Thời kỳ xoa dịu

Quang X Nguyen

Một số tập thơ của Hàn Mạc Tử
Một số tập thơ của Hàn Mạc Tử

Tập thơ Xuân như ý là cánh cửa mở rộng để thi nhân đưa tâm hồn mình vào địa hạt siêu tưởng, một cõi nhiệm mầu bao trùm một thứ ánh sáng siêu thoát:
Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc
Sáng bao la vây lút cõi thiên không
 (Ra đời)
Một buổi chiều của cuộc đời, nhưng chính là một bình mình của tâm thức đi tìm ý nghĩa của hiện hữu:
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng
Muôn ý tứ say chìm nơi bất giác
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc
A! A! A!
Thiên địa đắm hoang mang....
Một nguồn lạc thú tự nhiên đến với thi nhân khi nỗi lòng không còn đắm đuối trần tục nữa. Không có một nguồn vui nào so sánh nổi, thi sĩ vừa nghe, vừa thấy, vừa ngửi và cũng vừa va chạm. Tất cả tri giác thi nhân đi vào con đường sáng tạo – sáng tạo ý thức nhân sinh:
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời...
(Ra đời)
Tiếng kêu thất thanh của Hàn Mạc Tử như tiếng kêu sung sướng. Mà không sung sướng sao được khi tìm thấy một vùng ánh sáng huyền diệu có thể rọi tan được nỗi đau khổ của mình.
Trong lời tựa Xuân như ý thi nhân cho đó là cõi sống “bình an cả và thiên hạ”. Thi nhân thấy từ đó phát ra hơi ấm của cuộc đời, và là điểm khởi đầu của “cứu rỗi”.
Để ý thức mình đặt lên một căn bản chân lý, thi nhân chỉ cho loài người cùng đi vào nguồn ánh sáng đó:
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)
Và ta hãy xem thi nhân vẽ trong tưởng tượng cái mùa xuân đầu tiên của vạn vật đang vươn mầm sống trên quả địa cầu mới lạ:
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn.
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên.
Những tư tưởng cao siêu, thanh khiết đã tạo ra những lời thơ cao siêu thanh khiết ấy phần nhiều do ảnh hưởng ở Đạo giáo.
Trong khổ đau, thác loạn tâm hồn, thi nhân đã tìm về cõi đạo và kêu gọi phép tắc mầu nhiệm của giáo lý để cứu rỗi:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
....
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả hàn giang cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng.
 (“Thánh nữ Đồng trinh Maria”)
Hàn Mạc Tử đã được giải thoát, quên hết đau khổ  trên thể xác, và cảm thấy tâm hồn tràn đầy an ủi.
Hàn Mạc Tử đã được giải thoát, quên hết đau khổ
trên thể xác, và cảm thấy tâm hồn tràn đầy an ủi.
Ở địa hạt huyền diệu của tôn giáo này, thực tế thi nhân đã được giải thoát. Điều chắc chắn là thi nhân đã quên hết đau khổ trên thể xác, và cảm thấy tâm hồn tràn đầy an ủi:
Đã no nê, đã bưa rồi thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa
Đương cầu xin ọc thơ ra dường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau...
Trên chín tầng, diêu động cả trân châu...
 (Đêm xuân cầu nguyện)
Nhận xét Hàn Mạc Tử về phần ánh sáng lạ của “Đạo Mầu”, ông Trần Thanh Mại có ghi ở quyển Thân thế và thi văn Hàn Mạc Tử như sau:
“Thi sĩ quá say sưa trong bầu không khí lạ của cõi trời mới chiếm, nên quên mất lối đi về, con đường nó còn dính líu với người thế gian. Thi sĩ đã lạc đường ra ngoài mức, ngoài trình độ lĩnh hội của người thế gian, nghĩa là ngoài cả lĩnh hội của chính thi sĩ nữa. Như viên phi công trẻ tuổi kia, say sưa vì cái hơi rượu vinh quang, sau khi đã thành công trong một cuộc phi thường mạo hiểm, cứ muốn đi xa hơn nữa, lên cao hơn nữa cứ muốn chinh phục thêm những trời mới, đến nỗi một ngày kia lỡ trớn mãi không về, mà rồi không ai biết con người tài hoa ấy ra làm sao nữa”.

Nguyễn Tấn Long
(Trích theo PCĐ-2, 286-288)


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 213-215.