình lên một niềm vui tươi sáng ở đời này và để sống lại trong ánh vinh quang của một đời sau bất diệt |
Trên bình diện nhân
bản, Hàn Mạc Tử đã nói lên được cái thắc mắc muôn đời của con người là đau khổ
và cái đau khổ ấy không thể tránh được, những người chạy trốn nó, lại là những
kẻ đáng thương hơn cả. Nhưng đồng thời Hàn Mạc Tử cũng hiến cho chúng ta một
kinh nghiệm giải quyết: Chấp nhận sự đau khổ với Đức Kitô để thoát ly và vươn
mình lên một niềm vui tươi sáng ở đời này và để sống lại trong ánh vinh quang
của một đời sau bất diệt.
Trí óc tôi đang
nghĩ tới cái ơn thiên triệu đau thương mà cao cả của Hàn Mạc Tử thì vừa đọc lại
Hoài Thanh, tôi bắt gặp nhận xét này: “Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng
tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một không khí có thể kết tinh lại
thành thơ. Tôi tin rằng chỉ có những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thật là
những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”[7].
(Bùi Tuân, đoạn kết tiểu luận “Hàn
Mạc Tử và sứ điệp của nhà thơ”,
trích theo Lê Đình Bảng, Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam – Miền Thơ
Kinh Cầu Nguyện, nxb Phương Đông, 2009, trang 323-326)
[1]
Lê Huy Oanh, Con Phượng Hoàng Đẫm Máu tuần báo Nghệ Thuật Số 7
(13-11-1965).
[2]
Nguyễn Mộng Giác, Tình và Đạo trong thơ Hàn Mạc Tử. Luận văn tốt nghiệp
đại học sư phạm Huế, 1963.
[3]
Lê Tuyên, Thi ca cận đại và nỗi lòng thành thực: Hàn Mạc Tử. Đại học sư
phạm Huế. Tập 2, niên khóa 1961-1962.
[4]
Lê Tuyên, Sđd.
[5]
Lý Chân, bút hiệu của ông Lý Chánh Trung, giáo sư triết học tại Đại học Văn
Khoa Sài Gòn. Một ký giả, một cây bút bình luận sắc sảo của tuần báo Sống Đạo
(ông làm chủ bút giai đoạn báo này mới ra mắt).
[6]
Lý Chân, Người thi sĩ cùi. Tuần báo Sống Đạo số 15. Chúa nhật
30-9-1962.
[7]
Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988 tr.
187.