Về đây với những yêu thương hàng ngày

admin
Mã số (VVYT 17-064)

Cấp cứu, cấp cứu… Tiếng còi xe cấp cứu vang lên inh ỏi giữa giờ nghỉ trưa, tôi bật phóc dậy, vội vàng với lấy chiếc áo khoác blue, đi ngay ra cửa.
Một nữ bệnh nhân tên Hoa 35 tuổi cấp cứu trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, sùi bọt mép, chân tay co quắp cứng đơ, người đầy những vết thâm bầm cũ. Hỏi người nhà bệnh nhân mới biết, bệnh nhân tự nhiên ngã đùng ra, giẫy dụa một hồi thì bất tỉnh khi đang cãi lộn với chồng. Tình trạng này kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ rồi mới được đưa tới bệnh viện.
Theo lời khai báo và nhìn những dấu hiệu đặc biệt nơi bệnh nhân, tôi chắc chắn bệnh nhân bị xuất huyết não. Tôi bảo bác sĩ Mai chụp cắt lớp sọ não để xác định vị trí và tình trạng xuất huyết của bệnh nhân. Khi vừa có kết quả chụp cắt lớp, bác sĩ Mai nói:
- Xác định bên trong não phải của bệnh nhân xuất huyết não lên tới 80cc.
- Mau đặt ống nội khí quản, thở máy và mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ngay vì bệnh nhân hôn mê sâu đã lâu. Quyết định dùng phương pháp Freehand Aspiration (là phương pháp loại bỏ tụ máu mà không cần dùng đến thiết bị đinh vị vị trí xuất huyết). – Tôi vừa nói vừa đi thay đồ phẫu thuật.
Lúc này bác sĩ Trung ngăn tôi lại:
- Tôi nghĩ anh nên dùng phương pháp mà bệnh viện vẫn thường làm là dùng máy định vị 3D để phẫu thuật định vị vị rí xuất huyết não. Anh biết phương pháp Aspiration anh dùng lúc này là rất nguy hiểm mà, đúng không?
Nhưng tôi vẫn quyết định sẽ tiến hành Freehand Aspiration vì bệnh nhân đã mất ý thức hơn 3 giờ đồng hồ, để chuẩn bị thiết bị định vị cần mất hơn 1 tiếng nữa, nếu vậy thì nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao.
Tôi vội vàng nói với bác sĩ phụ mổ:
- Liên lạc với khoa gây mê hồi sức và chuẩn bị phòng cấp cứu sớm nhất có thể dùm tôi.
Sau 30 phút vật lộn với ca mổ, cả ekip thở phào nhẹ nhõm. Trong khi tiến hành phẫu thuật tôi đã rất hoang mang và lo sợ khi rút máu tụ bị thất bại đến 2 lần, sang lần thứ 3 mới thành công được. Sau đó bệnh nhân được chuyển tới khoa hồi sức để tiện theo dõi tình trạng phục hồi.
Lúc này, tôi mỉm cười, lòng nhẹ bẫng. Vui vì đã cứu sống được một sinh mạng, vui vì nhìn trong dòng nước mắt của bọn trẻ con chị có mặt ở đó, có một tình yêu dành cho mẹ rất đỗi dịu dàng. Có người từng nói: “Bác sĩ khoa ngoại thần kinh cần phải có một trái tim mạnh mẽ để vượt qua mọi áp lực, một cái đầu lạnh và một đôi tay khéo léo”. Tôi thấy câu nói này có vẻ hơi ngầu chút xíu nhưng nghĩ lại mới thấy nếu lúc nãy tôi không đủ mạnh mẽ thì chưa hẳn cuộc phẫu thuật này đã thành công được.
- Con cảm ơn bác sĩ đã cứu sống mẹ con!
Tiếng nói của hai đứa con chịngắt luồng suy nghĩ của tôi. Tôi cúi người thấp xuống, nhìn hai đứa nhỏ và hỏi:
- Ba con đâu? Sao không thấy vào thăm mẹ?
Nó ngước nhìn tôi với vẻ mặt đầy thất vọng mà chẳng nói chẳng rằng. Biết nó không muốn trả lời, tôi lảng qua chyện khác rồi nói tiếp:
- Hai con nằm giường bên cạnh nghỉ ngơi đi, cuộc phẫu thuật rất thành công, rồi mẹ sẽ tỉnh lại sớm thôi.
Tôi vừa nói dứt lời thì những giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu của hai em. Tôi nhìn thấy những nỗi buồn, những lắng lo và cả những giận hờn nơi đôi mắt đỏ ngầu đó. Tôi định nói vài lời an ủi nhưng ngôn từ lạc đi đâu hết, tôi đặt tay lên vai và nhìn sâu vào đôi mắt các em. Tôi biết, hơn tất cả mọi lời nói, giây phút lặng yên này sẽ giúp hai em cảm nhận được sự an ủi cách nhẹ nhàng hơn. Sau đó, tôi mỉm cười rồi lặng lẽ bước về khoa với những suy nghĩ miên man về phận người.
Khi huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân đi vào ổn định, tôi cho bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase (thuốc làm tan huyết ) để làm tăng hiệu quả sau khi phẫu thuật.

Ngày thứ 4 ý thức bệnh nhân được cải thiện. Ngày thứ 5 bệnh nhân được rút ống nội khí quản, rút dẫn lưu não thất và ăn uống được bằng đường miệng. Ngày thứ 6, tôi đến kiểm tra cho chị, chị nắm lấy tay tôi nói:
- Cảm ơn bác sĩ hen! Tôi tưởng mình đã chết chứ không được như bây giờ! Tôi mà chết thì chẳng có ai nuôi hai đứa trẻ.

Chị nói xong rồi thở một tiếng trượt dài… Tôi nhẹ nhàng vỗ vai và hỏi chị:
- Sao chị không điều trị bệnh tăng huyết áp cho đàng hoàng vô, chị có biết nó là những sát thủ giết chết người thầm lặng không? Còn những vết bầm trên cơ thể chị là sao?
- Bác sĩ ạ, từ cái ngày làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, ông chồng tôi chẳng ngày nào tỉnh táo, sáng say chiều xỉn… về tới nhà thấy tôi, thấy con là la mắng, quát tháo,giận điên lên; có khi ông đánh tôi, đánh cả con nữa! Tôi làm mẹ, tôi không nỡ nhìn cha say đánh con nên cứ lấy thân mình ra đỡ! Tôi chịu vậy cũng hơn năm trời rồi. Không chỉ thế, ổng còn bỏ nhà đi với tình nhân, hết tiền lại về, về rồi lại đi.
- Ủa, rồi chị cứ chịu vậy hoài sao?
Chị gạt nước mắt rồi nói tiếp:
- Nhiều khi mệt mỏi tôi nhìn ông đâm ghét rồi cũng muốn cùng hai con bỏ đi cho xong nhưng lòng tôi không cho phép, tôi còn có trách nhiệm với ổng, với gia đình này. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau, nói bỏ là bỏ sao được bác sĩ!
Lại là những tiếng thở trượt dài, trượt dài mãi… Giữa tháng 3 trời Sài Gòn có những trận mưa bất chợt, chẳng phải lòng người cũng vậy sao, hết yêu rồi ghét, hết ghét lại yêu mà chẳng cần lý do gì cả. Tôi nhìn đôi mắt xanh thẳm của chị thấy ẩn bên trong đó là một tình yêu vĩ đại mà không phải ai cũng có thể làm được!
- Bác sĩ hỏi gì? À, cả nhà tôi theo đạo Thiên Chúa Giáo, nơi đó cho tôi một niềm tin vững vàng để trải qua những ngày giông bão cuộc đời. Nếu không có chỗ dựa đó, tôi nghĩ tôi đã không sống đến ngày hôm nay. Niềm tin cho tôi lối đi về nơi ẩn náu bình an, bác sĩ ạ.


- Hèn chi mấy nay em cứ thấy chị lần chuỗi, em còn tưởng chị theo Đạo Phật chứ. Sau khi xuất viện rồi chị tính sao? Hay cứ về rồi chịu trận mãi vậy?
- Tính thì tính sao giờ bác sĩ, giờ tôi chỉ còn biết chờ đợi phép màu.
Chị trả lời mà lòng nhói đau. Thật ra đứng trước những điều đó, con người ta hoàn toàn bất lực mà chỉ biết tin vào phép màu, bám vào Thượng Đế. Tự nhiên lúc này tôi nhớ tới câu thơ của ông bạn từng nói:
“ Ẩn trong bùn sâu thẳm
Đủ duyên sẽ bừng lên
Đừng nhìn tâm phân biệt
Thánh – Phàm cũng là em”


Và người phụ nữ này là vậy, chị vui lòng đón nhận mọi điều đến với mình, đón nhận hoàn cảnh cuộc sống mà không trốn tránh hay thoái lui, đón nhận ông chồng với những gì ổng là.

- Chị, em khâm phục chị quá chừng! Lý do nào đã giúp chị có thể sống rộng lượng đến thế?
Chị nhẹ nhàng đáp:
- Không biết bác sĩ có hiểu không nhưng đó là nơi Jesus, chính Người đã đi trước cho tôi noi theo. Có người từng nói rằng: “Sống ở đời mắc lỗi lầm không sợ, chỉ sợ lòng người không đủ bao dung…” nên tôi sợ lòng mình hẹp hòi lắm bác sĩ!
- Đúng rồi chị, mà thôi, chị an tâm nghỉ ngơi đi. Đây, số điện thoại của em, sau này cần khám lại hay bị gì cứ gọi cho em. Giờ em về khoa làm việc chút xíu.
Rồi chị cảm ơn tôi vì đã nghe chị thổ lộ lòng mình. Chị cho biết, việc chia sẻ này làm chị thấy thoải mái hơn so với việc để mãi tròng lòng.

Tôi cũng cám ơn chị vì sự tin tưởng mà chị đã dành cho tôi. Sau đó tôi mỉm cười với chị, vừa đi vừa nghĩ:
Chị gieo yêu thương rồi sẽ gặt được yêu thương bởi chẳng có yêu thương nào là vô nghĩa trong đời dù là để gió cuốn đi! Người nào giang rộng đôi tay, người đó ôm trọn tất cả. Người nào khép lại cửa lòng, sống chỉ vì mình… thì sẽ gặt đau thương và cô đơn!
Cuộc đời mà, có phải khi nào cũng êm xuôi, giông bão cứ tới, đau khổ chẳng phân biệt loại trừ ai; đó chẳng phải là quy luật vẫn vòng xoay một kiếp người đó sao! Nhưng cuộc đời cũng không phải là ngồi chờ cho những cơn bão đi qua, nhưng là tập “khiêu vũ” trong cơn giông tố đó và nếu ta mang yêu thương đi cùng thì cơn bão mới qua đi và phép màu sẽ tới, ánh nắng sẽ lên. Rồi những con người như chị sẽ được hạnh phúc thôi, vì chị trao yêu thương và tha thứ, đó chính là tặng vật vô giá mà chị đã cho đi, gầy dựng giữa cuộc đời lắm nỗi thị phi, ngang trái này.
Thiệt, hình như phần lớn những người phụ nữ Đạo Công Giáo nói riêng luôn sống theo cách đó, dù họ biết họ đang chịu nhiều thiệt thòi, họ hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh cả cuộc đời để xây dựng tổ ấm. Những người phụ nữ này như những người kỹ sư, họ hoạch định công trình bằng lòng can đảm; họ xây lên những công trình to lớn bằng chất liệu yêu thương và bằng sự khéo léo của một người phụ nữ. Dù mưa giông bão táp công trình đó vẫn kiên cố đứng vững vàng vì những chất liệu riêng biệt mà Thượng Đế tặng riêng cho họ. Và rồi chúng đi vào lòng đời, ở đó và sống mãi.
Ở đâu đó tôi thấy mùi hương nhẹ nhàng của những đóa hoa ẩn mình tỏa hương, chỉ vài hạt sương thôi đã tươi tắn lắm rồi. và những người kỹ sư đó luôn là thế, họ chẳng mong chẳng cầu hay trốn tránh gì cả. với sự kiên định, họ thản nhiên đón nhận mọi việc may rủi đến với mình và họ biết rằng: mỗi ngày một viên đá yêu thương là mỗi ngày công trình họ đi vào hoàn thiện.
Mưa dường như đã tắt, những tia nắng ấm len lỏi xuyên qua những kẽ lá và chiếu lên những giọt nước đang đọng lại trên những tán lá làm cho ánh nắng thêm long lanh, nhẹ nhàng.
Ừ thì, bao dung và tha thứ là dấu chỉ của tình thương và như là những tia nắng ấm chiếu vào những trái tim băng giá vậy. Khi mang yêu thương trong tim mình, chúng ta sẽ nhìn thấy những lỡ lầm của người khác vẫn còn chỗ để thương và trong những hoang tàn đổ nát của xã hội vẫn còn chỗ để dành cho niềm tin.
Sáng nay tôi ngồi ở hiên nhà vừa nhâm nhi ly trà tam thảo thơm ngon vừa nhìn những chú chim hót vang trong nắng mới thì nhận được cuộc gọi từ chị:
- Bác sĩ, bác sĩ ơi, phép màu xảy đến với gia đình tôi rồi. Sáng nay ổng xin lỗi tôi và các con, rồi còn cảm ơn, hứa thề này nọ… Tôi vui quá bác sĩ ơi! Như là mơ vậy…
- Em chúc mừng chị và gia đình chị hen. Chẳng phải tình yêu và lòng quảng đại của chị đã làm nên phép màu đó sao!
Trên chiếc xe đạp dạo quanh thành phố, tôi từ từ để lòng mình hòa theo làn gió se lạnh của buổi sáng Sài Gòn, vừa đạp xe vừa hát nghêu ngao:
“Rồi đây anh sẽ đưa em về
Nhà đôi ta xinh xinh nhỏ bé
Con chim nào thường hay hót
Con bướm nào thường hay bay
về đây với những yêu thương hàng ngày”