V. Miền an Thánh: Mẩu chuyện thực tế

vanthoconggiao.net

Viết đến đây, tôi cảm nghĩ rằng nhà thơ có một lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhà thơ không coi tràng chuỗi Mân Côi như là một phương tiện cầu nguyện, nhưng khi cầu nguyện bằng việc lần hạt, nhà thơ đã đi vào bình an trong tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria một cách nhẹ nhàng. Phải có một trải nghiệm thực tế với một niềm xác tín mãnh mẽ mới có thể cảm nhận được việc lần hạt Mân Côi đưa chúng ta vào sự nhiệm hiệp với Thiên Chúa như thế nào. Chính việc trải nghiệm đó, nhà thơ mới có thể phóng bút viết lên những lời kết một cách tín thác đầy bình an.

“Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.”




Nếu để ý đến một em bé đang nằm ngủ bên mẹ, bé không đưa tay thì cũng gác chân tựa lên người mẹ, hoặc ôm người mẹ. Nó không coi người mẹ như một phương tiện để giúp nó say giấc, nhưng người mẹ chính là sự bình an của nó. Chỉ cần người mẹ buông bé ra là bé tỉnh giấc và đòi ngay. Phải để bé ngủ thật say và thật khẽ khàng, người mẹ mới có thể rời bé đi làm việc khác.

Đứa bé sẽ không biết ai ngoài người mẹ của nó. Nó chỉ biết người mẹ là nơi nương tựa vững chắc nhất. Nơi người mẹ, nó được bú mớm, được cho ăn, được chăm sóc, được đùa giỡn, được vòi vĩnh, được ru giấc… Đứa bé nhìn Mẹ nó như là tháp canh luôn che chở và gìn giữ nó.

Đi qua một quán tạp hóa nhỏ ở ven đường, một cụ già ra bán cho tôi vài món hàng, trong tay cụ còn đang cầm tràng chuỗi Mân Côi. Cụ cẩn thận đeo tràng chuỗi yêu thích ấy vào cổ rồi lấy hàng cho tôi, rồi sau đó cụ lại tiếp tục lần hạt. Như em bé tựa vào mẹ trong giấc ngủ bình an, cụ già đã không muốn rời Người Mẹ thánh thiêng của mình một giây phút nào cả. Một hình ảnh quá đẹp và tuyệt vời phải không các bạn.

Thế nhưng ngày nay, vật mà hầu như mọi người luôn cầm trong tay không phải là tràng chuỗi Mân Côi mà là chiếc điện thoại di động đa năng. Từ người lớn cho đến em bé mới học mầm non đều dán mắt vào chiếc điện thoại của mình. Chiếc điện thoại là niềm vui, là người bạn không thể thiếu của họ. Đi làm hay đi học về, mỗi người đều nhanh chóng và lặng lẽ dõi tìm những điều mà mình ưa thích trong đó. Cha có máy của cha, mẹ có máy của mẹ, con có điện thoại của con. Cho nên bữa ăn chung của gia đình khó mà được hiện diện đầy đủ, huống chi là giờ đọc kinh tối chung với nhau. Nếu cha mẹ không nhắc nhớ, chắc các con cũng quên tạ ơn Chúa đã ban cho mình mọi ơn lành trong ngày và dâng hồn xác cho Ngài gìn giữ trong đêm.

Được dịp tiếp xúc với những người bệnh và những người lớn tuổi sức đã yếu, lực đã kiệt. Họ biết ngày về Nước Trời không còn xa, ngày gặp lại Chúa và Mẹ Maria đã đến gần. Tôi thấy trên tay họ lúc nào cũng cầm tràng chuỗi Mân Côi. Hình như họ lần chuỗi cả ngày trong giường bệnh, trên ghế tựa, mọi nơi mọi lúc. Đó là công việc duy nhất mà họ còn có thể làm được. Hỏi thăm mới biết họ lần chuỗi là để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho các Giám Mục, các Linh mục, các Tu sĩ; cho linh hồn ông bà cha mẹ còn nơi luyện ngục, cho gia đình, cho con cháu, cho cả những ai cần nhờ đến sự cầu nguyện của họ và cho chính bản thân được ơn chết lành. Chắc chắn những con người đó đã cảm được ơn an ủi, ơn nâng đỡ hoặc một điều gì rất thánh thiêng mà chỉ có họ với Chúa biết mà thôi.

Có thể ví von một cách dí dỏm như những người đi du lịch nước ngoài. Mỗi người công giáo khi sinh ra đều được làm phép rửa tội và ghi vào sổ gia đình công giáo. Đó như là một tấm hộ chiếu xác nhận l‎ý lịch công giáo của chúng ta thuộc giáo họ, giáo xứ, và giáo phận nào. Nhưng để được thị thực nhập cảnh vào Nước Trời, mỗi người phải chứng minh được tài sản của mình đủ để tránh rủi ro khi đi du lịch. Những người đau yếu, già cả đâu còn khả năng để làm ra lợi nhuận, họ không còn tiền, hết cả vàng bạc, cũng chẳng có cuốn sổ đỏ nhà đất nào nữa. Mà nếu có thì thánh Phêrô cũng chẳng phê duyệt mấy thứ đó, vì nó chẳng có chút giá trị nào trong Nước Trời, bởi vì nó không thể chuyển đổi giá trị ương ứng trong Thiên Quốc. Nhưng chuỗi Mân Côi là tài sản thiêng liêng mà Đức Mẹ đã trao cho con cái mình để sinh ra những lợi ích thiêng liêng quá đủ và dư thừa để chúng sinh ra những điều tốt lành nếu chúng ta siêng năng lần hạt. Có thể nói một cách không quá, chuỗi Mân Côi như là dấu thị thực của Nữ Vương Thiên Đàng cấp cho chúng ta nhập cảnh vào Nước Trời mà các thiên sứ chỉ còn cách xác nhận cho vào.

Lê Tín Hương

“Trên chuyến xe lửa từ Paris xuống mìền nam nước Pháp. Hành khách đông nghẹt, ồn ào, kẻ lên người xuống, hàng hóa ngổn ngang. 1 chàng sinh viên khoa học đang cố gắng len lỏi tìm chỗ ngồi. Bất giác chàng thấy 1 Ông cụ già đang ngồi lâm râm lần hạt Mân Côi. Chàng liền đến ngồi bên Cụ, thực chất là để xem Ông Cụ già lẩm cẩm này làm cái gì, thời buổi văn minh bây gìờ mà còn ngồi đọc mấy cái kinh nhảm nhí. Chàng mở to tờ bào khoa học có đăng hình nhà bác học Louis Pasteur, đang nghiên cứu về 1 đề tài bàn luận về vi trùng học. Anh vội chạy lại vỗ vai Ông Cụ, và nói: Bác có cần sách báo gì để đọc, cho cháu điạ chỉ, cháu sẵn sàng gửi đến cho Bác. Thời nay văn minh rồi, ai còn tụng niệm như Bác nữa. Ông Cụ gật đầu, đọc hết kinh kính mừng, Cụ mở ví ra , rút 1 tấm danh thiếp đưa cho chàng sinh viên. Chàng cầm tấm danh thiếp và đọc: “ Bác Học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học.” Chàng sinh viên bật ngửa, kêu to lên: thì ra đây là 1 vị đại Giáo sư mà mình đang là học trò của Ông. Chàng lìền so sánh hình chụp trong tờ báo khoa học, và hình ông Cụ nhà quê đang ngồi lần chuỗi Mân Côi, thì giống y chang. Chàng liền quỳ xuống bên cạnh Ông Cụ, xin lỗi, và cúi hôn chuỗi hạt Mân Côi mà Cụ đang cầm trong tay. Rồi chàng trở về chỗ ngồi , nét mặt đăm chiêu, suy nghĩ, và hối hận….Còn Ông Cụ vẫn tiếp tục lần chuỗi Mân Côi….”
(100 truyện tích Mân Côi)


Một nhà bác học vĩ đại, đầy danh tiếng và uy tín khắp thế giới như Louis Pasteur mà vẫn yêu kính Mẹ Maria. Ông đã sử dụng mọi thời gian có thể để ca tụng Thiên Chúa và nhớ đến Đức Mẹ. Điều đó minh chứng rằng, những thành công, những vinh quang nơi trần thế không làm nhà bác học bận tâm cho bằng việc liên lỉ được kết hiệp với Thiên Chúa và Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. 

“Đời lóng lánh thơ không còn ao ước
Những lắng lo chẳng xao động nữa rồi
Bao phiền muộn tâm buông xin nhường bước
Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.”

Có bao giờ chúng ta dành chút thời gian lần hạt để chiêm ngắm Mẹ Maria chưa? Chúng ta có cảm nhận được sự yêu thương mà Mẹ dành cho con cái của Mẹ không? Những ai đã từng sống xa quê hương, nếu có lòng nghĩ đến tổ quốc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến cha mẹ và những người thân thương, hầu như đều cảm nhận được tình cảm quí báu mà những người thân dành cho mình và họ vô cùng trân trọng những tình cảm thiêng liêng cao quí đó.

Nhưng có lẽ chúng ta ít cảm nhận được tình thương mà Mẹ Maria dành cho chúng ta, những người con đang sống xa Mẹ nơi trần gian đầy những hiểm nguy và bất trắc. Không phút giây nào Mẹ ngơi cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước Nhan Thiên Chúa. Bằng mọi cách có thể, Mẹ gìn giữ và hướng dẫn mỗi người chúng ta tránh những hiểm nguy phần hồn, những tai ương phần xác để bình an trở về đoàn tụ với Mẹ trong Nước Trời.

Hiểu được tình thương của Mẹ dành cho chúng ta, thì ngay bây giờ mỗi người hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi và lần hạt đi, để có thể chiêm ngắm và cảm được hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Trong tâm tình sốt mến, việc lần chuỗi Mân Côi không đòi buộc chúng ta phải đọc nhiều hay ít, miễn sao việc cầu nguyện đơn giản đó giúp tâm hồn chúng ta vượt qua những lo lắng buồn phiền, những chán nản thất vọng, những tị hiềm đố kỵ, những ngờ vực hiểu lầm… và cầu thay nguyện giúp cho kẻ khác để mọi người đều có thể nhận được những ân sủng thiêng liêng giúp chúng ta giữ vững được đức tin giữa cuộc sống xô bồ đầy nhiễu nhương. Và lúc này, giai điệu và ca từ bài “Nguồn cậy trông” của nhạc sĩ Hoàng Vũ, làm cho trái tim tôi thổn thức nhịp yêu

1.Mẹ ơi, bao người lạc bước lưu đày,
ngày tháng chơi vơi như thuyền nan giữa khơi.
Đoàn con xin Mẹ, Mẹ hãy thương tình,
dìu dắt con thơ qua hiểm nguy cõi đời.
ĐK: Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không.
Hỡi Mẹ Thiên Chúa xin hãy lắng nghe con nài van.
Mẹ nguồn an vui. Ôi! Nữ Trinh là nguồn an vui.
Hết tình kêu khấn, con tin chắc Mẹ thương nhận lời.

Có thể nói, bài “Miền An Thánh” của thi sĩ Song Lam là một bài thơ ca ngợi tình yêu Thiên Chúa và Đức Mẹ dành cho loài người. Chúng ta cảm nghiệm tình yêu cao cả đó qua việc lần chuỗi Mân Côi kết hợp với sự suy ngắm 20 mầu nhiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bài thơ như là một cầu nguyện, một lời kêu gọi, khuyến khích và cổ động việc lần chuỗi cho từng cá nhân, cho mỗi gia đình, cho mỗi xứ đạo và cho toàn Giáo hội. Đọc lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy biết bao ơn ích mà Đức Mẹ đã cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa cho Hội Thánh và cho mỗi người con của Mẹ luôn giữ vững được Đức Tin tinh tuyền như lòng Chúa mong ước. Những chứng tích đó còn lưu dấu nơi Linh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Linh Địa Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, Linh địa La Vang ở Việt Nam… và nhiều nơi khác trên thế giới.




Để minh chứng cho điều nói trên, tôi xin mạn phép trích dẫn câu chuyện Về bên Mẹ La Vang của bà Lê Tín Hương hiện ở California. Bà là một nhạc sĩ, cũng là một nhà văn, đã kể câu chuyện về Ơn Lạ của Mẹ La Vang ban cho gia đình bà cách đây 40 năm.

Liên tưởng đến buổi Thánh Lễ Ðại Trào mà tôi sẽ tham dự sáng nay, khai mạc năm Toàn Xá 200 năm Ðức Mẹ Lavang và kỷ niệm 10 năm phong thánh, 117 vị anh hùng Tử Ðạo Việt Nam. Tôi bỗng thấy lòng lâng lâng xúc động. Ngoài sự cảm phục về tấm gương sáng ngời tình yêu và tuyên xưng đức tin của các Thánh Tử Ðạo, thì mỗi khi nhắc đến Mẹ Lavang, là gợi lại trong tôi hồi tưởng về một khung trời thơ ấu xa xưa với biến cố trọng đại đã đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày mưa gió như hôm nay…
Năm 1958, ba tôi làm việc tại bệnh viện Trung Ương thánh phố Huế. Mỗi tháng ông vẫn cùng các bác sĩ đi thanh tra các bệnh viện nhỏ ở các vùng lân cận. Hôm ấy, ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.
Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy trời mưa lạnh. Những cơn mưa mà những ai đã từng ở Huế chắc chắn không thể nào quên được. Mưa tầm tã, rả rích kéo dài từ ngày này sang ngày khác tưởng chừng như vô tận. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Chiếc xe chở ông cùng ba vị bác sĩ và một nhân viên bệnh viện đã đón ông ở ngoài cổng. Ba tôi mặc vào người chiếc áo jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vàng ra xe.
Bước xuống mấy bậc thềm ông gặp ngay cha Luận đang bước vào. Cha Cao Văn Luận cùng quê quán với cha tôi, Ngài rất gần gũi và thương yêu gia đình tôi. Một trong những mong mỏi của Ngài là được thấy gia đình tôi theo Ðạo.
Tuy rất kính và quý mến cha nhưng điều đó với ba mẹ tôi là một trở ngại lớn, không thể nào thực hiện được. Cả hai bên nội ngoại tôi không ai có Ðạo. Mẹ tôi đồng thời lại là một Phật Tử. Bà đã quy y, pháp danh Nguyên Khai. Bà cũng đã từng xây chùa cho làng ngoại tôi tại Huế. Mẹ tôi là một người đàn bà có học. Như đa số những bà mẹ Việt Nam khác rất hiền lành và nhẫn nhục. Cả cuộc đời hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngưỡng thì lại rất cương quyết, chẳng thể nào lay chuyển được. Ba tôi biết thế nên ông rất tôn trọng mẹ tôi mặc dầu ông rất kính mến cha Luận.
Cha Luận gặp ba tôi, Ngài bắt tay rất vui vẻ, Ngài đưa cho ba tôi một tấm ảnh và bảo: “Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Tôi kính cho ông một tượng ảnh của Mẹ Lavang. Ðức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng. Ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện.”
Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của chiếc áo da. “Con phải đi ngay cha à, mọi người đang đợi con ở ngoài kia.” Vừa nói ba tôi vừa chào từ giã cha rồi ra xe.
Tôi nhìn theo chiếc xe chở ba tôi khuất dần, khuất dần sau màn mưa dày đặc…
Buổi chiều trong khi người nhà chuẩn bị bữa cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện “những kẻ khốn cùng” (les misérables) của văn hào Victor Hugo thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa đã bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị và chìm xuống sông. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình ra ngay hiện trường để nhận xác đồng thời để tẩm liệm tại chỗ cho thân nhân…
Trước biến cố bất ngờ đó, mẹ tôi như người bị sét đánh. Bà run rẩy sững sờ ôm lấy tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ lúc ấy… (giờ đây sau biết bao lần chứng kiến những chia ly, tử biệt, tôi mới ngậm ngùi thấm thía được niềm đau đớn của những nỗi đợi chờ tuyệt vọng), chỉ biết là đã nhìn thấy mẹ đầm đìa nước mắt và cả chúng tôi nữa…
Ngoài kia dòng lệ của đất trời vẫn hững hờ rơi…
Mẹ tôi và chị em tôi theo chiếc xe của bệnh viện ra Quảng Trị nhận xác cha. Ðến nơi, tại một trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba vị bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên. Còn thi hài của ba tôi thì chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được ba tôi nhưng mọi người xác định là ông cũng cùng một số phận với những người đã tử nạn; nhất là ông đã chìm sâu dưới lòng nước quá lâu. Mẹ tôi mặt mày bạc nhược tái xanh, mắt đỏ hoe vì khóc, đứng ở một góc phòng chờ đợi…
Thân nhân của các nạn nhân đều đã tới, tiếng kêu gào khóc kể nghe rất não lòng. Tôi vừa buồn vừa sợ, mơ hồ cảm thấy một khúc quanh nào đó thật ngặt nghèo đang chờ đợi gia đình tôi.
Em tôi vì còn nhỏ, có lẽ chưa hiểu lắm, nép trong lòng mẹ ngơ ngác nhìn quanh: “Ba đâu, ba đâu mẹ!” Mẹ tôi chưa kịp dỗ dành em thì bỗng có tiếng người la lớn:
“Ðây rồi, vớt được xác sau cùng rồi!”
Là ba đó, mẹ tôi chạy nhào tới.
Phải rồi, người ta đang khiêng ba tôi vào, đặt ba tôi nằm trên chiếc băng ca.
Lại có tiếng người la lên: “Trời ơi! Ông ta hình như chưa chết. Còn thở. Hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp nhân tạo ngay đi!”
Và ba tôi quả còn sống thật! Mẹ tôi quỳ xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt một lần nữa tuôn dầm dề trên má mẹ, nhưng lần này là những giòng nước mắt hạnh phúc không ngờ…
Chúng tôi quỳ chung quanh chiếc băng ca nơi ba tôi đang nằm.
Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng nói thật yếu ớt, câu nói đầu tiên mà tôi không bao giờ quên được: “Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà, Ðức Mẹ Lavang đã cứu ba.”
Nói xong ông đưa tay vào trong túi áo da lục lọi kiếm tìm, và sau đó ông rút ra tấm ảnh Ðức Mẹ Lavang. Tấm tượng ảnh mà cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Tấm ảnh đã ướt sũng và đậm màu vì thấm nước, nhưng hình Ðức Mẹ với chiếc áo choàng xanh vẫn còn in rõ nét.
Ba tôi nói tiếp: “Ðây chính Bà này đã cứu ba, Bà đã lôi ba, lúc ấy đang mắc kẹt trong xe, ra khỏi cửa xe. Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói Ta là Ðức Mẹ Lavang, Ta đến cứu con.”
 Tôi chợt nghĩ lại, nếu ngày hôm đó ba tôi không vội vàng ra đi, và có thời giờ để tiếp chuyện với cha Luận. Có lẽ bức tượng ảnh Ðức Mẹ Lavang đã bị quên trong một ngăn kéo nào đó cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi.
Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em đã rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị linh mục thân thiết của gia đình tôi, cha Cao Văn Luận, cha Ngô Văn Trọng lúc bấy giờ là cha Chánh Xứ họ đạo Phanxicô, hay còn gọi là Nhà Thờ nhà nước, nơi mà gia đình tôi cư ngụ, và cha Vũ Minh Nghiễm, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã dày công dạy giáo lý cho chúng tôi. Cả ba vị linh mục này đã dâng thánh lễ và ban phép rửa tội cho chúng tôi.
Theo lời xin của ba tôi, để cảm tạ ơn thánh của Ðức Mẹ, lễ rửa tội được tổ chức tại Thánh Ðường Ðức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vô cùng vui mừng hân hoan, và tin tưởng lần chuỗi mân côi cảm tạ ơn Ðức Mẹ mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt bà là một tín đồ sốt sắng, sùng kính Ðức Mẹ tuyệt đối. Ðây là những hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.
Tôi còn nhớ rõ sau thời gian gia đình chịu phép rửa tội. Mẹ tôi đã chịu đựng nhiều lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết. Họ cho rằng gia đình tôi theo đạo là để mưu cầu cho một quyền lợi nào đó. Về phần chúng tôi khi đến trường cũng nghe những lời đàm tiếu của bạn bè. Mỗi lần than vãn với mẹ thì mẹ lại khuyên răn chúng tôi: “Ba là cột trụ và là nguồn sống của gia đình chúng ta. Vì thế dầu có chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Ðức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta.”
Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cũng là một biến cố trong lịch sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90. Ông vẫn còn kính tấm tượng ảnh năm xưa đã cứu ông trên bàn thờ. Tấm ảnh Ðức Mẹ ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông đều đọc kinh lần hạt cảm tạ Ðức Mẹ.
Câu chuyện mầu nhiệm này đã được chúng tôi thường xuyên kể lại cho con cháu nghe, như là một câu chuyện thần thoại nhưng có thật. Xẩy đến từ một trong những phép lạ của Ðức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.
Ngày đại lễ hôm nay trời cũng mưa. Tôi lái xe trong cơn mưa như trút nước, Lòng hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa. Có ánh sáng niềm Tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Có Tình Yêu bao la rộng mở của Ðức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên mười…
Tôi lắng nghe những lời huấn từ của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Bằng giọng nói rõ ràng trầm ấm, Ngài nhắc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Qua biết bao nhiêu thăng trầm gian khổ có máu, có nước mắt và ngày nay đã được thăng hoa với 117 Vị Thánh Tử Ðạo. Gia đình ngài cũng đã theo Chúa cách đây 300 năm, với những thử thách cùng với nhiều ân sủng của Chúa, của Ðức Mẹ, đặc biệt là Mẹ Lavang. Ngài cũng kể lại những phép lạ mà Ðức Mẹ đã ban, trong đó có phép lạ chữa lành bệnh cho cha cố Trọng, cha Linh Hướng của gia đình tôi.
Tôi tự cảm thấy gia đình mình may mắn, đã được hưởng một ân sủng quá đặc biệt đến từ Tình Yêu bao la không bờ bến của Ðức Mẹ.
Trong cái lạnh của mùa Ðông, lòng tôi bỗng nhiên ấm cúng. Tôi thấy tâm hồn như nở hoa. Ðóa hoa Yêu Thương trong vườn hoa rực rỡ của niềm Tin. Tôi hy vọng sẽ mãi mãi là đóa hoa đầy hương sắc, không bao giờ héo rũ úa tàn. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ, cúi đầu để che dấu dòng lệ cảm xúc đang âm thầm rơi. Dòng lệ của hơn bốn mươi năm trước kể từ khi gia đình tôi được ơn lạ của Ðức Mẹ Lavang, trải qua biết bao sóng gió bể dâu… Có lúc đã ngưng đọng, có lúc tưởng chừng bị lãng quên, hôm nay lại từng giọt chảy dài… Những giọt lệ vui mừng. Những giọt lệ bồi hồi nhắc nhở tôi niềm hạnh phúc được nương náu trong Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa, của Mẹ Maria.
California, Chúa Nhật ngày 22 tháng 2 năm 1998


Chỉ duy nhất có một tấm hình của Mẹ La Vang mà người cha của nhạc sĩ, nhà văn Lê Tín Hương được cứu sống và cả gia đình được ơn trở lại với Chúa. Có lẽ mỗi người chúng ta nên xét lại niềm tin và lòng yêu mến của mình đối với Mẹ Maria. Một người Mẹ luôn âm thầm cứu giúp, gìn giữ những người con của Mẹ nơi trần gian đầy những cạm bẫy và hiểm nguy mà chúng ta lại hờ hững sao đành.

Tuổi trẻ ngày nay hình như không còn thói quen đem theo tràng chuỗi Mân Côi bên mình, dù là tràng chuỗi chỉ nhỏ gọn 10 hạt như vòng đeo tay hay như chiếc nhẫn. Trong ví da hay túi xách, hình ảnh mà họ đem theo là hình của những người mà họ yêu mến hoặc yêu thích nhất. Có thể là hình cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu hay một thần tượng điện ảnh, ca nhạc, bóng đá… rất ít một ai có ảnh của Chúa Giê-su hoặc ảnh của Đức Mẹ và nhất là áo Đức Bà thì hầu như không còn thấy tuổi trẻ tôn kính và sùng mộ nữa.

Có một thiếu nữ thuộc gia đình đạo hạnh, trong dòng họ có nhiều anh chị em dâng mình cho Chúa làm nữ tu và Linh mục. Tối nào cô cũng đọc kinh và lần hạt Mân Côi chung với cha mẹ và anh chị em. Cô lớn lên lập gia đình và có một cuộc sống bình an rất hạnh phúc. Nhưng chính trong sự đầy đủ đó, cô dần dần thích hưởng thụ, thích làm theo ý mình và xao lãng việc đọc kinh tối và lần hạt chung với gia đình. Cô thích thể hiện cá nhân mình hơn là thể hiện hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa. Ngày xưa cô đơn sơ trong trắng chừng nào thì ngày nay dù đã là một phụ nữ có tuổi nhưng cô vẫn thích

“Duyên hồng trần từ nay càng lưu luyến
Cứ thỏa tình mây gió chuyện trăng sao”

Không những thế, cô còn quá coi trọng tiền bạc của cải. Cô quí những vật chất mau qua đó hơn cả tình nghĩa chồng con. Cô keo kiệt và bủn xỉn đến nỗi không người giúp việc nào ở được.

“Vàng lóng lánh cất đầy rương là được
Kẻ khó nghèo chẳng xao động làm chi”

Hậu quả là cô ngày càng xa cách Chúa, xa cách chồng con và cả anh chị em trong gia tộc. Mọi người thương và tiếc cho cô, nhưng vẫn luôn cầu nguyện cho cô mau hồi tâm quay lại với Chúa và với gia đình. Bởi vì mọi người đều tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và quyền năng của Đức Mẹ.

Đây là một bài học cho những ai lơ là việc lần chuỗi Mân Côi. Tràng chuỗi rất đơn sơ, những lại là một vũ khí vô cùng lợi hại để chống lại sự dữ luôn tìm cách lôi kéo làm chúng ta sa ngã, đi vào con đường tội lỗi.


 (còn tiếp)
Bình Nhật Nguyên